Vịt và Ngoại giao ký

07:19 18/08/2010

 Trước khi nhập trường:
-          Vịt đừng học Ngoại giao mà. Từ Học viện Ngoại giao sang Bách Khoa xa lắm, chúng mình ít được gặp nhau. Vịt đỗ Kinh tế Quốc dân rồi mà. Vịt giỏi Toán chứ đâu giỏi Văn và Tiếng Anh. Sinh viên Ngoại giao hầu như toàn dân chuyên ngữ, Vịt sẽ vất vả lắm đấy. Vịt hợp Kinh tế hơn Chính trị chứ.
Biết làm sao được nhỉ? Nó là thằng bạn thân nhất của mình. Hai đứa vẫn hằng ngày đi học cùng nhau, tranh nhau từng mẩu bánh mì nguội, từng cái kẹo mút. 5 ngày nữa là đến ngày nhập trường. Chẳng lẽ xa đến thế ư? Mà với cái vốn tiếng Anh bập bõm, mình sẽ học như thế nào đây?
-          Em không thể lúc nào cũng đi trên những điểm mạnh của mình. Tất cả các lợi thế chưa chắc đã đưa em đến thành công. Nhưng chỉ một điểm yếu nhỏ có thể khiến em gục ngã. Em còn trẻ, còn đang ở tuổi cố gắng và tự hoàn thiện. Trong thời đại này, em cần một nền ngoại ngữ năng động và hoàn thiện trước khi quyết định chọn một nghề để lập thân. Đây không phải là một cơ hội rất tốt cho em sao?
Anh họ nói thật hay. Từ nhỏ mình đã rất ngưỡng mộ anh ấy, ngưỡng mộ ý chí, thành tích và tình cảm anh ấy dành cho mình. Liệu mình có nên nghe lời anh ấy không?
-          Bố mẹ hoàn toàn tôn trọng và ủng hộ quyết định của con. Con đã 18 tuổi, con đỗ cả hai trường Đại học, bố mẹ rất tin tưởng vào con. Tương lai của con, bố mẹ không muốn áp đặt, con cứ suy nghĩ, tham khảo ý kiến các thầy cô, các anh chị và bạn bè rồi chọn cho mình con đường con thích. Con còn trẻ, có nhiều lựa chọn, đừng ngần ngại con ạ
Hic. Rất cảm ơn bố mẹ vì đã tin tưởng vào mình. Nhưng như thế thì không giải quyết được khó khăn của mình lúc này. Sao khó quá để đi đến một quyết định? Mình thích cả hai trường, nhưng việc theo học cả hai là quá sức mình. Làm sao để chọn một?
Những ngày đầu tiên:
Ngập ngừng đi theo bố đi nhập học, mình vẫn cứ băn khoăn mãi, không biết mình có quá ngẫu hứng không khi tung đồng xu để quyết định tương lai, quyết định nghề nghiệp của mình?
Ơ, sao không ai nói với mình là có tuần lễ sinh hoạt công dân đầu khóa để giới thiệu về trường, về các ngành học và tình hình thời sự thế giới nhỉ? Hay quá! Vừa thêm hiểu biết, vừa khỏi bỡ ngỡ trước một môi trường mới. Có lẽ là đặc trưng Ngoại giao.
Chuyện học hành cũng không suôn sẻ hơn. Ngay từ tuần đầu tiên, mình đã phát hoảng với thời khoá biểu, với 12 tiết Ngoại ngữ và một loạt các môn lý luận đại cương, đến trường là một gánh nặng với một con bé chuyên tự nhiên như mình. Một chiều tan học, ì ạch từ tầng 6 trèo xuống, mình gặp giáo viên Tiếng Anh của mình, cô Kiều Hương. Nhìn cô rạng rỡ, tươi tắn vừa đi vừa cười với sinh viên, bước đi dứt khoát, nhanh nhẹn, mình thấy thật xấu hổ. Có lẽ cô gần bằng tuổi mẹ mình, vậy mà, sau một ngày làm việc dài, vào lúc 17h30, phong cách của cô còn khiến thanh niên phải tự thẹn. Không như thế được. Mình trẻ cơ mà. Ít nhất, mình cũng phải học cách cố gắng.
Lớp yêu!
