Số 30 - Nhìn lại quan hệ Nga - Mỹ từ đầu 1999

10:54 28/03/2012

Nhìn lại quan hệ Nga - Mỹ từ đầu 1999

Tác giả: Hoàng Vân.

1991 - Liên Xô sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc, đồng thời cũng kết thúc luôn tình trạng đối đầu giữa hai siêu cường Liên Xô và Mỹ, đưa lại sự hợp tác mang sắc thái mới giữa Liên bang Nga và Mỹ. Mối quan hệ Nga - Mỹ nồng ấm và tưởng như trên đà phát triển trong những năm 1992-1997 với hàng loạt các cuộc viếng thăm, hợp tác trao đổi, ký kết từ cấp cao nhất đến cấp chuyên viên, giờ đây đang bị nguội lạnh bởi những đòi hỏi phi thực tế và ý đồ áp đặt từ phía Mỹ, đặc biệt trong khủng hoảng Kosovo, cùng những biểu hiện thù địch thời chiến tranh lạnh. Có thể nói kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, chưa bao giờ quan hệ Nga - Mỹ lại "xui xẻo" và căng thẳng như thời điểm khủng hoảng Kosovo.

Mọi hy sinh, mọi ảo tưởng của Nga về một sự trợ giúp chân thành từ phía Mỹ và NATO cho công cuộc cải cách đều bị đổ vỡ từ 1998, đặc biệt sau khi Nga phá giá đồng Rúp. Trong khuôn khổ ngưỡng thời gian từ đầu 1999, chúng ta hãy xem xét một số mâu thuẫn, phản ứng của hai phía, nguyên nhân, ý đồ đã làm cho quan hệ "đối tác chiến lược" Nga - Mỹ giờ đây trở nên tiêu điều. Cụ thể được thể hiện trong các vấn đề sau:

+ Viện trợ kinh tế của Mỹ để Nga tiếp tục cải cách;

+ Vấn đề vũ khí chiến lược;

+ Mở rộng NATO và an ninh của Liên Bang Nga;

+ Vấn đề Iraq và khủng hoảng Kosovo.

I. Viện trợ cải cách để tiếp tục cải cách:

Ngày 23/2/1999, tổng thống Nga Enxin đã ký đạo luật về ngân sách Liên bang 1999, (Đuma thông qua 5/2 và thượng viện phê duyệt 17/2) với phần thu ngân sách 1999 được ấn định là 473,67 tỷ rúp; phần chi - 575,04 tỷ; thâm hụt ngân sách 101,37 tỷ (2,54% GDP); GDP - 4000 tỷ rúp, bội thu ngân sách (không tính chi phí trả nợ nhà nước) - 1,64% GDP, chi cho trả nợ trong nước 66 tỷ, trả nợ nước ngoài 9,5 tỷ USD. Theo chính giới Nga, đây là một ngân sách khắc khổ. Tuy nhiên Mỹ, và cụ thể là Quỹ tiền tệ thế giới IMF vẫn không hài lòng. (Nguồn: Thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Moscow từ tháng 2 - tháng 8 / 1999).

Ngay sau khi Nga phá giá đồng rúp 17/8/1998, thị trường chứng khoán của Nga trở nên chao đảo, các khoản tín dụng của IMF và WB cho đến nay vẫn chỉ là trên lời hứa. IMF tuyên bố: ngân sách Nga với bội thu 1,64% GDP sẽ không khắc phục được tình trạng nợ ngày một chồng chất. Theo IMF, bội thu ngân sách phải là 4% GDP. Đây là một đòi hỏi phi lý không tưởng và không thể làm được. 4,8 tỷ USD mà Mỹ hứa cho vay để trả lãi cho chính IMF cho đến nay vẫn không được giải ngân. Đối với Nga, không thể có một phương án kinh tế nào thay thế được cho những thoả thuận đã đạt được với IMF. IMF sẽ chỉ cấp tín dụng và cơ cấu lại nợ cho Nga sau khi Quốc hội Nga đã thông qua một số dự luật (như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, rượu và tăng thu đối với người sử dụng ô tô...). Việc các chính phủ tiền nhiệm của Nga luôn bị mất uy tín với các tổ chức tài chính quốc tế vì những cam kết đạt được trong các cuộc đàm phán với IMF không được Quốc hội Nga thông qua hoặc trì hoãn đã gây nhiều phiền toái cho những thoả thuận để có được "tín dụng lòng tin" của cộng đồng quốc tế đối với chính phủ hiện nay. Từ trước tới giờ, các vốn cho vay rải rác không có mục đích và hệ thống của Mỹ đối với Nga không thể tạo ra cơ sở hiệu quả cho việc cơ cấu lại nền kinh tế Nga theo mô hình phương Tây. Tỷ lệ Mỹ trong cán cân thương mại của Nga chỉ bằng 7%, nhỏ hơn nhiều lần so với các quốc gia SNG và châu Âu, đổi lại tỷ lệ của Nga trong cán cân thương mại của Mỹ cũng chỉ bằng 0,1%, nhỏ hơn kim ngạch buôn bán giữa Mỹ và Singapo. Viện trợ của Mỹ cho Nga sau chiến tranh lạnh cũng chỉ mang tính tượng trưng, không đủ giúp cho các cải cách kinh tế của Nga - chỉ bằng 0,0005 tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ. Moskva chưa được chấp nhận làm thành viên của nhiều tổ chức quan trọng.

