Số 34 - Cuộc hòa giải trên bán đảo Triều Tiên

09:47 29/03/2012

Cuộc hòa giải trên bán đảo Triều Tiên

Tác giả: Phan Doãn Nam.

Không ai quá đỗi ngây thơ cho rằng tất cả những mâu thuẫn tích luỹ trên bán đảo Triều Tiên trong 50 năm qua có thể được giải quyết trong 3 ngày họp thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo cao nhất của hai miền vào giữa tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên những gì diễn ra ở Bình Nhưỡng trong 3 ngày 13, 14 và 15/6/2000 đã làm cho tất cả mọi người kể cả những người bi quan nhất cũng phải thừa nhận đó là một sự kiện lịch sử đẩy lùi những tàn tích chiến tranh lạnh trên bán đảo này và mở ra một triển vọng mới cho nền hoà bình, hoà giải dân tộc và tiến đến việc hai miền Nam - Bắc Triều Tiên cùng chung sống hoà bình trong một đại gia đình dân tộc. Nó đã tháo chốt ngòi nổ tiềm tàng ở Đông Bắc A', khu vực nhạy cảm và dễ đổ vỡ nhất đối với nền hoà bình và an ninh của toàn bộ khu vực Châu A' - Thái Bình Dương. Thành tựu này không chỉ của riêng ai mà trước hết phải thấy đây là thắng lợi của cuộc đấu tranh không mệt mỏi của nhân dân hai miền Nam, Bắc Triều Tiên trong vòng 50 năm qua cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc "một cách tự chủ" (tức là theo những đặc điểm của Triều Tiên và không có sự can thiệp của nước ngoài). Tuyên bố chung Nam - Bắc ký ngày 14/6/2000 giữa lãnh tụ Kim Jung Il của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Tổng thống Hàn Quốc Kim Tae Jung đã nêu rõ điều đó.

1. Để có thể hình dung liệu sự hoà giải lần này có thật sự là một cột mốc lịch sử trong quá trình tiến tới một sự thống nhất bán đảo Triều Tiên hay chỉ là một mưu mẹo mới của 2 bên trong cuộc đối đầu không đội trời chung, trước hết cần hiểu rõ những nguyên nhân đưa hai bên đến cuộc họp thượng đỉnh này. Có thể có hai nguyên nhân chính:

Một là tình hình thế giới đã thay đổi. Những mâu thuẫn về ý thức hệ tuy vẫn còn nhưng tất cả các nước đều đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Các nước lớn không những không sẵn sàng gây chiến tranh với nhau chỉ vì những mâu thuẫn về ý thức hệ mà họ cũng không còn sẵn sàng hy sinh con em của mình cho sự nghiệp của người khác như trong chiến tranh lạnh. Cuộc cạnh tranh về kinh tế diễn ra ngày càng gay gắt, nhất là trong thời đại toàn cầu hoá và nền kinh tế tri thức. Đây là điều mà cả hai miền Nam, Bắc Triều Tiên phải tính đến. Những phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Nam Triều Tiên trong những thập kỷ qua làm cho tinh thần dân tộc của họ cũng phát triển theo. Chẳng thế mà họ tự xưng là Đại Hàn. Tinh thần dân tộc này bị đụng chạm khi họ đã là "rồng" là "hổ" về kinh tế nhưng vẫn phải phụ thuộc vào Mỹ về mặt an ninh chừng nào còn duy trì cuộc đối đầu với CHDCND Triều Tiên. Một cuộc chiến tranh chống Bắc Triều Tiên để thống nhất đất nước sẽ làm cho kinh tế của họ bị phá sản và càng phụ thuộc vào Mỹ và Nhật. Mặt khác họ không đủ sức để làm như Tây Đức trong việc thống nhất với Đông Đức. Chính sách "A'nh Dương" của Tổng thống Kim Tae Jung là nhằm giải quyết mâu thuẫn đó. Nguyên tắc chính của chính sách này là "trừ phi miền Bắc khiêu khích quân sự, miền Nam không chủ trương thống nhất thông qua việc thôn tính miền Bắc và luôn luôn kiên trì chính sách cùng tồn tại hoà bình và hợp tác với miền Bắc". Chính sách "A'nh Dương" cũng chủ trương tách rời chính trị khỏi kinh tế và không chủ trương tất cả mọi hành động đều phải có qua có lại, và Hàn Quốc sẵn sàng giúp CHDCND Triều Tiên thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế. Tổng thống Kim Tae Jung khi còn là một lãnh tụ đối lập ở Hàn Quốc đã từng chủ trương hoà giải với CHDCND Triều Tiên.

