Số 26 - 1998: Nhìn lại và cùng suy ngẫm

09:40 27/03/2012

1998: Nhìn lại và cùng suy ngẫm

Tác giả: Phan Doãn Nam.

Nếu muốn phác họa cho năm 1998 một bức tranh toàn cảnh bằng bột màu thì có lẽ người ta phải dùng nhiều gam màu sẫm và tối hơn là các gam màu sáng và sặc sỡ.

Kể từ sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt đến nay, chưa bao giờ xã hội loài người phải đối phó cùng một lúc với nhiều thách thức như vậy : Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu; Việc Mỹ và Anh tập kích bằng không quân, tên lửa vào Irắc ; Các cuộc xung đột sắc tộc - tôn giáo đẫm máu; Nạn khủng bố quốc tế và đặc biệt là sự tàn phá của bọn "yêu quái Hồng hài nhi" (E1 Nino và La Nina). May thay, bức tranh u ám đó vẫn còn những tia sáng tỏa ra từ sự ổn định hóa trong quan hệ giữa các nước lớn và sự dịu đi của một số cuộc khủng hoảng khu vực vốn tiềm ẩn nhiều bất trắc, khiến cho người ta khi ngắm bức tranh 1998 không khỏi có tâm trạng buồn vui lẫn lộn nhưng không đến nỗi bi quan, thất vọng.

1. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh 1998, phải thừa nhận rằng "mảng tối" nổi lên và đập vào mắt mọi người rõ nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính đang lan tỏa ra toàn cầu khiến người ta nhớ lại cuộc đại khủng hoảng 1929 - 1933 đã đưa nhân loại vào cuộc chiến tranh thế giới thứ 2. Điểm giống nhau của 2 cuộc khủng hoảng này là chúng đều bắt đầu từ lĩnh vực tài chính tiền tệ. Cuộc khủng hoảng 1929 - 1933 bắt đầu vào cuối năm 1929 khi tình trạng rối loạn đưa đến sụp đổ tại thị trường chứng khoán phố Uôn (Mỹ). Nhiều xí nghiệp và Ngân hàng bị sụp đổ ồ ạt do sản xuất thừa và việc cho vay dễ dãi quá mức và nạn thất nghiệp bùng nổ ở hầu hết các nước tư bản chủ nghĩa. Cuộc khủng hoảng lần này cũng bắt đầu từ lĩnh vực tiền tệ, sự sụp đổ của đồng Bạt (Thái Lan) sau đó dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn diện. Cuộc khủng hoảng lần này cũng giống cuộc khủng hoảng 1929 - 1933 ở tính chất lây lan của nó. Cách đây 50 năm khủng hoảng đã từ nước Mỹ và 2 năm sau tràn sang hầu hết các nước tư bản Tây Âu (Đức, áo, Anh, Pháp) làm rung chuyển toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế về mặt kinh tế cũng như chính trị - xã hội. Cuộc khủng hoảng lần nay từ Thái Lan tràn sang Inđônêxia, Malaixia, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v... và sau đó đánh thẳng vào nền kinh tế tài chính Nga rồi lan sang một số nước châu Mỹ La tinh (Braxin) và đến tận cửa ngõ nước Mỹ. Có một điều khá thú vị là cuộc khủng hoảng 1929 - 1933 không lọt vào được nước XHCN duy nhất lúc bấy giờ là Liên Xô. Cuộc khủng hoảng lần này cũng chỉ gây được những tác động nhẹ đối với các nước XHCN theo cơ chế thị trường. Trái lại cho đến nay, sau một năm rưỡi khủng hoảng, Trung Quốc vẫn giữ được cam kết không phá giá đồng Nhân dân tệ và duy trì được nhịp độ tăng trưởng GDP tương đối cao mặc dù bị thiên tai nặng nề.

