Tuần lễ hướng nghiệp tại Học viện Ngoại giao - Ngày thứ hai

11:48 18/04/2013

Gặp gỡ các nhà tuyển dụng, các cơ quan thông tấn báo chí

Trả lời cho câu hỏi về mức lương khi ra trường, đa số các sinh viên được hỏi của Học viện Ngoại giao đã đưa ra con số 5 - 7 triệu trong buổi gặp gỡ trực tiếp với nhà tuyển dụng ngày 16/4/2013 của “Tuần lễ hướng nghiệp dành cho sinh viên K36 và CD02”.

Ngày thứ 2 của Tuần lễ hướng nghiệp

Buổi hướng nghiệp này có sự tham gia của Ban lãnh đạo Học viện Ngoại giao, các cơ quan thông tấn báo chí và các doanh nghiệp như Báo Lao động, Đài Truyền hình Việt Nam, Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga, Công ty Địa ốc Dầu khí Viễn thông và các đại diện cựu sinh viên thành công.

Thay mặt Lãnh đạo Học viện, PGS.TS Nguyễn Thái Yên Hương, Phó Giám đốc Học viện, đã chia sẻ ý kiến với các nhà tuyển dụng và sinh viên chuẩn bị ra trường. Cô Nguyễn Thái Yên Hương khẳng định, sinh viên Học viện có nền tảng tốt, lại được đào tạo toàn diện với chất lượng cao để có thể phục vụ các nhu cầu đa dạng về nhân lực của xã hội nên có thể tham gia vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau sau khi ra trường. Ngoài Bộ Ngoại giao và các Ban Đối ngoại, còn có rất nhiều lựa chọn khác cho sinh viên tốt nghiệp Học viện Ngoại giao, kể cả lĩnh vực báo chí truyền hình.

 

PGS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương chia sẻ ý kiến

Những băn khoăn của các cử nhân tương lai

Sinh viên Lê Thị Thảo, Khoa Kinh tế quốc tế băn khoăn về việc những sinh viên ra trường với tấm bằng trung bình thì có được tuyển dụng không. Trả lời cho câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Bích Châm, Phó Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Dầu khí Viễn thông khẳng định: “Hiện nay tình hình kinh tế khó khăn, nguồn nhân lực trong ngành này đang thừa rất nhiều nên để vào được rất khó. Trước kia muốn vào Ngân hàng phải có bằng Khá trở lên, còn bây giờ mà bằng Trung bình thì không có Ngân hàng nào tuyển dụng”. Ông Phạm Hữu Tú, đại diện Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga cho biết chỉ tiêu tuyển dụng năm nay của cơ quan này là 10 - 15 nhân sự.

Câu trả lời của các nhà tuyển dụng đã cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa sự hưng thịnh của nền kinh tế với vấn đề việc làm cho sinh viên mới ra trường. Khi kinh tế khó khăn hơn, sinh viên muốn tìm được việc làm cần phải nỗ lực nhiều hơn trước, không chỉ trau dồi về các kỹ năng và kiến thức chuyên môn mà còn đòi hỏi phải rèn luyện thực tế, bổ sung kỹ năng mềm và đặc biệt là tin học, ngoại ngữ. Về điểm này, theo PGS.TS Nguyễn Thái Yên Hương, Học viện Ngoại giao tự hào là một trong số những môi trường đào tạo hàng đầu trong cả nước về ngoại ngữ và sinh viên Học viện cũng rất năng động, giỏi giang.

Sinh viên đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra hôm nay liên quan đến cách thức làm việc trong các Đài truyền hình hoặc các cơ quan báo chí. Ông Trương Công Tú, Đạo diễn ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam và bà Nguyễn Thu Hà, đại diện Báo Lao động đã giải đáp hầu hết những thắc mắc của sinh viên về những yêu cầu của các Báo, Đài đối với ứng viên; những vị trí mà sinh viên có thể làm được và cách trau dồi kỹ năng nghiệp vụ báo chí truyền hình khi sinh viên Ngoại giao không được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này.

