Số 21 - Trừng phạt kinh tế: một công cụ trong chính sách ngoại giao của Mỹ thời kỳ hậu chiến tranh lạnh

08:29 22/03/2012

Trừng phạt kinh tế: một công cụ trong chính sách ngoại giao của Mỹ thời kỳ hậu chiến tranh lạnh

Tác giả: Nguyễn Thái Yên Hương.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Clinton, Tổng thống và Quốc hội Mỹ đã 60 lần áp dụng trừng phạt kinh tế (hoặc thông qua luật trừng phạt) để chống 35 nước khác nhau. Con số này gần bằng số vụ trừng phạt Mỹ đưa ra trong thời kỳ 40 năm sau chiến tranh thế giới II(1). Chỉ tính riêng trong năm 1996 đã có 22 lần trừng phạt mới. Điều này đặt ra một số vấn đề mà bài viết này muốn đề cập: phải chăng đây là biện pháp hữu hiệu nhất để Mỹ có thể đạt được các mục tiêu đối ngoại của mình trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh ? Mỹ được gì và mất gì khi áp dụng trừng phạt kinh tế đơn phương đối với các nước khác ? Đồng thời, bài viết cũng cố gắng làm rõ lợi ích của Mỹ trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt này.

Trừng phạt kinh tế được định nghĩa là "các biện pháp kinh tế được tiến hành nhằm chống lại một hay nhiều nước với mục đích đưa đến một sự thay đổi trong chính sách hay ít nhất là thể hiện ý kiến của một nước đối với chính sách của nước khác"(2). Đối với Mỹ, khái niệm về trừng phạt kinh tế có thể tính đến cả lợi ích an ninh quốc gia, đây được coi là công cụ để gây ảnh hưởng đến chính sách của nước đối tượng bị coi là mục tiêu trong những vấn đề được coi là chống lại Mỹ (ví dụ như nhân quyền, chủ nghĩa khủng bố hay cả vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân...). Tuy khái niệm cơ bản dường như không thay đổi, nhưng mục đích của việc áp dụng trừng phạt đã thay đổi, lý do chính là do có sự thay đổi trong mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ và đặc biệt là về các mối đe doạ đối với lợi ích quốc gia(3).

Mục tiêu chính sách đối ngoại và chiến lược đề xuất của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh chủ yếu tập trung vào Liên Xô cũ và khối Vácsava cùng với khả năng bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới. Một khi kẻ thù trong thời kỳ chiến tranh lạnh mất đi, sự tập trung đã chuyển sang các vấn đề trước đây từng tồn tại nhưng không phải là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ: sắc tộc, tôn giáo, mâu thuẫn biên giới và các vấn đề nhân quyền, dân chủ... Các vấn đề này sẽ tác động đến lợi ích quốc gia và an ninh của Mỹ, nó cũng ảnh hưởng đến cách thức nhìn nhận của Mỹ trong việc áp dụng trừng phạt kinh tế đối với các nước liên quan.

Các mối đe doạ đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ sau khi Liên Xô sụp đổ được Bộ Ngoại giao Mỹ nhìn nhận như sau:

Lãnh thổ và sự tồn tại của Mỹ    - Chủ nghĩa khủng bố

Mục tiêu toàn cầu của Mỹ            - Việc phổ biến vũ khí, việc vận chuyển ma tuý, tội phạm quốc tế, vấn đề an ninh môi trường, khủng hoảng dân số và các luồng tị nạn, vi phạm nhân quyền và tội phạm chiến tranh.

Lợi ích kinh tế của Mỹ                - Tình báo kinh tế, cạnh tranh không công bằng.

Các nhà hoạch định chính sách và quan chức của Mỹ nói chung thường sử dụng nhiều biện pháp trừng phạt khác nhau để tác động lên chính phủ các nước khác. Các biện pháp đó thường là thuyết phục ngoại giao, thuyết phục công khai, trừng phạt kinh tế và phi kinh tế, đôi khi còn là hành động quân sự. Các biện pháp này có thể được tiến hành đơn phương thông qua Liên Hợp quốc (LHQ) hay các tổ chức quốc tế khác.

