Tọa đàm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp “Quan hệ Việt Nam – Pháp dưới góc độ địa chính trị”

06:48 21/05/2018

Ngày 15/5/2008 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu và Hợp tác Pháp ngữ châu Á-Thái Bình Dương (Học viện Ngoại giao) đã tổ chức Tọa đàm “Quan hệ Việt Nam-Pháp dưới góc độ địa chính trị”. Buổi Tọa đàm nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp và 5 năm hai nước bắt đầu quan hệ đối tác chiến lược.

Các đại biểu tham gia Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng; Vụ trưởng Vụ châu Âu, Đại diện quốc gia bên cạnh Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Đinh Toàn Thắng; Tham tán văn hóa Pháp, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam Etienne Rolland-Piegue; nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại UNESCO PGS. Dương Văn Quảng, cùng các nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế. Đặc biệt, Tọa đàm còn có sự góp mặt của bà Catherine Horel, Tổng thư ký Uỷ ban Sử học thế giới, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp (CNRS).

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng cho biết, tọa đàm có mục tiêu trao đổi học thuật với trọng tâm là các thách thức địa chính trị trong quan hệ Việt – Pháp và đưa ra những đề xuất nhằm củng cố hợp tác giữa hai nước. Ông cũng mong muốn, tọa đàm sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa Học viện Ngoại giao và các đối tác Pháp.

Giám đốc Học viện Nguyễn Vũ Tùng phát biểu khai mạc Tọa đàm

Giám đốc Học viện Ngoại giao cũng đề cao mối quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và Pháp, nhất là giữa Học viện Ngoại giao và Đại sứ quán Pháp. Điển hình là ngày 5/4 vừa qua, trong khuôn khổ Diễn đàn các đại sứ của Học viện Ngoại giao, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary đã có buổi nói chuyện với chủ đề “45 năm quan hệ Việt-Pháp: thành tựu và triển vọng” với cán bộ, giảng viên và sinh viên Học viện Ngoại giao.

Ông Đinh Toàn Thắng, Vụ trưởng Vụ châu Âu, Đại diện quốc gia bên cạnh Tổ chức quốc tế Pháp ngữ nhận xét rằng, mặc cho những mâu thuẫn trong quá khứ, dù cho khoảng cách địa lý có xa, nhưng Việt Nam và Pháp vẫn luôn gần gũi.

Hai nước có thể dành cho nhau tình cảm tốt đẹp như ngày nay, cũng như cùng vun đắp mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp trải dài suốt 45 năm qua, một phần lớn là do sự tôn trọng và ngưỡng mộ lẫn nhau.

Ông Thắng cũng khẳng định rằng, về góc độ địa chính trị, Việt Nam nằm ở trung tâm của bán đảo Đông Dương, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế với dân số đông và đường bờ biển kéo dài. Kể từ khi dành được độc lập, Việt Nam đã luôn đẩy mạnh mối quan hệ với Pháp, bỏ qua tất cả bất đồng trong quá khứ, để đến bây giờ, hai nước tiếp tục vun đắp cho quan hệ hợp tác chiến lược. Quan hệ Việt – Pháp sẽ ngày càng được đẩy mạnh hơn, và đem lại nhiều lợi ích cho cả hai dân tộc, hai đất nước nói riêng và hai khu vực nói chung.

Về phần mình, ông Etienne Rolland-Piegue, Tham tán văn hóa Pháp, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam cảm ơn Học viện Ngoại giao đã tổ chức một buổi tọa đàm ý nghĩa. Ông cũng đề cao sự hợp tác chặt chẽ giữa Học viện Ngoại giao và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

Ông Etienne Rolland-Piegue cũng cho biết, sau buổi nói chuyện của Đại sứ Pháp Bertrand Lortholary, Viện Pháp cũng đang theo đuổi việc xây dựng các chương trình, nhằm đẩy mạnh hơn quan hệ văn hóa giữa nhân dân hai nước.

Tham luận của Đại sứ, PGS. Dương Văn Quảng “Các thách thức địa chính trị trong quan hệ Việt-Pháp”: PGS. Dương Văn Quảng quan sát và phân tích mối quan hệ Việt - Pháp từ góc độ địa chính trị, trải dài từ khi kết thúc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đến nay, trên cơ sở phương pháp luận tập hợp và phân tích các sự kiện quốc tế và song phương giữa hai nước, đồng thời nắm bắt quy luật xuyên suốt chi phối mối quan hệ hai nước cũng như các mối quan hệ quốc tế thời bấy giờ tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Các phân tích tập trung vào các sự kiện nổi bật: diễn văn Phnom-Penh của Tướng De Gaulle năm 1966, chuyến thăm của Tổng thống Pháp Mitterand tới Việt Nam năm 1993, Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội năm 1997, việc ký kết Tuyên bố đối tác chiến lược năm 2013 và chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Pháp năm 2018.

