Số 22 - Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới vì phát triển và hợp tác

07:44 26/03/2012

Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới vì phát triển và hợp tác

Tác giả: Nguyễn Mạnh Cầm.

(Bài phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF, Davos, 1/1998
(tại bữa ăn trưa ngày 30/01/1998) The Outlook for Vietnam

Thưa quý Bà, quý Ông,

Tôi rất hân hạnh được gặp mặt các vị khách quý, các nhà ngoại giao và các nhà đầu tư bạn bè của Việt Nam trong bữa cơm thân mật này. Nhân buổi gặp mặt hôm nay, thay mặt Ban Lãnh đạo Việt Nam, tôi muốn xin được cảm ơn quý vị về tất cả những nỗ lực hợp tác và giúp đỡ Việt Nam và hy vọng rằng trong tương lai sẽ nhận được sự giúp đỡ hợp tác to lớn và hiệu quả cao hơn. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn Chính phủ Thuỵ Sỹ và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã tạo điều kiện để chúng tôi có cơ hội tham gia cuộc họp và gặp mặt quý vị ngày hôm nay. Cho phép tôi được nhân cơ hội này trình bày một số vấn đề về tình hình và triển vọng phát triển kinh tế và chính sách kinh tế mới của Chính phủ Việt Nam.

Như quý vị đã biết, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật trong công cuộc đổi mới được tiến hành từ năm 1986, nhất là trong giai đoạn 1991 - 1997 thực hiện "Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000", đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm 8,5%, tạo điều kiện cải thiện đời sống và tăng mức tích luỹ nội địa gần 20% GDP, nhưng do thu hút vốn đầu tư nước ngoài nên mức đầu tư toàn xã hội đạt trên 30% GDP.

Việt Nam đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội của những năm cuối 80 và hiện nay chúng tôi đang bước vào giai đoạn mới của sự phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên cơ sở phát huy sức mạnh của dân tộc kết hợp hài hoà với sức mạnh của hội nhập kinh tế quốc tế nhằm xây dựng Việt Nam thành một nước công nghiệp trong vài ba mươi năm tới theo hướng "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh".

Trong điều kiện tiếp tục đẩy mạnh chính sách đổi mới, chúng tôi đã đạt được những thành tựu quan trọng ngay cả trong năm 1997 đầy khó khăn, đạt tốc độ tăng trưởng GDP 9% trong khi chỉ số lạm phát dưới 4%. Xuất khẩu năm 1997 đạt 8,7 tỷ USD tăng 20% so với năm 1996, nhập siêu giảm chỉ còn 2,5 tỷ USD (giảm 37,5% so với 1996). Trong 10 năm thực hiện Luật đầu tư nước ngoài, chúng tôi đã cấp phép đầu tư cho trên 2200 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký đầu tư lên tới 32 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt gần 12 tỷ USD, trong đó năm 1997 tổng vốn đã được cấp phép đạt trên 5 tỷ USD và vốn thực hiện đạt gần 3 tỷ USD. Cho đến nay cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết dành 11 tỷ USD vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, trên thực tế đã giải ngân gần 4 tỷ USD chủ yếu dành cho phát triển hạ tầng cơ sở. Nhìn chung Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là nước tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nước ngoài.

Chính sách Đổi mới của Việt Nam là một thể thống nhất của chính sách đối nội và mở rộng các quan hệ quốc tế, gắn sự phát triển kinh tế trong nước với quá trình hội nhập, làm cho nền kinh tế Việt Nam trở nên năng động hơn, ứng phó tốt hơn trước những khó khăn của quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường (transition into market-oriented), thích nghi tốt hơn với các biến động kinh tế thế giới, như cuộc khủng hoảng tiền tệ khu vực đầy khó khăn hiện nay. Chính sách "phát triển và hội nhập" này đã tạo điều kiện phát huy "nội lực" và sử dụng có hiệu quả hợp tác quốc tế, vượt qua thách thức, đón nhận những thời cơ mới của quá trình hội nhập kinh tế trong thế kỷ XXI.

