Số 31 - 40 năm xây dựng và trưởng thành của Học viện Quan hệ Quốc tế (1959 - 1999)

11:42 28/03/2012

40 năm xây dựng và trưởng thành của Học viện Quan hệ Quốc tế (1959 - 1999)

Tác giả: Vũ Dương Huân

I. Một số thành tựu:

1. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng:

a) Công tác đào tạo:

Từ năm 1959 đến nay, công tác đào tạo đã trải qua 4 giai đoạn. Học viện đã và đang đào tạo 26 khoá đại học chính quy dài hạn tập trung, 2 khoá đại học ngắn hạn (chuyên tu), 3 khoá đại học tại chức, trong đó đã có 22 khoá đại học chính quy và 2 khoá chuyên tu với khoảng 1700 cử nhân QHQT đã ra trường. Học sinh tốt nghiệp có phẩm chất chính trị vững vàng, trung thành với Tổ quốc, với Đảng, có phẩm chất đạo đức, nắm được chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ... đáp ứng mục tiêu yêu cầu đào tạo, và yêu cầu của hoạt động đối ngoại qua các thời kỳ cách mạng.

Bên cạnh việc đào tạo cán bộ ngoại giao có trình độ đại học, Học viện đã đào tạo 14 khoá Trung học Ngoại giao, ngành thư ký văn phòng đối ngoại, trong đó có 12 khoá với gần 1200 học sinh đã ra trường phục vụ cho công tác đối ngoại của nước ta.

Ngoài việc đào tạo đội ngũ cán bộ đối ngoại cho Đảng và Nhà nước ta, Học viện cũng đã từng đảm nhiệm việc đào tạo các cán bộ ngoại giao cho các bạn Lào và Campuchia. Đã có hơn 40 nhà ngoại giao Lào, Campuchia tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế và hiện nay có 63 sinh viên lào, Campuchia đang theo học tại Học viện. Ngoài ra có 1 sinh viên Rumani, 1 sinh viên Ucraina và sắp tới có thêm 2 sinh viên Ucraina nữa.

Số sinh viên do Học viện đào tạo, đặc biệt là các khoá trước đây chủ yếu về công tác tại ngành ngoại giao và chiếm khoảng 2/3 tổng số cán bộ của Bộ, là lực lượng chuyên gia, cán bộ quản lý chủ yếu của Bộ. Tuy nhiên, còn nhiều nguồn khác cung cấp cán bộ cho Bộ ngoại giao. Hầu hết anh, chị em đã phát huy được kiến thức đã học và được giao những trọng trách, có đồng chí được đề bạt Thứ trưởng Ngoại giao, nhiều đồng chí là Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, hàng chục đồng chí là Đại sứ, Tham tán, Vụ trưởng, Vụ phó, chuyên gia chủ yếu của nhiều đơn vị trong Bộ.

Ngoài số được phân công công tác ở Bộ Ngoại giao, sinh viên tốt nghiệp tại Học viện còn được tiếp nhận về công tác ở nhiều ngành khác như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Đối ngoại TW... Không ít đồng chí là những cán bộ quản lý, chuyên gia có năng lực của các cơ quan trên, đặc biệt có 1 đồng chí là Phó ban đối ngoại TW Đảng. Hiện nay, trong thời kỳ kinh tế thị trường, cử nhân QHQT của chúng ta còn vào làm việc ở nhiều các thành phần kinh tế khác, nhất là các cơ sở liên doanh, ở đâu họ cũng được đánh giá tốt.

