Số 28 - Những trụ cột cho một hệ thống kinh tế tài chính thế giới mới

10:12 28/03/2012

Những trụ cột cho một hệ thống kinh tế tài chính thế giới mới

Tác giả: Lưu Quý Tân

Ở số 1 (27) của tạp chí này (1), chúng tôi có đề cập đến một "Tân kiến trúc tài chính quốc tế". Tân kiến trúc tài chính còn gọi là hệ thống tài chính mới đang là vấn đề được các nhà kinh tế học khắp thế giới quan tâm, và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN họp ở Hà Nội tháng 3/99 cũng đề cập đến.

Hệ thống tài chính thế giới trước kia do hệ thống Bretton Woods vạch ra. Nhưng từ ngày 15/8/1971, đồng USD không còn giữ được tỉ giá cố định nữa, nên người ta coi như hệ thống Bretton-Woods đã sụp đổ. Từ đó, thế giới sống trong hoàn cảnh không hệ thống (nonsystem), đồng USD trở thành "đồng tiền chủ chốt" trên thế giới.

Ngày nay, người ta thấy một hiện tượng có vẻ mâu thuẫn : Một mặt, đồng USD tràn ngập địa cầu, thế giới như tắm trong một bể bơi toàn USD. Mặt khác, lúc nào các nước cũng thấy thiếu tiền USD để tài trợ các công trình kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường, để nâng cao mức sống người dân.

Việc xây dựng một hệ thống tài chính thế giới mới sẽ dựa trên những nguyên tắc, những chế tài, những trụ cột nào ? Y' kiến đến nay vẫn chưa ngã ngũ, xuất hiện nhiều trường phái khác nhau.

Theo trường phái thứ nhất, Paul Krugman, nhà kinh tế học ở Viện Công nghệ Massachusett, đưa ra quan điểm là các nước Châu A' nói riêng, và cả thế giới nói chung, cần phải cải cách và loại bỏ chủ nghĩa gia trưởng, đấu tranh chống tham nhũng, và phải thúc đẩy sự phát triển lấy con người làm động lực để tăng thêm hàng xuất khẩu.

Một trường phái nữa của trường đại học Havard. Nhà kinh tế học Jeffery Sachs, người phê phán nổi tiếng các biện pháp khắc phục nghiệt ngã của IMF cho rằng khủng hoảng là một sự bất ổn do luồng vốn ngoại tệ đi vào quá nhanh gây ra. Liệu pháp hữu hiệu phải là một sự kiểm soát tốt hơn trong lĩnh vực ngân hàng, và công khai rành mạch về tài chính.

Ngoài ra, còn một số ý kiến thiên về chính sách khuyến khích nợ nần hơn là kêu gọi đóng góp cổ phần. Giải pháp cổ phần vẫn được quốc tế hưởng ứng nhiều hơn nếu so với giải pháp chịu nợ, mặc dù sự thật là nợ nần kém ổn định hơn cổ phiếu, vì chủ nợ có thể đòi lại bất cứ lúc nào.

Một ý kiến nữa là phải đẩy mạnh phát triển công nghệ để nhờ đó, hàng tỷ USD được chuyển qua biên giới quốc gia, đóng góp vào mặt trận đầu tư và trao đổi ngoại hối.

Cũng nhân dịp này, các nhà môi trường đưa ra nguyên tắc là các chính sách kinh tế tài chính mới phải quan tâm đến việc bảo vệ môi trường toàn cầu và bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên, điều mà họ cho là do thiếu quan tâm nên đã gây không ít thiệt hại cho tình hình kinh tế tài chính chung toàn cầu. Điều khá thú vị ở đây là trong khi các nhà kinh tế học kêu gọi thúc đẩy và mở mang công nghiệp, tức là phải tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn nữa, thì các nhà bảo vệ môi trường lại kêu gọi hạn chế tiêu thụ nhiên liệu.

Mặt khác, trong một cuộc họp đầu năm nay tại Bắc Kinh, các đại diện WB, IMF và đại diện các nước cho ở Châu Âu và nước nhận ở Châu A' đã nhất trí nhận định rằng cuộc khủng hoảng tài chính Châu A' đã gây ra nhiều tệ nạn xã hội : làm trầm trọng thêm nạn thất nghiệp, ảnh hưởng đến việc cấp kinh phí cho các trường học, các bệnh viện, thúc đẩy nạn tham nhũng, quan liêu, đói nghèo, bệnh tâm thần... Cuộc họp cũng nhất trí là trong một trật tự kinh tế tài chính mới, phải đề ra mục tiêu và lập ra một quỹ bảo vệ người nghèo.

