Số 28 - Quan hệ kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ Nga - Mỹ: Thực trạng và những vấn đề tồn tại

10:02 28/03/2012

Quan hệ kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ Nga - Mỹ: Thực trạng và những vấn đề tồn tại

Tác giả: Hà Mỹ Hương

1. Thực trạng quan hệ kinh tế - thương mại và khoa học - công nghệ Nga - Mỹ

Nếu như chúng ta cố gắng đưa ra một đánh giá chung nhất về thực trạng quan hệ kinh tế - thương mại và khoa học - công nghệ (KT-TM & KH - CN) Nga - Mỹ, có thể cả các lĩnh vực quan hệ song phương Nga - Mỹ khác, thì chắc chắn đánh giá đúng đắn nhất là thực trạng quan hệ đó chưa làm hài lòng cả hai phía Nga và Mỹ, nhất là phía Nga, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước và những thành tựu đạt được cũng chưa vững chắc. Tại sao vậy ? Trước hết, cần xem xét quan hệ KT - TM & KH - CN Nga - Mỹ xuất phát từ hiện trạng từng nước khi bước vào kỷ nguyên "hậu chiến tranh lạnh".

Liên bang Nga bước ra vũ đài quốc tế không những với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, một chủ thể pháp lý quốc tế mới như các nước cộng hòa Xô viết cũ khác, mà còn với tư cách "Quốc gia - kế tục Liên Xô". Trong những năm 1991-1993, một bộ phận đáng kể các quan chức chính quyền mới (kể cả B. Eltsin) có tâm trạng hết sức phấn chấn. Họ cho rằng một khi "nước Nga mới" đã đoạn tuyệt hệ tư tưởng cộng sản để xây dựng nước Nga thành "cường quốc dân chủ", có nền kinh tế thị trường tự do, thì Mỹ với tư cách là nước đứng đầu các nước phát triển sẽ giúp đỡ kinh tế cho Nga, thực hiện một "kế hoạch Marshall mới" cho Nga như đã từng làm cho Đức và Nhật sau Chiến tranh thế giới II. Họ cũng cho rằng lợi ích của "nước Nga mới" và của nước Mỹ hầu như trùng hợp trên mọi vấn đề; rằng mọi chướng ngại trong quan hệ với Mỹ trước đây là do khác biệt hệ tư tưởng, và do vậy, một khi hệ tư tưởng đã ra đi cùng với chính quyền cộng sản, thì một kiểu quan hệ mới về chất, quan hệ liên minh, hợp tác chặt chẽ nhất giữa Nga và Mỹ, trong đó nổi lên sự giúp đỡ nhiều mặt của Mỹ với Nga, sẽ nhất định được nhanh chóng thiết lập, v.v...

Phía Mỹ cũng ra sức khuyến khích tâm trạng phấn chấn đó, hứa hẹn giúp đỡ, viện trợ những khoản tài chính lớn và sự ủng hộ tích cực cho Nga trên trường quốc tế, thể hiện qua rất nhiều lời lẽ đồng tình hứa hẹn, tuyên bố, tuyên ngôn của các nhà cầm quyền Mỹ trong những năm 1992 - 1993.

Hệ thống các huyền thoại, ảo tưởng đã được các giới, các cấp chính quyền ở cả Nga và Mỹ tạo ra như vậy , và điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoạch định các chính sách, trong đó có chính sách kinh tế của ban lãnh đạo Liên bang Nga. Có thể nói, những biện pháp kinh tế khuyếch đại thời "liệu pháp sốc" của Gaidar một phần bắt nguồn từ những lời hứa nhiều tỷ USD viện trợ của Mỹ và phương Tây đưa ra cho Nga. Nhưng hóa ra chỉ là hứa suông. Mỹ và phương Tây nói chung bỏ mặc "nước Nga mới" vật lộn với những khó khăn của mình, mà những khó khăn đó là quá lớn, chưa từng có. Sự sụp đổ của chế độ XHCN Xô Viết, sự tan rã hệ thống các đồng minh, sự cắt đứt các quan hệ kinh tế truyền thống trong khối SEV và trong không gian Liên Xô cũ, nợ nần chồng chất cùng với những khủng hoảng chính trị - kinh tế - xã hội trầm trọng, phức tạp, kéo dài, cuộc nội chiến Chechnya, v.v... đó là bức tranh chưa đầy đủ của nước Nga thời kỳ "hậu Xô viết". Nước Nga thừa kế 60% tiềm lực kinh tế của Liên bang Xô viết, nhưng hiện nay do khủng hoảng kinh tế kéo dài, GDP của Nga chỉ đạt khoảng 1/4 GDP của Liên Xô cũ, chưa đầy 10% GDP của Mỹ (1).

Để so sánh, ta nên biết năm 1950, Liên Xô chiếm 7,3% GDP thế giới (riêng Nga 4,4%), Mỹ chiếm 31,2%; còn năm 1996, Nga chiếm 1,8% GDP thế giới, Mỹ chiếm 20,6%; GDP/người của Liên Xô năm 1950 so với Mỹ là 19,8%, năm 1996, chỉ số này là 15,5%; còn nếu so với mức trung bình của thế giới thì năm 1950 Liên Xô chiếm 101,4% (Nga 108,6%), năm 1996 tụt xuống 69,4% (2).

