Số 27 - Kinh tế thế giới 1998 và một số vấn đề cuối thế kỷ

08:38 28/03/2012

Kinh tế thế giới 1998 và một số vấn đề cuối thế kỷ

Tác giả: Lưu Quý Tân.

Năm 1998 kết thúc với một niềm hy vọng Châu A' sẽ khắc phục được hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế và năm 1999 sẽ đem lại một tương lai tốt đẹp hơn cho khu vực này.

Hội nghị Cấp cao VI của các nhà lãnh đạo ASEAN hồi cuối năm 1998 đã đưa ra hai văn kiện quan trọng : Tuyên bố và Chương trình Hành động Hà Nội. Tuyên bố Hà Nội nêu bật quyết tâm khu vực này sẽ làm hết sức mình để nhanh chóng khôi phục sự ổn định về tài chính và kinh tế vĩ mô, sớm phục hồi kinh tế và duy trì tăng trưởng bền vững. Trên tinh thần đó, bản Tuyên bố nhấn mạnh sự hợp tác và đoàn kết ngày càng chặt chẽ hơn để vượt qua những khó khăn kinh tế và xã hội. Chương trình Hành động Hà Nội đề ra một chương trình hành động chung cho cả ASEAN, trong đó có 10 biện pháp nhằm thực hiện việc tăng cường hợp tác nói trên, cam kết duy trì ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô khu vực, tăng cường hệ thống tài chính, thúc đẩy quá trình loại bỏ các hạn chế trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, đẩy mạnh hợp tác tiền tệ, thuế và bảo hiểm, phát triển thị trường vốn ASEAN.

Cũng vào cuối năm 1998, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ra thông báo trong đó dự đoán là từ nửa cuối năm 1999 trở đi, các nền kinh tế Châu A' sẽ bước vào giai đoạn phục hồi. Từ đầu năm 1999 đến nửa cuối năm 1999, cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu A' sẽ chững lại. Thời kỳ nguy hiểm đã qua. Cùng với sự phục hồi ở Châu A' trong năm 1999, các nền kinh tế khác trên thế giới cũng dần dần được cải thiện với thời gian khoảng 6 đến 12 tháng. Đó là thời kỳ nền kinh tế toàn cầu có thể lấy lại phong độ, và đặc biệt, thị trường tài chính Châu A' sẽ trở lại năng động .

Song song với thông báo của IMF, Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), một tổ chức độc lập có sự tham gia của 23 nước thành viên cũng đưa ra dự đoán của họ. Theo đó, đến cuối năm 1998, Châu A' đã chấm dứt được tình trạng "xuống dốc không phanh", và năm 1999 sẽ là năm Châu A' qua khỏi thời kỳ đen tối nhất của cuộc khủng hoảng. Cụ thể hơn, PECC dự đoán tốc độ tăng trưởng của cả khu vực Châu A' năm 1999 sẽ đạt 1,9% và sẽ tăng lên 2,8 % vào năm 2000.

Theo ông Jean Michel Severino, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông A' - Thái Bình Dương, sở dĩ khu vực Châu A' đạt được tình trạng khả quan như trên là nhờ các quốc gia trong khu vực đã tiến hành những biện pháp cải tổ, tái cơ cấu, kinh tế với một nỗ lực rất đáng trân trọng. Cũng theo ông Severino, cho tới nay, Malaysia đã thực hiện rất tốt việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Nhiều tín hiệu phục hồi đã làm người ta thêm tin tưởng, nhất là ở Thái Lan và Hàn Quốc. Ông Rob Subbaranman, một chuyên gia ở Lehman Brothers, Tokyo, còn nói : "Tôi cho rằng Thái Lan là một nước mở đầu cuộc khủng hoảng tiền tệ, thì cũng chính Thái Lan sẽ là nước dẫn đường cho Châu A' thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này".

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu A' bắt đầu từ tháng 7/97 đến nay đã được hơn một năm rưỡi. Nỗ lực và cố gắng đã rất nhiều, và thành tựu sơ bộ đã có. Nhưng không phải là những lo âu suy nghĩ, những thách thức đã hết. Ông Banthoon Lansam, Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan nói : - "Đúng là Thái Lan đã ổn định được đồng tiền, xây dựng lại lòng tin của các nhà đầu tư, kích thích được thị trường tài chính, có nhiều tiến bộ tốt trong chính sách kinh tế và cải cách cơ chế, tạo lập ra một cơ sở mạnh mẽ mới cho sự phát triển lâu dài và có chất lượng trong tương lai. Nhưng điều chúng ta phải thừa nhận là con đường tuy đã mở ra phía trước, nhưng cỗ xe còn đi qua một đoạn đường ghập ghềnh và có thể bị nhào đổ không biết lúc nào. Mặt khác, sự phục hồi vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, như trên toàn cầu có sự tăng trưởng hay sự đe dọa về suy thoái ra sao ? "...