Tuy nhiên, có nhiều điểm khác nhau một cách cơ bản giữa 2 cuộc khủng hoảng :

Một là, nếu cuộc khủng hoảng 1929 - 1933 đã làm cho mâu thuẫn xã hội bùng nổ, nhất là mâu thuẫn giữa đế quốc với đế quốc trở nên gay gắt, đẩy nước Mỹ đi vào chủ nghĩa biệt lập và tạo điều kiện cho chủ nghĩa phát xít - quân phiệt ở Đức, ý, Nhật chiếm vị trí thống trị thế giới thì trái lại, cuộc khủng hoảng lần này đã làm cho tất cả các nước phải cùng bàn bạc tìm cách hợp tác nhằm tìm ra các phương sách cứu chữa. Từ Hội nghị cấp cao các nước công nghiệp phát triển (G-7) cho đến Hội nghị cấp cao APEC và ASEAN VI, vấn đề khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, đặc biệt là ở châu á đều chiếm vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự. Có thể tìm lời giải cho hiện tượng này trong xu thế mới của thế giới là tính cùng phụ thuộc lẫn nhau, toàn cầu hóa hoặc nói cụ thể hơn là cả thế giới đang đi vào một thời đại mới, thời đại tin học. Tác động của cuộc khủng hoảng lần này về mặt chính trị xã hội cũng khác trước. Nó làm cho các lực lượng chính trị theo chủ nghĩa bảo thủ, độc đoán, gia đình trị hoặc các lực lượng cực đoan khác phải quay về thế thủ hoặc chịu rút lui khỏi chính trường và nhường chỗ cho các lực lượng ôn hòa hơn, biết quan tâm hơn đến lợi ích của nhân dân và xã hội.

Hai là, trong lúc phân tích tìm nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lần này người ta đã phải nói đến sự "bất lực của chủ nghĩa tư bản" trong việc giải quyết các vấn đề đặt ra của xã hội loài người. Từ năm 1992, William Keegan, phụ trách phần kinh tế của tờ Người Quan sát, một tờ báo nổi tiếng ở Anh trong khi phân tích chủ nghĩa tư bản ông ta đã kết luận rằng trong lúc chủ nghĩa xã hội bị thất bại, thì chủ nghĩa tư bản vẫn chưa thành công và con đường trước mắt của các nền kinh tế chung của thế giới tư bản còn đầy gay go phức tạp. Thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa tư bản (1950 - 1973) đã chấm dứt. Gần đây giáo sư G.Samuelson, một nhà kinh tế học nổi tiếng ở Mỹ khi phân tích cuộc khủng hoảng hiện nay đã viết trên tờ News-Week (14/9/1998) rằng : "Sự sụp đổ nhanh chóng của thị trường chứng khoán trên toàn thế giới đầu tháng 9/1998 đã đánh đi một bức thông điệp mạnh mẽ, rằng chủ nghĩa tư bản mà có lúc nào đó người ta tưởng thắng lợi của nó là tất yếu thì hiện nay đang trong tình trạng thụt lùi toàn diện". Thậm chí ông Gerge Soros, một nhà tỷ phú Mỹ cũng phải ngậm ngùi mà nói rằng "Tình trạng kinh tế diễn ra hiện nay với sự suy sụp của các công ty tài chính và tác động, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh có thể dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản thế giới".

Nếu như tất cả những lời nói về chủ nghĩa tư bản trích ra trên đây được phát đi từ miệng một người cộng sản hoặc một người xã hội cấp tiến thì người ta có thể cho đó là những lời khoa trương của các tín đồ chủ nghĩa Mác, nhưng đây lại là lời của các nhà kinh tế học tư sản nổi tiếng của một nhà tư bản cỡ bự - điều đó có tác dụng như một lời cảnh báo nghiêm túc. Tất nhiên chủ nghĩa tư bản chưa có thể sụp đổ ngay được nhưng rõ ràng nó không phải là cứu cánh cho xã hội loài người.

Từ cái bóng đen sạm của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới lần này đã phát ra những tia sáng làm cho những ai còn xem chủ nghĩa tư bản là toàn mỹ hoàn thiện, là con đường phát triển duy nhất của loài người chắc phải suy nghĩ lại và tìm ra cho đất nước mình một con đường thích hợp. Phải chăng đó là kết hợp một cách hài hòa giữa vấn đề tăng trưởng kinh tế với các vấn đề xã hội cũng như tìm cách khắc phục những yếu kém và bệnh tật vốn có của một nền kinh tế thị trường tự do.