Tóm lại, căn cứ theo những chỉ số cơ bản của nền kinh tế, thì Liên bang Nga đang bị đẩy xuống hàng các "quốc gia hạng hai", có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với các nước công nghiệp phát triển, thậm chí Ngân hàng thế giới mới đây còn xếp Liên bang Nga vào danh sách các nước đang phát triển, tức là ở vị trí rất bất lợi trong phân công lao động quốc tế.

Còn Mỹ khác hẳn Liên bang Nga, vẫn giữ vững địa vị cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới, mặc dù tỉ lệ trong GDP thế giới từ năm 1950 đến 1996 giảm từ khoảng 1/3 xuống 1/5. Chỉ theo dõi mức tăng trưởng GDP/năm của Nga và Mỹ qua các năm (như bảng 1) cũng sẽ rõ.

Bảng 1. Nhịp độ tăng trưởng GDP thực tế hàng năm của Nga và Mỹ (%) (3)

Nước

1992

1993

1994

1995

1996

1997

1998 (dự báo)

Mỹ

2,7

2,3

3,5

2,0

2,8

3,8

3,5

Nga

-14,5

-8,6

-12,8

-4,1

-5,5

0,5

1,5

Vị trí đứng đầu trong nền kinh tế thế giới của Mỹ được bảo đảm không chỉ bởi tính năng động của sự phát triển kinh tế thị trường trong nước, mà còn bằng các thiết chế kinh tế - tài chính thế giới mà Mỹ có vai trò chủ đạo như G7, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Câu lạc bộ các chủ nợ Pa-ri và Luân đôn, WB, IMF, WTO, APEC, NAFTA,...

Trong khi đó, nước Nga gặp phải những khó khăn rất lớn trong việc hội nhập vào các cơ cấu, thiết chế kinh tế - tài chính - tiền tệ thế giới. Nếu như Mỹ đang duy trì và củng cố vị trí chi phối của mình trên thị trường toàn cầu, thì Liên bang Nga đang chỉ mới đi những bước đầu tiên trong lĩnh vực này. Những luật chơi tương ứng với những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường hiện đại mà Mỹ và các đồng minh của họ đặt ra rất không thuận lợi đối với nước Nga vốn vẫn chưa được xem là nước có nền kinh tế thị trường, khó được chấp nhận là một đối tác kinh tế mạnh, có triển vọng, và trên thực tế Mỹ xúc tiến các quan hệ kinh tế - thương mại với Nga từ thế mạnh, thế thắng.

Quan hệ KT - TM & KH - CN Nga - Mỹ diễn ra trong bối cảnh như vậy và chủ yếu thông qua hoạt động của Uỷ ban hợp tác kinh tế và kỹ thuật Nga - Mỹ (Uỷ ban Gor- Chernomyrdin, hiện nay là Uỷ ban Gor - Primakov) thành lập vào 4/1993 thoạt đầu với tên gọi "Uỷ ban Nga - Mỹ về các vấn đề công nghệ liên quan đến hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng và vũ trụ". Nhưng ngay trong phiên họp thành lập Uỷ ban, người ta đã tuyên bố thành lập một "Uỷ ban Liên chính phủ Nga - Mỹ về hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ" do Phó Tổng thống Mỹ A.Gor và Thủ tướng Nga V. Chernomyrdin làm đồng Chủ tịch, với nhiệm vụ chủ yếu là đặt nền móng kinh tế vững chắc cho hệ thống các quan hệ giữa Nga - Mỹ . Đầu tháng 9 năm 1993, dưới sự chủ tọa của A. Gor và V. Chernomyrdin đã diễn ra phiên họp lần thứ nhất của Uỷ ban tại Washington, thông qua ba văn kiện lớn về hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ :

- Về các chuyến bay vũ trụ chung và hợp tác xây dựng trạm vũ trụ hoạt động thường xuyên;

- Về nghiên cứu lý thuyết ngành hàng không học;

- Về chuẩn bị các chương trình cho mô - đun vũ trụ.

Cũng tại đây Nga - Mỹ đã ký các Hiệp định về việc mở cửa cho Nga ra thị trường quốc tế trong lĩnh vực phóng tên lửa thương mại và về các vấn đề xung quanh chế độ kiểm soát việc không phổ biến công nghệ tên lửa, về nghiên cứu nâng cao độ an toàn của các lò phản ứng nguyên tử, hợp tác mở rộng khả năng của các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hữu cơ...

Tháng 12 năm 1993, tại Mat-xcơ-va diễn ra phiên họp thứ hai của Uỷ ban, sau đó bắt đầu họp thường kỳ 6 tháng một lần. Kết quả sau 5 năm với 10 lần họp, Uỷ ban Nga - Mỹ về hợp tác kinh tế và công nghệ đã thông qua hơn 220 văn kiện, gồm : 53 văn kiện về hợp tác nghiên cứu vũ trụ; 51 văn bản về quan hệ kinh tế - thương mại; 43 văn bản trong lĩnh vực năng lượng; 24 văn bản về khoa học và công nghệ; 18 văn bản về sinh thái; 6 văn bản về nông nghiệp(4), v.v...

