Số 36 - Một số vấn đề trong quan hệ Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây

07:54 30/03/2012

Một số vấn đề trong quan hệ Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây

Tác giả: Nguyễn Hồng Yến.

Sau hơn nửa thế kỷ chia cắt, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Tê Chung và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Châng In từ 13-15/06/2000 đã đưa hai nước vào giai đoạn mới trên con đường cùng tìm kiếm giải pháp thống nhất đất nước, mở ra triển vọng sáng sủa hơn cho vấn đề hoà bình trên bán đảo Triều Tiên. Đồng thời, tiến trình hoà bình cũng phác hoạ nên một bức tranh chính trị mới cho khu vực Châu A' - Thái Bình Dương nói chung và Đông Bắc A' nói riêng, trong đó các cường quốc đang tìm cách phát triển ảnh hưởng của mình. Nhật Bản tất nhiên không nằm ngoài xu thế này. Bài viết sẽ tập trung đề cập đến tầm quan trọng của bán đảo Triều Tiên đối với Nhật Bản, phân tích diễn biến quá trình tiến tới bình thường hoá quan hệ Nhật Bản - CHDCND Triều Tiên thời gian vừa qua và nêu triển vọng mối quan hệ Nhật Bản với bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới.

Tầm quan trọng của bán đảo Triều Tiên đối với Nhật Bản.

Nằm giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, bán đảo Triều Tiên có vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt đối với Nhật Bản. Cách các đảo Honshu và Kyushu của Nhật chỉ 190 km về phía đông nam, bán đảo này là một trong ba con đường để Nhật Bản tiến vào lục địa và cũng là con đường từ lục địa tiến sang Nhật Bản.

Về mặt an ninh, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Nhật Bản được đảm bảo an toàn nhờ thế cân bằng tương đối giữa hai miền Bắc Nam và sự bảo vệ của Mỹ. Tuy nhiên, sau chiến tranh lạnh, tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản đã có nhiều thay đổi, thậm chí trở nên bấp bênh hơn, và điều này đã ảnh hưởng lớn đến lợi ích an ninh quốc gia của nước này. Nhật Bản rất lo ngại về các chương trình tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên đe doạ an ninh của mình. Khi chưa ký kết được một hiệp định hoà bình trên bán đảo Triều Tiên thì Nhật Bản vẫn coi CHDCND Triều Tiên là mối đe doạ an ninh lớn nhất hiện nay. Nếu xung đột xảy ra thì hậu quả đối với Nhật Bản sẽ nghiêm trọng hơn bất kỳ cuộc chiến nào ở châu A'.

Ngoài ra, bán đảo Triều Tiên còn đóng vai trò như một vùng đệm để hạn chế khả năng Nhật Bản bị tấn công từ lục địa, đặc biệt sau một số hoạt động thử hạt nhân và tập trận của quân đội Trung Quốc trong mấy năm gần đây (1). Vì vậy, duy trì hoà bình và ổn định trên bán đảo và tăng cường quan hệ với cả hai miền là yếu tố có ý nghĩa chiến lược đối với hoà bình và ổn định toàn khu vực Đông Bắc A', trong đó có Nhật Bản.

Về mặt chính trị, mục tiêu chiến lược của Nhật Bản hiện nay là vươn lên thành cường quốc toàn diện, trước hết là trong khu vực. Đương nhiên bán đảo Triều Tiên là nơi được Nhật Bản lưu tâm đặc biệt, nhất là hiện nay, khi các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ, Nga đang cạnh tranh và mở rộng ảnh hưởng của họ trên bán đảo được coi là nơi hội tụ nhiều lợi ích này. Tuy gặp nhiều bất lợi do quá khứ không đẹp trong Chiến tranh thế giới II dẫn đến sự muộn mằn trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản đang cố tìm cách xác lập vai trò chính trị và ảnh hưởng của mình lên bán đảo Triều Tiên. Và nếu thành công thì vị thế của Nhật Bản trong quan hệ với các nước lớn khác sẽ được nâng lên đáng kể, ví dụ như đảm bảo sự có mặt và trọng lượng của Nhật Bản trong các cuộc thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực cũng như thế giới. Rõ ràng, bán đảo Triều Tiên là nơi Nhật Bản có thể tìm kiếm vai trò chính trị tương xứng với sức mạnh kinh tế của mình sau chiến tranh lạnh.

