Số 26 - Vài nét về chính trường Nga năm 1998

09:05 27/03/2012

Vài nét về chính trường Nga năm 1998

Tác giả: Hoàng Vân.

Ngày 11/9/98, với 317 phiếu thuận, 63 phiếu chống và 15 trắng, Đuma quốc gia Nga chấp thuận người do tổng thống B. Enxin đề cử là ông E. Pri-ma-cốp làm thủ tướng chính phủ Nga. Ngay sau đó Tổng thống B. Enxin đã ký quyết định chính thức bổ nhiệm ông E.Pri-ma-cốp làm thủ tướng Nga, chấm dứt ba tuần khủng hoảng chính trị.

Như đã biết, ngày 23/3/1998, ông B. Enxin đã bãi nhiệm toàn bộ chính phủ V. Checnomưđin và bổ nhiệm S. Kirienco (Nguyên bộ trưởng nhiên liệu và năng lượng) giữ chức phó Thủ tướng chính phủ và Quyền Thủ tướng.

Bằng các biện pháp khi mềmdẻo, khi cứng rắn (thậm chí đe dọa giải tán) ông B.Enxin đã buộc Đuma phải chấp nhận để S. Kirienco làm Thủ tướng chính phủ, lập nội các mới.

Chính phủ "kỹ trị" của S. Kirienco chưa kịp lớn, thì đột nhiên ngày 23/8 (tròn 5 tháng) B. Enxin lại ký lệnh giải tán chính phủ S. Kirienco mà cách đấy mấy hôm, ông ta còn khẳng định là không có sự thay đổi, tái bổ nhiệm ông V. Checnômưđin làm quyền Thủ tướng và đề nghị Đuma thông qua. Sau hai tuần giằng co, trước sự kiên quyết của phe cộng sản không chấp nhận V. Checnômưđin, cuối cùng ông B. Enxin cũng phải nhường bước, đề cử một tân thủ tướng khả dĩ được các phe phái chấp nhận - đó là E. Pri-ma-cốp, cựu ngoại trưởng Nga, cùng một chính phủ có đại diện của các phe phái chính trị.

Đây là lần thứ hai trong liền một năm nước Nga có sự thay đổi nội các. Sự kiện này làm chấn động dư luận trong và ngoài nước, ảnh hưởng sâu sắc đến chính trường và thương trường Nga. nó làm cho nền kinh tế Nga vốn đã yếu lại càng thêm suy yếu. Sự kiện trên xảy ra là do tình thế bắt buộc hay là nằm trong những toan tính chính trị từ trước của ông B. Enxin? Vì sao ông V. Checnomưđin bị cách chức, vì sao ông S. Kirienko chỉ làm thủ tướng có 5 tháng, và liệu ông E. Pri-ma-cốp có trụ vững hay không ? Nước Nga trong một tương lai gần sẽ như thế nào ? Bài viết này cố gắng đưa ra những lý giải sơ bộ về nguyên nhân cũng như vài nhận xét về cuộc khủng hoảng trên. Tuy nhiên, phải nói trước rằng do tình hình chính trị Nga rất phức tạp nên phân tích các diễn biến chính trị trên chính trường Nga vừa qua là việc không đơn giản.

1. Về sự ra đi của ông V.Checnomưđin ngày 23/3/1998:

Chính trị là sự phản ánh tập trung của kinh tế, vì vậy cần làm rõ nguyên nhân kinh tế đằng sau sắc lệnh cách chức toàn bộ chính phủ V. Checnomưđin. Điều đáng nói ở đây là cuối năm 1997, nhiều số liệu được công bố chứng minh sự phục hồi và có xu hướng tăng trưởng của kinh tế Nga, và một điều không thể phủ nhận là từ khi lên cầm quyền (1993) cho đến khi bị cách chức V. Checnomưđin đã có công lớn trong việc chèo lái con thuyền kinh tế Nga. Vậy tại sao cuối quý I năm 1998, Tổng thống lại giải tán toàn bộ chính phủ này ?