Cho đến nay,Uỷ ban Nga - Mỹ về hợp tác kinh tế và công nghệ đã kiện toàn cơ cấu tổ chức, với 8 ban : Ban phát triển hợp tác kinh doanh, buôn bán; Ban chính sách năng lượng (mới đây tách thành hai ban riêng về năng lượng hạt nhân và năng lượng phi hạt nhân); Ban khoa học và kỹ thuật; Ban nông nghiệp ; Ban chuyển đổi công nghiệp quốc phòng; Ban vũ trụ; Ban môi trường sinh thái; Ban Y tế. Ngoài ra còn có Diễn đàn về thị trường tư bản, hoạt động với tư cách một bộ phận độc lập.

Nhìn chung, hoạt động của Uỷ ban đã cho phép giải quyết những vấn đề thực tiễn đưa quan hệ KT - TM & KH - CN giữa hai nước đi vào nề nếp hơn. Quan hệ này đã hoạt động trên những cơ sở pháp lý được thỏa thuận, cơ chế điều tiết, giải quyết tranh chấp cũng bắt đầu được tổ chức có quy mô hơn. Hai nước đã thực hiện một số bước quan trọng nhằm xóa bỏ những vật cản trong hợp tác kinh tế - thương mại tồn tại từ thời "chiến tranh lạnh". Năm 1993, Mỹ thông qua Luật "Về quan hệ hữu nghị với Nga và các quốc gia mới độc lập" (các nước Cộng hòa Xô viết cũ), đã xem xét lại hơn 70 điều luật có tính chất phân biệt đối xử, tạo điều kiện nhất định cho việc xuất khẩu phi quan thuế của Nga sang Mỹ. Đáng chú ý nhất là hai nước đã đạt được thỏa thuận về việc tăng hạn ngạch của Nga trong việc phóng các vệ tinh thương mại bằng tên lửa đẩy Proton lên vũ trụ từ 8 lên 20 chiếc trong thời kỳ đến năm 2000, mà nhờ các vệ tinh này Nga đã thu được hàng trăm triệu USD.

Tuy nhiên, kim ngạch ngoại thương Nga - Mỹ nhìn chung chỉ chiếm tỉ lệ không đáng kể trong ngoại thương hai nước, nhất là Mỹ.

Bảng 2: Thương mại Nga và Mỹ (triệu USD) (5)

1992

1993

1994

1995

Xuất khẩu của Nga sang các nước "viễn hải ngoại"

42.237

44.297

49.935

66.017

Nhập khẩu của Nga từ các nước "viễn hải ngoại"

36.984

26.807

28.135

33.139

Xuất khẩu của Mỹ

447.500

464.900

512.400

581.000

Nhập khẩu của Mỹ

525.100

574.900

663.800

768.000

Xuất khẩu Nga sang Mỹ

762

1.997

3.422

4.330

Nhập khẩu của Nga từ Mỹ

2.898

2.304

2.052

2.648

Năm 1996, xuất khẩu của Nga sang Mỹ giảm so với năm 1995, với mức 3661 triệu USD, nhập khẩu tăng lên 3.340 triệu USD. Năm 1997, kim ngạch thương mại Nga- Mỹ tăng lên một chút với mức 7,2 tỷ USD. Nhìn chung, những con số đó không phải là lớn so với tiềm năng của hai nước và so với quan hệ thương mại giữa các nước lớn khác (chẳng hạn quan hệ thương mại Mỹ - Canađa), thậm chí kim ngạch thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng còn lớn hơn kim ngạch Nga - Mỹ khoảng 6 lần (Kim ngạch ngoại thương Mỹ - Trung Quốc năm 1996 là 42,84 tỷ USD, có tài liệu còn nói là hơn 80tỷ USD). Như bảng trên chỉ rõ, khối lượng xuất khẩu của Nga sang các nước "viễn hải ngoại" (tức là các nước ngoài khác trừ các nước SNG được coi là "cận hải ngoại" ) 10 lần kém hơn xuất khẩu của Mỹ, còn nhập khẩu của Nga kém hơn khoảng 20 lần. Mỹ chiếm vị trí số 1 trong thương mại thế giới, còn tỉ lệ của Nga trong xuất khẩu thế giới là 1,3%, trong nhập khẩu 0,8%. Nga chỉ chiếm vị trí thứ 20 trong danh sách các nước xuất khẩu lớn nhất và vị trí thứ 24 trong danh sách các nước nhập khẩu lớn nhất của thế giới (6).

Mặc dầu trong nửa đầu thập kỷ 90 chu chuyển hàng hóa Nga - Mỹ đã tăng gấp đôi so với quan hệ KT - TM Xô - Mỹ, song nhìn chung quan hệ kinh tế song phương Nga - Mỹ chỉ có ý nghĩa hạng hai đối với Nga và hạng ba đối với Mỹ. Phần của Mỹ chỉ chiếm 6% ngoại thương của Nga - mấy lần kém hơn phần của EU và SNG. (Tỉ lệ của EU trong ngoại thương của Nga là gần 40%, của SNG - 22%, của Trung Quốc - 6%, của Nhật - 3%). Thực ra Mỹ chiếm vị trí thứ 3 trong các bạn hàng lớn của Nga (sau Ukraina và Đức, tương đương với Trung Quốc), còn Nga chiếm vị trí thứ 31 trong xuất khẩu và thứ 33 trong nhập khẩu của Mỹ (7).