Trừng phạt kinh tế không phải là biện pháp mới mẻ của Mỹ mà đã được sử dụng từ lâu. Mỹ đã là người đóng vai trò chính trong các cuộc trừng phạt do LHQ tiến hành sau Chiến tranh thế giới II. Trong một số trường hợp, Mỹ tham gia vào các hành động đa phương, nhưng cũng có nhiều trường hợp Mỹ hoạt động đơn lẻ và nhận được sự ủng hộ rất ít ỏi từ các nước đồng minh.

Sau chiến tranh lạnh, khi mà các hành động quân sự ngày càng khó được chấp nhận, thì Mỹ càng hay sử dụng trừng phạt kinh tế đối với các nước bị coi là không thân thiện. Các biện pháp này không có gì mới, thường gồm:

- Hạn chế xuất khẩu sang nước đó;

- Hạn chế nhập khẩu từ nước đó;

- Hạn chế/ngăn cản đầu tư vào nước đó;

- Cấm mọi hình thức chuyển giao tài chính của công dân hay chính phủ của nước đó;

- Hạn chế không để cho các tổ chức của nước thực hiện trừng phạt, ví dụ như Ngân hàng xuất nhập khẩu của Mỹ, Cơ quan phụ trách đầu tư tư nhân ở nước ngoài (OPIC) giúp đỡ buôn bán và đầu tư vào nước đang bị trừng phạt.

Lý do Mỹ thực hiện trừng phạt kinh tế:

Việc áp dụng trừng phạt kinh tế, nếu như đem so với các biện pháp trừng phạt quân sự thì nước áp dụng (đặc biệt là Mỹ) sẽ có một số mặt lợi sau:

- Trừng phạt kinh tế không liên quan đến sự tàn phá rõ ràng và hành động phá hoại của lực lượng vũ trang.

- Nói chung, trừng phạt kinh tế dễ được cộng đồng quốc tế chấp nhận hơn (nếu đem so với trừng phạt quân sự).

- Các biện pháp trừng phạt kinh tế là biện pháp ít bị phản đối nhất so với các biện pháp gây sức ép ngoại giao, và là một bước trước khi leo thang đến xung đột.

- Nói chung đây là một biện pháp ít tốn kém.

- Tổng thống Mỹ hầu như không bị hạn chế quyền trong việc áp dụng trừng phạt, trong nhiều trường hợp không cần tham khảo Quốc hội (4).

- Thời gian không phải là vấn đề quan trọng.

Một thực tế khác không thể phủ nhận là các nhóm vận động trong xã hội Mỹ cũng đóng vai trò khá quan trọng trong việc Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt đối với các nước. Các nhóm này có ảnh hưởng khá lớn đến quan hệ của Mỹ với một số nước. Dư luận trừng phạt Iran là sản phẩm của AIPAC (American Israel Public Affairs Committee), một trong những nhóm vận động có thế lực ở Washington. Còn Đạo luật tự do hoá Cuba vẫn là ưu tiên hoạt động trong một thời kỳ dài của Quỹ Quốc gia của người Mỹ gốc Cu Ba.

Trong thời kì chiến tranh lạnh, hầu hết trừng phạt kinh tế của Mỹ đều nhằm vào các nước cộng sản để ngăn chặn ảnh hưởng, kiểm soát việc phổ biến vũ khí hạt nhân, và để tranh giành ảnh hưởng với Liên xô cũ. Các cuộc trừng phạt này thường được các nước phương Tây khác phối hợp hoặc thông qua LHQ (nhưng rất hiếm).

Tuy vậy, kể từ năm 1990, Mỹ đã sẵn sàng hơn trong việc thực hiện trừng phạt kinh tế đơn phương để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình. Quốc hội và Tổng thống Mỹ dường như muốn áp dụng trừng phạt một cách thường xuyên hơn. Tháng 5 năm 1997, Tổng thống Clinton đã ra sắc lệnh quyết định rằng "các hành động và chính sách của chính phủ Myanmar đã tạo ra một mối đe doạ đặc biệt đối với an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao của Mỹ và tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với tình trạng này". Sắc lệnh này cấm đầu tư vào Myanmar. Lý do của sắc lệnh này là "giới cầm quyền quân sự đã từ chối không công nhận thắng lợi của đảng đối lập trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5 năm 1990 và đã giam giữ lãnh tụ đảng đối lập và người được giải thưởng hoà bình Nobel Aung San Suu Kyi sáu năm trong tù"(5).