1.1. Những nguyên nhân kinh tế :

Đúng là trong vài năm gần đây kinh tế Nga đã có bước phục hồi và công nghiệp năm 1997 có tăng trưởng (0,8 - 1,3%) nhưng nước Nga vẫn đang phải đối mặt với các thách thức lớn. Trong 5 năm cầm quyền, chính phủ tỏ ra yếu kém, nhiều vấn đề xã hội như nợ lương không giải quyết được mà ngày càng trầm trọng (gần 60 tỷ rúp mơí). Tình trạng nợ lương dẫn đến làn sóng bãi công, bãi thị lan rộng hầu như cả nước, đặc biệt là khu vực các mỏ than. Với nhan đề "cuộc đấu tranh nằm ra trên đường tầu" một bài báo đăng trên tờ "Isvestia" đã mô tả sự bất bình đến cực điểm của công nhân ngành than. Do không được trả lương đúng hạn và nợ lương nhiều tháng, các ngành văn hóa, giáo dục, quân đội cũng trong tình trạng vật vờ. Liên quan đến vấn đề nợ, theo những số liệu thống kê, nợ nhà nước của Nga hiện lên tới gần 200 tỷ USD. Nợ của Liên Xô (cũ) đến cuối thời M. Goóc-ba-chốp là 110 tỷ USD. Sau Liên Xô, dưới thời E. Gai-đa và

V. Checnomưdin, nợ nước ngoài tăng thêm 20 tỷ USD. Từ sau 1994, nợ trong nước bắt đầu tăng và hiện nay là 70 tỷ USD.

Vấn đề thuế, "Gasprom" tổ hợp dầu khí lớn nhất nhì nước Nga, nơi mà V. Checnomưđin có nhiều cổ phần và vai vế, đã không chịu nộp thuế với lý do "tuy tập đoàn nợ thuế 13 tỷ rúp, nhưng ngân sách nhà nước nợ họ 14 tỷ và còn các ngành khác, người tiêu thụ khác nợ tới hơn 50 tỷ. Cho nên, xin hãy cân nhắc xem, ai nợ ai?". Nghe có vẻ hợp lý. Vậy nên đứng về phía nào ? Tất nhiên việc nào đi việc ấy. Người ta nợ, anh cứ việc đòi, nhưng thuế, nghĩa vụ anh vẫn phải đóng. Có lúc "Gasprom" chiếm tới 40% tổng số thuế toàn Nga. Cho nên khi những tổ hợp công nghiệp lớn như vậy không nộp thuế, thì ngân sách sẽ bị báo động. Với ông V. Checnomưđin thì vấn đề khó mà giải quyết triệt để được.

Dù sao đi nữa, ông V. Checnomưđin cũng phải chịu trách nhiệm trước những hoạt động có tính Mafia kinh tế như vụ "Thứ ba đen", những vụ đầu cơ chứng khoán..., phải chịu trách nhiệm trước việc dòng ngoại tệ chảy từ Nga ra nước ngoài theo các mạch tham nhũng và kinh tế ngầm.

Nhìn chung, nước Nga ở trong tình trạng đình đốn sản xuất, mà nguyên nhân chính là khủng hoảng thanh toán, nợ và chiếm dụng vốn lẫn nhau. Một nền kinh tế sẽ ốm yếu khi mà chẳng có thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ. Một trong những nguyên nhân của vấn đề trên là nạn "đói tiền", bắt đầu từ năm 1992 và dây dưa cho tới nay. ở một nền kinh tế lành mạnh lượng tiền mặt và những thế phẩm tương đương như ngân phiếu, séc... phải chiếm từ 70-100% tổng sản phẩm quốc nội. Dưới thời ông V. Checnomưđin và thậm chí hiện nay số lượng trên ở Nga chỉ chiếm chừng 10 - 12%. Sự thực không thể chối cãi này có thể giải thích nhưng tuyệt nhiên không biện bạch nổi.

Cuối cùng, chính phủ V. Checnomưdin không thúc đẩy được sản xuất phát triển mà còn yếu kém trong quản lý hệ thống tài chính, ngân hàng, để mặc sức cho cái gọi là tập đoàn "đầu sỏ chính trị" thao túng. Để đối phó với tình trạng "đói tiền mặt" ở trên Chính phủ đã in thêm rất nhiều tiền cuối 1997 đã in ra gần 5 tỷ rúp mới. Đáng tiếc là đến 30% lượng tiền trên không đến được những địa chỉ cần thiết mà được các nhà băng chuyển sang ngoại tệ quay vòng. (Nhezaviximaia Gazeta 13/9/1998).

