Số 29 - Hợp tác ASEAN - EU đi về đâu?

10:23 28/03/2012

Hợp tác ASEAN - EU đi về đâu?

Tác giả: Tôn Sinh Thành.

EU là bên đối thoại đầu tiên, lâu đời nhất của ASEAN. Năm 1977 khi cơ chế đối thoại của ASEAN với các đối tác lớn trên thế giới ra đời, thì trên thực tế EU (lúc đó gọi là EC) đã là một "bên đối thoại" của ASEAN từ năm 1972, khi Uỷ ban phối hợp đặc biệt ASEAN (SCCAN) được thành lập để thương lượng với EU về những vấn đề thương mại. Hợp tác ASEAN-EU được thể chế hoá hơn nữa khi cơ chế Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU ra đời từ năm 1978 và Hiệp định hợp tác ASEAN-EU ký năm 1980. Từ đó đến nay hợp tác ASEAN-EU đã đi những chặng đường dài. Vậy mà gần đây, trục trặc đã xảy ra trong quan hệ giữa hai nhóm này. Do những bất đồng, các cuộc họp ASEAN-EU theo dự định đã không tiến hành được. Nhiều người đặt dấu hỏi: hợp tác ASEAN-EU đi về đâu? Điều gì đang xảy ra với cơ chế hợp tác giữa hai nhóm đối thoại lâu đời này?

Mục đích của bài này là nhằm phần nào trả lời các câu hỏi nói trên và tìm hiểu những nhân tố quyết định chiều hướng phát triển của hợp tác ASEAN-EU.

Nhu cầu hợp tác ASEAN-EU và giới hạn:

Cả ASEAN và EU khi quan hệ với nhau đều có những lợi ích kinh tế cụ thể. ASEAN vốn bị phụ thuộc nặng nề vào các thị trường bên ngoài khu vực, bất chấp các nỗ lực nhằm cải thiện thương mại nội bộ khối. Khi các nước này bước vào thực hiện công nghiệp hoá, hướng vào xuất khẩu những năm 70 và đẩy mạnh vào những năm 80, thì thị trường, đầu tư và công nghệ từ bên ngoài lại càng cần thiết. Đó là lí do tại sao ASEAN sớm lập ra cơ chế "đối thoại" với hầu hết các bạn hàng lớn, trong đó EU là một trong 3 bạn hàng và là nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN. Với Hiệp định ASEAN-EU năm 1980, ASEAN còn hy vọng sẽ có cơ sở pháp lý để giảm nhẹ các ảnh hưởng của các chính sách bảo hộ mậu dịch của EU, như Chính sách nông nghiệp chung (CAP). Những năm 90, ASEAN đẩy mạnh hợp tác kinh tế nội khối bằng các chương trình như AFTA, AIA, nhưng đồng thời tăng cường hợp tác với các trung tâm kinh tế khác trên thế giới. ASEAN cho rằng một thị truờng Châu Âu nhất thể hoá sẽ thúc đẩy sự lưu thông hàng hoá, dịch vụ, lao động và vốn một cách tự do trong một thị trường thống nhất, đồng thời cũng tạo ra nhu cầu nhập khẩu khổng lồ.

Đối với EU, khu vực ĐNA là nơi cung cấp chủ yếu một số những sản phẩm quan trọng của thế giới. Sau thời thực dân, một số nước châu Âu vẫn duy trì mối quan hệ thương mại và đầu tư khá chặt chẽ với các nước ĐNA. EU cũng rất khâm phục những thành tựu công nghiệp hoá của các nước ASEAN trong những năm 70 và 80. Những năm 90, cùng với quá trình nhất thể hoá châu Âu, EU cơ cấu lại các mối quan hệ kinh tế của mình, trong đó khẳng định quan hệ truyền thống với những khu vực có nhiều tiềm năng như ĐNA vốn có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới cho đến trước cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ gần đây. Trong số các nước đang phát triển, ASEAN là bạn hàng có triển vọng nhất của EU, và đang trở thành một thị trường quan trọng cho hàng hoá của EU ở châu A'. Tuy nhiên, nhìn tổng thể về mặt lợi ích kinh tế, ASEAN cần EU hơn.

