Số 33 - Một số khái quát về tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực đối ngoại: Những quan điểm, tư duy nổi bật và nghệ thuật thực hiện

03:42 29/03/2012

Một số khái quát về tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực đối ngoại: Những quan điểm, tư duy nổi bật và nghệ thuật thực hiện

Tác giả: Nguyễn Phúc Luân.

I. Khái niệm, định nghĩa về tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực đối ngoại.

Qua nghiên cứu các định nghĩa và khái niệm về tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh và những công trình khái quát về hoạt động đối ngoại của Người, chúng ta có thể đi đến một khái lược về định nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực đối ngoại như sau :

"Tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực đối ngoại là một bộ phận hợp thành của tư tưởng chính trị, tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh, nó bao gồm hệ thống các quan điểm, nhận thức, luận cứ và nghệ thuật thực hiện của Người được thể hiện trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn quan hệ quốc tế, trong thực tế hoạt động ngoại giao và vận động quốc tế của bản thân Người, của Đảng và Nhà nước ta trong các giai đoạn lịch sử từ 1911 đến 1969".

Thống nhất khái niệm về tư tưởng Hồ Chí Minh trong đối ngoại sẽ góp phần định hướng mục tiêu và phạm vi nghiên cứu của chúng ta, và điều không kém phần quan trọng là giúp chúng ta nhận rõ phương pháp tiếp cận vấn đề một cách khoa học hơn, gắn bó hơn với yêu cầu tổng quát về nghiên cứu tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh trong xã hội hiện đại.

II. Những quan điểm tư duy quan trọng của Hồ Chí Minh trong hoạt động đối ngoại.

Nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng của một vĩ nhân là vấn đề không dễ, nhất là trong một khoa học tổng hợp như khoa học nghiên cứu quan hệ quốc tế. Tuy nhiên qua bước ban đầu tiếp cận ta thấy nổi lên những nét tư duy lớn của Hồ Chí Minh trong lĩnh vực quan hệ quốc tế. Xin mạnh dạn khái quát như sau :

1) Đường lối quốc tế và chính sách đối ngoại là những bộ phận hợp thành của chiến lược cách mạng.

Nhìn lại lịch sử đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc ta từ bao thế kỷ cho đến nay, chủ nghĩa yêu nước là điều dễ cảm nhận trước hết. Tuy nhiên, phải đến thời đại Hồ Chí Minh, từ khi có Đảng, phong trào yêu nước và cách mạng nước ta mới có được đường lối quốc tế rõ ràng, gắn với xu thế vận động phát triển của thế giới, xác định vị thế của nước ta trong quan hệ toàn cầu. Và cũng từ đó, cách mạng nước ta mới có quan điểm nhất quán về quan hệ bạn - thù và sắp xếp lực lượng bên ngoài, đi đến hình thành một hệ thống chủ trương chiến lược và biện pháp sách lược xử lý những vấn đề tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến lợi ích chiến lược của sự nghiệp cách mạng.

Có thể nói, đường lối quốc tế của cách mạng nước ta được đề cập đầu tiên trong "Đường cách mệnh" (1927), "Chính cương" và "Sách lược vắn tắt" (1930), v.v... do Nguyễn A'i Quốc biên soạn. Nó được thể hiện sinh động trong chiến lược đứng về phe Đồng minh dân chủ chống phát xít, tiến lên giải phóng dân tộc trong Chiến tranh thế giới thứ II (Nghị quyết Trung ương 6, 7 và 8), được khẳng định trong hệ thống 4 điểm về chính sách đối ngoại trong Chương trình của Việt Minh trước Tổng khởi nghĩa (1944) và được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành những nguyên tắc được coi là cơ sở của đường lối đối ngoại của nước Việt Nam mới, trong Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, trong quyết định của Hội nghị Quốc dân Tân Trào (tháng 8 năm 1945), và đặc biệt là trong "Thông cáo về chính sách ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà", 3/10/1945.