*

* *

Thách thức có nhiều loại khác nhau; ở đây, ta có thể tạm phân làm hai loại thách thức chính : thách thức ngay trong lòng các nước Châu A', và thách thức trên phạm vi toàn cầu làm ảnh hưởng đến cục diện khu vực.

Trên bình diện khu vực, cũng giống như tình hình Thái Lan đã nói trên, tất cả các nước còn lại trong khu vực, dấu hiệu phục hồi tuy đã rõ nhưng chưa phải là vững chắc, mà nói chung còn phải đề phòng xu thế đảo ngược. Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc,... vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là đẩy nhanh phát triển, mở rộng nhiều lĩnh vực hơn nữa như tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, cải tổ các công ty đang làm ăn thua lỗ. Một sự phục hồi lâu dài đòi hỏi phải có những cải cách sâu sắc về cơ cấu và liên tục. Malaysia, một nước tự cho đã có nhiều cố gắng để phục hồi kinh tế, cũng cho biết mức phát triển kinh tế năm 1999 sẽ là 1%, trong khi đó, ngân sách quốc gia năm 1999 sẽ thâm hụt 6,1% GDP.

Trong các dấu hiệu phục hồi, người ta thấy tăng trưởng về xuất khẩu còn rất yếu. Ngay như Thái Lan tuy con số tăng trưởng về xuất khẩu năm 1998 là 15%, nhưng nếu tính giá cả bằng USD, sẽ thấy tụt giảm từ 4 đến 5%. Tiến sỹ Supachai, Phó Thủ tướng Thái Lan nói : Nếu chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa, chúng ta còn có thể làm sống dậy nền kinh tế của chúng ta hơn nữa trong những năm tới". Singapore có công nghiệp điện tử chiếm 77% toàn bộ sản lượng ngành công nghiệp chế biến. Bạn hàng điện tử của Singapore chủ yếu là Mỹ. Nhưng hiện nay, tính cạnh tranh của hàng điện tử Singapore đã giảm sút vì đang gặp phải đối thủ là Malaysia, Trung Quốc và Mexico.

Tình hình lạm phát cũng chưa phải đã hoàn toàn ổn định. Một chuyên gia kinh tế khác của Thái Lan, ông Kosit Pamniemras nói ; "Lạm phát là kẻ thù số 1 của phục hồi. Nhưng xem tình hình chung ở Châu A', lạm phát mới chững lại chứ chưa phải đã bị tiêu diệt. Ai cũng biết lạm phát là một trong những nhân tố làm cho các nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại khi đưa tiền vào nước đó. Từ lạm phát đi đến thất nghiệp là một việc dễ dàng". Hiện nay, ở Châu A', tiền lương lao động đã từ 28% tăng lên 35% chi phí kinh doanh; ở Hàn Quốc, trong quí I năm nay, sẽ có khoảng 400.000 đến 500.000 người thất nghiệp; ở Singapore, cả năm 1999 này có thể sẽ có tới 10.000 người thất nghiệp. Một điểm nữa cần chú ý là tuy phục hồi, các nước Châu A' vẫn còn đang cần tiền. Các chuyên gia WB cho rằng nếu tính toán theo học thuyết của Keynes, khu vực Châu A' cần có thêm khoảng 10 tỉ USD cho Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và một số nước khác nữa. Ta đã biết, trong nền kinh tế thị trường, đồng tiền là thống soái, nếu không vay được tiền thì không thể nói đến tiếp tục phục hồi được.

