Số 26 - Thế kỷ 20 - một cách tiếp cận

09:16 27/03/2012

Thế kỷ 20 - một cách tiếp cận

Tác giả: Nguyễn Đình Luân.

Nhân loại đang chuẩn bị hành trang bước sang thế kỷ XXI. Tính liên tục và kế thừa của lịch sử đòi hỏi phải nhìn lại thế kỷ XX để tìm ra những dòng chảy chính - cơ sở cho tiến trình vận động của thế kỷ sắp tới. Đây là một vấn đề quá lớn và quá khó. Bài viết này cố gắng đưa ra một số nhận xét ban đầu và mong được góp ý.

1. Thế kỷ XX là thế kỷ của giải phóng

Lý tưởng bình đẳng, tự do , bác ái được nêu ra từ Tuyên ngôn độc lập Mỹ (1776) và từ Tuyên ngôn Nhân quyền Pháp (1789) đã tìm thấy một sự hiện thực hóa hết sức quan trọng trong Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Sự ra đời của nước Nga Xô viết và sau đó là Liên Xô cùng cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã giải phóng nhân loại khỏi sự thống trị độc quyền, làm mưa làm gió của chủ nghĩa đế quốc. Từ sau thế chiến thứ hai đến nay có thêm hàng trăm nước giành được độc lập. Thế kỷ giải phóng dân tộc đang tạo ra sự thay đổi căn bản trong cơ cấu quyền lực thế giới : giải phóng quan hệ quốc tế khỏi sự chi phối độc quyền của riêng câu lạc bộ các nước lớn. ý thức tự chủ, độc lập, tự cường của các dân tộc ngày càng được nâng cao tác động mạnh mẽ tới tiến trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế. Các nước đang phát triển đang đấu tranh để có đại diện của mình trong cơ cấu ủy viên thường trực của HĐBA LHQ. Dù không muốn, nhưng Mỹ cũng không thể ngăn cản được ASEAN kết nạp Myanma và hiện nay Mỹ đang phải điều chỉnh cải thiện quan hệ với Cuba.

Thế kỷ XX chứng kiến hai cuộc chiến tranh thế giới và một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài 44 năm và nhiều cuộc chiến tranh cục bộ khác. Cái giá phải trả cho hòa bình thật quá đắt. Các dân tộc đã phải chịu một sự hy sinh quá lớn lao. Cho dù Liên Xô đã sụp đổ, nhưng cả nhân loại mãi mãi nhớ ơn Liên Xô một lực lượng chủ yếu trong cuộc chiến đấu giải phóng thế giới khỏi thảm họa phát xít. Nếu không giải phóng được nhân loại khỏi thảm họa phát xít thì sẽ không có thế giới với diện mạo như ngày nay cho dù còn nhiều nghịch lý.

Đề tài chiến tranh lạnh đang và sẽ còn tiếp tục thu hút sự chú ý của nhiều giới nghiên cứu trên thế giới. Đã có không ít những học giả phương Tây, cho rằng Liên Xô say mê bạo lực : Nhưng chính Mỹ đã thả bom nguyên tử xuống đất Nhật mà không cần đến hai quả bom đó thì Nhật vẫn phải đầu hàng đồng minh. Còn NATO được thành lập trước khối Vacsava đến 6 năm thực tế cho thấy Liên Xô đã buộc phải lao vào một cuộc chạy đua vũ trang "hút máu người" kinh khủng. Nhưng một lần nữa, nhân loại phải nhớ ơn Liên Xô vì nhờ có sự cân bằng vũ khí hạt nhân chiến lược Xô - Mỹ thì các dân tộc mới có cơ may được giải phóng khỏi thảm họa hạt nhân. Mỹ đã dám thả bom nguyên tử xuống đất Nhật thì sẽ không ngần ngại gì việc sử dụng vũ khí hạt nhân đối với các dân tộc khác. Một số tài liệu nghiên cứu cho thấy, Mỹ đã có ý định dùng loại vũ khí ác hiểm này trong cuộc chiến ở Việt Nam, nhưng lo ngại sự trả đũa từ phía Liên Xô nên đã kịp dừng lại.

Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác còn tiếp tục, nhưng có thể nói thể kỷ XX là thế kỷ giải phóng số phận của nhân loại khỏi nhiều kỳ hiểm họa diệt vong.

Về phương diện kinh tế, nếu như so sánh sự phát triển của lực lượng sản xuất qua các thế kỷ của lịch sử, thì có thể khẳng định : Thế kỷ XX đang giải phóng lực lượng sản xuất khỏi cách thức sản xuất và cách thức quản lý kiểu công nghiệp, tạo ra một sự phát triển nhảy vọt kiểu hậu công nghiệp. Trong 230 năm của thời đại công nghiệp (1740-1970) sản xuất của thế giới tăng 1000 lần, nhưng chỉ trong 20 năm từ 1970 - 1990 sản xuất của thế giới đã tăng 2 lần và ngang với số lượng của cải vật chất sản xuất ra trong 230 năm của thời đại công nghiệp. Nhờ cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ ba với mũi nhọn là công nghệ tin học mà các công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia được phát triển thành một hệ thống toàn cầu - tạo ra "cốt vật chất" cho xu thế toàn cầu hóa. Lực lượng sản xuất của mỗi quốc gia chỉ có thể được phát triển khi nó được giải phóng khỏi giới hạn của biên giới quốc gia và trở thành một bộ phận hữu cơ của hệ thống kinh tế toàn cầu.

Thế kỷ XX còn là thế kỷ giải phóng các nền kinh tế khỏi cả mô hình tập trung, hành chính, mệnh lệnh lẫn mô hình thị trường tự do không cần điều tiết quản lý.

Quá trình giải phóng lực lượng sản xuất từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã tác động sâu sắc đến mô hình kinh tế thị trường tự do tư bản chủ nghĩa. Cuộc đại khủng hoảng 1929 - 1933 đã buộc các nước tư bản thay đổi tư duy kinh tế. Hệ thống Bretton Wood, IMF và WB ra đời vào năm 1944 - một năm trước khi kết thúc thế chiến thứ hai. Tiếp theo đó là sự xuất hiện GATT. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, quá trình tiến triển của GATT gần như không chịu sự tác động của đối đầu Đông - Tây, nó có lôgíc phát triển riêng - lôgíc của sự tiến hoá kinh tế. Bắt đầu từ tháng 1/1995 WTO hoạt động - một năm trước khi Mỹ và Nhật nâng cấp Hiệp ước an ninh, còn Trung Quốc và Nga ra Tuyên bố chung về thế giới đa cực (1996). Sự phát triển kinh tế tác động mạnh mẽ tới tiến trình chính trị cũng như phương thức quản lý vĩ mô. Cuộc khủng hoảng tài chính ở Đông á và tác động của nó tới toàn cầu đang đặt ra vấn đề xây dựng các thể chế kiểm soát dòng vốn tư bản toàn cầu. Chủ nghĩa tư bản giống như con kỳ đà đổi màu, cũng đang phải tự điều chỉnh cấu trúc quản lý cả vi mô lẫn vĩ mô cho phù hợp với phương thức tổ chức sản xuất, trao đổi kiểu tin học.

Sự thay đổi cơ bản về cách thức sản xuất - điều khác nhau cơ bản giữa các thời đại kinh tế, cũng đã từng bước giải phóng các nền kinh tế ở các nước XHCN khỏi mô hình kinh tế CNXH nhà nước. Sau khi Liên Xô sụp đổ, phát triển kinh tế thị trường đã trở thành một xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, xu thế này gắn với một định hướng xã hội rõ rệt bao gồm cả quyền phát triển và sự bình đẳng đối với các cơ hội mới cũng như nhu cầu xóa dần hố ngăn cách giầu nghèo, nhu cầu an toàn sinh thái...