Thực chất của vấn đề là, Mỹ không bao giờ muốn một nước Nga đủ mạnh, trở thành đối thủ tiềm năng của mình. Bằng mọi cách Mỹ ép và áp đặt những điều kiện kinh tế ngặt nghèo đối với Nga, không xoá bỏ những sửa đổi của đạo luật Jackson - Vanix đối với Liên Xô cũ, ngăn chặn không cho Nga nhảy sâu vào Mỹ và "sân sau" Mỹ Latinh. Dưới nhan đề "Nga lại bị mất thêm một thị trường", tờ Độc Lập 24/2 đã nêu ra việc ngành luyện kim Nga trong năm 1999 xuất khẩu vào Mỹ chỉ còn 30% so với mức năm 1998 (còn 345 ngàn tấn), chỉ vì Mỹ ép Nga 2 điều kiện: hoặc giảm khối lượng xuất, hoặc chịu thuế nhập khẩu cao. Sau nhiều vòng đàm phán gay cấn, kết cục là Nga đành ngậm ngùi giảm khối lượng.

Như chúng ta đã thấy, nếu cứ trên đà này thì nền kinh tế Nga sẽ không những không đứng vững nổi, mà sẽ ngày một sa sút, đình đốn nếu như Nga không có được những giải pháp tốt hơn trong nền kinh tế chuyển đổi. "Kinh tế luôn là nạn nhân muôn thuở của chính trị", muốn có tiền để tiếp tục cải cách, Nga phải chịu nhượng bộ trước Mỹ, chính phủ Nga phải dàn xếp các mâu thuẫn, phải thuyết phục Đuma quốc gia thông qua các dự luật, phải đạt được nhất trí giữa hai ngành lập pháp và hành pháp. Đây là những câu hỏi vẫn còn để ngỏ và cái mộng tưởng về một kế hoạch Mac-san cho nước Nga sau khi Nga đã đoạn tuyệt với quá khứ có lẽ còn rất lâu mới là hiện thực.

II. Vấn đề vũ khí chiến lược:

a/ Mỹ với việc đơn phương triển khai hệ thống ABM hạn chế:

Ngày 21/1/99, tổng thống Clintơn gửi Tổng thống Enxin thư riêng đề nghị Cremli xem xét lại hiệp ước phòng thủ chống tên lửa ABM được ký giữa Liên Xô và Mỹ vào 1972 với lý do triển khai các kế hoạch chống khủng bố quốc tế và bảo vệ an ninh. Thực chất là Mỹ muốn đơn phương huỷ hiệp ước này và trên thực tế , từ lâu Mỹ đã không tôn trọng hiệp ước ABM, tiến hành hàng loạt các nghiên cứu hệ thống chống tên lửa vũ trụ. Mỹ đã tiến hành thử nghiệm vũ khí laser hoá học "Miracle" bắn vào một vệ tinh có chiều dài nửa mét ở độ cao cách mặt đất hơn 400km, và trong lần thử nghiệm gần đây, vệ tinh mục tiêu đã ghi nhận bị bắn trúng, và chỉ cần một lệnh của Lầu Năm Góc là Mỹ có thể triển khai các loại vũ khí thuộc kho vũ khí "Chiến tranh giữa các vì sao". Mới đây hãng "Boeing" đã tiến hành một loạt các thử nghiệm khác, phóng tên lửa từ căn cứ không quân California và bắn tan nó trên bầu trời Thái Bình Dương bằng một quả tên lửa chống tên lửa điều khiển từ quần đảo Marshall. Cho đến cuối quý 2, Mỹ đã xin quốc hội tiến hành 4 cuộc thử nghiệm như vậy. Chính quyền Mỹ đã xin quốc hội chi 6,6 tỷ USD cho việc xây dựng hệ thống rada chống tên lửa trong 6 năm tới và triển khai cái gọi là "Hệ thống ABM hạn chế". Bộ quốc phòng Mỹ tuyên bố: không loại trừ khả năng Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước hạn chế tên lửa chiến lược ABM nếu như Mỹ và Nga không nhất trí được trong vấn đề này.

