Số 30 - Triển vọng hợp tác Đông Á - Mỹ La Tinh

10:48 28/03/2012

Triển vọng hợp tác Đông Á - Mỹ La Tinh

Tác giả: Tôn Khánh Linh .

Toàn cầu hoá đang phát triển sâu rộng ở nhiều cấp độ khác nhau, làm tăng mối liên kết giữa các thực thể khác nhau trên thế giới, bao gồm không những các mối liên hệ giữa các cá nhân, công ty, quốc gia, mà còn giữa các khu vực với nhau. Trong bối cảnh đó, hợp tác liên khu vực đang trở thành một xu thế lớn trên thế giới. ASEM ra đời năm 1996 để liên kết Đông A' với Châu Âu. Hàng loạt các dự án hợp tác liên khu vực khác đang được triển khai như hợp tác EU-Mercosur, hợp tác Bắc Mỹ với Nam Mỹ thông qua khu vực tự do thương mại các nước Châu Mỹ (FTAA), hợp tác giữa Bắc Mỹ với EU thông qua Khu vực tự do thương mại xuyên Đại Tây dương (TAFTA), hợp tác giữa ASEAN với EU, với CER và với SAARC.

Gần đây, một sáng kiến hợp tác liên khu vực mới lại được đưa ra - đó là sáng kiến thành lập Diễn đàn Đông A' - Mỹ La Tinh do Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đề nghị trong chuyến thăm Chi-lê tháng 10/1998. Do cuộc khủng hoảng tài chính, lúc đầu các nước không hào hứng lắm với sáng kiến này. Nhưng vào đầu năm nay, khi kinh tế có những dấu hiệu phục hồi và nhất là khi Nhật và các nước thuộc nhóm Rio của Mỹ La Tinh bày tỏ sự ủng hộ, thì sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều nước thuộc hai khu vực. Cuộc họp quan chức đầu tiên của Diễn đàn liên khu vực mới này đã diễn ra đầu tháng 9/1999. Cuộc họp đã xác định mục tiêu của Diễn đàn Đông A' - Mỹ La Tinh là tăng cường đối thoại và hợp tác giữa hai khu vực, trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Các quan chức cũng thoả thuận đây sẽ là Diễn đàn không chính thức, với cơ chế lỏng lẻo, nhưng sẽ có nội dung toàn diện cả về kinh tế, chính trị lẫn văn hoá. Ngay từ cuộc họp đầu tiên, nhiều dự án cụ thể đã được đưa ra nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa hai khu vực. Bài này xem xét những động cơ khiến hai khu vực Đông A' và Mỹ La Tinh tăng cường hợp tác với nhau, dự báo những vấn đề đặt ra cho khuôn khổ hợp tác mới này và triển vọng phát triển của nó.

Động cơ hợp tác Đông A' - Mỹ La Tinh:

Động cơ hình thành diễn đàn hợp tác liên khu vực giữa Đông A' và Mỹ La Tinh bao gồm hai loại: những lợi ích tuyệt đối và những lợi ích tương đối. Các lợi ích tuyệt đối của hợp tác liên khu vực là sự mở rộng các quan hệ thương mại, đầu tư và các lợi ích cụ thể khác, nhằm thoả mãn các nhu cầu của các lực lượng thị trường. Hợp tác liên khu vực là câu trả lời tự nhiên đối với sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng và toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới. Nhất thể hoá kinh tế nay không còn bị bó hẹp trong biên giới quốc gia hay khu vực. Kinh tế thế giới không chỉ hoà nhập với nhau trong pham vi khu vực mà còn giữa các khu vực với nhau. Nếu quá trình toàn cầu hoá đi liền với chủ nghĩa khu vực ngày càng tăng, và kinh tế thế giới đang bị phân chia thành những khối khu vực khác nhau, thì hợp tác liên khu vực sẽ góp phần giảm nhẹ tính chất phân biệt của các khối khu vực. Hợp tác liên khu vực sẽ càng làm tăng tính chất khu vực mở cho các quá trình tự do hoá khu vực. Vì vậy có thể nói, cùng với các diễn đàn hợp tác liên khu vực khác, diễn đàn Đông A' - Mỹ La Tinh sẽ làm cho quan hệ giữa các khu vực cân bằng hơn, góp phần quản lý tốt hơn nền kinh tế thế giới.

