Số 25 - Cục diện chính trị Nhật Bản từ 1993 đến nay: Sóng gió và bình yên

08:17 27/03/2012

Cục diện chính trị Nhật Bản từ 1993 đến nay: Sóng gió và bình yên

Tác giả: Hà Hồng Hải.

Ngày 12/7/1998 được coi là một ngày "Chủ nhật đen" đối với đảng Dân chủ Tự do (DCTD) ở Nhật Bản nói chung và nội các của Thủ tướng Ryutaro Hashimoto nói riêng. Tại cuộc bầu cử Thượng viện lần này, đảng DCTD đã bị thất bại nặng nề ngoài dự kiến của đảng này. Thất bại đó đã khiến Thủ tướng Hashimoto phải từ chức cùng với nội các của ông, mặc dù khi nhậm chức thủ tướng, ông Hashimoto được coi là một nhân vật sáng giá, có năng lực và khả năng chèo lái con thuyền "chính trường Nhật bản" vượt qua sóng gió. Thực tế cho thấy nội các Hashimoto đã tồn tại được 30 tháng, khoảng thời gian tồn tại dài nhất của một chính phủ kể từ biến cố tháng 7/1993 khi đảng DCTD lần đầu tiên mất vị trí đảng cầm quyền sau 38 năm nắm giữ vai trò này. Đây cũng là thời kỳ tương đối bình yên trong nền chính trị Nhật Bản.

Vậy tình hình chính trị nội bộ Nhật Bản diễn biến ra sao kể từ khi đảng DCTD mất vai trò lãnh đạo độc tôn trong cuộc bầu cử Hạ viện tháng 7/1993? Bài viết này cố gắng điểm lại những diễn biến chính trên sân khấu chính trị Nhật Bản trong thời gian qua, đồng thời khái quát một vài đặc điểm của nền chính trị Nhật Bản thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Trên cơ sở phân tích những diễn biến và những đặc điểm, tác giả muốn nêu ra xu hướng phát triển của nền chính trị Nhật Bản trong tương lai.

1. Đảng DCTD: trở lại cầm quyền nhưng mất vị trí độc tôn:

Tại cuộc bầu cử Hạ viện ngày 18/7/1993, đảng DCTD đã mất đa số ghế quá bán để thành lập chính phủ mới sau 38 năm cầm quyền liên tục. Đảng này chỉ giành dược 223 ghế trong Hạ viện gồm 512 ghế, mất 52 ghế so với cuộc bầu cử năm 1990. Sau bầu cử, mặc dù là đảng giành được số ghế nhiều nhất tại Hạ viện và được sự ủng hộ của 15 trong tổng số 30 nghị sĩ độc lập được bầu vào Hạ viện, đảng DCTD đã không giành được sự ủng hộ của bất kỳ đảng đối lập nào để thành lập một chính phủ liên hiệp do đảng này lãnh đạo, do đó, lần đầu tiên kể từ khi thành lập, đã trở thành đảng đối lập. Việc đảng DCTD mất vai trò đảng cầm quyền là một sự kiện lớn lao đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nền chính trị Nhật Bản thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Sự kiện này đã khiến chính trường Nhật Bản chao đảo từ đó đến nay. Thất bại của đảng DCTD có thể truy nguyên từ những lý do sau: Thứ nhất, sự ủng hộ của dân chúng đối với đảng này giảm sút mạnh mẽ do nền kinh tế "bong bóng" bị xẹp xuống vào năm 1992 và nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu đi xuống; thứ hai, đảng DCTD cầm quyền dưới thời Thủ tướng Kiichi Miyazawa không thực hiện cải cách chính tri, nhất là cải cách chế độ bầu cử, như đã cam kết trong cuộc tuyển cử năm 1990; thứ ba, các đảng đối lập có quyết tâm cao trong việc lật đổ đảng DCTD; và cuối cùng, nhiều chính trị gia hàng đầu thuộc đảng DCTD có dính líu đến nhiều vụ tai tiếng tài chính và tham nhũng chính trị. Như vậy, đảng DCTD đã phải nhường vai trò cầm quyền cho một liên minh 7 đảng đứng đầu là chủ tịch đảng Mới Nhật Bản Morihiro Hosokawa.

