Số 30 - Vài nét về cuộc trưng cầu dân ý ở Đông Timo

11:05 28/03/2012

Vài nét về cuộc trưng cầu dân ý ở Đông Timo

Tác giả: Phạm Thị Miên.

Những tháng gần đây, các nước ở khu vực Đông Nam A' (ĐNA) tập trung quan tâm đến Inđônêxia nhiều hơn chủ yếu do hai sự kiện lớn ở nước này. Đó là cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 7/6/1999 và việc giải quyết vấn đề Đông Timo. Tương lai của vùng Đông Timo ra sao sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín và vai trò của Inđônêxia ở ĐNA và trên thế giới. Theo các thỏa thuận được ký kết tại New York ngày 5/5/1999 giữa ngoại trưởng Inđônêxia Ali Alatas, ngoại trưởng Bồ Đào Nha Jaime Gama và Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan, thì ngày chủ nhật 8/8/1999 tới, dân chúng ở Đông Timo sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của Đông Timo. Nhưng do tình hình an ninh không được đảm bảo, nên cuộc trưng cầu dân ý đã bị trì hoãn tới ngày 30/8/1999. Để hiểu rõ vấn đề Đông Timo (ĐTM), bài viết này nhằm nêu khái quát quá trình lịch sử và sự phát triển của vấn đề này và giải đáp tại sao hơn hai chục năm nay nó chưa được giải quyết, mặc dù đó là gánh nặng của Inđônêxia và là vết nhơ của LHQ trong việc giải quyết vấn đề thuộc địa.

Về vị trí địa lý: Đông Timo nằm ở phần phía đông của quần đảo Inđônêxia với diện tích khoảng 34.000km2. Phần phía đông của đảo Timo ( khoảng 14.925km2) thuộc sự quản lý của Bồ Đào Nha cho tới năm 1976. Phía tây đảo Timo nằm dưới quyền kiểm soát của Inđônêxia từ năm 1945. Dân số ĐTM khoảng 800.000 người, đa số theo đạo thiên chúa , ngoài ra còn có hồi giáo, kinh tế không phát triển, thu nhập tính theo đầu người thấp.

1.Sơ lược về lịch sử của vấn đề ĐTM:

Bồ Đào Nha là cường quốc Tây Âu đầu tiên đến Inđônêxia vào năm 1509 sau khi chiếm Malaca ở tây Malaixia . Hà Lan đã đến Inđônêxia và gạt Bồ Đào Nha ra khỏi Inđônêxia , và năm 1651 Hà Lan đã chiếm Kupang ở tây đảo Timo. Trên cơ sở đó, Hà Lan mở rộng ảnh hưởng ở Inđônêxia , nhưng phần đất Đông Timo vẫn nằm dưới sự cai trị của Bồ Đào Nha. Đầu thế kỷ 20, dân chúng ĐTM đã nhiều lần đứng lên chống lại sự cai trị hà khắc của Bồ Đào Nha, nhưng đều bị đàn àp nặng nề. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật đã hất cẳng Hà Lan ra khỏi Inđônêxia. Sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, nhân dân Inđônêxia tuyên bố độc lập năm 1945, buộc Hà Lan phải công nhận nền độc lập của Inđônêxia. Người dân ĐTM nhân cơ hội này cũng đứng lên đấu tranh, nhưng họ bị chính quyền thực dân Bồ Đào Nha đàn áp đẫm máu, do vậy họ không có cơ hội để quyết định nguyện vọng của họ cho tương lai. Trong khi đó, Bồ Đào Nha yêu cầu Liên hợp quốc công nhận ĐTM là tỉnh hải ngoại của Bồ Đào Nha.