Như vậy, thực trạng nền kinh tế Nga cũng phản ánh mặt trái của đồng tiền : đó là những yếu kém trong lãnh đạo của chính phủ, sự tê liệt trong nền kinh tế, tính kém cạnh tranh của hàng hóa sản xuất. Tuy nhiên do kết quả của những nỗ lực chung, kết quả của việc in thêm tiền, năm 1997 là năm có nhịp độ lạm phát thấp nhất kể từ 6 năm cải cách trở về đây.

Tất nhiên, những yếu tố khách quan bên ngoài cũng rất đáng lưu ý : Mỹ tiếp tục kiềm chế Nga, không cho quy chế tối huệ quốc, nới lỏng cấm vận Irắc gián tiếp làm cho giá dầu thế giới giảm và điều này làm cho Nga thiệt hại không nhỏ, đồng thời cuộc khủng hoảng tiền tệ của châu á cũng ảnh hưởng nhiều tới Nga.

Có thể nói ông B. Enxin có nhiều lý do kinh tế để cách chức Thủ tướng

V. Checnomưdin. Nhưng chỉ riêng phương diện kinh tế thì chưa đủ, ở đây còn có nguyên nhân chính trị nữa.

1.2. Những yếu tố chính trị

Trước hết có thể nói, mâu thuẫn B. Enxin - V. Checnomưdin là một nhân tố quan trọng tác động đến quyết định giải tán chính phủ V. Checnomưdin.

Tuy giữa Tổng thống B. Enxin và ông V. Checnomưdin không có những mâu thuẫn và hơn nữa ông Checnomưdin đã làm được nhiều cho B. Enxin trong việc tái cử Tổng thống Nga, nhưng dưới vẻ êm ả giữa Tổng thống và Thủ tướng vẫn có những đợt sóng ngầm. Đó là trong số các tập đoàn kinh tế chi phối chính trường Nga, Gasprom là công ty có thế lực nhất mà V. Checnomưdin là cha đẻ của nó. Ai muốn lãnh đạo nước Nga thì phải biết chung sống, thỏa hiệp và nắm được tập đoàn này. Tổng thống biết rất rõ điều đó, nhưng những người do Tổng thống đưa vào chính phủ 2/1997 để nắm các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, tài chính đã bị thay thế bằng người của Thủ tướng. Tiếp theo những thành tựu nhất định về kinh tế cuối 1997 với các hoạt động ngoại giao nổi trội của Thủ tướng ở nước ngoài đặc biệt là ở Mỹ làm cho uy tín của V. Checnomưdin tăng nhanh. Trong khi ông B. Enxin luôn đau ốm, uy tín bị đe dọa. Điều này buộc Tổng thống phải nghĩ cách tính sổ với Thủ tướng để chuẩn bị cho bầu cử Tổng thống năm 2000.

Mặc dù đã thông qua được ngân sách năm 1998, thiết lập được cơ chế "4 bên" và "hội nghị bàn tròn" với khẩu hiệu "Năm 1998 là năm của hòa giải" để giải quyết mâu thuẫn giữa các phe phái trên chính trường, nhưng phe đối lập, đặc biệt là những người Cộng sản không ưa gì toàn bộ chính phủ V. Checnomưdin, nhất là đối với các nhân vật trẻ thân cận với Tổng thống B.Enxin như Trubai, Nemxôp... đã yêu cầu Chính phủ phải ra điều trần trước Đuma vào ngày 9/4 và nêu lên vấn đề bất tín nhiệm. Đây là thế cờ tiến thoái lưỡng nan đối với tổng thống B. Enxin, buộc ông phải ra tay hành động trước.

Còn một yếu tố nữa không thể bỏ qua là tham vọng tiếp tục tranh cử vào năm 2000 không phải đã hết sau khi ông B. Enxin bị mổ tim.

Với tất cả các yếu tố kinh tế, chính trị kể trên, ông B. Enxin đã đi trước Đuma một bước, chủ động cho V. Chenomưdin "đo ván" với lý do "chuẩn bị cho một cuộc bầu cử năm 2000" và vì "không giải quyết được các vấn đề then chốt về kinh tế xã hội" không làm cho dân chúng thấy được tình hình được cải thiện và đất nước cần có ê kíp mới, năng động, mạnh, có khả năng đạt được những kết quả thực tế.