Về chủng loại hàng xuất nhập khẩu Nga - Mỹ, thì hàng xuất khẩu của Nga chủ yếu là hàng sơ chế và nguyên liệu : nhôm (26%), kim loại đen (25%), sản phẩm hóa học và phân bón (17%), đá quý (8%), dầu và sản phẩm từ dầu (7%); hàng nhập khẩu của Nga từ Mỹ là lương thực, thực phẩm, chủ yếu là thịt và các sản phẩm từ thịt (41%), máy móc và thiết bị (40%). Trên thực tế đã ngừng việc nhập khẩu với khối lượng lớn lúa mỳ của Mỹ (vốn từng chiếm vị trí chủ đạo trong nhập khẩu của Liên Xô cũ), bởi vì Nga giảm mạnh đàn gia súc. Năm 1996 tỷ lệ máy móc thiết bị trong nhập khẩu của Nga từ Mỹ giảm 29%, còn tỷ lệ lương thực, thực phẩm và đồ uống có cồn tăng 51% so với năm 1995 (8).

Trong lĩnh vực đầu tư, hiện Mỹ đang giữ vị trí hàng đầu trong các nước đầu tư vào nền kinh tế Nga. Khối lượng đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Nga là gần 5 tỷ USD, tức khoảng 1/3 tổng đầu tư nước ngoài ở Nga. ở Nga hiện có hơn 3.000 xí nghiệp liên doanh Nga - Mỹ, tức 1/5 tổng số các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài của Nga. Những dự án đầu tư lớn nhất đang được thực hiện là các dự án khai thác dầu ở Xakhalin, ở vùng mỏ Timano - Pechor,... Những quỹ đầu tư cho hoạt động kinh doanh mới được thành lập gần đây cũng góp phần đáng kể trong việc thu hút nguồn tư bản tư nhân của Mỹ. Quỹ đầu tư Nga - Mỹ được chính phủ Mỹ thành lập là quỹ lớn nhất trong số đó, với khoản tiền vốn 440 triệu USD. Các cơ quan nhà nước khác của Mỹ như Ngân hàng xuất nhập khẩu, Phòng thương mại và phát triển, Hiệp hội đầu tư tư nhân ở nước ngoài (OPIC) cũng có vai trò nhất định trong việc cấp tài chính cho các dự án ở Nga.

Tuy nhiên, lĩnh vực hợp tác song phương Nga - Mỹ có hiệu quả nhất là hợp tác trong lĩnh vực hàng không - vũ trụ. Chính lĩnh vực này là nơi bắt đầu hoạt động của Uỷ ban Gor - Chernomyrdin. Cũng cần lưu ý là hợp tác song phương nghiên cứu vũ trụ bắt đầu ngay từ thời Liên bang Xô viết. Liên Xô và Mỹ đã ký với nhau 11 Hiệp định về hợp tác nghiên cứu khoảng không vũ trụ và những bước tiến trong lĩnh vực này cũng khá nổi trội so với các lĩnh vực quan hệ Xô - Mỹ khác. Còn chỉ mới mấy năm của thời kỳ "sau Liên Xô", Nga và Mỹ đã ký 53 Hiệp định trong lĩnh vực phối hợp nghiên cứu khoảng không vũ trụ. Đến nay trong phạm vi chương trình "Sattl - Mir" đã thực hiện 9 chuyến bay của Mỹ tới Trạm vũ trụ "Hòa bình" của Nga. Ngày 29 tháng 1 năm 1998, tại Oasinhtơn, Nga, Mỹ, Nhật, Canađa và 11 nước thành viên cơ quan vũ trụ châu Âu đã ký Hiệp định về xây dựng Trạm vũ trụ quốc tế (International Space Station - ISS). Hiệp định này được bổ sung thêm một Bị vong lục giữa Cơ quan vũ trụ Nga (RKA) và Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Mỹ (NASA), trong đó ghi rõ những hướng chủ yếu của hợp tác Nga - Mỹ về hàng không vũ trụ trong 15 năm tới. Việc lắp ráp các chi tiết, các động cơ của trạm được xúc tiến khẩn trương, và đáng chú ý là gần 40% các chi tiết của trạm được xây dựng trong các xí nghiệp ngành vũ trụ Nga có nghĩa là ngành vũ trụ Nga đang có những hợp đồng lớn. Ngày 20 tháng 11 năm 1998, bằng tên lửa đẩy Proton có sức đẩy 700 tấn, Nga đã đưa lên quỹ đạo mô đun đầu tiên của trạm ISS có tên "Zaria". Ngày 4 tháng 12 năm 1998, Mỹ đã phóng con tàu con thoi vũ trụ "Enđivơ" chở 6 người mang theo mô đun vũ trụ "Unity" - mô đun thứ hai của trạm ISS, thực hiện thành công việc lắp nối Unity với Zaria. Đây rõ ràng là một thành công lớn của quan hệ hợp tác Nga - Mỹ với nhiều nước khác trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ.