Trong điều kiện mới, Việt Nam có điều kiện mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư với các nước, tăng nhanh xuất khẩu hằng năm với tốc độ trên dưới 25%, tỷ lệ thương mại kinh tế so với GDP lên tới trên 80%, cho thấy chính sách mở cửa và hội nhập đã trở thành nhân tố quan trọng của sự phát triển Việt Nam. Từ năm 1996, Việt Nam bắt đầu quá trình tham gia AFTA và dự kiến đến năm 2006 sẽ giảm thuế suất xuống còn 0-5%, tạo điều kiện xây dựng một thị trường thống nhất trong vùng, tạo nên sức mạnh của hỗ trợ lẫn nhau trong một cộng đồng kinh tế phát triển năng động. Chính trên tinh thần đó, Việt Nam đang tích cực tham gia cùng các nước ASEAN soạn thảo Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN (AIA), đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp (AICO), mở ra triển vọng mở cửa các ngành công nghiệp từ 1/1/2010 trong phạm vi ASEAN và từ 2020 cho tất cả các nhà đầu tư. Đây cũng là thời điểm Việt Nam như một nước đang phát triển sẽ mở cửa thị trường với các nước khác trong khuôn khổ APEC mà Việt Nam năm nay sẽ tham gia như thành viên chính thức, cũng như đang tích cực chuẩn bị trong tương lai gần Việt Nam sẽ tham gia WTO.

Với những thành tựu đã đạt được, Việt Nam đã có thể chuyển sang giai đoạn mới của sự phát triển, đẩy mạnh sựn nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra mục tiêu dài hạn đến năm 2020, xây dựng Việt Nam về cơ bản trở thành một nước công nghiệp, trong đó mức GDP tăng 8 - 10 lần so với năm 1990. Đây là một mục tiêu cao, làm cho Việt Nam có thể phấn đấu phù hợp với mục tiêu của "tầm nhìn ASEAN 2020" mà Hội nghị không chính thức các nhà lãnh đạo ASEAN mới đề ra tại Malaysia tháng 12/1997 nhân kỷ niệm 30 năm ASEAN, cùng nhau chủ động đón thời cơ mới khi nhân loại bước sang thế kỷ XXI. Đó cũng là điều kiện tốt để mở rộng quan hệ hợp tác cùng có lợi với cộng đồng quốc tế trong sự phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách tài chính, là cơ sở quan trọng để hợp sức cùng nhau đối phó với những thách thức to lớn đang đè nặng lên toàn vùng.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, như chương trình hành động của Chính Phủ mới đã trình ra Quốc Hội Việt Nam cuối năm 1997, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung vào thực hiện một số nhiệm vụ như sau trong lĩnh vực kinh tế xã hội:

Nhiệm vụ trung tâm và được coi là mục tiêu trực tiếp của mọi hoạt động kinh tế là tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh của mọi thành phần kinh tế, cả quốc doanh và tư nhân, cả khu vực trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, nâng cao tính cạnh tranh cảu nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế hướng về xuất khẩu. Đây chính là điều kiện chung nhất để đảm bảo có được tốc độ phát triển cao, hiệu quả và bền vững.

Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế cả trước mắt và lâu dài, Chính Phủ sẽ tiến hành các giải pháp chính sách để khai thác tối đa các nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, coi đây là điểm mấu chốt để hoàn thành chương trình đầu tư 1998 - 2000 và chuẩn bị cho bước phát triển nhanh và vững chắc hơn trong giai đoạn sau năm 2000. Cùng với việc tăng nhanh việc huy động tiết kiệm trong nước (domestic saving) sẽ thực hiện các biện pháp mới để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và FDI, coi đó là các điều kiện quan trọng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn, công nghệ, thị trường... nhằm nâng cao hiệu quả nền kinh tế trong điều kiện hội nhập.

Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, trên cơ sở Luật đầu tư nước ngoài (sửa đổi) cuối năm 1996, Chính Phủ ban hành Nghị định mới nhằm khẳng định trên thực tế tính chất nhất quán, ổn định lâu dài của chính sách đầu tư nước ngoài, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng hơn, rõ ràng và đơn giản hơn (như về cải tiến các thủ tục sau cấp phép theo cơ chế "một cửa", các quy định không hồi tố, điều chỉnh giá thuê đất đai, miến giảm thuế, các quy định về xuất nhập khẩu, cân đối ngoại tệ, quản lý nhà nước v.v...) để tăng tính hấp dẫn và giảm bớt rủi ro cho cộng đồng đầu tư. Chính Phủ cũng công bố danh mục các dự án đặc biệt khuyến khích và khuyến khích đầu tư, danh mục các địa bàn khuyến khích đầu tư.