Động cơ của hợp tác ASEAN-EU còn là những lợi ích tương đối. Dưới con mắt của ASEAN, việc Mỹ thất bại tại Việt Nam và phải rút khỏi ĐNA đã tạo khoảng trống nguy hiểm trong khu vực. ASEAN phản ứng bằng cách ký Hiệp ước Bali năm 1976 để củng cố tình đoàn kết ASEAN và lập ra cơ chế PMC để đa dạng hoá quan hệ, đảm bảo sự có mặt bình đẳng của các nước lớn trong khu vực, tạo ra sự cân bằng về quyền lực và ổn định ở đây, trong đó không một cường quốc quốc tế hoặc cường quốc khu vực nào có thể giành được vị trí bá quyền trong khu vực này. EU có một vị trí quan trọng trong sự bố trí chiến lược đó của ASEAN. Trong những năm 80, ASEAN cần EU ủng hộ trong vấn đề Cămpuchia và người tị nạn. Sau chiến tranh lạnh, ASEAN lại chứng kiến một đảo lộn lớn nữa về cân bằng lực lượng trong khu vực khi Mỹ rút khỏi Philippin và Nga giảm sự có mặt ở khu vực này. ASEAN phản ứng bằng cách lập ra ARF, nhằm lôi kéo tất cả các cường quốc lớn vào một cơ chế an ninh "mềm" ở ĐNA và Châu A' - TBD, trong đó EU cũng có vai trò. Sự lo lắng về lợi thế của bên thứ ba cũng là một động cơ khiến ASEAN thúc đẩy quan hệ với EU. Trong những năm 70, sự lo ngại trước việc quan hệ EU-ACP thu hút hết luồng thương mại và đầu tư đã khiến ASEAN phải thiết lập cơ chế hợp tác ASEAN-EU. Trong những năm 90, với hợp tác ASEAN-EU, ASEAN có thể cân bằng các quan hệ kinh tế của mình, hạn chế áp lực của Mỹ và U'c đòi ASEAN mở cửa thị trường quá nhanh trong khuôn khổ APEC.

EU có nhiều lý do chính trị hơn khi quan hệ với ASEAN. Trong một thời gian dài sau chiến tranh thế giới thứ hai, mối quan tâm chính của EU là hồi phục kinh tế. Sau khi đã hồi phục trong những năm 50, và thời kỳ "Hoàng kim" trong thập kỷ 60, sang những năm 70, châu Âu tự tin hơn và bắt đầu tìm kiếm vai trò quốc tế và sự có mặt trên thế giới. Vì mục đích đó, cơ chế Hợp tác Chính trị châu Âu (EPC) đã ra đời năm 1969. Ngay lập tức, những biến động tại ĐNA những năm 70 đã thu hút sự chú ý của châu Âu. châu Âu cũng thấy rõ hơn sự trưởng thành của ASEAN khi lần đầu tiên tổ chức này tiến hành Hội nghị thượng đỉnh tại Bali năm 1976. Sau chiến tranh lạnh, EU thúc đẩy hợp tác ASEAN-EU là nhằm đối phó với những thách thức mới trên thế giới. Eu cũng muốn dùng quan hệ với ASEAN đối trọng lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Mỹ và Nhật ở Châu A' - TBD. EU lo rằng ASEAN tăng cường quan hệ với NAFTA, thông qua APEC sẽ tạo ra sân chơi không bình đẳng, làm tổn hại lợi ích của EU. Vì thế để đối lại, cơ chế hợp tác ASEAN-EU phải được duy trì. Hợp tác ASEAN-EU còn là đầu cầu cho EU tiến vào các thị trường khác ở Châu A' - TBD. Sự tham gia của EU vào ARF là cơ hội cho EU lấy lại vai trò chính trị và an ninh mà nó đã bị mất ở khu vực này từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Tuy nhiên, sự quan tâm của mỗi bên trong hợp tác ASEAN-EU cũng có giới hạn. Trật tự ưu tiên quan hệ của EU chủ yếu dựa trên tính toán chính trị, trong đó ASEAN vẫn nằm ở vị trí thấp hơn một số khu vực khác như Địa Trung Hải, Châu Phi và Mỹ La Tinh. Trong những năm 70 và 80, EU chủ yếu quan tâm tới các nước lớn và một số nước đang phát triển hàng đầu như Trung Quốc, Â'n Độ và Brazil.. EU đặc biệt chú ý tới nhóm ACP, ra đời năm 1958 và nay đã có khoảng 60 nước thuộc các khu vực Châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương. Theo các Hiệp định giữa EU và ACP tại Lomê, các nước ACP được xuất số lượng hàng hoá không hạn chế và không thuế sang các nước EU. EU lại còn bảo đảm lợi ích tối thiểu cho một số mặt hàng của các nước này thông qua một hệ thống ổn định giá nông sản xuất khẩu gọi là STABEX. Với một Hội đồng Bộ trưởng chung, có Quốc hội chung và một hiệp ước làm cơ sở pháp lý, cơ chế hợp tác EU-ACP cũng chặt chẽ hơn hợp tác ASEAN-EU. Thậm chí các cuộc họp giữa EU với các nhóm nước Mỹ La Tinh cũng nhiều hơn họp ASEAN-EU. Việc bổ nhiệm liên tiếp các Phó chủ tịch Uỷ ban châu Âu là người Tây Ban Nha cũng làm cho chính sách của EU đối với Thế giới thứ ba thiên vị các nước Mỹ La tinh hơn.