Trong giai đoạn hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước và tăng cường hội nhập với khu vực và thế giới, được sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện đã từng bước triển khai nhiều biện pháp như điều chỉnh mục tiêu yêu cầu đào tạo (vừa đào tạo cho Bộ Ngoại giao, cho các cơ quan Đảng và Nhà nước, đồng thời đào tạo cho toàn xã hội), đổi mới nội dung chưng trình đào tạo, kết hợp việc đào tạo theo diện rộng, đồng thời đào tạo chuyên sâu theo ba chuyên ngành: Chính trị quốc tế, Kinh tế quốc tế và Luật quốc tế; đổi mới nội dung của từng môn học, tăng thêm kiến thức chung, kỹ năng, kỹ xảo, khả năng thực hành vốn là hai mặt còn hạn chế trước đây; đổi mới quá trình học tập (kết hợp niên chế và học phần, học trình), đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập (bớt độc thoại, thụ động truyền đạt kiến thức mà tăng khả năng tư duy sáng tạo của sinh viên..).

b. Công tác bồi dưỡng và đào tạo lại:

Song song với công tác đào tạo, công tác bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, nhân viên hiện có của ngành ngoại giao, các cán bộ đối ngoại của các địa phương, của các ngành khác được tăng cường, đặc biệt từ 1988 đến nay. Trước đó, Học viện cũng có triển khai một lớp bồi dưỡng vào năm 1963 và ba lớp bổ túc nghiệp vụ vào những năm 1973 - 1975. Công tác bồi dưỡng đã góp phần quan trọng nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại.

- Thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại của Bộ, Học viện đã mở hàng chục lớp bồi dưỡng lý luận Mác - Lênin, cập nhật và nâng cao kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ như: Quan hệ quốc tế, Luật quốc tế, Kinh tế quốc tế và nghiệp vụ ngoại giao cho cán bộ ngoại giao.

Để kịp thời phục vụ Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ VII, Hội nghị cấp cao ASEAN VI, Học viện đã phối hợp với Sứ quán Pháp, các đơn vị chức năng của Bộ, mở 4 khoá biên phiên dịch cao cấp tiếng Pháp, và các khoá chuyên môn ngắn hạn.

Ngoài bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo và bồi dưỡng ngoại ngữ cũng được tăng cường. Học viện đã mở hàng chục lớp bồi dưỡng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và tiếng Khme cho cán bộ ta.

- Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ ngoại vụ địa phương cũng được tăng cường. Trong giai đoạn 1978 - 1987, Học viện đã tổ chức một loạt lớp bồi dưỡng về QHQT và chính sách đối ngoại Việt Nam, Luật quốc tế, kinh tế quốc tế cho hàng trăm cán bộ ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Những năm gần đây, Học viện cùng phối hợp với Văn phòng Bộ, với Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngoại giao, ngoại ngữ ở thành phố Hồ Chí Minh mở nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức ngoại giao, cho cán bộ ngoại vụ địa phương, hoặc tại Học viện, tại Trung tâm, hoặc tại các địa phương.

- Việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quốc tế cho cán bộ các ngành cũng được đẩy mạnh. Nhằm phục vụ yêu cầu mở rộng đầu tư nước ngoài, được sự hỗ trợ tài chính của UNDP, Học viện đã tổ chức được 7 khoá học đào tạo cán bộ quản lý dự án và thư ký dự án. Ngoài ra, với sự giúp đỡ tài chính của quỹ Ford (Mỹ), Học viện đã tổ chức 11 khoá chuyên đề và các vấn đề quốc tế như (QHQT, luật quốc tế, ngoại giao đa phương, toàn cầu hoá và chủ nghĩa khu vực) cho cán bộ các ban, ngành TW và một số địa phương. Các lớp học này còn tiếp tục đến năm 2001.

Ngoài việc mở lớp tại Học viện, Học viện thường xuyên cử giáo viên tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng kiến thức ngoại giao cho các cơ quan như Bộ Công an, Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Ban cán sự Đảng ngoài nước.v..v...

Tóm lại, công tác đào tạo lại, bồi dưỡng luôn luôn được quan tâm. Việc bồi dưỡng đào tạo lại đã góp phần nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ ngoại ngữ cho cán bộ, đồng thời cũng góp phần thống nhất nhận thức, quan điểm về các vấn đề quốc tế.