Hai là, sự điều chỉnh chiến lược của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Sau khi Chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời, lãnh tụ Kim Jung Il đã bỏ ra 5 năm để xem xét lại chiến lược của cha ông và vạch ra một chiến lược mới dựa trên nguyên tắc vừa kế thừa vừa đổi mới cho phù hợp với tình hình mới. Ông không thể không nhận thấy rằng tất cả đồng minh của CHDCND Triều Tiên giờ đây đã lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc và cải thiện quan hệ với Mỹ và Nhật. Muốn hay không CHDCND Triều Tiên đã rơi vào thế cô lập. Rõ ràng không một nước nào sẵn sàng nhảy vào cứu Bắc Triều Tiên nếu xung đột vũ trang lại nổ ra như hồi đầu những năm 50. Trái lại tất cả các nước lớn đều cố tránh dính líu vào một cuộc đối đầu quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Trong lúc CHDCND Triều Tiên bị cô lập về chính trị và khủng hoảng về kinh tế thì Hàn Quốc lại được thế giới vồ vập do những phát triển thần kỳ về kinh tế. Tuy nhiên ông ta cũng thấy chỗ yếu của Nam Triều Tiên là không muốn chiến tranh vì kẻ giàu bao giờ cũng không thích phải đi đánh nhau. Việc Ông Kim Tae Jung, một lãnh tụ đối lập đã từng bị các chính quyền Nam Triều Tiên trước đây bắt giam, trúng cử Tổng thống có thể đã gây được một ấn tượng tốt đối với các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Ngày 18/4/1998 lãnh tụ Kim Jung Il cho xuất bản tác phẩm: "Chúng ta hãy thống nhất đất nước một cách độc lập và hoà bình thông qua đại đoàn kết của toàn thể dân tộc" nêu lên chính sách 5 điểm: 1) Đại đoàn kết dân tộc phải triệt để dựa trên nguyên tắc độc lập dân tộc; 2) Toàn thể dân tộc phải đoàn kết dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước, ngọn cờ tái thống nhất dân tộc; 3) Miền Bắc và miền Nam phải cải thiện quan hệ với nhau; 4) Chúng ta phải bác bỏ sự thống trị và can thiệp của các lực lượng bên ngoài và đấu tranh chống lại bọn phản bội dân tộc, các lực lượng chống tái thống nhất, câu kết với các lực lượng bên ngoài; 5) Tất cả người Triều Tiên ở miền Bắc, miền Nam và ở nước ngoài cần thăm viếng lẫn nhau, tổ chức tiếp xúc, xúc tiến đối thoại và tăng cường đoàn kết.

Như vậy Kim Jung Il vừa thừa kế được những ý tưởng của cha về thống nhất đất nước theo nguyên tắc độc lập, hoà bình và đại đoàn kết dân tộc vừa đưa ra những biện pháp cụ thể căn cứ vào sự phát triển mới của tình hình quốc tế và trong nước và nhất là thời cơ ở Nam Triều Tiên- chính quyền của Tổng thống Kim Tae Jung không chỉ có những tuyên bố mà còn có nhiều hành động thiện chí. Sự nghi ngờ của Bắc Triều Tiên đối với chính quyền Kim Tae Jung cũng giảm dần. Việc Bắc Triều Tiên tuyên bố đồng ý (10/4) về việc sẽ có cuộc họp cấp cao giữa hai ông Kim 3 ngày trước khi diễn ra cuộc Tổng tuyển cử ở Nam Triều Tiên có thể là một dấu hiệu cho thấy họ có thiện cảm với chính quyền Kim Tae Jung.

Sự điều chỉnh chiến lược của Bắc Triều Tiên cũng được thể hiện rõ trong quan hệ với các nước.

CHDCND Triều Tiên đã chủ động xích lại gần Trung Quốc bằng chuyến thăm bất thường ngày 5/3/2000 đến sứ quán Trung Quốc tại Bình Nhưỡng và trong chuyến thăm bí mật Trung Quốc ngày 3/5, ông Kim Jong Il , có tin nói đã hoan nghênh những cải cách kinh tế "theo hướng thị trường của Trung Quốc". Tất nhiên ông cũng nói Triều Tiên sẽ làm theo cách của mình. Như vậy là cuối cùng Bắc Triều Tiên cũng thấy cần phải mở cửa ra với thế giới, hội nhập vào thế giới hoặc ít nhất cũng không nên bơi ngược dòng với xu thế thời đại.