2. Mảng tối thứ hai trùm lên một bộ phận rất quan trọng của thế giới trong năm 1998, làm nhiều người tự hỏi phải chăng thế giới vẫn đang ở trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Đó là xu thế sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực bất chấp luật pháp quốc tế có nguy cơ được tăng cường. Lần đầu tiên kể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh (1991) Mỹ và Anh đã ngang nhiên dùng sức mạnh quân sự tấn công Irắc và sau đó tiếp tục duy trì một lực lượng quân sự lớn kể cả tàu sân bay và máy bay ném bom B52, máy bay tàng hình loại hiện đại nhất tại vùng Vịnh. Điều đáng chỉ trích là Mỹ và NATO làm điều này khi chưa được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và trong lúc Nga, Trung Quốc và Pháp là những thành viên thường trực HĐBA đã lên tiếng phản đối. Đây thực sự là một trò "chơi với lửa" cực kỳ nguy hiểm, đe dọa tính mạng hàng triệu người và coi thường luật pháp quốc tế sau đó là đe dọa toàn bộ hệ thống chính trị quốc tế mới đang hình thành sau chiến tranh lạnh. Sau đó người ta đã thấy hành động coi thường tính mạng con người và luật pháp quốc tế của Mỹ là quá rõ ràng khi không báo trước chỉ trong một đêm Mỹ đã cho phóng một lúc 70 quả tên lửa vào Xu-đăng, áp-ga-ni-xtăng chỉ với mục đích là tìm giết Bill Laden, người mà Mỹ cho là đứng đằng sau các vụ khủng bố, đặc biệt là 2 vụ đánh bom sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania. Tất nhiên không ai tán thành các vụ khủng bố kiểu như thế vì nó làm cho hàng ngàn thường dân vô tội trở thành nạn nhân trong lúc chính phủ Mỹ không phải vì thế mà bớt ngang ngược hơn. Tuy nhiên hành động trả đũa có tính chất khủng bố đó làm cho dư luận thế giới nghi ngờ vào những lời cam kết của Mỹ chống chủ nghĩa khủng bố. Thật ra việc Mỹ phóng 70 quả tên lửa để tìm giết một người mà Mỹ không ưa như vừa nêu không phải là điều gì mới lạ. Mỹ cũng đã từng phóng tên lửa vào Bat-đa nhằm giết Tổng thống S. Hussein, hoặc đã tiêu rất nhiều tiền để tìm cách ám sát Chủ tịch Cu ba Fidel Castro. Lẽ nào đó lại là một quốc sách của một siêu cường luôn có tham vọng lãnh đạo thế giới và muốn mở rộng nền dân chủ kiểu Mỹ ra toàn thế giới ?

Gần 10 năm đã trôi qua từ khi chiến tranh lạnh kết thúc nhưng thế giới rõ ràng không an bình hơn và còn đầy những bất trắc. Số nước có vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo không giảm đi mà trái lại tăng lên nhanh chóng. Chỉ trong năm 1998 này thôi đã có thêm 3 nước nắm trong tay vũ khí chiến lược đó là ấn Độ, Pakistan với 11 vụ thử vũ khí hạt nhân liên tục trong một thời gian ngắn và việc CHDCND Triều Tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của mình. Hẳn ai cũng biết là muốn đưa một vệ tinh vào quỹ đạo trái đất thì người ta phải dùng loại tên lửa nào. Tình hình chạy đua vũ trang về vũ khí chiến lược có lẽ còn tiếp diễn vì hiện nay ít nhất trên thế giới vẫn có khoảng 20 nước nữa có khả năng sản xuất loại vũ khí này. Việc cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, các vũ khí giết người hàng loạt khác và kỹ thuật tên lửa là đáng khuyến khích nhưng sẽ không công bằng nếu như chỉ một nhóm nhỏ các nước lớn muốn độc quyền sở hữu loại vũ khí này để thực hiện âm mưu bá chủ thế giới của họ.

