Số 35 - Một số suy nghĩ về văn hóa truyền thống và ngoại giao Nhật Bản

07:44 30/03/2012

Một số suy nghĩ về văn hóa truyền thống và ngoại giao Nhật Bản

Tác giả: Nguyễn Đức Dương

Mở cửa và học tập phương Tây từ nửa cuối thế kỷ 19 (Minh Trị Duy tân 1868), Nhật Bản đã nhanh chóng thành công trong việc chiếm lĩnh các thành tựu khoa học của văn minh phương Tây với tốc độ đáng kinh ngạc. Chỉ sau hơn 20 năm, Nhật Bản đã đạt được một "sự cất cánh" về kinh tế, trong khi nước Anh phải mất hơn một thế kỉ. Đúng 100 năm sau, vào cuối thập niên 60 của thế kỉ này, Nhật Bản đã vượt tất cả các quốc gia Tây Âu để trở thành siêu cường kinh tế thứ hai trên thế giới, chỉ sau nước Mỹ. Từ nhiều thập kỉ nay, Nhật Bản là nước châu A' duy nhất luôn ở vị trí hàng đầu trong trật tự và cơ cấu kinh tế, thương mại và tài chính quốc tế. Tuy tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài suốt thập kỉ 90 phần nào tác động tới uy tín và ảnh hưởng của Nhật Bản, nhưng nhìn chung vai trò của Nhật Bản trong đời sống quốc tế trên mọi lĩnh vực chắc chắn sẽ còn tăng cường hơn nữa.

Một trong những nguyên nhân của "kì tích" Nhật Bản là vai trò hết sức quan trọng của văn hoá truyền thống với ý nghĩa là động lực, đồng thời là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lâu dài của dân tộc. Tìm hiểu văn hoá truyền thống Nhật Bản và những mối liên hệ của nó đối với phát triển kinh tế và chính sách đối ngoại tuy không còn là một vấn đề mới nhưng luôn mang ý nghĩa thời sự đối với các nhà nghiên cứu quốc tế, giúp tăng cường hiểu biết về đất nước, văn hoá và con người Nhật Bản.

Bài viết này gồm một số suy nghĩ về yếu tố văn hoá truyền thống và ngoại giao Nhật Bản, hy vọng góp thêm thông tin vào quá trình tìm hiểu chung, đồng thời gợi mở những liên hệ cần thiết đối với đời sống dân tộc nói riêng và quốc tế nói chung.

Nhật Bản là một quốc gia biệt lập về địa lí và thuần nhất về văn hoá:

Nhật Bản là một nước đảo nằm về phía Đông Bắc của lục địa châu A' gần với Trung Quốc và chịu ảnh hưởng nhiều của văn hoá Trung Hoa. Với trình độ kĩ thuật trước cách mạng công nghiệp thì khoảng cách Biển Đông Trung Hoa và Eo biển Triều Tiên ngăn Nhật Bản với châu A' lục địa đủ rộng và nguy hiểm để hạn chế những hoạt động qui mô lớn sang Nhật Bản. Do đó, nếu so với những nước như Triều Tiên và Việt Nam thì Nhật Bản thực tế nằm ở vị trí gần như biệt lập với Trung Quốc, vốn được coi là trung tâm của trật tự quốc tế Đông A' thời kì tiền hiện đại. Cuộc cách mạng công nghiệp đã đưa các quốc gia phương Tây lên địa vị thống trị thế giới, khiến cho "trung tâm" của thế giới càng cách xa Nhật Bản hơn. So với Trung Quốc, Nhật Bản là đất nước hết sức xa lạ về mặt dân tộc và văn hoá đối với phương Tây. Do vậy, mặc dù Nhật Bản dần dần gắn bó với cộng đồng quốc tế cùng với quá trình hiện đại hoá đất nước, nhưng tình trạng biệt lập tương đối với luồng giao lưu chính của cộng đồng thế giới, ít nhất là với các cường quốc hàng đầu, vẫn tiếp tục mãi cho đến gần đây.

Tình trạng biệt lập tương đối đó đã tạo điều kiện duy trì an ninh cho Nhật Bản. Trong lịch sử, Nhật Bản không bị nước nào xâm lược (không kể hai cuộc xâm lược thất bại của quân Nguyên - Mông). Giữa thế kỉ thứ 19, khi các nước phương Tây đến và phá vỡ trật tự Đông A', hầu hết các nước châu A' từ Trung Quốc đến các nước nhỏ khác trở thành thuộc địa hoặc nửa thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Riêng Nhật Bản không bị đô hộ nhờ vị trí hẻo lánh về địa lí và xa lạ về văn hoá.

