• Khoa lý luận chính trị
< >

Khoa Lý luận Chính trị

11:01 11/10/2022

I. Giới thiệu chung

 1. Lịch sử hình thành

          Để đáp ứng yêu cầu của việc mở rộng hoạt động đối ngoại và để thực hiện lời Bác dạy: “Kiến thiết cần có nhân tài... Chúng ta cần nhất bây giờ là kiến thiết ngoại giao, kiến thiết kinh tế, kiến thiết quân sự, kiến thiết giáo dục”. Ngày 22/6/1956, thay mặt Bộ trưởng Ngoại giao, lúc đó là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thứ trưởng Ung Văn Khiêm đã ký Nghị định 1042/NĐ mở lớp đào tạo cán bộ Bộ Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam mới. Ngày 17/6/1959, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Trường Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao.

          Khoa Lý luận Chính trị của Học viện Ngoại giao, tiền thân là Bộ môn Mác - Lênin & Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là một trong những bộ môn ra đời từ rất sớm, được giảng dạy ngay từ khi bắt đầu lớp học cán bộ ngoại giao đầu tiên (từ 1958 - 1959). Thời gian này, Bộ môn chỉ giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin cơ bản như Triết học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng. Chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn là thầy Nguyễn Văn Hạnh.

          Ngày 28/7/1960, Trường Ngoại giao sáp nhập vào Trường Đại học Kinh tế - Tài chính, trở thành Khoa Quan hệ Quốc tế (Ngoại giao - Ngoại thương). Bộ môn Mác - Lênin & Tư tưởng Hồ Chí Minh sáp nhập vào Khoa Mác - Lênin của trường Kinh tế - Tài chính. Thời gian này, Bộ môn chỉ giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin cơ bản như Triết học, Lịch sử Đảng, Kinh tế chính trị.

          Tháng 01/1963, Khoa Quan hệ Quốc tế được tách ra để thành lập Trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương. Giai đoạn này, trường có hai khoa là Khoa Ngoại giao (cơ sở là khoa Quan hệ Quốc tế của trường Kinh tế - Tài chính trước đây) và Khoa Ngoại thương. Bộ môn Mác - Lênin tiếp tục được giảng dạy song song với các bộ môn khác.

          Năm 1965, khoa Ngoại giao tách khỏi trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương, trở thành trường Đại học Ngoại giao, Bộ môn Mác - Lênin giai đoạn này vẫn được giảng dạy song song cùng các môn học cơ bản khác. Ngày 19/5/1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 78- HĐBT sáp nhập Trường Đại học Ngoại giao vào Viện Quan hệ Quốc tế. Ngày 01/8/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 279-CT đổi tên Viện Quan hệ Quốc tế thành Học viện Quan hệ Quốc tế, chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Ngoại giao.

          Trong giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1995, Bộ môn Mác - Lênin luôn được chú trọng giảng dạy cho cán bộ, sinh viên trường. Bộ môn tập trung giảng dạy khối môn Lý luận chính trị là Lịch sử Đảng, Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa Xã hội khoa học (Bổ sung năm 1976). Chủ nhiệm Bộ môn Mác - Lênin giai đoạn này lần lượt là các thầy Hoàng Văn Cừ, thầy Nguyễn Nhạ, thầy Đỗ Văn Bạch. Đây cũng là giai đoạn mà khoa có đông giảng viên nhất, với các giảng viên là những người giàu kinh nghiệm trong giảng dạy như: Đào Ngọc Thưởng, Nguyễn Văn Chu, Lê Đức Nhân, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Tá, Dương Nhật Thăng, Nguyễn Văn Khôi, Nguyễn Văn Lịch,… Đầu những năm 1990, do tạm ngừng tuyển sinh viên nên Bộ môn Mác - Lênin tạm dừng giảng dạy. Các giảng viên của bộ môn chuyển sang công tác tại các vị trí khác của trường hoặc đi công tác nước ngoài.

          Giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2005, Bộ môn Mác - Lênin được khôi phục lại vào năm 1997 do nhu cầu cấp thiết trong giảng dạy. Trong bối cảnh mới thành lập trở lại, Bộ môn có rất ít giảng viên do các cán bộ cũ đều công tác ở vị trí mới. Khắc phục hạn chế này, trường đã mời giảng viên thỉnh giảng của các trường Đại học khác về giảng dạy tại bộ môn. Bộ môn hầu như giữ nguyên quy mô hoạt động cũ, hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ của mình trong công tác đào tạo và nghiên cứu của trường thời điểm đó. Năm 1997, được sự tín nhiệm của các cấp lãnh đạo, thầy Đỗ Văn Bình được bầu giữ chức Chủ nhiệm Bộ môn Mác – Lênin; sau đó Chủ nhiệm Bộ môn Mác – Lênin lần lượt là các thầy Nguyễn Văn Lịch (2001 - 2004) và thầy Đỗ Văn Đồng (2004 - 2008)

          Giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2008, theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung giảng dạy của Bộ môn ngày càng trở nên phong phú. Ngoài các môn lý luận chính trị như Triết học, Kinh tế Chính trị học, Lịch sử đảng; Bộ môn đã bổ sung vào chương trình học các môn mang tính Lịch sử và Triết học như: Lịch sử văn minh thế giới, Chính trị học đại cương, Logic học đại cương, Tâm lý học đại cương, Xã hội học, Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Lịch sử Ngoại giao Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đến năm 2007, Bộ môn được nâng lên thành một khoa độc lập, có tên là Khoa Mác Lênin - Tư tưởng Hồ Chí Minh. Khoa có 03 giảng viên gồm các cô: Bạch Thanh Bình, Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh.

          Từ 2008 đến nay, thực hiện Quyết định số 82/2008/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ  “Về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao”. Bên cạnh đó, theo quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thống nhất tên khoa ở tất cả các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước, Khoa được đổi tên lại thành Khoa Lý luận chính trị. Từ năm 2008 đến năm 2021, cô Bạch Thanh Bình giữ chức Trưởng khoa; cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung làm Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa (2013 - 2016); cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh chuyển sang phòng Đào tạo Sau Đại học của Học viện. Từ tháng 10/2021, Khoa do cô Lý Thị Hải Yến làm Trưởng khoa và phụ trách khoa; hỗ trợ cô Yến là cô Nguyễn Thị Hiền – giảng viên cơ hữu tại khoa.

2. Sứ mệnh

           Giảng dạy các môn học Lý luận chính  trị, trang bị kiến thức lý luận  về nền tảng tư tưởng của của Đảng, giúp người học có nhận thức chính trị đúng đắn, có ý chí cách mạng, có thế giới quan và nhân sinh quan Mác xít, có bản lĩnh đấu tranh với những luận điệu sai trái xuyên tạc lịch sử và quá trình lãnh đạo xây dựng đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam.

          Giảng dạy các môn học đại cương ngành khoa học xã hội và nhân văn như: Lịch sử văn minh  thế giới, Tâm lý học, Xã hội học và Chính trị học, góp phần vào việc hình thành những kiến thức nền tảng cho sinh viên các ngành học chuyên ngành tại Học viện Ngoại giao.

3. Định hướng phát triển

          Với đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng chất lượng, khoa Lý luận chính trị tập trung xây dựng chương trình giảng dạy theo chương trình chuẩn hóa về khối kiến thức Lý luận chính trị, đồng thời cập nhật và có tính đặc thù chuyên về đối ngoại, ngoại giao, góp phần nâng cao tri thức và định hình tư duy cho sinh viên thông các học phần Lý luận chính trị và Khoa học xã hội.

II. Cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ

1. Ban lãnh đạo

Trưởng khoa: TS. Lý Thị Hải Yến

Email: yenlh@dav.edu.vn

III. Chương trình đào tạo

1. Nhiệm vụ đào tạo

         Căn cứ vào kế hoạch của Nhà trường, xây dựng và triển khai kế hoạch của Khoa trong từng học kỳ và cả năm học. Phân công nhiệm vụ cho từng giảng viên và nhân viên trong đơn vị phù hợp với trình độ, năng lực, chuyên ngành đào tạo của từng người, đảm bảo mặt bằng lao động chung;

         Tổ chức giảng dạy các học phần/môn học Lý luận chính trị cho sinh viên, học viên trong Trường. Phối hợp với nhà trường thực hiện công tác giáo dục và tuyên truyền chính trị tư tưởng cho cán bộ, giảng viên, sinh viên;

          Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, chủ động khai thác các dự án nghiên cứu về Lý luận chính trị và các ngành liên quan với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

        Tổ chức giảng dạy các môn Lý luận Chính trị theo khung chương trình, giáo trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn. Thực hiện chương trình giảng dạy các hệ đào tạo và bồi dưỡng theo sự chỉ đạo của Ban giám đốc; Tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp đào tạo, giảng dạy, học tập; đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung, bảo trì thiết bị dạy - học, thực hành, thực tập và thực nghiệm khoa học; phương tiện, học liệu dạy – học,…

2. Các môn học

          Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, hiện nay, Khoa Lý luận Chính trị phụ trách giảng dạy 09 môn gồm các môn Lý luận Chính trị và các môn thuộc khối kiến thức cơ bản ngành Khoa học xã hội cho toàn bộ sinh viên của Học viện. Cụ thể là:

  1. Triết học Mác - Lê Nin
  2. Kinh tế Chính trị Mác - Lê Nin
  3. Chủ nghĩa Xã hội Khoa học
  4. Tư tưởng Hồ Chí Minh
  5. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
  6. Tâm lý học đại cương
  7. Chính trị học đại cương,
  8. Xã hội học đại cương
  9. Lịch sử văn minh thế giới

          Trong đó, 5 môn lý luận chính trị gồm: Triết học Mác – Lê Nin, Kinh tế Chính trị Mác - Lênin,  Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; 4 môn cơ bản gồm: Tâm lý học đại cương, Chính trị học đại cương, Xã hội học đại cương, Lịch sử văn minh thế giới.

3. Hoạt động hợp tác

          Trước đây, bên cạnh đào tạo hệ chính quy, tại chức, văn bằng hai và cao học, các giảng viên của Khoa còn tham gia giảng dạy bổ túc cho các lớp cán bộ của các tỉnh, các Đại sứ quán như Đại sứ quán Lào, Cam-pu-chia để giảng dạy. Đồng thời, Khoa cũng tham gia hợp tác giảng với các đại học khác như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại Thương. Năm 2007, Khoa tổ chức cuộc thi về tư tưởng Hồ Chí Minh cho các sinh viên và chọn ra 20 gương mặt xuất sắc để tham gia chương trình “Đi theo dấu chân Bác Hồ”. Chương trình đã tạo điều kiện cho các sinh viên Ngoại giao đi giao lưu, học hỏi với các trường đại học ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

          Hiện nay, Khoa vẫn tham gia công tác nghiên cứu khoa học với các ngành học khác, tham gia một số hội thảo hoặc hội đồng khoa học của Học viện. Phần lớn giảng viên của Khoa từ trước đến nay đều đã được đào tạo ở trường Đảng (trường Nguyễn Ái Quốc - nay là Học Viện Chính trị - quốc gia Hồ Chí Minh), ở Học viện Ngoại giao các giảng viên được đào tạo ở cả trong và nước ngoài, phần lớn đều có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ chuyên ngành Triết học, hoặc các môn khoa học Mác - Lênin. Ngoài ra, Khoa còn mời giảng viên thỉnh giảng là các Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ hiện đang giảng dạy tại các trường đại học như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Học viện Ngân hàng... đến Học viện dạy các môn học do Khoa phụ trách.

IV. Thông tin liên hệ

- Địa chỉ: Phòng D624 - D625, Tòa D, Học viện Ngoại Giao, 69 Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội

- Email: khoallct@dav.edu.vn

- Page:

V. Hình ảnh hoạt động

Sinh viên K48 trải nghiệm thực tế môn Chủ nghĩa Xã hội khoa học tại làng văn hoá các dân tộc Đồng Mô

 
Sinh viên K49 trải nghiệm thực tế môn Chủ nghĩa Xã hội khoa học tại bảo tàng dân tộc học

Khoa Lý luận Chính trị

Cùng chuyên mục