• Khoa tiếng anh
< >

Chia sẻ của cựu sinh viên hệ Chất lượng cao, ngành Ngôn ngữ Anh, Học viện Ngoại giao - thí sinh đạt học bổng của Chương trình “Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI)”

11:57 20/09/2021

Nguyễn Mạnh Chính, cựu sinh viên lớp TA43C, ngành Ngôn ngữ Anh
Nguyễn Mạnh Chính, cựu sinh viên lớp TA43C, ngành Ngôn ngữ Anh

Mình tên là Nguyễn Mạnh Chính, cựu sinh viên, lớp TA43C, hệ Chất lượng cao, ngành Ngôn ngữ Anh, Học viện Ngoại giao. Cuối năm thứ nhất tại Học viện Ngoại giao, mình được lựa chọn là một trong những đại diện của Việt Nam tham gia chương trình YSEALI Academic Fellowship Fall 2017 tại Hoa Kỳ. Mình được nghe về YSEALI từ khi còn học cấp 3 ở Hà Giang. YSEALI là chương trình mà mình cảm thấy phù hợp nhất với bản thân lúc bấy giờ bởi hai lý do chính. Thứ nhất, những giá trị mà chương trình thúc đẩy cũng là những điều mà mình hướng tới: khả năng lãnh đạo, tinh thần công dân tích cực và khả năng tạo ra những thay đổi có ý nghĩa cho cộng đồng. Thứ hai, Mỹ là một quốc gia có nền văn hoá, chính trị thú vị, khiến mình đặc biệt muốn khám phá và trải nghiệm.

Trước YSEALI, mình đã từng đăng ký chương trình SEAYLP - một chương trình khá giống YSEALI dành cho học sinh cấp 3 và bị loại ở vòng phỏng vấn vì thiếu tự tin. Mình đã từng coi đây là lần thất bại lớn nhất cuộc đời mình và phải mất đến gần ba năm để mình vượt qua sự tự ti và bản ngã của bản thân cũng như rèn luyện những kỹ năng còn thiếu. Trở thành sinh viên của Khoa tiếng Anh - Học viện Ngoại giao, trong năm nhất, mình đã cố gắng tận dụng môi trường năng động của Học viện Ngoại giao, tích luỹ những kỹ năng quan trọng như làm việc nhóm, thuyết trình, lên kế hoạch dự án từ các câu lạc bộ mà mình tham gia cũng như một số môn học ở trên lớp. Những hoạt động ngoại khoá này thực tế đã góp phần làm giàu hơn bộ hồ sơ của mình.

Cuối năm nhất tại Học viện Ngoại giao, YSEALI 2017 mở đơn cũng là lúc mình vừa phải xoay xở chuyện ăn ở, vừa loay hoay tìm cách định vị bản thân trong một môi trường mới. Mình bị ám ảnh với cảm giác “không đủ tốt, không xứng đáng”! Viết đơn rồi lại xoá, gập máy tính rồi lại bật, mình sợ lại một lần nữa bị từ chối. Cho đến khi còn hai ngày cuối, mình quyết định coi đây là một thử thách với bản thân, đối diện với nỗi sợ, và mình nộp đơn. Mình được vào vòng phỏng vấn!

Buổi phỏng vấn diễn ra tại chính căn phòng trước đây mình bị đánh trượt, nỗi sợ thất bại thực sự khiến lưng mình ướt đẫm. Vài phút trước khi đến lượt cũng là lúc mình sốc lại tinh thần. Hít một hơi, mình quyết định bước vào căn phòng, đối diện với ban giám khảo bằng những trải nghiệm và con người thật nhất của mình, dù có thể có phần non nớt và mỏng manh hơn những anh, chị đã đi làm, đang ngồi cùng băng ghế chờ với mình. Lúc đó mình 18 tuổi. Đúng là, ta tự tin nhất khi được sống là chính ta! Ngoài ra, những phần thi vấn đáp cuối kì của các học phần thuộc Chương trình Đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh với những câu hỏi “hóc búa” cũng phần nào giúp cho mình cảm thấy tự tin, thoải mái hơn trước áp lực của vòng phỏng vấn và các giám khảo.

Kết thúc phỏng vấn, cảm xúc của mình lẫn lộn, sợ bị trượt lần nữa nhưng vui nhiều hơn vì bản thân đã vượt qua nỗi sợ để hoàn thành buổi phỏng vấn tốt nhất có thể. Cuối cùng, mình vỡ oà khi được nhận được thư trúng tuyển!

Tháng 9, 2017, mình bay sang Đại học Nebraska, Omaha, Hoa Kỳ để bắt đầu chương trình 5 tuần. Tại đây, mình được tham gia học và thảo luận cùng các sinh viên Hoa Kỳ cũng như các bạn trong đoàn đến từ 9 quốc gia ASEAN khác. Với chủ đề “Kết nối công dân” (Civic Engagement), chúng mình được đến thăm các nhà hoạt động, học giả, các chuyên gia và các chính trị gia. Không chỉ vậy, trong suốt 5 tuần này, rất nhiều bài học và trải nghiệm sâu sắc nhất mà mình nhận được đến từ việc làm việc cá nhân, làm việc nhóm, tranh luận và sinh hoạt cùng với các bạn ở các nước ASEAN. Sau chuyến đi, mình học được cách trân trọng và bao dung hơn với những nền văn hoá, ý tưởng và niềm tin khác biệt với mình. Mình cũng quan sát thêm về cách mà hệ thống chính trị-xã hội của Hoa Kỳ được thiết kế để những ý tưởng có thể bổ sung cho nhau, để mọi người ở các vị trí việc làm khác nhau đều có cơ hội thử-sai-sửa.

Trong những ngày cuối tại thủ đô Washington, đoàn mình được thăm quan Nhà Trắng và nhiều địa điểm khác. Đặc biệt, mình cùng các anh chị trong đoàn đã cùng tham gia buổi Mô phỏng Ngoại giao tại Council on Foreign Relations và trình bày dự án nhóm tại trụ sở của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Cũng nhờ những kiến thức chính trị, kinh tế, xã hội mà mình tích luỹ được từ chương trình học và từ các hoạt động như Mô phỏng Liên Hợp Quốc trước đó, mình cũng tự tin tham gia các thảo luận với thầy cô và các bạn hơn. 18 tuổi - mình là người trẻ nhất đoàn.

Chương trình kết thúc cũng là lúc nhiều phần trong thế giới quan của mình bị bẻ gãy và đồng thời cũng có những chân trời khác mở rộng. Mình có thêm những người bạn - những người trẻ tiên phong trong nhiều lĩnh vực ở khắp ASEAN, đặc biệt là trong khối phát triển mà mình đang làm việc.

 

Kết lại, khi đăng ký YSEALI hay một học bổng phát triển nào khác, một câu nói mà mình tâm đắc đó là Be your authentic self, with skills - Hãy là chính bạn, thêm chút kĩ năng. Kỹ năng để truyền tải câu chuyện của bạn, để giám khảo thấy được đam mê và mong muốn tạo ra thay đổi tích cực cho cộng đồng của bạn. Sẽ có những lúc bạn cảm thấy tự ti, thấy sợ thất bại, sợ không đủ tốt giống như mình. Nhưng hãy thử và tự rút ra những bài học cho mình. Nỗi sợ sẽ không mất đi và bạn có thể sẽ thất bại, vẫn cảm thấy “chưa đủ tốt”. Nhưng cũng có thể, bạn sẽ tiến thêm một bước và cảm thấy tốt hơn việc đứng yên tại chỗ!”

Tác giả: Lê Khánh – Mạnh Chính

Cùng chuyên mục