Số 34 - Hợp tác đầu tư - thương mại Việt Anh trong những năm gần đây

10:22 29/03/2012

Hợp tác đầu tư - thương mại Việt Anh trong những năm gần đây

Tác giả: Hoàng Xuân Hòa.

Quá trình hợp tác đầu tư - thương mại giữa Việt Nam và Anh đã trải qua một thời gian dài phát triển. Với một vị thế lớn trong nền kinh tế, thương mại ở châu Âu, quan hệ đầu tư - thương mại Việt - Anh ngày càng có cơ hội phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Hiện nay, Anh đứng thứ 10 trong danh sách những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam và đứng ở vị trí thứ hai trong Liên minh châu Âu. Các công ty và tập đoàn kinh tế của Anh đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ rất sớm, ngay từ khi có Luật đầu tư nước ngoài. Cho đến quí 1/1999, Anh có 32 dự án được cấp giấy phép với số vốn đầu tư là 1.209 triệu USD. Nhìn chung các dự án của Anh được hình thành tương đối đồng đều về số lượng và chủ yếu thông qua các hình thức : hợp doanh có 10 dự án vốn đầu tư đạt 653 triệu USD, chiếm 56,4% vốn đầu tư. Tiếp đến là hình thức liên doanh với 9 dự án, vốn đầu tư là 217 triệu USD, chiếm 18,7% vốn đầu tư. Cuối cùng là loại hình doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài với 6 dự án, vốn đầu tư chỉ là 16 triệu USD chiếm 1,4%.

Với số liệu trên cho thấy các dự án của Anh có nguồn vốn khá lớn so với các nhà đầu tư khác do họ có trình độ phát triển cao, kinh nghiệm đầu tư phong phú, thêm vào đó, các nhà đầu tư Anh tiếp cận thị trường Việt Nam tương đối sớm và tỏ ra nổi trội hơn bởi khả năng tiếp cận thị trường, khả năng dồi dào về vốn, công nghệ và danh tiếng truyền thống trên thị trường thế giới. Do vậy các doanh nghiệp Anh rất yên tâm bỏ vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua các dự án có tầm vóc khá lớn với mức vốn bình quân của một dự án là 44,5 triệu USD, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung ở nước ta là 16 triệu USD/1 dự án. Con số này cũng tương đối lớn so với các nước khác trong khu vực châu Âu.

Nước Anh là một trong những cái nôi của nền khoa học kỹ thuật của nhân loại, nền công nghiệp phát triển rất sớm. Chính vì vậy,các nhà đầu tư Anh thường chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn, khoa học công nghệ cao. Hiện nay Anh đã có 16 dự án thuộc ngành công nghiệp (chiếm 61.5% số dự án, vốn đầu tư là 722 triệu USD, chiếm 62,4% số vốn đầu tư. Trong công nghiệp nặng, ngành dầu khí chiếm đa số các dự án, 8 dự án về thăm dò khai thác dầu khí với số vốn đầu tư là 363 triệu USD, chiếm 31.3% vốn đầu tư) ; 2 dự án đầu tư vào ngành giao thông vận tải - bưu điện (với số vốn là 298 triệu USD chiếm 24.4% vốn đầu tư) ; 2 dự án về khách sạn du lịch (số vốn đầu tư là 133 triệu USD chiếm 11.5% vốn đầu tư). Các dự án còn lại là các dự án nhỏ thuộc các lĩnh vực dịch vụ, nông - lâm nghiệp, tài chính - ngân hàng.

Ngoài khu vực thềm lục địa, địa bàn đầu tư chủ yếu của các nhà đầu tư Anh là thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Bắc. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Anh có 9 dự án chiếm 9% số dự án với số vốn đầu tư là 3.545 triệu USD, chiếm 30.5% tổng số vốn đầu tư. Tại Hà Nội có 4 dự án đầu tư với số vốn là 392 triệu USD, chiếm 33.8% vốn đầu tư. Các tỉnh khác như Vĩnh Phúc 430 triệu USD chiếm 2,5% số vốn, Hà Tây 2.5 triệu USD, Ninh Bình 2.2 triệu USD.

Trong số các nhà đầu tư lớn của Anh đầu tư vào Việt Nam thì nổi bật là một số các công ty, tập đoàn lớn như : Trafalgar House, John Laing International Limited, Acer Consult trong lĩnh vực xây dựng ; trong lĩnh vực tài chính phải kể đến một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu của Anh và thế giới là Standard Chartered; ngoài ra còn có ngân hàng AZN, tập đoàn Baclas...; trong lĩnh vực dầu khí có các tập đoàn BP, Eprprise Oil, Castrol, Bristish Gas... ; về nông nghiệp có General Pacific - chuyên kinh doanh nông sản và máy móc, Agesystems (Overseas) Ltd. là tập đoàn tư vấn về phát triển nông thôn khá thành công ở châu A'... Ngoài các công ty, tập đoàn lớn nêu trên còn có các công ty, tập đoàn, liên doanh khác của Anh cũng khá thành công và có uy tín trên thị trường Việt Nam như Cathay Pacific, British Airway, ICI, Liên doanh International Paont...