Về mặt kinh tế, bán đảo Triều Tiên cũng là nơi Nhật Bản có tham vọng giành ưu thế chiến lược. Hiện nay, Nhật là bạn hàng lớn nhất của Hàn Quốc, và quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước ngày càng trở nên gắn bó sâu sắc. Những hỗ trợ lớn của Nhật Bản giúp Hàn Quốc thoát khỏi khủng hoảng tiền tệ vừa qua đã khẳng định ưu thế của Nhật. Đối với CHDCND Triều Tiên, đây cũng là nơi nhiều tiềm năng về thị trường, tài nguyên... và là nơi Nhật Bản muốn phát triển ảnh hưởng của mình trong tương lai. Đối với bán đảo Triều Tiên, có lẽ việc sử dụng ưu thế kinh tế sẽ là một trong những công cụ hữu hiệu giúp Nhật Bản nâng cao vị thế chính trị và đảm bảo an ninh cho mình.

Diễn biến quan hệ Nhật - Triều trong thời gian vừa qua:

Các cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Tê Chung và Thủ tướng Nhật Mori (2) đã đánh dấu những bước tiến quan hệ mới sau hơn 30 năm bình thường hoá (1965), với cam kết trở thành đối tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực và tăng cường sức mạnh liên minh hướng tới thế kỷ 21. Cho dù giữa hai nước còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp, song cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đều nhận thức được tầm quan trọng trong việc trở thành đồng minh của nhau trong bối cảnh phải đương đầu với nguy cơ đe doạ chiến tranh từ phía CHDCND Triều Tiên và nhu cầu về hợp tác phát triển kinh tế.

Có thể nói, trở ngại lớn nhất trong quan hệ bang giao Nhật Bản với bán đảo Triều Tiên vẫn là giữa Nhật Bản với CNDCND Triều Tiên. Từ khi Chiến tranh TG-II kết thúc, hai nước vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhân tố ý thức hệ và hận thù sâu sắc do hậu quả xâm lược của quân đội Nhật đã luôn đặt hai quốc gia vào vị trí đối đầu. Nhưng cục diện thế giới đã có nhiều thay đổi, nhất là khi kết thúc chiến tranh lạnh, quan hệ quốc tế trở nên hoà dịu, buộc Nhật Bản phải điều chỉnh chính sách của mình và chủ động đặt vấn đề đàm phán bình thường hoá với CHDCND Triều Tiên từ cuối những năm 80. Suốt thời gian từ 1/1991 - 11/1992, hai bên đã có 8 vòng đàm phán song vẫn bế tắc do chính sách quá khác biệt (3) . Phía CHDCND Triều Tiên đòi Nhật Bản phải xin lỗi về quá khứ xâm lược và bồi thường cho những thiệt hại trong và sau CTTG-II. Còn phía Nhật Bản thì đòi CHDCND Triều Tiên phải đồng ý cho quốc tế thanh tra về vũ khí hạt nhân và trả lời vụ tình nghi "bắt cóc" công dân Nhật.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tháng 6/2000, Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên đã tiến hành hai vòng đàm phán thứ 10 và 11 nhằm bình thường hoá quan hệ ngoại giao (4). Các vòng đàm phán này diễn ra trong bối cảnh vị thế của CHDCND Triều Tiên trên chính trường quốc tế đã thay đổi nhiều. Trong vòng hơn nửa năm, CHDCND Triều Tiên đã có hàng loạt cuộc gặp gỡ nhằm cải thiện quan hệ ngoại giao với nhiều nước như Australia, Canađa, Nam Phi, Philippin, 9 nước Tây Âu, và tăng cường các quan hệ sẵn có với các nước và khu vực khác. Đặc biệt, họ đã trở thành thành viên chính thức trong Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tháng 7/2000 (5), một diễn đàn đối thoại không chỉ về ngoại giao mà cả hoà bình, an ninh, quốc phòng. Điều này thể hiện phần nào ý chí của CHDCND Triều Tiên muốn tìm kiếm con đường phù hợp để hội nhập vào cộng đồng quốc tế.

Trong các vòng đàm phán này, đã có những nhượng bộ nhất định từ cả hai bên. CHDCND Triều Tiên không đòi hỏi Nhật Bản phải bồi thường cả những thiệt hại sau chiến tranh. Nhật Bản đề xuất phương thức viện trợ và hợp tác kinh tế giống như đã làm với Hàn Quốc trước đây, trong đó Nhật sẽ viện trợ kinh tế 9 tỷ USD thay vì bồi thường nếu hai bên đạt được tiến bộ trong quan hệ (6). Vì vậy, câu hỏi sắp tới sẽ là liệu CHDCND Triều Tiên có chấp nhận đền bù dưới hình thức tài trợ kinh tế hay không. Ngay từ năm ngoái, Nhật Bản đã thực hiện nhiều hành động tích cực như huỷ bỏ lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên, đặc biệt là nối lại các khoản viện trợ lương thực thông qua Chương trình lương thực thế giới (7) .

Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa đạt được tiến triển nào trong vấn đề chấm dứt chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên (8). Hiện nay, cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đều có thể nằm gọn trong tầm ngắm của các tên lửa này. Ngay cả Mỹ cũng tỏ ra lo ngại về sự phát triển của nó và vẫn chủ trương lâu dài duy trì sự có mặt quân sự của mình tại Hàn Quốc. Mặc dù có tin nói rằng CHDCND Triều Tiên sẽ chấm dứt các hoạt động đó nếu như Nhật Bản và các nước khác cam kết giúp họ phóng vệ tinh lên vũ trụ để phục vụ các công trình nghiên cứu có tính chất hoà bình, song không ai dám khẳng định CHDCND Triều Tiên sẽ làm như vậy. Nhiều phân tích cho thấy CHDCND Triều Tiên muốn sử dụng con bài tên lửa như một công cụ đối trọng lâu dài với Nhật Bản cũng như với các cường quốc khác, vì vậy không lẽ gì họ lại có thể từ bỏ nó một cách dễ dàng. Ngay cả với Mỹ, Bình Nhưỡng cũng chỉ tuyên bố không chính thức là tạm ngừng các vụ thử tên lửa để đổi lại việc dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt. Như vậy có thể thấy chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên vẫn là một mối đe doạ lớn cho an ninh của Nhật Bản và khu vực.

Về vấn đề "bắt cóc công dân Nhật" thì đến nay vẫn chưa cho thấy hướng giải quyết trong tương lai gần. Phía Nhật Bản nói rằng 10 công dân của họ đã bị phía CHDCND Triều Tiên bắt cóc trong những năm 60 và 70, và hiện nay không rõ số phận những người này ra sao (9). Dư luận Nhật Bản lên án đây là hành động tội ác và xâm phạm chủ quyền quốc gia và không thể nào có chuyện bình thường hoá quan hệ giữa hai nước trừ khi và chỉ khi nào vấn đề này được giải quyết. Cùng với yêu cầu giải quyết quá khứ chiến tranh của CHDCND Triều Tiên, vấn đề người Nhật bị bắt cóc này được coi là một trong những cản trở lớn cho các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, phía CHDCND Triều Tiên cũng đưa ra một cơ hội là đồng ý để phái đoàn Hội Chữ thập đỏ tiến hành điều tra những người mất tích và nhắc lại đây là những người mất tích chứ không phải là những người bị bắt cóc (10).

Mặc dù chưa đi đến một thoả thuận cụ thể nào cho việc bình thường hoá quan hệ, các vòng đàm phán vừa qua vẫn được coi là bước tiến bộ trong việc cải thiện mối quan hệ Nhật-Triều với khẳng định của cả hai bên là cần phải tiếp tục đối thoại. Sau vòng đàm phán, hai bên đã ra tuyên bố chung nêu rõ sẽ có những cuộc trao đổi về thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (11). So với vòng đàm phán cách đây hơn 7 năm kết thúc trong bế tắc và căng thẳng, các cuộc đàm phán lần này diễn ra trong hoàn cảnh có nhiều thay đổi như quan hệ Bắc Nam đang ngày càng tốt lên, và Bình Nhưỡng đang cố gắng hoà nhập vào cộng đồng quốc tế. Đó là những yếu tố thuận lợi ảnh hưởng tích cực đến thiện chí đàm thoại giữa hai bên.

Song có lẽ trong thời gian vài năm tới, quan hệ giữa Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên khó có thể đạt được những cải thiện lớn bởi không dễ gì giải quyết được ngay các vấn đề mà hai bên coi là cơ bản của mình. Nhật Bản vẫn cương quyết với vấn đề người Nhật bị bắt cóc, trong khi CHDCND Triều Tiên lại đòi phải thanh toán quá khứ thông qua bồi thường chiến tranh, và ai cũng muốn phải giải quyết các vấn đề của mình trước.