2. Công tác nghiên cứu khoa học.

a) Công tác nghiên cứu khoa học gắn liền với từng bước xây dựng và trưởng thành của Học viện. Trong những giai đoạn đầu của Học viện, trọng tâm nghiên cứu khoa học là xây dựng mục tiêu yêu cầu đào tạo, nội dung chương trình đào tạo, nội dung, chương trình các môn học và thường xuyên phải điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng từng giai đoạn, phù hợp với đối tượng đào tạo.

Trong giai đoạn hiện nay, được sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện đã cơ bản hoàn thành điều chỉnh mục tiêu yêu cầu đào tạo cho giai đoạn mới, xây dựng chương trình tổng thể cũng như các chương trình môn học theo tinh thần đổi mới.

Việc biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ giảng dậy và học tập cũng là một nội dung quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học. Học viện đã biên soạn hàng chục bộ giáo trình các môn sử quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại Việt Nam, luật quốc tế, kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế, nghiệp vụ ngoại giao, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên đến nay nhiều giáo trình đã quá cũ cần phải biên soạn lại. Được sự chỉ đạo của Bộ, Học viện đang tích cực viết mới giáo trình và đã xuất bản giáo trình luật kinh tế quốc tế và tiếp đó là giáo trình sử QHQT, nghiệp vụ ngoại giao v.v....

b. Từ khi thành lập Viện QHQT, đặc biệt từ lúc hoà nhập vào hệ thống nghiên cứu khoa học chung do Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường quản lý, công tác nghiên cứu khoa học tại Học viện đã có bước chuyển về chất, có kinh phí cho nghiên cứu khoa học, công tác nghiên cứu đuợc chính quy hoá. Đồng thời các công trình nghiên cứu của Học viện ngày càng gắn bó hơn, thiết thực hơn đáp ứng yêu cầu nghiên cứu cơ bản của Bộ. Phương hướng chính nghiên cứu khoa học của Học viện là đánh giá tình hình thế giới và quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ giữa các nước lớn và khu vực Châu A' - Thái Bình Dương và tổng kết các hoạt động đối ngoại với Đảng và Nhà nước ta, trên cơ sở đó kiến nghị chủ trương chính sách biện pháp trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Với phương hướng trên, trong thời gian vài năm gần đây, Học viện đã triển khai (trực tiếp thực hiện và tham gia) 1 đề tài cấp Nhà nước, 1 đề tài độc lập cấp Bộ và 38 đề tài cấp Bộ, hàng chục đề tài cấpVụ, Viện. Những đề tài tiêu biểu đã hoàn thành như:

+ Đề tài cấp Nhà nước: "Luận cứ khoa học cho chính sách đối ngoại của Việt Nam ở Biển Đông" được đánh giá xuất sắc cùng với những kiến nghị gửi Bộ Chính trị.

+ Tổng kết 50 năm đấu tranh ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta.

+ Tổng kết quan hệ Việt Nam - Trung Quốc từ sau khi bình thường hoá.

+ Chiến lược của Nga ở châu A' - Thái Bình Dương sau chiến tranh lạnh.

+ ASEAN mở rộng; vị trí, vai trò của ASEAN mở rộng v.v...

- Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Khoan, Học viện đang cùng các đơn vị của Bộ triển khai đề tài đặc biệt cấp Bộ về đánh giá xu hướng phát triển của thế giới và kiến nghị chính sách của ta, phục vụ việc chuẩn bị cho Đại hội IX của Đảng.

Kết quả nghiên cứu khoa học là công trình nghiên cứu, song do tính chất của công tác đối ngoại, nên chỉ một số công trình được công bố như:

+ Đấu tranh trên mặt trận đối ngoại (1986);

+ Chủ Tịch Hồ Chí Minh và công tác ngoại giao (1990);

+ Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước Hội nghị Pari (1990);

+ Thềm lục địa, những vấn đề pháp lý quốc tế (1990);

+ Vài suy ngẫm về sự "thần kỳ" của Nhật Bản (1991);

+ Vì hoà bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác ở Đông Nam A' (1991);

+ Hợp chủng quốc Hoà Kỳ (1994);

+ Đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty xuyên quốc gia ở các nước đang phát triển (1996);

+ ASEAN và sự Hội nhập của Việt Nam (1997);

+ Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính ở khu vực: Nguyên nhân và tác động (1999).

