Số 35 - Quan hệ Mỹ-Trung-Nhật-Nga và tác động đối với tình hình đông Á

12:12 29/03/2012

Quan hệ Mỹ-Trung-Nhật-Nga và tác động đối với tình hình đông Á

Tác giả: Phạm Cao Phong.

Trong thế kỷ 20 loài người đã trải qua ba lần thay đổi lớn trong quan hệ quốc tế: cục diện Vecxay hình thành sau Chiến tranh thế giới lần thứ I, cục diện Yalta hình thành sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, và cục diện đang hình thành sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Trong hai cục diện đầu, các nước lớn đóng vai trò quyết định. Trong cục diện đang hình thành hiện nay, vai trò của các nước vừa và nhỏ ngày càng được nâng cao, góp phần không nhỏ vào việc hình thành trật tự thế giới mới trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Một dẫn chứng hùng hồn là sự đoàn kết của các nước đang phát triển tại Hội nghị thiên niên kỷ của Tổ chức Thương mại thế giới WTO được tổ chức vào năm ngoái tại Seatle đã tạo ra sức mạnh khiến các nước phát triển phải tính đến lập trường của các nước này, không thể áp đặt ý kiến của mình. Thắng lợi đó của các nước đang phát triển đã đóng góp tích cực vào việc thiết lập trật tự kinh tế quốc tế mới.

Tuy nhiên, quan hệ giữa các nước lớn vẫn có một vai trò quan trọng trong việc xác lập cục diện thế giới mới, đặc biệt ở khu vực Đông A' - nơi vẫn chứa đựng những thách thức tiềm ẩn đối với an ninh và chưa có một thể chế an ninh chung cho khu vực. Trong nhiều sự kiện quốc tế vẫn cần có sự hợp tác giữa các nước lớn mới có thể giải quyết được vấn đề, nổi bật nhất là đàm phán bốn bên Mỹ-Trung-CHDCND Triều Tiên-Hàn Quốc về việc duy trì hoà bình trên bán đảo Triều Tiên dẫn đến cuộc họp thượng đỉnh liên Triều trong tháng 8 vừa qua.

Câu hỏi đặt ra là các nước lớn có vai trò đến đâu, quan hệ giữa các nước này tác động như thế nào đến an ninh khu vực. Để góp phần trả lời câu hỏi đó, bài viết này tập trung xem xét những đặc điểm trong quan hệ giữa Mỹ-Trung-Nhật-Nga ở Đông A' trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh và tác động đối với an ninh khu vực. Bài viết khẳng định rằng cân bằng quyền lực là đặc điểm chung nhất chi phối quan hệ giữa tứ cường. Tuy nhiên, khác với thời kỳ chiến tranh lạnh, ngày nay các nước lớn tập hợp lực lượng theo từng vấn đề và thời gian cụ thể. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay quan hệ giữa các nước lớn sẽ tiếp tục diễn biến theo hình sin nhưng không một nước nào để cho các mối quan hệ tan vỡ. Bài viết đi đến kết luận rằng cùng với việc quan hệ giữa các nước lớn có tác động tích cực đối với hoà bình và ổn định tại khu vực, những biến động gần đây trong quan hệ giữa các nước này có thể có đưa lại một số khó khăn đối vơí các nước nhỏ và vừa ở khu vực.

Phải chăng Mỹ là trung tâm ở Đông A'?

