Số 31 - Vài nét về Học viện Quan hệ Quốc tế

11:46 28/03/2012

Vài nét về Học viện Quan hệ Quốc tế

Tác giả: Học viện QHQT.

Học viện Quan hệ Quốc tế ngày nay là một cơ quan sự nghiệp chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Ngoại giao, nằm trong sự chỉ đạo về sắp xếp mạng lưới chung và hiện thực các quy chế chuyên môn về giáo dục và đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại có trình độ đại học, sau và trên đại học, nghiên cứu khoa học quan hệ quốc tế và quản lý công tác nghiên cứu khoa học của ngành ngoại giao. Là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề quan hệ quốc tế của Bộ Ngoại giao và của Nhà nước ta, Học viện có một bề dày lịch sử xây dựng và phát triển 40 năm gắn liền với sự lớn mạnh của ngành Ngoại giao Nhà nước Việt Nam hiện đại.

Trong suốt lịch sử 40 năm hình thành, xây dựng và phát triển của mình, Học viện QHQT đã trải qua ba hình thức tồn tại chính: Trường Đại học Ngoại giao, Viện Quan hệ Quốc tế và Học viện Quan hệ Quốc tế ngày nay. Tuy nhiên, trước khi Trường Ngoại giao ra đời (1959), lớp đào tạo cán Bộ Ngoại giao đầu tiên (lớp tiền thân) đã được triển khai làm cơ sở cho việc thành lập Trường sau này.

1. Trường Ngoại giao.

Cuối những năm 50, trong khi miền Bắc đang thực hiện kế hoạch 3 năm (1958 - 1960), ở miền Nam, cách mạng đang có những bước phát triển mới: khởi nghĩa vũ trang chống Mỹ, Diệm đã nổ ra ở nhiều địa phương. Tổng kết, đánh gía diễn biến mới của tình hình, Hội nghị Trung ương 15 mở rộng nhận định: Cách mạng nước ta phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng CNXH ở miền Bắc và thực hiện cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam. Về tình hình thế giới, trong quan hệ giữa các Đảng cộng sản và công nhân quốc tế đã bắt đầu có những quan điểm khác nhau về đường lối phát triển, đặc biệt là mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc cũng đã dần dần bộc lộ công khai.

Trong bối cảnh đó của tình hình trong nước và quốc tế, hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải được tăng cường để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế của Đảng, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước XHCN, các nước độc lập dân tộc, các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc ta trên ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại phục vụ có hiệu quả cho hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta.

Để đáp ứng yêu cầu của việc mở rộng hoạt động đối ngoại và để thực hiện lời Bác dạy: " Kiến thiết cần có nhân tài... Chúng ta cần nhất bây giờ là kiến thiết ngoại giao, kiến thiết kinh tế, kiến thiết quân sự, kiến thiết giáo dục", việc xây dựng một đội ngũ cán bộ có trình độ đại học, được đào tạo một cách chính quy và cơ bản để bổ sung cho đội ngũ hiện có, vốn rất thiếu về số lượng trở thành một yêu cầu cấp bách. Ngày 22/6/1956, thay mặt Bộ trưởng Ngoại giao, lúc đó là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thứ trưởng Ung Văn Khiêm đã ký Nghị định 1042/NĐ mở lớp đào tạo cán Bộ Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam mới. Lớp ngoại giao đầu tiên (1956 - 1958) với 57 học viên là tiền đề quan trọng cho sự ra đời của Trường Ngoại giao một năm sau đó. Theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm trong việc tổ chức lớp ngoại giao tiền thân, ngày 17 tháng 6 năm 1959. Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Trường Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao. Ngày đó đã trở thành ngày thành lập Học viện Quan hệ Quốc tế. Trường Ngoại giao có hai nhiệm vụ chính là đào tạo cán bộ để bổ sung cho ngành ngoại giao và bổ túc chính trị, nghiệp vụ và ngoại ngữ cho đội ngũ cán Bộ Ngoại giao hiện có của ngành (Quyết định 07 ngày 11 tháng 2 năm 1960 của Bộ trưởng Ngoại giao về nhiệm vụ của Trường Ngoại giao). Đó là hai nhiệm vụ trọng tâm tồn tại cùng với sự phát triển của Học viện.

Sau một năm tồn tại dưới sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Bộ Ngoại giao, do có quy mô nhỏ, thiếu đội ngũ giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, ngày 28 tháng 7 năm 1960, Trường Ngoại giao được nhập vào Trường Đại học Kinh tế - Tài chính. Trong khuôn khổ Trường Đại học Kinh tế - Tài chính, Trường Ngoại giao được chuyển thành khoa Quan hệ Quốc tế (Ngoại giao - Ngoại thương). Kể từ đó, Trường được bổ sung thêm nhiệm vụ đào tạo cán bộ ngoại giao, ngoại thương có trình độ đại học. Như vậy, đến thời điểm này, khoa Quan hệ Quốc tế là nơi đào tạo chính thức các cán bộ làm công tác đối ngoại cả trên mặt trân ngoại giao và mặt trận kinh tế. Tuy nhiên, Khoa vẫn có quy chế tương đối độc lập và được sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Bước chuyển lịch sử đáng ghi nhận tiếp theo là việc khoa Quan hệ Quốc tế tách ra khỏi Trường Đại học Kinh tế - Tài chính để thành lập Trường Cán Bộ Ngoại giao - Ngoại thương từ tháng 1 năm 1963. Với mốc lịch sử này, Trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương đã bước một bước dài theo hướng chuyên sâu hoá về chuyên môn và thể hiện rõ tinh thần độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta trong việc đào tạo cán bộ đối ngoại. Trường là một cơ sở đào tạo đại học độc lập, có chức năng đào tạo chuyên sâu các cán bộ làm công tác đối ngoại cả về chính trị (khoa Ngoại giao) và về kinh tế (khoa Ngoại thương).