Như vậy là đường lối quốc tế và chính sách đối ngoại của Cách mạng và của Nhà nước ta được Hồ Chí Minh vạch ra cùng một lúc với việc hình thành đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, và được phát triển từ những tháng năm chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản, và thể hiện sinh động trong tiến trình Cách mạng tháng Tám. Nó lại được sửa đổi, bổ sung nhiều nét mới mỗi khi cách mạng Việt Nam đứng trước bước ngoặt thời đại đòi hỏi phải điều chỉnh chiến lược nhằm phục vụ tốt hơn cho mục tiêu cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử.

Có một vấn đề cần nghiên cứu: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức tầm quan trọng của đường lối đối ngoại, vận động quốc tế và đưa chúng vào "tổng lộ trình" đấu tranh cách mạng. Điều này xuất phát từ đâu?

Theo quan điểm Hồ Chí Minh, khi một nước nhỏ phải đối đầu với thế lực đế quốc hùng mạnh hơn, thì phải có chiến lược "châu chấu đá xe", trong đó đường lối đối ngoại và hoạt động ngoại giao có thể và cần phải trở thành vũ khí, và thậm chí cơ quan đối ngoại phải là một binh chủng tiến công quân thù, góp phần quan trọng làm thay đổi tương quan lực lượng, cục diện đấu tranh về phía có lợi cho nước nhỏ. Lý giải về cách "đánh bằng mưu" trong "Binh pháp của Tôn Tử", (xuất bản năm 1947), Người nói: "... Dùng binh giỏi nhất là đánh bằng mưu, thứ hai là đánh bằng ngoại giao, thứ ba mới đánh bằng binh. Vây thành mà đánh là kém nhất... (như quân Đức vây thành Stalingrad mà không lấy được, từ đó bị thất bại đến cùng)"(1) .

Nhận thức về vai trò của vũ khí đối ngoại, kể cả trong cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Ngày nay ngoại giao ai thuận lợi hơn, thì thắng"(2).

Quan điểm trên đây đã được Người và Đảng ta vận dụng trong việc đề xuất và điều hành đường lối đối ngoại và mạng lưới hoạt động ngoại giao, vận động quốc tế suốt những chặng đường đấu tranh 70 năm qua.

2) Chủ quyền về ngoại giao: chuẩn mực của một Nhà nước độc lập.

Với cương vị Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, trong giai đoạn 1945 - 1946, Hồ Chí Minh đã kiên trì đấu tranh giữ vững chủ quyền ngoại giao, coi vấn đề "có ngoại giao riêng" là nhân tố quan trọng để hoàn chỉnh nền độc lập: "Nếu quân đội và ngoại giao Việt Nam ở dưới quyền Pháp tức là Việt Nam chưa độc lập hẳn và vẫn là thuộc địa của Pháp"(3).

Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 về đại thể ghi nhận những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề "có ngoại giao riêng" vẫn là một trong ba vấn đề mà hai bên chưa đi đến thỏa hiệp và sẽ được bàn tiếp ở Hội nghị chính thức Pháp - Việt. Vào lúc cuộc hoà đàm Fontainebleau bắt đầu, trong tuyên bố tại Paris 12/7/1946, Người lại khẳng định đòi hỏi: "Việt Nam có quyền phái đại sứ và lãnh sự đi các nước"(4), coi đó như một yêu cầu tiên quyết để đi đến thỏa hiệp giữa hai bên.

Tháng 3/1947, trả lời câu hỏi liên quan đến cuộc "tranh luận náo nhiệt" về vấn đề Việt Nam ở Quốc hội Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nêu rõ lập trường của nhân dân ta: "Nếu nước Pháp ưng thuận để nước ta thống nhất và độc lập, đủ quyền kinh tế, quân sự và ngoại giao thì dân ta rất sẵn sàng hợp tác thân thiện trong khối Liên hiệp Pháp"(5).

Quan điểm về chủ quyền ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc hoạch định phương hướng chính sách đối ngoại độc lập tự chủ dựa trên cơ sở lợi ích chiến lược của cuộc Kháng chiến, lợi ích lâu dài của dân tộc và phù hợp với những chuẩn mực quốc tế, (quyền dân tộc cơ bản, quyền dân tộc tự quyết, v.v... đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi sau chiến tranh thế giới thứ II), hoà đồng với đặc điểm và xu thế thời đại.