Từ thời cổ xưa, Nhật Bản đã cố gắng du nhập và mô phỏng văn hoá Trung Hoa. Chữ Hán, tư tưởng Khổng giáo và đạo Phật Mahayana cho thấy Nhật Bản nằm trong khu vực ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa. Tuy vậy, Nhật Bản chưa khi nào trở thành chư hầu của đế chế Trung Hoa như một số nước láng giềng khác. Trong lịch sử, Nhật Bản từng có thời thi hành chính sách biệt lập (Sakoku) kéo dài hơn hai thế kỉ từ 1639 đến 1859, đóng cửa hoàn toàn với thế giới bên ngoài, chỉ để một cảng buôn bán nhỏ cho người Trung Quốc và Hà Lan ở phía nam, cho đến khi Mạc phủ Tokugawa buộc phải mở cửa ba cảng biển cho các tàu buôn của Nga, Anh, Pháp, Hà Lan và Mỹ. Chính sách biệt lập kéo dài đó đã giúp Nhật Bản tạo dựng và duy trì tính đồng nhất về văn hoá như tiêu chuẩn hoá ngôn ngữ, chấp nhận những phương thức chung trong tư duy và hành động, qui tắc và tập quán xã hội... Chính sách này cũng tăng cường và củng cố tính biệt lập và khép kín là những đặc điểm nổi bật trong thái độ và chính sách đối ngoại của Nhật Bản suốt thời kì hiện đại.

Nhật Bản đã du nhập những nền văn hoá tiên tiến, văn minh hơn nhưng không hề trải qua quá trình bị đô hộ xâm lược hay bạo lực cưỡng bức. Trừ thời kì chiếm đóng của Mỹ sau chiến tranh (1945 - 1950), Nhật Bản chưa khi nào bị nước ngoài chinh phục. Điều này cho phép Nhật Bản có khả năng tự chủ và tự do trong việc lựa chọn những khía cạnh và nhân tố thích hợp. Thời kì đầu của quá trình du nhập, nhân tố văn hoá nước ngoài dường như lấn át văn hoá bản xứ. Nhưng khi cao trào dịu xuống, văn hoá Nhật Bản lại lấy lại sức mạnh truyền thống và "Nhật Bản hoá" những gì được du nhập và học hỏi. Nhờ đó, việc tiếp thu yếu tố nước ngoài đã không phá huỷ nền văn hoá bản xứ hay thực sự chia cắt Nhật Bản về mặt văn hoá, mà giúp Nhật Bản tạo dựng được những hình mẫu văn hoá vô song của mình. Với tư cách là một quốc gia dân tộc (nation state), Nhật Bản đã duy trì được nền văn hoá thuần nhất của mình từ thời tiền sử đến nay.

Từ xa xưa, trên thực tế, tất cả những cư dân trên quần đảo Nhật Bản thuộc về dân tộc Nhật. Ngược lại, tất cả những ai được coi là thuộc dân tộc Nhật đều định cư trên các hòn đảo Nhật Bản. Hơn nữa, tiếng Nhật là ngôn ngữ phổ thông trên khắp nước Nhật, nhưng rất ít được sử dụng và hiểu được ở những nước khác. Hiện nay, trong tổng số hơn 120 triệu dân, chỉ có 2-3 triệu người thiểu số chủ yếu thuộc dân tộc Burakumin và Triều Tiên. Hệ tư tưởng Nhật Bản từ xưa đến nay là sự kết hợp một cách thực dụng giáo lý của 3 tôn giáo là Thần đạo, đạo Phật và đạo Khổng.

