Các câu hỏi thường gặp

07:27 30/12/2011

1. Học viện Ngoại giao được thành lập từ bao giờ và đạt được thành tích gì trong công tác đào tạo và nghiên cứu?

Học viện Ngoại giao được thành lập theo Quyết định Số 82/2008/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam trên cơ sở nâng cấp Học viện Quan hệ Quốc tế (tiền thân là Trường Ngoại giao - thành lập năm 1959). Học viện Ngoại giao thực hiện chức năng đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng cán bộ đối ngoại; nghiên cứu chiến lược về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại; nghiên cứu, tham mưu, tư vấn chính sách đối ngoại cho Bộ Ngoại giao, Đảng và Nhà nước.

Những thành tích nổi bật Học viện đã đạt được:  

- Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1994)

- Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 1999)

- Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2004)

- Huân chương Hồ Chí Minh (2009)

2. Học viện Ngoại giao có bao nhiêu ngành đào tạo cử nhân?

Hiện nay, Học viện đang đào tạo cử nhân theo 05 ngành sau đây:

- Quan hệ quốc tế

- Kinh tế quốc tế

- Luật quốc tế

- Truyền thông quốc tế

- Ngôn ngữ Anh

3. Học viện Ngoại giao có mã chuyên ngành không hay chỉ có mã ngành?

Hiện các ngành của Học viện Ngoại giao đã được phân tách riêng thành các ngành đào tạo nên chỉ có mã ngành. Sau khi sinh viên hoàn tất các môn học cơ sở thì sẽ đăng ký chuyên ngành theo ngành học với Khoa.

4. Học viện Ngoại giao tuyển sinh những khối nào?

Tùy từng ngành, Học viện Ngoại giao tuyển sinh từ một số trong số các khối A, A1, D1, D3. Chi tiết xem tại mục Tuyển sinh trên website của Học viện http://www.dav.edu.vn.

5. Để thi vào Học viện có cần phải qua vòng thi sơ tuyển không?

Không

6. Được biết một số trường Đại học có nhiều cơ sở, em là học sinh trong Thành phố Hồ Chí Minh, liệu Học viện Ngoại giao có cơ sở 2 nào trong này không?

Học viện chỉ có duy nhất một cơ sở tại số 69, Phố Chùa Láng, Quận Đống Đa, Hà Nội.

7. Cơ chế xét điểm trúng tuyển vào Học viện Ngoại giao?

Điểm trúng tuyển xác định theo từng ngành học, kết hợp với điểm sàn vào Học viện theo từng khối thi. Nếu thí sinh đủ điểm vào Học viện theo từng khối thi nhưng không đủ điểm trúng tuyển vào ngành đã đăng ký dự thi ban đầu thì được đăng ký chuyển sang các ngành khác cùng khối thi nếu còn chỉ tiêu. Lưu ý: điểm trúng tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh được xác định riêng.

8. Em muốn hỏi về đội ngũ giáo viên của trường, có bao nhiêu tiến sỹ, bao nhiêu thạc sỹ, và trường thường mời những giáo viên từ những trường Đại học nào?

Học viện có tổng số 238 cán bộ và dự kiến sẽ kiện toàn đội ngũ nhân sự với tổng số 350 người. Các cán bộ nghiên cứu và giảng dạy của Học viện phần lớn có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ và được đào tạo ở nước ngoài. Hiện có 05 phó giáo sư, 21 tiến sỹ, 83 thạc sỹ của Học viện đang tham gia giảng dạy và nghiên cứu về các lĩnh vực: chính trị quốc tế và ngoại giao, luật quốc tế, kinh tế quốc tế, ngoại ngữ, truyền thông và văn hóa đối ngoại.

Bên cạnh đó, Học viện thường xuyên hợp tác với các đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, … để mời chuyên gia đến giảng bài và trao đổi với sinh viên của Học viện. Ngoài ra còn có các Giáo sư và các giảng viên từ các trường Đại học, các Viện nghiên cứu uy tín trên thế giới tham gia giảng dạy theo thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Ngoại giao và các trường Đại học, Viện nghiên cứunước ngoài (Mỹ, NewZealand…)

9. Nghe nói năm học vừa qua, Học viện đã áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ, vậy hình thức đào tạo này sẽ được áp dụng với tất cả các khoa hay chỉ ở một khoa?

Học chế tín chỉ được áp dụng toàn khóa với tất cả các ngành đào tạo kể từ năm học 2011-2012 trở về sau.

