Số 22 - Phác họa Mỹ Latinh 1997

08:40 26/03/2012

Phác họa Mỹ Latinh 1997

Tác giả: Phạm Triệu Lập.

Bức tranh chính trị, kinh tế và xã hội Mỹ Latinh(MLT) năm 1997 mang những gam mầu sáng tối xen kẽ, phác hoạ nên những nét tích cực cũng như tiêu cực rất tiêu biểu của Chủ nghĩa tự do mới (Neoliberalismo) đang được áp dụng rộng rãi ở khu vực này.

Dân chủ, hoà bình và ổn định được đẩy mạnh:

Quá trình dân chủ hoá, hoà bình và ổn định tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ ở MLT. Kết quả Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 của các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha họp ở Venezuela tháng 11/1997 là một thắng lợi lớn đối với cả MLT và Cuba, tuy quan niệm về dân chủ của hai phía có khác nhau. Các nước đã nhất trí phối hợp hành động để tăng cường các giá trị dân chủ, cũng như để giải quyết các vấn đề bức xúc ở khu vực như giảm đói nghèo, điều đình thoả đáng nợ nước ngoài, chống khủng bố, buôn lậu vũ khí và ma tuý, chống ô nhiễm môi trường. Khác với hội nghị thượng đỉnh năm trước ở Chilê, hội nghị năm nay không xảy ra xích mích gì với Cuba ; một số nước xấu định tố cáo Cuba vi phạm nhân quyền và dân chủ, nhưng chỉ dám ám chỉ bóng gió và không đủ can đảm nêu lên trong cuộc họp. Tuyên bố cuối cùng lên án mạnh mẽ luật Helms - Burton tăng cấm vận chống Cuba tạo ra một thắng lợi ngoại giao đối với nước này. Hội nghị đã củng cố và tăng cường thêm một bước tinh thần hiểu biết và hợp tác giữa các nước MLT.

Xu thế hoà bình và ổn định chính trị là xu thế đi lên, không thể đảo ngược được ở MLT. Sau cuộc xung đột El Salvador và sự kiện Chiapas ở Mêhicô, quá trình thực hiện hiệp định hoà bình ở Guatemala tiến triển tốt. Lực lượng Cách mạng Dân tộc thống nhất (URNG) đã được giải giáp và thật sự trở thành một đảng chính trị đối lập. Chính phủ Colombia đã đề nghị Cuba làm trung gian để đi vào đàm phán với lực lượng du kích nhằm ký kết một hiệp định hoà bình. Việc Chính phủ Peru tấn công giải thoát con tin gây ra cái chết đau thương và đáng tiếc của toàn bộ số du kích nhưng lại được hầu hết các chính phủ MLT ủng hộ, cho thấy mối quan tâm lớn lao của các nước này đến ổn định chính trị để tạo môi trường phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, ở MLT vẫn còn tồn tại tranh chấp biên giới giữa Peru và Ecuador và mâu thuẫn về quyền lợi giữa Argentina và Brasil, gây ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến hợp tác khu vực.

Cần Mỹ trong một mối quan hệ tuỳ thuộc:

Trong quan hệ với Mỹ, các nước MLT thể hiện tính độc lập ngày càng tăng, cần Mỹ, nhưng không phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ và tiến tới hình thành mối quan hệ tuỳ thuộc với Mỹ.

