Số 33 - Đấu tranh ngoại giao, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

03:28 29/03/2012

Đấu tranh ngoại giao, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Tác giả: Vũ Dương Huân.

Sau khi ký kết Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình, cách mạng nước ta chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn đấu tranh thi hành Hiệp định và tập trung giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với vai trò là một mặt trận, ngoại giao đã có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp trên.

1. Giương cao ngọn cờ hoà bình, đấu tranh đòi Mỹ - Ngụy quyền Sài Gòn nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định.

Bị thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Đồng thời sau đó Mỹ cũng phải ký Hiệp định Viêng Chăn, lập chính phủ liên hiệp lâm thời ở Lào và ngừng ném bom Campuchia... Tuy nhiên, chúng vẫn ''tiếp tục sử dụng nguỵ quyền Sài Gòn làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, tìm mọi cách xoá bỏ vùng giải phóng và lực lượng vũ trang nhân dân ta, xóa bỏ chính quyền nhân dân, biến miền Nam thành quốc gia riêng biệt thân Mỹ, được Mỹ viện trợ về quân sự, kinh tế, tài chính để Mỹ vẫn bám lấy miền Nam lâu dài mà tránh được nguy cơ phải trực tiếp tham gia một cuộc chiến tranh quy mô lớn''.

Do vậy nhiệm vụ cơ bản trong thời gian này của chúng ta là: đoàn kết toàn dân, tiếp tục đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao... nắm vững và giương cao ngọn cờ hoà bình, độc lập, hoà hợp dân tộc, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu và hành động của địch phá hoại Hiệp định Pari. ''Đồng thời, chuẩn bị và phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt, thắng địch từng bước, chuẩn bị điều kiện đầy đủ nhất để có thể chủ động đối phó với địch trong mọi tình huống, sẵn sàng đưa cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn''.

Thực hiện chủ trương trên, mặt trận ngoại giao có nhiệm vụ:

- Dùng mọi biện pháp, mọi áp lực buộc Mỹ thi hành Hiệp định. Từ đó củng cố thế có lợi của ta trên chiến trường.

- Tiếp tục giữ thế chủ động của ta trên mặt trận dư luận để tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị.

Theo Hiệp định Pari, ba diễn đàn đã được triển khai: - Ban liên hợp quân sự bốn bên tại sân bay Tân Sơn Nhất bàn việc thực hiện các điều khoản quân sự; - Hội nghị hiệp thương La Xen Xanhclu - Pari bàn công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam; - Tiếp xúc giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ. Hội nghị quốc tế về đảm bảo quốc tế về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam tại Pari cũng được tiến hành.

Một mặt, ta nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định ngừng bắn trên toàn chiến trường, trao trả tù binh Mỹ.v.v... Mặt khác, chúng ta đã tích cực, chủ động dùng ngoại giao phát huy thế thắng ở chiến trường, vận dụng cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý của Hiệp định, phối hợp với mặt trận quân sự, chính trị buộc Mỹ, nguỵ thi hành Hiệp định. Đồng thời ta cũng tích cực tranh thủ dư luận ở miền Nam cũng như quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh của ta.

Ngày 29/2/1973, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố phê phán nguỵ quyền lấn chiếm các vùng do Chính phủ Cách mạng lâm thời kiểm soát, không chịu trao trả nhân viên, tù chính trị còn bị giam giữ, ngăn cản triển khai Ban liên hiệp quân sự...

