Số 16 - Những tác động của việc mở rộng Asean-7 lên Asean-10

03:47 21/03/2012

Những tác động của việc mở rộng Asean-7 lên Asean-10

Tác giả: Hoàng Anh Tuấn.

Hơn một năm trôi qua kể từ khi trở thành thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập vào tổ chức này và việc mở rộng ASEAN cho Việt Nam tham gia không gây ra những đảo lộn lớn. Cả Việt Nam, ASEAN cũng như các nước sẽ trở thành thành viên đều được quá trình này khích lệ và đang cùng nhau đẩy mạnh mở rộng ASEAN cho tất cả các nước khác ở Đông Nam A' (ĐNA) tham gia. Tuy nhiên, việc mở rộng này không chỉ đơn thuần làm tăng số lượng thành viên của tổ chức mà còn có những tác động to lớn về kinh tế, chính trị và an ninh đối với các nước thành viên và với cả khu vực nói chung.

A. Vài nét về tiến trình mở rộng ASEAN:

1. Vấn đề mở rộng ASEAN cho tất cả các nước trong khu vực ĐNA tham gia không phải là vấn đề mới chỉ được nêu trong thời gian gần đây, mà ngay từ trước năm 1990, vấn đề này đã được các nước ASEAN và các nước khác trong khu vực đề cập nhiều lần tại nhiều thời điểm khác nhau. Ví dụ :

a) Trong tuyên bố Bangkok năm 1967, các nước ASEAN tuyên bố "ASEAN mở cửa cho tất cả các nước trong khu vực ĐNA tham gia nếu như họ chấp nhận các nguyên tắc, mục đích của tổ chức". Nhưng khi đó do chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương nên vấn đề này không tiến triển. Campuchia thi hành chính sách trung lập, không tham gia khối; Việt Nam và Lào đang có chiến tranh; còn Myanma và Chính quyền Nam Việt Nam tham dự ASEAN với tư cách quan sát viên đến năm 1973.

b) Sau đó, năm 1975, ASEAN lại nêu đề nghị mời Việt Nam tham gia ASEAN. Nhưng Việt Nam đã từ chối vì cho rằng ASEAN là một dạng khác của SEATO (Tổ chức Hiệp ước các nước ĐNA). Lập luận của Việt Nam dựa trên cơ sở một số nước thành viên ASEAN (Thái Lan và Philippines) đã gửi quân tham chiến trong chiến tranh ở Việt Nam.

Đó là một số đề nghị của ASEAN. Còn về phía Việt Nam, trong thời gian từ cuối 1977 đến cuối 1978, do tình hình khu vực có những thay đổi nhanh chóng nên Việt Nam chủ trương xây dựng quan hệ tốt với các nước ASEAN để tạo ra môi trường xung quanh hòa bình, ổn định, rút lui những bảo lưu đối với ZOPFAN (Khu vực hòa bình, hữu nghị và trung lập); đề nghị với ASEAN để Việt Nam ký Hiệp ước Bali (Hiệp ước không xâm lược) và trở thành thành viên ASEAN, nhưng các nước ASEAN đã bác bỏ đề nghị này. Sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia tháng 9/1989, một số lãnh đạo của ta có đề cập đến vấn đề Việt Nam có thể trở thành thành viên ASEAN. Nhưng những đề nghị này khi đó không được các nước ASEAN xem xét một cách nghiêm chỉnh vì vẫn tồn tại tâm trạng không tin cậy rất lớn giữa Việt Nam và ASEAN, mặc dù Việt Nam đã rút quân khỏi campuchia.

Qua đó ta thấy việc mở rộng ASEAN không thể chỉ do một phía, hoặc ta đưa ra đề nghị, hoặc ASEAN muốn là được. Đây là quá trình tác động hai chiều và các nhu cầu của hai bên phải gặp nhau đúng thời điểm. Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, việc mở rộng ASEAN hầu như không tiến triển, trừ việc kết nạp Brunei năm 1984. Nhưng với diện tích và dân số khiêm tốn, việc Brunei tham gia ASEAN không gây ra tác động đáng kể nào về kinh tế, chính trị và an ninh đối với ASEAN nói riêng và ĐNA nói chung.