Những năm 90, vị trí của ASEAN trong ưu tiên của EU không được cải thiện mấy, trong khi châu Âu lại quá bận bịu với các chương trình nhất thể hoá cả về chiều sâu và chiều rộng. ASEAN lo rằng EU tăng thương mại nội khối, đặc biệt với các nước Nam Âu sẽ giảm thương mại ngoại khối, trong đó những đối tác yếu nhất như ASEAN sẽ bị thiệt nhất. Thêm vào đó, việc mở rộng EU sẽ làm cho thị trường EU có đủ loại mặt hàng hơn, gây ra xu hướng bảo hộ mạnh hơn đối với hàng nhập khẩu từ các nước có chi phí và lao động rẻ hơn như ASEAN. Đầu tư của EU cũng hướng về khu vực châu Âu nhiều hơn.

Châu Âu cũng không nằm ở vị trí ưu tiên cao trong chính sách của ASEAN. Trong số các đối tác lớn của ASEAN, vai trò của EU cũng hạn chế ở mức là nếu không có thì ASEAN cũng không thiệt hại lắm. Thương mại ASEAN-EU nhỏ hơn so với thương mại ASEAN- Mỹ hoặc ASEAN-Nhật. Hơn nữa, khi gặp phải chủ nghĩa bảo hộ ở châu Âu, ASEAN có xu hướng tăng quan hệ với các đối tác khác. Trong những năm 80, ASEAN đặc biệt chú ý tới thị trưòng Nhật. Malaysia tích cực nhất với chiến lược "Nhìn về Phương Đông" và sáng kiến EAEC. Bản thân Nhật đã có một chiến lược quan hệ với ASEAN được hoạch định cẩn thận với những chương trình toàn diện, kể cả cơ chế họp cấp cao. ASEAN cũng cải thiện quan hệ với Mỹ với việc ký kết MOU về hợp tác năm 1991 và lập Uỷ ban hợp tác thương mại và đầu tư ASEAN-Mỹ năm 1992. Tóm lại, ASEAN và EU coi trọng nhau, nhưng vẫn có giới hạn, khiến cho nhu cầu hợp tác ASEAN-EU bị hạn chế.

Những nhân tố quyết định kết quả hợp tác ASEAN-EU:

Như trên đã nói, hợp tác là kết quả của các cuộc thương lượng trên cơ sơ tương quan lực lượng, cơ chế, nội dung và thành phần tham gia hợp tác. kết quả hợp tác ASEAN-EU cũng được quyết định bởi các nhân tố đó.