2. Về sự quay trở lại không thành của ông V. Checnomưdin vào 23/8/1998 :

2.1. Những yếu tố kinh tế :

Nếu so sánh V. Checnomưdin quay trở lại chính trường Nga với việc cựu Thủ tướng Nhật Myazawa quay laị chính trường với chức bộ trưởng tài chính thì không thấy có gì đáng ngạc nhiên. Việc các chính khách đến rồi lại đi ở chính trường cũng là bình thường. Điều đáng nói là tại sao vào thời điểm này Tổng thống B. Enxin lại đột ngột thay S. Kirienko bằng chính V. Checnomưdin?

Trước hết có thể thấy ngay là sau gần 5 tháng cầm quyền, chính phủ S. Kirienco đã có những biện pháp mạnh như : đề ra một chương trình kinh tế chống khủng hoảng 24 điều luật với mục đích lấy lại lòng tin của nhân dân và các nhà đầu tư ; giảm lãi suất xuống 20-25%/năm và cấp tín dụng thích đáng cho các xí nghiệp Nga; tăng khối lượng đầu tư; đảm bảo phát triển sản xuất nâng cao đời sống bằng cách : tăng các khoản thu, hạn chế các khoản chi, chính sách thuế công bằng rõ ràng, bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, giảm sự mạo hiểm kinh tế, các chính sách xã hội...,cùng với ý định tranh thủ hỗ trợ quốc tế 22,6 tỷ USD để vực nền kinh tế và tài chính. Tuy nhiên, thực tế và mong muốn không luôn đi đôi. Nền kinh tế Nga từ khi Kirienco lên ngày càng bi đát hơn, qua 1 số biểu hiện :

Một là, sau 5 tháng cầm quyền, chính phủ S. Kirienco đã thất bại trong những chương trình cải cách của mình. Tình hình kinh tế - xã hội Nga ngày càng trầm trọng: GDP giảm 0,2%, ngoại thương giảm 3,4%. Gánh nặng của Chính phủ tiền nhiệm để lại không giải quyết nổi, nợ công nhân viên chức tăng trở lại mức cuối 1997 (54,6 tỷ rúp), thâm hụt quỹ lương tới 16 tỷ. Từ cuối năm 1997, việc sụt giá trên thị trường quốc tế các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nga như dầu khí, kim loại quý hiếm gây cho Nga nhiều tổn thất lớn. Riêng xuất khẩu dầu thô 6 tháng đầu 1998 Nga bị lỗ hơn 5 tỷ USD. Chính phủ S. Kirienco tập trung vào các biện pháp tài chính -tiền tệ theo hướng giảm mức cầu (đối lập với chính phủ tiền nhiệm chú trọng kích thích cung bằng cách thúc đẩy sản xuất), làm cho đời sống xã hội càng khó khăn.

Hai là, do chính sách thuế mới, Chính phủ Kirienco đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của các tập đoàn kinh tế, các thế lực kinh tế ngầm đang thao túng nền kinh tế và chính trường Nga. Ngày 22/7 bảy công ty dầu khí lớn nhất của Nga gồm IUCOS, Sibneft, Sidanco, Surgutneftegaz, Lukoil, TNK, VNK và "Gasprom" đã đưa ra "lời kêu gọi của lãnh đạo các công ty dầu khí gửi Tổng thống và chính phủ Nga". Trong đó, các nhà tài phiệt báo động rằng sang năm 1999, khai thác dầu khí và sản xuất các sản phẩm dầu mỏ sẽ giảm mạnh, coi chính sách của các tổ chức tài chính quốc tế đối với nền công nghiệp Nga là "không sáng suốt và vô trách nhiệm" sẽ làm khủng hoảng gay gắt hơn; buộc tội S. Kerienco đã hi sinh ngành dầu khí Nga cho lợi ích của các tổ chức tài chính quốc tế. Nguyên nhân dẫn đến hành động trên là do ngày 18/7 ông B. Enxin phủ quyết những thay đổi trong luật thuế mới về dầu mỏ nhằm hạ thuế đánh vào dầu thô từ 55rúp/tấn xuống 25 rúp/tấn.