Có lẽ trên cơ sở "tư duy mới" đó, Bắc Triều Tiên đã có một loạt hoạt động đối ngoại nhằm lập hoặc cải thiện quan hệ ngoại giao với nhiều nước, đạc biệt là một số nước phương Tây (Australia, Italia v,v...). Bắc Triều Tiên cũng đã từng bước hội nhập vào khu vực như trở thành thành viên của Hội đồng an ninh châu A' - Thái Bình Dương (CSCAP), diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) v.v...Cuộc đàm phán với Mỹ vẫn được tiếp tục, thậm chí Bắc Triều Tiên còn cho phép một đoàn Mỹ vào kiểm tra địa điểm bị Mỹ tình nghi là cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Như vậy, sự điều chỉnh chiến lược của CHDCND Triều Tiên là có hệ thống với lộ trình rõ ràng và việc đồng ý họp hội nghị cấp cao hai miền là nằm trong kế hoạch điều chỉnh chiến lược đó.

2. Thành quả của cuộc họp thượng đỉnh Bình Nhưỡng rõ ràng đã vượt quá sự mong đợi của các bên liên quan. Hàn Quốc có lý do để hài lòng không những vì cuộc đón tiếp nồng nhiệt của khoảng 1/2 triệu người dân Bắc Triều Tiên và thái độ cởi mở thậm chí còn vỗ tay tán thưởng của bản thân lãnh tụ Bắc Triều Tiên đối với Tổng thống Kim Tae Jung, mà còn ở việc Chủ tịch Kim Jung Il đã nhận lời sớm đến thăm Seoul. Bằng sự kiện ngoại giao ngoạn mục này, Bắc Triều Tiên đã làm cho thế giới phương Tây sững sờ trước thái độ năng động, cởi mở nhiệt tình của lãnh tụ Kim Jung Il mà lâu nay phương Tây vẫn mô tả như là một nhân vật bí hiểm. Họ cũng thấy được mặc dù khó khăn nhưng nhân dân Bắc Triều Tiên vẫn rất tôn sùng lãnh tụ của họ.

Trung Quốc có lý do hài lòng thì đã rõ. Sau khi lãnh tụ Kim Jung Il bất thường thăm sứ quán Trung Quốc ở Bình Nhưỡng, Trung Quốc đã giúp tổ chức các cuộc hội đàm bí mật giữa đại diện hai miền ở Thượng Hải mà kết quả là đi đến thoả thuận có cuộc họp thượng đỉnh giữa hai miền. Bắc Triều Tiên cũng đã tham khảo ý kiến Trung Quốc về cuộc họp thượng đỉnh này qua chuyến thăm bí mật của Kim Jung Il sang Trung Quốc như đã nói trên. Trong bàn cờ ở Đông Bắc A' sau cuộc họp thượng đỉnh này, Trung Quốc ở thế tốt nhất vì có quan hệ thân thiết với cả hai miền.

Mỹ và Nhật lúc đầu cũng hơi lo ngại, do đó đã có cuộc hội kiến bất thường giữa Clinton và Kim Tae Jung, và giữa Kim Tae Jung với Thủ tướng Mori của Nhật ngày 8/6 bên lề lễ tang cố thủ tướng Obuchi. Nhưng sau khi bản tuyên bố 5 điểm giữa Kim Jong Il và Kim Tae Jung được công bố, họ đã thở phào nhẹ nhõm. Hai bên Nam, Bắc Triều Tiên đã khôn khéo tránh né bàn những vấn đề gây cấn tại cuộc tiếp xúc đầu tiên này (như việc CHDCND Triều Tiên đòi rút quân Mỹ và vấn đề vũ khí hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên mà Mỹ yêu cầu Hàn Quốc nêu ra. Tuyên bố chung chỉ đề cập đến những vấn đề liên quan đến việc hoà giải và đi đến thống nhất giữa hai miền.

Nga cũng hài lòng. Tuy không được tham khảo trước về cuộc hội nghị thượng đỉnh này, mặc dù trước đó ngoại trưởng Nga Ivanov đã thăm CHDCND Triều Tiên, nhưng Bắc Triều Tiên đã mời Tổng thống Nga V. Putin thăm Bình Nhưỡng vào tháng 7/2000, và Bắc TriềuTiên cũng như Trung Quốc không phản đối có cuộc họp 6 bên gồm hai miền Nam, Bắc Triều Tiên và 4 nước lớn là Trung quốc, Mỹ, Nhật và Nga. Nhưng điều cơ bản là, nếu lò lửa căng thẳng và xung đột ở bán đảo Triều Tiên bị dập tắt, thì điều đó rất có lợi cho an ninh của Nga ở phía Đông, nhất là khi quân Mỹ phải rút khỏi Nam Triều Tiên.