Tương quan lực lượng:

EU có sức mạnh kinh tế lớn hơn rất nhiều so với ASEAN. EU là một nhóm nước có trình độ phát triển cao, trong khi ASEAN là một nhóm đang phát triển. EU có trình độ nhất thể hoá cao, với một cơ cấu hợp tác mạnh có những yếu tố siêu quốc gia, trong khi ASEAN chưa trở thành một cộng đồng kinh tế với thị trường thống nhất, cơ chế hợp tác thì lỏng lẻo. Sự mất cân đối này có nghĩa là ASEAN cần EU hơn và dễ bị tổn thương hơn trước các biện pháp của EU. Trong quan hệ không cân đối, bên mạnh hơn sẽ đòi quyền quyết định luật chơi và từ chối giành ưu đãi thương mại, ODA hay thôi hợp tác với bên yếu hơn khi cần gây áp lực. Quả vậy, sự mất cân đối đã cho phép EU áp dụng chiến thuật gắn các vấn đề phi thương mại, đặc biệt là các vấn đề nhân quyền và môi trường với các lĩnh vực hợp tác ASEAN-EU. Là một bên mạnh hơn, và vì thế có nhiều lựa chọn hơn, EU đã tỏ ra không muốn ký Hiệp định hợp tác mới với ASEAN.

Cơ chế hợp tác:

Lợi thế của hợp tác ASEAN-EU là có một cơ chế khá tốt với mạng lưới các mối quan hệ và cơ chế làm việc đã qua thử thách. Kênh hợp tác quan trọng nhất là Hội nghị bộ trưởng ASEAN-EU (AEMM) do ASEAN và EU thay nhau tổ chức 18 tháng một lần, với sự tham gia của các ngoại trưởng hai bên cộng thêm Phó chủ tịch Uỷ ban châu Âu phụ trách quan hệ Bắc-Nam. Giữa các cuộc họp ngoại trưởng là các cuộc họp quan chức cấp cao (SOM). Kênh thứ hai là cơ chế " đối thoại", họp một năm một lần ngay sau Hội nghị ngoại trưởng ASEAN, gọi là cơ chế PMC. Tham dự cuộc họp này, về phía EU là cơ chế 3 bên gồm các Chủ tịch trước, hiện tại và tương lai của EU và Phó chủ tịch Uỷ ban châu Âu phụ trách quan hệ Bắc ? Nam. Một kênh thường xuyên khác là Uỷ ban hợp tác chung (JCC), họp hàng năm theo qui định của Hiệp định 1980 với nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện các điều khoản của Hiệp định. Dưới JCC có 5 tiểu ban phụ trách các vấn đề thương mại, kinh tế, công nghiệp, lâm nghiệp, ma-tuý và khoa học kỹ thuật. Ngoài ra còn có các diễn đàn trên cơ sở adhoc, như các cuộc họp Bộ trưởng kinh tế các năm 1985 và 1991, Uỷ ban Bruxen của ASEAN gọi tắt là ABC gồm các đại diện ngoại giao của các nước ASEAN bên cạnh EU, đóng vai trò như cơ quan liên lạc của ASEAN với EU. Gần đây, những uỷ ban tương tự cũng được thành lập ở Bon, Pa-ri và Luân đôn. Năm 1978, EU mở cơ quan đại diện của Uỷ ban châu Âu tại Bangkok; Hội đồng kinh doanh ASEAN-EU được thành lập năm 1983; kể từ năm 1987, nhiều uỷ ban đầu tư chung ASEAN-EU được thành lập tại thủ đô mỗi nước ASEAN. Một lợi thế nữa của hợp tác ASEAN-EU là Hiệp định hợp tác 1980, trong đó qui định mục tiêu, nguyên tắc hợp tác, trao cho nhau qui chế tối huệ quốc trong thương mại, và các biện pháp vượt qua các hàng rào thương mại. Tuy nhiên, những năm 90, hai bên đều thấy phải ký Hiệp định mới tạo cơ sở pháp lý để mở rộng các lĩnh vực hợp tác. Tuy nhiên cuộc thương lượng để ký hiệp định mới đã không đạt kết quả do phía châu Âu đòi đưa các điều khoản về nhân quyền vào Hiệp định mới. Cuối cùng tại cuộc họp tháng 2/97 hai bên chỉ đạt được một Tuyên bố chung, thoả thuận việc ký các nghị định thư về hợp tác theo từng lĩnh vực. Tóm lại, hợp tác ASEAN-EU có một cơ chế tốt, đã qua thử thách nhiều năm, đó là tài sản lớn mà hai nhóm không dễ gì bỏ đi. Nhưng việc hai bên không ký được Hiệp định mới lại cho thấy thêm một giới hạn nữa về mặt "cung" của hợp tác giữa hai nhóm này.