Ngày 25/4/1974, ở Bồ Đào Nha có sự thay đổi lãnh đạo. Lực lượng quân sự lên nắm quyền. Chính phủ mới của tướng Spinola Antonie tuyên bố trao trả các quyền dân sự cho người dân và khẳng định sự thay đổi chính sách đối với các thuộc địa. Các quyền dân chủ sẽ được đối xử công bằng đối với người dân ở các lãnh thổ hải ngoại, trong đó có ĐTM. Tiếp đó, ngày 28/5/1974, Thị trưởng và tư lệnh quân đội ở ĐTM thuộc Bồ Đào Nha tuyên bố cho phép dân ĐTM được thành lập các đảng phái chính trị để quyết định tương lai chính trị của họ trong cuộc trưng cầu dân ý, dự định sẽ được tổ chức vào ngày 13/3/1975. Trong cuộc trưng cầu dân ý, người dân sẽ được lựa chọn một trong ba khả năng sau:

- Trở thành lãnh thổ tự trị trong liên bang Bồ Đào Nha;

- Trở thành nước độc lập và tự do;

- Sáp nhập vào nước cộng hoà Inđônêxia.

Trong thời gian này, hàng loạt các đảng phái chính trị được thành lập với các mục đích và tôn chỉ khác nhau. Có đảng đưa mục đích đòi độc lập hoàn toàn cho ĐTM như đảng Dân chủ của người ĐTM ( UDT ) và Hiệp hội xã hội dân chủ ASDT, sau này đổi tên thành FRETILIN. Trong khi các đảng khác như đảng Lao động, đảng KOTA và Hiệp hội dân chủ ĐTM ( APODETI ) thì chủ trương sáp nhập ĐTM vào Inđônêxia. Cuộc trưng cầu dân ý đã không được tiến hành vì sự rối loạn chính trị ở ĐTM do các đảng phái mới thành lập ra sức hoạt động, vận động, lôi kéo dân chúng và đàn áp lẫn nhau.

Trong tình hình đó, ngày 28/11/1975, đảng FRETILIN đơn phương "tuyên bố độc lập " của ĐTM và tuyên bố thành lập "Cộng hoà dân chủ Đông Timo". Sau đó, ngày 30/11/1975, tại Balibo, bốn đảng là đảng UDT, APODETI, KOTA và đảng Lao động đã tuyên bố nền độc lập cho ĐTM và khuyến khích sáp nhập với nước CH Inđônêxia, kêu gọi chính phủ Inđônêxia viện trợ về kinh tế và quân sự.

Chính phủ Bồ Đào Nha nhanh chóng đưa ra tuyên bố bác bỏ cả hai tuyên bố trên của hai phái chống đối nhau ở ĐTM. Ngày 4/12/1975, chính phủ Inđônêxia ra tuyên bố bác bỏ tuyên bố của đảng FRETILIN, cho rằng tuyên bố này đã phớt lờ nguyện vọng của nhân dân ĐTM và bốn đảng khác, đồng thời đánh giá cao tuyên bố của bốn đảng về việc sáp nhập ĐTM vào CH Inđônêxia.

Lấy lý do bốn đảng đề nghị Inđônêxia giúp đỡ về kinh tế và quân sự, ngày 7/12/1975, quân lính Inđônêxia đã tấn công vào ĐTM, chiếm được thủ phủ Dili. Ngày 17/6/1976, Quốc hội Inđônêxia đã họp và thông qua dự luật sáp nhập ĐTM vào, thành tỉnh thứ 27 của Inđônêxia .

2. Sự phát triển tình hình ĐTM từ sau khi sáp nhập vào Inđônêxia và sự chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý .

Chính phủ Inđônêxia tuyên bố họ đã có nhiều cố gắng trong việc khôi phục lại nền kinh tế của ĐTM. Nhiều dự án về tài chính liên quan đến phúc lợi của nhân dân như việc định cư người tỵ nạn , khôi phục lại bệnh viện, mở lại trường học , tổ chức các lớp học mới và phát triển hệ thống cung cấp nước sạch v.v... Tuy vậy, Bồ Đào Nha và một số nước vẫn phê phán Inđônêxia đàn áp nhân dân ĐTM và đưa vấn đề này ra LHQ.