Một số trường hợp cụ thể:

Trên thực tế trừng phạt kinh tế có phục vụ được mục đích đối ngoại của Mỹ hay không? Ta hãy xét một số trường hợp (sẽ được xếp theo trình tự thời gian Mỹ áp dụng trừng phạt từ thời chiến tranh lạnh):

* Trừng phạt của Mỹ đối với Liên Xô trong những năm 80:

Đầu những năm 80, chính quyền Cater và Reagan đã phải chịu những thiệt thòi khá lớn khi áp dụng trừng phạt đối với Liên Xô. Để trả đũa việc Liên Xô đưa quân sang Afghanistan, Carter đã áp dụng lệnh cấm vận lương thực đối với Liên Xô và tẩy chay Thế vận hội Olympic 1980.

Cuộc cấm vận đã làm phương hại đến chính nông dân Mỹ hơn là Liên Xô bởi vì Liên Xô đã tăng phần mua lương thực từ các nước khác. Khi lên cầm quyền, Tổng thống Reagan phải bỏ lệnh cấm vận này. Nhưng sau đó, tháng 12 năm 1981 Reagan đã áp dụng trừng phạt kinh tế đối với Liên Xô, cấm xuất sang Liên Xô các thiết bị phục vụ cho việc xây dựng đường dẫn khí đốt từ Siberia sang các nước Tây Âu, với lí lẽ là Liên Xô đã có vai trò trong việc loại bỏ Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan. Tháng 6 năm 1982, Reagan đã cấm xuất các đường ống dẫn của các chi nhánh nước ngoài của công ty Mỹ và các công ty nước ngoài có giấy phép xuất khẩu của Mỹ.

Việc làm này đã làm cho các nước đồng minh châu Âu của Mỹ tức giận và bị chỉ trích ngay cả trong quốc hội Mỹ. Cuối cùng Reagan phải bãi bỏ lệnh cấm và thay bằng lời hứa sẽ xem xét việc kiểm soát quan hệ buôn bán với Liên Xô sau này.

* Trừng phạt kinh tế đối với Nam Phi: (trường hợp này Mỹ tham gia cùng các nước khác) đây là trường hợp mà nhiều người cho là một ví dụ điển hình chứng tỏ trừng phạt kinh tế có thể thúc đẩy quá trình dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Nói chung, trừng phạt kinh tế quốc tế đã góp phần khá lớn vào việc Pretoria quyết định thả tự do cho Nelson Mandela tháng 2 năm 1991. Việc này đã kết thúc ba năm thương lượng của Đại hội Dân tộc Phi nhằm chấm dứt chế độ apartheid, xây dựng một hiến phán dân chủ mới và tổ chức bầu cử tự do đầu tiên vào tháng 4 năm 1994. Tuy nhiên cũng phải mất thời gian khá dài. Năm 1962, tiếp sau vụ thảm sát Sharpeville, LHQ đã áp dụng cấm vận vũ trang đa phương đối với Nam Phi. Năm 1977, Hội đồng Bảo an LHQ đã coi đây là việc không thể không làm. Năm 1986 cùng với Cộng đồng châu Âu, Mỹ đã áp dụng trừng phạt kinh tế cùng với các nước nhằm hạn chế nhập từ Nam Phi một số sản phẩm nông nghiệp và chế biến nhất định, bao gồm cả đồng vàng Krugerrand; cấm xuất khẩu vũ khí, nguyên liệu hạt nhân và dầu hoả sang Nam Phi, và cấm cung cấp các khoản vay cho đầu tư vào Nam Phi.

