Từ cái duyên DAV đến giấc mơ Paris

15:11 12/05/2020

Chọn ngôi trường đại học mà mình mơ ước là sự lựa chọn kỹ lưỡng, nghiêm túc. Nhưng đối với một vài người, cái duyên đến với trường đại học của họ có thể là “dòng đời xô đẩy” - là sự đẩy xuống các nguyện vọng, hoặc có thể là sự “chọn bừa” - thấy trường đó tên hay,... Nói không ngoa nhưng đó chính là cách mà anh Nguyễn Việt Anh - lớp CT38E - chủ tịch câu lạc bộ Pháp ngữ MFA đến với Học viện Ngoại Giao.

Nguyễn Việt Anh – một trong hai đại diện Việt Nam tham gia Parlement francophone des jeunes tại Thụy Sỹ

Sự “ngẫu nhiên” đặc biệtViệc thi cả 2 khối tự nhiên và xã hội là một điều không hề đơn giản, 2 khối này hoàn toàn khác nhau, sẽ rất khó để tập trung cho cả 2, chứ chưa nhắc đến việc đỗ ở xếp hạng cao. Vậy mà việc khó khăn như vậy, anh Việt Anh đã hoàn thành tốt nghiệp và thi đại học năm đó với thành tích xuất sắc. Mùa hè 2011, anh thi khối A vào Đại học Bách Khoa và nguyện vọng 2 khối D của Học viện Ngoại Giao, với kết quả Á khoa cả 2 ngành. “Thú thực anh thích khối A và Ngoại Giao không phải là nguyện vọng 1 của anh lúc 18 tuổi (sau này thì ngược lại). Thực sự việc anh chọn Ngoại Giao chỉ là do… linh tính, phần vì tò mò về trường rất nổi tiếng, phần vì có bạn bè thân. Nhưng sau khi thi đỗ cả hai thì cuối cùng anh lại chọn theo học Ngoại Giao. Chính vì thế nên cảm xúc không có gì đặc biệt khi đỗ cả, thậm chí thấy hơi thiếu may mắn vì về nhì tới 2 lần. Tuy nhiên, ấn tượng khi đến trường là khá tốt. Trường nhỏ nhắn và nhiều quán xá đồ ăn ngon, anh nghĩ khả năng cao giống trường cấp 3 cũ của mình nên tự nhiên thấy gần gũi. Sinh viên của trường thì toàn trai xinh gái đẹp. Nghĩ lại giờ vẫn thấy đúng là tuổi trẻ hơi nông nổi. Ai chọn đại học ngẫu nhiên thì về team của anh nha”. Khoa Pháp - kỉ niệm đẹp nhất của tuổi trẻTrong quãng thời gian 4 năm ở Ngoại Giao, các thầy cô của Khoa luôn luôn bên cạnh và giúp đỡ học sinh rất nhiều. Về chất lượng, các thầy cô đều là những người chuyên môn cao và nghiêm khắc. Còn bên ngoài thì lại rất thương sinh viên, hỗ trợ mọi mặt từ tinh thần cho tới vật chất, nhất là trong khuôn khổ các hoạt động của câu lạc bộ tiếng Pháp. “Hồi đó anh có cơ hội được chứng kiến tận mắt những sự giúp đỡ tận tình ấy. Thầy cô hoàn toàn có thể trở thành những người “bạn lớn” của mình. Như anh may mắn vẫn giữ được liên lạc với thầy Bình - trưởng khoa lúc đó, thầy Hiệp và cô Lucie chẳng hạn. Cô Lucie là giáo viên được sứ quán Pháp cử tới trường mình dạy, sau khi kết thúc nhiệm kỳ ở Việt Nam, cô về Pháp và tiếp tục sự nghiệp nhà giáo và run rủi thế nào nhà anh ở ngay gần nhà cô. Các sinh viên ở khoa Pháp thì đoàn kết như một gia đình vậy. Cũng như với các thầy cô, sau khi ra trường những mối liên hệ ấy không hề mất đi mà có khi còn khăng khít hơn. Kỉ niệm anh nhớ nhất là hồi cuối năm 3, câu lạc bộ tiếng Pháp sau khi vô địch miền Bắc concours dynamique của AUF đã có một suất đi thi chung kết quốc gia và châu Á Thái Bình Dương ở Đà Nẵng vào tháng 8. Thế là từ tháng 3 năm đó cả khoa chuẩn