Hơn hai chục năm qua, tình hình an ninh chính trị ở ĐTM vẫn không được ổn định. Phe chống đối chính phủ thuộc đảng FRETILIN tiếp tục đấu tranh đòi độc lập cho ĐTM. Vì sự mất ổn định ở vùng này ngày càng trở nên phức tạp, nên Inđônêxia đã ngồi vào bàn đàm phán với Bồ Đào Nha thông qua đại diện của LHQ để giải quyết vấn đề nan giải này. Năm 1986 và năm 1991, các cuộc thương lượng tay ba đều không đem lại kết quả nào. Các bên đều đổ lỗi cho nhau về sự thất bại của các cuộc gặp gỡ.

Thời gian gần đây, các cuộc đụng độ giữa các phe phái chống đối nhau ở ĐTM ngày càng gia tăng làm cho số người thiệt mạng cũng tăng lên.

Lên cầm quyền từ tháng 5/1998, tổng thống mới của Inđônêxia Habibie đã có sự nhìn nhận vấn đề ĐTM khác với cái nhìn của người tiền nhiệm của ông. Ông tiến hành những biện pháp nhằm xoa dịu vấn đề này bằng cách thả hàng trăm tù chính trị, hứa sẽ xem xét đảm bảo " thể chế đặc biệt" về tự trị của ĐTM. Ông cũng tuyên bố sẽ trả tự do cho lãnh tụ ly khai ĐTM Xanana Gusmao nếu cộng đồng thế giới chấp nhận sự cai trị của Inđônêxia đối với ĐTM. Bắt đầu từ tháng 7/1998, Inđônêxia đã rút quân từng phần ra khỏi ĐTM với sự chứng kiến của các nhà báo nước ngoài.

Với sự bảo trợ của LHQ, Inđônêxia và Bồ Đào Nha đã ngồi vào đàm phán nhiều vòng tại LHQ. Vòng đầu tiên, được tiến hành từ tháng 9/1998 đến 27/11/1998, đã không thu được kết quả gì. Tuy vậy các quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã được thúc đẩy. Ngày 31/1/1999 , các nhà ngoại giao của hai nước đã đến thủ đô của nhau để làm các thủ tục tái lập quan hệ ngoại giao bị đình chỉ từ năm 1975 khi Bồ Đào Nha phản đối Inđônêxia chiếm đóng ĐTM. Hai nhà ngoại giao hai nước sẽ thiết lập phái đoàn ngoại giao đặc biệt ở thủ đô của nhau ,dưới sự bảo trợ của Đạị sứ quán Thái Lan ở Lisbon và Đạị sứ quán Hà lan ở Giacacta. Vòng đàm phán thứ hai về ĐTM được tiến hành ở New York từ ngày 7/2/1999. Những ngày đầu đàm phán, ông Alatas, ngoại trưởng Inđônêxia tuyên bố lập trường hai bên còn khác biệt nhau. Inđônêxia muốn xem xét việc trao trả độc lập cho ĐTM , nhưng bác bỏ ý kiến trưng cầu dân ý hoặc chấp nhận một thời kỳ chuyển tiếp lâu dài cho vùng đất đó.

Chỉ sau đó chưa đầy một tuần, ngày 11/2/1999, Tổng thống Inđônêxia Habibie đã nói chính phủ của ông mong muốn trao trả độc lập cho ĐTM từ ngày 01/01/2000 ,và trút bỏ được gánh nặng của vấn đề này, tuy nhiên chính phủ sẽ giành quyền quyết định cho Hội đồng hiệp thương nhân dân ( MRP ), vì việc sáp nhập ĐTM vào Inđônêxia là do MRP qui định năm 1976. Inđônêxia sẽ không vứt bỏ ĐTM một cách thiếu trách nhiệm, mà sẽ thực hiện một giai đoạn có trách nhiệm ở ĐTM, theo bất cứ sự lựa chọn nào của dân chúng ở ĐTM, tự trị mở rộng hoặc tách ĐTM khỏi Inđônêxia. Tháng 3/1999, Inđônêxia đã chấp nhận việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ở ĐTM về quyền tự trị.