Đáng chú ý là đạo Khổng (Nho giáo), được du nhập vào Nhật Bản từ thế kỉ thứ 5 sau công nguyên, đã tồn tại và ảnh hưởng mạnh mẽ ở đất nước này như là một hệ thống giáo lý về đạo đức và lối sống, về triết học và xây dựng chính quyền hơn là tôn giáo. Mặc dù người Nhật đã đi theo đường lối cải cách, phát triển khoa học hiện đại, song những nguyên tắc chung về đạo đức, luân lí trong cuộc sống xã hội và gia đình, về lí tưởng và các giá trị dân chủ, về cơ sở của phép trị nước, lòng trung thành, tính giáo dục và cần cù lao động, ý thức tiết kiệm và tinh thần tự lực cánh sinh... đều có bóng dáng của triết học Khổng tử. Nói về vai trò và ảnh hưởng của đạo Khổng trong đời sống văn hoá và tinh thần ở Nhật Bản, Sakuma Shozan (1811-1864) viết: "Cái mà chúng ta có thể học được từ phương Tây là khoa học, trong khi những giáo huấn của Khổng Tử là đạo lí. Đạo lí có thể coi là cơm gạo, còn khoa học là rau, là thịt giúp ăn ngon hơn. Không ai có thể cho rằng một khi đã có rau và thịt con người ta có thể coi thường cơm gạo".

Ngoài ra, hai tôn giáo phổ thông ở Nhật Bản là Thần đạo và đạo Phật đề cao sự hài hoà trong các cộng đồng làng xã và rộng hơn nữa là trong các công ty và cả nước Nhật, trong phạm vi quốc gia cũng như trên phạm vi quốc tế. Đặc biệt, Thần đạo đề cao dân tộc Nhật là "thượng đẳng" hơn mọi dân tộc khác, Nhật Bản không những là đất nước của thần thánh (Shinkoku) mà còn là nước mẹ (Oyaguni) của các dân tộc trên trái đất. Thần đạo nặng mầu sắc tín ngưỡng song có ý nghĩa thực tiễn trong việc thống nhất nước Nhật. Thần đạo là cơ sở triết học của lòng trung thành, sự xả thân với thần, với cấp trên. Hoàng đế Nhật được coi là hiện thân của trời và tồn tại liên tục suốt trên hai nghìn năm. Mọi sự thay đổi liên quan tới chính quyền, tới trật tự và hình thái xã hội đều đã và có thể xẩy ra, nhưng không cuộc cách mạng nào làm tổn hại đến ngai vàng của gia đình Nhật Hoàng được chấp nhận. Ngay cả khi thảm bại và bị quân đội đồng minh chiếm đóng gần một thập kỉ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chính quyền Nhật Bản vẫn bằng mọi giá duy trì ngôi vị của Hoàng đế Nhật trước sức ép kết tội chiến tranh đối với ông ta.

Người Nhật coi tôn giáo như là những "liều thuốc" được truyền lại từ thời cổ xưa và cho rằng tôn giáo sẽ có tác dụng nếu như nó được dùng với liều lượng vừa phải. Người Nhật cũng được giáo dục không nên "gắn bó với chỉ một tôn giáo" và đa số người Nhật là tín đồ của hai hoặc ba tôn giáo cùng một lúc. Trong cùng một con người, khi tổ chức đám cưới thì theo phong tục đạo Shinto ở đền hoặc theo Thiên chúa giáo ở nhà thờ, trong cuộc sống thì theo triết lí của Khổng giáo, khi chết thì theo phong tục Phật giáo ở nhà chùa. Tính thực dụng này còn được thể hiện mạnh mẽ trong chính giới Nhật thể hiện ở việc các cố vấn cho chính phủ Nhật bao gồm những người theo học thuyết Keynes, các chuyên gia về tiền tệ và những người giỏi về kinh tế học Mác-xít cũng như các học giả về triết học Trung Quốc. Người Nhật không hề coi điều đó là kì quái.

Là một xã hội thuần nhất và được giáo dục ở mức độ cao, xã hội Nhật Bản mang những đặc điểm nổi bật như: mục đích và tinh thần tập thể cao; lòng trung thành tuyệt đối với cấp trên, với cộng đồng và công ty; trọng tôn ti trật tự; tinh thần tự lực tự cường, tính tự lập cao. Người Nhật được coi là bình thường khi: cần cù chịu khó trong lao động; có niềm tin vào tính tiết kiệm; hiếu thảo đối với cha mẹ, lòng trung thành trong một gia đình mở rộng và quan trọng hơn nữa là tinh thần tôn sư trọng đạo, ham học và ham hiểu biết. Mô hình xã hội Nhật Bản thực chất mang tính "gia đình" và biến thể của nó là "làng xã" hiện vẫn được đề cao tại Nhật Bản. Công ty Nhật Bản mang nặng tính gia đình và cả nước Nhật được coi là một công ty - Japan Ldt.