Thế kỷ XX còn chứng kiến quá trình giải phóng tư tưởng khỏi những định kiến, giáo điều, cực đoan các kiểu. Đúng là nhận thức chân lý phải thông qua thực tiễn, thông qua một cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập. Vào những năm cuối thế kỷ này, đặc biệt là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở Đông á, nhiều nhà khoa học phương Tây lại phải quay trở lại với các di sản tư tưởng của Mác. Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ra đời "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" trong năm 1998, tác phẩm nổi tiếng này lại được họ nhắc lại và trích dẫn khá nhiều. Trong bài : "Globalizers of the World, Unite!" Giáo sư Daniel Drezner trường Tổng hợp Clorado đã khẳng định : ở một số mức độ cả Benjamin Baker, Francic Fukuyama, Samuel Huntington, Robert Kaplan và Kanichi Chmae (những học giả nổi tiếng của thế giới Phương Tây) chấp nhận một lôgíc mà C.Mác và Ph. Ăngghen đã nêu ra trong "Tuyên Ngôn Đảng cộng sản" là : "Bất cứ ở chỗ nào mà giai cấp tư sản chiếm được chính quyền thì nó đạp đổ những quan hệ phong kiến, gia trưởng và chất phác. Tất cả những mối liên hệ phức tạp và muôn mầu muôn vẻ ràng buộc con người phong kiến với "những bề trên tự nhiên" của mình đều bị giai cấp tư sản thẳng tay phá vỡ, không để lại giữa người và người một mối quan hệ nào khác ngoài mối lợi lạnh lùng là lối "trả tiền ngay" không tình nghĩa. Giai cấp tư sản đã dìm những xúc động thiêng liêng của lòng sùng đạo, của nhiệt tình hiệp sĩ của cảm tính tiểu tư sản xuống dòng nước giá lạnh của sự tính toán ích kỷ" 1. Sự thừa nhận một cách công khai lôgic khách quan đó, cũng có nghĩa là một sự khẳng định học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học.

Là một học thuyết mở, chủ nghĩa xã hội học khoa học cần phải được phát triển cho phù hợp với những đòi hỏi mới của thời kỳ tin học hóa toàn cầu. Đồng thời cũng cần phải có một cách tiếp cận tổng thể, hệ thống đối với chủ nghĩa tư bản hiện đại, vì có như vậy thì mới bao quát, thấy hết được toàn bộ những tiền đề vật chất chính trị, văn hóa và tinh thần mà chủ nghĩa tư bản trong tiến trình vận động phủ định chính nó đã và đang tạo ra cho chủ nghĩa xã hội.

2. Thế kỷ XX tạo ra những tiền đề cần thiết cho một kiểu phát triển mới - phát triển bằng các quá trình liên kết hội nhập

Trong tác phẩm "Bút ký triết học" được viết từ 1914 đến 1918 Lênin đã nhấn mạnh : "Phải liên hệ, nối liền, kết hợp nguyên tắc chung về sự phát triển với nguyên tắc chung về sự thống nhất của thế giới, của giới tự nhiên, của vận động, của vật chất..."2. Đây là một trong những cơ sở phương pháp luận quan trọng của chính sách kinh tế mới (NEP) với một trong các nội dung cơ bản là chủ nghĩa tư bản nhà nước : Xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách liên kết, hợp tác với tư bản nước ngoài. Nguyên lý về "sự thống nhất của thế giới, của giới tự nhiên, của vận động, của vật chất..." đòi hỏi phải phát triển bằng liên kết, hội nhập các hệ thống khác nhau : giữa kinh tế với xã hội và văn hóa, giữa kinh tế với môi trường sinh thái, giữa nền kinh tế trong nước với nền kinh tế khu vực và nền kinh tế toàn cầu...

Trong suốt thế kỷ qua, đặc biệt là từ sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đến nay chủ nghĩa tư bản đã tạo thêm ra nhiều "đống hàng hóa khổng lồ", đã đưa lực lượng sản xuất tiến tới một trình độ phát triển mới trình độ hậu công nghiệp. Đồng thời chính chủ nghĩa tư bản cũng đang phải đối mặt với những mâu thuẫn vốn có và nan giải như mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, giữa giàu với nghèo, giữa tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm môi trường... Xu thế "trung tả" ở Tây Âu hiện nay cho thấy các nước tư bản đang phải điều chỉnh chiến lược phát triển theo định hướng xã hội.