Câu nói: "Độc lập có nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở bên ngoài vào"(6),/i> - thể hiện quyết tâm chống lại mọi hình thức áp đặt và ách thống trị bên ngoài, nhất là của các nước lớn. Trong Tuyên ngộn độc lập 2/9/1945, Người khẳng định quyết tâm xoá bỏ mọi quan hệ bất bình đẳng và nêu ra đạo lý làm nền tảng cho chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, tiến tới định hướng mới cho Nhà nước Việt Nam độc lập trong lĩnh vực quan hệ quốc tế: "... các dân tộc trên thế giới sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"(7).

Chính sách đối ngoại độc lập tự chủ của Hồ Chí Minh còn phản ánh phương pháp tư duy biết khẳng định vai trò gắn bó của cái riêng trong cái chung: "Trong tình hình quốc tế hiện nay, những đặc điểm dân tộc và những điều kiện riêng biệt của từng nước ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong việc vạch ra chính sách của mỗi Đảng Cộng sản, mỗi Đảng Công nhân... Dân tộc Việt Nam chẳng hạn phải vạch ra những phương pháp và biện pháp riêng của mình"(8). Tuy nhiên Người cũng vạch rõ: "Không thể nào hạn chế những hoạt động hiện nay và tương lai của chúng tôi trong khuôn khổ dân tộc thuần tuý", rằng "những hoạt động đó có muôn vàn sợi dây liên hệ với cuộc đấu tranh chung của thế giới tiến bộ"(9).

Chính sách đối ngoại độc lập tự chủ rõ ràng không hướng tới sự đơn độc, biệt lập, mà trái lại theo quan điểm của Hồ Chí Minh, chính sách đối ngoại độc lập tự chủ phải đi đôi với mở rộng quan hệ quốc tế. Tăng cường đoàn kết quốc tế, gắn mình với xu thế bên ngoài là mục tiêu mà đường lối đối ngoại độc lập tự chủ nhằm vươn tới.

3) Chính sách đối ngoại tự lập tự cường là gốc rễ của mọi thắng lợi ngoại giao.

Trước tiên cần nhận rõ quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập"(10). Từ lâu Người coi việc "lấy sức ta mà tự giải phóng cho ta" là phương thức, là nguồn động lực chủ yếu để phát triển cách mạng nước ta. Hợp với lô gích đó, chính sách đối ngoại độc lập tự chủ cũng như các chủ trương và chính sách đối nội khác đều dựa vào sức mình, trí tuệ của mình là chính. Người coi tự lập, tự cường là "cái gốc", là "cái điểm mấu chốt"(12) của mọi chính sách và sách lược. Căn dặn cán bộ làm công tác ngoại giao, Người nói: "Về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao của ta là tự lực cánh sinh. Phải hiểu thấu đáo lắm vấn đề này, không thì sẽ đi xiêu vẹo ngay đấy!"(13). Vận dụng quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tế, chúng ta đã giữ được thế cân bằng cần thiết cho đất nước trong quan hệ quốc tế, vượt qua nhiều thách thức và tạo ra sức ủng hộ lớn hơn từ bên ngoài, tranh thủ môi trường quốc tế ngày càng thuận lợi hơn cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta trong từng thời kì lịch sử.