Vấn đề đặt ra là tại sao chính phủ Inđônêxia lại thay đổi lập trường mau lẹ như vậy? Có thể xem xét một số nguyên nhân sau:

- Mặc dù đã cai trị ĐTM từ năm 1976, nhưng chính phủ Inđônêxia vẫn không giải quyết được vấn đề an ninh ở đây một cách triệt để. Quân nổi dậy chống chính phủ , được sự hỗ trợ của một vài thế lực bên ngoài vẫn tiến hành đấu tranh chống lại sự cai trị của Inđônêxia. Đời sống của đa số dân chúng ở đây vẫn nghèo khổ.

- Sau những năm dưới thời của tổng thống Xuhacto, nhân dân Inđônêxia nói chung và ĐTM nói riêng đã chán ghét chế độ dân chủ hạn chế. Tổng thống Habibie lên thay Xuhacto, mặc dù vẫn là người của phe cánh Xuhacto, nhưng tân tổng thống muốn có những bước đi nổi bật để lôi kéo sự chú ý của nhân dân, nhất là trong bối cảnh của cuộc tổng tuyển cử tháng 6/1999 và bầu cử tổng thống mới vào cuối năm 1999.

- Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính châu A' đã tác động mạnh tới Inđônêxia, làm cho nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề. Chính phủ muốn giải quyết dứt điểm vấn đề ĐTM để tập trung khôi phục nền kinh tế.

- Sức ép quốc tế đòi hỏi giải quyết vấn đề ĐTM, trong đó có Mỹ, Ôxtrâylia, LHQ, v.v...

Sau nhiều vòng đàm phán ba bên giữa Inđônêxia , Bồ Đào Nha và đại diện LHQ, trưa ngày 5/5/1999, tại New York , Ngoại trưởng Inđônêxia Ali Alatas , Ngoại trưởng Bồ Đào Nha Jaime Gama và Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã ký kết Hiệp định cả gói về qui chế tự trị cho ĐTM. Hiệp định cả gói bao gồm ba hiệp định.

1. Hiệp định 7 điểm giữa Inđônêxia và Bồ Đào Nha về vấn đề ĐTM.

- Hai chính phủ nhất trí đề nghị TTK/LHQ đưa ra dự thảo về qui chế tự trị đặc biệt đối với ĐTM để cân nhắc, và từ đó quyết định chấp nhận hoặc bác bỏ thông qua một cuộc tư vấn dựa trên việc xác định ý kiến một cách trực tiếp, công bằng và bí mật.

- Đề nghị TTK/LHQ ngay sau khi ký kết Hiệp định này gửi ngay một phái đoàn của LHQ tới ĐTM để TTK có thể thực hiện việc xác định ý kiến như nói trên một cách có hiệu quả.

-Chính phủ Inđônêxia sẽ chịu trách nhiệm về duy trì hoà bình và an ninh ở ĐTM.

- Đề nghị TTK/LHQ chuyển kết quả xác định ý kiến cho HĐBA/LHQ và ĐHĐ/LHQ, đồng thời thông báo kết quả xác định ý kiến cho chính phủ Inđônêxia , Bồ Đào Nha và dân chúng ĐTM.

- Nếu TTK/LHQ xác định rằng kết quả xác định ý kiến cho thấy dân chúng ĐTM chấp nhận qui chế cả gói tự trị, thì chính phủ Inđônêxia phải thực hiện qui chế tự trị mở rộng, và Bồ Đào Nha phải tiến hành các thủ tục ở LHQ nhằm rút bỏ vấn đề ĐTM ra khỏi chương trình nghị sự của HĐBA và ĐHĐ/LHQ.

- Nếu dân chúng không chấp nhận cả gói tự trị, thì chính phủ Inđônêxia sẽ tiến hành những bước đi pháp lý để cắt bỏ quan hệ với ĐTM.