PGS Dương Văn Quảng trình bày tham luận

Tham luận của GS. Asselin (Đại học San Diego - Mỹ) “Việt Nam giữa 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ” đã cung cấp một vài góc nhìn riêng của tác giả về Việt Nam giữa hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, trong đó khẳng định vai trò hết sức quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Lê Duẩn trong các quyết sách liên quan đến tình hình cách mạng Việt Nam và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phiên thảo luận

Tham luận của GS. Journoud (Đại học Paul Valery Montpellier - Pháp)1973: bước ngoặt trong quan hệ Pháp - Việt?”: Quan hệ Pháp-Việt được tái hiện từ những sự kiện lịch sử quan trọng mà các diễn giả đã đề cập tới. Bắt đầu từ cuộc gặp đầu tiên giữa hai người đứng đầu chính phủ Pháp và Việt Nam năm 1954, là Pierre Mendes-France và Phạm Văn Đồng, mở ra một chương mới hoà hợp xích lại gần nhau cho hai nước, hai dân tộc, cùng với tuyên bố chung đặt nền móng cho quan hệ hợp tác phát triển kinh tế văn hoá. Cho tới năm 1973, bước ngoặt quan trọng cho quan hệ giữa hai bên cũng như cho cuộc đấu tranh chống Mỹ thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Vào năm này, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và Pháp làm nước chủ nhà cho cuộc đàm phán Paris.

Ở phần trao đổi sau các bài tham luận, GS. Le Prestre (ĐH Laval) cho rằng nước Pháp và Việt Nam đều có những vai trò quan trọng đặc biệt trong quan hệ quốc tế hiện nay, nếu đúng vậy cả hai có điểm chung nào để chia sẻ, cũng như là nếu có thì cái nhìn chung đó dựa trên những điều gì? Chẳng hạn như về chủ nghĩa đa phương, hay về những giá trị văn hoá gắn với lịch sử có nhiều liên quan lẫn nhau. Hoặc đối với vấn đề bản sắc, hai bên đại diện cho những giá trị văn hoá bản sắc rất riêng biệt, một bên là bản sắc châu Âu, một bên châu Á, nhưng trong mối quan hệ song phương giữa hai bên, những giá trị bản sắc đó đã phát huy như thế nào, có mối tương tác như thế nào, trong chừng mực nào?

Để trả lời, PGS. Quảng nhận định rằng chủ nghĩa đa phương được cả hai nước theo đuổi. Chẳng hạn trong khuôn khổ các tổ chức khu vực mà hai bên tham gia. Nước Pháp trong Liên minh châu Âu và VN trong Hiệp hội ASEAN, hoặc cả hai trong tổ chức Pháp ngữ, đó đều là những tổ chức đa phương. Và hai bên cần tính tới những hành động cụ thể để hỗ trợ cho nhau, chẳng hạn Việt Nam có thể làm cách nào đó để thuyết phục ASEAN chấp nhận nước Pháp, để nước Pháp trở thành một đối tác của ASEAN, khi mà Pháp với sức mạnh của mình cũng có vai trò khá quan trọng tại khu vực Thái Bình Dương. Hoặc trong vấn đề gìn giữ hoà bình, Việt Nam đã cam kết và rất muốn đóng vai trò trong các hoạt động này, nên rất cần có những sự ủng hộ và hợp tác để đẩy mạnh vai trò này lên, nước Pháp chính là nhân tố có thể giúp VN làm điều đó. Về phần mình, GS. Journoud nhận định: trong mối quan hệ các bên không thể thiếu vai trò của Trung Quốc, quốc gia đã có ảnh hưởng rất lớn tới Việt Nam với hàng ngàn năm đô hộ và cho đến hôm nay vẫn chiếm vị trí quan trọng trong chính sách của Việt Nam. Và nước Pháp cũng có thể đóng một vai trò trong mối quan hệ đó. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà vai trò của TQ đã được nâng cao, mở rộng trên phạm vi toàn cầu và có tác động sâu sắc tới mọi phương diện quan hệ quốc tế.

Tọa đàm đã thu hút được sự chú ý của nhiều đơn vị truyền thông như:

- Website Đảng Cộng sản http://fr.dangcongsan.vn/politique-etrangere/les-relations-franco-vietnamiennes-vues-sous-l-angle-geopolitique-483748.html

- Báo Nhân dân điện tử http://fr.nhandan.org.vn/politique/relation_exterieure/item/4261571-relations-vietnamo-fran%C3%A7aises-sous-l%E2%80%99angle-geopolitique.html

- Kênh truyền tình VTV4 https://youtu.be/17Wpa8xB8ro

- Báo Quốc tế http://baoquocte.vn/dia-chinh-tri-dong-vai-tro-quan-trong-trong-moi-quan-he-viet-phap-71186.html

Cùng chuyên mục