Chiến tranh lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đưa đến những thay đổi to lớn trong quan hệ quốc tế. Mỹ được hưởng địa vị là siêu cường toàn diện duy nhất trên thế giới: Mỹ có nền kinh tế lớn nhất thế giới với tổng giá trị sản phẩm quốc nội lớn hơn tất cả giá trị tương ứng của Trung Quốc, Nhật Bản, và Nga cộng lại. Mỹ có vai trò quan trọng trong nhiều tổ chức tài chính thương mại trên thế giới như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Đồng thời, Mỹ là thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, và là một cường quốc hạt nhân. Lợi dụng địa vị này, Mỹ ra sức tìm cách thiết lập trật tự thế giới một cực do Mỹ đứng đầu: đưa ra những "giá trị Mỹ, quan niệm Mỹ" hòng thay thế những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đã được tất cả các nước công nhận, củng cố những liên minh quân sự, đứng ra dàn xếp một số cuộc xung đột, nhằm tạo cho Mỹ một hình ảnh mới trên thế giới. Trong bài "Mô hình mới của nền an ninh thế giới trong thế kỷ 21" Barry Buzan viết rằng sự kết thúc của chiến tranh lạnh được coi như sự kết thúc của thế kỷ 20. Trong thế kỷ tiếp theo cơ cấu an ninh thế giới sẽ là những vòng tròn đồng tâm mà hạt nhân ở giữa là Mỹ (1). Có một thực tế là trong những năm qua nền kinh tế Mỹ phát triển với tỷ lệ tăng trưởng cao, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế thế giới. Nhưng sức mạnh kinh tế đó có cho phép Mỹ đóng vai trò bá chủ trên thế giới nói chung và ở khu vực Đông A' nói riêng hay không thì lại là một vấn đề cần được xem xét.

Trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh, lợi ích của Mỹ là duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực Đông A', kể cả quyền tự do hàng hải, chống lại bất cứ một cường quốc nào muốn cạnh tranh địa vị siêu cường của Mỹ nhằm đảm bảo quyền tiếp cận về kinh tế và thương mại của Mỹ đối với toàn bộ khu vực, tuyên truyền tự do dân chủ và nhân quyền kiểu Mỹ trong khu vực.

Sức mạnh của Mỹ (như trên đã trình bày) và môi trường tại khu vực trong một chừng mực nào đó tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ thực hiện chính sách nói trên. Một số nước trong khu vực muốn Mỹ tiếp tục có mặt về quân sự ở khu vực, coi đó là nhân tố đảm bảo an ninh cho Đông A'. Ngay cả các nước lớn cũng coi Mỹ là một nhân tố cân bằng trong quan hệ giữa các nước này. Một số học giả còn cho rằng Mỹ là cái trục với những cánh nan hoa vươn ra tới Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc ở Đông Bắc A'; tới Philippines, Singapore, và Thái Lan ở Đông Nam A' (2). Vì vậy, xét về sức mạnh thì có thể nói với tư cách là siêu cường duy nhất trên thế giới Mỹ có thể thực hiện ước vọng làm bá chủ ở khu vực Đông A'. Nhưng thực tế lại không phải như vậy: có rất nhiều lý do khác nhau ngăn cản Mỹ thực hiện chính sách bá quyền ở khu vực:

Một là, tuy ngày nay Mỹ chú ý nhiều đến Đông A' và khu vực này chiếm tới 40% ngoại thương của Mỹ nhưng xét về địa-chiến lược tổng thể thì đối với Mỹ khu vực Đông A' không có tầm quan trọng như Châu Âu. Về chiến lược, đối thủ chính của Mỹ là Nga -- một cường quốc quân sự có mong muốn cải thiện hình ảnh, giành lại địa vị đã mất. Bên cạnh đó, sự liên kết ở Châu Âu những năm gần đây: việc thành lập EU nhằm tạo ra sức cạnh tranh kinh tế ngày càng lớn hơn, những mối quan hệ giữa Nga với Đức, Pháp, và Anh cũng khiến Mỹ phải quan tâm nhiều hơn đến châu lục này.