Dư luận thế giới rất quan tâm đến chuyến thăm Trung Mỹ - Caribe tháng 5/1997 và Nam Mỹ tháng 10/1997 của Tổng thống Clinton. Mục đích của Mỹ là muốn tập hợp lại lực lượng vào quĩ đạo của mình và đưa ra dấu hiệu để chứng tỏ với Liên hiệp châu Âu và Nhật rằng Mỹ vẫn tiếp tục quan tâm đến "vườn sau của mình", nhưng Mỹ chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra. Các nước Trung Mỹ phê phán Mỹ âm mưu trục xuất ồ ạt khoảng một triệu người Trung Mỹ làm ăn bất hợp pháp ở Mỹ, trong khi các nước Caribe chỉ trích Mỹ ít quan tâm tới khu vực này vì mức đầu tư của Mỹ từ 255 triệu đô la năm 1985 tụt xuống còn 26 triệu năm 1996. Để "thoả hiệp", gần đây, Mỹ buộc phải cho phép 400 nghìn người Trung Mỹ, chủ yếu của Nicaragoa và Cuba, được định cư tại Mỹ. Tại Nam Mỹ, Clinton đạt thắng lợi lớn nhất ở Argentina với tuyên bố coi Argentina là "liên minh ngoài OTAN". Tại Venezuela, một số hiệp định phụ được ký, nhưng những hiệp định chính như bảo đảm đầu tư, bảo vệ bản quyền và tránh đánh thuế hai lần lại không được đếm xỉa tới. Clinton bị đón tiếp lạnh nhạt tại Brasil vì nước này muốn củng cố thế mạnh của MERCOSUR để sau đó đàm phán cả khối với Mỹ. Các nước MERCOSUR cùng Chile và Bolivia đang đẩy mạnh liên kết kinh tế với nhau, đồng thời xúc tiến quan hệ rộng rãi với EU và ASEAN. Hiện khối lượng buôn bán của MERCOSUR với châu Âu lớn hơn buôn bán với Mỹ. Trong khi Mỹ muốn đẩy nhanh quan hệ kinh tế thương mại liên Mỹ bằng cách mở rộng khối NAFTA ra các nước MLT nhằm thiết lập "Khu vực tự do thương mại châu Mỹ" (ALCA) vào năm 2005 thì các nước MLT lại lo ngại trước việc thúc đẩy tự do buôn bán quá nhanh chủ yếu sẽ mang lại lợi ích cho các nước giàu như Mỹ, nhưng gây thiệt hại cho các nước kém phát triển.

Đối với chính sách cấm vận của Mỹ chống Cuba, các nước MLT thể hiện tính độc lập ngày càng cao trong việc hầu như đồng loạt lên án luật Helms - Burton tại Đại hội đồng. Tổ chức Liên Mỹ (OEA) họp ở Peru tháng 6/1997 và Đại hội đồng LHQ tháng 11/1997, một số nước như Mexico, Jamaica, Guatemala, Peru còn ủng hộ Cuba trở lại OEA.

Cũng trong vấn đề cấm vận chống Cuba, Mỹ thực hiện lệnh trừng phạt đối với 3 công ty: Sherrit của Canađa, Domos của Mexico và Nhóm B.M. của Israel vì "vi phạm luật Helms - Burton", nhưng Mỹ buộc phải tạm thời nhượng bộ và hoãn việc áp dụng luật này với Liên hiệp châu Âu để đổi lấy việc EU hoãn kiện Mỹ trước Tổ chức Thương mại thế giới. Như vậy, Mỹ không hoàn toàn quyết định mọi vấn đề trên thế giới và xu hướng đa cực xuất hiện trong quan hệ quốc tế.

Mở rộng liên kết, nhịp độ tiến triển vững chắc:

Các nước MLT, nhất là Chile, Argentina, Brasil, Mexico, Venezuela và Peru tiếp tục triển khai mạnh mẽ chủ nghĩa tự do mới trong hoạch định chiến lược kinh tế của mình; tức là nhấn mạnh vai trò thị trường, giảm vai trò Nhà nước trong điều tiết kinh tế, đẩy mạnh tư nhân hoá, khuyến khích tự do đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, cắt giảm ngân sách và chi phí xã hội. Quá trình liên kết song phương, đa phương trong và ngoài khu vực được tiếp tục đẩy mạnh. Tiến độ phát triển kinh tế của MLT năm nay được ghi nhận là vững chắc và ổn định hơn so với các khu vực khác.

Năm qua, nhiều hội nghị quốc tế quan trọng về kinh tế được tổ chức ở MLT như hội nghị thượng đỉnh Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) tháng 6/1997 và tháng 12/1997, Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Caribe (CARICOM) và Thị trường chung Trung Mỹ (MCC) tháng 6/1997. Các nước MERCOSUR tiến hành đàm phán thống nhất thuế quan và định ra chiến lược chung trước việc Mỹ thúc đẩy nhanh tiến trình lập ra Khu vực tự do Thương mại châu Mỹ. Hiện tại, các nước MERCOSUR buôn bán với nhau lớn hơn chỉ số trao đổi thương mại thế giới. Các khối trên một mặt đẩy mạnh hợp tác và liên kết kinh tế với nhau, đồng thời tăng cường trao đổi thương mại và đa dạng hoá quan hệ với châu Âu và châu A'.

Trong khi cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng ở châu A', thì MLT dường như vẫn lạc quan với mẫu hình phát triển kinh tế của mình; ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Mexico làm người ta ít sợ hơn so với lúc ban đầu. Kinh tế của Mexico, Argentina, Brasil bắt đầu khôi phục với hệ thống tài chính có dấu hiệu trở lại lành mạnh. Khả năng quản lý kinh tế vĩ mô hiện nay của các nước MLT lớn hơn so với những năm 80, giúp các nước này đối phó tốt hơn với những cuộc khủng hoảng có thể xảy ra.