Bắc Mỹ, Châu Âu, Đông A' và Mỹ La Tinh là bốn khu vực chính của kinh tế thế giới. Những khu vực này sẽ là động lực của sự tăng trưởng kinh tế thế giới trong thế kỷ 21. Hiện tại ba trong bốn khu vực đã liên kết với nhau. Tuy nhiên giữa Đông A' và Mỹ La Tinh vẫn thiếu vắng một mối liên kết. Trong nền kinh tế toàn cầu, sự trống vắng như vậy sẽ ngăn cản việc biến các tiềm năng trong quan hệ giữa các nước của hai khu vực thành hiện thực một cách đầy đủ. Vì vậy, sự hình thành cạnh thứ tư trong tứ giác kinh tế thế giới là sự tiếp nối lô-gích của quá trình khu vực hoá và toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới.

Quan hệ giữa hai khu vực vốn có cội nguồn lịch sử từ thế kỷ thứ 16, khi thực dân Tây Ban Nha tìm đường xuyên qua Thái Bình Dương sang chinh phục một vùng đất của Đông A', mà hiện nay là Philippin. Thế kỷ thứ 19, Trung Quốc và Nhật đã thiết lập quan hệ với Mehicô, Chilê, Braxin, Peru và Argentina. Nhiều người gốc Châu A', đặc biệt là người Nhật và người Hoa đã di cư sang Mỹ La Tinh trong những năm 30 và 40 của thế kỷ này. Tuy nhiên, trong chiến tranh lạnh, cả hai khu vực còn gặp nhiều khó khăn nên hầu như không có quan hệ gì đáng kể. Kể từ sau chiến tranh lạnh và trong điều kiện toàn cầu hoá, các nước thuộc hai khu vực đã cố gắng tăng cường quan hệ với nhau. Năm 1998, kim ngạch buôn bán giữa Đông A' và Mỹ La Tinh tăng 4 lần so với năm 1988. Buôn bán giữa hai khu vực chiếm 10% tổng kim ngạch ngoại thương của Mỹ La Tinh. Chilê đứng đầu, chiếm tới 33% kim ngạch xuất khẩu của Mỹ La Tinh sang Châu A', tiếp đó Braxin 12%, Argentina 10%. Các đối tác chính của Mỹ La Tinh ở khu vực này là Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN ( trong đó chủ yếu là Malaysia, Inđônesia, Thái Lan và Philipin). Tuy nhiên quan hệ giữa hai khu vực còn nhiều hạn chế. Năm 1997 chỉ có 2,6% xuất khẩu của Châu A' là hướng sang khu vực Mỹ La Tinh, trong khi chỉ có 4,3% xuất khẩu của Mỹ La Tinh là hướng sang Châu A'. Tuy nhiên, quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai khu vực còn rất ít về giá trị tuyệt đối: năm 1996, thương mại giữa ASEAN và MERCOSUR là 4,1 tỷ, chỉ bằng 1% toàn bộ thương mại của ASEAN. Buôn bán giữa Nhật với Mỹ La tinh đạt gần 16 tỷ năm 1997 so với hơn 200 tỷ buôn bán với Bắc Mỹ; Nhật đầu tư 7,7 tỷ USD và viện trợ ODA trị giá 715 triệu USD vào khu vực này năm 1998 so với 2,4 tỷ dành cho ASEAN. Buôn bán giữa Trung Quốc với Mehico, Braxin và Argentina năm 1998 đạt gần 5,8 tỷ USD. Tuy nhiên xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ La Tinh cũng chỉ bằng 1,6% toàn bộ xuất khẩu của Trung Quốc. Thương mại giữa Hàn Quốc với Braxin và Argentina đạt gần 2,3 tỷ USD.