Những đặc điểm văn hoá nói trên đã góp phần lí giải một cách sinh động và thuyết phục nhất những ưu thế của Nhật Bản như tỉ lệ tiết kiệm cao, tinh thần lao động quên mình, chế độ làm việc suốt đời, hưởng lương, đề bạt theo thâm niên và trình độ giáo dục cao đồng đều... Tuy nhiên, những đặc điểm nói trên cũng đưa đến những hạn chế như quá trình ra quyết định chậm chạp, thiếu tính quyết đoán, hạn chế tự do cá nhân. ở Nhật Bản ít xuất hiện những lãnh tụ tài ba mang tầm cỡ quốc tế mà lẽ ra Nhật Bản đã phải có.

Khi xem xét những đặc điểm này trên bình diện quốc tế, về mặt chính trị - ngoại giao, Nhật Bản nặng tính chất bảo thủ và bài ngoại, thể hiện trên các vấn đề mở cửa thị trường tài chính và dịch vụ, thị trường lúa gạo. Nhờ vào những thành tựu tuyệt vời trong phát triển kinh tế và xây dựng đất nước, Nhật Bản ngày càng đóng vai trò to lớn hơn trong các tổ chức tài chính và chính trị quốc tế như Liên Hợp Quốc... nhưng số người Nhật làm việc cho các tổ chức quốc tế còn rất ít do tâm lí của họ không muốn rời nước Nhật để làm việc cho các tổ chức này.

Về mặt kinh tế, Nhật Bản bảo hộ mạnh mẽ hàng hoá trong nước, không thích dùng hàng nước ngoài. Người Nhật tự làm lấy tất cả mọi thứ với trình độ cao và sự cẩn thận tới mức hoàn hảo mang tính nghệ thuật và họ cũng chỉ tin vào những gì do chính bàn tay họ làm ra. Một phần lớn các khoản viện trợ phát triển ODA là cho vay chứ không phải cho không như nhiều nước phát triển phương Tây, đó là do người Nhật có tính tự lập rất cao và họ cho rằng nếu ai đó cầm trong tay một khoản tiền mà không làm ra lãi để hoàn vốn thì sẽ "không bao giờ làm nên trò trống gì".

Tính tập thể và quyết tâm "đuổi kịp" các nước tiên tiến:

Mặc dù Nhật Bản đã trở thành một xã hội công nghiệp, nhưng họ vẫn duy trì về cơ bản tính chất Nhật Bản trong các quan hệ xã hội và sinh hoạt cộng đồng. Tư tưởng cộng đồng, tầm quan trọng của hệ thống tôn ti trật tự trong quan hệ giữa các cá nhân cũng như giữa các nhóm là những đặc tính nổi bật trong xã hội Nhật Bản. Một khi người Nhật cảm thấy có sự ràng buộc mạnh mẽ với nhóm của mình, họ có khuynh hướng tập trung những mối quan tâm sâu sắc nhất đối với địa vị xã hội của nhóm họ. Cũng tương tự, trong xã hội quốc tế, quan hệ giữa các nước được xem xét theo một trật tự nhất định và ý thức thuộc về nước Nhật của người Nhật khiến cho họ rất nhạy cảm đối với địa vị quốc tế của nước mình. Y' chí muốn khắc phục ý thức về địa vị thấp kém trong lịch sử luôn luôn là một nguồn sức mạnh quan trọng nhằm nâng cao địa vị quốc tế của Nhật Bản.

Trong quá trình mở cửa quan hệ với thế giới bên ngoài, một khuynh hướng nổi bật xuyên suốt lịch sử là sự quan tâm mạnh mẽ tới việc cải thiện vị trí quốc tế của đất nước, quyết tâm đuổi kịp các nước tiên tiến bằng việc áp dụng một quan điểm "hổ lốn" nhằm sử dụng những giá trị văn minh nhân loại bù đắp cho những yếu kém của Nhật Bản. Vào cuối thế kỉ thứ 10, từ Yamato damashi (tinh thần Nhật Bản) được sử dụng để biểu thị tài tháo vát trong cuộc sống hàng ngày đối lập với Kara zae (học thức Trung Quốc) biểu thị kiến thức sách vở. Đến thời kì Muromachi (1392-1573) cụm từ Wakon Kansai (tinh thần Nhật Bản-tri thức Trung Quốc) đã biểu hiện ý tưởng kết hợp những khả năng chung của nhân loại. Sang thời kì Minh trị thì khẩu hiệu chuyển sang là Wakon Yosai - tinh thần Nhật Bản-tri thức phương Tây hay văn hoá phương Đông-kỹ thuật phương Tây. Đó là sự dung hợp văn hoá giữa cái bản địa và cái ngoại sinh, để tạo ra một nền văn hoá mới vừa khác với cái ngoại nhập, vừa cao hơn cái vốn có. Đó cũng chính là đặc sắc văn hoá Nhật Bản.