Thế kỷ XX chứng kiến cả sự ra đời và sự sụp đổ của cộng đồng xã hội chủ nghĩa, sự thất bại của mô hình kinh tế phi thị trường... Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là "sự kết thúc của lịch sử" như quan niệm của Francis Fukuyama. Nhân loại tiến bộ đã tự đặt ra cho mình mục tiêu bình đẳng, bác ái thì cũng sẽ tự tìm ra cho mình con đường đi đến mục tiêu ấy. Tính xoáy trôn ốc của quá trình phát triển biện chứng của lịch sử với tính tất yếu của chủ nghĩa nhân đạo, đã và đang thổi thêm những luồng sinh khí mới cho quá trình đổi mới và phát triển lý luận chủ nghĩa xã hội với một trong những hướng nghiên cứu cơ bản là lý thuyết phát triển trong kỷ nguyên sắp tới.

Toàn cầu hóa, khu vực hóa ngày càng tác động mạnh mẽ đến nhịp độ và hình thức phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các quốc gia, nhưng sự phát triển trước hết phải là tự phát triển. Mỗi quốc gia - dân tộc phải biết phát huy nội lực trí tuệ để tìm ra mô thức phát triển riêng cho chính mình. Bối cảnh mới của sự phát triển đòi hỏi phải "suy nghĩ mang tính địa phương, nhưng hành động phải mang tính toàn cầu". Tính đặc thù về địa lý, lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội... của mỗi dân tộc không cho phép "nhập cảnh", "vay mượn" các mô hình phát triển, đòi hỏi một tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo cao. Chỉ cần so sánh hai mô thức cải cách và phát triển của Trung Quốc và Liên Bang Nga là có thể thấy được vai trò của nội lực trí tuệ. Chỉ có các quy luật và tính "qui" luật chung chứ không có một "đơn thuốc chung" cho mọi đối tượng. Tính qui luật chung của kỷ nguyên toàn cầu hóa tin học hóa cũng đòi hỏi thực hiện phát triển trong "sự thống nhất của thế giới"; trong sự "liên hệ", "nối liền" các hệ thống khác nhau.

Trước hết đó là phát triển bằng sự kết hợp giữa hệ thống kinh tế với hệ thống sinh thái nhằm bảo đảm nguyên tắc đồng tiến hóa giữa con người và sinh quyển. Trong tác phẩm "Biện chứng tự nhiên" xuất bản 1873, Ph. Ăngghen đã đề cập đến "sự trả thù của tự nhiên đối với con người" khi con người tàn phá thiên nhiên. Nhà khoa học Nga V. Vécnátxki (1863-1945) lần đầu tiên đề xuất nguyên tắc đồng tiến hóa giữa con người và sinh quyển. Còn trong tác phẩm "Nhỏ là đẹp" (Small is Beautiful), F. Shumacher, nhà kinh tế học Anh, đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng một lý thuyết, siêu kinh tế học để thay cho kinh tế học đã có, vì "khi tư duy kinh tế đã bao trùm lên toàn xã hội thì những giá trị không phải là kinh tế như cái đẹp, sức khỏe hay sự sạch sẽ chỉ có thể tồn tại được khi chứng minh rằng chúng cũng "kinh tế". Một trong những phạm trù trung tâm của siêu - kinh tế học là GNP xanh - chỉ phần tổng sản phẩm quốc dân còn lại trong GNP sau khi đã trừ đi phần chi phí cần thiết cho việc xử lý ô nhiễm môi trường và tái tạo lại sự cân bằng sinh thái. Đồng thời, siêu - kinh tế học cũng hết sức chú ý đến qui mô nhỏ, dù "con người vốn có hình thể nhỏ bé, cho nên nhỏ bé là tốt đẹp. Chạy theo bệnh khổng lồ tức là đi đến chỗ tự hủy diệt". Thực ra, nguyên lý về sự thống nhất giữa Thiên - Địa - Nhân của triết học phương Đông - một cơ sở lý luận quan trọng của siêu - kinh tế học, đã có từ hơn hai nghìn năm trước.

Khái niệm "thị trường xã hội" đã xuất hiện vào những thập kỷ cuối của thế kỷ XX và ngày được thừa nhận rộng rãi. Phát triển kinh tế gắn liền với phát triển xã hội, bởi vì xét cho cùng kinh tế không phải là mục đích tự thân mà chỉ là phương tiện thỏa mãn nhu cầu phát triển con người với tư cách là chủ thể sáng tạo là quan trọng nhất, thì đầu tư phát triển xã hội cũng chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Định hướng xã hội của kinh tế thị trường đang và sẽ là một tính qui luật của kỷ nguyên sắp đến.