Hai là, chính quyền Mỹ phải đối phó với những làn sóng chống đối ở trong nước trên hai khía cạnh: (a) những lời kêu gọi Mỹ thực hiện "chủ nghĩa biệt lập mới" tập trung vào sự phát triển của chính nước Mỹ, giảm cam kết ở bên ngoài. Sức mạnh kinh tế của Mỹ là to lớn nhưng không phải là không có giới hạn. Những căn bệnh cố hữu của nền kinh tế Mỹ vẫn chưa được giải quyết, một số dấu hiệu của sự phát triển không bình thường: tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài, và những thách thức do các nền kinh tế khác lớn mạnh khiến chúng ta không thể loại trừ khả năng nền kinh tế Mỹ có thể gặp phải những khó khăn lớn trong vòng 10-15 năm nữa; (b) những lời kêu gọi Mỹ không nên đề cao khu vực Châu A'-Thái Bình Dương vì chiến lược của Mỹ đối với khu vực là không thích hợp: không có ưu tiên rõ ràng cụ thể ở khu vực, cho nên sự theo đuổi quá nhiều mục tiêu ở khu vực sẽ tác động không tốt đến lợi ích thiết thân của Mỹ ở Đông A' và trên toàn thế giới (3).

Ba là, tuy Mỹ là siêu cường duy nhất trên thế giới, nhưng Mỹ không phải là nhân tố đảm bảo cho tất cả các vấn đề an ninh ở khu vực, bao gồm những vấn đề phức tạp ở tất cả các cấp độ: các cuộc tranh chấp về lãnh thổ, chạy đua vũ trang giữa một số nước, những cuộc xung đột về dân tộc, tôn giáo, giữa phát triển và an ninh trong một vài nước, những vấn đề liên quốc gia như phòng chống tội phạm, buôn lậu, ma tuý, cướp biển. Những diễn biến gần đây ở Indonesia cho thấy giới hạn của Mỹ đối với việc giải quyết các vấn đề nêu trên.

Bốn là, các nước trong khu vực có những tình cảm lẫn lộn về nước Mỹ. Một mặt, một số nước trong khu vực coi sự có mặt của Mỹ ở khu vực là một nhân tố quan trọng đảm bảo an ninh khu vực. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ thích Mỹ. Trên thực tế, họ chống lại chính sách bá quyền của Mỹ, chống lại những áp đặt về những "giá trị Mỹ." Bên cạnh đó, các nước vừa và nhỏ trong khu vực, đặc biệt là Hiệp hội các nước Đông Nam A' (ASEAN) mong muốn có một vai trò vị trí to lớn hơn, chủ động hơn trong các vấn đề an ninh và phát triển tại khu vực nhằm đảm bảo cho công cuộc phát triển, nâng cao vị thế của các nước thành viên và cả tổ chức, không bị phụ thuộc vào quan hệ giữa các nước lớn như trong thời kỳ chiến tranh lạnh nữa (4). Không chỉ các nước vừa và nhỏ phản đối chính sách bá quyền của Mỹ mà các nước lớn cũng có chung tình cảm như vậy. Ngoài việc các nước này không muốn ở vị thế hạng hai so với Mỹ, mà còn có những lý do khác khiến cho các nước này chống lại chính sách bá quyền của Mỹ. Nga không muốn bị Mỹ bao vây ở cả hai phía: phía tây (sự mở rộng của NATO) và phía đông (việc Mỹ tiếp tục tăng cường sức mạnh và liên minh an ninh tại khu vực). Trung Quốc nghi ngờ về những mập mờ trong nội dung hợp tác an ninh mới của Mỹ-Nhật, vì vậy Trung Quốc không thể yên tâm về an ninh của mình. Nhật Bản chống lại sức ép về kinh tế của Mỹ trong sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai nước tư bản chủ nghĩa này.

Những lý do đó khiến cho Mỹ, tuy có lợi thế so sánh với các cường quốc khác trong vòng 5-10 năm tới, nhưng không thể đóng vai trò trung tâm ở Đông A' như ý tưởng của ông Barry Buzan.