Ba là, việc phá giá đồng rúp dưới danh nghĩa "mở rộng biên độ tỷ giá đồng rúp" ngày 17/8/1998, theo đó tỷ giá thay đổi từ 6,3 lên 9,5 rúp/ 1USD, đồng thời tuyên bố hoãn trả nợ nước ngoài trong thời hạn 90 ngày. Đây là "giọt nước cuối cùng" làm "tràn cốc nước" chống đối của giới tài phiệt, phe cánh tả đối lập, làm giới đầu tư nước ngoài, mất lòng tin hoàn toàn. Với tựa đề "Những biện pháp liều lĩnh tuyệt vọng của một con người tuyệt vọng chỉ làm cho đất nước ông ta thêm tuyệt vọng mà thôi"

(A desperate man's desperate measures will make his country only more desperate), tạp chí The Ecomonist ngày 22/8/1998 chỉ rõ đây là một biện pháp tình thế nguy hiểm, nó đẩy cơn bão khủng hoảng ở Nga lên tới đỉnh điểm. Và thực tế, quyết định vội vã này của ông S. Kirienco (mà thực chất là của Tổng thống) đã làm cho tình hình không thể kiểm soát nổi : dân chúng nhốn nháo, các nhà băng hầu như đóng cửa không giao dịch, các chủ nợ nước ngoài phong tỏa những khoản của Nga ở nước ngoài. Thực trạng kinh tế Nga đã đặt ông B. Enxin vào tình thế "Ngàn cân treo sợi tóc" "Chiếc ghế quyền lực" đang bị đe dọa từng giờ, không loại trừ khả năng Tổng thống cũng phải ra đi cùng Chính phủ nếu không ra tay trước.

2.2. Các yếu tố chính trị nội bộ :

Thay đổi chính phủ lần này phản ánh cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa Đuma và Tổng thống ngày càng quyết liệt. Hồi tháng 3, Tổng thống B. Enxin đặt Đuma trước sự lựa chọn, hoặc khuất phục, hoặc sẽ bị giải tán. Trong lần đó, ông B. Enxin đã thắng. Tuy nhiên, lần này uy tín chính trị của Thủ tướng S. Kirenco rất thấp, không được Đuma và các thế lực chính trị ủng hộ, lại bị thất bại trong chính sách kinh tế. Nếu tiếp tục duy trì chính phủ S. Kirienco thì ngay cả vị trí của Tổng thống cũng sẽ bị đe dọa. Đối với vị thủ tướng hơn 30 tuổi S. Kirienco thì "5 tháng qua là một cuộc tự sát về chính trị"! Còn đối với B. Enxin, việc gạt chính phủ S. Kirienco có thể làm giảm bớt sức ép của phe đối lập. Và việc đưa V. Checnomưđin trở lại (với sự gợi ý của các nhà chính trị - tài chính hàng đầu như : Berezopxki, Viakhiriev...) là sự lựa chọn bắt buộc nhưng thích hợp hơn cả vì trong thời điểm lúc này, ông B. Enxin không còn có nhiều sự lựa chọn. V. Checnomưdin là một chính khách có nhiều kinh nghiệm, có thế lực, có hậu thuẫn đằng sau là cả một "nhà nước trong nhà nước" - Gasprom, có thể đối thoại được với Đuma, các thế lực chính trị, kinh tế trong và ngoài nước. Ông V. Checnomưdin cũng là người có nhiều uy tín quốc tế, có quan hệ tốt với Mỹ và Tây Âu. Nếu ông V. Checnomưdin được Đuma thông qua sẽ tước được vũ khí của phe đối lập hòng lợi dụng sai sót của chính quyền để tiến công Tổng thống, gạt đi cuộc vận động bãi nhiệm của Đuma, ngăn ngừa nguy cơ phe cải cách có thể bị thất bại trong cuộc bầu cử Đuma vào năm 1999 và bầu Tổng thống vào năm 2000.

Ngay khi Tổng thống B.Enxin truất bỏ ông S. Kirienco, tái đề cử ông V. Checnomưdin, đã có ba giả thiết được nêu lên :

1.,Đuma chấp nhận thông qua V. Checnomưdin như hồi tháng ba với trường hợp S. Kirienco;

2. Đuma không chấp nhận, đề cử những ứng cử viên khác và Tổng thống đồng ý.

3. Tổng thống kiên quyết chỉ đề cử một ứng cử viên V. Checnomưdin, nếu sau ba lần Đuma không thông qua sẽ giải tán Đuma, đặt đất nước trong tình trạng khẩn cấp.