Nội dung hợp tác:

Chương trình nghị sự phản ánh lợi ích của các bên tham gia hợp tác. Trong chiến tranh lạnh, chương trình nghị sự của hai bên ASEAN và EU phần lớn là trùng hợp nhau. Cuộc thảo luận giữa hai nhóm khởi đầu bằng các vấn đề kinh tế, sau đó mở rộng sang cả những vấn đề an ninh chính trị từ cuối những năm 70. Sau chiến tranh lạnh, chương trình nghị sự thay đổi và mở rộng, phản ánh sự thay đổi về lợi ích, mối quan tâm và năng lực của mỗi bên. Bên mạnh hơn là EU muốn gắn các vấn đề với nhau đề giành lợi thế trong hợp tác, trong khi bên yếu hơn là ASEAN thì chống lại các cố gắng mở rộng chương trình nghị sự. Điều này làm xuất hiện sự khác biệt giữa hai bên về nội dung hợp tác.

Trước hết về hợp tác phát triển, EU là nguồn ODA lớn thứ hai của ASEAN sau Nhật. Phần lớn ODA của EU cấp cho từng nước ASEAN. Chỉ một phần nhỏ cấp cho các dự án khu vực kể từ năm 1979. Tuy nhiên, vì được coi là những nước có thu nhập trung bình, ASEAN nhận ODA của EU không nhiều so với ODA dành cho những nơi khác trên thế giới. EU chủ yếu hướng các khoản ODA vào những chương trình hợp tác kinh tế, ít nhiều phục vụ lại các lợi ích kinh tế của EU. Hiện có khoảng 57 dự án chung của ASEAN được EU tài trợ, trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, đầu tư, môi trường, khoa học kỹ thuật, chống ma-tuý, phát triển nhân lực. Tuy nhiên, hợp tác phát triển đang mất dần tầm quan trọng, vì một số nước ASEAN đã trở thành "Hổ", sẽ không còn đủ tiêu chuẩn nhận ODA của EU nữa, vả lại ODA của EU cho ASEAN lâu nay tỏ ra kém hiệu quả, lại bị dàn trải ra những dự án quá bé. Hơn nữa, chính sách viện trợ của EU đang nằm dưới sức ép ngày càng tăng của Quốc hội châu Âu đòi gắn với vấn đề nhân quyền. Tại cuộc họp ngoại trưởng năm 1991, lần đầu tiên EU đề nghị gắn viện trợ với nhân quyền và vấn đề môi trường, đã bị các nước ASEAN phản đối kịch liệt.

Về thương mại, trong chiến tranh lạnh, quan hệ ASEAN-EU chủ yếu là quan hệ cho-nhận. 20% hàng xuất khẩu của ASEAN sang EU được miễn thuế hoàn toàn và 70% được hưỏng ưu đãi thuế theo chương trình GSP. EU cũng cho phép các nước ASEAN trao đổi cô-ta với nhau để tận dụng hết khối lượng hàng mà ASEAN được phép xuất sang EU. EU cũng chấp nhận nguyên tắc gộp nội dung nguồn gốc sản phẩm, để tạo điều kiện cho các nước ASEAN có thể hợp tác sản xuất ra sản phẩm cuối cùng khi xuất sang EU. Trong một quan hệ cho-nhận như vậy, tranh chấp thương mại ít khi xảy ra. Nhưng tình hình thay đổi khi chiến tranh lạnh kết thúc, các nước ASEAN bắt đầu phàn nàn về những biện pháp bảo hộ của EU, kể cả những biện pháp phi quan thuế, về chế độ cô-ta hàng dệt và việc Eu thường xuyên áp dụng luật chống phá giá đối với ASEAN. Các sản phẩm xuất khẩu truyền thống của ASEAN như dầu cọ, dầu dừa, ngô bị đe doạ bởi Chính sách nông nghiệp chung CAP, theo đó nông dân EU được trợ cấp quá cao. EU cũng bắt đầu xem xét lại các ưu đãi thương mại theo GSP cho ASEAN. Chương trình GSP mới ra đời năm 1995, tạo ra một cơ chế để dần dần gạt những nước ASEAN đã phát triển ra khỏi danh sách được hưởng GSP. Singapo, Malaysia và Thái Lan là những nước đầu tiên bị ảnh hưởng của chương trình này. Ngược lạ, EU lập luận rằng họ không thể cứ nhân nhượng thuế mãi cho ASEAN, vì trên thực tế, một số sản phẩm công nghiệp của ASEAN đang cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất tại châu Âu. EU cũng phàn nàn rằng chính các sản phẩm của EU đang gặp phải những hàng rào cản của ASEAN, đặc biệt là những hạn chế về thương quyền, sự bất ổn về các luật lệ, thủ tục hành chính phức tạp thiếu minh bạch, thiếu luật bảo vệ bản quyền và mức thuế nhập khẩu trung bình còn rất cao, 10-30%, trong khi ở châu Âu chỉ còn 3-4%. Cãi cọ thương mại công khai xuất hiện khi EU định đưa những vấn đề phi thương mại, như tiêu chuẩn lao động, các điều khoản xã hội, tiêu chuẩn môi trường, chính sách đầu tư và cạnh tranh và thậm chí các điều khoản chống tham nhũng vào các cuộc thương lương thương mại.