Những đặc điểm trong quan hệ Mỹ-Trung-Nhật-Nga ở Đông A':

Những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến triển trong quan hệ giữa các nước lớn ở Đông A': các nước này đã thiết lập các mối quan hệ có tính chất chiến lược: mối quan hệ bạn bè chiến lược Trung-Nga, quan hệ đối tác chiến lược có tính chất xây dựng Trung-Mỹ, việc thoả thuận hợp tác an ninh với nội dung mới giữa Mỹ và Nhật Bản, những cam kết xây dựng quan hệ láng giềng hữu nghị Trung-Nhật hướng tới thế kỷ 21, những cải thiện trong quan hệ Nga-Nhật. Bên cạnh đó, bốn nước lớn này còn tăng cường quan hệ với nhau tại một số diễn đàn đa phương: Mỹ-Trung-Nhật-Nga đều là thành viên của Tổ chức Hợp tác kinh tế Châu A'-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Sở dĩ có sự hợp tác này là vì tranh thủ thời gian chuyển tiếp giữa trật tự cũ đã bị phá vỡ trật tự mới chưa hình thành các nước đều tập trung phát triển tiềm lực tổng hợp của mình nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược là duy trì địa vị siêu cường duy nhất (Mỹ) hoặc vươn lên thành một cực trong hướng phấn đấu cho một trật tự đa cực (Trung Quốc, Nhật Bản, Nga). Do đó các nước đều cần một môi trường hoà bình ổn định để phục vụ cho mục tiêu trên.

Tuy nhiên, quan hệ giữa các nước không phải đã hết những bước thăng trầm. Những nghi kỵ trong quan hệ giữa các nước này vẫn còn tồn tại. Thêm vào đó, cho dù đã ký những thoả thuận mang tính chiến lược, những sự việc xảy ra gần đây cho thấy không mang tính chất hợp tác chiến lược mà lại mang tính chất đấu tranh với nhau, thậm chí đối kháng nhau ở tầm chiến lược. Việc Mỹ ném bom Kosovo, âm mưu đưa ra thuyết "nhân quyền cao hơn chủ quyền" cũng như việc Mỹ dự định triển khai TMD và NMD đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc và Nga. Sự phản đối này không hạn chế trong phạm vi sự kiện, mà là sự phản đối mưu đồ của Mỹ nhằm thiết lập bá quyền trên toàn thế giới, do đó sự phản đối mang ý nghĩa chiến lược lâu dài. Tương tự như vậy, những nghi kỵ trong quan hệ Trung-Nhật và những bước dậm chân tại chỗ trong quan hệ Nhật-Trung, Nhật-Nga xét về thực chất không chỉ xuất phát từ những sự kiện cụ thể, mà từ tầm chiến lược: mỗi nước đều không muốn nước kia nâng cao vị thế vai trò ở khu vực Châu A'-Thái Bình Dương.

Những tiến triển trên đây cho thấy ở tầm vĩ mô, khuôn khổ chung trong quan hệ tứ cường đã được xác lập, đó là hợp tác và đấu tranh: các nước lớn đều hợp tác với nhau, thúc đẩy quan hệ song phương phát triển nhằm phục vụ mục tiêu phát triển và nâng cao vị thế của mình; đồng thời các nước đều đấu tranh với nhau nhằm kiềm chế lẫn nhau trong thời kỳ quá độ từ cục diện cũ sang cục diện mới. Trong khuôn khổ hợp tác và đấu tranh đó, không một nước nào muốn quan hệ bị tan vỡ. Xuất phát từ những mục đích khác nhau và ở những mức độ khác nhau nhưng các nước đều cần đến nhau, không có tình trạng đối đầu như trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Trong trường hợp xảy ra căng thẳng thì cũng nhanh chóng dàn xếp để tiếp tục phát triển quan hệ. Dưới góc độ kinh tế, quan hệ giữa các nước này cũng thể hiện rõ hai mặt: cạnh tranh và hợp tác. Sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng về kinh tế giữa các nước một mặt không những không làm giảm những mâu thuẫn giữa các nước về kinh tế mà còn khiến cho nền kinh tế của mỗi nước dễ bị tổn thương hơn; mặt khác có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của những căng thẳng kinh tế giữa các nước, không để những căng thẳng này dẫn đến chiến tranh thương mại.