Tuy nhiên, tình hình chính trị Nhật Bản dưới thời hai chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Hosokawa và Tsuttomu Hata luôn trong tình trạng bất ổn do mâu thuẫn về các vấn đề chính sách cơ bản, cụ thể là bất đồng về vai trò lớn hơn của lực lượng phòng vệ (LLPV) trong các hoạt động an ninh khu vực và chính sách giảm thuế thu nhập mà chính phủ vừa công bố, giữa các thành viên trong chính phủ liên hiệp. Đảng Dân chủ Xã hội (DCXH) chống đối mạnh mẽ các chính sách này. Đặc biệt chính phủ Hata có nguy cơ đổ vì liên hiệp này trở thành chính phủ thiểu số khi đảng DCXH với 74 ghế tại Hạ viện rút ra khỏi liên hiệp ngày 26/4/1994 ngay sau khi Hata được bầu làm thủ tướng và đảng DCXH đã đạt được thỏa thuận hợp tác với đảng DCTD để hình thành một liên minh mới. Theo thỏa thuận này, hai đảng DCTD và DCXH phải nhân nhượng lẫn nhau về một số vấn đề trong đó đảng DCTD phải dành chức thủ tướng cho đảng DCXH. Để đổi lại, đảng DCXH phải từ bỏ một lập trường truyền thống của mình về các vấn đề như công nhận hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ và vai trò của LLPV là hợp hiến. Với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra ngày 25/6/1994 do đảng DCTD bảo trợ, chính phủ liên hiệp Hata bị đổ và đảng DTCD đã trở lại cầm quyền trong một chính phủ liên hiệp ba đảng mới đứng đầu là Thủ tướng Tomiichi Murayama thuộc đảng DCXH. Sự kiện này chấm dứt vai trò đảng đối lập của đảng DCTD sau một thời gian ngắn ngủi không đầy một năm.

Trong thời gian một năm rưỡi tham gia chính phủ liên hiệp do Thủ tướng Murayama thuộc đảng DCXH đứng đầu, Đảng DCTD dần dần chỉnh đốn lại nội bộ, điều chỉnh lại chính sách và khôi phục thêm lòng tin của dân chúng. Ngày 11/01/1996, Chủ tịch đảng DCTD Hashimoto (bầu ngày 25/9/1995) được Quốc hội thông qua giữ chức thủ tướng chính phủ liên hiệp ba đảng thay thế Thủ tướng Murayama từ chức ngày 5-1-96. Vào thời điểm này đảng DCTD chiếm 211 ghế trong tổng số 511 ghế tại Hạ viện, do đó vẫn chưa đủ đa số để thành lập chính phủ riêng. Như vậy, đảng DCTD lại nắm vai trò lãnh đạo và nhiều chức vụ trọng yếu trong chính phủ liên hiệp vì đảng này là thành viên lớn nhất trong chính phủ liên hiệp.

Mặc dù nhiệm kỳ của Thủ tướng Hashimoto đến tháng 7/1997 mới kết thúc, nhưng qua thăm dò dư luận, uy tín của đảng DCTD trong năm 1996 đang lên cao, Thủ tướng Hashimoto đã giải tán Hạ viện vào ngày 17/9/1996 và công bố tổ chức tuyển cử và ngày 20/10/1996. Đây là cuộc bầu cử Hạ viện đầu tiên kể từ khi đảng DCTD mất quyền lãnh đạo và cũng là lần đầu tiên luật bầu cử mới được áp dụng. Tại cuộc bầu cử này, đảng DCTD đã giành thắng lợi, chiếm 239 ghế tăng 28 ghế so với trước trong Hạ viện gồm 500 thành viên. Trong khi đó hai đảng trong chính phủ liên hiệp lại bị thất bại nặng nề: đảng DCXH giảm từ 30 ghế xuống 15 ghế và đảng Tiên phong còn lại có 2 ghế so với 13 ghế trước đó. Số ghế của đảng Tân tiến, đảng đối lập lớn nhất, cũng giảm từ 160 xuống 156 ghế. Qua đó có thể thấy rằng vị trí và vai trò của đảng DCTD đã tăng lên đáng kể sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 1993.