Về mặt thể chế, quan hệ giữa các nước thuộc hai khu vực cho đến nay chủ yếu dựa trên cơ sở song phương. Riêng các nước ASEAN thiết lập quan hệ với nhóm Rio và MERCOSUR. Giữa ASEAN và nhóm Rio đã trao đổi dưới hình thức cuộc gặp cấp Bộ trưởng Ngoại giao mỗi năm vào dịp họp ĐHĐ/LHQ tại New York và hợp tác giữa các Ban Thư ký của hai tổ chức. Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và MERCOSUR đã gặp nhau nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Singapore năm 1994, bàn về quan hệ thương mại đầu tư, về những vấn đề của WTO như thúc đẩy đầu tư thương mại; trao đổi ý kiến về những vấn đề kinh tế quốc tế cùng quan tâm; trao đổi kinh nghiệm về hội nhập khu vực; khuyến khích hợp tác giữa các khu vực tư nhân. Trong số các nước Mỹ La Tinh, 3 nước Mêhico, Chilê, và gần đây Pêru đã là thành viên của APEC. Như vậy, các mối liên hệ giữa Đông A' và Mỹ La Tinh hiện chủ yếu là trên cơ sở song phương và chỉ có tính adhoc. Nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa hai khu vực, cần phải có một Diễn đàn đa phương có cơ sở rộng lớn hơn.

