Số 34 - Bầu cử thượng nghị viện: bước thử nghiệm đầu tiên trong cải cách dân chủ ở Thái Lan

09:51 29/03/2012

Bầu cử thượng nghị viện: bước thử nghiệm đầu tiên trong cải cách dân chủ ở Thái Lan

Tác giả: Đặng Cẩm Tú.

Ngày 4/3/2000, 43 triệu cử tri Thái Lan đã đi bỏ phiếu bầu Thượng nghị viện theo tinh thần bản Hiến pháp mới được thông qua năm 1997. Đây là cuộc bầu cử Thượng nghị viện đầu tiên trong lịch sử Thái Lan và cũng là bước thử nghiệm đầu tiên trong quá trình cải cách dân chủ ở nước này. Vậy tính chất dân chủ của cuộc bầu cử và tác động của nó đối với nền chính trị vốn nhiều biến động của Thái Lan thực chất ra sao?

Hiến pháp 1997 - Nấc thang đầu tiên hướng tới nền dân chủ.

Có thể nói, bản Hiến pháp 1997 là nấc thang mới hướng tới nền dân chủ tại Thái Lan. Chế độ quân chủ lập hiến ra đời ở Thái Lan từ năm 1932, nhưng phải đến năm 1978, Quốc hội lưỡng viện mới được thành lập. Hiến pháp 1978 quy định cơ quan lập pháp Thái Lan gồm Hạ nghị viện với 301 thành viên do dân bầu và Thượng nghị viện 225 thành viên do Thủ tướng thừa lệnh nhà vua bổ nhiệm. Chính nguyên tắc bổ nhiệm ấy đã biến Thượng nghị viện Thái Lan trở thành công cụ để chính phủ khống chế nền chính trị đất nước.

Sự ra đời của chế độ lập hiến ở Thái Lan cũng kéo theo việc hình thành nền chính trị đảng phái ở nước này. Tuy nhiên, trong những thập kỷ đầu, ảnh hưởng của các đảng đối với nền chính trị rất mờ nhạt, vì bị quyền lực của giới quân sự lấn át. Giải pháp gần như duy nhất cho cuộc đấu tranh giành quyền lực trong chính phủ Thái Lan là đảo chính. Chỉ từ năm 1932 đến năm 1978, ở Thái Lan đã có 14 cuộc đảo chính với sự ra đời của 12 bản Hiến pháp khác nhau. Nền lập hiến của Thái Lan cũng đã được thiết lập sau một cuộc đảo chính tiến hành dưới sự hậu thuẫn của quân đội Bangkok. Có thể nói, lịch sử nền chính trị Thái Lan là lịch sử của việc quân đội nắm quyền lãnh đạo đất nước. Ngay từ năm 1932, giới quân sự đã thâu tóm và chi phối hầu hết mọi công việc của chính phủ. Đến năm 1973, lần đầu tiên quyền lực này mới gặp phải thách thức; đó là cuộc nổi dậy của sinh viên Bangkok phản đối bản Hiến pháp mới do Thủ tướng Thanom đưa ra. Bản Hiến pháp quy định Quốc hội không do dân bầu mà do chính phủ bổ nhiệm, với 2/3 số thành viên là các quan chức quân đội và cảnh sát. Sau sự kiện này, hoạt động của các đảng chính trị trở nên sôi động hơn, và giai đoạn 1973-1976 được coi là thời kỳ dân chủ đầu tiên ở Thái Lan. Năm 1976, một chính phủ liên hiệp quân đội - dân sự được dựng lên. Tuy nhiên, chính phủ này đã sớm bị lật đổ, và năm 1977, quyền lãnh đạo đất nước lại thuộc về phe quân sự đứng đầu là Thủ tướng Kriangsak, nguyên là Tổng chỉ huy các lực lượng quân sự Thái Lan. Bản Hiến pháp 1978 chỉ là sự nhượng bộ của giới quân sự - đại diện là chính quyền Kriangsak, thể hiện qua việc họ tạm thời chấp nhận một Hạ nghị viện do dân bầu; giới quân sự vẫn nắm quyền chi phối việc bổ nhiệm các Thượng nghị sĩ để thông qua đó khống chế nền chính trị đất nước. Trong nửa đầu thập kỷ 80, giới quân sự còn tiến hành thêm 5 cuộc đảo chính nhằm tiếp tục nắm quyền lực, và Thượng nghị viện vẫn luôn là công cụ thực thi quyền lực của họ.