3. Bức tranh thế giới 1998 càng ảm đạm thêm do thiên tai. Từ cuối 1997, El Nino đã đốt cháy hàng triệu hécta rừng làm khói bụi mù mịt nhiều khu vực trên thế giới, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng trăm triệu người và năm 1998 La Nina đã đem lụt lội và gió bão lên hầu hết các châu lục. Nếu ở Trung Quốc, lũ lụt lớn nhất trong 50 năm nay, đã làm tổn thất đến 20 tỉ đôla và ảnh hưởng đến đời sống hàng trăm triệu người thì cơn bão Mitch, cơn bão mạnh nhất trong 200 năm nay đã cướp đi sinh mạng của hàng vạn người ở khu vực Ca ri bê và gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nhiều nước ở khu vực này, đặc biệt là Ni-ca-ra-goa và Hôn-du-rat. Các bức ảnh chụp trái đất từ vệ tinh làm cho người ta nhớ lại trận Đại Hồng Thủy nói trong kinh thánh. Nước ngập khắp mọi nơi từ Trung Quốc, Trung Âu, Trung Mỹ và cả Trung bộ của Việt Nam. Người ta tự hỏi có phải đây là sự "trả thù của Chúa" (La Revanche de Dieu) đối với việc phá hoại thiên nhiên của con người ? Có lẽ là không phải vì Chúa vốn lòng lành, Người không nỡ nào trả thù những con chiên của mình. Thảm họa này là do chính con người gây nên trong quá trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa. Trước hết là các nước công nghiệp phát triển, đứng đầu là Mỹ hàng năm phun lên khí quyển hàng chục triệu tấn đi-ô-xít các-bon (Mỹ : 19 triệu tấn, Nga : 14 triệu tấn ...). Hai là các nước đang phát triển thi nhau chặt phá rừng lấy gỗ để xuất khẩu hoặc làm nhiên liệu. Theo một cuộc điều tra của các nước Mỹ La tinh (7/1991) cứ với đà chặt phá rừng như vừa qua thì đến năm 2000, ba phần tư rừng nhiệt đới ở châu Mỹ sẽ biến mất. Từ lâu loài người đã thấy hiểm họa này nhưng vì lợi ích trước mắt họ không chịu sửa chữa. Bao nhiêu hội nghị quốc tế bàn về môi trường đã được tổ chức nhưng đó chỉ là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà chính trị đến đó than vãn nhưng đến khi phân công trách nhiệm cụ thể trong việc đóng góp vào việc làm trong sáng môi trường thì chẳng ai chịu nhận hoặc nhận rồi để đó không làm, kể cả tại Hội nghị Bu-ê-nốt Ai-ret gần đây.

4. Nếu chỉ nhìn các phần trên đây của bức tranh thì người ta thấy tình hình không khác gì mấy so với thời kỳ chiến tranh lạnh, trái lại có phần bất trắc hơn. Tuy nhiên nếu nhìn vào quan hệ giữa các nước lớn và các khu vực vốn tiềm ẩn sự bùng nổ trong thời kỳ chiến tranh lạnh thì sẽ thấy quan hệ quốc tế đã và đang có sự thay đổi về chất từ chiến tranh lạnh sang thời kỳ cùng đấu tranh và hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình. Đây là mảng màu có gam sáng nhất của bức tranh 1998.