Trong điều kiện "mở cửa" của nền kinh tế và đứng trước cấc diến biến phức tạp hiện nay trong vùng, nhiệm vụ cấp bách có ý nghĩa chiến lược mà Chính Phủ chúng tôi phải rất quan tâm là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới theo đúng các cam kết quốc tế, đặc biệt là thực hiện lộ trình giảm thuế AFTA, chuẩn bị các thoả thuận về Hiệp định khung khu vực đầu tư ASEAN (AIA), hợp tác công nghiệp (AICO), chuẩn bị tham gia APEC và WTO, tích cực đàm phán để sớm đi đến ký hiệp định thương mại với Hoa Kỳ.

Tập trung đầu tư hướng về xuất khẩu, thực hiện các giải pháp đồng bộ khuyến khích xuất khẩu và phát triển các dịch vụ thu ngoại tệ để đảm bảo nhu cầu nhập khẩu. Chính Phủ cũng sẽ sớm công bố quy chế cho các khu mậu dịch tự do, đặc khu kinh tế để làm cho quá trình hội nhập kinh tế trở nên sống động hơn. Quốc Hội mới và Chính Phủ mới của chúng tôi sẽ tiếp tục quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, làm rõ ràng hơn và thuận lợi hơn điều kiện kinh doanh của các nhà thương mại và đầu tư, xác định rõ và thực hiện tốt lộ trình hội nhập với ASEAN và cộng đồng quốc tế.

Cùng với các nhiệm vụ kinh tế, Chính Phủ chú trọng thực hiện có hiệu quả các chương trình trong lĩnh vực phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, văn hoá, xã hội, coi đây là nhiệm vụ trực tiếp thực hiện các mục tiêu trước mắt, đồng thời là phương tiện để thực hiện các mục tiêu dài hạn. Trong điều kiện dân số trẻ, gần 50% dân số dưới 20 tuổi, hàng năm có cả triệu thanh niên bước vào độ tuổi lao động, việc quan trong để bảo đảm chất lượng của sự phát triển là coi trọng sự nghiệp giáo dục, chú trọng công tác đào tạo nâng cao tay nghề và tạo thêm việc làm cho người lao động ở thành thị và nông thôn, tập trung thêm nguồn lực cho các chương trình phát triển, xoá đói giảm nghèo ở vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, không để khoảng cách phát triển bị doãng ra quá xa giữa các vùng và giữa các tầng lớp cư dân.

Cuối cùng, đồng thời cũng là điều kiện tiền đề cho một môi trường đầu tư lành mạnh, mang tính hấp dẫn hơn, phù hợp với tiến trình hội nhập, Chính phủ chúng tôi coi trọng việc thực hiện chương trình cải cách hành chính, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, chống tham nhũng và các tiêu cực xã hội, giữ vững kỷ cương và an toàn xã hội, bảo đảm cho cải cách kinh tế được tiến hành ăn khớp với những cải cách về hành chính và chính trị theo hướng mở rộng dân chủ trong đời sống kinh tế xã hội, phát huy vai trò làm chủ của người dân, sự bình đẳng trước pháp luật của mọi thành phần kinh tế. Chúng tôi hy vọng rằng những chủ trương và giải pháp nêu trên của Chính Phủ mới ở Việt Nam được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ sẽ được sự đồng tình, ủng hộ của các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.

Thưa quý vị,

Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ đang diễn ra trong khu vực Đông Nam A' và có tác động lan truyền sang nhiều nước khác là cuộc khủng hoảng có quy mô lớn nhất từ nhiều năm nay trong khu vực và trên thế giới. Để khắc phục cuộc khủng hoảng đang diễn ra rất phức tạp này, xét trên bình diện toàn khu vực, nhằm hỗ trợ cho các giải pháp điều chỉnh, các nước đã phải bỏ ra số tiền rất lớn trên 10% GDP để khắc phục hậu quả với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, trước hết là của IMF. Vào thời điểm này khó mà đoán định hết các diễn biến phức tạp của tình hình, nhưng có thể dự kiến khó khăn còn có thể kéo dài một vài năm nữa, đòi hỏi phải có sự phối hợp hành động của cả cộng đồng quốc tế.