Vấn đề cuối cùng, tuy người ta ít thấy ngay tầm quan trọng của nó, nhưng cũng cần nêu lên ở đây, đó là việc công bố các số liệu kinh tế tài chính. Dư luận chung của các nhà kinh tế học đều cho rằng một thị trường lành mạnh cần có những số liệu rõ ràng, chính xác về kinh tế vĩ mô để biết được đất nước đó đang đi trên con đường nào, đi đến đâu. Nhưng rất đáng tiếc là nhiều nước còn ngần ngừ, chưa chịu công bố dứt khoát, rõ ràng số liệu liên quan đến nước họ, nhất là những số liệu họ cho là khá tế nhị như cân bằng thu chi, dự trữ ngoại hối, tỉ lệ lạm phát, tỉ lệ thất nghiệp. Tuy vừa qua, một số nước Châu A' đã thỏa thuận cung cấp các số liệu về kinh tế tài chính thông qua Ngân hàng phát triển Châu A' (ADB), nhưng vẫn có một số nước không hoàn toàn tự nguyện thực hiện những điều cam kết.

*

* *

Một chuyên gia của WB nói : một nền kinh tế toàn cầu vững mạnh và phát triển tất nhiên là điều quan trọng bậc nhất cho sự phục hồi ở Châu A'. Nhưng nhìn ra bình địa quốc tế, người ta thấy nguy cơ về suy thoái toàn cầu vẫn lởn vởn, gây ra nỗi lo cho bất kỳ một nền kinh tế lớn mạnh nào trên thế giới. Ngay ở quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất thế giới là Mỹ thì hiện nay cũng đang chững lại. Nói riêng về sức mạnh của đồng USD, người ta thấy Mỹ cũng không làm tròn nhiệm vụ của một quốc gia có đồng tiền được chọn làm đồng tiền chủ chốt trên thế giới (key world currency). Các nhà lãnh đạo thế giới đều đi đến nhận xét chung là việc điều phối chính sách tiền tệ quốc tế đang gặp khó khăn vì thiếu một người có quyền năng tối hậu để xử lý những vụ không tôn trọng các cam kết trong làm ăn kinh tế. Người ta còn kể cả nhân tố Nam Mỹ. ở đây cũng vậy, một nguy cơ thoái trào liên tiếp làm ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, đe dọa việc quay trở lại chế độ bảo hộ mậu dịch.

Bước vào năm 1999, cả thế giới có hàng trăm triệu người thất nghiệp, đó là chưa kể những trường hợp vì thất nghiệp mà quẫn chí, đưa đến tự tử. Riêng khối EU dự đoán tỉ lệ thất nghiệp năm nay vẫn là 11,2% (năm 1998, tỉ lệ này là 11,8%). Suy thoái ở Mỹ và Châu Âu làm tan biến hy vọng tiếp tục dư thừa về cán cân thanh toán, do không còn khả năng nhập khẩu, chứ đừng nói về khả năng xuất khẩu nữa.

Theo nhà kinh tế học Takenori (Nhật Bản), hiện nay nền kinh tế toàn cầu đang thiếu một hệ thống tiền tệ. Từ đầu năm 1970, hệ thống tiền tệ điều hành theo kiểu Bretton Woods đã bị sụp đổ. Nhưng cho đến nay, đã 1/4 thế kỷ trôi qua, các cường quốc kinh tế thế giới vẫn chưa thiết lập được một hệ thống tiền tệ hữu hiệu, và đó là nguồn gốc đưa đến biến động hiện nay trong nền kinh tế toàn cầu. Cũng suy nghĩ theo hướng ấy, ông Jacques Attali, sáng lập viên Ngân hàng Tái thiết và phát triển Châu Âu, nguyên trợ lý cựu Tổng thống Pháp Francois Mitterrand còn gắn việc thiếu một hệ thống tiền tệ quốc tế với nhược điểm của nền kinh tế thị trường. Theo ông, trước đây, người ta cho rằng chỉ kinh tế thị trường thôi cũng đủ để tạo ra sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế thế giới. Nhưng ngày nay, người ta đã thấy rằng cách mạng kỹ thuật và việc toàn cầu hóa thị trường thế giới đã đưa lại vô vàn rối ren, mất trật tự và thách thức cho thị trường thế giới. Cũng nói về kinh tế thị trường, giáo sư Jonathan Kirshner ở trường đại học Cornell, tác giả quyển "Đồng tiền và sự áp bức" cho rằng sự hấp dẫn của kinh tế thị trường là ở chỗ mỗi nhân tố trong thị trường đều có quyền dốc hết sức lực của mình ra để đem lại cho mỗi cá nhân mức lợi nhuận tối đa, theo ý nghĩa là cá nhân đã phồn thịnh thì tất nhiên cả xã hội cũng phồn thịnh. Nhưng dù sao, điều phải thừa nhận là nếu không có một định hướng rõ ràng, kinh tế thị trường vẫn không thể nào đem lại lợi ích tối đa cho xã hội được, mà vẫn có những khiếm khuyết của nó. Nhà kinh tế học Gregory Palast ở Sao Paolo, Brasil, đã nói đến trường hợp của Chile dưới thời Pi-nô-chê đã từng là "tủ kính" của kinh tế thị trường. Nhưng nay nhìn lại, người ta thấy kết quả của chính sách tư hữu hóa, mậu dịch tự do của Pi-nô-chê sau 17 năm cầm quyền (tính đến năm 1990 là năm Pi-nô-chê ra đi) GDP tụt giảm 19% so với năm 1973 là năm A-gien-đê bị lật đổ, tỉ lệ thất nghiệp đã từ 4,3% lên đến 22%, tiền lương công chức giảm sút 40% trên thực tế.