Các nhà đầu tư Anh cũng đã đóng góp một phần đáng kể vào sự đóng góp chung của Liên minh châu Âu đối với phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong suốt những năm qua. Trong 32 dự án của Anh hiện nay thì chỉ có 26 dự án còn đang hoạt động đã góp được số vốn là 948 triệu USD chiếm 81.8% vốn đăng ký nói chung. Doanh thu của các dự án này là 194 triệu USD, tạo việc làm cho 2023 lao động trực tiếp và hàng trăm lao động gián tiếp khác trong các ngành xây dựng cơ bản và dịch vụ có liên quan.

Với những kết quả trên cho thấy các nhà đầu tư Anh đánh giá cao thị trường và khả năng phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Anh nổi tiếng là thận trọng và tính toán kỹ lưỡng trong việc lựa chọn thị trường đầu tư, do đó Việt Nam cần có những chính sách thích hợp hơn và ổn định để tạo ra sự yên tâm cho các nhà đầu tư. Hiện nay, còn rất nhiều nhà đầu tư lớn của Anh vẫn chưa thực sự đầu tư vào thị trường Việt Nam. Họ chỉ đầu tư thông qua các nước trung gian nhiều hơn.

Kể từ năm 1993, khi chính phủ Anh đã tháo gỡ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đối với Việt Nam sau 12 năm bị gián đoạn, hàng Việt Nam xuất khẩu vào Anh đã được hưởng những chế độ ưu đãi về thuế quan (GSP) như các nước đang phát triển khác. Điều đó đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ thương mại Việt - Anh, mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển đầu tư - thương mại giữa hai nước nói riêng và với EU - ASEAN nói chung. Và gần đây nhất, một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình thúc đẩy quan hệ đầu tư thương mại Việt - Anh là vào tháng 12/1999 Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) ở thành phố Hồ Chí Minh và Tổng Lãnh sự quán Anh đã phối hợp tổ chức giới thiệu chương trình hợp tác Việt - Anh , với sự tham gia của 60 doanh nghiệp Anh và 60 doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một cơ hội vàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai nước gặp gỡ, trao đổi hợp tác kinh doanh, tạo nên những nét khởi sắc mới trong quan hệ đầu tư, thương mại giữa hai nước.

Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã không ngừng tăng lên từ 214 triệu USD năm 1996 đến 429 triệu USD trong năm 1998 và 285 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 1999. Trong thời kỳ 1995 - 1998, Anh chiếm 14,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU với tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao đạt 64,73%/năm. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vào thị trường Anh là giầy dép (trong thị trường EU, Anh là nước nhập khẩu giày dép của Việt Nam nhiều nhất), cà phê, dệt may, gạo, hải sản và hàng thủ công mỹ nghệ. Việt Nam nhập khẩu từ Anh thiết bị máy móc, phụ tùng, sợi hóa học, sắt và dược phẩm...

Bảng 1 : Kim ngạch xuất - nhập khẩu Việt Nam – Anh (Đơn vị : Triệu USD)

Năm

1995

1996

1997

1998

7 tháng đầu năm 1999*

Anh

XK

NK

XK

NK

XK

NK

XK

NK

XK

NK

75

51

126

88

256

180

333

96

245

40

Nguồn : - Tạp chí Việt Nam và Đông Nam A' ngày nay, số 24, tháng 12/1998, Tr. 15.

- * Tạp chí Ngoại thương, số 40, tháng 10/1999, Tr. 14.

Sự phát triển ổn định của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây đã thu hút được nhiều sự quan tâm, chú ý của các doanh nghiệp Anh. Hiện nay, tổ chức Hiệp hội thương mại Anh ở Việt Nam đã có 210 thành viên tham gia, ngoài ra còn có hơn 100 văn phòng đại diện và các công ty liên doanh của Anh ở Việt Nam. Đây chính là những nhân tố tích cực góp phần cho quan hệ đầu tư - thương mại Việt - Anh phát triển một cách có hiệu quả về chất và lượng.

Tuy nhiên, các hoạt động trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn, tương xứng với những tiềm năng sẵn có của cả hai bên. Việt Nam vẫn chưa khai thác được hết những tiềm năng của mình đối với các sản phẩm nông nghiệp. Đây là những sản phẩm rất có triển vọng đối với thị trường Anh. Nguyên nhân chủ yếu là do sự yếu kém về công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch dẫn đến chất lượng sản phẩm không đạt, nghèo nàn về chủng loại, không thích nghi kịp với những yêu cầu cao của thị trường Anh cũng như thị trường EU nói chung. Trong những năm tới, mục tiêu của Việt Nam là tăng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang thị trường Anh đạt 4 tỷ USD (gồm các sản phẩm : gạo, cà phê, cao su, thịt, chè và rau quả). Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần có những giải pháp như tăng cường liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để có thể đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao và ổn định năng suất, chất lượng đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Ngoài ra còn do những yếu tố ảnh hưởng khác như : nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là sản xuất nhỏ, lạc hậu, năng suất và hiệu quả thấp, mới chuyển đổi nền kinh tế từ tự cung, tự cấp sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần. Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu bị hạn chế.