Thực tế nền chính trị Thái Lan cho thấy sự tồn tại của một Hiến pháp, của một nền chính trị đảng phái, và của các cuộc bầu cử, chưa đủ để xây dựng một nền dân chủ thực sự. Việc quân đội nắm mọi quyền chính yếu trong một thời gian dài dẫn đến tình trạng thiếu dân chủ trong xã hội. Thêm vào đó, việc dùng tiền bạc mua ảnh hưởng và mua phiếu bầu vào các vị trí quyền lực trong Hạ nghị viện ngày càng trở nên không kiểm soát nổi. Với một Thượng nghị viện có nhiều cựu quan chức tham quyền, tham nhũng, hoạt động vì lợi ích cá nhân cục bộ, và nhiều doanh nhân muốn lợi dụng chức vụ nhằm tạo ảnh hưởng trên thương trường, chính trường Thái Lan hoàn toàn thiếu vắng một cơ chế có đủ khả năng đối phó với thực trạng này.

Hiến pháp mới được thông qua ngày 11/10/1997 nhằm mục đích bước đầu đem lại một nền dân chủ tốt đẹp hơn cho Thái Lan. Với quy định Thượng viện được thành lập thông qua bầu cử, Hiến pháp 1997 nhằm tăng cường sự tham gia của công dân vào bộ máy chính trị, đồng thời hạn chế ảnh hưởng của đồng tiền và các nhóm lợi ích đặc biệt - nhất là giới quân sự, trong nền chính trị Thái Lan.

Khác với vai trò như một công cụ thực hiện quyền lực của chính phủ và làm đối trọng với Hạ nghị viện do dân bầu trước kia, Thượng nghị viện mới có tiếng nói quyết định trong việc bổ nhiệm người đứng đầu các cơ quan chính phủ mới được thành lập. Các cơ quan này có chức năng giám sát những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như viễn thông, phát thanh, truyền hình ... và điều tra các vụ tham nhũng. Thượng nghị viện cũng có quyền chỉ định các thành viên của Toà án theo quy định của Hiến pháp và xem xét những lời cáo buộc đòi cách chức các bộ trưởng, kể cả Thủ tướng chính phủ.

Nhằm đảm bảo cho Thượng nghị viện thực hiện được các quyền trên, Hiến pháp mới quy định các ứng cử viên Thượng nghị sĩ phải là những người không dính dáng gì tới các đảng phái chính trị rối ren ở Thái Lan. Các ứng cử viên sẽ không được tranh cử nếu đã từng là thành viên của một đảng chính trị trong vòng 5 năm trước cuộc bầu cử, hoặc đã từng phục vụ cho các quan chức chính phủ. Ư'ng cử viên không được mở các chiến dịch vận động tranh cử. Họ được phép "tự giới thiệu", song không được phép kêu gọi dân chúng bầu cho mình. Họ có quyền tuyên truyền những thành tích cá nhân nhưng không được đưa ra những lời hứa hẹn hay bình luận về chính sách của chính phủ ... Như vậy, Hiến pháp 1997 lần đầu tiên quy định việc thành lập ở Thái Lan một cơ quan gồm những thành viên có trách nhiệm và có năng lực, thực hiện chức năng giám sát hoạt động của chính phủ nhằm ngăn ngừa những tệ nạn vốn đã trở thành cố hữu trong đời sống chính trị Thái Lan.

Bản Hiến pháp được đưa ra trong khi bầu không khí đen tối của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ vẫn bao trùm lên khu vực. Cuộc khủng hoảng, bắt nguồn từ Thái Lan, đã bộc lộ rõ hơn những khuyết tật trong hệ thống chính trị của Thái Lan cũng như của một số nước khác trong khu vực; do đó đã thức tỉnh nhu cầu cải cách theo hướng dân chủ ở các nước này, hoà theo xu thế dân chủ đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Sau khủng hoảng, những cuộc tổng tuyển cử tự do lần lượt được tổ chức tại Indonesia (7/6/1999), Malaysia (29/11/1999), thắng lợi đều thuộc về những người ủng hộ cải cách dân chủ, đặc biệt là cải cách về kinh tế. ở Thái Lan, chỉ vài tháng sau khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, chính phủ mới đã được thành lập gồm liên minh 6 đảng, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Chuan Leekpai, người của đảng Dân chủ. Hiến pháp 1997 là bước cải cách dân chủ đầu tiên của chính phủ mới. Chính phủ cũng đã thông qua các luật kèm theo Hiến pháp mới và một số luật kinh tế quan trọng, liên quan đến chính sách kinh tế của chính phủ và những ràng buộc quốc tế nhằm thích ứng với tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến đổi. Sau hai năm, tình hình nói chung ở Thái Lan đã được cải thiện. Đảng Dân chủ của Thủ tướng Chuan Leekpai đã tạo dựng được uy tín vượt trội hơn các đảng khác trong chính phủ liên minh. Cuộc bầu cử Thượng viện theo tinh thần của Hiến pháp mới được tổ chức ngày 4/3/2000 là một nỗ lực của đảng Dân chủ muốn nâng cao hơn nữa uy tín của họ trong việc thực hiện cải cách dân chủ, nhằm giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11/2000. Thời điểm tổ chức cuộc bầu cử Thượng viện là lúc uy tín của đảng Dân chủ lên cao nhất, sau khi đã thắng thế trong cuộc tranh luận bất tín nhiệm do phe đối lập trong chính phủ tiến hành ngày 15/12/1999.