Khi đó nhiều người thiên về giả thiết thứ nhất, nghĩa là Đuma lại một lần nữa nhường bước và Tổng thống lại chiến thắng, V. Checnomưdin sẽ quay lại chính trường. Tuy nhiên, lịch sử không lặp lại và gió đã đổi chiều.

Sau khi lãnh tụ các phái "Cộng sản", "Iabloko" và Đảng Dân chủ tự do tuyên bố hôm 30/8 sẽ không ủng hộ ứng cử viên Thủ tướng V. Checnomưdin có thể thấy trước rằng Đuma sẽ không chấp thuận, ít ra là khi bỏ phiếu lần đầu ngày 31/8. Với 94 phiếu thuận và 251 phiếu chống, Đuma đã khẳng định ý chí của các phe đối lập. Điều đáng nói là tỷ lệ phiếu ủng hộ ông V. Checnomưdin 94/251 thấp hơn cả những dự đoán bi đát nhất. Đây là điều cay đắng đối với ông V. Checnomưdin nếu ta nhớ trong lần bỏ phiếu đầu tiên ngày 10/4/1998 đối với S. Kirienco tỷ lệ tương tự là 143/186.

Một chiến dịch của những người chống đối việc tái bổ nhiệm V. Checnomưdin nổ ra. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, hàng loạt các bài báo vạch tội cũ của V. Checnomưdin, coi ông ta là tác giả của cuộc khủng hoảng hiện hành. Các đại biểu Đuma đối lập đã sẵn sàng đối đầu với Tổng thống. Một bản luận tội bất tín nhiệm Tổng thống đã được soạn thảo. Một kế hoạch lấy 60% chữ ký của các đại biểu Đuma để làm thủ tục luận tội đối với ông B. Enxin đã được chuẩn bị trong trường hợp Tổng thống tuyên bố giải tán Đuma. Cả nước Nga ở trong một tình trạng cực kỳ nghiêm trọng. Tình thế hiểm nghèo buộc Tổng thống phải cân nhắc lại quyết định của mình.

Phát biểu trên truyền hình ngày 11/9 nhân những diễn biến gần nhất, Tổng thống B.Enxin nói : "Ba tuần lễ vừa qua, nước Nga đứng bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Nhưng nước Nga đã tránh được điều này. Lãnh đạo các phe phái chính trị đã chứng tỏ họ biết thỏa hiệp trong những giây phút quyết định". Và "tôi không nghi ngờ một chút nào về việc ông E. Pri-ma-cốp sẽ trở thành thủ tướng. Việc ứng cử của ông là sự ứng cử của thỏa hiệp, của nhất trí. Tuyên bố ngày hôm qua của lãnh đạo các phe phái, các đảng lớn nhất đã khẳng định điều đó". Tổng thống cũng cám ơn ông V. Checnomưdin "không một chút chần chừ ông đã đồng ý quay trở lại chính phủ. Nhưng đến khi hiểu rằng, không có sự ủng hộ ở Nghị viện, ông đã xin rút ngay. Tôi nghĩ rằng, nhân dân Nga sẽ đánh giá chính xác hành động dũng cảm này. Kinh nghiệm và hiểu biết của ông V.Checnomưdin sẽ còn được sử dụng về sau...".

Đó là những lời nói có tính ngoại giao, nhưng thực chất là một thất bại của Tổng thống vốn đã quen "nhất hô, bá ứng", cấp dưới chỉ biết phục tùng. Hồi tháng 3, ông B. Enxin đã thẳng tay giải tán chính phủ V. Checnomưdin, khăng khăng một ứng cử viên S. Kirienco bằng mọi giá, tuyên bố sẽ giải tán Đuma nếu sau lần bỏ phiếu thứ ba không đạt yêu cầu. Và lần đó Tổng thống đã thắng. Nhưng lần này, hoàn cảnh đã đổi khác, mọi yếu tố đều rất bất lợi cho tổng thống, nếu cứ một mực theo kịch bản cũ, nhất định sẽ hỏng việc. Đây là một bài toán nan giải đối với ông B. Enxin. Nhưng như đã biết, là một chính khách lão luyện trong chính trường, liên tục chỉ có thắng trong suốt thời gian cầm quyền cho đến nay, giống như trong thời kỳ vận động tranh cử Tổng thống lần thứ hai, liên minh với Lêbet để giành thắng lợi, sau đó lại viện những lý do này khác, sa thải Lêbet..., lần này Tổng thống B. Enxin đã phải chấp nhận lùi một bước để giữ lấy cái đại cục : ổn định chính trường, dần dần đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và bằng mọi giá đứng vững cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2000.

