Tọa đàm hẹp “ Hệ thống đa phương và các vấn đề toàn cầu: Những thách thức và sáng kiến thúc đẩy hợp tác Việt Nam – EU”

09:23 07/06/2022

Chiều ngày 6/6/2022, Học viện Ngoại giao (HVNG) đã phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) và Văn phòng Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng tổ chức Tọa đàm hẹp về chủ đề “Hệ thống đa phương và các vấn đề toàn cầu: Những thách thức và sáng kiến thúc đẩy hợp tác Việt Nam – EU”. Đây là diễn đàn trao đổi ý kiến chuyên sâu giữa các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về những biện pháp thúc đẩy hệ thống đa phương và ứng phó với các vấn đề toàn cầu. Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo HVNG, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Phái đoàn EU tại Hà Nội và Văn phòng Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Ông Đỗ Hùng Việt - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, TS. Nguyễn Hùng Sơn - Phó Giám đốc HVNG, Đại sứ Giorgio Aliberti - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, và bà Caitlin Wiesen - Quyền Trưởng Đại diện Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, đồng chủ trì buổi Tọa đàm.

Ảnh: Bà Caitlin Wiesen - Quyền Trưởng Đại diện Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Đại sứ Giorgio Aliberti - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Ông Đỗ Hùng Việt - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, TS. Nguyễn Hùng Sơn - Phó Giám đốc HVNG (từ trái qua phải)

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đánh giá cao sáng kiến tổ chức Tọa đàm của Học viện Ngoại giao và Phái đoàn EU tại Việt Nam, khẳng định ý nghĩa của một diễn đàn trao đổi thẳng thắn, thực chất về chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động và khó dự đoán hiện nay. Để củng cố hệ thống đa phương trong giai đoạn hiện nay, cần nhìn lại lịch sử thế giới trong những giai đoạn tương đồng trước đây, học hỏi những kinh nghiệm từ lịch sử và nhận thức thấu đáo về hiện tại để vận dụng một cách phù hợp.

Ảnh: Toàn cảnh buổi Tọa đàm

TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc HVNG, nhận định về những thách thức mà hệ thống đa phương toàn cầu đang phải đối mặt, trong đó nổi bật là khủng hoảng về các giá trị cốt lõi, về vai trò lãnh đạo và lòng tin trong quan hệ quốc tế. Những cuộc khủng hoảng này càng gay gắt hơn khi thế giới đang trải qua hàng loạt khó khăn về an ninh, kinh tế, xã hội do đại dịch Covid-19 và xung đột bùng phát tại một số khu vực. Do đó, việc tăng cường trao đổi, xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, bảo vệ luật pháp quốc tế và củng cố hệ thống đa phương với nòng cốt là Liên hợp quốc trở thành nhiệm vụ cấp thiết của cộng đồng quốc tế.

Bà Caitlin Wiesen, Q. Trưởng Đại diện Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình nghị sự toàn cầu, nhất là việc thúc đẩy phục hồi sau đại dịch, hỗ trợ nhiên liệu – lương thực – tài chính (3F) cho các nước đang phát triển, thu hẹp khoảng cách về số, chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững. Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh EU, cho rằng hệ thống đa phương toàn cầu đang đứng trước nhiều rủi ro, đòi hỏi các nước cùng tìm kiếm những biện pháp đưa Liên hợp quốc và các cơ chế đa phương thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay. Các đại biểu EU và Liên hợp quốc đều mong muốn các quốc gia tầm trung, trong đó có Việt Nam, đề xuất những sáng kiến mới, phát huy vai trò tích cực nhằm chung tay đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương và xử lý các vấn đề toàn cầu.

Ảnh: Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu phát biểu

Các đại biểu đề xuất một số biện pháp như thúc đẩy thượng tôn pháp luật, cách hành xử đa phương dựa trên luật pháp quốc tế, tăng cường đối thoại về luật pháp quốc tế tại nhiều diễn đàn như ASEM, APEC, và các cơ chế tiểu đa phương như Mekong, nhằm tránh tạo tiền lệ xấu nếu một nước phá vỡ luật pháp quốc tế. Việc thiết lập các quy chuẩn lấy Liên hợp quốc là trung tâm là giải pháp phù hợp để đối phó với sự chia rẽ trong hệ thống quốc tế. Các cơ quan của Liên hợp quốc cần đẩy mạnh hợp tác đồng bộ với các tổ chức khu vực như ASEAN nhằm thúc đẩy các sáng kiến mới, ví dụ triển khai mô hình hợp tác giữa ba tổ chức khu vực là ASEAN, EU và AU để chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy chương trình nghị sự chung trong đó chú trọng chương trình nghị sự vì hòa bình. Việc xây dựng lại lòng tin sẽ góp phần quan trọng giải quyết những rủi ro chiến lược mà thế giới đang đối mặt như rủi ro từ đối đầu giữa các cường quốc, nguy cơ từ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.

          Các đại biểu đã chỉ ra 4 lĩnh vực cốt lõi mà Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu có thể hỗ trợ Việt Nam bao gồm phát triển bền vững, an ninh lương thực, thu hẹp khoảng cách phát triển và chuyển đổi năng lượng. Các lĩnh vực khác như chống biến đổi khí hậu, tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và phát triển nguồn nhân lực cũng là các vấn đề quan trọng trong phát triển xanh. Ngoài ra, cần thúc đẩy trách nhiệm xã hội của khu vực tư nhân, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là giới trẻ, thông qua xây dựng các báo cáo tóm tắt, về các hoạt động của Liên hợp quốc tại Việt Nam, từ đó tái khẳng định sự cần thiết phải gắn bó, hợp tác thay vì hành động riêng lẻ vì mục tiêu chung là phát triển bền vững và giải quyết hiệu quả các vấn đề toàn cầu.

Tọa đàm diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn. Các đại biểu bày tỏ mong muốn các đề xuất trên sớm được triển khai để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương ở khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung./.

Viện Nghiên cứu Chiến lược

Cùng chuyên mục