Cách mạng Việt Nam đi theo đường lối độc lập tự cường thì chính sách đối ngoại, hoạt động ngoại giao phải lấy sức mạnh bên trong làm điểm tựa, "... nếu tự mình không có thực lực làm cơ sở thì không thể nói gì đến hoạt động ngoại giao"(14). Đảng ta cũng cho rằng: "Muốn ngoại giao được thắng lợi phải biểu dương lực lượng"(15), coi việc xây dựng thực lực chính trị, kinh tế, quân sự bên trong là nhân tố quan trọng, tạo thế mạnh cho đấu tranh trên mặt trận đối ngoại. Và ngược lại, thắng lợi ngoại giao cũng sẽ tạo những tiền đề cần thiết để phát triển thực lực cách mạng trong nước. Đánh giá ý nghĩa việc lập quan hệ ngoại giao với các nước XHCN năm 1950, Người nói: "Mấy năm kháng chiến đã đem lại cho nước ta một thắng lợi to nhất trong lịch sử Việt Nam... Liên Xô, Trung Quốc dân chủ và các nước dân chủ mới đã thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà... Chắc rằng thắng lợi chính trị ấy sẽ là cái đà cho thắng lợi quân sự sau này"(16). Mục tiêu của chính sách đối ngoại và hoạt động ngoại giao Hồ Chí Minh không những nhằm nâng cao vị trí quốc tế của công cuộc cách mạng, mà còn hướng tới góp phần tích cực vào việc cải thiện tương quan lực lượng có lợi nhất cho cách mạng trong từng thời điểm nhất định. Cách mạng tháng Tám và chính sách "Hoà để tiến" là một thí dụ. Tổng kết nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Người chỉ rõ, lúc đó: "chúng ta có hai kẻ thù trực tiếp là đế quốc Nhật và thực dân Pháp và một kẻ thù gián tiếp là bọn phản động Quốc dân đảng Trung Quốc, nghĩa là sức địch rất lớn. Chúng ta chưa có chính quyền, chưa có quân đội chính quy, mặt trận dân tộc còn nhỏ hẹp và bí mật. Nghĩa là sức ta rất thiếu thốn... nhưng vì ta khéo lợi dụng điều kiện quốc tế ở bên ngoài, vì ta khéo đoàn kết, khéo động viên trong nước, cho nên ta đổi thế yếu thành thế mạnh, đã đánh thắng ba kẻ địch, đưa cách mạng đến thắng lợi, độc lập đến thành công"(17).

Thực tiễn lịch sử đã khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi chính sách đối ngoại và hoạt động ngoại giao trên cơ sở độc lập tự chủ là phương tiện hữu hiệu để gắn dân tộc với thời đại. Trong khi coi "Cách mạng Việt Nam là bộ phận của Cách mạng thế giới", Người căn dặn cán bộ đối ngoại "... phải làm đúng đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước... tăng cường đoàn kết hữu nghị... với các nước xã hội chủ nghĩa, tăng cường hữu nghị với các dân tộc bị áp bức và nhân dân thế giới... vì lợi ích của hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội"(18).

Như vậy là theo quan điểm Hồ Chí Minh, về phía trong nước, ngoại giao phối hợp với chính trị, kinh tế, quân sự để bồi đắp thực lực, và về phía ngoài nước, ngoại giao phải tạo điều kiện để gắn dân tộc với thời đại, tạo ra thế và lực mới nhằm đưa đến cải thiện so sánh lực lượng toàn cục giữa ta và các thế lực thù nghịch theo hướng ngày càng có lợi cho Cách mạng nước ta. Ngoại giao góp phần quyết định làm thay đổi cục diện quốc tế của cuộc đấu tranh và góp phần tích cực vào thay đổi tương quan lực lượng ở chiến trường. Đó là nhiệm vụ, đồng thời là mục tiêu mà Người đặt ra và kiên trì phấn đấu từ khi khai sinh ra nền ngoại giao hiện đại Việt Nam.

Tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của Người trong thực tiễn đã trở thành mục tiêu lâu dài, đồng thời là động cơ, là ngọn cờ đầy thuyết phục thôi thúc ngành ngoại giao Việt Nam bồi đắp thế và lực, mở rộng quan hệ quốc tế, phá vòng vây ngăn cách và kịp hội nhập với xu thế chủ đạo của thế giới trong thời chiến cũng như thời bình.

Thấm nhuần tư tưởng ấy, bằng đường lối đối ngoại và hoạt động thực tiễn của mình, Đảng ta đã khẳng định chân lý: "Ta có mạnh thế họ mới "đếm xỉa đến". Ta yếu thì ta chỉ là khí cụ trong tay kẻ khác, dầu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy"(19).

Chân lý trên được Người suy nghĩ sâu sắc và khái quát một cách cô đọng:

Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,

Cay đắng chi bằng mất tự do.

Mỗi việc, mỗi lời không tự chủ,

Để cho người dắt tựa trâu bò.