Trong khuôn khổ quan hệ nêu trên, mỗi nước lớn đều cần phải tập hợp lực lượng. Sự tập hợp lực lượng này diễn ra ở cả hai cấp độ: giữa các nước lớn với nhau và giữa các nước lớn và các nước nhỏ. Nhìn tổng quát, sự tập hợp lực lượng giữa tứ cường Mỹ-Trung-Nhật-Nga thể hiện ở các dạng sau: (a) Quan hệ giữa các cường quốc để chống lại siêu cường; (b) Mỹ dùng mối quan hệ với từng cường quốc để hạn chế sự phát triển của các nước này; (c) Các cường quốc quan hệ với Mỹ để hạn chế sự vươn lên của các cường quốc khác. Trong mạng lưới quan hệ đó, Mỹ ở vị trí thuận lợi hơn cả về thực lực lẫn địa vị quốc tế, do đó trong các mối quan hệ với ba cường quốc Trung Quốc, Nhật Bản, và Nga, Mỹ thường gây sức ép bắt các nước này chấp nhận những giá trị của Mỹ. Trong khi đó, các cường quốc không thống nhất hành động để chống lại siêu cường Mỹ. Nếu như hợp tác Trung-Nga có nội dung chống chủ nghĩa bá quyền Mỹ thì quan hệ Trung-Nhật hoặc Nhật-Nga không có nội dung này. Ngược lại, trong chính sách đối ngoại của mình, Trung Quốc, Nhật Bản, và Nga đều coi quan hệ với Mỹ là mối quan hệ quan trọng nhất. Chính điều này đã tạo cho Mỹ có thêm điều kiện để gây sức ép với các cường quốc nói trên.

Sự tập hợp lực lượng giữa các nước lớn như vậy được dựa trên trò chơi về cân bằng quyền lực. Một lý do quan trọng dẫn đến quan hệ giữa tứ cường trong thời gian qua tương đối ổn định là các nước đều có mục đích cân bằng quyền lực: dùng mối quan hệ với một nước để tạo thêm sức mạnh trong quan hệ với các nước khác. Một trong những lý do Mỹ tăng cường quan hệ an ninh với Nhật Bản là để nhằm kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, cân bằng lại những tiến triển trong quan hệ bạn bè chiến lược giữa Trung Quốc và Nga. Cải thiện quan hệ với Trung Quốc được Nga coi là một biện pháp chống lại việc NATO mở rộng về phía Đông, nâng cao vị thế của Nga trong quan hệ với Mỹ và Nhật Bản.

Do đó, có thể nói trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh - thời kỳ cục diện thế giới đang trong giai đoạn hình thành - thì sự hợp tác hoặc đấu tranh giữa các nước lớn đều có giới hạn, không mang tính chất cực đoan: không liên minh nhưng cũng không chống nhau một mất một còn như quan hệ giữa các nước lớn trong thời kỳ chiến tranh lạnh mà được xây dựng trên những tính toán cụ thể về những vấn đề cụ thể và thời điểm cụ thể.

Tác động của quan hệ tứ cường đối với tình hình an ninh ở Đông A'