Tuy nhiên một điều rõ ràng là bản thân trừng phạt kinh tế không đủ khả năng dẫn đến sự thay đổi chính trị. Bên cạnh việc trừng phạt kinh tế, trong lòng xã hội của Nam Phi cũng tồn tại một số nhân tố làm tăng thêm tác dụng của trừng phạt kinh tế và hạn chế được phản ứng của Pretoria. Đó là bản chất phân biệt chủng tộc của chế độ Apartheid ở Nam Phi; chính phủ không được sự ủng hộ của cộng đồng người định cư, bởi vì những người Nam Phi buộc phải rời Nam Phi sang các nước khác như Anh, Mỹ đều là những người chống lại chế độ Apartheid và các tổ chức phi chính phủ cũng đóng một vai trò khá quan trọng trong quá trình này.

* Trừng phạt kinh tế đối với Iraq: một tuần sau khi Iraq tấn công Kuwait tháng 8/1990, cộng đồng quốc tế đã áp dụng trừng phạt kinh tế đối với Iraq, trong đó có cả việc cấm xuất khẩu dầu. Bàn tay của Mỹ thể hiện khá rõ trong trường hợp này. Mỹ đã tự mình thực hiện trừng phạt trước khi nó được tiến hành trên phương diện đa phương. Trừng phạt đối với Iraq kéo dài ngay cả sau khi Chiến tranh vùng Vịnh đã kết thúc. Tháng Mười năm 1994, nhân việc Saddam Hussein triển khai hai sư đoàn tinh nhuệ vệ binh cộng hoà (Republicant Guard) hướng vào Kuwait, ngoài việc triển khai thêm lực lượng vào Kuwait và A rập Saudi, Mỹ đã lợi dụng cơ hội này để kéo dài thêm trừng phạt đối với Iraq.

Mục đích trừng phạt kinh tế đối với Iraq đã thay đổi theo thời gian, bắt đầu với mục đích buộc Saddam Hussein rút quân khỏi Kuwait chuyển sang việc gây nên tình trạng bất bình trong nước để buộc Saddam Hussein phải rời bỏ quyền lực. Cả hai mục đích này của Mỹ đều không thành công. Thực tế, Saddam vẫn tiếp tục nắm quyền và Iraq vẫn có một tiềm lực quân sự to lớn. Bên cạnh đấy, bản thân liên minh tham gia trừng phạt cũng có nhiều mâu thuẫn. Mặc dù Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi mục đích, nhưng nhiều nước bị ảnh hưởng xấu của cuộc trừng phạt như Thổ Nhĩ Kỳ và Jordani hay một số nước khác như Nga, Pháp và Trung Quốc đều đang muốn nối lại quan hệ buôn bán với Iraq.

* Trừng phạt kinh tế đối với Cuba: là một ví dụ về thất bại của liên minh trong trừng phạt kinh tế. Mỹ áp dụng trừng phạt với Cuba ngay sau khi Cách mạng Cuba thành công năm 1960. Bắt đầu bằng việc cắt giảm số lượng đường Mỹ nhập từ Cuba thông qua hệ thống Quota và sau đó đã cấm nhập toàn bộ hàng hoá từ Cuba. Tiếp đó Mỹ đã gây sức ép buộc các nước khác cùng tham gia. Việc làm này của Mỹ nhằm hai mục tiêu: thứ nhất, nhằm lật đổ chính quyền do Chủ tịch Phidel Castro lãnh đạo. Thất bại trong ý đồ thứ nhất, Mỹ nhằm vào mục đích thứ hai là ngăn chặn cách mạng Cuba và ngăn chặn việc Cuba ủng hộ cho các nước vùng Trung và Nam Mỹ. Tuy nhiên, Cuba vẫn phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa và thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình đối với cách mạng các nước khác.