Tóm lại, trước đây, do quá say sưa với phát triển kinh tế, - nói theo các nhà kinh tế học là quá say sưa làm giàu-, người ta đã không dự kiến được cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính sẽ xảy ra từ cục bộ chuyển lên qui mô toàn cầu. Ngày nay, nếu có một hệ thống tài chính mới, thì hệ thống ấy phải dựa trên nguyên tắc vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh tế tài chính, vừa phải lo điều tiết cho phù hợp với lợi ích của môi trường và của người nghèo.

Muốn thực hiện những nguyên tắc nói trên, cần phải có những thể chế, cơ chế nào để hình thành một hệ thống tài chính mới ?

Đây là những vấn đề toàn cầu, và phải do cộng đồng toàn thế giới giải quyết. Trước hết, người ta thấy rằng muốn tránh phá giá đồng tiền thì phải giữ đồng tiền ở một tỉ giá lỏng lẻo nào đó trong mối tương quan giữa các đồng ngoại tệ mạnh với nhau. Một số nhà kinh tế học đưa ra điều họ gọi là vùng chỉ tiêu (target zone), tức là tỉ giá cố định được bao bọc trong một vùng có giới hạn nào đó, ví dụ như biên độ -:- 10% chẳng hạn. Trong vùng chỉ tiêu này, tỉ giá hối đoái được phép dao động. Như vậy, bất cứ nước nào muốn tham gia vùng chỉ tiêu đều phải cố kiềm chế đồng tiền của họ ở trong một thế quân bình với các đồng tiền khác. Đề nghị này đang là một đề tài được thảo luận sôi nổi. Tổng thống Pháp J. Chirac trong chuyến thăm trụ sở IMF ở Washington tháng 2/1999 nói : "Người ta không thể hy vọng về một sự ổn định trong giới tài chính trong khi vẫn còn phải chấp nhận những tỉ giá hối đoái không ổn định".

Y' kiến về vùng chỉ tiêu cũng được ủy ban kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Bretton Woods ủng hộ. Nhưng Nhật Bản có thái độ lạnh nhạt, còn Mỹ thì kịch liệt phản đối. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin nói sáng kiến đó không đáng đem ra thử nghiệm lấy một lần, vì Mỹ cho điều đó chỉ có lợi cho đồng Euro và đồng Yên mà thôi. Mỹ nhất quyết chống lại bất cứ cố gắng nào muốn can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Một số nhà kinh tế học khác thì lo ngại vùng chỉ tiêu dễ bị các nhà lãnh đạo chính trị thao túng và lợi dụng. Theo họ, tỉ giá hối đoái phải tùy thuộc vào sự chi phối thực tế của thị trường. Thị trường tài chính thế giới trong tương lai sẽ có quyền thả nổi. Bất cứ nước nào của một châu lục nào đều có quyền thả nổi tỉ giá đồng tiền của họ đối với các đồng tiền bên ngoài. Xu hướng thả nổi đồng tiền này đã xuất hiện từ khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ. Từ ngày 15/8/1971, mỗi nước đều phải tự do quyết định vị trí đồng tiền của họ trên thị trường tài chính thế giới.

Nhưng những người chủ trương thả nổi tỉ giá cũng chia thành hai nhóm. Một số người chủ trương vừa gắn bó với một hệ thống tiền tệ nào đó, vừa thả nổi với tất cả đồng tiền khác. Đó là điều họ gọi là thả nổi có hạn định (block floating). Một số người khác thì lại chủ trương thả nổi tự do (individual floating), tức là thả nổi với tất cả các ngoại tệ, không phân biệt.

Cùng với cố gắng ổn định tỉ giá hối đoái, các nhà kinh tế học còn nghĩ đến việc lập ra một cơ chế kiểm soát. Người ta được biết một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính tiền tệ vừa qua là nguồn vốn ngắn hạn. Vì là ngắn hạn, nên nó đã vào ra quá nhanh và ồ ạt, các nước không kiểm soát được. Từ đó dẫn đến sự cần thiết phải có một cơ chế kiểm soát tài chính, nhất là kiểm soát vốn vãng lai. Các Bộ trưởng tài chính ASEAN họp ở Hà Nội vừa qua đã đề cập đến việc lập ra một cơ chế giám sát tài chính chung cho ASEAN, nhằm kiểm soát các nguồn vốn ngắn hạn và tiến tới thành lập, ngoài quỹ Miyazawa của Nhật Bản, một cơ chế khác như Quỹ tiền tệ Châu A'(AMF) hoặc Quỹ tiền tệ Châu A' - Thái Bình Dương (APMF).