Cuộc bầu cử Thượng nghị viện ngày 4/3/2000 xem như đã mở ra "chương mới" cho nền chính trị Thái Lan với số phiếu bầu lớn nhất từ trước tới nay, với sự tham dự lần đầu tiên của những nhà hoạt động xã hội có tư tưởng độc lập, những người hoạt động đấu tranh cho nhân quyền, những học giả và kỹ trị gia trong giới lãnh đạo đất nước. Cải cách dân chủ ở Thái Lan gắn liền với việc chuyển từ bộ máy lãnh đạo bị giới quân sự thao túng sang chính phủ dân sự được thành lập thông qua bầu cử rộng rãi. Sự xuất hiện những Thượng nghị sĩ độc lập với giới quân sự qua cuộc bầu cử lần này chứng tỏ lực lượng quân sự đã không còn vai trò kiểm soát Thượng nghị viện như trước, và quyền lực của họ đã bị giảm sút một cách đáng kể. Đây chính là yếu tố dân chủ nổi bật của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, cuộc bầu cử liệu có đem lại hiệu quả thực chất hay không, và nếu có sẽ ở mức độ nào vẫn còn là những điều cần quan tâm.

Những thách thức đối với nỗ lực cải cách dân chủ.

Xung quanh cuộc bầu cử, thực tế đã xuất hiện những thách thức đối với nỗ lực cải cách dân chủ ở Thái Lan.

Thay vì tạo ra những ứng cử viên thực sự dựa vào khả năng phục vụ xã hội của mình để tranh cử, người ta lo ngại rằng việc cấm mở các chiến dịch tranh cử sẽ đem lại ưu thế cho những người vốn có quan hệ ngầm với các đảng phái chính trị. Những đảng này có mối dây liên hệ với những người vận động chuyên nghiệp, họ có khả năng mua phiếu bầu và sắp đặt cho ứng cử viên họ ưa thích cơ hội xuất hiện một cách rất tự nhiên trong những hoạt động quan trọng của cộng đồng. Trước khi diễn ra bầu cử, nhiều ứng cử viên đã bị buộc tội mua phiếu và vận động tranh cử "quá mức độ cho phép". Cảnh sát Thái Lan cho biết khoảng 540 triệu đôla Mỹ đã được trao tay trong đợt mua bán phiếu bầu vừa qua. Uỷ ban bầu cử đã phải hoãn công bố kết quả theo kế hoạch để điều tra những lời buộc tội nói trên. Trên thực tế, đa số các ứng cử viên dù ít hay nhiều đều có quan hệ với các đảng chính trị, bởi các đảng chính trị bao giờ cũng là nơi tập trung cao ảnh hưởng và quyền lực.

Vấn đề là ở chỗ, nếu cuộc bầu cử Thượng nghị viện vẫn chỉ tạo ra một nhóm những Thượng nghị sĩ không đủ phẩm chất, năng lực cần thiết, và Thượng nghị viện vẫn không đại diện cho dân chúng, thì có lẽ các cử tri Thái Lan sẽ thấy mình bị lừa gạt. Đó chính là điều mà một số chính trị gia theo trường phái cũ của Thái Lan mong đợi. Họ hy vọng Uỷ ban bầu cử sẽ bị mất uy tín và không còn giữ được vai trò trong cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới. Song, đó mới chỉ là vấn đề đáng lo ngại của Uỷ ban bầu cử. Một vấn đề khác khá nan giải đã nảy sinh, đó là về tài chính. Uỷ ban bầu cử đã xin chính phủ Thái Lan cấp 1,2 tỷ Baht (tương đương với khoảng 31 triệu đôla Mỹ) để hoạt động trong năm 2000, nhưng họ mới chỉ nhận được 400 triệu Baht. Uỷ ban dự tính phải "mượn tạm" một số quan chức chính phủ sang làm việc cho Uỷ ban, song đã bị họ từ chối hợp tác. Nạn "tiền trao cháo múc" vẫn luôn là điểm hạn chế trong nền chính trị Thái Lan, và vẫn sẽ là bi kịch ngay cả khi Thái Lan sẵn sàng chi tiền để tạo cho được một nền dân chủ tốt đẹp hơn. Vì thế, nỗ lực xây dựng nền dân chủ theo đúng nghĩa của nó ở Thái Lan sẽ phải đương đầu với những khó khăn không dễ vượt qua.