Có thể nói năm 1998 đánh dấu một bước lớn trong việc định hướng trong quan hệ giữa các nước lớn thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Họ đã xem nhau như những đối tác chiến lược, bạn bè chiến lược có tính chất xây dựng và không còn xem nhau là địch thủ hoặc đối tượng nữa, mặc dù chiến dịch "Con cáo sa mạc" có lúc đã đe dọa quá trình này. Nổi lên trong quá trình này là cuộc đi thăm Trung Quốc của ông Bill Clinton tháng 6/1998. Chưa có một Tổng thống Mỹ nào đi thăm Trung Quốc dài ngày như thế : 9 ngày. Và chỉ thăm Trung Quốc, ngoài ra không kết hợp thăm nước nào khác. Sau chuyến thăm này, quan hệ Mỹ - Trung ấm lên rõ rệt. Lợi ích của Trung Quốc từ nay đến giữa thế kỷ 21 (Tức là dịp CHND Trung Hoa đúng 100 tuổi) là xây dựng Trung Quốc thành một quốc gia công nghiệp tiên tiến và thống nhất về lãnh thổ. Do đó, Trung Quốc cần có một môi trường hòa bình và nhất là có quan hệ đối tác với các nước lớn. ở mặt này Trung Quốc gặp Nga là người bạn tri kỷ. Hai bên đều có lợi ích chiến lược giống nhau không những trong việc phục hồi,

phát triển kinh tế mà còn nhằm cùng đối phó với việc NATO mở rộng sang phía Đông (đối với Nga) và việc nâng cấp quan hệ an ninh Mỹ - Nhật (đối với Trung Quốc). Chính vì vậy 2 bên đã sớm định hình quan hệ chiến lược với nhau dưới hình thức đối tác chiến lược có tính chất xây dựng tiến vào thế kỷ 21. Quan hệ đối tác chiến lược Trung - Nga làm Mỹ lo ngại. Lợi dụng tâm lý này của Mỹ và những khó khăn bê bối của B. Clinton trong năm bầu cử, Trung Quốc đã mời B. Clinton sang Trung Quốc với điều kiện chỉ thăm Trung Quốc. Cuộc đón tiếp long trọng, nồng hậu của Trung Quốc dành cho B. Clinton đã góp phần đề cao uy tín Clinton trước những dư luận không hay trong nước nhưng lại làm cho Nhật lo ngại trước nguy cơ Mỹ sẽ không còn coi trọng vai trò của Nhật như trước. Tình hình đó khiến Nhật một mặt phải cải thiện quan hệ với Trung Quốc, mặt khác tìm cách cải thiện quan hệ với Nga. Lợi ích chiến lược của Nhật trong việc xích lại gần Nga lớn đến nỗi khiến Nhật tìm cách thỏa hiệp với Nga về vấn đề lãnh thổ "phương Bắc" (vấn đề cản trở lớn nhất trong quan hệ Nhật với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay) để tiến đến ký hòa ước với Nga vào năm 2000. Do xích lại được gần với Nga, Nhật có thể mạnh trong quan hệ cả với Mỹ và Trung Quốc. Với Mỹ, Nhật không chịu nhượng bộ trong việc mở cửa thị trường và giảm thuế các mặt hàng lâm,

hải sản (qua hội nghị APEC VI). Trung Quốc thấy Nhật chần chừ không muốn bắt chước Mỹ khẳng định lại cam kết "3 không" trong quan hệ với Đài Loan (không công nhận Đài Loan độc lập, không công nhận một Trung Quốc, một Đài Loan và không ủng hộ Đài Loan vào Liên hợp Quốc) và không chịu xin lỗi Trung Quốc (bằng văn bản) về những tội ác xâm lược trước đây của Nhật, Giang Trạch Dân đã hoãn chuyến đi thăm Nhật ( dự định vào tháng 9/1998) với lý do là cần ở nhà để chỉ đạo việc chống thiên tai. Tuy nhiên, quan hệ với Nhật là quá quan trọng đối với Trung Quốc nên cuối cùng tháng 11/1998 Giang Trạch Dân cũng đã đi thăm Nhật. Về phía Mỹ tuy có được những "phút huy hoàng" nhưng đã sớm tắt do Mỹ không thể bỏ những quyền lợi quá lớn với Đài Loan (Mỹ cử Bộ trưởng thương mại Richardson thăm Đài Loan) và chưa từ bỏ âm mưu làm suy yếu Trung Quốc qua vấn đề Tây Tạng (Clinton đã tiếp Đạt Lai Lạt Ma) và một số vấn đề dân chủ, nhân quyền khác. Và nói cho cùng thì Mỹ cũng không thể dùng Trung Quốc để thay thế Nhật làm cái "mỏ neo" trong chiến lược của Mỹ ở châu á - TBD. Do đó tuy không đi dự Hội nghị cấp cao VI của APEC (lấy lý do là cần ở nhà để xử lý cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa LHQ với irắc nhưng thực chất là nhằm trả đũa việc M. Mahathir tẩy chay hội hội nghị cấp cao APEC do Mỹ chủ trì ở Seatle 1993 và vụ An-oa Ibrahim, (một người có khuynh hướng tự do theo lối Mỹ bị cách chức Phó Thủ tướng và đang bị xét xử) nhưng sau khi Hội nghị APEC kết thúc, B. Clinton đã vội bay sang Nhật để trấn an. Trước những chuyển động mới của quan hệ Mỹ - Trung - Nhật ở phía Đông, ở phía Tây, Pháp, Nga, Đức cũng vội tổ chức cuộc gặp gỡ cấp cao đề phòng mọi sự bất trắc có thể xảy ra.