Tuy nhiên, tại cuộc họp cấp bộ trưỏng của WTO ở Singapo năm 1994, ý đồ đó của EU đã bị các nước ASEAN phản đối. Tuyên bố cuối cùng của hội nghị quyết định những vấn đề xã hội và lao động chỉ được thảo luận ở Tổ chức lao động thế giới ILO. Đối đầu thương mại trực tiếp giữa ASEAN và EU xảy ra khi một số nước EU đơn phương đòi gỗ nhiệt đới của ASEAN xuất sang EU phải có nhãn hiệu môi trường. ASEAN phản đối vì cho rằng làm như vậy là không đúng theo cam kết của EU không áp dụng qui định dán nhãn hoặc có chứng nhận môi trường trước năm 2000 như mục tiêu của Tổ chức Gỗ nhiệt đới quốc tế ITTO.

Về đâu tư, ASEAN đầu tư rất ít vào châu Âu, trong khi đầu tư của châu Âu vào ASEAN có xu hướng giảm. Hai bên đã cố gắng nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Ngân hàng đầu tư châu Âu EIB đã mở rộng hoạt động cho vay đến các nước ASEAN. Tổng trị giá cho vay đầu tư tại các nước ASEAN năm 1996 lên tới 97 triệu USD. Cơ quan đối tác đầu tư của EU đã cấp vốn cho khoảng 150 công trình của ASEAN. Một tổ chức gọi là ASEAN-EU Partenariat đã được thành lập để môi giới cho các công ty vừa và nhỏ của ASEAN và EU liên hệ làm ăn với nhau. ASEAN ký Hiệp định khu vực đầu tư tự do ASEAN. Tuy nhiên, các cố gắng trên đây vẫn chưa đem lại mấy hiệu quả. Hai bên vẫn còn những điểm không nhất trí về đầu tư. EU vẫn phàn nàn về những cản trở còn tồn tại đối với các nhà đầu tư, như năng suất lao động thấp, thiếu hạ tầng cơ sở, tệ quan liêu và đút lót tại các nước ASEAN. EU ủng hộ việc ký tại WTO một Hiệp định đa phương về đầu tư (MAI), nhưng ASEAN cho rằng một hiệp định như vậy sẽ làm hại khả năng cạnh tranh của các nước ASEAN và các chính phủ ASEAN không thể kiểm soát nổi nền kinh tế của mình.