- Ngoài đề tài, việc tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học cũng là một trong những hoạt động chính của công tác nghiên cứu khoa học. Học viện đã tổ chức, hoặc tham gia tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế lớn có các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Bộ ta tham dự. Hội thảo Việt Nam - ASEAN lần thứ 4 tháng 11/1993 tại Philippin (phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược Philippin): Phó Thủ tướng Trần Đức Lương tham dự. Hội thảo Williamsburg lần thứ 22 tại Hà Nội (3/1994): Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đọc diễn văn khai mạc. Hội thảo châu A' thế kỷ 21 và Hội thảo diễn đàn các nhà lãnh đạo châu A' tại Hà Nội đã được Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm đến dự và phát biểu ý kiến. Hội thảo châu A' trước ngã ba đường và Hội nghị bàn tròn Đông Nam A' được tiến hành tại Hà Nội. Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Vũ Khoan đã tham dự và phát biểu khai mạc. Học viện cũng đã tổ chức diễn đàn Hướng tới tương lai tươi sáng châu A', và Thủ tưởng Nhật Bản Obuchi nhân thăm Việt nam và dự hội nghị cấp cao ASEAN + 3 đã đến dự diễn đàn và phát biểu ý kiến. Học viện cũng đã tổ chức cho Ngoại trưởng Mỹ, Thứ trưởng ngoại giao Ba Lan gặp gỡ toạ đàm với cán bộ và sinh viên của Học viện về các vấn đề quốc tế.

Ngoài ra Học viện cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo trong nước, đặc biệt là 3 cuộc toạ đàm giữa các nhà nghiên cứu ASEAN, nghiên cứu Trung Quốc, nghiên cứu Mỹ gần đây được dư luận đánh giá tốt; cử nhiều cán bộ dự và có đóng góp tích cực cho các hội nghị, hội thảo do các cơ sở nghiên cứu giảng dạy khác của Việt Nam tổ chức. Học viện cử nhiều đoàn tham dự hội thảo quốc tế .

- Về công tác quản lý khoa học: Với tư cách là cơ quan quản lý khoa học của cả ngành, Học viện đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình từ xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học, xin kinh phí, tổ chức nghiệm thu đề tài... góp phần quan trọng đưa công tác nghiên cứu khoa học của Bộ vào nền nếp.

3. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế:

- Quan hệ đối ngoại của Trường Ngoại giao, Trường Cán bộ Ngoại giao-Ngoại thương chủ yếu với Liên Xô khi ta mời chuyên gia Liên Xô giảng bài, phần nhỏ với Trung Quốc; hợp tác quốc tế chưa có gì đáng kể.

- Từ khi thành lập Viện Quan hệ Quốc tế (1977), đặc biệt từ khi trường Đại học Ngoại giao hợp nhất với Viện và đổi tên thành Học viện QHQT, cùng với việc triển khai chính sách đổi mới và mở cửa của Đảng và Nhà nước ta, quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế của Học viện được triển khai mạnh mẽ. Mỗi năm Học viện đón và làm việc với hàng chục đoàn học giả nước ngoài, và cử nhiều đoàn đi tham dự các hội thảo quốc tế, cử người đi học v.v...

- Học viện đã từng bước xây dựng mở rộng quan hệ với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu ở các nước và vùng lãnh thổ ASEAN, Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Nam Triều Tiên, U'c, Canađa, Nga, Tây Bắc Âu, Đài Loan...