Cần phải khẳng định rằng quan hệ tứ cường, dù tốt hay xấu, đều ảnh hưởng đến địa-chính trị và địa kinh tế ở khu vực. Sở dĩ như vậy là vì: Một là, tất cả các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, và Nga đều có vai trò quan trọng về chính trị và kinh tế trên thế giới. Trừ Nhật Bản, cả ba cường quốc còn lại đều là uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đều là cường quốc hạt nhân. Trừ Trung Quốc, các nước khác đều là thành viên của G-8 - tổ chức hợp tác giữa các nước công nghiệp phát triển. Tỷ trọng GDP của các nước này trong nền kinh tế thế giới là vào khoảng hơn 40%. Hai là, cả bốn nước đều là những thành viên chủ chốt trong nhiều tổ chức chính trị và kinh tế tại khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Như trên đã trình bày, một đặc điểm trong quan hệ tứ cường ở Đông A' là cả bốn nước đều mong muốn duy trì mối quan hệ trong khuôn khổ hợp tác và đấu tranh nhưng không để cho quan hệ bị đổ vỡ. Do đó, có thể khẳng định rằng không một nước nào sẽ gây ra chiến tranh để chống lại nước khác. Hệ luỵ của nó là nền hoà bình và an ninh của khu vực sẽ tiếp tục được duy trì. Khả năng chiến tranh giữa các nước lớn này bị loại trừ. Hoà bình và phát triển là dòng chảy chính ở khu vực. Trong xu thế chung đó, tất cả các nước sẽ tiếp tục tập trung phát triển đất nước để nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, góp phần vào sự phát triển chung của toàn khu vực. Đây là cơ hội tạo dựng môi trường xung quanh hoà bình ổn định cho các nước vừa và nhỏ phát triển kinh tế, nâng cao sức mạnh quốc gia.

Bên cạnh đó, việc các nước lớn có ý đồ chiến lược kiềm chế lẫn nhau đã và đang tạo điều kiện cho các nước vừa và nhỏ nâng cao vị thế của mình. Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) là diễn đàn duy nhất tại khu vực đã tập hợp được tất cả các nước lớn trong cùng một tổ chức của các nước vừa và nhỏ để bàn về vấn đề an ninh khu vực, tăng cường lòng tin, góp phần vào hoà bình và ổn định tại khu vực. Đây là cơ chế duy nhất được tất cả các nước trong và ngoài khu vực chấp nhận.

Nhưng bên cạnh đó, việc các nước lớn tăng cường hợp tác có thể gây ra những tác động không tốt đến các nước vừa và nhỏ. Ví dụ điển hình là sự hợp tác của các nước phát triển về kinh tế ở phương Tây đã gây nên những tác động xấu đối với các nước kém phát triển, đưa đến những cuộc biểu tình ở Seatle (Mỹ) và Chiềng Mai (Thái Lan) chống lại quá trình toàn cầu hoá. Ngoài ra, việc hợp tác giữa các nước lớn, trong một chừng mực nhất định và trong một số trường hợp cụ thể, có thể làm giảm vai trò của các nước vừa và nhỏ. Cuộc họp liên Triều gần đây và kết quả của nhiều nhân tố, trong đó có phần đóng góp tích cực của Trung Quốc và Mỹ. Trong khi đó, những khó khăn tạm thời trước mắt về phát triển kinh tế đã phần nào gây khó khăn cho các nước ASEAN phát huy vai trò của mình trong Diễn đàn khu vực ARF.

Sự cạnh tranh giữa các nước lớn một mặt có thể có những tác động tích cực đối với việc nâng cao vị thế của các nước vừa và nhỏ nếu các nước này đoàn kết với nhau và việc tập hợp lực lượng đó phù hợp với lợi ích của tất cả các nước vừa và nhỏ. Mặt khác, sự cạnh tranh giữa các nước lớn cũng có thể gây khó khăn cho các nước vừa và nhỏ khi thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng của mình và việc duy trì đoàn kết trong nhóm các nước vừa và nhỏ. Do những khác biệt về trình độ phát triển, về hệ tư tưởng, cho nên lợi ích của các nước vừa và nhỏ có thể không giống nhau dẫn đến kết quả là các nước vừa và nhỏ có thể bị phân tách khi các nước lớn tập hợp lực lượng theo từng vấn đề cụ thể.