Tiếp tục phát triển theo hướng chuyên sâu hoá lĩnh vực đào tạo và đồng thời để khắc phục những khó khăn trong quản lý do Trường đi sơ tán trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, năm 1967 Trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương đã được tách ra để các khoa của mình trở thành những cơ chế độc lập mang tính chuyên môn cao hơn. Khoa Ngoại thương được chuyển thành Trường Đại học Ngoại thương chuyên trách trong việc đào tạo cán bộ ngoại thương, Khoa Ngoại giao được chuyển lại thành Trường Đại học Ngoại giao có nhiệm vụ đào tạo chuyên sâu cán bộ ngoại giao cho đất nước. Đây là bước đi tiếp theo để đi tới đích chuyên sâu hoá công tác đào tạo cán bộ làm công tác ngoại giao, đảm bảo cho mỗi sản phẩm của Trường có đủ trình độ, tính chuyên môn hoá, năng lực công tác và phẩm chất chính trị phù hợp với những đặc thù của công tác ngoại giao. Trường Đại học Ngoại giao tiếp tục được xây dựng và phát triển mạnh, đào tạo cán bộ ngoại giao phục vụ cho công tác của ngành, của cả nước trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng với cả nước, cán bộ, giáo viên và sinh viên của trường đã lao động, học tập không mệt mỏi và kết quả là rất nhiều sinh viên của trường đã trở thành những cán bộ ngoại giao ưu tú của ngành.

Tiếp nối truyền thống đó, sau ngày thống nhất Tổ quốc và sau thời kỳ tạm ngừng tuyển sinh (1969 - 1974), Trường Đại học Ngoại giao đã lớn mạnh, trở thành một trong những trung tâm đào tạo đại học có uy tín trong cả nước. Công tác đào tạo ở Trường ngày càng được chính quy hơn, chuyên sâu hơn. Trường đã có được cở sở vật chất khang trang hơn, đội ngũ cán bộ, giảng viên có năng lực hơn, hàng loạt những giáo trình chuyên ngành ngoại ngữ phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập tại Trường được hoàn thành và kết quả là sản phẩm của Trường ngày càng được hoàn thiện.

2. Viện Quan hệ Quốc tế.

Sau ngày thống nhất đất nước, đứng trước nhu cầu cấp thiết cần có một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề quốc tế phục vụ cho công tác ngoại giao của đất nước trong thời kỳ mới, Viện Quan hệ Quốc tế đã được thành lập. Theo quyết định số 60/CP ngày 11 tháng 3 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ, Viện Quan hệ Quốc tế được thành lập trên cơ sở ba bộ phận hiện có của Bộ Ngoại giao là Vụ Nghiên cứu và Tư liệu, Ban Nghiên cứu, Bộ phận Tổng kết công tác Ngoại giao. Viện Quan hệ quốc tế có các nhiệm vụ:

- Nghiên cứu cơ bản tình hình thế giới và những vấn đề quốc tế lớn, góp phần xây dựng đường lối chính sách đối ngoại của Nhà nước ta;

- Làm thường trực tổng kết công tác đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế của Nhà nước;

- Làm công tác thông tin ngoại giao và giúp Trường Ngoại giao trong công tác nghiên cứu và giảng dạy.

Với các chức năng và nhiệm vụ đó, Viện Quan hệ Quốc tế là cơ quan nghiên cứu khoa học của Bộ Ngoại giao gắn liền và phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của Bộ Ngoại giao. Viện cũng có nhiệm vụ góp phần vào công tác xây dựng ngành, hỗ trợ cho Trường Ngoại giao trong công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.

3. Học viện Quan hệ Quốc tế.

Bước phát triển mới của Trường Đại học Ngoại giao và Viện Quan hệ Quốc tế là việc Trường được sát nhập vào Viện.

Sở dĩ có việc sát nhập này là do Bộ Ngoại giao chỉ có một cơ sở nghiên cứu duy nhất và một cơ sở đào tạo duy nhất với quy mô không lớn. Kết hợp nghiên cứu và giảng dạy sẽ nâng cao chất lượng đào tạo cũng như chất lượng nghiên cứu, vì cán bộ nghiên cứu sẽ tham gia giảng dạy và ngược lại, giáo viên cũng tham gia nghiên cứu. Hơn nữa, cả hai mảng nghiên cứu và đào tạo đều có thể sử dụng chung cơ sở vật chất như thư viện, nguồn thông tin... Đây là một chủ trương đúng đắn, song việc triển khai buổi ban đầu còn có những khó khăn.