Hành động của Mỹ đã gây nên phản ứng quyết liệt từ phía Nga, đặc biệt trong giới quân sự. Nga coi hiệp ước ABM là cơ sở của các hiệp ước đã ký với Mỹ về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược SALT-1 và SALT-2. Nga cho rằng những kế hoạch nhằm thay đổi tình hình hiện tại trong lĩnh vực phòng chống tên lửa (kể cả việc Mỹ định rút khỏi hiệp ước ABM) sẽ phá huỷ những nền tảng ổn định chiến lược trên thế giới, dẫn đến phá vỡ sự cân bằng về lực lượng hạt nhân đã giữ cho hai siêu cường thoát khỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Nga cũng không tin rằng các hệ thống ABM của Mỹ sẽ chỉ có "hoạt động hạn chế" là chống lại bọn khủng bố quốc tế. Bình luận về sự kiện trên, các báo của Nga cho rằng Mỹ chơi trò chính trị với Nga nhằm gây áp lực buộc Nga nhanh chóng phê chuẩn hiệp ước SALT-2, đồng thời trong thời gian ngắn sẽ thử và bố trí các hệ thống mới, rồi sau đó sẽ lại thay đổi hiệp ước với những điều kiện mới có lợi cho mình.

Nga đã dự định đưa ra một loạt các biện pháp cụ thể để trả đũa hành động của Mỹ. Tuy nhiên các biện pháp đó lớn và đòi hỏi phải có kinh phí bổ xung. Và đây chính là một nước cờ đau đầu của Nga. Kinh phí sẽ lấy ở đâu trong khi kinh tế Nga đang bị khủng hoảng? Rõ ràng là "lực bất tòng tâm" phải "ngậm bồ hòn làm ngọt". Trong những lần gặp gỡ với Ngoại trưởng Mỹ Albright, phía Nga nêu lên yêu cầu "mọi bất đồng giữa Nga và Mỹ cần phải bàn bạc trên tinh thần đối tác, sự bàn bạc là tối quan trọng nhằm tránh mọi sự bất ngờ". Tuy nhiên Mỹ vẫn lấn tới và làm những sự đã rồi buộc Nga phải nhân nhượng.

b/ Trừng phạt kinh tế :

Ngày 26/2 Bộ thương Mại Mỹ chính thức tuyên bố "danh sách đen" gồm 10 tổ chức của Nga sẽ bị áp dụng trừng phạt kinh tế vì bị nghi ngờ hợp tác với Iran trong lĩnh vực hạt nhân và tên lửa. Đây là lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh lạnh, Mỹ áp dụng biện pháp trên đối với Nga. Trước đó 13/1 chính quyền Mỹ đã buộc tội 3 trung tâm khoa học của Nga : Viện nghiên cứu khoa học và thống kê kỹ thuật năng lượng, Đại học hoá công nghệ Mendeleev và viện hàng không Moscow bán công nghệ tên lửa cho Iran và cấm các công ty và tổ chức nhà nước Hoa Kỳ quan hệ với 3 trung tâm này.

Việc Mỹ tuyên bố trừng phạt 10 tổ chức của Nga không phải ngẫu nhiên. Năm 1993 khi hội nghị thượng đỉnh G7 tại Tokyo thảo luận về tín dụng cho Nga, Mỹ cũng đặt điều kiện với Nga, yêu cầu phải ngừng bán bệ phóng tên lửa cho ấn Độ để đổi lấy tín dụng. ở đây rõ ràng Mỹ lợi dụng tình trạng nợ nần, kinh tế khó khăn của Nga để áp đặt một chính sách đối ngoại "theo Mỹ" trong quan hệ với Iran, Iraq.