Trong bối cảnh đó, để nâng cao vị thế của mình, một mặt các nước vừa và nhỏ luôn ủng hộ và thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước lớn, coi đó là một đóng góp vào hoà bình và ổn định tại khu vực và trên thế giới. Mặt khác, các nước vừa và nhỏ tăng cường đoàn kết và sự thống nhất chung nhằm nâng cao vị thế của mình. Quyết tâm của các vị bộ trưởng các nước thành viên tại hội nghị ASEAN lần thứ 33 tổ chức tại Bangkok vừa qua là một hướng đi đúng đắn nhằm mục tiêu cao cả đó.

Kết luận

Tuy ở vị trí siêu cường duy nhất sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt nhưng Mỹ không thể làm mưa làm gió trên trường quốc tế, không thể thực hiện ý đồ trở thành "trung tâm" trong cục diện thế giới mới. Cục diện thế giới mới sẽ là cục diện đa cực trong đó các nước lớn vừa hợp tác với nhau nhưng không mang tính chất liên minh; vừa đấu tranh với nhau trên từng vấn đề cụ thể vào từng thời điểm cụ thể, nhưng không mang tính chất một chiều như thời kỳ chiến tranh lạnh. Các nước đều có lợi ích duy trì quan hệ với nhau, không để cho mối quan hệ bị đổ vỡ.

Quan hệ hợp tác giữa các nước lớn là một đóng góp vào việc duy trì hoà bình và ổn định tại khu vực, góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia của các nước vừa và nhỏ. Nhưng bên cạnh đó, quan hệ giữa các nước lớn có thể gây ra những khó khăn nhất định đối với tình đoàn kết và thống nhất giữa các nước vừa và nhỏ, nhất là trong khi các nước này còn gặp phải nhiều khó khăn trên con đường phát triển của mình. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường đoàn kết và nhất trí giữa các nước vừa và nhỏ là một hướng đi đúng đắn, vì lợi ích chung của các nước vừa và nhỏ.

Tài liệu trích dẫn:

1. Bary Buzan, "New pattern of global security in the twenty first century," International Affairs, 67:3, 1991, p. 437.

2. Ramesh Thakur, "Asia-Pacific After the Cold War" trong cuốn Ramesh Thakur và Carlyle A. Thayer (chủ biên): Reshaping Regional Relations, Westview Press, USA, 1993, trang 12-13.

3. Xin tham khảo thêm các tác giả sau đã viết về sự hạn chế của chủ nghĩa bá quyền Mỹ ở khu vực Châu A'-Thái Bình Dương: Wu Xinbo, "Changing roles: China and the United States in East Asia Security," Journal of Northeast Asian Studies, Spring 1996; charles William Maynes, "The Perils of (and for) an Imperial America," Foreign Policy, Summer 1998, p. 36-47; Alexander A. Sergounin, "An Age of Uncertainty: Building a post Cold War US Security Strategy for East and Southeast Asia," Journal of Northeast Asian Studies, Summer 1996, p. 25-49.

4. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nền an ninh khu vực Đông A' phụ thuộc hoàn toàn vào quan hệ giữa các nước lớn, đặc biệt là quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ. Những căng thẳng trong khu vực đều liên quan đến cục diện hai cực do Liên Xô và Mỹ đứng đầu. Các nước vừa và nhỏ không có vai trò quan trọng đối với nền an ninh ở khu vực. Đây chính là cơ sở thực tế của học thuyết trung tâm và ngoại vi mà Barry Buzan là một người tán đồng. Ngày nay, nhờ vào những thành tựu của cách mạng khoa học kỹ thuật, nhờ vào sự thay đổi trong tình hình thế giới, quan niệm này không còn đúng nữa. Các nước vừa và nhỏ không còn đóng vai trò thụ động như trước mà có vai trò ngày càng chủ động và quan trọng hơn trong đời sống chính trị quốc tế, góp phần vào việc hình thành xu thế dân chủ hoá trong quan hệ quốc tế./.

Cùng chuyên mục