Nhật Bản với Hàn Quốc trong vấn đề bán đảo Triều Tiên:

Nhật Bản hiện nay vẫn tăng cường hợp tác an ninh với Hàn Quốc thông qua các hoạt động trao đổi, hợp tác, tập trận quân sự thường xuyên. Trên cơ sở bản thoả thuận cấp bộ trưởng Quốc phòng tháng 01/1999, các đường dây nóng đã được thiết lập và tăng cường giữa các lực lượng hải, lục, không quân của cả hai nước. Nhiều cuộc họp giới chức cao cấp liên quan đến an ninh trên bán đảo Triều Tiên đã diễn ra song phương như cấp bộ trưởng quốc phòng và cấp nguyên thủ quốc gia tháng 05 và 06/2000 hoặc với sự tham gia của Mỹ trong Nhóm Giám sát và Phối hợp Ba bên TCOG (12). Rõ ràng, lý do cho sự tăng cường hợp tác an ninh này là từ "nguy cơ" của chương trình tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Quan hệ với Hàn Quốc có ý nghĩa lớn lao đối với Nhật Bản vì cả hai có chung nhiều lợi ích an ninh quốc gia và là đồng minh lý tưởng của nhau.

Tuy nhiên, cách nhìn nhận vấn đề an ninh của mỗi bên đối với CHDCND Triều Tiên cũng có điểm khác nhau, không phải là ở các mục đích chính sách đối phó với Bình Nhưỡng, mà là ở thứ tự của chúng. Nếu như Nhật Bản coi chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên là đặc biệt nguy hiểm thì Hàn Quốc đã quá quen thuộc vì hàng thập kỷ nay sống cạnh sự đe doạ quân sự đó. Hàn Quốc tỏ ra ít quan tâm tới việc Nhật cùng Mỹ đẩy mạnh kế hoạch TMD trong khu vực và cảm thấy không dễ dàng phản ứng một cách mạnh mẽ chống chương trình tên lửa của CHDCND Triều Tiên vì Hàn Quốc không muốn làm ảnh hưởng đến tiến bộ mới đạt được giữa hai miền. Tương tự, trong khi Hàn Quốc đặt trọng tâm phải giải quyết vấn đề gặp mặt đoàn tụ cho những gia đình bị ly tán như là một phần của chính sách ánh dương thì họ không mấy quan tâm đến chuyện theo dõi động thái của CHDCND Triều Tiên giải quyết vụ nghi ngờ bắt cóc công dân Nhật Bản (13).

Đối với tiến trình hoà hợp Bắc Nam, Nhật Bản vẫn bày tỏ thái độ ủng hộ Hàn Quốc, song có lẽ Nhật Bản rất lo lắng trước việc giảm sút vai trò của mình trên bán đảo này. Những cải thiện trong quan hệ liên Triều sẽ phần nào làm lỏng lẻo liên minh tay ba Nhật-Mỹ-Hàn trong cách giải quyết với CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng có thể sẽ bớt quan tâm đến bình thường hoá quan hệ với Nhật Bản nếu như họ hy vọng nhiều hơn vào sự hỗ trợ kinh tế từ phía Hàn Quốc. Nhật cũng đang cân nhắc kỹ lưỡng ngay cả đối với lời đề nghị của Hàn Quốc muốn Nhật Bản tăng cường hoạt động cứu trợ lương thực và tài chính hơn nữa cho CHDCND Triều Tiên (14), vì phía CHDCND Triều Tiên vẫn chưa chịu đáp ứng các yêu cầu của phía Nhật như vụ bắt cóc công dân hay phát triển tên lửa. Vì vậy, Nhật hoàn toàn không muốn Hàn Quốc đi quá nhanh trong quan hệ với miền Bắc trong khi các lợi ích cuả mình chưa được xác định.

Triển vọng cho mối quan hệ Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên:

Dựa trên phân tích tình hình, chúng ta có thể nêu kịch bản về tương lai vấn đề bán đảo Triều Tiên. Có khả năng xảy ra nhiều nhất hiện nay là CHDCND Triều Tiên vẫn tiếp tục các chương trình phát triển và thử tên lửa tầm xa như Taepodong I và II và cho rằng các nước như Nhật Bản sẽ phải thoả hiệp dưới các hình thức viện trợ này khác với mình để đổi lấy một cam kết chấm dứt các chương trình đó. Trong kịch bản này, cũng có khả năng CHDCND Triều Tiên sẽ đồng ý với các bên liên quan thiết lập đường dây nóng quân sự, thông báo trước cho nhau các hoạt động di chuyển quân đội hoặc tập trận, tham gia các cuộc họp định kỳ của một uỷ ban quân sự, hoặc thậm chí có những đàm phán về tài giảm lực lượng. Những nhượng bộ này của CHDCND Triều Tiên chắc chắn sẽ làm cho Nhật Bản phần nào yên tâm hơn về tình hình an ninh khu vực.