Tuy các cuộc thương lượng với đảng DCXH và đảng Tiên phong để thành lập chính phủ liên hiệp vừa có đa số tại cả hai viện của Quốc hội không thành công, nhưng ba đảng cũng đã nhất trí hợp tác với nhau trong một liên minh lỏng lẻo. Do đó, ngày 7/11/1996 Thủ tướng Hashimoto đã công bố thành lập nội các thiểu số gồm 21 thành viên hoàn toàn thuộc đảng DCTD. Đây là chính phủ độc đảng đầu tiên kể từ khi đảng DCTD bị lật đổ năm 1993, đồng thời đánh dấu việc quay lại nắm quyền cai trị đất nước của đảng này. Mặc dù cũng là nội các thiểu số, nội các Hashimoto khác với nội các thiểu số của Thủ tướng Hata trước đây ở chỗ chính phủ của đảng DCTD được sự hỗ trợ của hai đảng thuộc chính phủ liên hiệp cũ và sự hợp tác của đảng Dân chủ Nhật Bản (DCNB) mới được thành lập về một số đạo luật cụ thể tại Quốc hội. Vì vậy, chính phủ Hashimoto đã trụ được một thời gian khá dài trong suốt 30 tháng đầy biến động cả về chính trị lẫn kinh tế. Cho đến cuộc bầu cử Thượng viện ngày 12/7/1998 vừa qua, đảng DCTD đã thất bại nặng nề khiến Thủ tướng Hashimoto phải từ chức, nhưng đảng này vẫn chiếm đa số tại Hạ viện với 265 ghế nên vẫn giữ được quyền thành lập nội các mới đứng đầu là Thủ tướng Keizo Oubuchi.

Như vậy, đảng DCTD đã chiếm lại đa số ghế tại Hạ viện và trở lại nắm quyền lực hoàn toàn. Tuy nhiên, do nền chính trị Nhật Bản thời kỳ sau chiến tranh lạnh còn nhiều yếu tố chưa rõ ràng, chưa ổn định, sự phân hoá và tập hợp lực lượng giữa các chính đảng vẫn đang diễn ra liên tục, các nhân tố trong nước và quốc tế mới luôn tác động đến nền chính trị Nhật Bản, cộng với việc đảng DCTD vẫn bị thiểu số tại Thượng viện nên vai trò cầm quyền của đảng DCTD vẫn còn bấp bênh, địa vị độc tôn của đảng này vẫn bị thách thức.

2. Chính phủ liên hiệp: hình mẫu mới trong nền chính trị Nhật bản:

Hình thức chính phủ liên hiệp lần đầu tiên đã xuất hiện trong nền chính trị Nhật Bản sau khi CTTG II kết thúc. Những chính phủ liên hiệp này chỉ tồn tại một thời gian rất ngắn và thực chất chỉ là chính phủ do một đảng lãnh đạo : chính phủ liên hiệp do Thủ tướng Katayama và Ashida của đảng XHNB đứng đầu (4/1947 - 10/1948) và chính phủ liên hiệp do Thủ tướng Hatoyama của đảng Dân chủ đứng đầu (12/1954 - 11/1955). Cấu trúc chính trị 1955 được hình thành khi hai đảng Tự do và Dân chủ hợp nhất với nhau thành đảng DCTD để đối phó với ảnh hưởng của đảng XHNB, đảng đối lập lớn nhất lúc đó. Việc thống nhất hai đảng này cũng kết thúc hình thức chính phủ liên hiệp sau CTTG II. Trong suốt 38 năm cầm quyền của đảng DCTD, đời sống chính trị Nhật Bản xoay quanh cuộc đấu tranh quyền lực giữa lực lượng bảo thủ và lực lượng cải cách trong nội bộ đảng này hoặc giữa đảng DCTD với đảng XHNB. Các chính đảng khác chưa bao giờ liên kết với nhau để giành quyền lực từ đảng DCTD.