Thị trường Anh cũng như thị trường EU nói chung thuộc loại thị trường khó tính, khó thâm nhập, lại thường xuyên gắn những vấn đề không liên quan đến thương mại (ví dụ như các vấn đề về nhân quyền, quyền của người lao động, quy định bảo tồn tài nguyên rừng và biển, môi trường...). Những việc này, cùng với chế độ quản lý nhập khẩu liên tục đặt ra những quy chuẩn vệ sinh, tiêu chuẩn công nghệ theo những quy định chung của EU hết sức phức tạp, đã ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chế biến của Việt Nam vào thị trường Anh.

Trước những xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới hiện nay, cả Việt Nam và Anh đều đã có những nỗ lực khai thông những ách tắc nhằm thắt chặt mối quan hệ kinh tế, thương mại vì lợi ích của cả hai bên. Việt Nam và Anh đã ký kết một chương trình hợp tác Việt - Anh được thực hiện trong 5 năm, đó là một trong những chương trình của "Quỹ hợp tác đầu tư của ECIP" (Quỹ chương trình của EU trợ giúp liên doanh và chuyển giao công nghệ giữa các công ty của EU và các nước đang phát triển bao gồm cả Việt Nam). Bẩy lĩnh vực được ưu tiên thực hiện trong chương trình này là : chế biến nông nghiệp, hải sản, thực phẩm ; công nghệ môi trường ; nghiên cứu thị trường ; tăng khối lượng hàng xuất khẩu và mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong chương trình này hai bên sẽ:

- Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các tổ chức xúc tiến bán hàng.

- Trợ giúp các công ty trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa.

- Tăng cường sự hợp tác và đầu tư hơn nữa trong lĩnh vực chế biến nông nghiệp và thực phẩm.

- Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các công ty liên doanh, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển với những sản phẩm có nhiều tiềm năng.

Chương trình này cũng sẽ trợ giúp các doanh nghiệp nhận được nguồn vốn từ Cộng đồng châu Âu (EC), Ngân hàng thế giới (WB) và các ngân hàng phát triển khu vực nhằm mở rộng khả năng xuất khẩu. Các doanh nghiệp của Việt Nam được trợ giúp nguồn vốn này đã được xác định trong giai đoạn một của chương trình với trị giá 1,2 triệu USD. Nguồn ngân quỹ chủ yếu của chương trình nhận được từ sự trợ giúp của Chính phủ của cả hai bên thông qua Đại sứ quán, Vụ thương mại Anh, Vụ phát triển đầu tư và thương mại, Phòng công nghiệp và thương mại, Vụ thương mại nước ngoài của Anh.

Sau một thời gian khởi đầu thực hiện, chương trình cũng đã nhận được sự giúp đỡ từ phía Cộng đồng châu Âu (EC). Ông Frederic Baron, Đại sứ EU đến Việt Nam nói : "Các quốc gia ở Đông Nam châu A' trong đó có Việt Nam đã có sự phát triển và hội nhập vào guồng máy của nền kinh tế thế giới, vì vậy sự hợp tác kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực và châu Âu ngày càng trở nên quan trọng hơn trong tương lai".

Sau nhiều năm nền kinh tế của Anh cũng như nền kinh tế EU bị suy thoái thì nay đã có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng một cách lạc quan. Với tỷ lệ tăng trưởng năm 1999 là 2,1% (Anh là 1,1%) và năm 2000 ước tính là 3,1% (Anh là 1,5%), lợi nhuận của các công ty có chiều hướng tăng lên, các ngành sản xuất ôtô, công nghiệp hóa chất, thép, dầu khí đã có mức tăng trưởng khá. Hơn nữa, đồng EURO đã tạo được vị thế cân bằng giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đôla Mỹ, việc thanh toán, chuyển đổi được thuận lợi, đồng tiền Việt Nam sẽ không bị phụ thuộc nhiều vào chu kỳ kinh tế và chính sách tiền tệ của Mỹ. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Anh nói riêng cũng như với EU nói chung ngày càng phát triển mạnh.

Hy vọng trong thế kỷ 21 này, quan hệ hợp tác đầu tư - thương mại giữa Việt Nam và Anh sẽ ngày càng được củng cố và phát triển hơn nữa, tương xứng với tiềm năng sẵn có của hai nước ; trở thành nhân tố tích cực trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa EU và ASEAN trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

1. Bản tin ngoại thương, năm 1999

2. Báo Đầu tư, năm 1999, 2000.

3. Hoàng Xuân Hòa : "Vai trò của EU đối với sự phát triển thương mại Việt Nam", Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 2/2000.

4. Foreign Investment in Southest Asia.

5. Vietnam Economics New tháng 4/2000.

6. World Economics report 10/1999./.

Cùng chuyên mục