Về tình hình kinh tế cụ thể, MLT năm 1997 đạt tiến độ tăng trưởng khá với chỉ số 5,5%, vượt chỉ số 3,5% tăng trưởng của năm 1996. Như vậy, từ 1991 - 1997, mặc dầu có những khó khăn ở nước này hay nước khác, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của MLT là 3,6%, vượt xa mức tăng trưởng 0,9% của thập kỷ trước (1981 - 1990). Mức độ tăng trưởng của MLT năm nay đồng đều hơn so với những năm trước, 8 nước đạt chỉ số trên 5%, 11 nước tăng trưởng từ 3% - 5%, riêng Argentina đạt tăng trưởng cao nhất 8%.

Cuộc đấu tranh chống lạm phát tiếp tục phát triển tốt. Chỉ số lạm phát liên tục đi xuống là nhân tố tích cực trong nền kinh tế MLT. Năm 1997, lạm phát trung bình là 11%, so với 18% năm 1996, 26% của năm 1995 và rất thấp so với mức độ lạm phát 3 con số trong suốt thời kỳ 1990 - 1994. Đây là chỉ số lạm phát thấp nhất của khu vực trong nửa thế kỷ. Argentina duy trì mức không có lạm phát trong hai năm 1996 - 1997, tạo ra một hiện tượng chưa từng thấy trong mấy thập kỷ qua. Brasil hạ được chỉ số lạm phát dưới 10% sau khi phải chịu đựng mức lạm phát 4 con số từ cuối thập kỷ 80. Lạm phát của Venezuela năm 1996 là 103%, nhưng nhờ áp dụng điều chỉnh từ giữa năm 1997 nên hạ được xuống 40%. Biện pháp chống lạm phát chủ yếu của MLT là tăng thuế, giảm chi tiêu, đẩy mạnh xuất khẩu, khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Trị giá xuất khẩu của MLT năm 1997 là 277 tỷ đô la, tăng 11% như năm trước. Xuất khẩu của MLT tăng lên cũng nhờ giá tăng trên thị trường thế giới của một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống như cà phê, chuối, đậu tương, dầu lửa, đồng, kền, kẽm và một số mặt hàng lắp ráp gia công. Trị giá nhập khẩu của MLT 1997 là 290 tỷ đô la, tăng 16% so với năm trước. Như vậy, do thâm hụt ngoại thương, cộng với việc phải trả nợ, nhất là lãi nợ, cán cân thanh toán của MLT bị thâm hụt liên tục từ 12 tỷ đô la năm 1995, lên 37 tỷ năm 1996 và 56 tỷ năm 1997. Sự thâm hụt này được bù đắp phần nào bởi số lượng đầu tư nước ngoài ngày càng tăng ở MLT.

Đầu tư nước ngoài tăng nhanh sau cuộc khủng hoảng tài chính ở Mexico, từ 63 tỷ đô la năm 1996 lên 73 tỷ đô la năm 1997. Trước cuộc khủng hoảng Mexico, số lượng đầu tư nước ngoài tối đa ở MLT là 57 tỷ đô la. Cơ cấu đầu tư cũng thay đổi, phần lớn là đầu tư trực tiếp với thời gian trung và dài hạn. ở Brasil, đầu tư nước ngoài tăng lên nhanh chóng sau khi các công ty và cơ sở dịch vụ của Nhà nước được tư nhân hoá.

Trong năm 1997, nợ nước ngoài của MLT lên tới 650 tỷ đô la, tăng 5% so với năm 1996. Nợ nước ngoài tăng một phần do đầu tư nước ngoài ở MLT tăng lên cũng như những năm trước, số lượng nợ tập trung vào một số nền kinh tế lớn ở khu vực như Brasil, Argentina, Mexico.

Xã hội ngày càng phân hoá sâu sắc:

Tình hình xã hội ở MLT tiếp tục phân hoá sâu sắc, thất nghiệp giữ ở mức cao với chỉ số 6,2% từ năm 1991 - 1994, 7,7% năm 1996 và gần 8% năm 1997 trong khi đồng lương thực tế giảm mạnh. Năm 1997, chỉ số thất nghiệp ở Panama chiếm trên 17%, tiếp đó Argentina 16%, Colombia, Venezuela và Uruguay chiếm trên 10%. ở MLT, sự phân cực giàu nghèo giữ ở mức cao; 20% số dân thuộc diện giàu thu nhập gấp 78 lần số dân thuộc diện nghèo; có 210 triệu người nghèo khổ, trong đó 110 triệu người lâm vào cảnh quá nghèo khó, thiếu ăn mặc, mù chữ và không được chăm sóc y tế. Số người quá nghèo này tăng từ 22% - 24% trong một thập kỷ nay, từ 1987 - 1997.