Cuộc khủng hoảng này đòi hỏi tất cả các nước trong vùng phải tiến hành điều chỉnh chính sách quốc gia, đồng thời cũng đòi hỏi phối hợp chính sách trên bình diện rộng lớn hơn, cả trong và ngoài ASEAN. Bên cạnh thách thức to lớn, tạm thời có thể làm chậm nhịp độ tăng trưởng của nhiều nước, nhưng đồng thời đây thực sự cũng là cơ hội mới để các nước ASEAN nhìn lại mình, điều chỉnh chính sách, cải cách nền kinh tế nhằm tạo nên sức mạnh mới bước vào giao đoạn "phát triển nhanh, năng động hơn và bền vững hơn" trong thế kỷ XXI. Vượt qua được thách thức hiện nay, chắc chắn khu vực ASEAN sẽ tiếp tục giữ vững và khẳng định được vai trò như là một cộng đồng kinh tế năng động nhất hành tinh.

Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ đang diễn ra cho chúng ta một bài học quý về việc xây dựng và thực hiện chính sách kinh tế, cũng như việc phối hợp chính sách kinh tế trong khu vực và liên kết với các nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế. Chúng tôi cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay đã có những nhân tố bất hợp lý tiềm ẩn nằm trong chính sách kinh tế vĩ mô của các nước, mà không chỉ đơn thuần là các sai lầm trong chính sách tài chính, tiền tệ. Chẳng hạn, Việt Nam trong khi tỷ lệ tiết kiệm nội địa còn thấp phải đẩy mạnh đầu tư để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng GDP trên 9% và tăng xuất khẩu với tốc độ 25 - 30% đã phải nhập khẩu thiết bị vật tư với quy mô lớn, tổng kim ngạch nhập khẩu chiếm tới 40 - 45% GDP, do đó mức thâm hụt cán cân thương mại (Trade Balance) và cán cân tài khoản vãng lai (Current Account Balance) lên tới trên 10% GDP, thâm thủng ngân sách năm 1997 lên tới 4,5% GDP. Chúng tôi hiểu rằng các chỉ số kinh tế này tiềm ẩn một sự "bất ổn định" và làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương khi bị những tác động bất lợi. Cần có giải pháp cân bằng và khống chế các chỉ số này, chỉ có như vậy mới có thể đạt được mục tiêu đã nêu "phát triển nhanh, năng động hơn và bền vững hơn".

Cuộc khủng hoảng đã có một số tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như tạo sức ép lên tỷ giá ngoại hối, giảm quy mô xuất khẩu, giảm luồng vốn đầu tư FDI v.v... Do các nước trong vùng phá giá mạnh các đồng tiền, sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam xét về mặt tỷ giá cũng đang giảm bớt. Chỉ riêng việc giảm giá xuất khẩu mấy tháng cuối năm 1997 đã gây thiệt hại cho Việt Nam tới 5% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm. Nguồn vốn FDI cũng bị ảnh hưởng, bởi vì gần 70% nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đến từ những nước khu vực Châu A', mà đa số các nước bạn bè này đang bị khủng hoảng, điều đó dẫn đến có giảm sút cả ở hai phía của luồng vốn FDI gồm vốn các dự án cam kết đầu tư mới và của các dự án đang triển khai, do bị thu hẹp thị trường, do công ty "mẹ" ở nước ngoài bị phá sản v. v...

Tình hình diễn biến không thuận lợi của khủng hoảng khu vực đã buộc chúng tôi phải bình tĩnh và tiến hành phân tích một cách toàn diện tình hình trong và ngoài nước và đang chủ động đề ra các giải pháp nhằm ứng phó tốt hơn với những diễn biến phức tạp đang diễn ra và duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao, tăng nhanh hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế:

- Thành lập Ban chỉ đạo cấp Chính phủ để theo dõi chặt chẽ tình hình và có các chính sách và quyết định kịp thời đối với các diễn biến của cuộc khủng hoảng.

- A'p dụng chính sách tỷ giá điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thị trường theo hướng khuyến khích xuất khẩu.

- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả hơn, tăng nhanh sức cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu, mở rộng thị trường. Tiến hành các biện pháp khuyến khích phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

- Điều chỉnh cơ cấu đầu tư, rà soát xét kỹ các dự án đầu tư quy mô lớn, cả về quy mô, tiến độ triển khai, khối lượng vay vốn nước ngoài để bảo đảm không gây căng thẳng về cán cân vốn và cán cân thanh toán quốc gia; khuyến khích các dự án đầu tư khác của khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước dựa trên Luật đầu tư nước ngoài và Luật khuyến khích đầu tư trong nước.

- Đẩy mạnh cải cách các doanh nghiệp nhà nước (SOE), sắp xếp lại và tiến hành mạnh mẽ việc cổ phần hoá SOEs, đồng thời tạo điều kiện đẩy mạnh kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, của khu vực tư nhân trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức liên kết đa dạng, tăng nhanh sức cạnh tranh của đất nước trên con đường hội nhập với nền kinh tế thế giới và khu vực.

- Chính phủ áp dụng những biện pháp đổi mới và chấn chỉnh hệ thống Ngân hàng, trước hết là rà soát lại khả năng thanh toán, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng trong hệ thống để có biện pháp lành mạnh hoá khả năng thanh toán, xử lý nợ đến hạn..., cải thiện tình hình tài chính tiền tệ trên cơ sở Luật Ngân sách, cũng như Luật Ngân hàng và Luật các tổ chức tín dụng mới được Quốc hội chúng tôi thông qua tháng 12 năm 1997, và đưa ra các giải pháp vĩ mô để ứng phó tốt hơn với những diễn biến nhanh và phức tạp của tình hình kinh tế - tài chính thế giới và khu vực, bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô cho phát triển.

- Khuyến khích triệt để tiết kiệm, huy động các nguồn vốn trong nước cho đầu tư phát triển, giảm các tiêu dùng xa hoa, lãng phí, cải thiện cán cân thương mại và cán cân tài khoản vãng lai. Tích cực triển khai các biện pháp để thực hiện tốt lộ trình giảm thuế theo CEPT trong khuôn khổ AFTA và chuẩn bị tốt việc thực hiện các luật thuế sửa đổi.

- Phát triển nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nơi 80% dân cư đang sinh sống theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, và hợp tác hoá, dân chủ hoá, góp phần bảo đảm sự ổn định về cung ứng lương thực thực phẩm cho cả nước, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và tăng nhanh giá trị hàng xuất khẩu, đa dạng hoá ngành nghề ở nông thôn, giải quyết tốt hơn việc marketing và tiêu thụ sản phẩm ở nông thôn, v.v... Đồng thời có chính sách, kể cả cho vay vốn để tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo, tạo nên sự phát triển mang tính công bằng cao hơn.

- Tiến hành mạnh mẽ việc cải cách hành chính, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, làm cho hệ thống pháp luật đơn giản thuận tiện hơn, rõ ràng hơn, nâng cao trình độ nghiệp vụ và tính công minh của công chức, làm cho hệ thống quản lý thêm hiệu lực trong điều kiện mở rộng dân chủ, nhất là tại cơ sở để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ kinh tế xã hội đã đề ra.

Thưa quý vị,

Trong các chính sách kinh tế mới, chúng tôi rất coi trọng việc huy động và sử dụng các hiệu quả nguồn vốn bên ngoài.

Trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển chính thức, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã có những nỗ lực để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn quan trọng và có nhiều ưu đãi này trong việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thể chế. Chính phủ chúng tôi mới ban hành nghị định để tổ chức tốt hơn việc điều phối viện trợ, làm cho nguồn vốn ODA trở thành một nhân tố quan trọng để phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Chính phủ cũng công bố danh mục kêu gọi vốn ODA dựa trên các quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch ODA. Cũng đang tiến hành sửa đổi quy trình thẩm định dự án ODA cho nhanh chóng và hiệu quả hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong các nguồn vốn bên ngoài, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn, mở rộng thị trường, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và nâng cao trình độ cán bộ quản lý, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Chính vì vậy, trên cơ sở Luật đầu tư nước ngoài (sửa đổi) đầu năm 1998 Chính phủ ban hành Nghị định bổ sung và hướng dẫn thi hành, trong đó đã đưa ra được nhiều giải pháp chính sách mới thuận lợi hơn, hấp dẫn hơn và cũng hiệu quả hơn cho các bên, đó là:

1. Công bố danh mục định hướng thu hút đầu tư nước ngoài gồm danh mục ngành, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích và khuyến khích, đầu tư có điều kiện và lĩnh vực không cấp phép (chủ yếu liên quan đến bảo vệ môi trường, an ninh, quốc phòng và bảo vệ thuần phong mỹ tục), danh mục địa bàn khuyến khích đầu tư làm cơ sở cho việc kêu gọi đầu tư, đi kèm với những chính sách ưu đãi rất cụ thể.

