Tổ quốc chỉ có một

10:20 25/03/2013

Ngày 20/03/2013, Học viện tổ chức buổi chiếu phim miễn phí nhân hướng tới kỉ niệm 82 năm ngày thành lập Đoàn TNCS HCM. Bộ phim được chọn trình chiếu hôm đó là Mùi cỏ cháy – tác phẩm từng đoạt 4 giải Cánh diều vàng, một thành công hiếm hoi về đề tài chiến tranh của điện ảnh Việt Nam những năm gần đây.

Bộ phim tái hiện lại Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại thành cổ Quảng Trị. Nhân vật chính là bốn sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội: Hoàng, Thành, Thăng, Long, những người đã chọn xếp lại bút nghiên giảng đường để xông pha nơi mặt trận theo tiếng gọi của Tổ quốc. Sau khóa huấn luyện tốc hành, cả bốn người cùng có mặt và tham gia chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị năm 1972. Các anh đã sống, chiến đâu và hi sinh tuổi thanh xuân của mình với một niềm tin mãnh liệt cho một ngày thống nhất, ngày Bắc Nam sum họp một nhà. Và tại chiến trường thành cổ khốc liệt ấy, vốn được biết đến như “cối xay thịt người”, Thành, Thăng, Long đã hy sinh. Chỉ còn lại duy nhất Hoàng là may mắn sống sót trở về. Bộ phim được kể lại từ ký ức của Hoàng, khi ông thăm lại chiến trường xưa.

Buổi chiếu phim đặc biệt còn có sự tham dự của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm – tác giả kịch bản bộ phim và hai cựu chiến binh - nhân chứng sống trực tiếp của cái thời hoa lửa bi hùng ấy.

Xem xong phim, tôi bàng hoàng, lòng dạt dào cảm xúc. Những người trẻ tuổi như tôi phải tự đặt cho mình câu hỏi: chiến tranh lại khốc liệt đến vậy ư? Biết bao con người đã hoà mình vào đất, nước, vào hồn thiêng sông núi nơi thành cổ! Những chàng trai mười tám, đôi mươi, với ngọn lửa yêu nước bùng cháy đã sẵn sàng cầm súng ra mặt trận, vẫn giữ nét hồn nhiên, tếu táo, lãng mạn... Chợt, thấy thấm thía biết bao cái nỗi cồn cào chỉ mong được về nhà để mẹ quất đòn roi thật đau, “thật thích” như ngày trước! Rồi mưa bom, bão đạn! Rồi lửa khói mịt mù! Nỗi đau xé lòng khi nấm mộ nơi đồng đội vừa yên nghỉ bị bom địch cày xới… khi vượt sông Thạch Hãn, vừa mới đó mà thân thể bạn mình đã không còn vẹn nguyên khi: máu xương đã hòa vào nước…

Nhà thơ Thanh Thảo từng viết:

… “Những dấu chân rồi lùi lại phía sau

Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất

Mười tám, hai mươi sắc như cỏ, ấm như cỏ, yếu mềm và mãnh liệt như cỏ

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình”…

Các anh đã hi sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, tương lai còn dài và còn biết bao điều đón đợi ở phía trước. Trong số đó:

Có những trái tim chưa kịp biết yêu.

Có những người ra đi mãi mãi để lại hạnh phúc dang dở.

Có những gia đình trọn vẹn bỗng chốc tang thương trở thành tan hoang mất mát.

Bao nhiêu lời hứa hẹn trở về, rồi chỉ còn là kí ức trong trí nhớ những người ở nhà chờ đợi?

Phim đã thổi một luồng gió mạnh vào thế hệ trẻ hôm nay, một luồng gió làm thức tỉnh thế hệ trẻ về những ngày tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt và ngoan cường của cha anh trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Mùi cỏ cháy nhắc nhở về nỗi đau của dân tộc, sự mất mát của một thế hệ, buộc mỗi chúng ta phải ý thức được việc sống có trách nhiệm hơn, đẹp hơn với cộng đồng, với xã hội để không hổ thẹn với sự hy sinh của thế hệ cha anh mình, những con người đã làm nên lịch sử!

..."Phương ấy còn ở mãi trong tôi

Ngỡ nâng lấy tay mình, ngỡ như người biết nói

Phương ấy ơi! Suốt đời như dấu hỏi

Trên hai vai tuổi trẻ - trước chân trời..."

(“Phương ấy”- Hoàng Nhuận Cầm)

Trước khi tạm biệt sinh viên Học viện Ngoại giao, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ: “Chúng tôi là thế hệ trẻ của hơn 40 năm trước, còn các bạn là thế thệ trẻ của ngày hôm nay… nhưng Tổ quốc chỉ có MỘT”. Và trước Mẹ Tổ quốc thiêng liêng, mỗi chúng ta đều có một tuổi trẻ để sống cho trọn vẹn và hiến dâng lên Người.

Nguyễn Thị Hường – TA38B

Cùng chuyên mục