Lãnh thổ ĐTM sẽ được đưa trở lại trạng thái như trước ngày 17/6/1976, và TTK/LHQ sẽ thực hiện các thủ tục để cho phép ĐTM bước vào một quá trình quá độ đi tới độc lập.

- TTK/LHQ duy trì an ninh cho cuộc trưng cầu dân ý bằng sự có mặt hợp lý của LHQ ở ĐTM.

2. Hiệp định 4 điểm dàn xếp an ninh để xác định ý kiến ở ĐTM:

- Các nhà chức trách Inđônêxia chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh và duy trì trật tự luật pháp ở ĐTM. Việc trung lập hoàn toàn quân đội và cảnh sát Inđônêxia là điều rất quan trọng cho cuộc trưng cầu dân ý.

- Uỷ ban hoà bình và ổn định được thành lập ở Dili ngày 21/4/1999 cần phải hoạt động ngay. Mọi phe phái phải tuân thủ những qui định đảm bảo việc hạ vũ khí và thực hiện những bước đi cần thiết để giải giáp vũ khí.

- Trứơc khi bắt đầu đăng ký để lấy ý kiến, TTK/LHQ dựa trên những đánh giá khách quan sẽ xác định về tình hình an ninh để việc thực hiện quá trình lấy ý kiến được diễn ra một cách hoà bình.

- Chỉ có cảnh sát có trách nhiệm trong duy trì trật tự và luật pháp. TTK/LHQ xác định lực lượng cảnh sát dân sự quốc tế và lực lượng này sẽ hoạt động như các cố vấn cho cảnh sát Inđônêxia trong việc kiểm soát hộ tống các thùng phiếu di chuyển từ địa điểm lấy ý kiến này đến địa điểm lấy ý kiến khác.

3. Hiệp định về thủ tục:

- Chính phủ Bồ Đào Nha và chính phủ Inđônêxia nhất trí về thể thức hoặc phương thức nhằm xác định ý kiến của dân chúng ở ĐTM thông qua việc lấy ý kiến trực tiếp vào ngày chủ nhật 8/8/1999 ở cả trong và ngoài ĐTM.

- Câu hỏi mà TTK/LHQ đưa ra cho những người được hỏi ý kiến là : " Liệu bạn có chấp nhận qui chế tự trị đặc biệt cho ĐTM nằm trong quốc gia thống nhất Cộng hoà Inđônnêxia hay không ?" hoặc " Liệu bạn có bác bỏ qui chế tự trị đặc biệt cho ĐTM, mà kết quả sẽ là tách ĐTM ra khỏi Inđônêxia hay không?". Đối với các câu hỏi trên đã có sẵn hai câu trả lời, đó là : "Chấp nhận" hoặc " Bác bỏ".

- Những người được tham gia là những người có độ tuổi từ 17 trở lên với các qui định sau: a/ Người phải được sinh ra ở ĐTM; b/ Người được sinh ra ở ĐTM nhưng phải có bố hoặc mẹ sinh ra ở ĐTM; c/ Những người mà có vợ hoặc chồng phải có điều kiện ở hai điểm nói trên.

- Các hiệp định và văn bản do LHQ chuẩn bị phải được in bằng 4 thứ tiếng: tiếng Tetun (thổ ngữ ĐTM) , tiếng Inđônêxia , tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Anh. Việc lấy ý kiến sẽ được tiến hành ở 700 thùng phiếu được đặt tại 200 trung tâm lấy ý kiến ở cả trong và ngoài nước.

Dư luận thế giới nhìn chung hoan nghênh và hài lòng về những hiệp định trên. Một số nước nói sẵn sàng gửi quân tham gia vào lực lượng cảnh sát dân sự của LHQ ở ĐTM.

Ngày 11/6/1999, Hội đồng bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết về việc thành lập phái bộ của LHQ ở ĐTM, gọi tắt là UNAMET, để tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Theo tinh thần nghị quyết này, LHQ sẽ tổ chức một lực lượng cảnh sát gồm 280 thành viên lo đảm bảo an ninh cho việc bỏ phiếu, và 50 sỹ quan quân đội, nhưng không được vũ trang, hoạt động như các sỹ quan liên lạc với quân đội Inđônêxia.

