Số 31 - Một số thay đổi trong mô hình kinh tế Nhật Bản

11:32 28/03/2012

Một số thay đổi trong mô hình kinh tế Nhật Bản

Tác giả: Nguyễn Đức Dương.

Các nhà quản lý kinh tế Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn chưa từng thấy trong nền kinh tế nước này, từ tình trạng suy thoái kéo dài suốt gần một thập kỉ qua đến những khiếm khuyết về cơ cấu và mô hình kinh tế từng tạo nên "thần kì Nhật Bản", và được coi là hình mẫu cho nhiều nước noi theo. Trọng tâm của những vấn đề hiện nay là làm thế nào để khắc phục tình trạng trì trệ và thiếu sức cạnh tranh của kinh tế nước này trước các đối thủ đang rất mạnh ở Mỹ và châu Âu.

Tình trạng suy thoái kéo dài trong nền kinh tế Nhật Bản nói chung và trong kinh doanh nói riêng khiến nhiều nhà phân tích coi thập kỉ 90 là "thập kỉ mất mát" (a lost decade) đối với Nhật Bản, và để lại một loạt vấn đề cần phải khắc phục liên quan tới cơ cấu cũng như phương pháp quản lí doanh nghiệp và kinh doanh. Thống kê cho thấy có quá nhiều các nhà doanh nghiệp và các công ty đã bị thất bại và phá sản trong thời kì này. Hình ảnh ông Chủ tịch hãng bảo hiểm hàng đầu Nhật Bản Yamaichi thông báo tình trạng phá sản của công ty hồi cuối năm 1997 trong tiếng nức nở hối hận làm cho "nhiều đồng bào của ông ngồi trước màn hình tivi cũng rơm rớm nước mắt", hoàn toàn không giống với những gì mà các chủ doanh nghiệp Nhật Bản thường thể hiện mỗi khi họ mua thêm một toà nhà cao ốc hay một bãi tắm ở Âu Mỹ hồi cuối thập niên 80. Tờ Der Spiegel của Đức số 28/1999 vừa qua đã mô tả "Sự thổ lộ tình cảm không bình thường của ông trùm Shohei Nozawa cho thấy điều gì đang xô đẩy cả một dân tộc một lòng một dạ hướng theo tăng trưởng kinh tế. Hệ thống "Công ty Nhật Bản" dường như đang lâm chung". Tờ báo kết luận rằng sự kiện Yamaichi là một bước ngoặt đối với người Nhật.

Mười năm trước đây, Nhật Bản đứng đầu danh sách 100 công ty lớn nhất thế giới tính theo giá trị tư bản trên thị trường với 43 công ty. Nhưng hiện nay Mỹ đã trở lại dẫn đầu với 61 công ty, tiếp theo là châu Âu với 36 và Nhật Bản chỉ còn lại 2 công ty. Nếu tính theo giá trị lợi nhuận thì các công ty Nhật Bản càng thua xa các công ty Mỹ và châu Âu. Trong một số lĩnh vực như tài chính, viễn thông và ô-tô, ngày càng nhiều các công ty Nhật Bản đang bị các đối tác Tây Âu và Mỹ mua lại toàn bộ hoặc một phần. Điển hình là Hãng Renault của Pháp đã mua 35% cổ phần của hãng sản xuất xe hơi thứ nhì Nhật Bản là Nissan đang mắc nợ đầm đìa và việc công ty kinh doanh chứng khoán Nikko đã phải sát nhập với nhóm ngân hàng Travelers ở Mỹ... Trong nội bộ Nhật Bản cũng đang diễn ra một làn sóng sát nhập qui mô lớn giữa các ngân hàng và công ty nhằm đối phó với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt của các đối thủ ở Âu - Mỹ.

1. Mô hình Mỹ hay Nhật Bản là tối ưu?

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, hầu hết các nhà phân tích đều nhìn nhận những vấn đề của kinh tế Nhật Bản từ góc độ so sánh tính cạnh tranh hay sự ưu việt trong mô hình quản lí kinh tế của nước này với các nước phương Tây khác, điển hình là với Mỹ. Nhiều người nhấn mạnh việc các công ty Nhật Bản cần phải đổi mới phương thức quản lí và kinh doanh theo mô hình của Mỹ, trong khi những người khác lại cho rằng điều cần thiết là phải duy trì và phát huy những giá trị cuả mô hình Nhật Bản. Tuy nhiên, đôi lúc người ta cũng khó có thể phân biệt một cách rõ ràng giữa hai mô hình quản lí và kinh doanh của Nhật và của Mỹ.