2. Sau chiến tranh lạnh, việc mở rộng ASEAN được tất cả các nước trong khu vực ủng hộ và thúc đẩy mạnh mẽ. Điều đó là do thời kỳ này đã hội tụ đủ các nhân tố thuận lợi để mở rộng ASEAN mà trước đây không có:

a) Về phía các nước ASEAN, việc mở rộng Hiệp hội phù hợp với những tính toán kinh tế, chính trị và an ninh của họ sau chiến tranh lạnh. Các nước ASEAN cho rằng việc mở rộng không gian ASEAN lên thành mười nước với dân số khoảng 500 triệu người và tổng GNP là 350 tỷ USD chắc chắn sẽ làm tăng thêm sức nặng kinh tế và chính trị của ASEAN trong các vấn đề kinh tế, chính trị ở Châu A' - Thái Bình Dương (CA-TBD) và trên trường quốc tế.

b) Về phía Việt Nam và các nước ĐNA khác, tuy không hoàn toàn chia sẻ những cân nhắc mang tính địa - chính trị và địa - kinh tế với các nước ASEAN, nhưng rõ ràng việc trở thành thành viên ASEAN sẽ giúp họ có môi trường thuận lợi hơn để phát triển kinh tế và nâng cao vai trò của mình trên trường quốc tế.

c) Hơn nữa, việc mở rộng ASEAN cũng phù hợp với lợi ích của các nước lớn là Mỹ, Trung, Nga và Nhật, muốn có môi trường khu vực ổn định để thúc đẩy các quan hệ thương mại và đầu tư, cho nên họ ủng hộ quá trình này.

Hiện nay, tiến trình mở rộng ASEAN đang diễn ra khá thuận lợi. Sau khi ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (TAC) năm 1992 và trở thành quan sát viên ASEAN năm 1994, Việt Nam đã chính thức được kết nạp làm thành viên đầy đủ của ASEAN tháng 7/1995. Lào và Campuchia đã ký TAC, trở thành quan sát viên ASEAN năm 1995 và sẽ chính thức trở thành thành viên ASEAN năm 1997. Myanmar đã trở thành quan sát viên ASEAN tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tháng 7/1996 vừa qua và theo khẳng định của một số quan chức cấp cao ASEAN, sẽ trở thành thành viên ASEAN trước năm 2000. Như vậy, một ASEAN mở rộng bao gồm tất cả các nước ĐNA sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai không xa nữa.

B. Tác động của việc mở rộng từ ASEAN-7 lên ASEAN-10:

Nhìn chung, ý đồ của từng nước muốn tham gia ASEAN, cũng như của các nước ASEAN trong tiến trình mở rộng là phát triển kinh tế; duy trì môi trường khu vực hòa bình và ổn định và nâng cao vai trò của tổ chức cũng như của từng nước trong các vấn đề kinh tế, chính trị và an ninh ở CA-TBD và trên thế giới. Tuy nhiên không thể coi việc mở rộng ASEAN như một phép tính số học đơn thuần là ASEAN-10 lớn hơn ASEAN-7 và do đó cũng mạnh hơn, bởi lẽ nhiều khi sự tăng về lượng không phản ánh sự tăng về chất. Các phân tích về tác động của quá trình mở rộng ASEAN dưới đây chủ yếu sẽ tập trung vào sự phát triển kinh tế, và các vấn đề chính trị và an ninh của từng nước cũng như của cả khối ASEAN mở rộng. Hơn nữa, không thể tách biệt mà cần phân tích tác động của quá trình này trong bối cảnh của khu vực CA-TBD cũng như trong quan hệ giữa ASEAN với các nước lớn.

I. Tác động kinh tế :

1. Tác động kinh tế của ASEAN mở rộng trong khu vực CA-TBND.

Các số liệu kinh tế được công bố gần đây cho thấy ASEAN chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế CA-TBD. Cụ thể là năm 1996, GNP của toàn khu vực CA-TBD khoảng 14.000 tỷ USD; còn GNP của ASEAN mới chỉ đạt 500 tỷ USD hay chiếm 1/28 GNP của toàn bộ khu vực. Dân số của các nước ASEAN cũng chỉ chiếm 1/6 dân số khu vực (350 triệu so với 2.100 triệu). Bên cạnh đó, các nước ASEAN vẫn phụ thuộc nặng nề vào thị trường, vốn và công nghệ tiên tiến của Mỹ, Nhật và NICs Châu A'. Trong tương lai gần, dù có cố gắng đến đâu thì tỷ lệ kinh tế của ASEAN trong khu vực CA-TBD cũng chưa thể cải thiện đáng kể.