Bên cạnh sự ủng hộ của Liên Xô, một nguyên nhân cơ bản làm cho trừng phạt kinh tế của Mỹ thất bại là Mỹ đã không đủ khả năng thuyết phục các đồng minh của mình trong việc ngăn cản buôn bán và đầu tư vào Cuba. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ càng cố gắng lật đổ Chủ tịch Castro thông qua sức ép kinh tế. Năm 1996, Mỹ thực hiện lệnh trừng phạt đối với các công ty nước ngoài đầu tư vào Cuba (6), và lại thất bại. Lần này các nước đồng minh Tây Âu của Mỹ đã lên tiếng phản đối và chính phủ của Chủ tịch Phidel vẫn tồn tại. Lực lượng vận động gồm những người Mỹ gốc Cuba, khoảng hơn 600 trong số các công ty lớn nhất của quốc gia đã tham gia liên minh được gọi là US*ENGAGE nhằm cảnh cáo các nhà làm luật bằng việc áp dụng trừng phạt sẽ làm tổn thất đến các cơ hội buôn bán ở trong nước cũng như nước ngoài. Đương đầu với mối đe doạ trả đũa của châu Âu và Canada, Tổng thống Clinton đã phải loại bỏ lệnh trừng phạt hà khắc nhất này. Trên thực tế thì "Chủ tịch Castro đã tồn tại hơn 35 năm cùng với trừng phạt của Mỹ".(7)

Cái được và cái mất đối với Mỹ:

Mỹ được gì và mất gì khi thực hiện trừng phạt kinh tế đối với các nước? Nói chung trừng phạt kinh tế đôi khi cũng có hiệu quả, đặc biệt khi Mỹ phối hợp với các nước khác hay dưới chiêu bài của LHQ. Nhưng với số nước bị trừng phạt ngày càng tăng, chính trong nước Mỹ đã có nhiều người lên tiếng phản đối biện pháp này. Các nhà doanh nghiệp của Mỹ khẳng định rằng các đòn trừng phạt - đặc biệt là trừng phạt đơn phương - thường không đem lại tác dụng gì cả, trái lại đã ngăn cản khả năng của họ thâm nhập thị trường các nước và sẽ tạo nên tình trạng thất nghiệp. Đây chỉ mới là những mất mát ít ỏi. Các công ty thường phải mất nhiều năm để phục hồi những mất mát về thị trường sau khi trừng phạt được huỷ bỏ.

Một nghiên cứu về ảnh hưởng của trừng phạt kinh tế cho thấy, nó "làm giảm xuất khẩu của Mỹ sang 26 nước bị trừng phạt với tổng số thiệt hại là khoảng 15 đến 19 tỷ đô la trong năm 1995. Điều này có nghĩa là làm giảm khoảng 200.000 việc làm tại khu vực xuất khẩu có mức lương khá cao" (8). Bên cạnh đấy, Mỹ còn phải chịu những tổn thất vượt xa các tổn thất ban đầu, khi Mỹ thực hiện trừng phạt kinh tế, nhất là trong các trường hợp trừng phạt đơn phương, các nước châu Âu và Nhật Bản sẽ thay thế vị trí cung cấp của Mỹ và phát triển quan hệ buôn bán lâu dài. Sau khi trừng phạt được loại bỏ, khách hàng sẽ không dễ dàng từ bỏ mối quan hệ vốn đã tốt để quay lại với các công ty của Mỹ. Công ty máy bay Boeing của Mỹ cũng đã phải chịu thiệt hại khi Mỹ thực hiện cấm vận kinh tế đối với Việt Nam. Thay vào việc thuê sáu máy bay của Boeing, Việtnam Airline đã thuê Airbus 320. Tổn thất ban đầu của Boeing là 211 triệu đô la. Sau khi cấm vận được bãi bỏ, Vietnam Airline vẫn tiếp tục thuê máy bay Airbus và dự định sẽ có khoảng 30 máy bay loại này vào năm 2000.

Việc Mỹ có chiều hướng tăng trừng phạt kinh tế còn làm cho các nước là bạn hàng của Mỹ nghi ngờ, ngay cả các nước thân thiện, nỗi lo lắng về nguy cơ xảy ra trừng phạt kinh tế đã làm cho họ buộc phải có những thay đổi, cố giảm các bộ phận được sản xuất tại Mỹ trong các sản phẩm của mình. Ví dụ, ban đầu Airbus có khoảng 50% bộ phận cấu thành được sản xuất tại Mỹ, về sau nhằm tránh sự kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, Airbus đã nghiên cứu và giảm các bộ phận do Mỹ sản xuất xuống còn 20%.

