Số 33 - Một số tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nền ngoại giao Việt Nam hiện đại

07:04 29/03/2012

Một số tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nền ngoại giao Việt Nam hiện đại

Tác giả: Phan Doãn Nam

Chủ Tịch Hồ Chí Minh là cha đẻ của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Những tư tưởng lớn của Người là ngọn hải đăng chỉ đường cho Ngoại giao Việt Nam suốt 55 năm qua cũng như mãi mãi về sau. Kinh nghiệm cho thấy sở dĩ ngoại giao Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn như ngày nay chính là nhờ bám sát những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh như những tư tưởng chỉ đạo. Còn những khi thất bại, khó khăn hoặc bị cô lập chính là những lúc ngoại giao Việt Nam xa rời những tư tưởng lớn đó. Vậy những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nền ngoại giao Việt Nam hiện đại là gì? Với một vấn đề rất lớn như vậy, trong phạm vi một bài viết ngắn chỉ có thể nêu lên một số nét khái quát để tham khảo.

Cái khó đối với những ai muốn nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh trong Cách mạng Việt Nam nói chung và Ngoại giao Việt Nam nói riêng là ở chỗ, Chủ Tịch Hồ Chí Minh, khác với nhiều lãnh tụ cách mạng khác trong và ngoài nước, là con người hành động, không thích lý luận dài dòng, văn phong của Người rất ngắn gọn súc tích để người nghe dễ hiểu, dễ làm. Do đó, thay vì đọc trước tác hoặc chỉ căn cứ vào một vài phát biểu của Người để tìm hiểu tư tưởng của Người, ta cần- và đây là phương pháp chủ yếu- căn cứ vào hoạt động của Người để tìm hiểu tư tưởng, vì hành động của Người là những hành động có chủ đích. Những tư tưởng lớn ấy xuất phát từ sự hiểu biết uyên thâm về nền văn hoá Đông, Tây, kim, cổ, kết hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nói cụ thể hơn, những tư tưởng lớn ấy là sự kết hợp kinh nghiệm truyền thống ngoại giao của cha ông ta với những tư tưởng lớn của Chủ nghĩa Mác - Lê nin về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại trên nền địa lý-chính trị Việt Nam.

Nhìn lại quá trình gần 60 năm hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ ngày rời bến Nhà Rồng (1911) đi tìm đường cứu nước, cho đến lúc "đi theo Cụ Mác, Cụ Lênin", chúng ta thấy hoạt động ngoại giao là một bộ phận không tách rời với toàn bộ hoạt động cách mạng của Người. Qua đó, có thể thấy toát ra những tư tưởng lớn sau đây.

1. Ngoại giao là một mặt trận đấu tranh cực kỳ quan trọng, là một bộ phận không thể tách rời của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta nhằm xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và giàu mạnh.

Mặt trận này xuất hiện không phải sau khi có phong trào cách mạng, cũng không phải sau khi giành được chính quyền, mà nó xuất hiện đồng thời với quá trình vận động cách mạng. Khi Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, tức là đi vận động cách mạng trên trường quốc tế, thì cũng chính là lúc mặt trận ngoại giao Việt Nam đã hình thành trên thực tế.

a) Trong 30 năm, từ 1911 đến 1941 là năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Trung Quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mặt trận ngoại giao Việt nam do người tổ chức, lãnh đạo và thực hiện đã làm được 5 việc lớn.

- Tìm hiểu địch - ta. "Ta" ở đây là các dân tộc bị áp bức bóc lột ở các thuộc địa và cũng là các lực lượng tiến bộ trên thế giới, kể cả ở "mẫu quốc" chống lại chủ nghĩa thực dân. "Địch" ở đây là các thế lực phản động, hiếu chiến nhất trong giới cầm quyền của các nước đế quốc, đặc biệt là đế quốc Pháp, hiểu chúng để phân hoá chúng.

- Tập hợp lực lượng quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta nhằm giải phóng đất nước khỏi ách thống trị đế quốc, giành độc lập dân tộc. Thời kỳ này, mặt trận ngoại giao của ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo không những đã tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân lao động Pháp, mà cả của các dân tộc bị áp bức (Hội Liên hiệp thuộc địa).

- Giới thiệu với các cường quốc lớn cũng như nhân dân thế giới về sự tồn tại của một nước Việt Nam đang đấu tranh đòi độc lập bằng cách trao cho Hội nghị Versailles (1919) bản yêu sách của nhân dân Việt Nam. Đây là hành động đấu tranh trực diện đầu tiên của nhân dân ta với bọn trùm thực dân và đế quốc.