Nhưng suy rộng ra quy mô toàn cầu thì thế nào ? Trong số báo trước, chúng tôi đã đề cập đến sự bất lực của IMF và WB. Các nhà kinh tế học đều nhất trí nhận định rằng hệ thống tiền tệ Bretton Woods đã trở nên quá lỗi thời để dẫn dắt hoạt động tài chính của thế giới đi vào thế kỷ 21. IMF, cơ quan cho vay tiền lớn nhất, thường bị sa vào bế tắc trong những vấn đề chính trị. Ngay cả đến Ngân hàng Thanh toán Quốc tế có trụ sở ở Genève, vốn được xem như là Ngân hàng Trung ương của mọi Ngân hàng Trung ương, cũng không thể có cánh tay đủ dài để kiểm soát hữu hiệu công việc điều hành. Đã có ý kiến thay thế IMF bằng một Ngân hàng Trung ương toàn cầu mới, và thay WB bằng một Ngân hàng đầu tư thế giới mới.

Nhưng cũng có ý kiến ngược lại. Một số nhà kinh tế học tự hỏi : Có thật hiện nay thế giới đang cần một cơ cấu siêu toàn cầu để kiểm soát tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới này không ? Hay là để cho mỗi nước tự quyết định bộ máy của họ ?

Các ý kiến còn nhiều chia rẽ, người ta dự đoán cho đến cuối năm 1999, chưa chắc đã ngã ngũ về những cơ chế kiểm soát tài chính thế giới.

Cũng nhằm ngăn chặn hậu quả gây mất ổn định do không kiểm soát được luồng vốn vãng lai, từ 20 năm trước, nhà kinh tế học Mỹ James Tobin đã đề nghị thu một khoản thuế 0,1% mỗi khi có số tiền ngắn hạn chu chuyển vào, ra. Người ta gọi đây là thuế Tobin, chuyên sử dụng vào việc bảo vệ môi trường, phục hồi và ngăn chặn thiệt hại về môi trường. Tiền thuế này sẽ giao cho một ủy ban thu nhận và chi tiêu. ủy ban này sẽ gồm có đại diện của Cơ quan môi trường toàn cầu, của UNDP, và WB.

Mặt khác, nhằm giải quyết những hậu quả tai hại do cuộc khủng hoảng tiền tệ gây ra, trong cuộc họp đầu năm nay ở Bangkok giữa đại diện của IMF và nhiều đại diện khác, người ta đã nhất trí lập ra một quỹ gọi là "Quỹ Cứu trợ mới" (New Trust Fund) nhằm tài trợ những công trình có ý nghĩa về quản lý xã hội.

Trong một hệ thống tài chính mới, người ta phải tính đến mối quan hệ giữa các đồng tiền, nhất là các đồng tiền mạnh. Từ khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ, thế giới sống trong tình hình "không hệ thống" (non-system), thì đồng USD trở thành đồng tiền trụ cột (key currency). Nhưng sau cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Châu A', người ta nhận thấy không chỉ có đồng USD là trụ cột, mà còn hai trụ cột khác nữa là đồng Yên và đồng Nhân Dân tệ. Sau đó, khi đồng Euro ra đời, trước thành công của nó, người ta đã thừa nhận có thêm một trụ cột nữa. Nói cách khác, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và EU phải có sự thỏa thuận với nhau mới có thể hoạch định một đường lối khả dĩ điều hành trật tự mới của nền kinh tế tài chính thế giới. Đầu năm 1999, Bộ trưởng tài chính Nhật Bản cũng nói cả bốn đồng tiền : USD, Nhân Dân tệ, đồng Yên và đồng Euro phải có một mối liên quan cả gói lẫn nhau mới tạo thành một giải pháp hầu ngăn chặn sự dao động của các đồng tiền nói chung, và các đồng tiền Châu A' nói riêng.

Hiện nay, đồng USD chiếm hơn 1/2 dự trữ chính thức trên thế giới, lớn hơn 2 lần thị phần sản phẩm thực tế của Mỹ. Chính do nhu cầu coi USD là đồng tiền dự trữ chính trên thế giới đã tạo ra điều kiện thuận lợi hơn cho Mỹ trong việc bù đắp thâm hụt tài khoản vãng lai của họ. Trên thực tế, số người có nhiều tiền ở Wall Street, London, Frankfurt có đủ khả năng hấp dẫn các thị trường đang trỗi dậy. Nhưng đến khi một nước nào đó cần đến USD để hậu thuẫn các công trình kinh tế tài chính và văn hóa xã hội của họ thì lại rất khó khăn. Nước Mỹ vẫn hiểu rõ vai trò của họ trong trật tự kinh tế tài chính thế giới mới, khiến họ phải chống lại xu hướng muốn tăng lãi suất và tiếp tục mở cửa thị trường để thu hút hàng xuất khẩu từ Châu A'.