Kinh nghiệm và thực tế của thời kỳ chiến tranh lạnh đã cho thấy Mỹ chỉ giành thắng lợi trong một phần ba đòn trừng phạt kinh tế. Mỹ chỉ giành thắng lợi khi mục tiêu của Mỹ đặt ra khiêm tốn, nước bị áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế có tình hình bất ổn định về chính trị, trừng phạt được áp dụng nhanh chóng và cương quyết... Ngoài ra, trừng phạt kinh tế nhiều khi còn phản tác dụng. Những người chịu ảnh hưởng của trừng phạt lại không phải là các nhân vật mà Mỹ mong muốn. Trường hợp Iraq chắc chắn đó không phải là Saddam Hussein, mà là những người dân vô tội. Saddam Hussein đã bằng mọi cách đảm bảo rằng quân đội của ông không bị loại bỏ trong khi người dân bình thường đã trở thành "mục tiêu" chính của đòn trừng phạt.

Trong chính quyền và cộng đồng kinh doanh, nhiều người lên tiếng phản đối chính sách này của chính phủ. Chính quyền Mỹ không thể bỏ qua các ý kiến này, như trong trường hợp với Trung Quốc, bản thân chính quyền Clinton không còn dám tham vọng cắt đứt quan hệ thương mại với Trung Quốc để chống lại cái được Mỹ gọi là các biện pháp trấn áp trong lĩnh vực nhân quyền. Tuy vậy họ vẫn tiếp tục thực hiện các nguyên tắc trừng phạt mà họ coi như là biện pháp trả đũa có hiệu nghiệm. Theo họ thì việc trừng phạt kinh tế là một trong những công cụ ngoại giao hiếm có, hữu hiệu có thể buộc nước khác "tuân thủ" Mỹ. Lý do của họ đưa ra là "trừng phạt kinh tế có ích đối với các nhà lãnh đạo chính trị, bất kể đến tính hiệu quả của chúng, bởi vì trừng phạt kinh tế thể hiện hình thức ép buộc không có quân đội, có thể sử dụng chúng làm một cách thể hiện thái độ phản đối trên trường quốc tế đối với một vấn đề chính trị hay đạo đức"(9).

Phụ lục: Một số Đạo luật được Mỹ đề ra để trừng phạt kinh tế đối với các nước (danh sách chưa đầy đủ):

1. Đạo luật thuế quan Smooth-Hawley đưa ra năm 1930 (46 Stat.689):

Cấm nhập khẩu các sản phẩm do lao động là phạm nhân, bắt buộc hay đem từ nước ngoài vào tham gia "khai thác, sản xuất hay lắp ráp". Một số sản phẩm nhập từ Trung Quốc và Mexico bị cấm theo Đạo luật này.

2. Đạo luật buôn bán với kẻ thù (40 Stat.415):

Được thông qua trong thời kỳ Thế chiến I nhằm ngăn cản việc buôn bán với các nước thù địch. Các hoạt động trừng phạt này đã được các tổng thống Mỹ áp dụng cả trong thời kỳ hoà bình trong việc cấm buôn bán với Bắc Triều Tiên và Cuba và cả khi áp dụng các hạn chế khác. Năm 1977, Quốc hội Mỹ (PL 95-223) đã giới hạn đạo luật này trong thời gian có chiến tranh, nhưng vẫn tiếp tục những trừng phạt đang có.

3. Đạo luật viện trợ cho nước ngoài (PL87-195):

Các khoản vay của Ngân hàng xuất nhập khẩu và OPIC sẽ không được chuyển cho các nước sản xuất ma tuý hay có hành động như làm hành lang vận chuyển các loại ma tuý. Nếu như tổng thống xác định rằng một nước đang hợp tác với Mỹ và có những bước thích hợp để ngăn chặn buôn bán ma tuý, thì nước đó không phải chịu trừng phạt. Tổng thống Mỹ cũng có thể miễn cho những nước khỏi chịu trừng phạt nếu "nằm trong lợi ích quốc gia sống còn" của Mỹ. Afghanistan, Miến Điện, Colombia, Iran, Nigeria và Syria đã phải chịu trừng phạt theo đạo luật này.