3. Triển vọng của chính trường Nga:

Liệu ông E. Pri-ma-cốp và chính phủ của ông ta có trụ vững được không ? Câu trả lời còn ở phía trước. Với nhan đề "Bậc thầy của những sứ mạng tế nhị" tờ "Isvestia" số ra ngày 11/9 viết về ông E. Primakov như sau : "mới cách đây hai tuần, chẳng ai nghi ngờ gì việc ông E. Pri-ma-cốp đã đạt tới đỉnh điểm danh vọng và với chức Ngoại trưởng sẽ ung dung về hưu. Nhưng hôm nay, cũng chẳng ai nghi ngờ gì việc cựu chính khách 69 tuổi của cả chế độ Xô Viết lẫn nga sẽ trở thành Tổng thống". Đối với giới chính trị ở Nga thì ông E. Pri-ma-cốp thuộc giới "trung dung vàng..." thích hợp cho nước nga lúc này vì điều nước Nga cần hôm nay là một Thủ tướng chính trị chứ không phải là một nhà kinh tế. Trên thực tế có rất ít người thuộc tầng lớp trên dưới thời Xô viết lại có thể tồn tại liên tục qua các biến cố trong mười năm qua như ông E. Pri-ma-cốp. Nhờ vào sự nhạy bén chính trị, sự thành thạo nghề nghiệp và không giáo điều nên ông ta đã trụ được ở cương vị cao suốt từ thời Brê-giơ-nhép qua thời Goóc-ba-chốp đến chính thể B. Enxin . Những đức tính này cũng sẽ giúp ông trong việc gánh vác trọng trách mới. Từ khi được cử giữ chức ngoại trưởng Nga, điều mà ông cũng không lường trước, ông đã cố gắng thực hiện chính sách đối ngoại theo hướng khôi phục lại vị trí cường quốc của Nga. Đó cũng là điều làm cho Đuma hài lòng. Khác với cựu ngoại trưởng Cô-dư-rép, ông không bị nghi ngờ là bán rẻ lợi ích nước Nga. Mục tiêu trong chính sách đối ngoại của ông E. Pri-ma-cốp là hạn chế bá quyền của Mỹ trong việc quyết định trật tự thế giới thời kỳ hậu Xô viết, và thúc đẩy quá trình đa cực hóa. Ông cũng cố gắng khôi phục và phát huy ảnh hưởng của Nga tại các khu vực khác như Châu á, Trung Đông và bán đảo Ban căng. Đối với phương Tây, việc E. Pri-ma-cốp được cử làm ngoại trưởng Nga trước kia cũng không có nghĩa là trở lại chiến tranh lạnh. Vì vậy phương Tây cũng không lo ngại gì nhiều khi tiếp nhận tin E. Pri-ma-cốp giữ chức Thủ tướng, trái lại còn cảm thấy nhẹ nhõm vì khủng hoảng nội các ở Nga kết thúc. Phương Tây coi ông là người đối thoại có năng lực chuyên nghiệp cao, tuy rất kiên quyết nhưng có thể tin tưởng được.

Dù vô tình hay hữu ý, thì việc đề cử ông E. Pri-ma-cốp vào chức Thủ tướng đã cứu Tổng thống khỏi bị luận tội, cứu Đuma khỏi bị giải tán, cứu cho cả các nhà tài phiệt trong cũng như ngoài nước. Họ tin rằng ông E. Pri-ma-cốp sẽ không lái nước Nga đi ngược lại cải cách và quay trở lại nền kinh tế hành chính tập trung. Dư luận phương Tây đều hoan nghênh việc Nga đã chấm dứt khủng hoảng chính trị và bày tỏ sự ủng hộ của mình một khi Nga cam kết đi theo kinh tế thị trường tiếp tục cải cách.