Quan niệm phổ thông thì cho rằng mô hình quản lí của Mỹ có những đặc điểm chủ yếu như: linh hoạt hơn trong chế độ thuê nhân công và hệ thống lương bổng; minh bạch hơn trong quản lí và kinh doanh; coi trọng các yếu tố thị trường và việc gia tăng giá cổ phiếu của công ty, tức là coi trọng lợi ích của các cổ đông. Trong khi đó, các công ty Nhật Bản lại coi trọng lợi ích của các nhà quản lí và nhân công hơn là lợi ích của các cổ đông. Điều này dẫn tới việc các công ty Nhật Bản tồn tại và phát triển mang nặng tính chất "gia đình" dưới sự lãnh đạo của người đứng đầu công ty và coi trọng việc xây dựng và duy trì quan hệ bền vững với khách hàng hơn là việc tăng cường lợi ích của các cổ đông.

Quan niệm nói trên dễ dẫn tới những nhận định cho rằng mô hình hay phương cách quản lí kinh doanh của Nhật Bản và Mỹ về cơ bản là khác nhau, thậm chí đối lập nhau, khiến các nhà quản lí và kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi phải lựa chọn giữa hai mô hình này. Tuy nhiên, phải nói rằng hai mô hình quản lí của Nhật và Mỹ về cơ bản là có nhiều điểm chung kể từ thời kì sau chiến tranh thế giới hai và sẽ là sai lầm nếu cho rằng sự khác nhau về phương thức quản lí và kinh doanh giữa các công ty Nhật Bản và Mỹ đã tồn tại từ rất lâu.

Những điểm giống nhau giữa hai mô hình trong quá khứ

Trước những năm 70 của thế kỉ này, đặc điểm nổi bật và phổ biến của phương thức quản lí kinh doanh trong nền kinh tế Tư bản chủ nghĩa là sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này dẫn tới việc thừa nhận quyền tự quyết gần như tuyệt đối của các nhà quản lý doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, việc duy trì các mối quan hệ bền vững và lâu dài giữa những người quản lý và công nhân đã trở thành cần thiết và mang lại nhiều lợi ích cho công ty, khiến mô hình quản lí theo trật tự mang tính chất gia đình đứng đầu là Chủ tịch công ty đã được xác lập một cách vững chắc. Hơn nữa, các công ty lớn trong thời kì này ngoài chức năng của một tổ chức kinh doanh còn đảm nhận những chức năng khác không kém phần quan trọng trên các lĩnh vực như giáo dục, phúc lợi xã hội và y tế. Mô hình quản lí doanh nghiệp kiểu này đã trở nên rất phổ biến cả ở Nhật cũng như ở Mỹ.

Tuy nhiên, kể từ đầu những năm 1970s, trong nền kinh tế thế giới đã xuất hiện những biến đổi to lớn làm thay đổi phạm vi nhận thức, qui mô và tính chất các hoạt động kinh tế. Những biến đổi đó là xu thế toàn cầu hoá, tự do hoá nền kinh tế thế giới, kèm theo là quá trình phi tập trung hoá và việc ứng dụng rộng rãi những tiến bộ về khoa học kĩ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin. Hơn nữa, sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods và hai cuộc khủng hoảng dầu lửa đã càng thúc đẩy xu hướng tụ do hoá các hoạt động kinh tế như thả nổi tỉ giá hối đoái, giảm thuế, thúc đẩy lưu thông vốn tư bản trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các công ty đã buộc phải thay đổi phương thức quản lí và kinh doanh nhằm thích ứng với những biến đổi nhanh chóng đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới. Cũng chính trong bối cảnh này, đã xuất hiện sự khác nhau trong phương thức quản lí và kinh doanh giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ và sự khác biệt đã ngày càng trở nên sâu sắc hơn cùng với thời gian.