Ngày 18/6/1999, các phe phái thù địch tại ĐTM đã ký thỏa thuận về giải giáp vũ khí. Ngày 28/6/1999, tại Giacacta đã chính thức khai mạc cuộc tiếp xúc giữa hai bên đối lập của ĐTM. Tham dự có 30 người mỗi phái và một số đại biểu của LHQ, của phía Inđônêxia , phía Bồ Đào Nha, và đại sứ các nước Mỹ, Ôxtrâylia, Italia, Pháp, Anh, và đại diện EU tại Inđônêxia. Cuộc tiếp xúc diễn ra trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng. Hai bên nhất trí với thỏa thuận về giải giáp vũ khí ký ngày 18/6/1999. Kết thúc cuộc tiếp xúc, các bên đã ký một tuyên bố chung gồm 16 điểm liên quan đến các vấn đề chính trị, an ninh, trưng cầu dân ý và hoà hợp cho tương lai của ĐTM , và cam kết tôn trọng và tiếp nhận bất cứ kết quả nào của cuộc thăm dò trưng cầu dân ý .

3. Diễn biến của cuộc trưng cầu dân ý , kết quả và thái độ của các bên:

Ngày 16/7, việc đăng ký cử tri mới được tiến hành kéo theo việc bỏ phiếu cũng phải chậm lại do các vụ lộn xộn ở ĐTM. HĐBA/LHQ đã quyết định tiến hành cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 30/8/1999, và thông qua nghị quyết kéo dài thời hạn của UNAMET cho tới 30/11 và tăng gấp đôi sự có mặt của cảnh sát dân sự LHQ từ 280 người lên 460 người, thành phần cảnh sát quân sự tăng từ 50 lên 300 người.

Sáng 30/8 các địa điểm bỏ phiếu đã mở cửa từ 6 giờ 30 phút giờ địa phương. Tại thủ phủ Dili, tình hình tĩnh lặng và an toàn. Dân chúng lũ lượt đi bỏ phiếu một cách trật tự. Cuộc bỏ phiếu với 451.796 người tham gia (438.517 người ở ĐTM và 13.279 người ngoài ĐTM) đã kết thúc lúc 17 giờ cùng ngày. Chiều tối 30/8 hầu hết các trung tâm bỏ phiếu đã đóng cửa, có khỏang 90% cử tri đã đăng ký đã đi bỏ phiếu. Ngày 31/8 các hòm phiếu được đưa về thủ đô Giacacta để kiểm phiếu.

Tổng thư ký LHQ , ông Kofi Annan đã hoan nghênh cuộc bỏ phiếu nhưng cũng bày tỏ đau buồn trước việc một nhân viên LHQ bị thiệt mạng.

Ngày 4/9/99 Liên hiệp quốc đã thông báo kết quả của cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý, sớm hơn dự định 4 ngày. Phái ủng hộ ĐTM độc lập đã giành được 78,5% tổng số phiếu , phái ủng hộ qui chế tự trị chỉ thu được 21,5% tổng số phiếu. Như vậy, đa số dân ĐTM từ chối qui chế tự trị.

Thái độ các nước:

Để đảm bảo an ninh cho cuộc trưng cầu dân ý, phía Inđônêxia đã gửi đến ĐTM 15.000 cảnh sát. Quân đội Inđônêxia tuyên bố họ đã làm tất cả những gì tốt nhất để hạn chế và ngăn chặn các vụ đụng độ xẩy ra. Tuy nhiên, họ cũng nói không thể đảm bảo an ninh 100% tại ĐTM vì sự cạnh tranh không lành mạnh của hai nhóm chống đối. Tổng thống B. Habibie đã tuyên bố trả tự do cho lãnh tụ ly khai ĐTM , ông S. Gusmao vào ngày 8/9/1999. Ông này đã bị chính phủ Inđônêxia kết án 30 năm tù giam. Inđônêxia đã bị nhiều nước lên án là đã vũ trang cho lực lượng chống lại phe đòi độc lập. Một việc làm của Inđônêxia khiến dư luận chú ý là ngày 29/8, một ngày trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, tổng thống Inđônêxia B. Habibie đã phát biểu trên vô tuyến truyền hình kêu gọi toàn thể nhân dân ĐTM hãy thống nhất trong việc xây dựng một tương lai thịnh vượng hơn nữa cùng những người anh em Inđônêxia.