Toàn cầu hóa và khu vực hóa là những hình thức của "sự thống nhất của thế giới". Sẽ không có phát triển nếu đứng ngoài xu thế này. ở đây có một vấn đề cần đề cập là mối quan hệ giữa phương Đông với phương Tây. Mối quan hệ này trong thế kỷ XX chủ yếu được đề cập đến từ các phương diện : thực dân hóa và phi thực dân hóa; đối đầu và hòa dịu và hợp tác Đông - Tây và từ sau chiến tranh lạnh là cuộc xung đột giữa các nền văn minh. Toàn cầu hóa và các hình thức liên kết khu vực như APEC, ASEM đang làm thay đổi các cách tiếp cận cực đoan, định kiến đối với quan hệ Đông - Tây. Nhà văn Ruydard Kipling đã từng viết : "Đông là Đông, Tây là Tây, sẽ không bao giờ có sự hòa hợp"3. Còn sau khi Liên Xô sụp đổ thì F. Fukuyama khẳng định sự kết thúc của lịch sử bằng "chiến thắng của phương Tây". Thực tế cho thấy cả phương Đông và phương Tây có mối quan hệ tương tác chặt chẽ với nhau. "Phương Đông là một bộ phận không tách rời của nền văn minh và nền văn hóa vật chất châu Âu... Nền văn hóa châu Âu đã tăng cường sức mạnh bằng cách đối lập với phương Đông như là một cái gì đó khác với mình, nhưng cũng có cái gì đó gần mình, giống mình... Qui luật của lịch sử là nền văn minh đi từ phương Đông sang phương Tây...Cuối cùng hai hình thức của nhân loại sẽ được gần với nhau". Nhà nghiên cứu Edward W. Said đã nhận xét như vậy trong cuốn "Orientalism". Mỗi người có một cách tiếp cận riêng, nhưng chân lý thì chỉ có một. Từ sự vận động và phát triển đầy kịch tính trong quan hệ Đông - Tây ở thế kỷ XX có thể thấy rằng nhân loại chỉ có thể tiếp tục phát triển trên tinh thần hòa hợp Đông - Tây, một sự hòa hợp mà cả Khổng Tử và Geothe đều mong muốn. "ở đây (phương Đông), - Geothe khẳng định, - trong sự trong sáng và chính trực, tôi sẽ quay trở lại với những cội nguồn sâu thẳm của nhân loại"5.

3. Thế kỷ XX là thế kỷ hướng tới đấu tranh và hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình.

Cái giá của nền hòa bình thế giới theo nghĩa không có chiến tranh thế giới mà nhân loại được tận hưởng từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay quả là quá đắt. Có một điều cần chú ý là không nên đồng nhất chiến tranh xâm lược với chiến tranh giải phóng vì độc lập tự do của tổ quốc, và bên cạnh cách tiếp cận hệ tư tưởng, không nên quên lợi ích của các tập đoàn công nghiệp - quốc phòng mà một động lực cơ bản cho sự phát triển của họ là chiến tranh. Hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc chiến tranh lạnh cùng các cuộc chiến khu vực đẫm máu khác trong đó có cuộc chiến ở Việt Nam đã thức tỉnh lương tri nhân loại tích cực đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ xã hội.