Tín dụng luôn luôn là con bài để mặc cả, áp đặt đối với Nga, Mỹ đã đe doạ sẽ cắt giảm viện trợ hàng năm cho Nga 50 triệu USD cũng như áp dụng các hình phạt khác nếu Nga bán các vũ khí chống tăng cho Siry. Trước năm 1991 hợp tác quân sự giữa Liên Xô và Siry đã được ký kết, Liên Xô đã bán cho Siry tổng cộng 26 tỷ USD vũ khí và kỹ thuật quân sự. Hiện nay 90% quân đội của Siry được trang bị bằng vũ khí của Liên Xô và Nga. Sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ này bị đình trệ. Duy nhất chỉ có một hợp đồng bán tăng T-72 cho Siry những năm 92-93. Chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Siry trong năm năm tới trị giá khoảng 2 tỷ USD: Siry sẽ mua một số hệ thống phòng không trong đó có 5300 các vũ khí chống tăng, súng tiểu liên, phóng lựu cũng như các phương tiện để hiện đại hoá máy bay và xe thiết giáp.

Từ trước đến nay, Mỹ luôn quan trọng hoá một cách có chủ ý mối đe doạ hạt nhân trong tay các quốc gia không nghiêm chỉnh (rogue states) do đó Mỹ bằng mọi cách cản trở tiến bộ khoa học hạt nhân ở những nước chưa có lĩnh vực này. Việc ấn Độ rồi Pakistan liên tiếp thử bom hạt nhân đã làm cho Mỹ đau đầu. Bởi vậy sự tuyên bố trừng phạt các cơ quan khoa học Nga với lý do là cung cấp kỹ thuật hạt nhân cho các quốc gia thù địch cũng không nằm ngoài ý đồ trên.

Về phía Nga, chính giới Nga kiên quyết bác bỏ những lời buộc tội của Mỹ, khẳng định Nga trung thành với các nguyên tắc không phổ biến vũ khí huỷ diệt và tên lửa, và "mọi mưu toan nói chuyện với Nga bằng các biện pháp trừng phạt và gây áp lực" đều không thể chấp nhận được. Mục đích trừng phạt kinh tế của Mỹ là nhằm không để công nghệ tiên tiến của Nga xuất hiện trên trường quốc tế và đây là vấn đề "cạnh tranh công nghệ và địa chính trị". Theo lời một chuyên gia quan trọng trong lĩnh vực hợp tác khoa học quân sự, Nga sẵn sàng "thi hành các biện pháp thích đáng chống lại các chính sách có chủ định của Mỹ nhằm gạt Nga ra khỏi thị trường vũ khí béo bở ở Trung Đông và Phi Châu".

III. Mở rộng NATO và An ninh của Nga:

Dùng con bài mở rộng NATO về phía Đông, với chiêu bài "viện trợ" "đầu tư phát triển" vào các nước Liên Xô cũ, Mỹ theo đuổi mục đích mở rộng địa bàn, chặt đứt dần vây cánh của Nga.

Nga đã mạnh mẽ chống lại việc Đông tiến của NATO bằng nỗ lực tham gia vào các vấn đề của NATO. Giữa Nga và NATO đã ký những thoả hiệp về quan hệ Nga - NATO. Nga có phái bộ đại diện tại bộ tham mưu NATO, thoả thuận hợp tác trên thực tế, thiết lập một nhóm chuyên viên và thành công trong các hoạt động cứu hộ thiên tai và bảo vệ hoà bình. Về vấn đề NATO mở rộng về phía đông, Nga luôn tuyên bố "những ý đồ đặt liên minh Bắc Đại Tây Dương làm trung tâm của một hệ thống an ninh tập thể ở Châu Âu về bản chất là không có tính xây dựng. Nga công khai nói về điều này bởi vì quá trình mở rộng NATO tiến triển thì mối đe doạ của sự bất đồng mới trên lục địa này càng lộ rõ. Nước Nga cũng như các quốc gia khác không bao giờ chịu làm ngơ trước kỳ vọng của NATO".(Đời sống quốc tế (nga) 1991).

