Trung Quốc có thách thức trật tự quốc tế hiện hành?

18:18 03/04/2020

Nguyễn Huy Sơn

Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại,

Hội viên Galileo, Học viện Ngoại giao

Tóm tắt nội dung chính của tác phẩm: Alastair Iain Johnston, China in a World of Orders [Trung Quốc trong một Thế giới của những Trật tự], International Security, Tập 44, Số 2, 2019, Trang 9-60.Việc Trung Quốc trỗi dậy và dần định hình luật chơi chung trên bàn cờ chính trị thế giới khiến nhiều học giả nghĩ rằng quốc gia này đang thách thức trật tự quốc tế được vận hành và chi phối bởi Hoa Kỳ trong suốt hai thập kỷ qua. Bằng cách đối chiếu những hành vi của Trung Quốc lên hệ quy chiếu của một số hình thái trật tự khác nhau, Alastair Iain Johnston cho thấy rằng Trung Quốc không thách thức cái gọi là trật tự quốc tế ở mức độ như nhiều người nghĩ.

Nguồn ảnh: Veteranstoday.com

Thay vì cảm tính, Johnston xây dựng một hệ thống khái niệm, quan trọng nhất là “trật tự”, “tuân thủ” và các thước đo để xem xét mối quan hệ của Trung Quốc với trật tự quốc tế. Cụ thể, trật tự quốc tế là hệ thống các thể chế, quy tắc, quy chuẩn phản ánh lợi ích của quốc gia chiếm ưu thế. Vì vậy, đo lường một quốc gia thách thức hay tuân thủ trật tự quốc tế đơn giản là xem xét mức độ hợp tác của nó với quốc gia chiếm ưu thế trong hệ thống. Từ lô-gic đó, mức độ của Trung Quốc thách thức hay tuân thủ với trật tự do Mỹ dẫn dắt có thể được đo trên ba tiêu chí: (i) tần suất hợp tác giữa quốc gia đang trỗi dậy (Trung Quốc) và quốc gia đang lãnh đạo (Hoa Kỳ); (ii) mức độ bỏ phiếu đồng thuận của Trung Quốc với Mỹ trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc; (iii) mức độ ủng hộ hoặc phản đối của Trung Quốc với các thể chế và chuẩn mực quốc tế được Hoa Kỳ cổ súy.Từ khuôn khổ lý thuyết đó, Johnston triển khai nghiên cứu thực chứng, xem xét hành vi của Trung Quốc trong tám hệ thống trật tự cơ bản. Trật tự đầu tiên là trật tự cấu thành (constitutive order) hay là hệ thống các tiêu chuẩn và thể chế cấu thành chi phối hối hành vi và xác định lợi ích chính của các thủ thể. Cụ thể, đó là các nguyên tắc về chủ quyền quốc gia, Hiến chương Liên hợp quốc và hệ thống điều ước quốc tế, Tòa án Công lý Quốc tế… tạo nên quy phạm cho trật tự này. Trung Quốc đã và đang ủng hộ các nguyên tắc và hệ thống trên nhưng không phải là tất cả, như Tòa Án Công lý quốc tế chẳng hạn.Thứ hai, trật tự quân sự hay trật tự cưỡng chế (military order) bao gồm những chuẩn mực, thể chế liên quan đến việc phân bổ và sử dụng các năng lực quân sự. Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với trật tự quân sự là mâu thuẫn. Một mặt, Trung Quốc ngày càng gia tăng sự tham gia vào các thể chế điều chỉnh hành vi như Hội đồng Bảo an hay các hoạt động gìn giữ hòa bình. Mặt khác, Trung Quốc đẩy mạnh ngoại giao có tính cưỡng chế xung quanh ngoại vi, đặc biệt khu vực eo biển Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông.Thứ ba, trật tự phát triển chính trị (political development order) hàm ý cách thức mà các nước tập hợp lợi ích chính trị trong xã hội. Một số quy tắc của trật tự này bao gồm dân chủ hóa chính trị và bảo vệ các quyền tự do dân sự và chính trị cá nhân. Các thể chế cốt lõi thúc đẩy tầm nhìn tự do về trật tự chính trị có thể bao gồm các công ước nhân quyền khác nhau của Liên Hợp Quốc, Tuyên bố Vienna… Thực tiễn cho thấy Trung Quốc là một trong những quốc gia không ủng hộ các yếu tố tự do của trật tự này.Thứ tư, trật tự phát triển xã hội (society development order) là cách thức các quốc gia đối xử với phúc lợi của các cá nhân và các nhóm trong xã hội quốc gia. Các đặc tính nổi bật của trật tự này về cơ bản là tự do, không phân biệt đối xử, và khoan dung đối với sự đa dạng của xã hội, giới tính và tôn giáo. Trung Quốc được ghi nhận đứng sau nhiều nước trong việc thực hiện hóa các chuẩn mực trên. Tuy nhiên, nước này cũng đang hiện thực hóa biện pháp bảo vệ phụ nữ và cho các nhóm thiểu số xã hội và ở một mức độ hạn chế nào đó đối với các nhóm tôn giáo nhất định.Thứ năm, trật tự thương mại quốc tế (international trade order) là hệ thống cách thức các nước quản lý thương mại hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới. Các tổ chức quan trọng cấu thành trật tự này bao gồm WTO, G20, các FTA… Trung Quốc rất tích cực trong trật tự này, cắt giảm các hàng rào thuế quan chính thức sau khi gia nhập WTO, chủ động tham dự các hoạt động trong WTO. Ngoài ra, Trung Quốc cũng quan tâm đến thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương (FTA).Thứ sáu, trật tự tài chính, tiền tệ quốc tế (internation financial order/ monetary order) bao gồm các chỉ tiêu cơ bản như tự do hóa đầu tư, quốc tế hóa tiền tệ, tính độc lập của ngân hàng trung ương, minh bạch, trách nhiệm trong việc vay và cho vay. Có thể thấy Trung Quốc gia tăng hội nhập với trật tự tài chính quốc tế, bao gồm việc mở cửa nền kinh tế cho đầu tư nước ngoài, thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các hiệp định đầu tư song phương chất lượng (BIT), quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại ngân hàng phát triển Trung Quốc (China Development Bank) là mối đe dọa đối với các tiêu chuẩn của trật tự tài chính quốc tế.Thứ bảy, trật tự môi trường (environmental order) thể hiện cách thức các quốc gia quản lý ô nhiễm xuyên biên giới và các quy định về tài nguyên. Quy chuẩn của trật tự là nguyên tắc ngăn chặn và quy rõ trách nhiệm cấu phần gây ô nhiễm. Từ năm 2010, Trung Quốc đã dần từ bỏ chính sách “phát triển là trên hết” sang chú trọng nhằm cắt giảm khí nhà kính và đẩy lùi biến đổi khí hậu.Thứ tám, trật tự thông tin quốc tế (international information order) quy định cách thức các quốc gia quản lý thông tin xuyên biên giới, với hai vấn đề rõ ràng nhất dường như là quản trị Internet và tính hợp pháp của gián điệp thương mại. Trong lĩnh vực này, Trung Quốc được cho là đang thách thức các quy tắc và thể chế phi chính thức hiện có. Hoa Kỳ là cường quốc duy nhất có sự phân biệt rõ ràng và chuẩn mực giữa tính hợp pháp của gián điệp chính trị và gián điệp thương mại. Trung Quốc được cho là đã tuân thủ chuẩn mực hành vi đối với hoạt động gián điệp thương mại trực tuyến.Nhìn tổng thể, bài luận của Alastair Iain Johnston bác bỏ luận điểm rằng Trung Quốc đang thách thức những trật tự quốc tế. Trong tám hệ quy chế được đề cập, Trung Quốc cơ bản né tránh tuân thủ ở trật tự phát triển chính trị. Johnston cho rằng trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt kể từ sau chiến tranh Lạnh bị suy yếu thực ra do Mỹ và chính sách "nước Mỹ trên hết". Trung Quốc có chăng đã lợi dụng khoảng trống này để khẳng định vị trí, vai trò song hành với Hoa Kỳ trên trường quốc tế. Những nhận định của Johnston là đáng suy ngẫm thêm bởi các quyết sách chính trị cần phải được xây dựng trên các kết quả của các công trình nghiên cứu khả tín và quy mô với phương pháp nghiêm ngặt.

Cùng chuyên mục