Trong mô hình chung của kinh tế thị trường thế giới, người ta đã hình dung ra "một cái làng toàn cầu" để đẩy mạnh thị trường tự do. Bây giờ, người ta thấy trong cái làng đó, cần phải có những cơ chế có đủ uy tín và bản lĩnh để điều hành một thị trường vốn khổng lồ và thực hiện những cải cách cần thiết ! Nhằm ngăn chặn những tay buôn tiền trong âm mưu gây ra những đảo lộn trong nền kinh tế toàn cầu, IMF phải can thiệp và giúp đỡ những đồng tiền địa phương. Nhưng thực tế đã cho thấy lực của IMF hiện đang suy yếu. Ngày nay, IMF chỉ có thể huy động được cùng lắm là 30 tỉ USD, trong khi nhu cầu thị trường toàn cầu ít ra phải gấp 10 lần như vậy. Mới đây, Thủ tướng Singapore nói rằng các nước Châu A' sẽ lần lượt noi gương Malaysia rút khỏi thị trường tự do nếu họ không được bảo vệ tốt để chống lại sự đổ vỡ của đồng tiền nước họ. Đã có nhiều ý kiến đề cập đến việc thay thế IMF bằng một Ngân hàng trung ương toàn cầu mới (New Global Central Bank), và rút kinh nghiệm đồng Euro, người ta nói đến sự cần thiết phát hành một đồng tiền duy nhất toàn cầu.

Trong việc điều hành thị trường toàn cầu, người ta nói đến việc phải có vốn để tài trợ nhiều công trình to lớn mà WB hiện nay không đảm đương nổi, như công trình chứa giữ nước, loại bỏ chất thải hạt nhân, đấu tranh chống thiên tai. Người ta đã nói đến việc lập ra một Ngân hàng Đầu tư Thế giới để có thể thu hút các khoản thuế trên phạm vi toàn cầu được như đường sá, cầu cống, đập nước, thuế ô nhiễm... Có người cho rằng việc lập ra Ngân hàng Trung ương toàn cầu và Ngân hàng đầu tư Thế giới là điều không tưởng. Nhưng cũng có người nói : Thế chiến I đã đưa lại Hội Quốc liên, Thế chiến II đưa đến việc thành lập Liên Hiệp Quốc, IMF, và WB, thì hoàn cảnh ngày nay (hết chiến tranh lạnh), cũng đủ chín muồi để đưa lại hai loại Ngân hàng toàn cầu mới nói trên. Một chuyên gia kinh tế ở trường đại học kinh tế và công nghiệp Gyor (Hungary) cũng nói rằng ý tưởng lập ra một đồng tiền chung không phải là điều mới lạ. 1.000 năm trước đây, nó đã từng là ý tưởng, tuy thất bại, của đế quốc La Mã muốn thống nhất tiền tệ trong việc ban hành một đồng tiền chung.

Hiện nay, trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21, trên mặt báo chí ở nhiều nước, từ các nước công nghiệp phát triển đến các nước chậm phát triển, người ta đang thảo luận vào một đề tài là "Tân kiến trúc tài chính quốc tế" (New international financial architecture). Ông Jerome Binde, một người phụ trách cao cấp của UNESCO tuy là một chuyên gia về văn hóa xã hội, cũng nói lên một số ý kiến về những thách thức khi thế giới này bước vào thế kỷ 21. Theo ông, có 4 thách thức lớn :

1) Thế giới càng phát triển không đồng đều, càng đưa lại sự nghèo đói chưa từng có. Theo ông, từ 1980 đến trước cuộc khủng hoảng 1997-1998, trên thế giới có khoảng 15 nước có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, đưa lại giàu có cho độ 1/4 dân số toàn cầu. Nhưng đồng thời, lại có độ 100 nước có nền kinh tế chững lại hoặc sa sút, làm cho cũng khoảng 1/4 dân số thế giới lâm vào đói khổ.