- Tham gia quá trình thành lập Đảng Cộng sản Pháp và tiếp xúc với Quốc tế Cộng sản nhằm thiết lập mối quan hệ với các lãnh tụ cách mạng thế giới, vận động ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa nói chung và Việt Nam nói riêng.

- Bắt liên lạc với các lực lượng cách mạng ở trong nước, ở Trung Quốc và các nước Đông Nam A' (1924), tiến đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (từ hải ngoại), một lực lượng lãnh đạo cách mạng và là nhân tố có tính chất quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.

b) Từ năm 1941 cho đến ngày Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, mặt trận ngoại giao Việt Nam đã có nhiều đóng góp lớn cho quá trình chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

Nhờ những hoạt động ngoại giao khôn khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã lợi dụng được chính quyền Quốc dân đảng Trung Quốc để tạo thế hợp pháp trong lúc hoạt động trên đất Trung Quốc, tranh thủ về mặt chính trị, lợi dụng về mặt kinh tế, nhưng đồng thời cũng tranh thủ được sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ta đã lập ở Côn Minh tổ chức "Việt Nam dân chúng hưởng ứng Trung Quốc kháng địch hậu viện hội" làm cái vỏ để ta dễ dàng tiến hành các hoạt động cách mạng của ta. Cũng trong thời kỳ này ngoại giao ta đã tranh thủ chính quyền Tưởng Giới Thạch để chúng ta lập "Việt Nam độc lập đồng minh hội hải ngoại biện sự xứ" tức là cơ quan đại diện của Việt Minh ở nước ngoài do các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp phụ trách nhằm duy trì quan hệ với Quốc dân đảng Trung Quốc và làm nơi liên lạc quốc tế, chỉ đạo, phối hợp với các tổ chức cách mạng trong nước chuẩn bị cho ngày Tổng khởi nghĩa.

c) Từ ngày Cách mạng thành công đến khi Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (1947) hoạt động của mặt trận ngoại giao lại càng quan trọng hơn khi tình hình đất nước ở thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Ngoại giao Việt Nam lúc này tuy đã có sự hỗ trợ của mặt trận chính trị và quân sự nhưng còn yếu, đã thành công trong việc "hoà để tiến", tranh thủ thời gian để xây dựng lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài tất sẽ xảy ra.

Qua các hoạt động thực tiễn nêu trên, có thể thấy trong tư tưởng của Người, Chủ Tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò mặt trận ngoại giao trong phong trào đấu tranh cách mạng nói chung. Nó đặc biệt quan trọng khi các mặt trận khác như chính trị, quân sự, kinh tế còn yếu. Cái mạnh của nó là luôn luôn ở thế tấn công, mà muốn phát huy được thế chủ động tấn công thì phải bám sát mục tiêu của cách mạng, hiểu địch, hiểu ta và ra sức lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ địch.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy trong tư tưởng của mình, Chủ Tịch Hồ Chí Minh luôn luôn xem ngoại giao chỉ là một trong ba mặt trận đấu tranh của dân tộc. Ngoại giao không phải là duy nhất và cũng không phải là tất cả. Ngoại giao, chính trị và quân sự phải kết hợp với nhau mới tạo nên một sức mạnh tổng hợp. Mặt trận nào là chủ yếu, điều đó phụ thuộc vào thực tiễn cách mạng của từng thời kỳ. Người nói: "Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng; chiêng có to, tiếng mới lớn". Thực lực ở đây không phải chỉ là sức mạnh quân sự hay sức mạnh của bản thân mỗi dân tộc. Nó là sức mạnh tổng hợp tức là sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Sức mạnh dân tộc có thể rất lớn như sau khi ta đánh tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (1954) nhưng tình hình thế giới lúc này không thuận để ta tiếp tục chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn vì các nước lớn muốn đi vào hoà hoãn, những đồng minh chủ yếu của ta không muốn ta đánh tiếp để họ dễ dàng hoà hoãn với những kẻ thù chủ yếu của ta thì tất nhiên thắng lợi của ta trên mặt trận ngoại giao cũng bị hạn chế, không tương xứng với thắng lợi của ta trên chiến trường. Trái lại, năm 1975 sức mạnh to lớn dân tộc của ta kết hợp với xu thế chung trên thế giới rất thuận lợi cho ta, cho nên ta đã thắng nhanh, thắng vang dội, thắng hoàn toàn. Nói như vậy không có nghĩa là ngoại giao cứ phải chờ cho đến lúc nội lực đủ mạnh, tình hình thế giới thuận lợi mới phát huy thế tiến công, năng động của mình. Có lúc nội lực ta tuy còn yếu nhưng tình hình quốc tế thuận lợi, ngoại giao vẫn có thể hoạt động để đẩy vị trí quốc tế của nước ta lên bằng chính sách năng động của mình.

2. Tư tưởng lớn thứ hai của Chủ Tịch Hồ Chí Minh trong nền ngoại giao Việt Nam hiện đại là phải biết dựa vào dân, lấy dân làm gốc.

Điều này rất dễ hiểu đối với việc vận động cách mạng trong nước, nhưng trong ngoại giao, như thế nào là dựa vào dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có một lời chỉ dẫn nào về vấn đề này. Nhưng qua hoạt động ngoại giao của Người có thể thấy rất rõ: ở trong nước hay nước ngoài lúc nào Người cũng cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân lao động, làm cho họ trở thành một lực lượng vật chất hùng mạnh ủng hộ và bảo vệ Người. Mối tình cảm thắm thiết đó sở dĩ có được là vì Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn tin vào nhân dân lao động, dù ngay trong lòng nước Pháp, khi đó là đế quốc đang đô hộ Việt Nam, hay là dân chúng Việt Nam trong những ngày mới giành được độc lập. Do đó, Người đã ung dung, đường hoàng đi thẳng vào hang hùm như dinh Lư Hán, Tiêu Văn, nhận lời sang làm thượng khách của chính phủ Pháp, hay gặp Đác-giăng-li-ơ ngay trên chiến hạm của y. Sở dĩ như vậy là vì Người biết sau lưng mình là cả một khối đoàn kết của nhân dân lao động, mà bọn đế quốc thực dân thì luôn luôn run sợ trước sức mạnh của quần chúng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc dựa vào dân đã đưa đến hình thành một nền ngoại giao hoàn toàn mới, đó là ngoại giao nhân dân. Có thể nói không quá đáng rằng ngoại giao nhân dân và sự kết hợp giữa ngoại giao nhân dân với ngoại giao nhà nước là sự sáng tạo lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Trong chiến tranh chống Mỹ, nền ngoại giao nhân dân của ta đã có một tác dụng rất lớn trong việc gây ra cuộc khủng hoảng sâu sắc trong lòng nước Mỹ, đến mức có nhà lãnh đạo chính quyền Mỹ phải kêu lên rằng "Chính Mỹ đã bị đánh bại ngay tại nước Mỹ". Ngày nay, trong công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, Ngoại giao nhân dân tiếp tục phát huy tác dụng của nó. Có nhiều vấn đề mà ngoại giao nhà nước không thể đơn độc giải quyết như giúp xoá đói giảm nghèo ở vùng sâu vùng xa, giúp đỡ các trẻ em khuyết tật, v.v... thì ngoại giao nhân dân lại làm rất tốt thông qua con đường của các tổ chức phi chính phủ (NGO).

3. Một tư tưởng lớn khác và có lẽ là tư tưởng lớn nhất toát lên từ toàn bộ hoạt động ngoại giao và cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ chí Minh là "Không có gì quý hơn độc lập tư do".