Sự hình thành các mối liên hệ thể chế giữa hai khu vực Đông A' và Mỹ La Tinh là nhằm đáp ứng đòi hỏi của các lực lượng thị trường tại hai khu vực. Khu vực Đông A' vốn phát triển năng động nhất thế giới trong mấy thập kỷ qua. Tuy nhiên trong 2 năm 1997-1998 khu vực này đã lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề chưa từng thấy. Hiện nay, khu vực đang từng bước hồi phục và có triển vọng sẽ lấy lại đà tăng trưởng năng động như trước đây. Để đảm bảo quá trình phục hồi và phát triển năng động, Đông A' càng thấy cần thị trường mới như thị trường Mỹ La Tinh. Các nước Đông A' đánh giá cao tiềm năng của Khu vực Mỹ La Tinh. Đây là một khu vực rộng lớn gồm 33 nước, dân số 538 triệu người, tổng diện tích 20,7 triệu km2, tổng GDP khoảng 2000 tỷ USD, tổng trị giá thương mại 487 tỷ USD. Các nền kinh tế lớn phát triển nhất trong khu vực là Mehico, Braxin, Argentina, Venezuela, Colombia, Peru và Chilê. Thập kỷ 90 là thập kỷ thành công của Mỹ La Tinh với tốc độ tăng trưởng 3,5%/ năm từ 1991-1998, lạm phát 10%/năm trong 2 năm qua, mức thấp nhất trong lịch sử khu vực Mỹ La Tinh. Xu thế hội nhập khu vực tự do hoá Mỹ La Tinh tiếp tục phát triển. MERCOSUR lập năm 1991 gồm Achentina, Brazin, Paraguay, Uruguay và 2 thành viên liên kết là Chilê và Bolivia là khu vực tự do thương mại lớn thứ 3 sau NAFTA và EU. Thương mại nội khối MERCOSUR đạt 20 tỷ USD năm 1998. Có ý kiến cho rằng đây sẽ là khu vực có triển vọng phát triển nhanh nhất thế giới. Tại đây cũng có nhóm Andean lập năm 1969 gồm Bolivia, Colombia, Venezuela, Ecuador và Peru. Nhóm này đã cam kết thành lập một thị trường chung vào năm 2005. Mercosur và nhóm Andean dự kiến sẽ liên kết với nhau để tạo ra khu vực tự do thương mại toàn khu vực Nam Mỹ kể từ năm 2000. Xu thế tự do hoá càng làm mở rộng thêm tiềm năng của khu vực này. Bản thân khu vực Mỹ La Tinh cũng muốn tăng cường hợp tác với các khu vực khác để phát triển hơn nữa và khắc phục những khó khăn to lớn còn tồn tại như nợ nước ngoài lớn (khoảng 620 tỷ USD), 1/3 dân số khu vực này sống dưới mức nghèo khổ, đặc biệt là hố ngăn cách giữa người giàu và nghèo ở mức cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, động cơ của việc tăng cường hợp tác giữa Đông A' và Mỹ La Tinh còn là các mối lợi tương đối như lợi ích chính trị chiến lược và lợi thế đối với bên thứ ba. Trong một thế giới đa cực, hợp tác liên khu vực có thể được coi như là trò chơi cân bằng lực lượng giữa các khu vực với nhau. Chính mong muốn tăng sức mạnh tương đối đã khiến 2 khu vực Đông A' và Mỹ La Tinh tập hợp lại với nhau. Hai khu vực cũng có nhu cầu hợp tác để chống sức ép của Phương Tây. Các nước Mỹ La Tinh không muốn mất những cơ hội to lớn ở Đông A' vào tay các nhà tư bản Mỹ và châu Âu. Còn Đông A' cũng không muốn để khu vực Mỹ La Tinh nằm trong vòng ảnh hưởng duy nhất của Mỹ. Mỹ đang ra sức thúc đẩy việc hình thành Khu vực tư do thương mại châu Mỹ FTAA. Nếu một khu vực như vậy hình thành từ 2005 thì đó sẽ là một khối kinh tế khổng lồ với 800 triệu dân, có tổng GDP trị giá 10.000 tỷ USD, khiến nhiều khu vực khác trên thế giới lo ngại. Bản thân các nước Mỹ La Tinh cũng không muốn Mỹ độc quyền thao túng khu vực này. Nhiều nước Mỹ La Tinh vẫn cố gắng giữ chính sách độc lập đối với Mỹ. Tại Đại hội đồng lần thứ 29, Tổ chức các nước châu Mỹ (8/6), nhiều nước thành viên đã bác bỏ đề nghị của Mỹ "bảo vệ nền dân chủ toàn châu lục", thông qua việc lập ra một cơ chế gọi là "nhóm những người bạn" để "giúp đỡ" và "phục hồi" nền dân chủ "bị đe dọa" tại một nước nào đó ở châu Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Pa-na-ma, Êt-ga Xpen-xơ nhận xé:t đề nghị đó núp dưới cái cớ "củng cố dân chủ", nhưng thực chất là ý đồ can thiệp vào công việc nội bộ nước khác. Đại diện nhiều nước khác như Mê-hi-cô, Pê-ru, Chi-lê cũng cho rằng đây là âm mưu của Mỹ nhằm kiếm cớ can thiệp vào công việc nội bộ nước khác. Các nước Nam Mỹ đồng thời đẩy mạnh quan hệ với các nước EU nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Nhưng họ cũng không muốn bị EU gây sức ép. Họ đã thống nhất lập trường chung liên quan tới các cuộc đàm phán thương mại với Liên minh châu Âu , như vấn đề EU hủy bỏ chính sách trợ giá nông nghiệp, buộc Eu nhượng bộ, mở cửa thị trường của họ cho các sản phẩm nông nghiệp Mỹ LaTinh, cũng như giảm bớt chế độ bảo hộ mậu dịch nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng. Vì vậy, thúc đẩy quan hệ với Đông A' sẽ góp phần làm cho các nước Mỹ La Tinh có thêm sức mạnh tương đối và tăng thế đối thoại với Mỹ và EU trong tiến trình lập FTAA và Khu vực tự do thương mại với EU.