Ngày 25/4/1973 tại Pari, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam lại đưa ra đề nghị tổng quát 6 điểm nhằm giải quyết các vấn đề nội bộ của miền Nam là: triệt để ngừng bắn, trao trả hết tù dân sự, đảm bảo các quyền tự do dân chủ, thành lập Hội đồng hoà giải hoà hợp dân tộc, tổ chức tổng tuyển cử thật sự tự do, dân chủ để thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam. Song Mỹ và chính quyền Sài Gòn không chịu đáp ứng, tiếp tục bình định, lấn chiếm, đàn áp nhân dân, nên ngày 28/6/1973, ta lại nêu 3 vấn đề cấp bách: ngừng bắn, trao trả hết nhân viên dân sự và thực hiện các quyền tự do dân chủ. Ngày 18/7/1973, tại La Xen Xanh Clu, ta lại đưa thêm dự thảo ''Những quy định cơ bản bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam'' theo Điều 11 của Hiệp định.

Trước tình hình Hiệp định bị vi phạm nghiêm trọng, trong tháng 5 và tháng 6, ta đề nghị họp 4 bên tại Pari. Và kết quả là ngày 13/6/1973, tại Pari, đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Mỹ đã ra Thông cáo chung nhấn mạnh ngừng bắn triệt để, trao trả tù binh và hoà hợp dân tộc.

Trước sự đấu tranh của ta, Mỹ đã phải ngừng ném bom bắn phá bằng không quân, hải quân chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, và 29/3/1973 rút hết quân đội của Mỹ, chư hầu khỏi miền Nam Việt Nam, giải tán Bộ chỉ huy quân sự MACV, làm mất hiệu lực của mìn tại các cửa biển của ta và cung cấp cho ta một số phương tiện để phá mìn ở sông, rạch miền Bắc. Chính quyền Sài gòn cũng trao trả cho ta 26.000 tù binh, 1.500 tù dân sự. Tuy nhiên Mỹ vẫn tiếp tục dính líu vào miền Nam, xúi giục chính quyền Thiệu phá hoại Hiệp định Pari.

Sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa của ta còn được thể hiện qua việc hàng loạt nước công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong năm 1973. Cho đến 6/10/1973, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã có 34 nước công nhận và lập quan hệ ngoại giao. Ngày 29/3/1973, tại thủ đô Thuỵ Điển đã diễn ra Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam, đòi Mỹ, nguỵ quyền Sài gòn thi hành nghiêm chỉnh và triệt để Hiệp định.

Y' nghĩa to lớn của các đợt tiến công ngoại giao trên đây là ở chỗ nêu cao được thiện chí, lập trường chính nghĩa của nhân dân ta, lên án tội ác hiếu chiến của Mỹ - Nguỵ trước dư luận thế giới, phối hợp và tạo thế hợp pháp, chính nghĩa cho các cuộc phản công, tiến công của ta, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước anh em, dư luận tiến bộ trên toàn thế giới về tính tất yếu phải chống lại chính sách chiến tranh của Mỹ - Nguỵ.

2. Phối hợp với mặt trận quân sự, chính trị tạo thời cơ chiến lược cho cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Không thể để Mỹ - Nguỵ phá hoại Hiệp định, thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị 5/1973, Nghị quyết TW 21 (7/1973), ngày 15/10/1973, Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam đã ra lệnh cho quân và dân ta đánh trả Mỹ - Ngụy để bảo vệ Hiệp định. Cuộc chiến đấu của quân và dân ta diễn ra ở khắp các chiến trường và cho đến tháng 10/1974 đã giành được những chiến công to lớn. Trong toàn miền Nam ta đã tiêu diệt, bức rút 2174 bốt, phá 830 ấp, giải phóng hơn 10 chi khu, quận lỵ, với tổng số dân khoảng 5 triệu người mà Mỹ, nguỵ không có khả năng chiếm lại.

Phối hợp với đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao cũng được triển khai rất khẩn trương. Mục đích của đấu tranh ngoại giao trong giai đoạn này là làm cho dư luận đồng tình, ủng hộ với việc ta trừng trị Mỹ nguỵ lấn chiếm, tác động vào nội bộ Mỹ; đồng thời ngăn chặn khả năng Mỹ can thiệp trở lại.