Đó là lợi ích tối cao của dân tộc. Tất nhiên lợi ích của dân tộc còn gồm nhiều mặt khác nhưng tất cả đều phải phục vụ lợi ích tối cao đó. Mỗi ngành hoạt động đều phải lấy đó làm mục tiêu cuối cùng. Ngoại giao cũng vậy, đặc thù của ngoại giao là đấu tranh, là hoạt động trên trường quốc tế, do đó cần phải có đồng minh, có bạn bè, có lợi ích riêng của mỗi dân tộc và có lợi ích chung của cả phe hoặc cả thế giới, nhưng lợi ích dân tộc là cao nhất. Quan hệ giữa lợi ích dân tộc và lợi ích chung này phải được kết hợp một cách nhuần nhuyễn và biện chứng như giữa cái chung và cái riêng, giữa yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài, nhưng trong đó yếu tố bên trong là quan trọng nhất. Không có phong trào đấu tranh của mỗi dân tộc thì cũng không có phong trào cách mạng thế giới. Sự lớn mạnh của từng dân tộc sẽ tạo nên sức mạnh của toàn thế giới. Có những lúc vì lợi ích chung của thế giới mà lợi ích dân tộc phần nào chưa giành được hoàn toàn, nhưng sự hy sinh đó chỉ là sách lược, nghĩa là tạm thời chịu hoà hoãn, chịu nhân nhượng để tranh thủ hơn nữa sự đồng tình và ủng hộ của đồng minh, của bạn bè, của các dân tộc đối với sự nghiệp chính nghĩa, lợi ích cao nhất của dân tộc mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua hoạt động thực tiễn của mình đã cho cả thế giới thấy Người là một nhà hoạt động cách mạng thế giới nổi tiếng, nhưng trước hết Người là một nhà yêu nước vĩ đại. Khi rời Tổ quốc ra đi, mục đích duy nhất của Người là "tìm đường cứu nước". Đi đến đâu, nói chuyện với ai, về bất cứ vấn đề gì, cuối cùng, Người cũng trở lại vấn đề độc lập của nhân dân Việt Nam. Đấu tranh của Người với phái hữu trong quá trình thành lập Đảng Cộng sản Pháp cũng tập trung vào việc Đảng Cộng sản ủng hộ hay không ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Người ủng hộ Quốc tế 3 chứ không phải Quốc tế 2, cũng chính vì Quốc tế 3 ủng hộ phong trào đấu tranh của các nước thuộc địa. Sau này trong các bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ chính chủ nghĩa yêu nước đã đưa người tìm tới chủ nghĩa Mác-Lênin (chứ không phải ngược lại). Cái tên Nguyễn A'i Quốc trước 1941 đã nói lên tất cả tư tưởng vĩ đại của Người đối với lợi ích tối cao của dân tộc.

Trong thời gian chống Mỹ cứu nước, là một chiến sĩ cộng sản quốc tế, đương nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự đoàn kết thống nhất của hệ thống Xã hội chủ nghĩa và Phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế, nhưng mối quan tâm đó không phải là nỗi lo lắng chung chung, mà rất cụ thể bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Hoạt động quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm bảo vệ sự đoàn kết và thống nhất của hệ thống Xã hội chủ nghĩa và Phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế đã đưa đến kết quả là các nước XHCN, tất cả các đảng Cộng sản - Công nhân thế giới đều nhất trí trong việc ủng hộ và chi viện cho cho nhân dân ta trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Kinh nghiệm đấu tranh của ta trong những năm 70 và 80 rõ ràng cho thấy đã có lúc ta không thấm nhuần triệt để tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đặt lợi ích dân tộc lên trên hết: ta có mạnh thì mới có thể giúp bạn tốt được. Sự lẫn lộn trong tầm quan trọng giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa đã có lúc khiến cho ta bị cô lập trên trường quốc tế và nhân dân ta phải trả giá đắt. Do đó muốn bảo vệ tốt nhất lợi ích dân tộc mình trong khi vẫn giữ vững đoàn kết quốc tế hoặc như ngày nay là hội nhập quốc tế thì phải luôn luôn bám sát đường lối quốc tế độc lập tự chủ trong mọi tình huống.

Tóm lại, có thể nói lợi ích tối cao của dân tộc là cái trục bất biến. Ngoại giao nói riêng và người làm cách mạng nói chung phải nắm lấy "cái bất biến" đó để ứng phó với vạn biến.

4. Tư tưởng lớn thứ tư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại là phải xem ngoại giao vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật.

Tư tưởng đó thể hiện ở 3 mặt cụ thể sau đây:

Một là phải có tư duy khoa học, nhạy bén với tình hình quốc tế cũng như trong nước cả về mặt cơ bản cũng như động thái hàng ngày. Muốn thế thì không thể không đào sâu suy nghĩ, tức là nghiên cứu. Chính vì nắm được sít sao diễn biến thời cuộc nên Chủ Tịch Hồ Chí Minh khi thấy Pháp đầu hàng Đức, Người liền quyết định rời châu Âu về Trung Quốc để chỉ đạo trực tiếp phong trào cách mạng trong nước, và cũng ở đó người đã dự đoán rất khoa học và cực kỳ chính xác là năm 1945 cách mạng Việt Nam sẽ thành công. Cũng do nắm vững tình hình đang diễn biến rất nhanh, cho nên sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương ngày 9/3/1945, Đảng ta dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ chí Minh đề ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" (12/3/1945), chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc, và khi có tin Nhật sắp đầu hàng, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập", và đêm 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc của Việt Minh đã ra lệnh Tổng khởi nghĩa. Chính phủ Nhật ra lệnh cho quân đội của họ ngừng chiến đấu sau đó 2 ngày (15/8/1945). Trước khi quân Đồng minh tiến vào Đông Dương tước khí giới quân đội Nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên cáo cho toàn thế giới biết Việt Nam đã là một nước độc lập và "toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Như vậy bằng tầm nhìn xa trông rộng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt quân Đồng minh trước một việc đã rồi khi tiến vào Đông Dương, ở đây vấn đề nắm thời cơ là một điều hết sức quan trọng.