Trong những năm sau Minh trị Duy tân 1868, Nhật Bản đã chuyển từ một nước phong kiến nhỏ bé thành một nước công nghiệp hoá thông qua quá trình học tập và áp dụng tất cả những gì được cho là cần thiết từ phương Tây để xây dựng một "đất nước giàu, quân đội mạnh" (Fukoku Kyohei) và để khai phá và phát triển đất nước (Bunmei Kaika). Đáng chú ý là xuất phát từ mong muốn được quốc tế thừa nhận là một nước "văn minh", Nhật Bản đã đấu tranh để du nhập và áp dụng hệ thống pháp luật của các cường quốc văn minh phương Tây. Lí do hàng đầu khiến Nhật Bản ban hành một hiến pháp thành văn tương đối sớm là nhận thức cho rằng việc áp dụng một hiến pháp như vậy là một điều kiện tiên quyết quan trọng để trở thành một quốc gia "văn minh", tức một nước đứng chung hàng ngũ các nước phương Tây.

Mục tiêu và các cố gắng của Nhật Bản không chỉ bắt nguồn từ sự ngưỡng mộ đối với các nước phương Tây, mà còn xuất phát từ nỗi lo lắng về sự tồn vong chính trị của đất nước nhằm tránh khỏi bị trở thành thuộc địa của phương Tây như hầu hết các nước châu A' lúc đó. Thái độ cơ bản này được thể hiện trong học thuyết "thoát A' - nhập Âu", do Fukuzawa Yukichi khởi xướng, chủ trương Nhật Bản thoát ra khỏi châu A' để đi với các nước phương Tây, trở thành một nước phương Tây và hành động như một nước phương Tây, thậm chí với hình thức xâm lược và thuộc địa hoá các nước châu A' khác. Dấu ấn lịch sử này vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ tới thái độ của nhiều người Nhật đối với các nước châu A' và đây cũng là một trong những nhân tố tiềm tàng dễ gây mâu thuẫn và xung đột trong quan hệ giữa Nhật Bản với các nước trong khu vực.

Phương Đông và phương Tây trong văn hoá Nhật Bản:

Có thể nói chính vị trí địa lí và chính trị đặc biệt của Nhật Bản đã tạo ra một nền văn hoá riêng biệt mang tính Nhật Bản cao độ và như nhiều nhà nghiên cứu văn hoá Nhật Bản đã gọi đây là nền văn hoá "lòng chảo", bởi lẽ trong thực tế có nhiều nền văn hoá và văn minh đã được du nhập vào Nhật Bản, nhưng lại không một nền văn minh gốc nào được truyền bá ra bên ngoài. Người ta cũng cố chứng minh tính ưu việt của văn hoá Nhật Bản là dựa trên khả năng đóng góp và làm phong phú thêm văn minh thế giới bằng cách tạo ra sự chung sống và hoà đồng duy nhất giữa văn hoá phương Đông và văn hoá phương Tây.

Ngày nay, mặc dù Nhật Bản đã trở thành một siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới và những tư tưởng tự do về vấn đề đối nội và đối ngoại cũng phát triển mạnh mẽ, nhưng những gì vay mượn từ văn hoá phương Tây không hề làm thay đổi bản chất cơ bản của văn hoá Nhật Bản. Những nét truyền thống của văn hoá phương Đông, văn hoá Nhật Bản vẫn còn nguyên vẹn trong ý thức người dân Nhật như thuyết duy linh Thần đạo, quan niệm duy cảm với tự nhiên, khiếu thẩm mỹ, thiên hướng làm đẹp cuộc sống thường ngày, v.v...