Bên cạnh các chuyến bay vũ trụ. Nga và Mỹ cũng có sự hợp tác chặt chẽ trong việc nghiên cứu quả đất và các hành tinh, vật lý thiên văn và thiên văn học, y học và sinh học vũ trụ, khí động lực học và vật liệu hàng không v.v...

Cùng với ISS, dự án "Morskoi start" với sự tham gia của Nga, Mỹ, Ukraina và Nauy cũng có triển vọng tốt. Việc thực hiện dự án sẽ bảo đảm khoảng 30.000 chỗ làm việc cho Nga và Ukraina, và ngay giai đoạn đầu Nga sẽ thực hiện những đơn đặt hàng trị giá gần 1 tỷ USD.

Một dự án rất có giá trị nữa là dự án dự định cung ứng cho Mỹ các động cơ tên lửa RD - 180 của Nga, hiện đang là những động cơ tốt nhất thế giới. Nga đã giao cho Mỹ 18 động cơ trong tổng số 101 động cơ mà Mỹ đặt mua với tổng số tiền gần 1 tỷ USD.

Ngoài ra, những vệ tinh thương mại hạng nặng "Proton" của Nga - hiện chưa có loại nào tương tự trên thế giới - đang được sử dụng thành công trong việc phóng lên vũ trụ các vệ tinh liên lạc vô tuyến nhằm mục đích thương mại của Mỹ. Phía Nga đã nhận được những đơn đặt hàng đến hết thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI.

Trong lĩnh vực công nghiệp hàng không cũng có sự hợp tác chặt chẽ giữa Nga và Mỹ. Chẳng hạn, hai nước đang hợp tác nghiên cứu sử dụng máy bay siêu âm dân dụng TU - 144 (được sản xuất từ cuối những năm 60 ở Liên Xô cũ) làm phòng thí nghiệm để hoàn thiện loại máy bay siêu âm dân dụng mới cho thế kỷ XXI. Dự án trang bị cho máy bay "IL - 96M/t" của Nga các động cơ của các hãng hàng không Mỹ "Pratt & Unity" và "Rocuel Colline" đang tiến triển. Hiện thời các hãng hàng không Nga và Mỹ nói trên đang thực hiện một dự án trị giá 1 tỷ 350 triệu USD (9).

Hợp tác Nga - Mỹ trong lĩnh vực năng lượng khá rộng, nhất là từ sau khi Ban chính sách năng lượng thuộc Uỷ ban Nga - Mỹ về hợp tác KT & CN chia làm hai ban riêng : Ban năng lượng hạt nhân và Ban năng lượng phi hạt nhân. Trong lĩnh vực năng lượng phi hạt nhân, các công ty Nga và Mỹ, ngoài các mỏ dầu, còn hợp tác trong các dự án khai thác và vận chuyển dầu ở Kaspi và Prikaspi, chẳng hạn trong Côngxecxium đường ống dẫn dầu Kaspi (KTK). Một hướng quan trọng là hợp tác trong các vấn đề tiết kiệm năng lượng và nguồn năng lượng tái sinh. Chẳng hạn, đang hợp tác soạn thảo một chiến lược chung về việc sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh cho các khu vực phía Bắc nước Nga, các điểm dân cư xa xôi của nước Nga.

Trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, đáng chú ý là Hiệp định về việc tinh chế chất Uraniom hàm lượng cao thành hàm lượng thấp và chuyển sang Mỹ. Đó là số lượng 500 tấn Uraniom dự định phục vụ cho các nhà máy điện nguyên tử của Mỹ với tổng số tiền 12 tỷ USD, nằm trong chương trình "Biến megaton thành megaoat" - một trong những ví dụ về việc đồng thời giải quyết nhiệm vụ giải trừ quân bị và nhiệm vụ năng lượng. Tuy nhiên, vấn đề năng lượng hạt nhân liên quan mật thiết với những vấn đề mà Ban chuyển đổi (chuyển đổi công nghiệp quốc phòng thành công nghiệp dân dụng) nghiên cứu. Đáng tiếc hiện nay việc chuyển đổi này bị đình trệ do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo kênh của Ban khoa học và công nghệ, hiện đang thực thi những dự án lớn ở nhiều lĩnh vực khoa học cơ bản và ứng dụng. Nước Nga vốn là một trong những quốc gia có nền khoa học cơ bản phát triển hàng đầu thế giới. Phía Mỹ bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp nhất những thành tựu của Nga trong lĩnh vực khoa học cơ bản với khả năng đầu tư và công nghệ của Mỹ ở mức cao hơn nhằm đáp ứng những yêu cầu của thế kỷ XXI.

