GIỚI THIỆU SÁCH “Southeast Asian Affairs 2019”

09:50 08/10/2020

Southeast Asian Affairs là chuỗi sách xuất bản thường niên từ năm 1974 do Viện Nghiên cứu  ISEAS – Yusof Ishak Institute chủ biên, NXB ISEAS xuất bản. Qua 47 lần xuất bản, chuỗi sách này đã trở thành tài liệu quan trọng, cung cấp một những phân tích sâu về các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội cho các học giả, quan chức chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, truyền thông và bất cứ ai quan tâm đến những vấn đề đương đại của Đông Nam Á. Các cuốn sách là tập hợp các bài viết của các học giả, nhà nghiên cứu và bình luận có uy tín ở khu vực, với kiến thức và những góc nhìn đa chiều, sâu sắc về một khu vực đa dạng và đang biến đổi nhanh chóng. Sách Southeast Asian Affairs 2019  gồm hai tư chương, phản ánh những vận động về chính trị trong năm tại khu vực nói chung và 11 quốc gia Đông Nam Á, cung cấp những phân tích kịp thời về những phát triển mới ở cả cấp độ quốc gia và khu vực. Bốn chủ đề xuyên suốt của cuốn sách là Ấn độ-Thái Bình Dương, sự thâm nhập kinh tế của Trung Quốc vào khu vực, thay đổi chế độ (bầu cử)  và chính trị bản sắc- sự tái sinh của đạo đức và chủ nghĩa dân tộc. Các chủ đề này tạo nên sự kết nối giữa các chương, phản ánh những nhân tố mang tính cấu trúc (chứ không chỉ là tạm thời), sẽ quyết định hướng đi của khu vực cũng như của các quốc gia trong tương lai. Trong Chương “Việt Nam và các cơ chế hợp tác Mê Công”, tác giả Tô Minh ThuLê Đình Tĩnh (Học viện Ngoại giao) đã đưa ra một bức tranh tổng thể về các cơ chế hợp tác hiện có tại tiểu vùng Mê Công, những chuyển dịch lớn tại các cơ chế này trong năm 2018 và thời gian gần trước đó. Các tác giả cho thấy 2018 đánh dấu những mốc lớn trong sự phát triển của các cơ chế lớn ở Tiểu vùng Mê Công. Các nước tiểu vùng và các nước bên ngoài đều thể hiện cam kết mạnh mẽ đưa các cơ chế trở nên phù hợp hơn, đáp ứng tốt hơn với những yêu cầu phát triển của khu vực một cách hiệu quả và bền vững. Quan điểm, chính sách của Việt Nam về vấn đề Mê Công và sự tham gia của Việt Nam tại các cơ chế tiểu vùng được các tác giả đi sâu phân tích. Những đóng góp của Việt Nam tại các cơ chế được làm rõ, thể hiện thông qua những sự kiện quan trọng như chủ nhà Hội nghị cấp cao lần thứ 6 của Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS, Hội nghị cấp cao CLV lần thứ 10 tại Hà Nội, cùng với sự tham gia tích cực tại nhiều khuôn khổ hợp tác khu vực khác. Trong bối cảnh phải đối diện với rất nhiều thách thức trước mặt và dài hạn, mục tiêu của Việt Nam trong vấn đề Mê Công là thúc đẩy hợp tác khu vực về quản lý nguồn nước, kết nối, phát triển bền vững và an ninh. Việt Nam hướng tới các tiếp cận thông qua áp dụng các luật và thông lệ được công nhận rộng rãi như sử dụng nguồn nước hợp lý, công bằng, minh bạch, mở, bao trùm, tham vấn và tôn trọng đối với các cơ chế hợp tác và vai trò trung tâm của ASEAN. Bạn đọc quan tâm vui lòng liên hệ Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao, 69 Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội

Xuân Linh (gt)

Cùng chuyên mục