Tổng thống Mỹ Bill Clintơn đã gửi thư cho tổng thống Habibie cảnh báo những hậu quả sẽ xẩy ra nếu cuộc trưng cầu dân ý không được tiến hành trong bầu không khí an ninh được bảo đảm. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng những cuộc bạo động ở ĐTM sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc tế của Inđônêxia. Ôxtraylia đã cử đoàn quan sát viên 10 người do cựu phó thủ tướng Tim Fisher dẫn đầu tới ĐTM để theo dõi cuộc bỏ phiếu. Sau cuộc bỏ phiếu ông Fisher tuyên bố hài lòng và nhấn mạnh những gì ông thấy ở đây là cuộc bỏ phiếu tự do và công bằng.

Chính phủ các nước ASEAN không có tuyên bố chính thức về cuộc trưng cầu dân ý ở ĐTM, vì cho rằng đây là công việc nội bộ của Inđônêxia và quan hệ giữa Inđônêxia với LHQ và Bồ Đào Nha. Họ cũng không ngăn chặn được một nhóm 14 nghị sỹ từ các nước Malaixia, Mianma, Xingapo, Thái Lan và Inđônêxia , những người tham gia tổ chức khu vực vận động cho độc lập ĐTM với tên " Liên minh châu A'-Thái bình dưng vì ĐTM " đã tới ĐTM để gây sức ép đòi chính phủ Inđônêxia bảo đảm cho một cuộc bỏ phiếu hoà bình. Philippin và Malaixia lo ngại kết quả bỏ phiếu sẽ ảnh hưởng tới tình hình khu vực có đông dân Hồi giáo của họ. Thái Lan và Malaixia tuyên bố sẽ chuẩn bị gửi quân tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình ở ĐTM.

Bộ ngoại giao các nước Mỹ, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Ôxtraylia và EU đã bày tỏ sự hài lòng về tiến trình bỏ phiếu và kết quả của nó.

Ngay sau khi tuyên bố kết quả của cuộc bỏ phiếu, tổng thống Inđônêxia B. Habibie đã kêu gọi nhân dân ĐTM hãy tôn trọng kết quả bỏ phiếu. Chính phủ Inđônêxia tuyên bố không cho phép lực lượng nước ngoài đặt chân vào ĐTM cho đến khi Hội đồng hiệp thương nhân dân ra quyết định chính thức công nhận quyền độc lập của ĐTM vào tháng 11 tới.

Tình hình ĐTM đã trở nên căng thẳng ngay sau ngày bỏ phiếu trưng cầu dân ý và nhất là từ sau khi công bố kết quả. Các quan sát viên nước ngoài lên án việc các nhóm dân quân thân Giacacta đã dựng lên những rào cản chướng ngại vật ở nhiều nơi để giành quyền kiểm soát nhiều khu vực tại ĐTM. LHQ đã nhóm họp khẩn cấp nhiều lần để ra nghị quyết lên án các bên đối lập gây ra các vụ lộn xộn từ sau cuộc bỏ phiếu. Sau cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo chính trị ở Giacacta, đại sứ LHQ tại ĐTM , ông Marker tuyên bố sẽ không cần lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ tại ĐTM mà chỉ cần tăng cường số sỹ quan liên lạc cũng đủ. Bộ trưởng quốc phòng Inđônêxia, tướng Wiranto đã hứa sẽ giải quyết tình trạng bạo động. Ông cũng lo ngại rằng tình hình có thể dẫn đến một cuộc nội chiến.