Chao ôi! Sao mà trường này nhiều con gái thế và các bạn ấy trông đầy nữ tính. Hic. Từ nhỏ, trong lớp mình lúc nào cũng chỉ có vài nữ, mà con gái lớp Toán đơn giản lắm không màu mè, không điệu đà, chỉ có sandal, chemis, quần tây chứ nào biết áo váy tha thướt, giày cao gót đi uyển chuyển. Thật là lạc lõng kinh khủng. Phải chăng mình đã lựa chọn nhầm?
Có lẽ mình là một người lạnh lùng vì mình đã không sớm nhận ra rằng lớp mình tuyệt vời như thế nào. Hàng ngày mình lầm lũi đến lớp, lầm lũi ngồi một góc, hờ hững với tất cả mọi người, cho rằng họ ở một thế giới khác của mình. Mình chỉ nhận ra khi vào mùa ôn thi, các lớp khác thì chìm nghỉm còn lớp mình hào hứng tổ chức học nhóm hết sức sôi nổi; một bạn lớp khác còn nói với mình rằng B33 được bầu chọn là “K-lass Xì-tai” của khoá. Rồi những buổi sinh hoạt tập thể, sinh nhật, 20/10, 8/3, rồi đi chơi xa, lớp mình hoành tráng. Thì ra, con trai lớp mình rất galant và tâm lý và con gái lớp mình thì điệu đà nhưng rất hài hước, ngọt ngào nhưng không kém tinh nghịch chút nào. Mỗi ngày đi học thực sự trở thành một ngày vui, mình không còn lạc lõng, lớp mình thân thiết như một gia đình, góc nào cũng sôi nổi, cũng vui vẻ. Và nhất là, lớp mình học rất ổn, phong trào giúp đỡ nhau học hành là một nét đặc sắc rất riêng B33.
Iu lớp mình lắm í!
Lovely Big Brother!
Nếu có một câu mà lớp mình nói nhiều nhất, ngày qua ngày, suốt từ khi mới chân ướt chân ráo bước vào học viện đến nay là câu: Anh Hải ơi!
Nếu có một người mà tất cả mọi người đều thấy thân thiết, ra trường ai cũng nhớ nhiều nhất đó là anh Hải.
Anh Hải sinh năm 1986, hơn cả lớp 1-2 tuổi và mặc định anh Hải là Big Brother, là đại ka iu của lớp.
Mà sao bọn này gọi anh Hải nhiều thế nhỉ? Cứ như một thói quen: lịch học, lịch thi hỏi anh Hải, bài tập hỏi anh Hải, đi chơi cũng hỏi anh Hải, nghỉ học gọi điện cho anh Hải, ốm đau than thở với anh Hải, bật quạt, giặt giẻ lau bảng cũng đùn đẩy cho anh Hải, đến xem thời sự có gì bức xúc cũng online gọi anh Hải.
Mà anh Hải thì đáng yêu không chịu được. Lúc nào cũng ngọt ngào, chưa bao giờ nặng nhẹ với em nào. Dù anh Hải có bận tối mắt, có mệt đứt hơi thì lúc nào cũng cười : “Ơi em!”, “Ừ em!”, hỏi gì anh cũng cố gắng giải đáp, nhờ gì anh cũng giúp. Liệu anh Hải có mệt mỏi, bực bội với lũ nhắng nhít này không nhỉ?
Lần thi nào anh Hải với sếp Đoàn Duy cũng đứng ra làm đề cương, rồi tổ chức giảng bài cho một bọn ngốc nghếch, cứ hỏi đi hỏi lại làm anh phát mệt. (mà vẫn không thấy anh cáu. Hi!)
Anh Hải làm khoá trưởng, khối đứa ấm ức như mình vì cả khoá lại có bao nhiêu đứa chạy theo gọi “anh Hải ơi!”. Hết thời độc quyền anh Hải rồi. Anh Hải lại còn làm lớp trưởng của Khoa Chính trị, thế là Blog lớp không ai chăm chút, blog khoá và blog khoa Chính trị thì chi tiết đến phát ghen tị. Và thế là, con gái trong lớp lại càng mè nheo anh Hải thật nhiều để giải toả. Khổ thân anh Hải, giờ ra chơi nào cũng khắp mọi nơi kêu gọi. Nhưng mà rõ là tự hào về anh Hải lắm, và cũng rõ là vênh váo với các lớp khác vì “anh Hải lớp tớ”.