Nạn tham nhũng, bạo lực, ma tuý tiếp tục gia tăng ở MLT, làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội ở khu vực.

Việc các nước MLT áp dụng rộng rãi chủ nghĩa tự do mới, gây ra hậu quả ngày càng trầm trọng về mặt xã hội. Đây chính là điểm yếu nhất, là gót chân Asin của chủ nghĩa tự do mới mà phong trào cánh tả và cách mạng có thể khai thác, tập hợp lực lượng cho cuộc đấu tranh của mình. Thực tế, ở một số nước MLT đã bắt đầu hình thành lực lượng cánh tả mới, có nơi lực lượng cánh tả trở thành đảng chính trị đối lập, chấp nhận hình thức đấu tranh nghị trường. Hiện tại, cánh tả ở MLT có một số bước phục hồi như đã giành được 500 ghế nghị sĩ và chức thị trưởng ở một số thủ đô quan trọng như thành phố Mexico, San Salvado và Montevideo.

Cuba vượt hiểm nguy vững bước đi lên:

Bức tranh MLT không thể thiếu những nét điểm xuyết về Cuba. Trong năm 1997, Cuba phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách. Một mặt Mỹ xiết chặt thêm cuộc bao vây kinh tế bằng luật Helms-Burton, chiến tranh vi trùng và hoạt động phá hoạt ở các cơ sở du lịch, mặt khác tổng thống Clinton vẫy cành ô liu với lời hứa viện trợ hàng chục tỷ đô la nếu Cuba thay đổi chính trị bằng một chính phủ không có Fidel và Raul. Chưa hết địch hoạ, thiên tai để lại hậu quả nặng nề, cơn bão Lili cuối năm 96 tàn phá nông nghiệp Cuba, gây thiệt hại 800 triệu đô la. Không hề nao núng, Đại hội V ĐCS Cuba tháng 10 năm 1997 xác định phương hướng kiên trì mục tiêu Cách mạng và XHCN, tiếp tục cải cách và tăng cường hiệu quả kinh tế, coi đó là con đường duy nhất giữ vững nền độc lập và thành quả xã hội đạt được trong 38 năm qua. Năm qua, mục tiêu hàng đầu chính sách đối ngoại là tiếp tục phá thế bao vây cấm vận của Mỹ. Do khéo vận động ngoại giao, Cuba đã được gần như cả thế giới lên tiếng chống luật Helms-Burton, hình thành phong trào quốc tế ủng hộ và đoàn kết với Cuba.

Đi đối với công tác chính trị tư tưởng, Cuba đã chú trọng những biện pháp cải cách kinh tế, nhấn mạnh đến hiệu quả sản xuất. Quá trình cải cách là không thể đảo ngược được, nhưng bước đi phải thận trọng, vững chắc và phù hợp tình hình thực tế của Cuba. Năm 1997, Cuba đạt tăng trưởng 2,5%, thấp hơn nhiều so với năm ngoái do vụ mía đường thất thu, chỉ đạt khoảng hơn 4 triệu tấn. Tuy nhiên, các ngành kinh tế khác vẫn đạt sự phát triển nhất định. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã đón 1,18 triệu khách, tăng hơn 12%. Sản lượng kền đạt trên 62 nghìn tấn, tăng 15,8% so với năm trước. Xì gà đạt 250 triệu điếu, tăng 26,9%, trong đó đã xuất khẩu 102 triệu điếu, thu về 177 triệu đô la. Các ngành điện, sản xuất sắt thép, xi măng, đánh bắt hải sản đều có bước phục hồi và phát triển khá. Các hợp tác xã tự quản triển khai làm ăn có lãi. Chợ nông nghiệp ngày càng phát huy tác dụng nhằm ổn định giá cả nông sản, thực phẩm và góp phần làm giảm căng thẳng trong việc không cung cấp đủ định lượng qua tem phiếu.

Cùng với các châu lục khác, MLT đã chuẩn bị hành trang bước vào thế kỷ XXI. Năm 1997, các nước MLT có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình nâng cao và khẳng định ý thức độc lập tự chủ của các quốc gia, đẩy mạnh xu thế dân chủ hoá quan hệ quốc tế, chống sự áp đặt của Mỹ và tăng cường củng cố hoà bình, mở rộng hợp tác để cùng phát triển./.

Cùng chuyên mục