Nga luôn luôn khẳng định "chúng ta có một cơ hội tuyệt vời để làm cho Cựu Thế giới lại trở thành động lực của sự phát triển, thành lá chắn đảm bảo cho các khu vực khác. Và cái cơ hội này cần phải được sử dụng một cách có trách nhiệm". Y' đồ của Nga về vấn đề NATO là tương đối rõ, một khi không thể giải tán và làm suy yếu tổ chức này thì phải can dự tích cực để hạn chế và kiềm chế hoạt động của nó. Tuy nhiên các nước thành viên NATO cũng không để Nga có vai trò gì thật sự trong tổ chức này, bởi vì cơ cấu "an ninh cứng" không bao giờ có chỗ cho Nga cả.

Việc kết nạp 3 nước đồng minh cũ của Liên Xô (Ba Lan, Hung, Séc) vào NATO mới đây là một đòn giáng mạnh vào Nga trong những nỗ lực của NATO về phía đông, làm sống lại hồi ức cay đắng của chiến tranh lạnh, đẩy Nga vào tình thế phải đối đầu. Nga hiện nay không có "sân sau" mà ngay cả "sân nhà" cũng đang rất nhiều vấn đề. Tình thế địa chính trị ở Châu Âu đối với Nga rất không thuận lợi. Trên thực tế Nga đã bị tách khỏi Châu Âu: Các nước Ban-tích đã tách Nga ra khỏi Scandinavơ và Ba Lan, Ucraina cắt Nga khỏi Đông- Nam châu Âu; về phần mình, các nước Đông Âu cũ đã trở thành hành lang kinh tế lọc những vốn đầu tư đầy tiềm năng của phương Tây. Đồng thời chúng cũng là hàng rào chính trị, là cái gai cắm vào cạnh sườn Nga. Giờ đây sợi dây dẫn duy nhất và tương đối chắc chắn chỉ còn lại Bêlorussia. Đồng thời ở Trung A' cũng xuất hiện những thách thức trực tiếp đến an ninh của Nga. ở khu vực này, Mỹ đã hào phóng tài trợ cho các nước khu vực như Adecbaigian, Acmênia, Udơbekistan, Tuocmenistan, Cazacxtan: Mỹ phát triển hợp tác quân sự khu vực bao gồm sử dụng chung hệ thống thông tin địa chấn (kể cả cho mục đích quân sự) ở Acmênia; trang bị lại quân đội theo chuẩn phương Tây (ở Grudia); đề nghị lập căn cứ quân sự của NATO tại biển Caxpi (với Adecbaigian). Ngày càng nhiều sĩ quan của khu vực được đào tạo ở NATO, tại phía đông biển Caxpi đã xuất hiện liên minh quân sự Trung A' nhiều lần tập trận chung với quân đội của Mỹ... rõ ràng ảnh hưởng của Nga ở khu vực đã bị xói mòn, an ninh quốc gia bị đe doạ nghiêm trọng.

Nga coi việc NATO và Mỹ có mặt ở khu vực là một sự bội ước cam kết song phương 1990. Tuy nhiên vì "sức cùng, lực cạn", Nga tránh không để sa vào một cuộc "tranh chấp công khai" với NATO bởi vì "các quan hệ của Nga với NATO và Mỹ là vấn đề rất nhạy cảm, tinh tế và khó khăn. Chúng ta sẽ không có bất kỳ một cuộc tranh chấp công khai nào với Mỹ và NATO, nhưng chúng ta cũng không cùng tham gia vào các trò chơi của họ" (lời của Enxin, Moscow 8/7).

IV. Khủng hoảng KOSOVO và IRAQ :

Mỹ đơn phương ném bom Iraq lần thứ hai, phớt lờ những nỗ lực hoà bình của Nga, dùng vũ lực giải quyết vấn đề Kosovo.

a/ Việc Mỹ không ngừng cảnh cáo Iraq, ném bom, phóng tên lửa vào các vị trí của Iraq trong chiến dịch "Cáo sa mạc" lần 2, gây nhiều thiệt hại về người và của cho phía Iraq có những lý do của nó. Ở đây vấn đề không phải là Iraq không trung thực trong việc thanh tra vũ khí mà là Mỹ muốn lật đổ chính phủ Saddam. Việc oanh tạc uy hiếp chỉ là một trong 3 mũi giáp công: oanh tạc, tụ tập phe chống đối và lập kế hoạch lật đổ. Song song với mục tiêu lật đổ là động tác thăm dò dư luận và thách thức các nước đối lập, chủ yếu là Nga. Chúng ta hãy xem phản ứng của Nga ra sao?