Nhìn vào thành phần nội các chính phủ E.Pri-ma-cốp, ta thấy ngay đây là chính phủ của một sự hòa giải, dàn xếp : tất cả các phe phái đều có đại diện và đối thủ chính của Tổng thống là Đảng cộng sản đã có ông Ma-sliu-cốp, cựu chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch nhà nước Liên Xô (cũ) phụ trách ủy ban kinh tế của Đuma giữ chức phó Thủ tướng thứ nhất phụ trách kinh tế. Thành phần chính phủ hôm nay là đa dạng, nguyên tắc chính thành lập chính phủ của E. Pri-ma-cốp khá rõ ràng đó là cân bằng lợi ích chính trị. Các chính phủ tiền nhiệm có chỗ dựa mạnh là Tổng thống, còn ông E. Pri-ma-cốp lại được Tổng thống "thả nổi". Chính vì vậy, để thực hiện sứ mạng của mình, không có cách nào khác, ông E. Pri-ma-cốp phải dựa vào tất cả các lực lượng đã và đang nổi lên trên chính trường Nga.

Một trong những biện pháp chữa cháy khẩn cấp là "Dập tắt lửa gần", mà nguyên nhân là tình trạng nợ lương kéo dài. Tân Thủ tướng hứa sẽ thanh toán trong tháng chín và đầu tháng mười 30% số nợ lương, ưu tiên cho lực lượng vũ trang. Phó Thủ tướng thứ nhất Ma-sliu-cốp hứa trong vòng một tháng sẽ trình ra một chương trình chống khủng hoảng mới, chi tiết với khả năng thực thi lớn.

Tuy ông E. Pri-ma-cốp cam kết tiếp tục cải cách, nhưng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trầm trọng, việc đưa ra một chương trình kinh tế tối ưu là điều hết sức khó khăn. Ngày 1/10, nội các mới đã xem xét chương trình 10 điểm của ông Ma-sliu-cốp nhằm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng. Chương trình này đã gây tranh cãi lớn trong nội bộ chính phủ và xã hội Nga. Lực lượng cải cách ngoài chính phủ và Bộ trưởng Tài chính Da-đôi-nốp cho rằng chương trình này thực chất dựa trên quan điểm kinh tế của những năm 80 (thời kỳ Goóc-ba-chốp) với cơ chế phát hành tiền để bù thâm hụt ngân sách và tất yếu sẽ dẫn đến lạm phát. Nhưng đại đa số các phó thủ tướng, chủ tịch Đuma, Đảng Cộng sản Nga ủng hộ chương trình này. Thủ tướng E. Pri-ma-cốp nhấn mạnh rằng kinh tế vĩ mô phải phục vụ việc phát triển nền kinh tế thực tế. Chính phủ cần phải giải quyết hai nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu là thực hiện việc chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế thị trường đồng thời phải tính đến lợi ích của nhân dân; phát triển khu vực kinh tế thực tế. Chính phủ đang tìm nhiều biện pháp nhằm thu hút khoảng 30-40 tỷ USD nhàn rỗi trong nhân dân.

Mặt khác, cũng theo ông E. Pri-ma-cốp, nước Nga phải duy trì các mối quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế đặc biệt là IMF để nhận được khoản giải ngân 8 tỷ USD mà IMF đã hứa cho vay, đồng thời chủ trương kiểm soát chặt chẽ việc phát hành thêm tiền trong trường hợp không nhận được khoản tiền đã hứa.

Về đối ngoại, chính phủ ông E. Pri-ma-cốp tiếp tục chính sách cân bằng Đông - Tây, củng cố vị trí nước lớn của Nga, đặc biệt chú trọng và phát triển quan hệ với các nước Xlavơ trong Liên Xô cũ (Bê-la-rut-xua, U-crai-na) và các nước SNG, đồng thời duy trì chính sách hướng Nam.

Khó có thể đoán trước diện mạo nước Nga trong năm 1999 sẽ như thế nào trong bối cảnh đầy rẫy những khó khăn chồng chất, với những mâu thuẫn và tranh chấp nội bộ gay gắt, với một đống những khoản nợ kếch xù, với mùa đông lạnh giá đang đến dần và cái đói đang đe dọa. Nhưng dù sao nhân dân Nga, đất nước Nga vẫn tồn tại và cộng đồng quốc tế cũng không thể để cho một cường quốc hạt nhân như vậy bị lụi tàn./.

Cùng chuyên mục