Tuy vậy, quốc tế đang ngày càng có áp lực yêu cầu Inđônêxia phải để cho một lực lượng gìn giữ hoà bình quốc tế vào ĐTM.

Một vài nhận xét:

Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý cho thấy đa số dân ĐTM muốn họ trở thành một quốc gia độc lập. Xu thế dân chủ đã thắng trong cuộc bỏ phiếu này. Phe chống lại độc lập không chấp nhận kết quả bỏ phiếu và gây ra các vụ bạo động . Như vậy sẽ tạo lý do " chính đáng " cho LHQ hoặc các lực lượng nước ngoài can thiệp vào ĐTM. Nhiều nguồn tin cho hay giới quân sự Mỹ và Ôxtraylia đã có các cuộc thảo luận về việc đưa quân vào ĐTM một khi tình hình ở đây trở nên hỗn loạn. Cơ quan LHQ về tỵ nạn cũng đã bàn với Ôxtraylia về việc nước này chuẩn bị đón tiếp người tỵ nạn chạy từ ĐTM.

Các nhà lãnh đạo Inđônêxia đã tuyên bố tôn trọng kết quả bỏ phiếu và tiến hành các thủ tục rút lực lượng ra khỏi ĐTM. Hội đồng hiệp thương nhân dân sẽ họp vào tháng 11/99 và sẽ phải ra quyết định trao trả độc lập cho ĐTM, xoá tên tỉnh thứ 27 của Inđônêxia. Mục tiêu trước mắt của Inđônêxia hiện nay là ổn định tình hình trong nước và tranh thủ viện trợ nước ngoài để khôi phục lại nền kinh tế đang khủng hoảng. Cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6 vừa qua đã mở ra một kỷ nguyên dân chủ mới cho Inđônêxia. Nhưng đây cũng là những diễn biến nguy hiểm đối với chính phủ Inđônêxia. Nhiều người lo ngại rằng sẽ khó ngăn chặn được những mưu toan giành độc lập ở những vùng khác của nước này như Aceh và một vài tỉnh khác, nơi có phong trào ly khai và là những nơi có tài nguyên thiên nhiên phong phú hơn ĐTM nhiều. Như vậy sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế của Inđônêxia.

Việc ĐTM trở thành quốc gia độc lập càng khẳng định thêm xu thế dân chủ ở Inđônêxia. Nếu là một quốc gia độc lập, ĐTM sẽ có thể đệ đơn xin gia nhập tổ chức ASEAN. Nhưng một thực thể yếu kém về mọi mặt như ĐTM thì khả năng trở thành thành viên của ASEAN có lẽ cũng phải từ 8 đến 10 năm nữa, chưa kể tới việc có những thành viên ASEAN phản đối sự gia nhập này, cho rằng việc ĐTM trở thành thành viên ASEAN là không thể có và không đem lại lợi ích gì.

Cho đến thời điểm này, khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý đã rõ ràng, tình hình ĐTM vẫn đang rối ren, một bộ phận dân chúng đang lo chuẩn bị di tản. Phái đoàn của LHQ cũng phải sơ tán một nửa số nhân viên của họ ra khỏi ĐTM. Sự mất ổn định sẽ còn tiếp tục ít nhất cho tới khi Inđônêxia hoàn tất các thủ tục trao trả độc lập cho ĐTM, do vậy phải tiếp tục theo dõi.

Tài liệu tham khảo:

- Tài liệu tham khảo thế giới ngày 27/7/98, 26/1/99, 12/7; 15/7/99, 19/7/99, 4/9/99.

- Đại sự ký ĐNA tháng 1-5/99;

- Tham luận của ông Erik Gustafson,thuộc East Timor Action Network, đọc tại LHQ ngày 30/6/98.

- Báo Nhân dân ngày 5/2/99; 17/7/99.

- Decolonization in East Timor. Republik of Indonesia, March 1977.

- The Nation 17/4/1999.

- Báo Nhân dân số ra các ngày 6, 7/9/1999.

Cùng chuyên mục