10. Sinh viên xuất sắc của Học viện có được đi đào tạo ở nước ngoài không?

Các chương trình học bổng đào tạo tại nước ngoài dành cho sinh viên Học viện Ngoại giao rất đa dạng. Sinh viên có thể tham gia các chương trình học bổng của Việt Nam hoặc nước ngoài theo hướng dẫn chung của Cục đào tạo với nước ngoài (Học bổng theo diện Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước (Camphuchia, Cuba, Lào, Maroc, Hungary, Hi Lạp, Nga, Ba Lan, …); Học bổng của các nước khác (Singapore, Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ…)

Ngoài ra, sinh viên có thể tham gia một số chương trình học bổng theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.

11. Học viện Ngoại giao có đào tạo chương trình liên kết với nước ngoài không? Các thông tin về chương trình liên kết được đăng tải ở đâu?

Năm 2011, Học viện bắt đầu triển khai chương trình liên kết đào tạo ở bậc đại học ngành Quan hệ quốc tế với trường Đại học Victoria, Wellington, New Zealand. Đây là một trong những trường đại học có uy tín của New Zealand.

Chương trình đào tạo này có nhiều ưu điểm. Mô hình đào tạo một năm rưỡi ở Học viện Ngoại giao và một năm rưỡi ở New Zealand giúp tiết kiệm chi phí. Sinh viên có thể đăng ký thêm chuyên ngành đào tạo khác để được cấp song bằng khi tốt nghiệp. Môi trường học tập theo chương trình đào tạo liên kết sẽ rất năng động và đa văn hóa.

Để biết thêm thông tin về chương trình đào tạo, điều kiện tuyển sinh, học phí…, sinh viên có thể truy cập website của Học viện Ngoại giao hoặc liên hệ trực tiếp với Phòng Đào tạo qua số máy: 04 38344540, máy lẻ 2205.

12. Học viện Ngoại giao có giảng viên nước ngoài không? Nếu có thì chỉ là môn ngoại ngữ hay cả những môn chuyên ngành khác?

Hằng năm, Học viện tích cực mời giảng viên của các trường đại học có uy tín của nước ngoài tham gia giảng dạy một số môn học ngoại ngữ và chuyên ngành cho sinh viên. Đặc biệt với hệ đào tạo chất lượng cao, hơn 50% giảng viên dạy Ngoại ngữ là người nước ngoài.

13. Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao, vậy ngoài học với các giảng viên trong trường, liệu sinh viên có được học với những chuyên gia, các cán bộ Ngoại giao đang công tác tại các bộ phận khác không?

Học viện thường xuyên mời các Đại sứ, Tham tán, các chuyên gia từ các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Ngoại giao, Trung tâm Biên phiên dịch quốc gia, các Đại sứ quán, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội…đến giảng bài hoặc trao đổi với sinh viên.Đây là một trong những thế mạnh trong công tác đào tạo của Học viện vì nội dung đào tạo gắn bó trực tiếp với những thực tiễn của cuộc sống.

14. Cách tính điểm của Học viện ra sao?

Theo đúng Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

15. Em băn khoăn về “đầu ra” của trường. Liệu sinh viên của Học viện có nhiều cơ hội để làm ở các cơ quan khác ngoài Bộ Ngoại Giao hay không?

Hiện nay, Học viện đang đẩy mạnh đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội. Hằng năm, bên cạnh một lượng khá lớn sinh viên Học viện Ngoại giao tham gia thi tuyển dụng và trúng tuyển vào Bộ Ngoại giao, sinh viên Học viện Ngoại giao có nhiều cơ hội để làm việc cho các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức nước ngoài ở Việt Nam, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các công ty luật, các hãng thông tấn báo chí…. Để biết thêm thông tin về các cơ hội việc làm của sinh viên Học viện Ngoại giao, xem thêm ở mục Chuẩn đầu ra được đăng tải trên website của Học viện Ngoại giao.

16. Em nghe nói sinh viên Học viện Ngoại giao có trình độ ngoại ngữ rất tốt. Điều này có đúng với mọi sinh viên tốt nghiệp hay không?

Học viện Ngoại giao có bề dày truyền thống và kinh nghiệm trong giảng dạy ngoại ngữ. Sinh viên tốt nghiệp có lợi thế cạnh tranh rất lớn trong thị trường lao động nhờ vốn ngoại ngữ tốt và được đào tạo bài bản.