Về chính trị, trong những năm 80, hợp tác chính trị ASEAN-EU được đánh giá là thành công hơn trong lĩnh vực kinh tế. Hợp tác chính trị chủ yếu được tiến hành thông qua cơ chế Hội nghị Bộ trưởng. Gần đây, các vấn đề chính trị và an ninh cũng được thảo luận tại cơ chế đối thoại và ARF và tại các diễn đàn khác như Liên Hợp Quốc. Hợp tác chính thức về chính trị lần đầu tiên được ghi trong Tuyên bố chung ASEAN-EU năm 1978, và các tuyên bố chung tiếp theo của các Hôị nghị bộ trưởng ASEAN-EU. Trong những năm 80, chương trình nghị sự chính trị chủ yếu là các vấn đề Cămpuchia, người tị nạn Đông Dương, xung đột ở Afganistan, và kể từ năm 1984 còn cả những chuyển biến mới trong quan hệ Đông ? Tây, tình hình ở Trung Đông, Nam Phi và chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Trong những năm 90, cuộc thảo luận còn bao gồm cả các vấn đề về trật tự thế giới mới, Nam Tư cũ và Đông Âu. Cuộc đối thoại chính trị ASEAN-EU đã được coi là công cụ để hai bên bày tỏ quan điểm và giành sự ủng hộ của nhau về các vấn đề quốc tế. Tại cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN-EU lần thứ 12 tháng 2/97, EU cũng hứa sẽ bảo trợ cho các cuộc thảo luận về an ninh thuộc " Kênh hai". Tuy nhiên, nhìn kỹ lại các hoạt động hợp tác chính trị, thì thấy đây chỉ là diễn đàn lỏng lẻo để trao đổi thông tin về những sự kiện liên quan tới an ninh và chính trị mới xảy ra tại hai khu vực và trên thế giới. Hai bên dễ dàng đồng ý với nhau về những vấn đề không ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của nhau. Việc hợp tác thực sự về an ninh dù muốn cũng khó thực hiện do khoảng cách quá xa giữa hai khu vực. Nhất là khi chíên tranh lạnh kết thúc, những vấn đề mà hai bên chủ yếu làm hài lòng nhau dần dần mất đi, thay vào đó, hai bên phải đối mặt với những vấn đề chính trị thực sự, như dân chủ, nhân quyền, môi trường, và những vấn đề khác đụng chạm trực tiếp tới lợi ích của nhau.

Vấn đề nhân quyền là thách thức lớn nhất trong quan hệ ASEAN-EU những năm 90. Dưới sức ép của Quốc hội châu Âu, ngày 28/11/91, Hội đồng châu Âu ra nghị quyết đưa các điều khoản nhân quyền vào tất cả các Hiệp định kinh tế giữa EU với bên ngoài. Kể từ đó, EU liên tục đòi phải có điều khoản đó trong Hiệp định mới giữa ASEAN và EU. Các nước ASEAN phản đối kịch liệt, cho rằng đó là sự áp đặt những giá trị phương Tây lên các nước nhỏ hơn. ASEAN lập luận rằng, việc gắn nhân quyền và tiêu chuẩn lao động với thương mại và ODA là mưu đồ của phương Tây nhằm đánh cắp lợi thế cạnh tranh của các nước châu A'. Phương Tây dùng vấn đề này làm vũ khí trong thương mại, và thực chất là " Chủ nghĩa bảo hộ mới". Thêm vào đó, trong nhiều năm, bất đồng về vấn đề Đông Timor cũng gây cản trở không ít cho quan hệ ASEAN-EU. Cơ chế của EU cho phép Bồ Đào Nha phủ quyết mọi Hiệp định hợp tác mới giữa ASEAN và EU, nếu hai bên không bàn về những cái mà Đồ Đào Nha gọi là vi phạm nhân quyền tại Đông Timo. Các nước EU khác nhân cớ này cũng đẩy thêm một bước nhằm đưa các vấn đề nhân quyền vào các cuộc đối thoại ASEAN-EU. Nhưng ASEAN cho rằng vấn đề Đông Timor cần phải giải quyết song phương, chứ không phải tại diến đàn ASEAN-EU, và như vậy, việc ký Hiệp định mới giữa hai bên bị bế tắc. Với tuyên bố của inđônesia gần đây về việc sẵn sàng chấp nhận qui chế tự trị hoặc độc lập cho Đông Timo, đây có thể không còn là vấn đề trong quan hệ giữa hai khối nữa.