bị, sinh viên vừa học vừa tập luyện, các thầy cô thì tạo điều kiện, thầy Bình còn giúp đỡ trong việc xin hỗ trợ tài chính và ở cấp cao hơn thì Học viện cũng hỗ trợ hết sức, tài trợ cho cả đoàn một chiếc ô tô “biển xanh” chở cả đội đi thi. Vô vàn kỉ niệm đáng nhớ. Một tuần thầy trò đi ô tô từ Hà Nội vào Đà Nẵng, thi xong vô địch quốc gia và giải nhì châu Á Thái Bình Dương, rồi đi thăm quan các nơi nữa. Còn về các môn học, kỳ đầu bỡ ngỡ chứ nhưng sau đó thì với tinh thần “những cái chết không báo trước” nên anh cũng luôn chuẩn bị tâm lý cho những câu hỏi hay đề bài hóc búa nhất. Phải nói là cho đến tận bây giờ, trái ngược với những cảm xúc ban đầu khi mới vào trường, anh luôn cảm thấy may mắn vì được trui rèn 4 năm ở Ngoại Giao, giúp anh cứng cáp hơn rất nhiều”.Lợi thế của DAVỞ DAV, tiếng Pháp đem lại cho chúng ta rất nhiều thứ, mà không phải môi trường nào cũng có được. Các bạn sinh viên sẽ được trải nghiệm các hoạt động lớn của đất nước như đón các Đại sứ quán, các quan chức cấp cao của các nước, dự hội nghị các bộ ngành,...  Vừa được trau dồi ngoại ngữ, lại vừa được tiếp xúc với những nhân vật có tiếng nói, có địa vị trong xã hội. “Học tiếng Pháp ở Ngoại Giao là một lợi thế cực lớn khi đi du học. Hơn nữa ở Ngoại Giao, cái mà mình có thể học được nhiều nhất là cách tư duy tương đối toàn diện, không bó buộc trong khuôn khổ mà thích nghi, ứng biến với mọi tình huống. Đó mới chính là bài học quý giá nhất để sau này tiếp tục phát triển trong cuộc sống. Mọi người hay bảo học xong cái gì cũng biết nhưng chẳng biết cái gì. Anh thì nghĩ học Ngoại Giao xong cái gì cũng biết và cái gì cũng có thể đào sâu nếu muốn”.Marketing và truyền thông số Người ta thường nghĩ sinh viên của Học viện sau khi ra trường thì hoặc làm cho các cơ quan nhà nước, hoặc là sẽ thi vào bộ Ngoại Giao. Nhưng sự thật là con đường việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên Ngoại giao vô cùng đa dạng và không bị giới hạn về ngành nghề.Kết thúc 4 năm học ở DAV, anh Việt Anh được học bổng của vùng Rhone-Alpes ngành Quan hệ Quốc tế ở Lyon 3, trường có liên kết với khoa Pháp của Học viện. Chính vì vậy, khi đã chọn nước Pháp là điểm đến cho những năm học Thạc sĩ của mình, sau khi học xong năm đầu về chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, anh quyết định đến Paris học sâu hơn về các tổ chức phi chính phủ (NGO). Trong quá trình học, anh có cơ hội đi thực tập cho 2 NGO là Action contre la Faim và Passerelles numériques. Một lần nữa sự ngẫu nhiên lại lên tiếng khi cả 2 lần, anh đều được nhận trong vai trò phụ trách truyền thông và gây quỹ nhờ kinh nghiệm đi làm cho một công ty truyền thông có tiếng ở Hà Nội từ thời sinh viên. Vậy là sau đó, anh Việt Anh quyết định vừa học vừa làm (hệ alternance) về digital marketing (tiếp thị kĩ thuật số). Sau khi kết thúc việc học, anh ở lại và gắn bó với think - tank mình từng làm việc cho tới bây giờ. Hiện anh đã sống và làm việc tại Pháp được gần 5 năm.Tại sao là nước Pháp chứ không phải một đất nước khác?