Sự thích ứng nhanh chóng của các công ty Mỹ:

Mỹ là nơi có cơ chế thị trường tự do hoạt động hiệu quả nhất, nên các công ty Mỹ cũng là các công ty đầu tiên đã có những chuyển biến tích cực theo hướng thích ứng với những biến đổi của thị trường. Các nhà đầu tư Mỹ với tư cách là những cá nhân hay các công ty đã gây sức ép mạnh mẽ đối với các nhà quản lí doanh nghiệp, đòi họ phải cải tiến phương pháp quản lí và kinh doanh để gia tăng giá trị cổ phiếu của công ty. Tình hình này đã đảo ngược khuynh hướng tách rời quyền sở hữu và quyền quản lí trong một doanh nghiệp, tạo mầm mống xuất hiện một phương thức quản lí doanh nghiệp mới.

Nhằm đối phó với những vấn đề đang đe doạ sự tồn vong của nền kinh tế Mỹ nói chung và sức sống cuả các công ty Mỹ nói riêng, kể từ giữa thập kỉ 70 và đặc biệt trong và sau thập kỉ 80, các nhà quản lí doanh nghiệp Mỹ đã áp dụng mạnh mẽ các biện pháp như cơ cấu lại qui trình sản xuất và kinh doanh, giảm qui mô, sát nhập hoặc mua lại cổ phần của nhau... Tương tự như vậy, cuộc chạy đua nhằm ứng dụng những kĩ thuật thông tin mới cũng đã diễn ra quyết liệt trong các công ty và doanh nghiệp của Mỹ trong cùng thời kì này. Khẩu hiệu "Hãy ứng dụng kĩ thuật thông tin mới trong tất cả các lĩnh vực quản lí trước khi các công ty khác làm như vậy" đã thực sự mang lại hiệu quả trong việc nâng cao năng xuất lao động và lợi nhuận của các công ty Mỹ, đảm bảo sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của chúng. ý tưởng này cũng đã tạo ra những cơ hội đầu tư thông thoáng và khuyến khích phát triển công nghệ mới trong nền kinh tế Mỹ.

Sự bảo thủ trong các công ty Nhật Bản:

Các nhà quản lí và kinh doanh Nhật Bản đã chậm hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp Mỹ của họ cả về tốc độ và qui mô trong việc đối phó và thích ứng với những biến đổi diễn ra trong nền kinh tế thế giới. Quá trình tự do hoá và phi tập trung hoá trong nền kinh tế vĩ mô và vi mô, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại và dịch vụ, không những diễn ra với tốc độ "chậm như sên bò" mà còn gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ phía các khu vực tư nhân cũng như công cộng.

Hơn nữa, vào những năm 80, khi nền kinh tế "bong bóng" đang thả sức bành trướng theo chiều rộng, các doanh nghiệp Nhật Bản đã không hề để ý tới nhu cầu phải thay đổi phương thức quản lí doanh nghiệp nhằm thích ứng với tình hình mới. Kết quả cuối cùng là, cái gọi là "phương thức quản lí kinh doanh Nhật Bản" mang những đặc điểm nổi bật như việc các công ty nắm giữ cố định một phần cổ phiếu của nhau, chế độ lương bổng cứng nhắc và tuyển nhân công suốt đời, việc coi trọng phát triển về số lượng hơn chất lượng, đã tiếp tục tồn tại mà không chịu bất kì một sức ép thay đổi nào.

Bước vào thập kỉ 90, sự sụp đổ của nền kinh tế "bong bóng" đã phá vỡ cơ cấu thị trường truyền thống từng nuôi dưỡng và bảo vệ các doanh nghiệp Nhật Bản trong một thời kì dài kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Vào thời điểm này, các doanh nghiệp Nhật Bản đã phải đối mặt với những thách thức giống như những gì các doanh nghiệp Mỹ đã gặp phải khoảng hai thập kỉ trước đó. Nhu cầu cấp bách phải cải cách không chỉ xuất phát từ những yếu kém trong nội tại nền kinh tế Nhật Bản, mà cái chính là do môi trường đầu tư và kinh trong nền kinh tế thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Nói cách khác, nền kinh tế thế giới và khu vực trong thập kỉ 90 đã khác xa so với chính bản thân nó trong thập kỉ 60, một nền kinh tế mang tính toàn cầu hoá sâu sắc không phân biệt mô hình hay khu vực.