Về nội dung tuyên truyền, ta nhấn mạnh 3 yêu cầu như đã nêu ở giai đoạn trước là ngừng bắn, trao trả hết tù binh và thực hiện các quyền tự do dân chủ. Đồng thời ta cũng cho Mỹ lấy hài cốt lính Mỹ, chủ động gặp gỡ báo chí.

Chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng các diễn đàn để đấu tranh dư luận. Do địch lấn chiếm, ngày 2/4/1974 ta phải bỏ họp ở Diễn đàn La Xen Xanh Clu. Sau sự kiện Tống Lê Chân (12/4/1974), ngày 14/4/1974 nguỵ quyền Sài Gòn bỏ họp và 19/8/1974 tuyên bố láo xược, xuyên tạc thiện chí của ta. Ngày 25/8/1974, ta gửi công hàm bác bỏ luận điệu của Sài Gòn và tuyên bố cắt diễn đàn này vào tháng 9/1974. Về diễn đàn song phương Việt - Mỹ, sau ngày 25/8/1974 gần như cũng ngừng hoạt động, và cuộc tiếp xúc cuối cùng giữa hai bên cũng chấm dứt vào ngày 20/12/1974. Diễn đàn Uỷ ban liên hợp quân sự 4 bên tại Tân Sơn Nhất cũng buộc phải ngừng hoạt động, do nguỵ quyền Sài Gòn rút các quyền bất khả xâm phạm mà Hiệp định Pari đảm bảo cho phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Như vậy đến tháng 10/1974, khả năng vừa đánh vừa đàm không còn nữa.

Chiến thắng của quân và dân miền Nam và phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ đòi chấm dứt chiến tranh Đông Dương, chiến tranh dầu lửa ở Trung Đông làm cho tập đoàn thống trị của Mỹ thấy khó tiếp tục được cuộc chiến. Hơn nữa, 6/1974, Quốc hội Mỹ đã bác bỏ yêu sách của Nich Xơn đòi viện trợ bổ sung cho Thiệu. Và với vụ Oa tơ ghêt, 9/8/1974, Tổng thống Nich Xơn buộc phải từ chức trước nhiệm kỳ 2 năm. Điều đó phản ánh chính sách đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam đã phá sản. Ford thay Nich Xơn tuyên bố Học thuyết Thái Bình Dương, nêu rõ: Cần theo đuổi chính sách kiềm chế tương đối ở Đông Nam A' và Thái Bình Dương: nghĩa là bỏ rơi quân nguỵ Sài Gòn.

Từ tình hình trên, Đảng ta đã khẳng định: ''... Mỹ không có khả năng quay trở lại vì Mỹ đã sa lầy ở Việt Nam, nay vừa rút ra được, nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới không muốn có Việt Nam thứ hai. Mỹ rút ra khỏi Việt Nam để bảo vệ lợi ích chiến lược Mỹ trên thế giới. Dù Mỹ có can thiệp trở lại trong chừng mực nào đó thì cũng không xoay chuyển được tình thế; ta vẫn thắng''.

Trên cơ sở đánh giá như trên về tình hình Mỹ, và đánh giá tình hình chiến trường, Bộ Chính trị TW Đảng đã họp 2 đợt: từ 30/9 - 8/10/1974 và từ 8/12/1974 - 8/1/1975, và kết luận:"Lúc này, chúng ta đã có thời cơ...Chúng ta phải biết nắm thời cơ để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn"(6)>

Chiến thắng Phước Long 6/1/1975 và tình hình chiến sự sau đó đã giúp Bộ Chính trị củng cố thêm quyết tâm chiến lược, bổ sung kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong kế hoạch 2 năm (1975 - 1976).

Tuy đề ra kế hoạch 2 năm, song Bộ Chính trị nhấn mạnh ''phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975''(7) và chỉ rõ: ''Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975''(8). Sau đó Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong tháng 5/1975 để kỷ niệm 85 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện ''Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa'', đánh cho nhanh để đỡ thiệt hại người và của, giải toả cơ sở kinh tế, cơ sở văn hoá...

