Số 22 - Tác động của cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Đông Nam Á đối với Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam

08:20 26/03/2012

Tác động của cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Đông Nam Á đối với Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Anh Tuấn.

Cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện nay ở Đông Nam A' (ĐNA) đã gây ra nhiều tác động lớn không những đối với bản thân khu vực mà còn gây ra những chấn động lớn cho nền kinh tế của các nước khác ngoài khu vực. Bài viết này cố gắng nêu lên được những tác động đối với Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam.

1. Tác động đối với Mỹ :

Đối với Mỹ, cuộc khủng hoảng làm cho thị trường xuất khẩu của nước này bị co lại do đồng đô la lên giá, nên khả năng cạnh tranh của hàng hoá Mỹ giảm xuống. Người ta tính rằng ít nhất thị trường xuất khẩu của Mỹ giảm 25%, bao gồm phần lớn là thị trường của các nước Đông A'. Điều này làm cho tình trạng nhập siêu của Mỹ ngày càng trầm trọng. Năm 1997, Mỹ nhập siêu là 176 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 148 tỷ USD của năm 1996. Trong khi đó mức thặng dư thương mại của Nhật tăng từ 66 tỷ USD năm 1996 lên 99 tỷ USD năm 1997. Do vậy Mỹ và EU đã lên tiếng tại WTO yêu cầu Nhật Bản phải có các chính sách cắt giảm xuất khẩu tự nguyện và tạo điều kiện để hàng hoá nước ngoài dễ dàng thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.

Đồng thời, cuộc khủng hoảng này còn gây nguy hại cho nền kinh tế Mỹ theo một cách khác. Do đồng tiền của các nước bị phá giá so với đồng đô la Mỹ, nên hàng nhập khẩu vào Mỹ trở nên rẻ một cách tương đối, điều đó làm cho giá cả trên toàn bộ thị trường Mỹ phải giảm xuống theo, tức là làm cho lợi nhuận của các nhà sản xuất ở Mỹ giảm và đầu tư kinh doanh cũng giảm. Nhiều sản phẩm của các công ty Mỹ không thể tiêu thụ được do giá cao dẫn đến tồn kho nhiều. Như vậy, các công ty Mỹ chắc chắn sẽ không thể tiếp tục đầu tư để nâng cao sản lượng được. Rõ ràng cuộc khủng hoảng này đã làm cho cả đầu tư lẫn xuất khẩu đều giảm, có nghĩa là nền kinh tế Mỹ khó có thể duy trì tiếp sự hùng mạnh của mình.

Ngoài ra, do các nước Đông A' phải thi hành chính sách thắt chặt tiền tệ để khắc phục cuộc khủng hoảng theo điều kiện của IMF nên họ không có khả năng trả số tiền mua vũ khí hoặc phải kéo dài thời hạn thanh toán cho những hợp đồng đó với Mỹ. Tức là giờ đây, các nước và vùng lãnh thổ Đông A' khó có khả năng hiện đại hoá quân đội của mình, đặc biệt là vũ khí, khí tài. Mối hợp tác chiến lược của Mỹ với Đông A' chắc chắn sẽ bị giảm sút một cách đáng kể. Khả năng hiệp đồng lực lượng giữa Mỹ và các nước đồng minh Đông A' sẽ bị ảnh hưởng lớn. Cuộc khủng hoảng đã làm thay đổi nhận thức về an ninh của các nước trong khu vực và tác động tiêu cực đến hợp tác an ninh của Mỹ với các nước này. Như vậy cuộc khủng hoảng này ngoài tác động về kinh tế, đã có tác động mạnh đến quyền lợi an ninh của Mỹ trong khu vực cả trong giai đoạn trước mắt lẫn trong giai đoạn sau này.

2. Tác động đối với Trung Quốc :

Cuộc khủng hoảng này giống như một hồi chuông cảnh tỉnh cho Trung Quốc, vì Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề tương tự như ở các nước Đông A' nói chung. Tức là nền kinh tế cũng có thể bị sụp đổ vì đầu tư quá nhiều vào công nghiệp mà sao nhãng khu vực sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tình trạng bong bóng do đầu tư vào khu vực bất động sản và chứng khoán, là tình trạng tham nhũng tràn lan, và hệ thống tài chính, ngân hàng không mấy trong sạch và vững chắc, nợ nần chồng chất. Tình trạng này sẽ gây khó khăn lớn cho các DNNN. Nếu như Trung Quốc đẩy nhanh cải cách các DNNN, số người thất nghiệp sẽ gia tăng nhanh chóng (trên 100 triệu người). Khi đó, tình trạng phức tạp sẽ phát sinh nhiều và có thể tới mức trở thành khủng hoảng chính trị. Nếu Trung Quốc sụp đổ, toàn bộ Đông A' sẽ bị khủng hoảng nghiêm trọng hơn nhiều.