Tại Moscow từ chính giới đến báo chí đều lên án việc Buttler đơn phương ra lệnh rút các thanh tra của Uỷ ban đặc biệt về thanh sát vũ khí Liên Hiệp Quốc ra khỏi Iraq và việc Mỹ đơn phương có hành động quân sự ở đó. Nga coi đó là hành động vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và yêu cầu Mỹ chấm dứt các hoạt động quân sự của mình. Duma quốc gia Nga cho rằng ở thời điểm này việc phê chuẩn Hiệp ước SALT-2 là vô nghĩa. Tuy nhiên những nỗ lực của Nga chẳng cải thiện được tình hình tại Iraq và rõ ràng vấn đề Iraq cũng là một tác nhân làm cho quan hệ Nga- Mỹ thêm căng thẳng.

b/ Về cuộc khủng hoảng Kosovo, trong khi Nga kiên quyết bảo vệ người anh em Milosevic, tránh để xảy ra một Chesnia trong lòng Nam Tư, chống lại bất kỳ những hành động bạo lực trong việc giải quyết Kosovo thì Mỹ và NATO luôn đe doạ dùng vũ lực. Nga và Mỹ luôn bất đồng trong nhìn nhận nguyên nhân cuộc khủng hoảng ở Kosovo. Theo Nga thì hàng năm cái gọi là "Nước cộng hoà Kosovo" nhận được từ nước ngoài từ 150-400 triệu USD được góp từ phần thu nhập và lời do buôn bán ma tuý của kiều dân Anbani sống trên 20 nước khác nhau. Tuy nhiên chỉ một phần nhỏ trong số tiền này được chi dùng cho quân đội giải phóng Kosovo (KLA) còn phần lớn để trả công cho hãng thông tin Mỹ "Ruder Finn" chuyên tuyên truyền cho các lực lượng ly khai Kosovo ở nhiều nước trên thế giới. Nga còn chỉ rõ dưới sức ép của Mỹ, Tây Âu hưởng ứng rất nhạt nhẽo và không kiên quyết đối với các đề nghị của Beograt đòi đóng ngay các tài khoản ngân hàng chuyên nhận tiền từ nước ngoài chuyển chi cho bọn khủng bố Kosovo. Nga coi "Quân giải phóng Kosovo (KLA)" là người chịu trách nhiệm chính trong tình hình căng thẳng ở Kosovo, chính KLA là nguyên nhân của nỗi lo ngại việc thực hiện các hiệp định ký kết sẽ không thành công. Nhưng Mỹ lại luôn khẳng định phía Xecbia mới là người chịu trách nhiệm trước những sự leo thang tình hình căng thẳng. Và khi đến đỉnh điểm của tình hình, vẫn chiến thuật cổ xưa của Mỹ: tạo ra xung đột giữa các sắc tộc ở những vùng có lợi ích của Mỹ rồi sau đó mang lực lượng đến "cứu giúp" khi tình hình không kiểm soát nổi.