2. Một số thay đổi trong mô hình quản lí và kinh doanh ở Nhật Bản:

Trong bối cảnh đó, đã xuất hiện những cuộc tranh luận sâu rộng về các giá trị tương ứng trong mô hình quản lí kinh doanh của Nhật Bản và của Mỹ. Không có gì đáng ngạc nhiên là việc phần lớn các công ty Nhật Bản đều cho rằng phương thức quản lí của họ là tốt nhất và phù hợp nhất với những đặc điểm về kinh tế và văn hoá của Nhật Bản, trong khi các công ty Mỹ lại coi phương thức quản lí của họ là hơn hết cũng với những lí do tương tự.

Tuy nhiên, khi đi vào những khía cạnh cụ thể thì người ta thấy khó phân biệt được đâu là caí lợi và cái bất lợi của hai mô hình gây nhiều chú ý này. Ví dụ như vấn đề so sánh và đánh giá trong hai mô hình của Mỹ và của Nhật Bản thì mô hình nào là có lợi cho các nhân viên trong một doanh nghiệp. Rõ ràng là người ta rất khó phân biệt được những nhân viên dưới chế độ làm việc suốt đời và hưởng lương theo thâm niên trong các doanh nghiệp Nhật Bản và những nhân viên theo chế độ khuyến khích và đề bạt những người trẻ và có năng lực vào những cương vị xứng đáng như trong các công ty Mỹ thì ai là những người được lợi nhiều hơn. Chỉ các nhà quản lí doanh nghiệp trực tiếp mới có thể quyết định được phương thức nào là tốt nhất cho các doanh nghiệp của họ. Cũng chính họ mới có thể hiểu được thực chất những vấn đề và thách thức mà doanh nghiệp và công ty họ đang phải đối phó.

Từ những lí do đó, ngay từ đầu ở Nhật Bản đã xuất hiện những quan điểm hết sức thực tế phê phán những cuộc tranh luận bất phân thắng bại về cái gọi là "mô hình quản lí kiểu tư bản phương Đông và phương Tây", coi những cuộc tranh luận đó là không hề mang lại hiệu quả gì đáng kể. Những người thực dụng kiểu này cho rằng cái gọi là "phương thức quản lí doanh nghiệp Nhật Bản hay phương thức quản lí Mỹ" không gì khác hơn là sự kết hợp những đặc điểm chung nhất của mọi doanh nghiệp từ hai hay nhiều nước khác nhau tạo thành những chiến lược kinh doanh mà các nhà quản lí thấy là thích hợp và mang lại hiệu quả lớn nhất. Những người này nhấn mạnh điều quan trọng đối với các doanh nghiệp là phải tăng cường sức cạnh tranh và thích ứng nhanh nhạy với những đặc điểm của thị trường cụ thể nơi họ hoạt động. Luồng quan điểm này cũng phê phán chính sách "coi trọng yếu tố con người là trên hết" của mô hình kinh tế Nhật Bản, cho đó chính là nguyên nhân của tình trạng tham nhũng, lãng phí và kém hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh.

Kết quả là một cuộc cách mạng thầm lặng đã và đang diễn ra trong các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm đánh giá lại và cải tiến phương thức quản lí và kinh doanh theo hướng tăng cường tính minh bạch, xoá bỏ chế độ thuê nhân công suốt đời, chống ưu đãi người thân và coi trọng hơn các yếu tố thị trường như năng xuất, chất lượng và hiệu quả. Cuốn sách trắng về Lao động và Xã hội do Cục Kế hoạch Kinh tế Nhật xuất bản tháng 12-1999 vừa qua chủ trương xây dựng một thị trường lao động mang tính tự do hơn và khuyến khích người lao động tự do lựa chọn, thay đổi việc làm, không nên bị ràng buộc bởi khái niệm truyền thống về "việc làm suốt đời và hưởng lương theo thâm niên".

Trên tầm vĩ mô liên quan tới vai trò và chính sách của nhà nước trong các hoạt động kinh tế cũng đang có những thay đổi theo hướng giảm vai trò và sự can thiệp truyền thống của nhà nước đối với các hoạt động kinh tế. Sự kiện Hãng bảo hiểm Yamaichi bị bỏ mặc cho phá sản đánh dấu bước ngoặt trong chính sách trợ giúp các công ty của Chính phủ Nhật Bản. Chính sách "tự do cạnh tranh dưới sự bảo trợ của chính phủ" của Nhật Bản đã để lại những hậu quả không mấy tốt đẹp cho nền kinh tế nước này, điển hình là tình trạng "dư thừa sức sản xuất" ở hầu hết các ngành sau nhiều thập kỉ tự do phát triển theo chiều rộng.