Hai là vấn đề tập hợp lực lượng. Đây vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật. Không có tư duy khoa học, không hiểu rõ lợi ích trước mắt và lâu dài của các đối thủ cũng như của nhân dân thế giới nói chung, thì không thể có chính sách tập hợp lực lượng tốt theo hướng thêm bạn bớt thù. Có nghiên cứu khoa học thôi thì chưa đủ mà cần phải có nghệ thuật tài tình, đây là sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa sự am hiểu tình hình với kinh nghiệm đấu tranh từng trải nhiều năm qua, các cuộc giao tiếp quốc tế để hiểu từ kẽ tóc chân tơ của đối phương thì mới có thể phân hoá chúng cao độ để tập trung vào kẻ thù trực tiếp và chủ yếu nhất, tránh một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù. Hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ cách mạng mới thành công cho đến toàn quốc kháng chiến thể hiện rõ điều đó. ở đây tư tưởng Hồ Chí Minh đã thừa hưởng những truyền thống của cha ông ta và vận dụng vào tình hình mới. Nhân dân ta có câu "bán bà con xa mua láng giềng gần". Điều đó có nghĩa là trong tập hợp lực lượng, đối tượng đầu tiên và quan trọng nhất mà ngoại giao phải tranh thủ để phục vụ lợi ích dân tộc cao nhất là các nước láng giềng. Ngay khi chuẩn bị cho phong trào cách mạng trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sức tranh thủ Trung Quốc (của Quốc dân đảng), Thái Lan để lập các căn cứ hoạt động và nơi huấn luyện cán bộ tương lai cho cách mạng. Sau khi cách mạng thành công, Chủ Tịch Hồ Chí Minh cũng ra sức tranh thủ Trung Quốc (của Tưởng), thiết lập quan hệ với các nước láng giềng như Myanmar, Thái Lan, Â'n Độ (ngoài Lào và Campuchia được xem như anh em) nhằm tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi chung quanh nước ta. Trong 55 năm qua, nhất là trong thời kỳ chiến tranh lạnh, có lúc chúng ta đã sao lãng tư tưởng này của Chủ Tịch Hồ Chí Minh trong khi đề ra chính sách đối ngoại, nên dẫn đến tình trạng ta có quan hệ hầu như thù địch với tất cả các nước láng giềng (trừ Lào và Campuchia).

Thứ ba là ngoại giao phải luôn luôn ở thế tiến công, nắm vững nguyên tắc nhưng luôn luôn mềm dẻo linh hoạt, thực hiện phương châm "lạt mềm buộc chặt", biết đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Thế tiến công theo tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là luôn luôn đưa ra những lời lẽ đao to búa lớn, đưa yêu sách thật cao để đối phương mặc cả hạ xuống là vừa, mà đây là cả một khoa học và nghệ thuật. Trong bất cứ tình huống nào cũng phải lấy cái chính nghĩa mà tấn công địch. Do nắm vững tình hình, ý đồ của đối phương, đôi khi ta cần phải linh hoạt, mềm dẻo, thậm chí chịu nhân nhượng để tiến công đối phương, buộc chúng phải chấp nhận hoà hoãn để ta có thêm thời gian xây dựng lực lượng chuẩn bị cho bước đấu tranh về sau. Hiệp định sơ bộ (6/3) và Tạm ước 14/9 năm 1946 là một ví dụ điển hình. Ngày nay, chúng ta có thể nói nếu không có Hiệp định sơ bộ 6/3, Tạm ước 14/9 thì cũng không có Hiệp định Giơnevơ 1954, và nếu không có Hiệp định Giơnevơ 1954 thì cũng không có Hiệp định Paris 1973 và tất nhiên là không có Đại thắng mùa Xuân 1975.

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh trong nền ngoại giao Việt Nam hiện đại là một công việc đòi hỏi lao động trí óc cá nhân và tập thể của nhiều cơ quan, nhất là các cơ quan nghiên cứu khoa học về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại. Trên đây chỉ là những khái quát về bốn tư tưởng lớn của Người, chắc chắn là chưa đầy đủ và chỉ có tính chất gợi ý, mong rằng sẽ có nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc hơn và cơ bản hơn./.

Cùng chuyên mục