4. Đạo luật về hợp tác phát triển và an ninh quốc tế năm 1985 (PL99-83):

Tổng thống được quyền hạn chế hay cấm nhập khẩu hàng hoá từ các nước đã tự quyết định ủng hộ chủ nghĩa khủng bố hay các tổ chức khủng bố, hay làm nơi cho bọn khủng bố cư trú. Bộ Ngoại giao Mỹ đã coi các nước sau là những nước khủng bố: Cuba, Iran, Iraq, Lybia, Bắc Triều Tiên, Sudan và Syria. Mỹ đã áp dụng trừng phạt đối với Iran và Lybia.

Như vậy, một nước có thể bị Mỹ trừng phạt dưới nhiều Đạo luật.

Tài liệu tham khảo:

1. Charles W.Kegley, Jr và Eugene R.Wittkopf. "American Foreign Policy: Pattern and Process". 1996. St. Martin's Press.

2. Robert P.O'Quinn. "A User's Guide to Economic Sactions". June 25, 1997. The Heritage Foundation. Roe Backgrounder N.1126.

3. Carter Barry. "International Economic Sanctions: Improving the haphazard US legal regime". Cambridge University Press. 1988.

4. National Secutiry Council. "A National Security Strategy for a New Century". 5/1997.

5. Rogers Elizabert. "Using Economic Sanctions to Control Regional Conflicts". Security Studies 5. No4. 1996.

6. Carroll J.Doherty. "Proliferation of Sactions Creates A Tangle of Good Intentions". Special Report. 13/9/1997.

Tài liệu trích dẫn:

(1) Trừng phạt kinh tế của Mỹ áp dụng trong thời kỳ chiến tranh lạnh chủ yếu năm vào các nước "cộng sản", nên số lượng các vụ không được đề cập đến trong bài này.

(2) Carter Barry."International Economic Sancitions: Improving the haphazard US legal regime", Cambridge University Press. 1998. Trang 4.

(3) Toby Gail. "Đánh giá các mối đe doạ hiện tại và lâu dài đối với an ninh quốc gia của Mỹ". -Phát biểu trước Tiểu ban tình báo của Thượng viện, Washington D.C., 5/2/1997.

(4). Đạo luật Tình trạng khẩn cấp quốc tế của các cường quốc kinh tế (International Emergency Economic Powers Act - IEEPA) đã tạo cho Tổng thống sự tự do rất lớn trong việc áp dụng trừng phạt kinh tế vì mục đích đối ngoại. Ngay cả trong trường hợp không có IEEPA, mà theo đó Tổng thống phải có sự nhất trí của Quốc hội để tuyên bố trường hợp khẩn cấp, các luật về trường hợp không khẩn cấp vẫn tạo cho Tổng thống quyền gần như hoàn toàn tự do trong việc áp dụng trừng phạt kinh tế không cần thông qua Quốc hội nhất là trong các chương trình song phương như viện trợ kinh tế.

(5). Lực lượng quân sự được biết đến dưới cái tên uỷ ban Phục hồi trật tự và Luật Nhà nước (State Law and Order Restoration Council). Phe đối lập được biết đến dưới cái tên Hội Quốc gia vì dân chủ (National League for Democracy).

(6) Quốc hội Mỹ đã ban hành Đạo luật Tự do hoá Cuba (PL 104-114).

(7) Carroll J. Doherty. "Proliferation of Sactions Creates A Tangle of Good Intentions". Special Report. 13/9/1997. tr. 2114.

(8) Robert P. O'Quinn. "A User's Guide to Economic Sactions". June 25, 1997. The Heritage Foundation. Roe Backgrounder N.1126. tr. 10.

(9). Giáo sư Abraham D.Sofaher. Trường đại học Michigan./.

Cùng chuyên mục