Tuy nhiên, vị trí trung tâm trong chương trình nghị sự của quan hệ Nga - Mỹ hiện nay là những vấn đề liên quan đến những điều kiện liên kết Nga vào thị trường thế giới. Hoạt động của các thiết chế tài chính - tiền tệ quốc tế có tác động lớn đến tiến trình cải cách kinh tế của Nga trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Hơn nữa, ngoài tác động của xu thế quốc tế hóa, đáng lưu ý là vị trí địa - chính trị đặc thù của nước Nga với tư cách là quốc gia nằm giữa hai thị trường khu vực chủ yếu của thế giới : Liên minh châu Âu và APEC. Lối thoát của Nga ra khỏi khủng hoảng và việc phục hồi sức mạnh kinh tế của Nga phụ thuộc rất lớn vào việc hội nhập vào các thiết chế, các tổ chức kinh tế lớn của thế giới, vào quyền được sử dụng những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại, các phương pháp hiện đại điều tiết thị trường và vào vốn đầu tư lớn. Nhưng, tính chất không vững chắc, luôn thay đổi trong tình hình chính trị - xã hội Nga đã tác động tiêu cực đến sự phối hợp hành động của các cấp chính quyền nga với các tổ chức, các thiết chế quốc tế. Không thể phủ nhận những khó khăn khách quan của công cuộc chuyển đổi từ sự kiểm soát của Nhà nước - mà đặc trưng cơ bản là sở hữu nhà nước về tư liệu sản xuất và sự kế hoạch hóa tập trung về sản xuất và phân phối - sang nền kinh tế thị trường trong điều kiện của nước Nga. Song các thiết chế tài chính - tiền tệ quốc tế nằm dưới ảnh hưởng của Mỹ cũng đưa ra những điều kiện không thể nói là có lợi cho nước Nga trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Đầu thập kỷ 90, WB và IMF chỉ có những động thái mang tính tượng trưng trong viện trợ tài chính cho Nga, mãi gần đây mới có những hành động thực tế hơn, song luôn đi kèm những điều kiện nghiêm ngặt. Bước tiến đáng ghi nhận là việc Nga được gia nhập Câu lạc bộ các chủ nợ Pa-ri (18 nước phương Tây) và Câu lạc bộ Luân - đôn (gồm 600 Ngân hàng tư nhân) năm 1997, gia nhập APEC năm 1998, nhờ sự hỗ trợ của Mỹ, Nga đã đạt được việc cơ cấu lại các khoản nợ của mình gồm 32 tỷ USD đối với Câu lạc bộ Luân Đôn và 39 tỷ USD đối với Câu lạc bộ Pa - ri (10).

2. Những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ kinh tế - thương mại Nga - Mỹ

Trước hết, như đã nói ở trên, Nga vẫn chưa được Mỹ coi là đối tác kinh tế bình đẳng; quan hệ kinh tế - thương mại Nga - Mỹ vẫn bị các vấn đề chính trị, quân sự, đối ngoại chi phối, ảnh hưởng. Về thực chất, Mỹ đã lợi dụng sự yếu kém của Nga để phục vụ cho các lợi ích đôi khi rất thiển cận của họ. Bộ trưởng ngoại giao Mỹ M. Albright phát biểu công khai : "Công việc của tôi trên cương vị Ngoại trưởng không phải là vạch ra khả năng xấu nhất cho nước Nga hay nước nào khác, mà là vạch ra chính sách có khả năng bảo vệ lợi ích của Mỹ một cách tốt nhất". Đặc biệt là trong các văn kiện có tính chất cơ bản như Thông điệp Liên bang hàng năm của Tổng thống Mỹ về hoạt động kinh tế đối ngoại, không thấy một lời nào về những tuyên bố chung Nga - Mỹ kiểu như "Đối tác vì tiến bộ kinh tế", còn Nga thường chỉ được nhắc đến khi nói về việc chậm trễ phê chuẩn Hiệp ước khuyến khích và bảo vệ đầu tư của nhau và khi nói đến việc không có luật bảo vệ sở hữu trí tuệ. Bộ thương mại Mỹ không đưa Nga vào danh sách "10 thị trường đang xuất hiện" cần có chính sách tương ứng. Việc dành cho Nga quy chế "nước có nền kinh tế chuyển đổi" cũng bị trì hoãn vô căn cứ. Hàng hóa Nga trên thị trường quốc tế vẫn bị phân biệt đối xử, danh sách những hàng hóa Nga bị đóng thuế chống dumping cũng gia tăng. Điều luật khét tiếng Giắc-sơn Va-nich cũng không được chính quyền Mỹ xóa bỏ đối với Nga, mặc dù họ đã xóa bỏ đối với nhiều nước khác, ngay cả đối với Trung Quốc, Việt Nam. Do vậy, trong chương trình nghị sự quan hệ kinh tế song phương, vẫn như trước đây tồn tại vấn đề xóa bỏ hoàn toàn điều luật thảm hại ấy. Nga cũng không được hưởng quy chế bình đẳng trong hệ thống các tổ chức quốc tế kiểm soát xuất khẩu công nghệ do Mỹ thành lập, mặc dù Washington đã áp dụng một số biện pháp nhất định để xóa bỏ một phần những hạn chế có tính chất phân biệt đối xử trong lĩnh vực buôn bán các sản phẩm công nghệ cao đối với Nga. Nga được mời tham gia nhóm G7, song trên thực tế G7 vẫn chưa phải là G8, chưa nói đến việc Nga chưa được kết nạp vào WTO, OECD vốn được Mỹ nhiều lần và từ lâu hứa ủng hộ, tạo điều kiện cho Nga gia nhập.