- Hợp tác quốc tế được triển khai dưới hình thức: cùng phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế, trao đổi học giả, tài trợ mở lớp, trao đổi tài liệu, sách báo, cung cấp học bổng và viết chung công trình khoa học, tài trợ nâng cao cơ sở vật chất của Học viện.v.v...

- Học viện đã đứng ra tổ chức hoặc phối hợp với các viện nghiên cứu nước ngoài, trước hết là các viện nghiên cứu chiến lược ASEAN tổ chức hàng chục cuộc hội thảo quốc tế, thực hiện nhiệm vụ ngoại giao kênh II, góp phần tuyên truyền đường lối đổi mới của Việt Nam, đóng góp vào việc mở rộng quan hệ Việt Nam với các nước, nâng cao vị trí quốc tế của nước ta (xem phần nghiên cứu khoa học).

- Đã tranh thủ được tài trợ của UNDP để mở 7 lớp đào tạo cán bộ quản lý dự án và khóa thư ký dự án phục vụ công tác hợp tác đầu tư với nước ngoài (cán bộ các ngành, địa phương đã tham dự).

- Tranh thủ được giúp đỡ tài chính của quỹ Ford (Mỹ) mở 11 lớp bồi dưỡng kiến thức về quan hệ quốc tế, kinh tế quốc tế, toàn cầu hoá và chủ nghĩa khu vực v.v....

Học viện cũng tranh thủ được Quỹ Ford, Quỹ châu A', một số cơ sở đào tạo ở Mỹ, Singapore, Pháp, Canada, Đài Loan... cung cấp học bổng đào tạo tiến sĩ, thạc sỹ, và tham dự các lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Với sự giúp đỡ của sứ quán Pháp tại Hà Nội, Trường Biên phiên dịch cấp cao Paris, Trung tâm biên phiên dịch tiếng Pháp được thành lập và đã đào tạo được 4 khoá với kết quả cao. Học viện cũng thường xuyên tranh thủ được các tổ chức nước ngoài gửi giáo viên tình nguyện giúp Học viện. Đã có giáo viên tình nguyện của Anh, Pháp, Bỉ, Mỹ, U'c, Canada. Hiện tại có 3 giáo viên tình nguyện. Ngoài ra Học viện cũng tranh thủ được UNDP cung cấp 1 phòng luyện âm, 1 ô tô (1990). Quỹ Ford và Quỹ châu A' cũng tài trợ cho Học viện để xây dựng hệ thống mạng máy tính nội bộ và nối mạng với Internet, thư viện đại học Colombia (Mỹ) nhằm khai thác tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu, đào tạo...

Học viện cũng có quan hệ hợp tác với các Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội. Các cuộc trao đổi, nghiên cứu, trao đổi thông tin giữa các đại sứ, cán bộ sứ quán các nước với lãnh đạo, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Học viện thường xuyên được tổ chức. Nhiều đại sứ, cán bộ sứ quán đã đến trình bày chuyên đề về các vấn đề quốc tế, về đất nước họ cho cán bộ giáo viên, sinh viên...

Tóm lại, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Học viện trong 10 năm qua đã phát triển mạnh mẽ, góp phần thực hiện chính sách đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá của Đảng và Nhà nước, nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo trong Học viện. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần đưa các mối quan hệ đó vào chiều sâu.

4. Một số vấn đề công tác nội bộ:

Trong những năm đầu tồn tại Trường Ngoại giao, ta đã phải mời chuyên gia Liên Xô giảng dạy cả các môn chuyên ngành. Dần dần ta đã đào tạo được đội ngũ của ta, gồm các đồng chí tốt nghiệp ở nước ngoài và cả trong nước. Hiện tại biên chế của Học viện là 133, tuy nhiên thường xuyên có mặt ở nhà khoảng 110, trong đó giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo là 39, cán bộ nghiên cứu là 29. Học viện thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ, chú ý cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, trong nước để nâng cao trình độ và có học hàm, học vị. Trong năm 1999-2000 Học viện tiếp tục gửi 8 cán bộ đi đào tạo tiến sỹ, 7 cán bộ đi đào tạo thạc sỹ ở trong nước và nước ngoài. Những người được cử đi học đều là cán bộ trẻ.