Tuy nhiên, trong kịch bản này Nhật Bản vẫn còn nhiều lo ngại, còn hơn cả Mỹ hay Hàn Quốc, vì các chương trình tên lửa của CHDCND Triều Tiên là mối đe doạ trực tiếp nhất, nguy hiểm nhất cho sự an toàn của Nhật Bản. Đối với Tokyo thì tương lai phía trước còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hợp tác và hoà bình trong chính sách của Bình Nhưỡng. Những hoạt động ngoại giao con thoi gần đây của CHDCND Triều Tiên cho thấy đây có thể chỉ là những thay đổi sách lược nhằm đưa Triều Tiên ra khỏi thế cô lập của họ. Song dù thế nào đi nữa, có lẽ phương án giải quyết trong tương lai là Nhật Bản phải dùng tác động tài chính để đổi lấy việc CHDCND Triều Tiên cắt giảm quân sự và ngừng phát triển tên lửa. Hiện nay Mỹ đang tích cực đàm phán với CHDCND Triều Tiên về vấn đề tên lửa và thời gian tới nếu vấn đề này có tiến bộ thực sự thì chắc chắn Mỹ sẽ đòi Nhật Bản phải đóng góp tương ứng. Tình hình này sẽ giống như trước đây khi Nhật Bản và Mỹ đã phải trả giá cao là cung cấp các lò phản ứng nước nhẹ để đổi lấy việc CHDCND Triều Tiên tạm ngưng chương trình hạt nhân.

Trong kịch bản này, so với các đồng minh trong việc cải thiện quan hệ với CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản vẫn đang ở thế chậm chân. Cho đến nay duy nhất chỉ còn Nhật Bản chưa có hội đàm cấp cao với nước này. Tích cực nhất là Hàn Quốc với chính sách ánh dương đang đạt được những biến chuyển vượt bậc. Kế tiếp là Mỹ cũng đang có những động thái nhất định mặc dù còn thận trọng. Chính quyền Clinton thực hiện một chính sách hoà hoãn, thông qua giao lưu và đối thoại để thúc đẩy CHDCND Triều Tiên thay đổi.

Thế yếu của Nhật Bản còn thể hiện ở sự vắng mặt tại Hội nghị bốn bên về giải pháp cho bán đảo Triều Tiên gồm hai miền Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ. Nhật Bản đang muốn các nước liên quan đồng ý mở rộng thành Hội nghị 6 bên với sự tham gia thêm của Nhật Bản và Nga (15). Thế nhưng trừ Hàn Quốc và Nga nhìn nhận đề xuất này với thái độ tích cực, Nhật Bản không nhận được ủng hộ của các nước còn lại. Cả Trung Quốc và Mỹ đều tỏ ra không mấy mặn mà vì họ không muốn có thêm một bên nào nữa tham gia chia sẻ vai trò ảnh hưởng của họ. Còn đối với CHDCND Triều Tiên, sự xuất hiện của Nhật Bản hay Nga chỉ làm tăng thêm tính phức tạp của tình hình. Thêm vào đó, bất cứ một hành động thiếu tế nhị nào của Nhật Bản về ách thống trị trước kia của người Nhật đều có thể thổi bùng phản ứng gay gắt của người dân Triều Tiên. Thực ra về mặt pháp lý thì Nhật Bản không phải là bên tham gia ký kết Hiệp định đình chiến 1953 nên cả Trung Quốc, CNDCND Triều Tiên và Mỹ đều lấy đó làm lý do loại Nhật ra khỏi các cuộc thương lượng quốc tế về vấn đề Triều Tiên.