Hợp tác Đông A' - Mỹ La Tinh: Những vấn đề đặt ra:

Cũng như bất cứ diễn đàn hợp tác liên khu vực nào, hợp tác Đông A' - Mỹ La Tinh sẽ là một tiến trình thương lượng nhằm thoả mãn "nhu cầu" của mỗi khu vực, mỗi nước trong khu vực đó và các nhóm lợi ích trong mỗi nước. Vì vậy Diễn đàn này cũng sẽ phải đứng trước 4 loại vấn đề cơ bản sau: tương quan lực lượng giữa các bên tham gia hợp tác; cơ chế hợp tác; nội dung hợp tác (hay chương trình nghị sự); và vấn đề thành viên.

Tương quan lực lượng là nhân tố đầu tiên tác động đến hành vi của các bên và từ đó dẫn đến kết quả của hợp tác. Nếu phân bố lực lượng cân đối là tình huống lý tưởng khiến cho các cuộc thương lượng có khả năng thành công nhất, thì có thể thấy rằng, hợp tác Đông A'- Mỹ La Tinh sẽ có nhiều thuận lợi. Tương quan lực lương giữa hai khu vực Đông A' và Mỹ La Tinh khá cân bằng. Các nước tham gia Diễn đàn này chủ yếu là các nước đang phát triển. Đồng thời, sự tham gia của các nền kinh tế lớn như Nhật, Trung Quốc, Braxin, cũng khiến cho Diễn đàn này có nhiều triển vọng khả thi.

Kết quả của quá trình hợp tác giữa hai khu vực còn bị tác động bởi cơ chế hợp tác, trong đó bao gồm các thể chế và các thể lệ ra quyết định. Về lý thuyết, các thể chế có thể làm giảm cơ hội phá rào và tăng khả năng hợp tác bằng việc bảo đảm một cơ chế cho các bên gặp lại nhau. Robert Keohane lập luận rằng hợp tác đa phương phụ thuộc rất nhiều vào các dàn xếp nổi trội về mặt thể chế, bởi chúng tạo điều kiện cho sự lưu chuyển thông tin và cơ hội để thương lượng, khả năng của các chính phủ theo dõi sự tuân thủ của các nước khác và thực hiện các cam kết của họ, tăng hy vọng củng cố các hiệp định quốc tế. Tuy nhiên, các bên thường có quan điểm khác nhau về việc lập các cơ chế thương lượng, bởi vì họ có đặc điểm nguồn gốc và văn hoá khác nhau. Giữa Đông A' và Mỹ La Tinh có thể thâý sự khác biệt nhất định về văn hoá. Châu A' thường nhấn mạnh các tính chất không chính thức, không đối đầu, mềm dẻo và từng bước trong các cơ chế, trong khi Khu vực Mỹ La Tinh, với cách tư duy gần phương Tây hơn sẽ nhấn mạnh tính chất pháp lý, thể chế hoá và tính khẩn trương. Sự khác biệt này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành các cơ chế hợp tác giữa hai nhóm. Nếu nhìn lại tính chất các diễn đàn APEC và ASEM là những diễn đàn có các nước Đông A' tham gia, thì tính chất không chính thức của Diễn đàn Đông A' - Mỹ La Tinh là có thể dự đoán được.

Tuy nhiên, một Diễn đàn Đông A' - Mỹ La Tinh cũng không thể tránh khỏi các cơ chế đơn giản như họp cấp quan chức (SOM), họp cấp bộ trưởng và có thể cả họp cấp cao. Một điều chắc chắn là tần số họp của Diễn đàn này sẽ ít hơn so với các diễn đàn khác. Trong một thể chế lỏng lẻo, Diễn đàn Đông A' - Mỹ La Tinh sẽ khó có thể có một ban thư ký, ít nhất trong tương lai gần, nhưng cơ chế điều phối viên chắc chắn sẽ là kênh liên lạc cần thiết giữa các thành viên tham gia. Về thể thức ra quyết định, nguyên tắc đồng thuận có lẽ sẽ là nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi.