Theo lý thuyết, do tỷ trọng kinh tế hạn chế, nên vai trò và tác động kinh tế của ASEAN đối với khu vực CA-TBD cũng sẽ hạn chế tương ứng. Nhưng thực tế không hẳn như vậy vì :

a) Việc kết thúc chiến tranh lạnh làm cho các nước vừa và nhỏ như ASEAN có khả năng phát huy vai trò của mình và sáng kiến của họ dễ được các nước lớn chấp nhận hơn vì ý đồ của họ ít bị nghi ngờ. Chẳng hạn, tuy là nước nhỏ nhưng nhờ có vị trí là trung tâm thương mại và tài chính của khu vực nên trong APEC, Singapore lại là nước đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng về tự do hóa thương mại và đầu tư.

b) Là nhóm nước trong APEC có sự cố kết chặt chẽ về chính trị và có vị trí quan trọng trong việc thảo luận các vấn đề an ninh và chính trị ở CA-TBD nên ASEAN có một tiếng nói có trọng lượng mà các nước trong khu vực không thể bỏ qua nếu như họ muốn thống nhất lập trường trong các vấn đề hợp tác kinh tế quan trọng ở khu vực CA-TBD.

c) Với việc thực hiện Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) và mở rộng không gian của AFTA ra toàn khu vực ĐNA, thì ASEAN mở rộng sẽ trở thành một thực thể kinh tế đáng kể.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với ASEAN là phối hợp và thống nhất lập trường chung trong APEC. Chỉ với ASEAN-6 và ASEAN-7, các nước ASEAN đã phải đối phó với thách thức này. Chẳng hạn, năm 1993 Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed đã từ chối tham dự Hội nghị cấp cao APEC I tại Seattle (Mỹ) sợ điều này sẽ dẫn đến việc thể chế hóa APEC và do vậy làm giảm vai trò của ASEAN trong APEC. Còn tại Hội nghị cấp cao APEC II tại Bogor, một số nước, trong đó có Singapore, ủng hộ lịch trình tự do hóa thương mại và đầu tư trong APEC đối với các nước phát triển là năm 2010, còn đối với các nước đang phát triển là 2020, nhưng Malaysia lại cho rằng tuyên bố Bogor không có tính chất ràng buộc nên Malaysia sẽ thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư theo lịch trình riêng của mình. Rõ ràng, cùng với tiến trình mở rộng ASEAN thì sự thống nhất lập trường giữa các nước thành viên trong các vấn đề hợp tác kinh tế sẽ ngày càng khó khăn hơn. Và nếu như trong tương lai ASEAN không thống nhất được lập trường của mình, thì vai trò của ASEAN, trên tư cách là một khối trong APEC sẽ ngày càng bị lu mờ. Hơn nữa sự khác nhau về lập trường của các nước ASEAN đối với các vấn đề hợp tác kinh tế trong APEC còn có khả năng dẫn đến bất hoà, chia rẽ trong ASEAN.

2. Tác động kinh tế đối với các nước thành viên:

Trong khi tác động của quá trình mở rộng ASEAN đối với APEC còn khiêm tốn, thì tác động đối với sự phát triển kinh tế của các nước thành viên lại khá rõ rệt.

Như đã biết, từ năm 1991, các nước ASEAN đã đưa ra sáng kiến thiết lập khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), và bắt đầu thực hiện chương trình này từ năm 1993. Đây là chương trình hợp tác kinh tế chung của ASEAN, theo đó nước nào tham gia ASEAN thì cũng đồng thời phải tham gia AFTA. Nội dung chủ yếu của AFTA là giảm thuế quan đối với 15 nhóm sản phẩm xuống còn từ 0 - 5% vào năm 2006. Sau đó, năm 1994 họ đã điều chỉnh để thực hiện các mục tiêu nêu ra trong AFTA vào năm 2003, thay vì 2006. Tuy tên là thiết lập Khu vực thương mại tự do ASEAN, nhưng ngay cả khi thực hiện xong AFTA thì tác động của nó đối với thương mại nội bộ ASEAN vẫn còn hạn chế, vì :

a) ASEAN mới chỉ giảm thuế đối với 15 nhóm sản phẩm trong buôn bán giữa họ với nhau, trong khi đó có đến vài chục loại nhóm sản phẩm trong danh mục buôn bán của ASEAN.