2. Ban hành nghị định về BOT, BTO, BT nhằm thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

3. Ban hành hàng loạt chính sách khuyến khích và bảo đảm đầu tư, làm cho các nhà đầu tư nước ngoài thuận tiện hơn, có tính chất hấp dẫn hơn, trong đó có:

- Về lựa chọn dự án: Các nhà đầu tư hoàn toàn có khả năng lựa chọn dự án đầu tư, hình thức đầu tư, địa bàn, tỷ lệ góp vốn pháp định, thị trường tiêu thụ sản phẩm (trừ những lĩnh vực đầu tư có điều kiện) ;

- Về lựa chọn đối tác: Nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn đối tác thuộc mọi thành phần kinh tế để hợp tác đầu tư, không nhất thiết chỉ với các doanh nghiệp nhà nước ;

- Về thuế lợi tức: Các dự án đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt khuyến khích và khuyến khích đầu tư sẽ được miễn thuế lợi tức 4 năm kể từ khi kinh doanh có lãi và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo (ngoài những dự án được miễn thuế lợi tức 8 năm đã quy định trước) ;

- Về thuế nhập khẩu: Nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ, doanh nghiệp có hàng xuất khẩu được tạm thời chưa nộp thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu trong thời hạn luật pháp quy định; giá tính thuế nhập khẩu căn cứ vào hoá đơn nhập khẩu; miễn thuế nhập khẩu thiết bị vật tư cho việc đầu tư tạo tài sản cố định hình thành doanh nghiệp và các vật tư xây dựng nhập khẩu để tạo tài sản cố định mà trong nước chưa sản xuất được; các dự án ở vùng sâu vùng xa được miễn thuế nhập nguyên liệu trong 3 năm đầu từ khi bắt đầu sản xuất; các dự án trong các lĩnh vực dịch vụ được miễn thuế nhập khẩu một lần các trang thiết bị.

- Về xuất khẩu: Các doanh nghiệp FDI được chuyển lỗ của bất kỳ năm tính thuế nào sang năm kế tiếp và được bù bằng khoản lợi nhuận của năm tiếp theo, nhưng không quá 5 năm.

- Về cân đối ngoại tệ: Ngay trong điều kiện còn có khó khăn, Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cân đối ngoại tệ cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, thay thế nhập khẩu thiết yếu và các công trình đầu tư quan trọng do Bộ kế hoạch và đầu tư công bố. Việc bảo đảm ngoại tệ được áp dụng trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp.

- Về sử dụng đất: Trên cơ sở xác định chi phí đền bù theo quy định, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc giải phóng mặt bằng để triển khai công trình được nhanh chóng; các doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng được phép cho thuê lại đất chưa có người thuê để cho doanh nghiệp khác thuê lại.

4. Cũng đã đưa ra những quy định về phối hợp giữa các cơ quan chính phủ để cải cách thủ tục hành chính cho đơn giản và hiệu lực cao hơn. Sẽ giải quyết trong 15 ngày thủ tục cấp phép với các dự án xuất khẩu 80% sản phẩm trở lên và trong một số lĩnh vực. Sau khi có giấy phép đầu tư chỉ cần đăng ký với các cơ quan có liên quan về việc triển khai dự án theo quy định tại giấy phép mà không phải xin giấy phép kinh doanh hay giấy phép hành nghề, nhờ vậy rút ngắn thời gian triển khai dự án sau khi có giấy phép.

Những quy định này chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Thưa quý vị,

Chúng ta đang bước vào thế kỷ XXI với những thách thức mới và cũng mở ra những cơ hội mới, cho các dân tộc chúng ta, cho cả nhân loại. Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới để xây dựng Việt Nam thành đất nước có đời sống ấm no hạnh phúc, "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh", hội nhập cùng cộng đồng quốc tế.

Xin cảm ơn./.

Cùng chuyên mục