Nội dung hợp tác là nhân tố quan trọng của quá trình hợp tác, vì nó phải phản ánh lợi ích của mỗi quốc gia và lợi ích của cả khu vực. Trong quan hệ liên khu vực, hợp tác là tiến trình hoà giải lợi ích của hai khu vực. Sự đồng nhất lợi ích quốc gia trong mỗi nhóm càng lớn thì càng có nhiều cơ hội hơn cho các lợi ích của hai khu vực chồng lấn nhau, nhờ thế làm cho nội dung hợp tác được mở rộng hơn. Khi khả năng của các thành viên tăng lên, họ thường sẵn sàng mở rộng phạm vi hợp tác. Đây chính là tình huống cho phép Diễn đàn Đông A' - Mỹ La Tinh có nội dung toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế và văn hoá. (APEC chỉ có nội dung kinh tế là chính). Về chính trị, các nước thuộc hai khu vực sẽ đề cập những vấn đề xuyên quốc gia mà hai khu vực cùng quan tâm. Là hai khu vực đang phát triển, ít có bất đồng chính trị, lại có nhiều nét tương đồng về lịch sử chống thực dân, nên Đông A' và Mỹ La Tinh có nhiều thuận lợi trong hợp tác chính trị. Về kinh tế, hai khu có thể hợp tác nhằm tăng cường thương mại và đầu tư, chia xẻ kinh nghiệm phát triển, trong đó có kinh nghiệm khắc phục khủng hoảng tài chính. Về văn hoá, hai bên có thể tăng cường trao đổi khoa học, văn hoá và báo chí, nhằm tăng thêm sự hiểu biết giữa hai khu vực.

Cuối cùng, vấn đề thành viên tham gia bao giờ cũng là điều nan giải trong các cuộc thương lượng. Trong cuộc họp quan chức đầu tiên của Diễn đàn Đông A' - Mỹ La Tinh đã có đại diện của 27 nước tham gia. Nhưng số lượng thành viên của Diễn đàn này chắc chắn sẽ tăng lên trong tương lai. Về lý thuyết, khi số lượng thành viên tăng lên thì người ta khó quyết định phải hành động như thế nào hơn và khó tìm ra giải pháp thoả mãn cho các vấn đề liên quan. Việc mở rộng thành viên sẽ làm giảm hiệu quả ra quyết định, bởi vì điều đó làm tăng sự đa dạng của các hệ thống quốc gia và lợi ích quốc gia, và vì thế hợp tác sẽ trở nên khó khăn hơn. Đối với Diễn đàn Đông A' - Mỹ La Tinh, thì ngay việc xác định nước nào thuộc khối Đông A' hoặc khối Mỹ La Tinh cũng không phải dễ. Vì vậy vấn đề thành viên, nhất là thành viên mới của Diễn đàn cũng sẽ trở thành vấn đề đáng quan tâm.

Tóm lại, mọi thuận lợi và thử thách đối với Diễn đàn Đông A' - Mỹ La Tinh còn đang ở phía trước. Nhưng vạn sự khởi đầu nan. Đoàn tàu hợp tác liên khu vực Đông A' - Mỹ La Tinh đã bắt đầu khởi động đúng hướng, đáp ứng được nguyện vọng của cả hai khu vực và phù hợp với xu thế toàn cầu hoá trên thế giới. Một chương mới trong quan hệ liên khu vực giữa Đông A' và Mỹ La Tinh đang mở ra, hứa hẹn những triển vọng tốt đẹp đối với sự phát triển thịnh vượng của cả hai khu vực, góp phần tích cực vào hoà bình, ổn định và hợp tác phát triển trên toàn thế giới./.

Tài liệu tham khảo:

1. Straits Times, 3/9/1999.

2. Ibid.

3. Nguồn: MITI, Nhật Bản.

4. Peter F. Romero, "Economic Life in Latin America",10 May, 1999.

5. Ttxvn 9/6- Mê-hi-cô.

6. Ttxvn 1/6 - Bu-ê-nốt Ai-ret.

7. Robert O. Keohane, " International Institutions and State Power" (Westview, 1989), 1-20./.

Cùng chuyên mục