Việc Mỹ và NATO tấn công Kosovo 24/3/1999 làm cho quan hệ Nga - Mỹ trở nên tồi tệ hơn. 77 ngày đêm Mỹ và NATO tiến công một Quốc gia có chủ quyền nhằm thử nghiệm khái niệm chiến lược mới đã làm méo mó hình ảnh của Mỹ trên khắp thế giới. Ngay từ đầu cuộc không kích của NATO vào Nam Tư, Nga đã phản đối hành động đơn phương tiến công bỏ qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, coi đây sẽ là một tiền lệ xấu cho những can thiệp quân sự mới của Mỹ ở mọi nơi, mọi chỗ với lý do "nhân đạo". Đài truyền hình Nga đã phát đi bản tuyên bố của Tổng thống Nga Enxin, trong đó chỉ rõ đó là một hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền và âm mưu của Mỹ và NATO bước vào thế kỷ 21 với sắc phục của cảnh sát thế giới. Với tư cách là tổng thống và tổng tư lệnh, ông Enxin đã ra lệnh huỷ chuyến thăm Mỹ của cựu thủ tướng Primakov, triệu hồi đại diện Nga tại NATO về Moscow, hoãn các cuộc thương lượng và hoạt động của Nga trong NATO và tuyên bố trong trường hợp xấu, Nga vẫn giữ quyền có các biện pháp thích đáng, kể cả biện pháp quân sự để tự vệ và bảo vệ an ninh của toàn châu Âu. Tuy nhiên đây chỉ là những hành động trên lời nói, không có sức mạnh, phản ánh sự thay đổi cục diện to lớn đã diễn ra sau khi kết thúc chiến tranh lạnh. Phẫn uất vì bị qua mặt và bị dư luận trong nước chỉ trích đã "bỏ rơi người anh em truyền thống", sau những chuyến công du hoà giải của cựu thủ tướng Primakov không thành, Tổng thống Enxin đã cử đặc sứ Checnomưdin về vấn đề Kosovo để vớt vát thể diện cho mình. Sau khi đã có một vai trò "trung gian hoà giải" nhưng vẫn bị lép vế với Mỹ, Nga đã cho đổ quân vào Kosovo. Bằng việc đổ 200 lính dù bất ngờ vào khu vực sân bay Pristina, cán cân lực lượng nghiêng theo hướng thuận lợi hơn cho Nga. Nước Nga đã ghi được "điểm tốt" đối với dư luận quốc tế, phần nào rửa được nỗi nhục "qua mặt" trong vấn đề Kosovo. ở đây Nga đã rất linh hoạt thay đổi lập trường: từ vị trí "đồng minh của Nam Tư" sang vị trí "trung gian hoà giải" và cuối cùng trở thành "can dự trực tiếp" vào tiến trình giải quyết khủng hoảng Nam Tư.

Thay lời kết: Quan hệ Nga - Mỹ hậu Kosovo

sẽ nồng ấm trở lại?

Cuộc không kích đơn phương một quốc gia có chủ quyền là Nam Tư của Mỹ và NATO đã kết thúc sau 77 ngày oanh kích với tổng số tổn thất lên tới 200 tỷ USD, với những dòng thác người tị nạn và biết bao vấn đề nảy sinh mà để giải quyết không phải chuyện một sớm một chiều. Từ cuộc chiến tranh Nam Tư có thể rút ra một số nhận xét sau:

Thứ nhất, cuộc chiến Nam tư là nơi thử nghiệm chiến lược quân sự mới với công cụ là khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) là nơi Mỹ muốn khẳng định trật tự thế giới một cực do Mỹ lãnh đạo. Tuy nhiên, đây là một cuộc chiến không có người thắng và tất cả đều thua. Lý luận Nhân quyền cao hơn chủ quyền của Mỹ đã tạo ra cục diện nghiêm trọng ở Ban căng. Nó không những không bảo vệ được nhân quyền mà ngược lại làm nhân quyền ngày càng xấu đi. "Tại Bancăng không phải chỉ mình Milosevic thất bại, mà tất cả đều thất bại, thất bại thảm hại và chẳng bao lâu điều đó sẽ được minh chứng". NATO cũng đã thất bại mặc dù họ có những vũ khí cực kỳ chính xác và hiện đại "họ mới chỉ chiến đấu với thường dân không được vũ trang, nghĩa là những người chỉ có thể chiến đấu trên mặt đất, họ còn chưa đánh nhau với những hệ thống vũ khí tối tân có thể hạ máy bay ở độ cao 10-15km" (lời tổng thống Belarussia Lukashenko trả lời phỏng vấn các nhà báo 10/6).