b) Hiện nay thương mại nội bộ của ASEAN vẫn còn rất nhỏ bé. Năm 1993 tỷ lệ này là 18,1%; năm 1994 là 20,7% còn năm 1995 là 19,6%. Điều đó cho thấy sự bổ sung lẫn nhau giữa các nền kinh tế ASEAN rất thấp và ASEAN buôn bán với bên ngoài nhiều hơn là buôn bán lẫn nhau. Hơn nữa, trong tỷ lệ trên thì chỉ có ba nước là Brunei, Malaysia và Singapore có tỷ lệ buôn bán nội bộ chiếm hơn 20% tổng buôn bán của họ; còn của Indonesia và Thái Lan tỷ lệ đó hơn 10%; trong khi của Philippines vào khoảng 8%.

Trong tổng số tỷ lệ buôn bán nội bộ trên của ASEAN, có đến một nửa là thực hiện với Singapore, nước được coi là nơi lưu chuyển hàng hóa với bên ngoài. Nếu loại Singapore ra thì buôn bán nội bộ ASEAN chỉ còn 5%. Một nghiên cứu kinh tế độc lập cho thấy, nếu giảm ngay lập tức 50% thuế trong buôn bán nội bộ ASEAN thì nhập khẩu ASEAN cũng chỉ tăng 2,3%; còn xuất khẩu tăng 4,4%.

Tóm lại, tác động của AFTA là không làm tăng thương mại nội bộ ASEAN. Do đó các nước trong ASEAN, trong đó có Việt Nam, cũng như các nước sắp trở thành thành viên không thể hy vọng tăng nhanh buôn bán với các nước ASEAN.

Lợi ích quan trọng nhất của việc tham gia AFTA cũng như mở rộng không gian kinh tế ASEAN là biến ASEAN thành nền kinh tế lớn, liên kết chặt chẽ và do vậy giúp ASEAN thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Khi đầu tư nước ngoài trong khu vực tăng, các nhà sản xuất sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan (đối với hàng hóa có hàm lượng 40% ASEAN) do đó sẽ làm tăng buôn bán nội bộ ASEAN (tuy nhiên điều này có thể diễn ra ở giai đoạn sau). Đó là tác động thứ nhất đối với buôn bán và đầu tư của ASEAN mở rộng.

Tác động thứ hai mà các nước trong khu vực cần phải tính đến khi tham gia ASEAN là khung thời gian thực hiện AFTA. Do Việt Nam tham gia AFTA sau các nước ASEAN khác ba năm nên sẽ thực hiện các mục tiêu trong AFTA sau ba năm. Vậy các nước tham gia ASEAN sau có còn được hưởng ưu đãi như Việt Nam hay không? Chẳng hạn như Lào, Campuchia và Myanmar có được phép thực hiện xong AFTA vào năm 2008 hoặc 2009 ? Khi các thành viên ASEAN thực hiện xong AFTA thì chắc chắn họ sẽ triển khai chương trình hợp tác kinh tế mới và liệu các nước tham gia ASEAN sau có được tham gia các chương trình hợp tác kinh tế mới này hay không, và nếu như họ không tham gia thì ASEAN sẽ đạt được sự nhất trí trong vấn đề hợp tác kinh tế nội bộ như thế nào ? Nếu không đạt được sự nhất trí thì chắc chắn sự cố kết của ASEAN sẽ giảm đi, và như vậy một ASEAN lớn hơn chưa hẳn đã mạnh hơn. Thực tiễn của việc mở rộng EU (Liên minh Châu Âu) cho thấy việc mở rộng tổ chức chưa chắc đã làm EU mạnh hơn, mà đặt họ trước nhiều vấn đề nan giải như nhập cư, vấn đề bò điên, đồng tiền chung Châu Âu...