Ngoài ra, trong lĩnh vực buôn bán vũ khí, kỹ thuật quân sự và công nghệ hạt nhân, giữa Nga và Mỹ cũng có một loạt đụng độ. Chẳng hạn, việc Nga bán công nghệ tên lửa khinh khí cho Â'n Độ, cung cấp vũ khí cho Trung Quốc, bán lò phản ứng hạt nhân cho Iran, bán tổ hợp cao xạ S-300 cho đảo Síp, việc Mỹ gạt Nga ra khỏi hợp đồng hạt nhân với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, v.v...

Trong lĩnh vực viện trợ kỹ thuật của Mỹ cho Nga cũng tồn tại nhiều vấn đề. Cần lưu ý rằng viện trợ kỹ thuật cho "nước Nga mới" nằm trong chiến lược đối ngoại của Mỹ thời kỳ "sau chiến tranh lạnh". Chẳng hạn, trong nhu cầu ngân sách của chính quyền B. Clintơn về viện trợ nước ngoài năm tài chính 1998 có ghi : "Sự tiến hóa liên tục của nước Nga về phía thành lập hệ thống dân chủ và thị trường có định hướng là phù hợp với lợi ích quốc gia của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trong khi duy trì và đẩy nhanh sự tiến hóa đó, Mỹ mong muốn xây dựng và củng cố các quan hệ mới với nước Nga, thứ nhất, với tư cách là đối tác có tính chất xây dựng trong một loạt các vấn đề toàn cầu - từ duy trì nền hòa bình khu vực và toàn cầu đến thủ tiêu các nguy cơ đối với môi trường xung quanh; và thứ hai, với tư cách là đối tác tích cực trong thương mại và đầu tư...". Tuy nhiên, trên thực tế sự ủng hộ cải cách ở Nga mang tính chất nguyên tắc, còn sự trợ giúp vật chất, viện trợ kỹ thuật và ngay cả đầu tư của Mỹ thì rất hạn chế. Theo kênh nhà nước thì viện trợ trực tiếp của Mỹ cho Nga không đáng kể : từ năm 1992 đến 1997 Mỹ cấp cho Nga khoảng 4,7 tỷ USD viện trợ nhân đạo và kỹ thuật, cao nhất là năm 1994, rồi sau đó bắt đầu giảm liên tục. Song điều đáng nói là, như đánh giá của nhiều chuyên gia hàng đầu của Nga, một phần đáng kể nguồn tài chính ấy lại rơi vào tay các cơ quan, các cá nhân Mỹ với tư cách là cơ quan tài trợ, cố vấn, chuyên gia giúp cải cách thị trường cho Nga. Nhìn chung, phần công tác phí của các chuyên gia là quá cao, đôi khi chiếm tới 1/3 ngân sách của dự án(11). Nhiều cố vấn đã sử dụng thành công những "lời khuyên" của mình phục vụ cho việc làm giàu cá nhân. Chẳng hạn, trong khuôn khổ một dự án có tên "Bảo vệ trẻ em" với số tiền viện trợ 30 triệu USD, có tới 10 triệu USD chi cho tiền lương, nghỉ phép, công tác phí và sống trong khách sạn 5 sao của các nhà tư vấn Mỹ cho dự án. Trong khi đó, như kinh nghiệm của thế giới cho thấy, việc gắn viện trợ kỹ thuật với cung cấp tín dụng và cho vay đầu tư ưu đãi là hợp lý hơn. Đó là chưa nói đến việc không ít tri thức và công nghệ được chuyển cho Nga dưới dạng không thích hợp, không tính đến đặc thù và coi nhẹ lợi ích của Nga; cũng không ít những thỏa thuận ngầm và tham nhũng cả từ phía các công ty Mỹ, lẫn phía các tổ chức, các cá nhân chịu trách nhiệm nhận viện trợ ở Nga.

Một vấn đề rất đáng chú ý trong quan hệ kinh tế Nga - Mỹ là vấn đề liên quan đến việc khai thác nguồn năng lượng của biển Kaspi. Thực ra vấn đề khai thác nguồn năng lượng biển Kaspi đã trở thành một trong những vấn đề kinh tế đối ngoại và chính trị đối ngoại quan trọng của nhiều nước chứ không riêng gì Nga và Mỹ. Một quan chức Nhà trắng nói rõ : "Mỹ đơn giản là không thể cho phép Nga và Iran khống chế các nguồn năng lượng Kaspi, điều đó sẽ tạo cho họ cái đòn bẩy chính trị, mà ảnh hưởng của nó sẽ được cảm nhận không chỉ ở khu vực này mà cả ở châu Âu". Bởi vậy Mỹ muốn nhanh chóng tách Nga ra khỏi khu vực Kaspi và Cáp-ka-dơ trong khi Nga chưa có khả năng cạnh tranh lớn với Mỹ ở khu vực này, bằng cách bắt Nga phải thực hiện một loạt những điều kiện để đổi lấy viện trợ. Chẳng hạn, việc cấp viện trợ năm tài chính 1998 của Mỹ cho Nga còn bổ sung thêm hai điều kiện : Thứ nhất, Nga phải chấm dứt hợp tác quân sự với Iran; điều kiện thứ hai liên quan đến luật về tôn giáo của Nga.