Thứ hai, ý đồ phớt lờ Nga, phớt lờ cơ chế Liên Hợp Quốc của Mỹ trong giải quyết các vấn đề châu Âu, cụ thể là cuộc chiến Nam Tư đã thất bại. Tuy đã buộc được Nam Tư rút quân khỏi Kosovo, đưa người tị nạn Anbanie hồi hương và đổ được lực lượng gìn giữ hoà bình vào Kosovo, nhưng Mỹ đã không đạt được mục tiêu ban đầu đề ra. Cuộc không kích của Mỹ kéo dài hơn dự kiến do Mỹ đánh giá thấp khả năng kháng cự của Nam Tư và những bất ngờ và "nhầm lẫn" do sa lầy ngày càng nhiều đã buộc Mỹ phải cầu viện đến Liên Hợp Quốc và vai trò trung gian hoà giải của Nga. ở đây có vai trò của Nga không phải là vì Mỹ muốn đỡ thể diện cho Nga vì bị phớt lờ mà thật sự NATO cần Nga, gần giống như "một người sắp chết đuối vớ được cọc". Thay vì hạ nhục Nga, Mỹ cuối cùng đã phải cầu cứu đến Nga. Cơ cấu gìn giữ hoà bình ở Kosovo là dưới ngọn cờ bảo trợ của Liên Hợp Quốc, thành viên của lực lượng gìn giữ hoà bình bao gồm các nước NATO cũng như các nước không phải thành viên NATO.

Thứ ba, liệu có một Kosovo ở trong lòng nước Nga hoặc ở các nước SNG hay không? Đây là một câu hỏi chưa có đáp án, điều này còn tuỳ thuộc vào so sánh lực lượng. Vì lý do "nhân đạo" Mỹ và NATO đã can thiệp vào Kosovo, thì rất có thể vì lý do này hay khác, để thể hiện vai trò cảnh sát quốc tế không loại trừ khả năng can thiệp vũ trang vào Nga, một đất nước có đến hai chục vùng tự trị và nhiều sắc tộc tôn giáo khác nhau. Liên tiếp Grudia, Adecbaigian, Acmenia... đã công khai lên tiếng yêu cầu Mỹ và NATO giải quyết giùm các tranh chấp Nagorưnưi - Abkhadia như kiểu Kosovo. Song với lực lượng vũ trang hiện nay của Nga cùng kho vũ khí hạt nhân có khả năng huỷ diệt mấy lần thế giới, thì một Kosovo trong lòng Liên Xô cũ là một điều khó có thể xảy ra. Tuy nhiên thế giới ngày nay là một thế giới của những biến động không lường trước được và chỉ có thời gian là thước đo của mọi giả thiết, mọi dự đoán.

Cuộc chiến ở Nam Tư đã làm thay đổi tư thế của Nga trong con mắt của các nhà chiến lược phương Tây. Quan hệ Nga - Mỹ phần nào được cải thiện sau khi đạt được thoả thuận về lực lượng gìn giữ hoà bình của Nga tại Kosovo. Mỹ và Nga đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược đối ngoại: Mỹ công nhận Liên Bang Nga là thành viên đầy đủ của nhóm G8; 27/7 tại Singapore trong cuộc họp ngoại trưởng các nước APEC, ngoại trưởng Mỹ đã gặp bộ trưởng ngoại giao Nga và tại Mỹ, cựu thủ tướng Nga Stepashin cũng đã có những tiếp xúc với tổng thống Mỹ. Cả hai phía đều tỏ ra tôn trọng nhau hơn, cả hai đều cố gắng khắc phục bất đồng để xích lại gần nhau. Mỹ sau Kosovo đã thấy rằng không thể bỏ qua vai trò của Nga trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là ở khu vực Bancăng và Châu Âu. Có lẽ các lời hứa về việc giải ngân tín dụng IMF sẽ được thực hiện trong thời gian ngắn bởi vì Mỹ cũng chẳng có lợi lộc gì với một nước Nga bất ổn định và do các lực lượng bảo thủ, chống cải cách nắm quyền. Về phần mình, Liên bang Nga sau Kosovo cũng thấy rằng sự mềm dẻo có nguyên tắc, chính sách cân bằng Âu - A', đề cao các lợi ích dân tộc là đúng đắn, "chỉ có thể hiện vai trò cường quốc Châu A' - Thái Bình Dương mạnh mới có thể cho Nga sức mạnh trong các công việc ở Châu Âu. Và ngược lại, đường lối Châu Âu truyền thống mạnh mẽ mới cho phép nước Nga gìn giữ uy tín trong quan hệ với các đối tác Châu A'" (Kortunov, Đời sống quốc tế (Nga) 6/ 1998). Quan hệ Nga - Mỹ nhất định sẽ khởi sắc, nhưng là "sắc" gì thì còn phải chờ đợi và nó phụ thuộc vào nỗ lực của cả hai phía./.

Cùng chuyên mục