Cuộc tổng tiến công nổi dậy của quân và dân miền Nam bắt đầu từ chiến dịch Tây Nguyên (4/3 - 24/3/1975), rồi chiến dịch Huế - Đà Nẵng (25/3 - 29/3/1975) và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (từ 26/4 - 30/4/1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Hiệp định Pari là thắng lợi của ta. Nguyện vọng của chúng ta là thi hành nghiêm chỉnh và triệt để Hiệp định. Còn thi hành Hiệp định là thất bại của Mỹ - Nguỵ. Mỹ và Nguỵ quyền đã bất chấp cam kết, không ngừng đeo đuổi chiến tranh phá hoại Hiệp định và Thông cáo chung 13/6/1974. Hoa Kỳ vẫn tiếp tục dính líu quân sự, can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Còn Thiệu điên cuồng đẩy mạnh chiến tranh, lấn chiếm, ''bình định'', ra sức khủng bố, kìm kẹp, bóp nghẹt quyền tự do dân chủ. Do vậy chúng ta ''không có con đường nào khác là phải tiến hành chiến tranh cách mạng tiêu diệt chúng, giải phóng miền Nam''(9).

Trong việc phối hợp với mặt trận quân sự, chính trị, mặt trận ngoại giao có nhiệm vụ:

- Góp phần giương cao ngọn cờ hoà bình, độc lập dân tộc, hoà hợp dân tộc nhằm cô lập bọn tay sai ngoan cố;

- Làm sáng tỏ chính nghĩa của ta tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới;

- Ngăn chặn âm mưu và thủ đoạn can thiệp, phá hoại của Mỹ và bọn phản động quốc tế(10).

Để chuẩn bị dư luận, ngày 8/10/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố nêu hai đòi hỏi cấp bách, gạt bỏ hai trở ngại chính giải quyết vấn đề miền Nam:

- Mỹ chấm dứt hoàn toàn và triệt để dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, rút hết nhân viên quân sự đội lốt dân sự ra khỏi miền Nam Việt Nam;

- Gạt bỏ Nguyễn Văn Thiệu và phe cánh, trở ngại chính cho việc giải quyết vấn đề chính trị ở miền Nam hiện nay. Thành lập một chính quyền tán thành hoà bình, hoà hợp dân tộc, nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định(11).

Tuyên bố của ta nhằm tác động vào lực lượng thứ ba ở miền Nam, vào nội bộ Mỹ cũng như dư luận rộng rãi trên thế giới.

Ngay mấy ngày sau đó chính phủ nhiều nước và nhiều nhà hoạt động chính trị các nước tư bản đã ra tuyên bố hưởng ứng Tuyên bố 8/10/1974 của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đòi Mỹ - Thiệu phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pari, đòi chúng chấm dứt mọi hành động chiến tranh khác.

Tiếp theo Tuyên bố 8/10/1974, ngày 21/3/1975 khi ta đang triển khai chiến dịch Tây Nguyên, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra tiếp tuyên bố cụ thể hoá hai đòi hỏi cấp bách, nhưng yêu cầu cao hơn, đặc biệt là yêu cầu thứ hai: phải thay chính quyền Thiệu bằng một chính quyền ''thật sự mong muốn hoà bình, dân chủ và hoà hợp dân tộc''(12), nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam sẵn sàng ''nói chuyện với một chính quyền như vậy để nhanh chóng giải quyết các vấn đề ở miền Nam Việt Nam''(13).

Trước những đòn tấn công quân sự thần tốc, vũ bão của quân giải phóng, cùng với sức ép của dư luận, ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu đã phải từ chức và Trần Văn Hương lên thay. Thông qua chính phủ Lào, Mỹ đề nghị ta ngừng bắn để ''thương lượng''. Ngày 23/4, Trần Văn Hương cử người đến gặp phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời ở Tân Sơn Nhất. Ngày 22/4, Tổng thống Pháp cũng kêu gọi các bên ngừng bắn, mở đường cho các cuộc thương lượng chấm dứt chiến tranh.