Cuộc khủng hoảng tiền tệ ĐNA hiện nay vẫn đang tiếp tục tác động tới nền kinh tế Trung Quốc và có khả năng còn trầm trọng hơn Trung Quốc dự đoán rất nhiều. Các báo chí Trung Quốc, đơn đặt hàng năm nay của Trung Quốc nhận được chỉ bằng một nửa năm ngoái. Ví dụ, một số nhà máy ở tỉnh Sơn Đông từ cuối năm 1997 đã xuất hiện tình trạng tăng trưởng âm, thậm chí có một số nhà máy tuyên bố phá sản. Từ đầu năm 1998 đến nay, nhiều công ty ngoại thương của Thượng Hải đã huỷ đơn đặt hàng, có một số kéo dài thời hạn thanh toán, thậm chí có một số phải giảm giá để bán hàng. Gần đây một quan chức của tổng công ty xuất nhập khẩu hàng dệt của Trung Quốc tiết lộ rằng một số mặt hàng dệt của Trung Quốc năm nay không nhận được đơn đặt hàng, một số tuy nhận được đơn đặt hàng nhưng bên mua lại yêu cầu ngừng thực hiện. Điều này rất dễ hiểu vì thị trường, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc cũng giống như của những nước Đông A'. Nhưng do đồng tiền của các nước này bị phá giá nên đã nâng khả năng cạnh tranh của hàng hoá các nước này lên so với của Trung Quốc. Điều đó đã đặt ra một thách thức lớn đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc trên thị trường Mỹ và Tây Âu. Các mặt hàng công nghiệp nhẹ như dệt túi da, giầy dép, điện da dụng đều bị hàng từ các nước Đông A' uy hiếp.

Về đầu tư, khả năng nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc sẽ giảm đi, vì nguồn đầu tư vào Trung Quốc chủ yếu là từ các nước Đông A'. Nay các nước này đều đang bị khủng hoảng nên khả năng đầu tư ra nước ngoài của họ đều giảm đi. Hơn nữa, chính bản thân các nước này đang không ngừng đưa ra những chính sách ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ các khu vực khác nhiều hơn nữa để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế của mình. Điều này đặt ra thách thức rất lớn cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Trung Quốc. Như vậy, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ của ĐNA đã gửi một thông điệp cảnh báo Trung Quốc rằng nếu họ không có những biện pháp kịp thời, hữu hiệu thì họ chắc chắn sẽ sa lầy vào cuộc khủng hoảng tài chính như các nước Đông A' khác.

3. Tác động đối với Việt Nam :

Có một số ý kiến cho rằng vì đồng tiền Việt Nam chưa chuyển đổi được, chưa có thị trường chứng khoán và mới đang trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế nên mức độ ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam sẽ là rất nhỏ hoặc không có. Nhưng trái lại, cuộc khủng hoảng đã có nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta, chủ yếu tập trung vào những điểm sau :

a) Theo các số liệu ước tính thì khoảng 70% kim ngạch mậu dịch của Việt Nam là với các nước Đông A', và chủ yếu được thanh toán bằng USD hoặc vàng. Nhưng khi đồng tiền ở Đông A' bị phá giá mạnh sẽ tác động xấu tới các doanh nghiệp có quan hệ làm ăn với các nước Đông A'. Ngoại trừ đồng đô la Singapore và đồng Yên Nhật mới bị mất giá trên dưới 20%, còn các đồng tiền khác trong khu vực đã bị phá giá từ 80% đến 250% so với đồng USD. Trong khi đó đồng tiền Việt Nam mới chỉ mất giá chút ít, khoảng trên 10% so với đồng USD. Điều đó sẽ làm cho hàng nhập khẩu từ các nước Đông A' vào Việt Nam với mức rẻ gần như tương ứng với mức phá giá của đồng tiền các nước. Do đó hàng nhập từ Đông A' sẽ lấn át hàng nội của chúng ta ngay tại thị trường Việt Nam. Chính điều này đã khuyến khích các nhà xuất khẩu của Đông A' tăng lượng hàng bán sang Việt Nam, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nhập hàng từ Đông A' do giá rẻ hơn bằng cả hai con đường chính ngạch và tiểu ngạch (buôn lậu qua biên giới). Hiện nay, các doanh nghiệp trong cả nước ta còn tồn kho nhiều hàng của Đông A' sẽ bị lỗ nặng vì giá các hàng hoá này giảm nghiêm trọng.