Trung Quốc cũng nhận thức được rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, còn phải làm nhiều hơn chứ không chỉ hứa hẹn không hạ giá đồng Nhân Dân Tệ. Các nhà quan sát cho rằng xét về nhiều phương diện, Trung Quốc không muốn phá giá đồng tiền của họ, vì độ tăng trưởng xuất khẩu của họ vốn cao nhất Châu A', tuy gần đây có giảm sút chút ít. Hơn nữa, Trung Quốc có những khoản vay lớn từ nước ngoài, hệ thống ngân hàng của họ chưa đủ mạnh để chống đỡ một cuộc phá giá ngay trước mắt. Đầu tư nước ngoài sẽ bị tổn thương nếu Trung Quốc đưa ra một cử động có thể cho là dấu hiệu gây cản trở cho việc chu chuyển đồng tiền.

Yêu cầu của một nền trật tự trong bối cảnh kinh tế tài chính thế giới mới đối với Nhật Bản là phải nhanh chóng thực hiện cải cách nền kinh tế của họ. Nhật Bản cũng đã nhận ra các sai lầm của họ trong việc giải quyết suy thoái kinh tế và khủng hoảng ngân hàng.

Tuy Mỹ kêu gọi Nhật Bản phải cắt giảm thường xuyên các khoản thuế, nhưng Nhật Bản vẫn còn lo ngại về thâm hụt ngân sách. Mặc dù mọi người đều mong đợi Nhật Bản mau chóng vận hành lại cỗ máy kinh tế, nhưng việc Mỹ ra sức thúc giục Nhật Bản làm cho nhiều người nghĩ rằng điều này có hại hơn là có lợi cho tình trạng quân bình giữa 4 trụ cột ở Châu A'.

Như vậy, trên thực tế quả là cần thiết phải có một thế cân bằng lực lượng mới ở Châu A' để tạo ra ít nhất là một mức độ ổn định về kinh tế tài chính, và việc này đòi hỏi phải giảm bớt tình trạng đối kháng vốn có xưa nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản và đòi hỏi Washington và Tokyo phải tìm ra những điểm mới trong mối quan hệ của họ. Người ta còn nói đến việc Mỹ phải ủng hộ việc lập ra một khu vực đồng Yên.

Từ đầu năm 1999, đồng Euro xuất hiện, và nhanh chóng được thế giới chấp nhận Trước mắt Euro đang bị khó khăn liên tục mất giá so với USD, nhưng trong tương lai nó sẽ có những ưu thế to lớn hơn. Trong cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Brazil, nhờ có đồng Euro mà EU đã nhanh chóng khắc phục được những ảnh hưởng tiêu cực. Với sự xuất hiện đồng Euro, Nhật Bản đã phải nhanh chóng khẳng định lại vị thế đồng Yên bằng một chính sách đồng Yên mạnh và ổn định. Người ta cho rằng chính đồng Euro đã thúc đẩy sự hình thành nhanh chóng trục tiền tệ USD-Euro-Yên. Nếu trục này được hình thành hợp lý và duy trì tương đối ổn định, nó sẽ tạo ra nhiều điều kiện cho phục hồi nền kinh tế tài chính thế giới.

Sự ra đời thành công của đồng Euro, kinh nghiệm xử lý cuộc khủng hoảng Brasil đã thúc đẩy ý kiến lập ra nhiều đồng tiền khu vực. Các Bộ trưởng tài chính ASEAN họp ở Hà Nội mới đây cũng đã đề cập đến việc lập ra một đồng tiền chung ASEAN nhằm hạn chế ảnh hưởng của đồng USD trên nguyên tắc tôn trọng chính sách tài chính tiền tệ của mỗi quốc gia. Như vậy, về lâu về dài sẽ có một đồng tiền cụ thể của một thành viên được lựa chọn hay đặt ra một đồng tiền chung mới, đây còn là một vấn đề cần suy nghĩ tiếp theo.

Năm 1999 là năm bản lề để thế giới bước sang thế kỷ 21. Đang có những hoạt động sôi nổi để xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa tất cả các nước nhằm phục hồi và quản lý tốt kinh tế, thúc đẩy phát triển lâu dài ổn định và củng cố những thành tựu đạt được. Hy vọng những biến chuyển trên các thị trường lớn của Châu A' và Châu Âu sẽ nhanh chóng thúc đẩy việc hình thành những nền móng cho một trật tự kinh tế tài chính thế giới mới.

Chú thích

(1) Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 1 (27) ra trong tháng 2/1999

Cùng chuyên mục