Trong tình hình đó, ngày 26/4/1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố vạch rõ âm mưu của Mỹ là muốn có một chính quyền không có Thiệu, và khẳng định mục tiêu của nhân dân miền Nam là xoá bỏ toàn bộ chính quyền, bộ máy chiến tranh kìm kẹp, đàn áp nhân dân miền Nam Việt Nam(14).

Ngày 26/4/1975, Trần Văn Hương từ chức, Dương Văn Minh lên thay và tưởng rằng có thể tìm cách ''thương lượng'' để cứu nguy cho nguỵ quân, nguỵ quyền khỏi tan rã hoàn toàn. Ngày 29/4, Dương Văn Minh cử hai đoàn đến sân bay Tân Sơn Nhất gặp phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời để ''thương lượng''. Song tất cả đều đã muộn, họ buộc phải chấp nhận đòi hỏi đã nêu ra trong Tuyên bố 26/4/1975 - giải tán chính quyền Sài Gòn và đầu hàng không điều kiện.

Đối với Mỹ, khi biết rằng chính quyền Sài Gòn sẽ sụp đổ ngày 18/4/1975, Tổng thống Ford đã ra lệnh sơ tán người Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Ngày 23/4/1975, trong diễn văn đọc tại Trường Đại học Niu Oclan, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố: '' Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc đối với Mỹ. Không thể giúp người Việt Nam được nữa. Họ phải đương đầu với bất cứ số phận nào đang đợi họ''(15).

Để đẩy Mỹ đi, tranh thủ dư luận, ta đã làm ngơ, đồng ý cho Mỹ di tản hết người Mỹ trong các ngày 28 và 29/4. Trước đó, thông qua Liên Xô, Mỹ đã nêu đề nghị đó với ta. Tuy nhiên, chúng ta kiên quyết chống lại âm mưu lợi dụng Liên Hợp Quốc để thực hiện cái gọi là di tản ''nhân đạo''.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã thắng lợi hoàn toàn. Non sông đã thu về một mối.

Đánh giá chiến công này, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV họp 1976 nhận định: ''Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi này của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc''(16).

Trong thắng lợi vĩ đại trên của dân tộc ta có sự đóng góp to lớn của mặt trận ngoại giao, một mặt trận có vai trò tích cực chủ động./.

Tài liệu trích dẫn:

1. Lê Duẩn.- Thư vào Nam. NXB Sự thật, H. 1985, tr.334.

2. Lê Duẩn. -Sđd, tr. 335.

3. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia, H., 1995, T.2, tr.609.

4. Sđd., tr. 636.

5. Lịch sử ngoại giao và chính sách đối ngoại Việt Nam. - Học viện QHQT, 1993, tr. 43.

6. Lê Duẩn. Sđd., tr. 360.

7. Lê Duẩn. Sđd., tr. 379.

8. Văn Tiến Dũng. Sđd., tr. 35.

9. Văn Tiến Dũng. -Đại thắng mùa xuân. NXB Quân đội ND, H., 1977, tr. 16.

10. Lê Duẩn. Sđd., tr. 379-380.

11. Tuyên bố về tình hình miền Nam Việt Nam của Chính phủ CMLT CHMNVN. Báo "Nhân dân" ngày 9/10/1974.

12. Tuyên bố ngày 21/3/1975 của Chính phủ CMLT CHMNVN. Báo "Nhân dân" ngày 22/3/1975.

13. Nt.

14. Tuyên bố của Chính phủ cách mạng về tình hình miên Nam hiện nay. Báo "Nhân dân" ngày 27/4/1975.

15. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr. 712-713.

16. Báo cáo chính trị của BCH TƯ Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4. NXB Sự thật, H., 1976, tr. 5-6./.

Cùng chuyên mục