Công tác thi đua, khen thưởng cũng được quan tâm. Đã có 4 giáo viên được Nhà nước công nhận là Nhà giáo ưu tú. Đó là các đồng chí Đoàn Hựu, Nghiêm Dục Tú, Dương Văn Quảng, Nguyễn Quang Chiến. Có 20 đồng chí được trao Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, có 45 đồng chí được tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp ngoại giao và đã đề nghị tiếp 30 đồng chí nữa để Bộ xét.

Học viện đã cố gắng xây dựng cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, phục vụ ngày càng tốt hơn công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Đã triển khai một bước việc xây dựng quy hoạch tổng thể của Học viện, đang khẩn trương hoàn chỉnh công trình giảng đường đa năng 7 tầng; đang triển khai việc xin vốn xây dựng ký túc xá cho sinh viên Lào, Campuchia. Khi xây dựng xong giảng đường đa năng, về cơ bản Học viện có đủ hội trường, lớp học, phòng hội thảo và phòng tiếp khách đàng hoàng hơn.

Các phương tiện phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu như máy vi tính, sách vở, tài liệu thường xuyên được tăng cường, xong nhìn chung còn nghèo nàn. Thời gian tới Học viện có kế hoạch xây dựng một thư viện khang trang, hiện đại và đang xây dựng mạng máy tính nội bộ để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học được giao.

II. Một số đánh giá nhận xét:

Trên đây là những thành tích nổi bật của Học viện về các mặt trong quá trình xây dựng và trưởng thành. Xin được rút ra một số nhận xét, đánh giá:

1. Về nguyên nhân thành tựu: Trước hết, đó là sự cố gắng liên tục của tập thể Đảng uỷ, lãnh đạo, của toàn thể cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh viên, đảng viên, đoàn viên cũng như quần chúng của Học viện qua các thời kỳ. Nguyên nhân thứ hai và rất quan trọng là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo rất sát sao của các thế hệ lãnh đạo Bộ Ngoại giao, sự hỗ trợ của các đn vị trong Bộ. Tiếp nữa, sự giúp đỡ, quan tâm của các ngành hữu quan như Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Khoa học-Công nghệ Môi trường, và nhiều cả quan khác đã tạo thuận lợi cho các công tác của Học viện.

2. Những tồn tại hiện nay: Bên cạnh thành tích, Học viện cũng còn không ít những thiếu sót, hạn chế về các mặt, cần có sự nỗ lực để khắc phục như: sinh viên tốt nghiệp còn có hạn chế về kiến thức chung, về kỹ năng thực hành; phương pháp giảng dạy và học tập vẫn chưa có điều kiện đổi mới đáng kể mà vẫn nặng truyền đạt kiến thức một chiều, ít khi dạy tư duy sáng tạo của trò.

Trong công tác nghiên cứu, việc gắn chặt hơn nữa giữa nghiên cứu cơ bản của Học viện và nghiên cứu động thái của Bộ cũng cần được tăng cường. Ngoài ra, việc phổ biến rộng rãi kết quả nghiên cứu cũng cần được chú ý. Về phương hướng nghiên cứu, việc nghiên cứu các vấn đề lý luận, phương pháp luận chưa được quan tâm đúng mức.

Về công tác xây dựng nội bộ, tồn tại lớn vẫn là ở chỗ xây dựng đội ngũ nghiên cứu viên, giáo viên chuyên sâu, có học hàm, học vị. Vấn đề này nêu từ lâu, xong thực hiện chưa được mấy. Việc quản lý, điều hành ở Học viện cũng cần cải tiến, đặc biệt phải qui chế hoá điều hành và phối hợp. Về cơ sở vật chất, thư viện vẫn là khâu yếu mặc dù Học viện đã có lịch sử 40 năm.