Khác với các chính phủ liên hiệp của thời kỳ sau CTTG II, chính phủ liên hiệp đầu tiên của thời kỳ sau chiến tranh lạnh là một chính phủ đa đảng mâu thuẫn với nhau về nhiều vấn đề đường lối chính sách, thậm chí có những vấn đề chính sách đối lập nhau. Sau khi đảng DCTD thất bại trong các cuộc thương lượng với một hoặc hai đảng đối lập để thành lập chính phủ liên hiệp gồm 7 đảng đối lập, do lãnh tụ của đảng Mới Nhật Bản Hosokawa làm thủ tướng, được thành lập ngày 9/8/1993 . Với sự tham gia của các đảng trên, chính phủ liên hiệp này có cả thảy 267 ghế trong tổng số 511 ghế tại Hạ viện. Mặc dù đảng DCXH là đảng lớn nhất trong chính phủ liên hiệp Hosokawa, nhưng nòng cốt của liên minh này là đảng Tân sinh mà linh hồn của nó là Ozawa.

Việc thay thế chính phủ của đảng DCTD bằng chính phủ liên hiệp 7 đảng là một sự kiện có ý nghĩa lớn đối với nền chính trị Nhật Bản, vì nó đã chấm dứt "cấu trúc chính trị 55" do đảng DCTD lãnh đạo trong gần 4 thập kỷ và mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ chuyển tiếp - của nền chính trị Nhật Bản. Chính phủ liên hiệp trong thời kỳ này là một hiện tượng mang tính chất chuyển tiếp và tiếp tục tồn tại cho đến khi xuất hiện một chính đảng lớn cân bằng ảnh hưởng với đảng DCTD. Tuy nhiên, để hình thành một chính đảng lớn, nền chính trị Nhật Bản sẽ phải trải qua con đường đầy quanh co khúc khuỷu. Hiện tại chưa có đảng nào có khả năng làm nòng cốt hoặc đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành một đảng lớn như vậy. Bởi lẽ các đảng này đều có những ý đồ khác nhau, chẳng khác gì những người "đồng sàng, dị mộng" buộc phải liên kết với nhau vì một mục tiêu chung là giành vai trò cầm quyền khỏi tay đảng DCTD. Chính vì vậy, chỉ sau 8 tháng nắm quyền, chính phủ này đã phải thay thế thủ tướng, và không đầy 2 tháng sau, chính phủ kế tiếp lại đổ do đảng DCXH và đảng Tiên phong rút ra khỏi liên hiệp, nhường quyền cho một chính phủ liên hiệp khác trong đó có đảng DCTD.

Chính phủ liên hiệp ba đảng gồm đảng DCTD, đảng DCXH và đảng Tiên phong đứng đầu là Thủ tướng Tomiichi Murayama của đảng DCXH được thành lập ngày 29/6/1994 với số ghế tại Hạ viện là 290/511 . Đây cũng là một liên hiệp" bất đắc dĩ", vì hai đảng DCTD và DCXH từ trước đến nay vẫn được coi là "cựu thù" của nhau. Giữa hai đảng này có rất ít điểm đồng ngoài việc chống lại nhân vật Ozawa và đảng của ông ta, và muốn cải cách chính trị và phải điều tiết nền kinh tế diễn ra từ từ. Để có được chính phủ liên hiệp này, ba đảng đã phải có những nhân nhượng đối với nhau; nhiều nhân nhượng đã gây ra chia rẽ và phân hoá sâu sắc trong nội bộ các đảng này, dẫn đến hậu quả hai đảng DCXH và Tiên phong thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Hạ viện tháng 10/1996. Mặc dù việc chuyển vai trò lãnh đạo sang đảng DCTD, đảng lớn nhất trong chính phủ liên hiệp, hai đảng thành viên khác của chính phủ liên hiệp là đảng DCXH và Tiên phong vẫn ở lại chính phủ này.