Đối với nhiều người, họ cảm thấy tiếng Anh phổ biến hơn, nên học hơn. Vì vậy, họ hầu như đều học tiếng Anh ngay trong đại học rồi bỏ tiếng Pháp. Tiếng Anh quả thật là ngôn ngữ quốc tế, nhưng tiếng Pháp cũng không hề kém cạnh. “Sau khi học tiếng Pháp, anh cảm thấy tiếng Pháp phù hợp với anh hơn, tiếng Pháp logic, chặt chẽ, cộng thêm có những người ảnh hưởng rất lớn đến anh, họ đều là dân tiếng Pháp, nên tình yêu nước Pháp cũng đến từ đây. Đến khi sang Pháp sinh sống và học tập, anh cảm thấy hợp về lối sống, văn hóa và tư duy nên anh quyết định ở lại. Trước mắt ngắn hạn anh vẫn sẽ ở lại, còn về việc định cư hay không, anh chưa có kế hoạch, nhưng đó cũng là một ý kiến hay”.Trưởng thành sau những khó khăn“Hồi ở Học viện thì có lẽ năm cuối là khó khăn nhất: vừa đi làm vừa học, viết khóa luận và chuẩn bị để đi du học nên áp lực liên tục và căng thẳng trong thời gian dài. Nhưng nếu khó khăn nhất thì có lẽ là khi ở Pháp. Quan hệ Quốc tế là ngành tương đối đặc thù, đầu ra bên này thực tế không cao như là so với kinh tế, kĩ sư. Khi đặt mục tiêu là trụ lại đây, tìm được việc làm thì mọi thứ đều phải tính toán cẩn thận hơn trước rất nhiều, thậm chí cả năm lận. Mới sang thì ai cũng cần thời gian thích nghi, mà muốn ở lại thì vừa phải cố gắng thích nghi thật tốt vừa phải vượt lên tìm đường cho năm tiếp theo, lo thủ tục giấy tờ. Điểm tựa duy nhất khi đó có lẽ là sự tự tin, kiến thức, ngôn ngữ và một chút “không sợ hãi” tích lũy được ở Ngoại Giao. Xin được việc hay không thực ra không phụ thuộc vào việc mình học trường nào. Những kỹ năng để thuyết phục nhà tuyển dụng ngoài chuyên môn còn là kỹ năng mềm, điểm cực mạnh của DAV. Hơn nữa, tình bạn có được sau này chính là thứ giúp anh vượt qua khó khăn cũng như có được những niềm vui trong cuộc sống ở Pháp. Từ chuyện ngày đầu tiên ở Pháp được 2 anh chị K37 giúp đỡ, sau đó được người bạn ở K38 cũng như 2 em ở K39 chăm sóc khi vào viện phẫu thuật đúng dịp đầu năm mới, rồi cuộc hội ngộ với thầy Bình ở Thụy Sĩ, với cô Lucie ở Paris, v.v,...” Học viện Ngoại Giao như một gia đình, dù bạn ở đâu, làm gì, sẽ luôn có những người thầy, người bạn luôn bên ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.Lời nhắn nhủ với các sĩ tử“Nhìn cách anh chọn trường thì có lẽ anh không phải người thích hợp để khuyên các em sau này nên thi vào đâu chọn trường nào. Nhưng nếu được hỏi về Ngoại Giao thì anh khẳng định đây là nơi các em có thể học được nhiều bài học về cuộc sống chứ không dừng lại ở chuyên môn. Học tốt ở Ngoại Giao thì về sau vào môi trường nào cũng sống được. Ngoại Giao là môi trường tương đối “khắc nghiệt”, độ cạnh tranh cao, nhiều người giỏi nên nếu các em thích Ngoại Giao, hãy chuẩn bị sẵn sàng, một tâm lý vững và quyết tâm cao. Nếu được chọn lại thì anh vẫn chọn DAV, thậm chí nguyện vọng 1 luôn. Chúc các em thi tốt và có được thành quả như ý”.

“Ngoại Giao chờ em, anh chị chờ em”

Phỏng vấn ngày 25/4/2020,

thực hiện bởi Nguyễn Thị Huyền Trang – TT45E.

Cảm ơn anh Việt Anh vì những chia sẻ thú vị của anh.

Cùng chuyên mục