Vấn đề thành viên:

Hợp tác ASEAN-EU ra đời cách đây hơn 20 năm, khi phía EU chỉ có 9 thành viên và phía ASEAN chỉ có 5. Nay sau 4 lần mở rộng, EU đã có 15 thành viên. Với các đợt mở rộng sắp tới, số thành viên của EU còn nhiều hơn nữa. ASEAN cũng đã được mở rộng và nay đã có 10 thành viên. Với sự mở rộng như vậy, hợp tác ASEAN-EU sẽ phức tạp hơn do tính phức tạp về lợi ích ngày càng tăng. Vì vậy, EU tỏ ra muốn hạn chế số thành viên phía ASEAN tham gia cơ chế này. EU tuyên bố rằng khi một nước mới tham gia ASEAN không có nghĩa là tự động trở thành thành viên của diễn đàn ASEAN-EU. EU đòi hai bên phải thương lượng và ký nghị định thư nếu đồng ý một nước nào tham gia cơ chế hợp tác ASEAN-EU. Khi Việt Nam tham gia, một nghị định thư như vậy đã được ký kết. Tuy nhiên, EU đã không chịu cho Mianma tham gia cơ chế hợp tác ASEAN-EU, với lý do nước này vi phạm nhân quyền. Trong khi đó, ASEAN cho rằng, là thành viên của ASEAN, Mianma phải được tham gia vào mọi cơ chế hợp tác của ASEAN với các bên đối thoại. Vì sự bất đồng này, cuộc họp dự kiến ngày 17/11/97 của JCC ASEAN-EU và cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN-EU dự kiến tổ chức tháng 3/1999 cũng bị đình hoãn.

Tóm lại, nếu nhìn theo mô hình cung cầu, thì cả cầu lẫn cung của hợp tác ASEAN-EU đều không còn cao nữa. Thêm vào đó, sự ra đời của ASEM, một cơ chế hợp tác A' - Âu rộng lớn hơn, cân đối hơn và hiệu quả hơn, sẽ là một thách thức to lớn đối với sự tồn tại của cơ chế hợp tác ASEAN-EU. Tuy nhiên hợp tác ASEAN-EU cũng đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần vào sự phát triển của mỗi khu vực. Hai bên lại có một cơ chế hợp tác khá tốt đã qua thử thách, có một mạng lưới các mối quan hệ, mà nếu được sử dụng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai nhóm. Như vậy xem ra trả lời câu hỏi: hợp tác ASEAN-EU đi về đâu, không phải là quá khó nếu cả ASEAN lẫn EU có quyết tâm gìn giữ như là những tài sản quí báu nói trên, gạt bỏ bất đồng, cùng nhau cải tổ làm sao cho cơ chế này hoạt động có hiệu quả, đúng theo nguyện vọng và khả năng của mỗi bên. Cuộc họp JCC giữa hai nhóm được tổ chức vào tháng 5 có sự tham gia của Mianma, mặc dù chỉ với tư cách thụ động, cho thấy những tia sáng đầu tiên cho sự hợp tác ASEAN-EU.

Tài liệu tham khảo:

1. Manfred Mols, "Cooperation with ASEAN: A Success Story," in Europe's Global Links, edited by Geoffrey Edwards (London: Pinter, 1990), 67-79.

2. Africa, Carribe và Pacific.

3. Curry, Robert L. Jr. "A Case for Further Collaboration between the EU and ASEAN." ASEAN Economic Bulletin.11, no. 2 (November 1994). 150-157.

4. Mols, Manfred. "Cooperation with ASEAN: A Success Story." In Europe's Global Links, edited by Geoffrey Edwards. London: Pinter-79. , 1990. 67-79

5. Ruland, Jurgen. "The Asia-Europe Meeting (ASEM): Towards a New Euro-Asian Relationship?" Institute of Politics, Rostock University, 1996. 17, qtd. Far Eastern Economic Review (4 August 1994): 18.

6. Mols, Manfred. "Cooperation with ASEAN: A Success Story." In Europe's Global Links, edited by Geoffrey Edwards. London: Pinter-79. , 1990. 67-7

7. Ruland, Jurgen. "The Asia-Europe Meeting (ASEM): Towards a New Euro-Asian Relationship?" Institute of Politics, Rostock University, 1996. 17.

8. Hans Ekdahl, "Obstacles to Closer Trade and Investment Links: An EU Perspective," in ASEAN and EU: Forging New Linkages and Strategic Alliances, edited by Chia Siew Yue and Joseph L.H. Tang (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies,1997), 86-102./.

Cùng chuyên mục