Ở Nhật Bản, hiện đại hoá không đồng nghĩa với "Tây hoá". Nhật Bản càng trở nên hiện đại hoá thì sự tương phản giữa hiện đại và truyền thống càng trở nên rõ nét và hiển nhiên. Nổi bật trong cuộc sống xã hội hiện đại với những tàu Shinkansen cao tốc, sân bay nổi trên biển, máy bán hàng tự động đặt la liệt trên mọi nẻo đường góc phố là những giá trị và di sản văn hoá truyền thống được trân trọng và bảo tồn nghiêm ngặt. Hơn nữa, người ta cũng dễ dàng nhận thấy sự tương phản giữa Đông và Tây trong hệ thống những giá trị tinh thần và vật chất, trong triết lí cũng như hành động ở nơi giao lưu giữa hai luồng văn hoá vĩ đại này. Nếu những người phương Tây thực dụng coi lao động chỉ đơn giản là phương tiện kiếm sống, thì ở Nhật Bản mọi người đều có chung nhận thức cho rằng: "lao động là mục đích cuộc sống chứ không phải là phương tiện sống." Khẳng định như vậy không có nghĩa là người Nhật coi nhẹ tính chất phương tiện sống của lao động mà họ coi lao động là mục đích tự thân và là bản năng của mọi con người.

Tương tự như vậy, có một sự tương phản sâu sắc trong quan niệm của người Nhật và người phương Tây về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Nếu người phương Tây cho rằng "trình độ văn minh là thể hiện mức độ chinh phục và chế ngự của con người đối với thiên nhiên", thì ngược lại, người Nhật cho rằng "văn minh là thể hiện mức độ chung sống và hoà hợp giữa con người với thiên nhiên". Phải chăng nguyên do của ý tưởng cao cả này bắt nguồn từ thực tế là nước Nhật khan hiếm tài nguyên, núi non hiểm trở, luôn bị đe doạ bởi động đất, núi lửa và sóng thần? Bất kể nguyên nhân từ nơi đâu, xét trong bối cảnh thiên nhiên và môi trường thế giới đang bị tàn phá quá mức báo động từ nhiều năm nay, thì những tư tưởng và triết lí từ ngàn đời của người Nhật càng mang ý nghĩa thời sự sâu sắc.

Khiếu thẩm mĩ và đi liền với nó là tính cẩn thận của người Nhật thì ít ai có thể sánh kịp và nhờ đó các sản phẩm của họ không chỉ tốt về tính năng mà còn đẹp về hình dáng. Cái đẹp trong con mắt của người Nhật được hình thành và phát triển gắn với cái đẹp của thiên nhiên. Người Nhật coi vẻ đẹp và tính tự nhiên là đồng nhất, họ tìm cái đẹp trong sự giản dị của đời thường, của sự nguyên sơ được tôn lên bởi cách chế tác tinh xảo từ bàn tay con người. Lối nhìn đó được thể hiện rất rõ trong thể thơ Haiku 17 âm tiết (5-5-7), một loại hình nghệ thuật rất cổ và hiện vẫn được ưa chuộng, đặc biệt trong gia đình Nhật hoàng. Khiếu thẩm mĩ thực dụng của người Nhật còn thể hiện ở việc họ đã áp dụng những phát minh của nước ngoài để rồi làm ra những sản phẩm có tính năng tác dụng không khác mấy nhưng hình dáng, chất lượng và sự tiện lợi thì hơn hẳn sản phẩm gốc, dễ dàng giành thắng lợi trên thương trường quốc tế.

Những đặc điểm riêng biệt về địa lí, văn hoá và lịch sử đã góp phần tạo nên cái gọi là "vị trí quốc tế không rõ ràng" của Nhật Bản.

Nước Nhật trước Chiến tranh thế giới thứ hai là nước nghèo nhất và yếu nhất trong các cường quốc chính, đồng thời là cường quốc da vàng duy nhất. Từ sau chiến tranh, Nhật Bản có nền kinh tế hưng thịnh và tiên tiến nhưng lại yếu về quân sự. Nếu chia thế giới thành Đông và Tây như lịch sử mấy nghìn năm cho thấy thì rõ ràng Nhật Bản thuộc về các nước phía Đông. Nếu theo mạnh, yếu, tiên tiến và văn minh thì từ đầu thế kỉ 20, Nhật Bản đã đứng trong hàng ngũ các nước mạnh nhất trên thế giới. Tuy vậy, Nhật Bản là nước mới nhất tham gia câu lạc bộ này. Thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã tạm thời làm rõ vị trí quốc tế của Nhật Bản - thuộc về các nước phương Tây TBCN đối lập với các nước phương Đông XHCN. Sự thành công về kinh tế của Nhật Bản, sự nổi lên của các nền kinh tế Đông A', xu hướng đa cực hoá trong quan hệ quốc tế những năm gần đây một lần nữa lại làm cho vị trí và vai trò quốc tế của Nhật Bản trở nên không rõ ràng. Sau hơn 100 năm chủ trương "thoát A'", Nhật Bản lại nhấn mạnh tính chất châu A' của mình, chú trọng hơn các quan hệ với các nước khu vực.