Học viện Ngoại giao đã đăng tải các yêu cầu về trình độ ngoại ngữ mà mỗi sinh viên tốt nghiệp Học viện Ngoại giao đều phải đạt được. Cụ thể như sau: Tất cả sinh viên trước khi tốt nghiệp đều phải đáp ứng 3 yêu cầu sau đây về ngoại ngữ:

1) hoàn thành chương trình tiếng Anh cơ sở;

2) hoàn thành chương trình tiếng Anh chuyên ngành và

3) đạt được chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ở những mức điểm do Học viện Ngoại giao quy định (Tiếng Anh: IELTS, TOELF, TOEIC,…; Tiếng Trung Quốc: HSK; Tiếng Pháp: DELF, TCF).

17. Hệ đào tạo chất lượng cao ngành Quan hệ quốc tế, Kinh tế quốc tế, Luật quốc tế, Truyền thông quốc tế và Ngôn ngữ Anh có phải hệ ngoài ngân sách của trường không?

Hệ đào tạo chất lượng cao không phải là hệ ngoài ngân sách. Hệ đào tạo chất lượng cao xét tuyển những sinh viên đã trúng tuyển vào Học viện trong kỳ thi Đại học và Cao đẳng theo 3 chung, có nguyện vọng học trong môi trường được đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy, với đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp ở nước ngoài, áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại và được tham gia các hoạt động hỗ trợ học tập và nghiên cứu đa dạng.

18. Các cơ quan, các công ty hàng năm có đến Học viện để phỏng vấn tìm nhân tài không?

Học viện Ngoại giao có mối quan hệ hợp tác tốt với nhiều đơn vị tuyển dụng có uy tín. Hằng năm, các đơn vị này đều tổ chức các buổi tọa đàm hướng nghiệp về cơ hội tuyển dụng, điều kiện tuyển dụng, quy trình tuyển dụng, … cho sinh viên năm cuối của Học viện. Nhờ đó, nhiều sinh viên Học viện có thể tiếp cận và tham gia thi tuyển dụng vào các đơn vị này. Một số công ty, tổng công ty, tập đoàn còn tài trợ cho hoạt động tuyển sinh của Học viện nhằm có cơ hội sớm tiếp cận và chọn lọc tuyển dụng các sinh viên ưu tú sau khi tốt nghiệp Học viện.

19. Em không phải sinh viên của Học viện, vậy nếu em muốn học cao học ở đây thì cần có những điều kiện gì?

Về cơ bản, bạn phải qua một quá trình học chuyển đổi để đạt được chuẩn đầu vào của việc học cao học. Nhưng tất nhiên, mọi thông tin chi tiết về điều kiện, thời gian, thủ tục tuyển sinh hệ sau đại học của Học viện Ngoại giao được đăng tải trên website của Học viện Ngoại giao.

20. Nếu em đăng ký vào một ngành, nhưng sau một thời gian học em thấy mình thích hợp với ngành khác, liệu em có thể xin đổi ngành được không?

Theo quy định, sinh viên không được phép chuyển đổi ngành học trong quá trình học tập tại Học viện. Tuy nhiên, sinh viên có thể tham gia học tập thêm một ngành khác theo chương trình đào tạo song bằng nếu đáp ứng đủ điều kiện. Để biết thêm thông tin cụ thể về việc này, sinh viên cần xem thông báo của Phòng Đào tạo.

21. Học viện có Ký túc xá sinh viên không? Điều kiện tiếp nhận?

Học viện dành một khu nhà 4 tầng cho Ký túc xá sinh viên, nằm trong khuôn viên Học viện. Mỗi khóa có thể tiếp nhận khoảng 100 sinh viên, ưu tiên các em gia đình thuộc diện chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình ở xa…

22. Hệ cao đẳng có phải là dành cho những thí sinh có điểm đầu vào không đủ, có nguyện vọng học hệ cao đẳng của trường không? Hệ cao đẳng đào tạo trong thời gian bao lâu thì mới được lên chương trình đại học?

Hệ cao đẳng xét tuyển thí sinh dự thi khối A1 và D1. Theo quy định hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để được liên thông lên đại học, các em tốt nghiệp hệ cao đẳng chưa quá 36 tháng phải dự thi vào đại học theo đề thi 3 chung và đạt điểm trúng tuyển.

23. Học viện Ngoại giao có tổ chức thi tuyển hệ tại chức không?

Hiện nay, Học viện Ngoại giao không tổ chức tuyển sinh hệ tại chức (hệ vừa làm vừa học).

Cùng chuyên mục