Tác động thứ ba là việc mở rộng ASEAN có thể tạo ra sự phân cách về kinh tế ngay trong ASEAN giữa một ASEAN giàu (gồm các nước trong ASEAN-6) và một ASEAN nghèo (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar). Khoảng cách giàu nghèo này có thể tạo ra sự bất ổn tiềm tàng tại các nước kém phát triển hơn và đe dọa đến sự ổn định chung của cả khu vực. Điều này đúng và nguy cơ này là có thực. Nhưng thử đặt vấn đề một cách ngược lại, nếu như các nước còn lại không tham gia ASEAN thì sao ? Rõ ràng nguy cơ bất ổn định tiềm tàng ở ĐNA còn lớn hơn. Vì tham gia ASEAN, tham gia AFTA giúp các nước này có cơ hội thuận lợi hơn để phát triển kinh tế và thu hẹp khoảng cách với các nước ASEAN khác và do vậy làm giảm nguy cơ bất ổn. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn còn đó và nhiệm vụ của các thành viên phát triển hơn là giúp các nước nghèo hơn phát triển kinh tế.

II. Những tác động chính trị và an ninh :

Hiện nay có nhiều tranh luận và ý kiến trái ngược nhau về việc ASEAN mở rộng sẽ gây ra các tác động chính trị và an ninh như thế nào đối với khu vực ĐNA. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất đối với các nước ASEAN là bằng cách nào có thể giữ sự cố kết khu vực khi mở rộng thành viên. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, các nước ASEAN cần duy trì một sự nhất trí ngoại giao chặt chẽ để củng cố thế mặc cả của tổ chức này trong quan hệ với các nước lớn. Hiện nay nhu cầu đó không còn nữa và một khối ASEAN mở rộng cần phải xử lý hàng loạt vấn đề phức tạp và khó khăn. Các tranh chấp trong ASEAN sẽ trở nên công khai hơn và một khối ASEAN mở rộng sẽ gặp phải một số khó khăn mới đạt được sự nhất trí. ở đây có hai vấn đề : Một mặt các nước nhỏ và các nước mới tham gia muốn duy trì nguyên tắc nhất trí vì đây là cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích và tiếng nói chung của họ. Mặt khác, việc duy trì nguyên tắc nhất trí đòi hỏi phải mất nhiều thời gian để các nước tiến hành tham khảo, nhân nhượng thỏa hiệp rồi mới đi đến nhất trí. Sau chiến tranh lạnh, các vấn đề đặt ra cho ASEAN cũng nhiều hơn trước và trong nhiều trường hợp cần phải có sự phản ứng nhanh nhậy. Do đó đã có một số ý kiến nêu rằng ASEAN nên thực hiện nguyên tắc đa số. Dù việc ra quyết định tiến hành theo nguyên tắc nào thì cũng có mặt tiêu cực và mặt tích cực; và vấn đề đặt ra là các nước ASEAN cần phải chọn lựa hình thức ra quyết sách như thế nào, đối với vấn đề gì... để vừa giúp tổ chức ứng phó được với các thách thức mới, vừa dung hòa lợi ích của các nước thành viên.

Hiện nay, các nước trong khu vực đều tin rằng việc mở rộng ASEAN sẽ giúp tăng cường và củng cố môi trường hòa bình và ổn định ở ĐNA. Trước đây, trong ASEAN có quan điểm cho rằng chỉ cần tất cả các nước trong khu vực ĐNA ký Hiệp ước Bali 1976 (Hiệp ước không xâm lược) là đủ để tạo ra một khu vực hòa bình và ổn định ở ĐNA. Thực ra đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ, vì khi đã trở thành thành viên ASEAN, các nước còn bị ràng buộc hơn nhiều thông qua các cơ chế hợp tác kinh tế, chính trị; thông qua quan hệ cá nhân của các giới lãnh đạo... nên khả năng nguy cơ nổ ra xung đột giữa các nước thành viên giảm đi rất nhiều.

Do ASEAN là tổ chức đã được thiết lập, nên việc các nước khác trong khu vực tham gia ASEAN có nghĩa là họ chấp nhận các nguyên tắc của tổ chức. Đồng thời việc mở rộng ASEAN cũng đồng nghĩa với việc mở rộng các nguyên tắc của ASEAN ra toàn bộ khu vực ĐNA. Tuy nhiên, trong thực tế sẽ không chỉ có tác động một chiều như vậy vì nguyên tắc hoạt động của ASEAN hiện dựa trên cơ sở nhất trí nên giữa các thành viên phải có sự thỏa hiệp để đạt được sự nhất trí này và do vậy tiến trình hoạch định chính sách của ASEAN sẽ được thực hiện trên cơ sở tác động hai chiều, theo đó các thành viên, không phân biệt lớn, nhỏ; cũ hay mới đều có vai trò.