Nền văn minh công nghiệp tạo ra phương thức sản xuất của cải hàng loạt, đồng thời cũng tạo ra những loại vũ khí giết người hàng loạt mà nguy hiểm nhất là vũ khí hạt nhân. Cuộc khủng hoảng hạt nhân hè 1998 ở Nam á cho thấy nguy cơ đe dọa hòa bình thế giới sau chiến tranh lạnh không phải là nhỏ. Để loại trừ nguy cơ này, ngoài việc thực hiện triệt để Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu và thúc đẩy quá trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế, còn cần phải như I. Kante đã đòi hỏi trong cuốn "Hòa bình vĩnh viễn" (Perpetual Peace), xuất bản năm 1795 : "Chính trị chân chính chẳng bao giờ có thể tiến được một bước nếu thiếu sự tôn kính đạo đức"6. Hơn hai trăm năm sau tư tưởng này của nhà triết học cổ Đức vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa thời cấp bách. Trong thế giới hạt nhân và tin học hóa thì đòi hỏi đạo đức đối với chính trị cũng trở thành mệnh lệnh của toàn nhân loại : Đó là một trong những bài học quí giá của thế kỷ XX và cũng là chỉ lệnh của kỷ nguyên sắp đến. Đạo đức đòi hỏi phải loại bỏ chính trị bạo lực, chính trị cường quyền và chính trị bá quyền các kiểu ra khỏi sân khấu chính trị quốc tế. Đạo đức yêu cầu mọi cuộc đấu tranh phải nhằm để hợp tác tốt hơn, giữ cho thế giới có hòa bình hơn. Đạo đức nhắc nhở cần phải thay chính trị đối đầu bằng chính trị đối thoại hòa bình ngày càng trở nên quan trọng và bức xúc.

Phát triển tự nó tạo ra tính đa dạng và tính đa phương án của sự phát triển. Quyền tự quyết dân tộc và tự quyết khu vực đòi hỏi sự tự do trong việc lựa chọn con đường, mô thức phát triển. Một thế giới thống nhất trong tính đa dạng về văn hóa, và mô thức phát triển không có chỗ đứng cho tính ngạo mạn về văn hóa và cho chủ nghĩa dân tộc sô vanh, bá quyền. Tính đa dạng và đa phương án phát triển càng được tôn trọng, càng được đảm bảo thì hòa bình càng được giữ vững, vì khi đã nhận thức được như vậy thì sẽ tìm ra được những giải pháp thích hợp để "thống nhất" hay "chuyển hóa" các mặt đối lập.

Văn minh công nghiệp tạo ra một thế giới phụ thuộc lẫn nhau. Văn minh tin học càng làm cho thế giới phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, chặt chẽ hơn cả về nội dung, hình thức và phạm vi : kinh tế, an ninh, chính trị, văn hóa, xã hội, vùng kinh tế lãnh thổ tự nhiên, hợp tác tiểu khu vực, khu vực, liên khu vực và toàn cầu... Ngay từ thế kỷ XVIII - I. Kante đã dự báo : Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ mạnh hơn niềm say mê dân tộc chủ nghĩa7. Tư tưởng này của Kante đã được C. Mác và Ph. Ăngghen kế thừa trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản khi hai ông đề cập đến vấn đề phụ thuộc lẫn nhau trong thế giới tư bản. Còn sau này Lênin yêu cầu gắn nguyên lý "phát triển" với "sự thống nhất của thế giới".

Tính đa dạng, đa phương án phát triển và tính phụ thuộc lẫn nhau trong "sự thống nhất của thế giới" có quan hệ chặt chẽ với nhau. Không giữ gìn và phát huy bản sắc, nội lực của dân tộc thì sẽ không có phát triển bền vững. Đồng thời cũng sẽ không tiến thêm được một bước nào nếu quay về với chủ nghĩa biệt lập. Tính phụ thuộc lẫn nhau đòi hỏi phải biết phát triển bằng sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế. Một sự phát triển như vậy chỉ có thể thực hiện được khi vừa đấu tranh vừa hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình.

Những đặc trưng cơ bản trên đây không bao quát hết sự vận động và phát triển của thế giới trong thế kỷ XX, nhưng chúng là những trục chính và vẫn còn tiếp tục chi phối thế giới trong kỷ nguyên sắp đến - kỷ nguyên của hòa bình, hợp tác và cùng phát triển.

Tài liệu trích dẫn:

1. Xem Washington Quarterly Winter 1998, P.211.

2. Lênin : Toàn tập, T.29, NXB Tiến Bộ, M 1981, tr. 271

3. Xem : Far eastern affairs, 1991, No 2, P.79

4. Xem "Đông phương học" NXB CTQG, HN 1998, Tr. 9-11, 115.

5. Như trên Tr. 168.

6. Xem : The Global Philosophers : World Politics in Western Thought, New York, 1992, P.199

7. Xem Foreign a ffairs, số tháng 9 - 10/1997, P.171./.

Cùng chuyên mục