*Lời của 'Gilles Nepel trong sách Revenge of God (tr.2)

Như vậy sau 7 năm kể từ khi Liên Xô (cũ) sụp đổ, quan hệ giữa các nước lớn đã bước đầu được ổn địh theo hướng xem nhau là đối tác chiến lược, bạn bè chiến lược tiến vào thế kỷ 21, cùng hợp tác cùng cạnh tranh trong tồn tại hòa bình, làm cơ sở cho sự ra đời một hệ thống chính trị quốc tế mới sau chiến tranh lạnh theo hướng đa cực hóa.

Quan hệ hòa dịu giữa các nước lớn đã có ảnh hưởng nhất định trong việc làm dịu tình hình căng thẳng ở một số khu vực vốn có tranh chấp lâu đời. Cuối cùng thì người ta đã thở phào nhẹ nhõm vì cuộc tấn công của NATO chống Nam Tư đã không xảy ra. ở châu Âu cuộc khủng hoảng lâu đời nhất ở Bắc Ai-len đã được giải quyết, ở châu á tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã có chiều hướng lắng xuống với việc hai miền Nam -Bắc Triều Tiên bắt đầu có các cuộc giao lưu nhân dân với nhau, các cuộc tiếp xúc đã được nối lại giữa đại diện của chính quyền 2 bờ eo biển Đài Loan; Pakistan và ấn Độ cam kết không tiếp tục các cuộc thử vũ khí hạt nhân và bắt đầu đàm phán với nhau về vấn đề Ca-sơ-mia; ở áp-ga-ni-xtan chính quyền Taliban đã có các cuộc thương lượng với phe đối lập. ở Trung Đông Israel và Palestin đã ký hiệp định hòa bình tạm thời Wye River; ở châu Mỹ, Cuba nối lại quan hệ với nhiều nước Mỹ La tinh và Mỹ đã bị cô lập tuyệt đối tại ĐHĐLHQ trong việc tiếp tục cấm vận Cuba. ở Nam Mỹ các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Anh và Achentina về quần đảo Manvinát cũng như tranh chấp biên giới giữa Ecuador và Peru đã được giải quyết. ở châu Phi cuộc chiến ở CHDC Cônggo đã lắng xuống và các bên tranh chấp đang đi vào thương lượng.

Tuy nhiên cũng cần nhận thấy rằng những lắng dịu này chưa có thể gọi là đã bền vững. Tình hình sẽ còn rất phức tạp trong những năm tới nhưng không phải vì thế mà không ghi nhận những tiến bộ đã đạt được trong năm qua.

Đây là những phần tương đối sáng sủa trong bức tranh toàn cảnh 1998 nhưng là những phần quan trọng và phức tạp nhất khẳng định xu thế chung của thế giới trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh và hòa bình, hợp tác và phát triển nhưng còn đầy phức tạp và nhiều điều không lường trước được. Hy vọng sang năm có thể dùng những gam màu sáng, sặc sỡ hơn để vẽ con đường dẫn đến năm 2000 và thế kỷ mới./.

Cùng chuyên mục