2) Liệu sự phát triển hiện nay của thế giới có bị chững lại hoặc bị phá hoại bởi chính chúng ta ? Theo chuyên gia UNESCO, có nhiều việc loài người đang làm nhưng có tính chất tự hủy hoại mà không biết như vấn đề ô nhiễm môi trường.

3) Con đường chúng ta đang đi tới có thật đúng là hướng về thế kỷ 21 hay không? Ví dụ nhiều việc chúng ta đang làm hiện nay cho thấy có thể dẫn đến chiến tranh về nước uống trong thế kỷ 21. Các vấn đề biển thủ công quỹ, bệnh dịch và truyền nhiễm, tội ác có tổ chức, rửa tiền... ngày càng nhiều lên một cách dữ dội, cho thấy sẽ đầu độc bầu không khí và đem lại nhiều mối lo cho thế kỷ 21. Nói một cách khác, chiến tranh lạnh tuy đã kết thúc, nhưng bộ máy nhà nước còn phải đầu tư khổng lồ vào công việc chống những bất ổn trong xã hội, và cả cho quốc phòng.

4) Hòa bình : Hòa bình là điều kiện tiên quyết để loại bỏ ba nguy cơ trên. Nhưng càng đến cuối thế kỷ 20, tức là càng gần thế kỷ 21, người ta thấy xuất hiện một loại nước thứ tư (bên cạnh ba loại nước hiện có là phát triển, đang phát triển và nước chuyển tiếp) là loại nước đang bị chiến tranh tàn phá hay là đang hàn gắn vết thương chiến tranh.

Tóm lại, theo nhà văn hóa UNESCO, toàn cầu hóa không phải là chỉ lo phát triển thị trường tự do, viễn thông, vi tính, mà thế kỷ 21 phải triển khai một loại khế ước xã hội mới cho liên tục, lành mạnh, khuyến khích sự hòa hợp và hợp nhất toàn cầu.

Cuối cùng, một vấn đề người ta đã bắt đầu thấy được tầm quan trọng của nó : vấn đề ô nhiễm toàn cầu. Giáo sư Jonathan Kirshner quả quyết rằng vấn đề ô nhiễm môi trường cũng là một khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường. Khi một nhà máy sản xuất ra được một chiếc ô tô chẳng hạn, thì cũng đồng thời tạo ra một khối lượng lớn về không khí ô nhiễm và nước thải. Ai là người đứng ra chịu trách nhiệm về mối hiểm họa ấy, ai là người phải đứng ra sửa chữa những thiệt hại này ? Không phải là các nhà máy, các ông chủ công ty, mà lại chính là chính phủ, là ngân sách nhà nước, tức là người dân phải gánh chịu. Điều này làm người ta nhớ lại lời một học giả được giải thưởng Nobel cách đây 20 năm là Jemes Tobin. Ông này đã nêu lên sự cần thiết phải đặt ra một thứ thuế gọi là "Thuế Tobin", tức là thuế môi trường. Rất tiếc đến nay chỉ mới một số ít quốc gia quan tâm đến.

*

* *

Trên đây là một số thách thức trên bình diện toàn cầu. Giáo sư Jonathan Kirshner nói rằng chính những thách thức toàn cầu này mới là nguyên nhân đích thực và chính yếu gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế ở Châu A' hiện nay đang lây lan và tác động đến nhiều nền kinh tế ở khu vực khác. Nó là kết quả tất nhiên và cơ bản của những kẽ hở trong hệ thống tài chính quốc tế, chứ không phải do những chính sách kinh tế tài chính nội bộ của mỗi quốc gia trong khu vực này. Tất cả những vấn đề về khủng hoảng kinh tế của các nước Châu A' đều có một kích cỡ quốc gia và quốc tế. Các nước Châu A' chúng ta cần nhìn nhận các thách thức một cách toàn diện để nâng cao cảnh giác, tăng cường đoàn kết với nhau hơn nữa, vì lợi ích của khu vực và lợi ích chung của toàn cầu./.

Cùng chuyên mục