Cảm nhận về một vị trí không rõ ràng của Nhật Bản cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến nước này luôn lo ngại về tình trạng bị cô lập trên thế giới và rất ít khi chứng tỏ mình là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế. Nhật Bản lần đầu tiên tham gia hội nghị quốc tế với các cường quốc phương Tây tại Hội nghị Bắc Kinh năm 1901 được triệu tập để giải quyết hậu quả cuộc nổi dậy Nghĩa Hoà Đoàn (1900-1901). Từ đó Nhật Bản cũng đã tham gia nhiều hội nghị quốc tế quan trọng nhưng rất ít, nếu có, đảm nhận những vị trí lãnh đạo tích cực. Những khái niệm như "quốc gia 15%" (chiếm 15% GNP thế giới), "chính sách đối ngoại của một cường quốc với một tư thế khiêm tốn", rồi "một quốc gia bình thường"... cho thấy rõ vị trí quốc tế "không rõ ràng" của Nhật Bản đeo đẳng nước này cho đến tận ngày nay.

Tóm lại, Nhật Bản là quốc gia có khả năng đặc biệt trong việc thích nghi với những thay đổi ở ngoại cảnh, nhưng hệ thống trong nước lại không sẵn sàng để mất đi những nét cơ bản làm cho nước này khác biệt nhiều với phần đông các nước, nhất là những nước công nghiệp phương Tây. Từ một số phân tích nêu trên, có thể thấy rằng ở Nhật Bản truyền thống và hiện đại không tách rời nhau. Hơn nữa, mối liên hệ giữa văn hoá truyền thống với các hoạt động kinh tế chính trị và ngoại giao của Nhật Bản là nổi bật và mang ý nghĩa sâu sắc, nhưng cũng đặc biệt khó phân tích. Mặc dù đã có nhiều thay đổi trong quá trình hiện đại hoá đất nước và không ngừng vươn lên đóng vai trò to lớn hơn trên thế giới, nhưng có thể nói rằng hình mẫu văn hoá và xã hội Nhật Bản còn có nhiều khác biệt với các nước trong và ngoài khu vực, gây nên không ít khó khăn cho việc thực hiện một chính sách đối ngoại đa phương, tích cực và thành công trong một thế giới mở cửa và ngày càng phụ thuộc lẫn nhau.

Tài liệu tham khảo:

1. "Kinh tế Chính trị Nhật Bản", Quyển III: "Các động lực Văn hoá và Xã hội", Tập 1, 2, 3, NXB KHXH, Hà nội 1994.

2. "Suy ngẫm về Văn hoá và Tinh thần đổi mới của người Nhật", Trong "Mấy vấn đề Lý luận và Thực tiễn Xây dựng Văn hoá ở nước ta", GS, PTS Hoàng Vinh, NXB VH-TT, Hà nội 1999.

3. "Tại sao Nhật Bản thành công? Công nghệ phương Tây và Tính cách Nhật Bản", Mochio Morishima, NXB KHXH, Hà nội, 1991 .

4. "The Asianization of Asia", Yoichi Funabashi, Foreign Affairs, Nov./Dec. 1993.

5. "Culture is Destiny", Fareed Zakaria, Foreign Affairs, March/April 1994.

6. "Japan's Quest: The search for international role, recognition, and respect", Warren S. Hunsberger, ed., East Gate Book, New York, 1997.

7. "The Foreign Policy of Modern Japan", Robert A. Scalapino, ed., University of California Press, Los Angeles, 1977.

8. "Japan in search of a 'normal' role", Chalmers Johnson, Daedalus, Fall 1992, Vol.121, No.4.

9. "Japan's Foreign Policy in the 1990s: From Economic Superpower to What Power", Reinhard Drifte, St. Martin's Press, New York, 1996./.

Cùng chuyên mục