Mặt khác cần thấy rằng tiến trình hoạch định chính sách của ASEAN sẽ tác động sâu sắc đến quá trình hoạch định chính sách của từng quốc gia. Trong các nước ASEAN có nguyên tắc musyawara và mufakat (tham khảo ý kiến và nhất trí), theo đó để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và đạt được sự nhất trí trong nhiều vấn đề, hằng năm ASEAN tổ chức gần 300 cuộc họp. Và muốn đóng góp có hiệu quả vào tiến trình hoạch định chính sách cấp khu vực, trước hết từng nước thành viên phải có cơ chế tham khảo ý kiến và nhất trí ở cấp độ quốc gia. Một khi đã tham gia ASEAN, các nước thành viên phải tuân theo xu thế này và đây là xu thế không thể cưỡng lại được. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến thay đổi sâu sắc trong tiến trình hoạch định chính sách ở một số quốc gia khu vực.

Việc mở rộng ASEAN còn làm cho sự can thiệp của một nước thành viên này vào công việc nội bộ của nước thành viên khác giảm đáng kể, nếu như không nói là không còn nữa. Hơn nữa, các nước trong khu vực còn có lợi ích chung trong việc tập hợp lực lượng để chống lại các sức ép của phương Tây trong vấn đề dân chủ và nhân quyền (trường hợp Myanmar). Điều này rất có lợi cho Việt Nam vì trước đây ta thường bị một số nước phương Tây gây ức ép về vấn đề dân chủ và chỉ trích hệ thống chính trị độc đảng. Nay ta đã có đồng minh ASEAN đứng ra hỗ trợ.

Đối với các nước lớn trong khu vực CA-TBD, do tác động của việc mở rộng ASEAN về kinh tế như đã phân tích ở trên, cộng với uy tín sẵn có của ASEAN trong các diễn đàn chính trị và an ninh hiện có như Hội nghị sau Hội nghị ngoại trưởng ASEAN PMC, ARF và Hội nghị cấp cao Âu - A' (ASEM), nên vai trò của ASEAN trong khu vực cũng như trong quan hệ với các nước lớn được nâng lên đáng kể. ASEAN có thể sử dụng thế lực và uy tín của mình để đóng vai trò giữ cân bằng quan hệ giữa các nước lớn trong khu vực. Vì vậy sự ủng hộ của ASEAN đối với một cường quốc này hay chống lại một cường quốc khác có thể giúp thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực. Tuy nhiên, tình hình trước đây cho thấy việc ASEAN đi theo một bên, chống lại bên kia chỉ gây tình hình căng thẳng và bất ổn định trong khu vực. Hiện nay chính sách này cũng không được các nước thành viên tán thành vì không phù hợp với lợi ích của họ. Do đó chính sách của ASEAN sẽ là đứng giữa và mong muốn có thật nhiều cường quốc tham gia vào các vấn đề chính trị và an ninh khu vực để cân bằng lợi ích.

Tóm lại, tiến trình mở rộng ASEAN từ một tổ chức tiểu khu vực của các nước ĐNA với năm thành viên ban đầu năm 1967 thành một tổ chức mang tính toàn khu vực như ngày nay là một tiến trình lâu dài và phức tạp. Về cả trước mắt lẫn lâu dài, việc mở rộng ASEAN phù hợp với lợi ích của tất cả các thành viên cũng như của hòa bình và ổn định khu vực. Tuy nhiên, do việc mở rộng ASEAN liên quan tới nhiều nhân tố, một số mang tính ổn định, còn một số vẫn chưa thể dự đoán trước, nên tiến trình này sẽ đưa đến các tác động cả hai mặt. Là thành viên mới của Hiệp hội, Việt Nam một mặt phải cố gắng tận dụng hết cơ hội thuận lợi của tình hình mới, mặt khác phải có những chuẩn bị và đối sách phù hợp trước các tác động tiêu cực có thể xảy ra./.

Cùng chuyên mục