Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp quốc gia: “Đối ngoại đa phương của Việt Nam: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp"

10:20 22/08/2019

Ngày 21/8/2019, tại Văn phòng Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức họp hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài KH&CN cấp quốc gia: “Đối ngoại đa phương của Việt Nam: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp" Mã số: KX.04.27/16-20 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020” do Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì đề tài. Chủ nhiệm đề tài là PGS. TS Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, TS. Đặng Cẩm Tú là thư ký khoa học và các thành viên thực hiện chính gồm PGS. TS Nguyễn Vũ Tùng, TS. Đỗ Thanh Hải, TS. Hà Anh Tuấn, TS. Đỗ Thị Thủy, TS. Tô Minh Thu và các cộng tác viên chính là ThS. Nguyễn Nguyệt Nga, ThS. Lê Thị Hồng Vân, ThS. Nguyễn Hương Trà, ThS. Nguyễn Thanh Tùng

Mục tiêu, nhiệm vụ của đề tài:

- Làm rõ cơ sở lý luận, nội dung, vị trí, vai trò của đối ngoại đa phương (còn được sử dụng thông qua các thuật ngữ khác như ngoại giao đa phương, chủ nghĩa đa phương, tiến trình đa phương…) trong công tác đối ngoại nói chung của Việt Nam, từ đó góp phần hoàn thiện lý luận về ngoại giao Việt Nam nói chung và ngoại giao đa phương Việt Nam nói riêng.

- Làm rõ sự phát triển và vận động của đối ngoại đa phương trong quan hệ quốc tế hiện đại, từ cả hai góc độ chính sách đối ngoại của các nước và vận động của các tổ chức đa phương quốc tế và khu vực;

- Đánh giá toàn diện quá trình triển khai đối ngoại đa phương ở nước ta kể từ thời kỳ Đổi mới, nhất là trong 10 năm trở lại đây;

- Làm rõ những vấn đề đặt ra đối với đối ngoại đa phương Việt Nam trong sự vận động của cục diện thế giới và khu vực từ nay đến năm 2030;

- Kiến nghị những định hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đối ngoại đa phương Việt Nam về trung và dài hạn.

Để đạt được mục tiêu trên, đề tài đã tập trung giải quyết các nhiệm vụ sau:

- Làm rõ cơ sở lý luận về đối ngoại đa phương trên cơ sở chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các trường phái lý luận quan hệ quốc tế trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa tiếp tục phát triển sâu, rộng;

- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong triển khai đối ngoại đa phương; từ đó đúc rút cơ sở thực tiễn và bài học về triển khai đối ngoại đa phương cho Việt Nam;

- Làm rõ quá trình phát triển tư duy của Đảng ta về đối ngoại đa phương qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc từ năm 1986 tới nay, từ đó góp phần xây dựng một khuôn khổ lý luận của Việt Nam về đối ngoại đa phương;

- Đánh giá một cách tổng thể và toàn diện quá trình triển khai đối ngoại đa phương của Việt Nam kể từ năm 1986 đến nay, đặc biệt là sự tham gia của Việt Nam trong Liên Hợp Quốc, ASEAN và các cơ chế hợp tác đa phương chủ chốt khác ở cấp toàn cầu, khu vực và liên khu vực;

- Nhận diện và dự báo các xu thế lớn của đối ngoại đa phương thế kỷ XXI (về cấu trúc, chủ thể/đối tượng tham gia, nội hàm, hình thái, …) trong vận động của cục diện thế giới và khu vực về trung và dài hạn, từ đó xác định các yêu cầu mới và những vấn đề đặt ra đối với đối ngoại đa phương Việt Nam, cả về chủ quan và khách quan, từ nay đến năm 2030;

- Dự báo những vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, làm cơ sở đề ra chính sách đối ngoại nói chung, nguyên tắc, định hướng và lộ trình triển khai đối ngoại đa phương của Việt Nam.

- Làm rõ cơ hội và thách thức cũng như những vấn đề đặt ra đối với quá trình triển khai đối ngoại đa phương của Việt Nam trong thời gian tới;

- Luận giải và làm rõ hơn khái niệm, nội hàm của chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam trong thời gian tới;

- Đề xuất hệ quan điểm về mục tiêu, nội dung, phạm vi, nguyên tắc, định hướng, lộ trình, các ưu tiên và biện pháp triển khai đối ngoại đa phương của Việt Nam về trung và dài hạn;

- Kiến nghị nội dung về đối ngoại đa phương trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Thời gian thực hiện đề tài:

Bắt đầu tháng 1/2017 - Kết thúc tháng 8/2019

Tổng kinh phí thực hiện đề tài:

2900 triệu đồng (hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng). Trong đó chi tiền công lao động khoa học là 2125 triệu đồng và chi hội thảo, tọa đàm khoa học, điều tra khảo sát, mua sách tham khảo, chi phí quản lý chung là 775 triệu đồng.

Toàn cảnh buổi Họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài

Các sản phẩn của đề tài đã được cấp thẩm quyền nghiệm thu, đánh giá và công nhận:

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu là GS.TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng là PGS.TS. Bùi Nhật Quang và 07 GS và PGS thành viên trong Hội đồng. Đại diện Bộ Khoa học & Công nghệ, Ban Chủ nhiệm Chương trình KX04/16-20, Học viện Ngoại giao, cùng các thành viên trong Ban Chủ nhiệm Đề tài đã tham gia buổi nghiệm thu.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao quá trình nghiên cứu nghiêm túc của Đề tài. Đề tài đảm bảo về số lượng, khối lượng, chất lượng; sản phẩm của đề tài đạt vượt mức so với đặt hàng; báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, báo cáo kiến nghị và các báo cáo nội dung nghiên cứu chuyên môn của đề tài đã thể hiện được các kết quả nghiên cứu liên quan đến nhiệm vụ nghiên cứu; kết cấu nội dung báo cáo có văn phong lô-gíc khoa học, các luận cứ khoa học có cơ sở lý luận và thực tiễn cụ thể giải đáp những vấn đề nghiên cứu đặt ra; số liệu, tư liệu có tính đại diện, độ tin cậy, xác thực, cập nhật; Đề tài còn góp phần đào tạo 01 tiến sỹ và 12 thạc sỹ; Kết quả nghiên cứu đề tài còn thể hiện qua 01 sách chuyên khảo, 03 bài công bố trên tạp chí quốc tế, 01 hội thảo quốc tế, 02 hội thảo quốc gia, 04 tọa đàm khoa học, 26 bài báo trong nước. Các công trình xuất bản của đề tài đều có văn bản xác nhận của cơ quan sử dụng; Đề tài hoàn thành sớm trước hạn 02 tháng.

Về kinh phí đề tài sử dụng đúng quy định nguồn kinh phí được cấp, quyết toán kinh phí thực chi theo các nội dung chi chủ yếu, thanh quyết toán kinh phí kịp thời cho các chủ nhiệm nội dung chuyên môn theo yêu cầu tiến độ của đề tài. Tổng kinh phí tiết kiệm của đề tài là 102 triệu đồng.

Sau khi đánh giá các mặt thành công và hạn chế của đề tài, Hội đồng nghiệm thu tiến hành bỏ phiếu. Kết quả đề tài đạt 9/9 phiếu xuất sắc. Hội đồng đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu những ý kiến đóng góp của Hội đồng để tiếp tục hoàn thiện đề tài theo Quy định./.

Cùng chuyên mục