3. Một số bài học kinh nghiệm:

1. Hai lần tạm dừng tuyển sinh đại học đã để lại những hậu quả nghiêm trọng. Cho nên, bài học đầu tiên là đảm bảo tính liên tục trong đào tạo;

2. Phải thường xuyên bổ sung, điều chỉnh mục tiêu, yêu cầu đào tạo cũng như nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy cho thích hợp ví đòi hỏi mới của tình hình, có như vậy, việc đào tạo mới đi đúng hướng và có hiệu quả;

3. Bài học tiếp theo của công tác đào tạo là kết hợp hài hoà, hợp lý, cân bằng giữa kiến thức kinh viện và kiến thức chuyên nghiệp. Quá nhấn mạnh mặt này hay mặt kia đều là sai lầm;

4. Đa dạng hoá loại hình đào tạo là cần thiết, vừa đáp ứng sự đa dạng của yêu cầu thị trường lao động xã hội, vừa có tác dụng khắc phục qui mô đào tạo nhỏ, sử dụng tối đa công suất của bộ máy, đội ngũ giáo viên và cơ sở của Học viện;

5. Kết hợp nghiên cứu và đào tạo là một chủ trương đúng, là bài học thành công. Phải chăng từ mô hình của chúng mà nay nước ta có thêm Học viện Ngân hàng, Học viện Bưu chính-Viễn thông? Cần suy nghĩ để đẩy mạnh hơn nữa việc kết hợp đó;

6. Muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, vấn đề quan trọng là bám sát yêu cầu nghiên cứu của Bộ, của Nhà nước, đồng thời tiếp tục hoà nhập mạnh mẽ vào hệ thống nghiên cứu chung;

7. Tranh thủ hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu cũng như đào tạo; đó là kết hợp giữa nội lực và ngoại lực. Phát huy nội lực là chính, song ngoại lực cũng rất quan trọng. Hơn nữa, đây cũng là nhiệm vụ của ngoại giao kênh II;

8. Sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ là nhân tố rất quan trọng thúc đẩy công tác của Học viện. Lịch sử đã chứng minh lúc nào Bộ quan tâm, công việc tiến triển tốt.

III. Vài suy nghĩ và phương hướng xây dựng học viện:

Thế giới đang bước vào thiên niên kỷ mới với những đặc điểm mới, xu hướng mới và rất phức tạp. Đại hội IX của Đảng sẽ đánh giá tình hình và đề ra chủ trương, đường lối cho thời kỳ mới, song chắc chắn rằng sự nghiệp đổi mới với trọng tâm là công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ sẽ tiếp tục.

Tình hình mới, nhiệm vụ mới đặt ra cho Học viện những yêu cầu mới, đòi hỏi mới rất cấp bách trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đối ngoại, cũng như nghiên cứu các vấn đề quốc tế. Rút kinh nghiệm trong 40 năm xây dựng, Học viện phải không ngừng được củng cố và phát triển về mọi mặt. Trong những năm trước mắt, phải đẩy lên một bước mới theo hướng chính qui, hiện đại về mọi phương diện, từ đào tạo, nghiên cứu đến cơ sở vật chất và phong cách. Cụ thể cần triển khai các biện pháp sau:

1. Tiếp tục đổi mới và hiện đại hóa nội dung chương trình đào tạo cũng như phương pháp giảng dạy và học tập;

2. Chính qui hoá hơn nữa công tác nghiên cứu;

3. Phấn đấu có thêm cán bộ, giáo viên có học hàm, học vị;

4. Chính qui hóa, hiện đại hóa một bước phương tiện phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu, trước hết là sách giáo khoa, giáo trình và cơ sở vật chất khác, đặc biệt là giảng đường, thư viện, máy vi tính, phòng luyện âm, v.v..

5. Từng bước xây dựng tác phong công nghiệp trong giáo viên, cán bộ, học sinh và sinh viên./.

Cùng chuyên mục