Ông Trương Công Tú có chia sẻ: “Người làm truyền hình thì sẽ không bao giờ có cơ hội được giải thích với khán giả mà chỉ có nói lên bằng chất lượng chương trình. Làm truyền hình cũng có nghĩa là phải chấp nhận tất cả mọi khó khăn: đi sớm, về khuya, vất vả,…. Sự nổi tiếng của truyền hình mang lại nhiều cơ hội nhưng đôi khi cũng gây rắc rối vì không thể tách biệt giữa công việc và cuộc sống đời thường được. Chính vì vậy, truyền hình đòi hỏi sự linh hoạt lớn, phải biết hài hòa giữa điều mình muốn định hướng và với nhu cầu của khán giả”.

Chị Nguyễn Thanh Vân (Vân Hugo), Cựu sinh viên K29, hiện đang là Biên tập viên của Kênh truyền hình đối ngoại VTV4 cũng bổ sung: “Làm truyền hình thì phải có tình yêu nghề lớn; phải có sự chịu khó, đầu tư và liên tục hoàn thiện bản thân vì công việc rất nhiều áp lực. Muốn làm biên tập viên cho Kênh VTV4 thì phải liên tục trau dồi tiếng Anh bởi làm truyền hình tiếng mẹ đẻ đã khó, làm bằng tiếng Anh lại càng khó hơn vì mình phải sử dụng tiếng Anh thật chuẩn, làm xong còn phải gửi cho biên tập viên nước ngoài hiệu đính nữa”.

Nguyễn Hoàng Yến, sinh viên Khoa Luật quốc tế bày tỏ: “Các bạn đặt câu hỏi khá là sát với những băn khoăn của mình và đã được giải đáp thỏa đáng. Thực sự là mình mong muốn được vào Bộ Ngoại giao, nhưng mà cần phải phấn đấu rất nhiều. Bên cạnh đó, mình cũng muốn được thử sức trong ngành Luật, hy vọng rằng buổi sau sẽ được gặp gỡ với các cơ quan Luật. Tuy nhiên mình biết điều này là rất khó vì khuôn khổ chương trình chỉ có 04 ngày và có rất nhiều cơ quan trong nhiều lĩnh vực khác nhau muốn đến với Học viện Ngoại giao để tuyển dụng”.

Báo Lao Động gặp gỡ trực tiếp với sinh viên cuối buổi hướng nghiệp

Đánh giá về buổi gặp gỡ với sinh viên Ngoại giao, Đạo diễn Trương Công Tú có lời khuyên: “Buổi sau các em nên chuẩn bị tốt hơn để có những câu hỏi thiết thực hơn khi tiếp xúc với nhà tuyển dụng. Một số em vẫn còn khá mơ hồ về việc mình cần phải làm gì. Các em còn trẻ, còn nhiều mơ mộng nên nghĩ rằng mình có khả năng làm nhiều việc, chưa định hướng được mong muốn lớn nhất của mình. Các em cần phải biết tiết kiệm cơ hội, tiết kiệm tiềm năng của mình. Khi mới ra trường nhiều em cứ làm việc 2 – 3 tháng, thấy chưa hài lòng thì lại nhảy việc, như thế là rất lãng phí thời gian. Khi nhìn một cái CV thấy ứng viên đã làm ở rất nhiều nơi, mỗi nơi làm trong khoảng thời gian ngắn thì nhà tuyển dụng chưa hẳn đã thích. Điều quan trọng nhất khi ra trường là các em được làm đúng với chuyên ngành của mình chứ không phải lương. Làm đúng ngành, các em được phát huy khả năng và tình yêu nghề, khi ấy năng suất lao động sẽ cao và lương sẽ tăng lên”.

Bùi Tươi

Cùng chuyên mục