Đối thoại biển lần thứ nhất giữa Học viện Ngoại giao và Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ: Đảm bảo một không gian biển an toàn, phát triển bền vững

16:48 28/03/2025

Triển khai Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Học viện Ngoại giao (HVNG) và Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ (NMF), ngày 27/3/2025, HVNG đã tổ chức Đối thoại DAV-NMF với chủ đề “Hợp tác thúc đẩy an ninh biển toàn diện tại khu vực”.

Sự kiện có sự tham dự của TS. Nguyễn Hùng Sơn, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Phó đô đốc Pradeep Chauhan, Tổng giám đốc Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ, TS. Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và TS. Đỗ Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, cùng đại diện các đơn vị của Bộ Ngoại giao, các cơ quan của một số Bộ, ngành và một số cán bộ nghiên cứu của các đơn vị trong Học viện.

Phát biểu khai mạc Đối thoại, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Quyền giám đốc Học viện, cho rằng Đối thoại lần thứ nhất giữa HVNG và NMF là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ đang mở rộng và phát triển mạnh mẽ giữa Việt Nam và Ấn Độ, hai quốc gia chia sẻ cam kết đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Việc khai trương chuỗi đối thoại, trao đổi giữa hai cơ quan nghiên cứu hàng đầu khu vực về biển phản ánh mối quan tâm chung giữa cộng đồng học thuật và nghiên cứu chiến lược giữa hai nước để xử lý những thách thức và cơ hội trên không gian biển. Việt Nam và Ấn Độ đều là các quốc gia biển – biển góp phần kiến tạo lịch sử và sẽ tiếp tục định hình bản sắc của hai quốc gia.

Phó đô đốc Pradeep Chauhan, Tổng giám đốc Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ, cho rằng việc tổ chức đối thoại là bước đi quan trọng để biến Biên bản ghi nhớ giữa hai cơ quan thành “văn bản sống”, góp phần thúc đẩy các trao đổi có ý nghĩa chiến lược. Đối thoại không chỉ là một nền tảng để chia sẻ học thuật và kinh nghiệm chính sách. Nó là một ví dụ sinh động cho mối quan hệ truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Biển không chỉ là một không gian địa lý. Nó còn đóng vai trò “cầu nối” để gắn kết các dân tộc, các nền kinh tế và các ý tưởng.

Phát biểu tại Đối thoại, TS. Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) khẳng định tiềm năng kết nối vận tải biển giữa Việt Nam và Ấn Độ là rất lớn bởi hai nước đều là những nền kinh tế phát triển năng động, nằm ở vị trí trọng yếu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai nước đang nỗ lực hướng đến tăng trao đổi thương mại lên đến 20 tỷ USD, đồng thời cam kết mạnh mẽ đối với mục tiêu tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, ngay cả kim ngạch lớn như vậy cũng chỉ tương ứng với 2-3% tổng trao đổi thương mại của mỗi nước. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường kết nối biển sẽ không chỉ giúp thúc đẩy trao đổi thương mại, mà còn giúp hai quốc gia trở thành những trung tâm hậu cần, vận tải biển ngày càng quan trọng trong mạng lưới kinh tế toàn cầu.

Đối thoại gồm bốn phiên thảo luận về các nội dung: (i) Các thách thức địa chính trị đương đại; (ii) Theo dõi tình huống trên biển và Nhận thức không gian biển; (iii) Phối hợp xây dựng năng lực để đối phó với thách thức an ninh biển ở khu vực; và (iv) Xu hướng khu vực về chuyển đổi xanh trong kinh tế biển và cơ hội hợp tác cho Việt Nam và Ấn Độ. Tại Đối thoại, các diễn giả phân tích toàn diện cục diện chiến lược khu vực và quốc tế, đồng thời nhận diện những thách thức nổi lên như cạnh tranh địa chính trị, sự xói mòn của chủ nghĩa đa phương, các xu hướng vi phạm luậ pháp quốc tế và ứng xử cường quyền, biến đổi khí hậu, nguy cơ trên không gian mạng, không gian ngầm v.v. Trong bối cảnh đó, các quốc gia cần tăng cường năng lực biển, củng cố tự chủ đồng thời đẩy mạnh quan hệ đối tác song phương và đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trên biển. Đặc biệt, các diễn giả nhận định Việt Nam và Ấn Độ cần thúc đẩy hợp tác nâng cao năng lực và khả năng nhằm đối phó với các thách thức an ninh biển, hướng đến đảm bảo phát triển biển bền vững và toàn diện vì lợi ích lâu dài.

Về xu hướng chuyển đổi xanh trong kinh tế biển, các diễn giả đều đồng tình về tầm quan trọng của nền kinh tế biển xanh trong phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường biển. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển nền kinh tế biển xanh như đánh bắt cá IUU, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường biển, v.v. Các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam và Ấn Độ về thúc đẩy chuyển đổi xanh trong kinh tế biển, đồng thời đưa ra các khuyến nghị tăng cường hợp tác song phương về kinh tế biển xanh.

Phát biểu bế mạc Đối thoại, TS. Nguyễn Hùng Sơn đánh giá cao kết quả thảo luận tại Đối thoại và tin rằng dấu mốc này mở ra nhiều cơ hội hợp tác trao đổi, nghiên cứu, xuất bản và phát triển nguồn nhân lực lâu dài hơn giữa HVNG và NMF.

Cùng chuyên mục