Anh Hải là anh cả, là lãnh tụ tinh thần của lớp mình. Lớp mình yêu và kính trọng anh Hải như một người thân, một người anh thực sự. Không ai khác ngoài anh ấy gắn kết hơn 30 cá nhân đến từ khắp mọi miền, vào một tập thể B33-united “xì-tai”. Chỉ tiếc là anh Hải không hoàn hảo, anh Hải có một điểm yếu là đã có người yêu. Mà hình như như thế lại may chứ nhỉ. Ít nhất, sẽ không có em nào “trót dại…”.
Thầy cô yêu!
Ấn tượng này đến với mình ngay từ buổi đầu nhập trường khi các thầy làm công tác thủ tục nhập học tươi cười bắt tay phụ huynh của mình vì có con gái đỗ vào Học viện, bằng thái độ thân thiện của các thầy cô trong phòng đào tạo trong tuần lễ sinh hoạt công dân đầu khoá.
Mình đã nghe nói rằng giảng viên đại học rất lạnh nhạt, giảng dạy rất vô trách nhiệm. Vì thế, mình hạnh phúc khi được học tập dưới sự hướng dẫn của những giảng viên, những nhà ngoại giao rất giỏi về chuyên môn nhưng cũng rất nhiệt tình và thân thiện với sinh viên. Chắc không có trường nào mà giảng viên gần gũi, thân thiện với sinh viên như ở Học viện mình. Ngoài sự nhiệt tình trên lớp, sự sẵn sàng giải đáp vào giờ tiếp sinh viên, các thầy cô trẻ sẵn sàng cùng sinh viên đi ăn, đi chơi, các thầy cô lớn tuổi thì không ngại ngồi chung bàn ăn với sinh viên trong cantine của Học viện. Thích nhất là các thầy cô không bao giờ áp đặt tư duy của bản thân cho sinh viên mà luôn hướng bọn mình đến sự tìm tòi, nghiên cứu, đến sự đánh giá cá nhân không phụ thuộc vào sách vở, thích cách các thầy cô giảng dạy có sự liên hệ với thực tế, hướng dẫn sinh viên tiếp cận lý thuyết bằng thực tiễn. Qua đó, các bài học trở nên thật hơn, dễ dàng hơn nhiều.
Còn một điều cực kỳ khiến sinh viên học viện mình tự hào và tôn trọng các thầy cô của mình hơn hết đó là sự tận tâm xuất phát từ lương tâm nhà giáo. Ở trường mình không hề có khái niệm “đi thầy” hay “mua điểm”. Thậm chí cả những ngày lễ như Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, các thầy cô cũng chẳng bao giờ câu nệ việc sinh viên có chuẩn bị hoa và quà hay không.
Thầy cô mình quả thật rất tuyệt vời, rất yêu!
Trường yêu!
Mình không thể nói là hiểu và yêu hết được bề dày lịch sử, yêu hết truyền thống cũng như những đóng góp to lớn của học viện mình cho Ngoại giao Việt Nam. Nhưng đúng là rất yêu! Yêu từ khuôn viên nhỏ xinh xắn nhưng thơ mộng bên hồ, yêu thầy cô, yêu lớp, yêu bạn bè, yêu những giờ giảng say mê, yêu sự trưởng thành của mình dưới mái trường này, yêu đến những con người hằng ngày thầm lặng đóng góp cho trật tự, cho môi trường của học viện: bác bảo vệ nghiêm khắc khi kiểm tra thẻ sinh viên nhưng luôn mỉm cười rất hiền khi mình cúi chào, cô thủ thư rất nhiệt tình giúp mình tìm sách, những cô lao công tận tụy với những công việc bình thường nhưng là địa chỉ đầu tiên để chúng ta tìm đồ thất lạc…
Như vậy, chỉ sau 2 năm học ở số 69 Chùa Láng này, mái trường này và những con người xung quanh đã trở nên quen thuộc và thân thiết với mình đến thế. Đến mức, khi đi gia sư, cũng như khi nói chuyện với các đàn em ở quê, minh vẫn thường gợi ý, định hướng cho các em thi vào Học viện Ngoại giao, một môi trường giáo dục và đào tạo rất hiệu quả.
Nguyễn Thị Việt Tâm - CT33B

Cùng chuyên mục