4) Ngoại giao là vũ khí cách mạng tiến công:

Ra đời trong cuộc chiến đấu sống còn, luôn đương đầu với nhiều thế lực thù nghịch bên ngoài hùng mạnh hơn nhiều, chịu ảnh hưởng của trí tuệ Hồ Chí Minh, nền ngoại giao Việt Nam mới luôn thể hiện tính chiến đấu cách mạng cao và tinh thần tiến công mạnh mẽ. Nó càng trở nên năng động tích cực hơn trong bước chuyển biến thời cuộc nước ta và bước ngoặt của sự biến quốc tế.

Cho dù trong tình thế phức tạp và cả vào lúc "sức ta rất thiếu thốn", Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì quan điểm "Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ", nhưng "kiên quyết không ngừng thế tiến công"(20). Giành chủ động trên mặt trận quân sự lẫn mặt trận ngoại giao đều có tầm quan trọng không kém gì nhau và bổ sung lẫn nhau.

Theo quan điểm Hồ Chí Minh, ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động đề xuất phương hướng chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, lợi dụng sự khác nhau về lợi ích để phân hoá thế lực thù nghịch, làm suy yếu từng bộ phận, đi đến cô lập và đánh thắng kẻ thù chính trong từng thời kì cách mạng.

Mỗi khi điều kiện yêu cầu và thời cơ cho phép, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn hiện diện trong các hoạt động ngoại giao với vai trò nổi bật là người đề xướng và trực tiếp chỉ huy các đợt tấn công trên mặt trận đối ngoại. Cuối 1945 đầu 1946, Người đã bật đèn xanh mở màn cuộc thương lượng Pháp - Việt vào lúc De Gaule đổ và Hiệp nghị Hoa - Pháp về đổi chỗ cho nhau sắp được ký kết; tấn công ngoại giao trong bài phát biểu tháng 11/1953 đúng vào thời điểm tình hình chính trị nước Pháp đã bắt đầu rối loạn bởi cuộc chiến tranh Đông Dương, phía ta chờ đón chiến thắng Xuân - Hè 1954; và tháng Giêng 1967 bắt đầu đưa điều kiện buộc Mĩ phải ngừng ném bom để ngồi vào bàn thương lượng... Tại Hội nghị Bộ Chính trị 1967, Người nhận định: "Đã đến lúc mở mặt trận ngoại giao...". Các đợt tiến công ngoại giao đó đều nhằm kiềm chế xung lực của kẻ thù, phân hoá chúng, thể hiện thiện chí của ta, khơi gợi xu hướng muốn giải quyết cuộc xung đột thông qua thương lượng hoà bình, thúc đẩy đối phương xuống thang chiến tranh và quan trọng hơn hết là buộc đối phương đi vào khả năng do ta lựa chọn tuỳ thời điểm, mở ra cục diện "đánh - đàm" mà ở đó ta có thể phát huy hết sức mạnh chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao và sức mạnh cộng hưởng của dân tộc và thời đại, tạo những tiền đề về tinh thần và vật chất để xoay chuyển thế trận của cuộc đấu tranh ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho thế lực thù địch.

5) Giữ vững mục tiêu cuối cùng và biết nhân nhượng có nguyên tắc.

Kiên định về mặt nguyên tắc và mục tiêu cuối cùng, đi đôi với sáng tạo, linh hoạt trong vận dụng sách lược, là phương sách tổng quát của Hồ Chí Minh trong việc xử lý những vấn đề đặt ra trong đường lối cách mạng cũng như trong quan hệ quốc tế.