Riêng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Nhật Bản hiện có 18 ngân hàng cấp thành phố (City bank) và hàng trăm ngân hàng cấp vùng và cấp khu vực, phần lớn trong số này đang phải đối mặt với những khoản nợ khó đòi lên tới hàng nghìn tỉ đôla. Một hệ thống ngân hàng có cơ cấu hết sức phức tạp và cồng kềnh đang được coi là "cơ cấu tài chính tuyệt vời cho việc vung phí của cải". Trước tình hình đó, Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành cải cách hệ thống tài chính ngân hàng theo hướng khuyến khích các vụ sát nhập nhằm giảm số lượng, tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh. Điển hình là việc 3 ngân hàng mạnh nhất của nước này là Daiichi, Kengyo và Fuji đã chính thức hợp nhất để trở thành một ngân hàng lớn nhất thế giới kể từ tháng 9 năm nay. Ngành sản xuất ô tô của nước này cũng đang gặp thách thức tương tự với vấn đề dư thừa sức sản xuất dẫn tới năng xuất và hiệu quả giảm mạnh do có quá nhiều hãng cùng tồn tại và cạnh tranh (Nhật Bản có 8 hãng sản xuất xe hơi trong khi cả nước Mỹ chỉ có 2 hãng là Ford và General Motors).

Cuộc cải cách về cơ cấu kinh tế và phương pháp quản lí kinh doanh ở Nhật Bản tuy diễn ra chậm chạp do tính chất và qui mô của nó nhưng đã và đang làm thay đổi sâu sắc diện mạo của nền kinh tế nước này. Từ các các nhà quản lí doanh nghiệp và công ty đến các quan chức chính phủ đang cùng chung một cố gắng nhằm đưa nền kinh tế nước này vượt qua khủng hoảng và thích ứng với những biến đổi của thị trường toàn cầu.

Thay lời kết

Chúng ta đã chứng kiến sự tồn tại của nhiều mô hình, hay đúng hơn là những cuộc tranh luận xoay quanh các mô hình quản lý kinh tế vi mô và vĩ mô. Có những mô hình nhấn mạnh các yếu tố thị trường, coi những qui luật của thị trường là trên hết (market is god) như mô hình quản lý doanh nghiệp Mỹ. Ngược lại có những mô hình nhấn mạnh hơn đến các yếu tố xã hội và con người như mô hình kinh tế Nhật Bản.

Những vấn đề mà các nhà quản lí kinh tế và quản lí doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang phải đối phó, đặc biệt từ sau sự sụp đổ của nền kinh tế "bong bóng", phải chăng là sự thất bại của mô hình kinh tế Nhật Bản hay mô hình phương Đông? Rõ ràng đây không phải là sự thất bại của một mô hình kinh tế hay quản lí doanh nghiệp. Đây chính là sự thất bại của tư tưởng bảo thủ và tự mãn kinh tế, cái giá phải trả cho sự trì trệ và tin tưởng cứng nhắc vào một mô hình.

Cuộc khủng hoảnh kinh tế Đông A' vừa qua, cũng như những khó khăn cố hữu trong nền kinh tế Mỹ cho thấy không có mô hình nào là tối ưu và trường tồn. Hơn nữa, nhờ vào những thành tựu của khoa học công nghệ và cách mạng thông tin, nền kinh tế thế giới đã và đang trải qua những biến đổi to lớn về cơ cấu và tính chất. Đáng chú ý là việc các thị trường trên toàn cầu đang nhất thể hoá nhanh chóng và ngày càng mang nhiều đặc điểm tương đồng thông qua quá trình toàn cầu hoá kinh tế. Ngoài ra, sự xuất hiện của một nền thương mại điện tử và những tiêu chuẩn ngặt nghèo về bảo vệ môi trường cũng đang tác động và làm thay đổi sâu sắc trên mọi phương diện đối với các phương thức quản lí doanh nghiệp cũng như chiến lược phát triển của mỗi quốc gia.

Do vậy, có thể nói điều quan trọng và quyết định nhất trong chiến lược phát triển và kinh doanh của các công ty cũng như của mọi nền kinh tế lớn nhỏ trên thế giới không phải là việc lựa chọn giữa mô hình quản lí của nước này hay nước kia mà là khả năng thích ứng nhanh và hiệu quả đối với những biến đổi đã và đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới./.

Cùng chuyên mục