Cuộc bầu cử Thượng nghị viện Thái Lan đã được các nhà phân tích xem như đợt chạy đua thử nghiệm cho cuộc bầu cử Hạ nghị viện mới. Trước khi diễn ra cuộc bầu cử, ngày 15/2/2000, phe đối lập do phó Thủ tướng Chavalit Yongchaiyudh đứng đầu đã tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm phá vỡ uy tín của chính phủ Dân chủ đương nhiệm cuả Thủ tướng Chuan Leekpai. Phe đối lập chỉ trích "chính phủ của Thủ tướng Chuan Leekpai đã thất bại trong việc quản lý, điều hành đất nước về kinh tế, đối ngoại, thi hành chính sách dựa dẫm và có lợi cho nước ngoài, bênh vực những lợi ích của phe phái mình, do vậy đã gây thiệt hại cho đất nước về lâu dài. Vì thế, phái đối lập bất tín nhiệm toàn bộ chính phủ". Hành động của phe đối lập do Đảng Khát vọng mới (NAP) của ông Chavalit khởi xướng nhằm thu hút sự ủng hộ hướng tới cuộc bầu cử Hạ nghị viện sắp tới; đồng thời gây sức ép buộc Thủ tướng Chuan giải tán Quốc hội và tiến hành cuộc bầu cử Hạ nghị viện sớm để tạo ra một Quốc hội theo Hiến pháp mới, mở đường cho tiến trình cải cách chính trị đầy đủ ở Thái Lan. Chính phủ đương nhiệm đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với thắng lợi 255 phiếu thuận trên 125 phiếu chống và 13 nhà làm luật thuộc phe đối lập bỏ phiếu trắng. Tuy nhiên, sau ngày 4/3/2000, các đảng phái khác, cùng một số Thượng nghị sĩ mới trúng cử, vẫn tiếp tục gây sức ép, đòi chính phủ sớm tổ chức bầu cử Hạ nghị viện mới. Bầu không khí chính trị Thái Lan trở nên sôi động và hoạt động tranh cử của các đảng chính trị càng ráo riết hơn. Cuộc bầu cử Thượng nghị viện đã dấy lên làn sóng cải cách dân chủ trong nhân dân Thái, khẩu hiệu "dân chủ" xem ra có sức nặng trong chiến dịch tranh cử. Ư'ng cử viên Thaksin Sinwattra, Chủ tịch đảng Thai Rak Thai, người được coi là có triển vọng làm Thủ tướng với một chính sách khôi phục đất nước có hiệu quả, cũng đã nhiều lần tuyên bố "đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết" trong chiến dịch vận động của mình.

Về Hạ nghị viện mới, Hiến pháp 1997 quy định các bộ trưởng phải công khai tài sản, các ứng cử viên phải có bằng Đại học và không bị kết án tù trong thời gian gần bầu cử. Người ta hy vọng quyền lãnh đạo đất nước sẽ dần được chuyển giao từ thế hệ các "cựu chiến binh" sang những người trẻ tuổi trong các đảng chính trị. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao này đòi hỏi phải có thời gian. Thế hệ lãnh đạo cũ chưa thể hoàn toàn rời bỏ chính trường Thái Lan. Trong cuộc tranh cử đang diễn ra, người dân TháI Lan vẫn nghe thấy những lời buộc tội Chủ tịch đảng NAP Chavalit bí mật ra lệnh cho các Hạ nghị sĩ thuộc đảng này từ chức sau cuộc bầu cử Thượng nghị viện và tiếp tay cho các cuộc biểu tình của dân chúng để buộc Chính phủ phải sớm tuyên bố giải tán Hạ viện; hoặc việc đảng Dân chủ của Thủ tướng đương nhiệm Chuan Leekpai đã giải quyết được rất nhiều khó khăn của đất nước lại đang phải đối phó với một số vụ tham nhũng mới bị dư luận phanh phui ...

Quá trình cải cách dân chủ hướng tới một nền chính trị "trong sạch" hơn theo tinh thần Hiến pháp mới của Thái Lan sẽ còn cả một chặng đường phía trước./.

Tài liệu tham khảo:

1- Các nước Đông Nam A' - Lịch sử và hiện tại. Viện Đông Nam A'.- HN, 1990.

2- Báo Nhân dân ngày 6/3/2000.

3- Tài liệu tham khảo đặc biệt (TTXVN) số ra các ngày 9/12/1999, 10/12/1999, 23/12/1999.

4- CIA World Factbook: Thailand.

5- Demi - democracy: the Evolution of the Thai political system. Times Academic Press. 1992.

6- Roger Mitton. "The Resilience of "Dinosaurs". Asiaweek, January 21st 2000, Vol.26, No.2

7- "First - ever elections test democracy in Thailand". Asiaweek, March 4th 2000.

8- Mired in money politics. The economist, March 4th 2000./.

Cùng chuyên mục