Giành độc lập, thống nhất đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng đất nước "mười lần đẹp hơn xưa" là nguyên tắc, là mục tiêu cơ bản lâu dài của Cách mạng nước ta. Đó cũng là cái "bất biến" để hoạt động đối ngoại lấy đó mà "ứng vạn biến" bằng những chủ trương, đối sách khôn khéo, linh hoạt, hợp với xu thế khách quan và biến chuyển của nhân tố chủ quan, góp phần từng bước làm suy yếu kẻ thù, mở rộng lực lượng, tranh thủ những xu thế, lực lượng bên ngoài có lợi cho lợi ích chiến lược của Cách mạng nước ta. Người dặn "phải nắm giữ nguyên tắc cứng rắn kết hợp với sách lược mềm dẻo", "lạt mềm nhưng buột chặt". Trong giai đoạn 1945 - 1946, khi thì kiên quyết "dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn thì cũng phải giành cho được độc lập", lúc thì "thực hiện chính sách Câu Tiễn" để dùng quân đội Tưởng làm đối trọng với bọn hiếu chiến Pháp, tạo sức mặc cả lớn hơn với thực dân Pháp. "Thái độ ôn hoà, nhã nhặn của ta đối với quân đội Pháp không phải là thái độ nhu nhược và thụ động. Trái lại hơn bao giờ hết phải nâng cao tinh thần kháng chiến của toàn dân để đối phó với việc bất ngờ, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra"(21). "Hoà để tiến" đi đến việc chủ động ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, là dùng Pháp để đẩy quân Tưởng về nước, cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc để san đỡ gánh nặng ở miền Nam, "biết hy sinh không gian để tranh thủ thời gian", biến thời gian thành lực lượng vật chất, chuẩn bị đối phó với kẻ thù chính là thực dân Pháp khi chúng không còn có lực lượng đồng minh hỗ trợ tại chỗ nữa.

Trong khi kiên trì nguyên tắc, mục tiêu cuối cùng, linh hoạt sáng tạo trong vận dụng sách lược đối ngoại, cần phải thể hiện phương châm biết giành thắng lợi từng bước để đi đến thắng lợi hoàn toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1945 để đẩy quân Tưởng về nước, tạo ra một không gian "ít kẻ thù hơn hết"(22) ; năm 1954 ký Hiệp định Genève đi đến giải phóng nửa nước, buộc đối phương thừa nhận quyền dân tộc cơ bản và chủ quyền lãnh thổ toàn vẹn; những năm 1960, bước vào công cuộc chống Mỹ cứu nước, Người đã nêu ra định hướng chiến lược "đánh cho Mỹ cút" rồi mới "đánh cho nguỵ nhào". Lịch sử đã kiểm định bước đường cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta theo đúng kịch bản của trí tuệ Hồ Chí Minh. Giành thắng lợi từng bước, kể cả trên mặt trận đối ngoại, trở thành qui luật của cuộc đấu tranh lâu dài của một nước nhỏ đánh thắng đế quốc to.

III. Về nghệ thuật ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

"Ngoại giao là một khoa học đồng thời là nghệ thuật" (Lênin). Hồ Chí Minh, "chiến sĩ tiên phong của phong trào giải phóng thuộc địa", "người cộng sản", "nhà hoạt động quốc tế lỗi lạc" và "nhà ngoại giao kiệt xuất", bằng hoạt động lý luận và thực tiễn của mình, đã để lại những di sản trí tuệ quí báu cho kho tàng kinh nghiệm về quan hệ đối ngoại Việt Nam, đã tạo ra những tiền đề tư tưởng và phương pháp luận vững chắc cho việc đề ra đường lối chính sách đối ngoại và hệ thống sách lược ngoại giao nước ta, lái chúng luôn đi đúng hướng và phù hợp với tình hình cụ thể hôm qua và hôm nay, đồng thời Người cũng là tấm gương lớn sáng chói về nghệ thuật ngoại giao.

Nghiên cứu tư duy đối ngoại Hồ Chí Minh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét:

"Toàn bộ những tư tưởng của Hồ Chí Minh về hoạt động ngoại giao, như biết đánh giá dự báo tình hình, nắm bắt thời cơ tổ chức lực lượng, nhận rõ bạn thù, tranh thủ đồng minh, cô lập kẻ thù chủ yếu, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, biết thắng từng bước để tiến tới thắng lợi hoàn toàn, độc lập tự chủ gắn liền với đoàn kết quốc tế, là di sản quý báu đối với chúng ta trong hoạt động ngoại giao để phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"(23).