Việc sát nhập bắt đầu tiến hành từ năm 1983 - 1984, nhưng đến năm 1987, giữa Viện và Trường vẫn chưa có sự gắn kết thực sự. Cũng vào thời gian trên (1983 - 1984), Vụ Đào tạo của Bộ giải thể và chức năng, nhiệm vụ được chuyển cho Trường. Để giải quyết tình trạng trên và đặc biệt để tạo được một cơ sở pháp lý, theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), ngày 19 tháng 5 năm 1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Nghị định số 78 - HĐBT chính thức hoá việc sát nhập Trường Đại học Ngoại giao vào Viện Quan hệ Quốc tế. Mặc dù mang tên Viện, song trên thực tế Viện đã có chức năng của một Học viện, bởi vì theo Nghị định 78 - HĐBT thì Viện vừa có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về ngoại giao, vừa có nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo cán bộ đối ngoại ở trình độ đại học, sau và trên đại học. Lúc đó không thể lấy tên là Học viện vì như vậy sẽ trái với tinh thần của Chính phủ không cho phép lập cơ quan mới. Ngày 15 tháng 7 năm 1987, Bộ trưởng Ngoại giao đã ra Quyết định 95/VP-TC quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Viện Quan hệ Quốc tế với 8 nhóm nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu quan hệ quốc tế và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại.

Tên gọi Học viện Quan hệ Quốc tế được chính thức ghi nhận năm 1992 tại Quyết định của Chủ tịch Hôị đồng Bộ trưởng số 279 - CT ngày 01 tháng 8 năm 1992, về việc đổi tên Viện Quan hệ Quốc tế-Bộ Ngoại giao, thành Học viện Quan hệ Quốc tế, vẫn có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại có trình độ đại học và trên đại học, đồng thời nghiên cứu khoa học về quan hệ quốc tế. Học viện Quan hệ Quốc tế chịu sử quản lý trực tiếp của Bộ Ngoại giao và chịu sự chỉ đạo về sắp xếp màng lưới chung và thực hiện các quy chế chuyên môn về giáo dục và đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học viện Quan hệ Quốc tế nằm trong hệ thống các Học viện của quốc gia được hưởng mọi chế độ, chính sách do Nhà nước ban hành cho các Học viện.

Ngày 21 tháng 9 năm 1992, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Học viện Quan hệ quốc tế, theo đó Học viện có nhiệm vụ:

1. Tổ chức nghiên cứu các vấn đề quốc tế cũng như chiến lược đối ngoại của các nước nhằm góp phần xây dựng chính sách đối ngoại của (Nhà nước) ta.

2. Tổng kết hoạt động đối ngoại, đặc biệt là của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (ngày nay) nhằm góp phần vào việc hoạch định chính sách đối ngoại của Nhà nước.

3. Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ đối ngoại cho Bộ và cho cả nước, quản lý công tác nghiên cứu khoa học của Bộ, làm đầu mối liên hệ với các cơ quan hữu quan về công tác này.

4. Đóng góp vào công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, chủ yếu là về đường lối, chính sách đối ngoại của (Nhà nước) ta.

Việc đổi tên Viện thành Học viện là quyết định quan trọng đối với Học viện, tạo điều kiện thuận lợi để Học viện triển khai công tác của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo, vì chỉ có các Trường và Học viện mới có thẩm quyền trong việc cấp văn bằng và được Nhà nước cấp kinh phí đào tạo đại học.

Kể từ đó đến nay, Học viện Quan hệ Quốc tế đã liên tục có những bước phát triển mới. Từ năm 1993 đến nay, Học viện đã liên tục tuyển sinh trở lại sau 9 năm tạm ngừng công tác đào tạo đại học và đã cho ra trường 3 khoá sinh viên đại học (K20, K211, K22) với khoảng 400 sinh viên, nâng tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học của Học viện lên con số khoảng 1700 người. Công tác nghiên cứu cũng được triển khai tích cực với 38 đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp Viện được hoàn thành, tổ chức thành công hàng chục hội thảo trong nước và quốc tế. Công tác bồi dưỡng được tiến hành thường xuyên đối với cán bộ của Bộ và cán bộ làm công tác đối ngoại của ngành, địa phương khác. Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Học viện cũng được tăng cường góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo, đồng thời hoạt động ngoại giao kênh II (ngoại giao không chính thức) góp phần thực hiện chính sách đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá của Đảng và Nhà nước ta. Học viện cũng được Bộ giao trọng trách mới trong việc quản lý nghiên cứu khoa học của toàn ngành.

Với truyền thống xây dựng và và phát triển, với những thành quả mà Học viện đã đạt được trong 35 năm (1959 - 1994), Học viện Quan hệ quốc tế đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất. Và lần này, nhân dịp kỷ niệm 40 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện lại có vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại và nghiên cứu quan hệ quốc tế, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ Quốc./.

Cùng chuyên mục