Tất nhiên vẫn còn tồn tại những vấn đề mà việc giải quyết thuộc phía Nga. Trước hết, đó là Nga chưa tạo được bầu không khí đầu tư bình thường dựa trên nền tảng pháp lý ổn định, chưa có hệ thống bảo đảm chắc chắn vốn đầu tư, chưa hoàn thiện các thể thức kiểm soát thuế khóa và thuế quan đối với các nguồn lực vật chất và tài chính đưa vào Nga. Nước Nga chưa có đội ngũ chuyên gia được đào tạo tốt và có kinh nghiệm hoạt động trong nền kinh tế thị trường, và điểm yếu này thường bị phía Mỹ lợi dụng cả trong việc lựa chọn, xây dựng các dự án hợp tác, lẫn trong quá trình thực hiện dự án.

Các chuyên gia Mỹ cũng như Nga còn lưu ý đến tình trạng quan liêu quá mức của quá trình thông qua quyết định lựa chọn dự án, nghiên cứu đề nghị và cung cấp nguồn lực tài chính ở các cấp chính quyền Nga. Các đối tác Mỹ gặp phải nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể như ký các văn kiện hợp tác làm ăn, các chứng từ ghi nhận các điều khoản, các vấn đề ưu đãi thuế quan, bảo hiểm, vận chuyển, quyền hạn được ủy nhiệm của các chuyên gia,v.v.. Hiệu quả viện trợ kỹ thuật bị hạn chế vì các vấn đề xung quanh các tổ chức nhận viện trợ của các cơ quan hành pháp Nga. Và trên hết là nền kinh tế Nga còn lâu mới tự bảo vệ được những tác động tiêu cực từ bên ngoài, mà bằng chứng là khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở Đông Nam A' đã kéo theo sự phá giá của đồng rúp vào tháng 8 năm 1998 với biết bao hậu quả nghiêm trọng, làm nản chí các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Mỹ.

Từ thực trạng quan hệ KT - TM & KH - CN Nga - Mỹ, chúng ta có thể thấy rõ là quan hệ giữa hai nước lớn này, vẫn như trong quá khứ sẽ diễn ra hoàn toàn không đơn giản. Quan hệ KT - TM & KH - CN Nga - Mỹ hiện nay và cả trong tương lai là sẽ vừa hợp tác, vừa đấu tranh vì lợi ích của từng nước. Mà lợi ích của mỗi nước trong kỷ nguyên "hậu chiến tranh lạnh", bên cạnh những điểm song trùng, vẫn có nhiều điểm khác biệt, vẫn bị các nhân tố chính trị - đối ngoại ít nhiều chi phối. Và nhìn chung lúc này Nga cần Mỹ hơn là Mỹ cần đến Nga, nên trong quan hệ với Mỹ, Nga vẫn buộc phải chấp nhận thua thiệt hơn, lép vế hơn. Cuộc đấu tranh nhằm xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng với Mỹ của Nga còn diễn ra lâu dài, phức tạp, khó dự đoán.

Chú thích

1. C.M. Rogov - Nga và Mỹ trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI - T/c Tư tưởng tự do, số 4/1997, tr.36 (tiếng Nga).

2. T/c Những vấn đề kinh tế, số 10/1997, tr. 142 - 158; 117 - 141 (tiếng Nga).

3. T/c Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế, số 7/1998, tr.48-49 (tiếng Nga).

4. V.I Bachiuk. - 5 năm đầu tiên của quan hệ Nga - Mỹ. Các Hiệp định liên quốc gia và liên chính phủ 1992 - 1996. - T/c Mỹ - Kinh tế, chính trị, tư tưởng, số 4/1997, tr.55-56 (tiếng Nga).

5. C.M. Rogov. - Chương trình nghị sự mới trong quan hệ Nga - Mỹ : phương diện kinh tế - T/c "Mỹ - Kinh tế, chính trị, tư tưởng", số 2/98, tr.11 (tiếng nga).

6. C. M. Rogov. - Bài đã dẫn, tr.10-11.

7,8.. C. M. Rogov. - Bài đã dẫn, tr.10-11.

9. V.Credin : "Tất cả được bắt đầu ở Van-cu-vơ : 5 năm hoạt động của Uỷ ban Nga - Mỹ về hợp tác kinh tế và công nghệ". T/c "Đời sống quốc tế", số 4/1998 (tiếng Nga)

10. C.M. Rogov : Bài đã dẫn, tr . 10-11

11. L.Abankin, B.Milner,... : "Đánh giá sự viện trợ kỹ thuật của Mỹ trong quá trình cải tạo kinh tế và dân chủ ở nước Nga". T/c "Những vấn đề kinh tế", số 4/1996 (tiếng Nga).

Cùng chuyên mục