Đây thực sự là nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực đối ngoại. Chính thông qua những vấn đề cơ bản đó, ta có thể tìm thấy hệ thống các quan điểm, luận cứ và nghệ thuật ngoại giao của Hồ Chí Minh. Nó có thể thể hiện tầm cao những nghệ thuật sau đây:

1. Nghệ thuật đánh giá xu thế phát triển của thời cuộc qua các bước ngoặt của quan hệ quốc tế.

2. Nghệ thuật nhận thức và nắm bắt thời cơ, dùng thời cơ như sức mạnh hỗ trợ tích cực cho công cuộc cách mạng và tạo thế mạnh cho ngoại giao.

3. Nghệ thuật tiến công ngoại giao, tạo thế trận mới cho cuộc đấu tranh cách mạng và tạo khuôn khổ đàm phán tìm giải pháp hoà bình, chấm dứt xung đột một cách có lợi nhất.

4. Nghệ thuật "thêm bầu bạn bớt kẻ thù" và lợi dụng sự khác nhau về lợi ích giữa các nước lớn đang tham gia quan hệ quốc tế để phân hoá và làm suy yếu thế lực thù nghịch.

5. Nghệ thuật về kiên trì nguyên tắc và mục tiêu cuối cùng, đi đôi với sáng tạo và vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt để giành thắng lợi từng bước trong ngoại giao.

6. Nghệ thuật về phối hợp mặt trận chính trị, kinh tế, quân sự và an ninh quốc phòng với ngoại giao, tạo sức mạnh nội lực làm cơ sở đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, củng cố vị thế của Việt Nam trong tình hình quan hệ quốc tế biến chuyển phức tạp.

Ta cần định hướng đi sâu nghiên cứu thêm nghệ thuật ngoại giao bởi nghệ thuật là lĩnh vực tập trung cao độ của trí tuệ và cũng là nơi biểu hiện cụ thể và sinh động tầm tư duy lớn, tư tưởng nhân văn Việt Nam của Hồ Chí Minh trong ứng xử quốc tế.

Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đại hội thứ VII năm 1991, đã khẳng định: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động". Vì vậy, chúng tôi đề nghị lãnh đạo Bộ, Học viện Quan hệ quốc tế và các cơ quan hữu quan trước hết cần đầu tư thêm công sức trí tuệ và ngân quỹ nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu khoa học và tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực đối ngoại, kịp thời lấy đó làm cơ sở hàng đầu cho nghiên cứu các vấn đề đặt ra trong quan hệ quốc tế nước ta, đồng thời phục vụ tốt cho việc bồi dưỡng nâng cao trí tuệ và tầm tư duy quan hệ quốc tế trong đội ngũ cán bộ hoạt động đối ngoại, đặc biệt góp phần quan trọng cho việc hoàn thiện một bước tư duy lý luận quan hệ quốc tế Việt Nam, công việc mà Học viện Quan hệ Quốc tế đang thực hiện./.

Tài liệu trích dẫn:

1. Hồ Chí Minh toàn tập, T. 3.

2. Nt.

3. Sđd, T.4.

4. Sách: Hồ Chí Minh ở Pari.

5. Nt.

6. Sđd, T.4.

7. Tuyên ngôn Độc lập, sđd, T.4.

8. Hồ Chí Minh: - Kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản.-NXB Sự thật, H., 1976.

9. Bài viết cho báo Liên Xô, 8/1956. Tuyển tập Hồ Chí Minh, H., 1960.

10. Hồ Chí Minh toàn tập, T.6, tr.522.

11. Sđd, T. 3.

12. Bác Hồ nói về Ngoại giao. Hoc viện QHQT.

13. Nt.

14. Hồ Chí Minh toàn tập. T. 3.

15. Văn kiện Đảng về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

16. Hồ Chí Minh toàn tập, T.3.

17. Sđd, T.5.- H., 1985.

18. Bác Hồ nói về Ngoại giao.- Học viện QHQT.

19. Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng, Văn kiện Đảng 1939-1945. T.3, H. 1977, tr. 292.

20. Nhật ký trong tù. Hồ Chí Minh toàn tập. T.3.

21. Võ Nguyên Giáp:- Những năm tháng không thể nào quên.

22. Văn kiện Đảng về kháng chiến chống thực dân Pháp. T.1, tr.32.

23. Bác Hồ trong trái tim các nhà Ngoại giao./.

Cùng chuyên mục