Đồng thời, do các đồng tiền Đông A' bị phá giá ở mức cao, đã tạo sức ép đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Đông A' phải giảm giá, nếu không họ sẽ không nhập hàng của ta. Do vậy nguồn thu vì xuất khẩu sẽ giảm vì hai lẽ : Thứ nhất, giá xuất khẩu hạ thì doanh nghiệp nhỏ sản xuất hàng xuất khẩu có thể phải ngừng sản xuất vì doanh thu không đủ trang trải cho các yếu tố đầu vào. Thứ hai, những doanh nghiệp lớn có thể tìm được thị trường khác khi bị ép giá, nhưng lượng xuất khẩu giảm đi, đồng thời doanh thu cũng giảm xuống do giá xuất khẩu hạ. Riêng sáu tháng cuối năm 1997, lợi tức của Việt Nam chỉ tính từ xuất khẩu của mặt hàng nông sản đã bị mất khoảng 500 triệu USD. Đồng thời, do giá cả dịch vụ, sinh hoạt hiện nay ở Việt Nam đã cao tương đối,nên lượng khách du lịch vào Việt Nam cũng bị giảm mạnh. Do đó, hệ số sử dụng phòng khách sạn chỉ đạt xấp xỉ 50%, kể cả các khách sạn cao cấp cũng trong tình trạng như vậy.

b) Do các đồng tiền Đông A' bị phá giá với tỉ lệ lớn, nên đã tạo ra tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ ở nước ta. Tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại luôn muốn vượt trần gây sức ép phá giá đồng tiền Việt Nam. Tình trạng mua bán USD chuyển khoản theo tỷ giá vượt trần đã xảy ra. Đồng thời, khủng hoảng đã làm cho lượng tiền gửi bằng đồng Việt Nam tăng chậm, tiền gửi bằng ngoại tệ tăng nhanh kể cả tiền gửi tiết kiệm của dân chúng. Trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và thị trường ngoại hối nói chung cầu luôn luôn cao hơn cung, do đó có lúc thị trường gần như đóng băng, doanh số mua bán ngoại tệ giảm mạnh. Ngoại tệ có nguy cơ tăng giá bất ngờ đã làm tăng nhu cầu vay vốn bằng đồng Việt Nam để tránh rủi ro về tỷ giá và do vậy làm tăng lãi suất đồng Việt Nam. Ngoại tệ tăng giá mạnh đã làm cho nhiều doanh nghiệp không mua được USD hoặc phải mua với giá cao chịu lỗ nặng.

c) Do ảnh hưởng của khủng hoảng nên lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã giảm sút nghiêm trọng. Năm 1997, FDI chỉ bằng 70% so với năm 1996. Đó là do 70% FDI vào Việt Nam hiện nay là từ các nền kinh tế Đông A', là những nước đang bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng. Cho nên cũng giống như đối với Trung Quốc, họ không muốn đầu tư vào nước ta vì nhu cầu khắc phục kinh tế của bản thân nước họ.

d) Sự giảm sút của FDI cùng với nguy cơ phá sản đối với các công ty của Việt Nam do khả năng xuất khẩu giảm hoặc do chi phí đầu vào tăng vì lãi suất vay vốn tăng và do giá hàng nhập tăng đã tạo ra nguy cơ thất nghiệp tăng ở nước ta. Chỉ tính trong 3 tháng cuối năm 1997, riêng các xí nghiệp liên doanh ở thành phố Hồ Chí Minh đã sa thải 4000 công nhân vì họ phải thu hẹp các hoạt động hoặc bị giải thể do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng. Năm 1997, cả nước có 47 dự án với nước ngoài bị giải thể, tăng 162% so với năm 1996.

*

Tóm lại có thể thấy cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Đông Nam A' đã có những ảnh hưởng nghiêm trọng không những đối với nền kinh tế của các nước trong khu vực mà đối với cả các nước khác trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam ta. Trong thời đại toàn cầu hoá, rõ ràng rằng nếu một vấn đề dù là nhỏ của một nước nào mà không được cộng đồng quốc tế cứu chữa kịp thời thì hậu quả của nó có thể sẽ lan toả rất rộng và thiệt hại sẽ không thể đánh giá hết được. Đối với cuộc khủng hoảng này, nếu Mỹ và các nước khác ngoài khu vực thờ ơ, không tích cực cứu chữa, khi nó lan toả tới Trung Quốc và Hồng Kông, khó có thể dự đoán được mức độ nghiêm trọng sẽ là như thế nào./.

Cùng chuyên mục