Tuy có sự mở đầu tốt đẹp như đã nói ở trên, nhưng vấn đề hoà bình, ổn định và thống nhất Triều Tiên là một quá trình đấu tranh lâu dài và đầy quanh co, phức tạp. Chính Tổng thống Nam Triều Tiên cũng thấy rằng việc thống nhất Triều Tiên không thể được thực hiện trong nhiệm kỳ tổng thống của ông ta, tức là trong 3,4 năm tới. Tuy đã nhất trí với nhau về những điểm chung giữa các phương án thống nhất đất nước của hai miền nhưng việc biến những điểm chung đó thành kế hoạch cụ thể là cả một quá trình lâu dài và phức tạp. Nam Triều Tiên đưa ra phương án liên bang, còn Bắc Triều Tiên đưa ra phương án hợp bang (Confederal State), bằng cách thiết lập một chính phủ dân tộc thống nhất trên nguyên tắc miền Bắc và miền Nam thừa nhận và bao dung ý kiến, chế độ chính trị của nhau, một chính phủ trong đó 2 bên có đại diện ngang nhau và thực thi quyền tự trị khu vực ở mỗi miền với quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau. Nhà nước đó theo Bắc Triều Tiên được gọi là Cộng hoà hợp bang dân chủ Koryo (Democratic Confederal Republic of Koryo). Nhà nước đó dựa trên cơ sở một dân tộc, một nhà nước, hai chế độ và hai chính phủ (xem tham luận của Choc Sik Hun, phó giám đốc viện giải trừ quân bị và hoà bình của CHDCND Triều Tiên tại Hội nghị bàn tròn Kuala Lumpur 6/2000). Đây là một mô hình chưa từng có trong quan hệ quốc tế hiện đại, do đó việc thực thi như thế nào là cả một vấn đề đòi hỏi thời gian.

Khó khăn thứ hai là những vấn đề gay cấn như đã nói trên. Mỹ và Nhật rất lo lắng về khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên. Mỹ và Nhật đang triển khai kế hoạch tên lửa phòng thủ, tên lửa chiến trường TMD trước hết là nhằm vào CHDCND Triều Tiên mà cho đến nay Mỹ vẫn xem là một nhà nước "bất trị". Mỹ tuy đã nới lỏng lệnh cấm vận đối với Bắc Triều Tiên, nhưng còn lâu mới có quan hệ bình thường. Trong lúc đó CHDCND Triều Tiên đòi quân Mỹ rút khỏi Hàn Quốc và ký hoà ước với CHDCND Triều Tiên. Đó là những đòi hỏi mà Mỹ khó chấp nhận. Không những vậy, Nhật và một số nước trong khu vực- vì lợi ích riêng của mình- không muốn Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc.

Khó khăn thứ ba là vấn đề TriềuTiên đã bị quốc tế hoá quá lâu. Do đó nó liên quan đến lợi ích của nhiều nước, trước hết là bốn nước lớn ở khu vực này. Tuy các nước lớn đều có lợi ích không để vấn đề Triều Tiên bùng nổ thành một cuộc chiến tranh mới, nhưng vì có lợi ích khác nhau, nên không nước nào muốn vấn đề Triều Tiên được giải quyết mà lợi ích của mình bị gạt ra ngoài. Do đó nó đòi hỏi một quá trình hiệp thương lâu dài giữa các nước này với hai miền Nam, Bắc Triều Tiên trước khi đi đến một giải pháp mà các bên đều có thể chấp nhận được.

Khó khăn thứ tư là, vấn đề hoà bình ổn định và thống nhất Triều Tiên không thể tách rời khỏi vẫn đề hoà bình và an ninh ở Đông A'. Nền hoà bình và an ninh ở Đông A' đang có xu hướng phát triển phức tạp do chính sách bá quyền của Mỹ. Nhằm ngăn chặn không cho bất cứ một nước nào có thể nổi lên thách thức bá quyền của Mỹ ở khu vực này, Mỹ đã và đang nâng cấp các liên minh quân sự giữa Mỹ và một số nước ở khu vực, đưa ra kế hoạch triển khai chương trình tên lửa chống tên lửa NMD và TMD, khuyến khích các lực lượng ly khai ở Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của nhiều nước dưới danh nghĩa bảo vệ dân chủ, nhân quyền v.v... Tất cả những điều đó trực tiếp hoặc gián tiếp đều có ảnh hưởng đến cuộc hoà giải trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy còn nhiều khó khăn như vậy song cũng cần khẳng định rằng những chuyển động đang diễn ra ở trên bán đảo Triều Tiên cho thấy tinh thần độc lập tự chủ, nguyện vọng hoà bình, hoà hợp dân tộc và hợp tác phát triển là chủ đề chính của thế giới trước ngưỡng cửa của thế kỷ mới./.

Cùng chuyên mục