Nhật Bản mong muốn một bán đảo Triều Tiên không có xung đột. Song Nhật Bản lại không mong muốn hai miền sớm đi vào thống nhất một cách nhanh chóng. Một Triều Tiên thống nhất với sức mạnh kinh tế của miền Nam và sức mạnh quân sự của miền Bắc sẽ là trở ngại lớn cho mục tiêu cường quốc chính trị của Nhật Bản. Một Triều Tiên thống nhất sẽ triệt tiêu tình trạng đối đầu giữa hai miền và có thể làm tăng thái độ thù địch đối với Nhật Bản vì quá khứ chiến tranh. Chưa kể việc vấn đề Triều Tiên chỉ do 4 bên tham gia là không phù hợp với lợi ích Nhật Bản vì làm mất đi ảnh hưởng của Nhật đối với hai miền, giảm đi vai trò đối trọng của Nhật với các nước lớn khác, và gây mất ổn định cho cán cân lực lượng khu vực Đông Bắc A'. Đối với Nhật Bản, chủ trương chính sách hai nước Triều Tiên cùng tồn tại, nhưng hoà bình và ổn định, như là một thời kỳ quá độ trước khi đạt được thống nhất là phù hợp với lợi ích an ninh, kinh tế, chính trị của nước này.

Trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục quan sát động thái của Nhật Bản trong quan hệ với CHDCND Triều Tiên. Đây là tình huống khó phán đoán vì Nhật Bản vừa phải chịu sức ép của dư luận khác nhau trong nước về vấn đề bán đảo Triêu tiên, vừa chịu sức ép từ phía Mỹ, Trung Quốc, và Hàn Quốc khi các nước này liên tục đàm phán và đạt được kết quả với Bình Nhưỡng, cũng vừa phải chịu áp lực của CHDCND Triều Tiên khi giải quyết các vấn đề với họ. Ưu thế lớn nhất của Nhật Bản hiện nay và trong tương lai gần vẫn là sức mạnh kinh tế chứ chưa phải là sức mạnh chính trị và quân sự. Và chiều hướng chính sách của Nhật Bản sẽ phải là phát huy ưu thế đó thì mới nâng cao được vai trò chính trị và an ninh của mình.

*

* *

Có thể rút ra một số điểm trong quan hệ của Nhật Bản với bán đảo Triều Tiên như sau:

1. Đối với CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản vẫn tích cực cải thiện quan hệ thông qua các nỗ lực ngoại giao và hỗ trợ tài chính, kinh tế. Điều này vừa có tác dụng xác lập vai trò nhất định đối với CHDCND Triều Tiên, vừa ngăn chặn đe dọa quân sự của nước này, lại vừa tạo thế cân bằng tương đối với ảnh hưởng của các cường quốc khác trên bán đảo Triều Tiên.

2. Đối với Hàn Quốc, Nhật Bản chủ trương đẩy quan hệ lên một mức mới, đặc biệt chú trọng tới an ninh, chính trị, đồng thời vẫn duy trì vai trò chiến lược về kinh tế. Đây không những nhằm mục đích xây dựng liên minh Nhật-Hàn vững chắc như liên minh Nhật-Mỹ, Hàn-Mỹ, mà còn thiết lập nền tảng cho mối quan hệ thuận lợi về mọi mặt đối với một nước Triều Tiên thống nhất sau này.

3. Nhật Bản tiếp tục chính sách hai nước Triều Tiên, ủng hộ việc cùng tồn tại hai miền như thời kỳ quá độ trên con đường đi tới thống nhất. Do đó, quan điểm của Nhật Bản là góp phần làm dịu căng thẳng trên bán đảo này, trước mắt là việc mau chóng tiến tới bình thường hoá quan hệ với CHDCND Triều Tiên; duy trì một Triều Tiên bị chia cắt nhưng hoà bình và ổn định với hai lực lượng tương đối cân bằng để đảm bảo cho các lợi ích an ninh, kinh tế, và chính trị của mình./.

Tài liệu trích dẫn:

1. TTKCN 5/10/1997, TTXVN.

2. Các ngày 29/05/2000, 08/06/2000,và 23/09/2000.

3. Korea and World Affairs, Research Center of Peace and Unification of Korea, winter 1994.

4. Vòng đàm phán thứ 10 và 11 diễn ra vào ngày 22/08/ và 30/10/2000.

5. Korea Now, 29/07/2000, p.6.

6. Tin A, BNG, 31/10/2000.

7. Pacific Forum CSIS, 2nd Quarter 2000.

8. Japan Times, 29/08/2000.

9. TTK, TTXVN, 21/08/2000.

10. Japan Times, 29/08/2000.

11. TTK, TTXVN, 22/09/2000.

12. http://hfni.gsehd.gwu.edu/japan.

13.Pacific Forum CSIS, 1st Quarter 2000.

14. Được nêu trong cuộc gặp giữa Tổng thống Kim Tê Chung và Thủ tướng Mori hồi tháng 5, 6 và 9/2000.

15. http://www.kida.re.kr/forum./.

Cùng chuyên mục