3. Phân hoá và liên kết giữa các lực lượng chính trị Nhật Bản: một đặc trưng nổi bật:

Trước cuộc bầu cử Hạ viện 7/1993, đảng DCTD đã có sự phân hoá lớn chưa từng thấy trong lịch sử của đảng này. Khởi đầu của sự ra đi ồ ạt này là việc 11 nghị sĩ Quốc hội do Morihito Hosokawa cầm đầu ly khai khỏi đảng DCTD để thành lập đảng Mới Nhật Bản (Nihon Shinto - Japan New Party) vào tháng 5/1992. Đảng này tuyên bố thoát ly khỏi nền chính trị cũ và ủng hộ cải cách chính trị. Tiếp sau đó, vào tháng 6/1993, một nhóm 10 nghị sĩ cũng tách khỏi đảng DCTD và thành lập đảng Tiên phong (Sakigake - Pioneer Party) do Masayoshi Takemaru lãnh đạo và một nhóm 46 nghị sĩ khác do Hata và Ozawa đứng đầu cũng tách ra thành lập đảng Tân sinh (Shinseito - New Life (Renewal) Party). Tuy tách ra khỏi đảng DCTD, đảng Tiên phong tuyên bố không chống lại đảng này, còn đảng Tân sinh lại tuyên bố cam kết tiến hành cải cách chính trị và sẵn sàng liên minh với bất kỳ đảng nào để chấm dứt kỷ nguyên cai trị độc đảng của đảng DCTD. Sau thất bại trong cuộc bầu cử 1993, đảng DCTD tiếp tục phân hoá: vào tháng 4/1994, 5 nghị sĩ đảng này ly khai khỏi đảng và thành lập đảng Mới Tương lai (Mirai - Future) và 6 nghị sĩ khác cũng tách ra thành lập đảng Tự do ( Jiyuto - Liberal Party) và 4 nghị sĩ nữa cũng rời khỏi đảng này và thành lập Nhóm Cải cách (Kaikaku no Kai - Reform).

Đảng DCXH cũng trải qua quá trình phân liệt sâu sắc do có những thay đổi chính sách và quan điểm để liên minh với đảng DCTD. Bất đồng với việc đảng này tham gia chính phủ liên hiệp, 30 nghị sĩ quốc hội thuộc đảng này đã nhất trí thành lập một khối mới riêng tại Quốc hội lấy tên là Câu lạc bộ Dân chủ mới (Democratic New Club) ngày 18/01/1995 để chuẩn bị cho việc thành lập một đảng mới. Tại đại hội bất thường toàn quốc ngày 21/9/1995, đảng DCXH đã tuyên bố giải tán và thành lập đảng mới theo khuynh hướng tự do và dân chủ phương Tây. Đảng này cũng thay đổi tên đảng theo cách gọi tiếng Nhật trước đây là đảng XH(CN) thành đảng DCXH (như tên tiếng Anh vẫn thường gọi và thông qua cương lĩnh chính trị mới từ bỏ khuynh hướng đảng cánh tả và chủ trương liên minh với đảng Tiên phong trong cuộc đấu tranh tay ba giành quyền lực với đảng DCTD và đảng Tân tiến.

Trong khi đó, nội bộ đảng Mới Nhật Bản tuy mới thành lập cũng có sự phân hoá: 3 Nghị sĩ ly khai khỏi đảng để phản đối đảng này liên minh với đảng Tân sinh (4/1994). Cuối cùng đảng này cũng tự giải tán vào ngày 30/10/1994 để mở đường cho việc thành lập một đảng đối lập lớn. 8 đảng khác theo gương đảng Mới Nhật Bản cũng giải tán để thành lập đảng Tân tiến. Ngay đảng nhỏ như đảng Tiên phong cũng diễn ra sự phân hoá: hai lãnh đạo của đảng này do bất đồng quan điểm với đảng về chiến lược vận động bầu cử đã ly khai đảng để thành lập đảng Dân chủ Nhật bản (DCNB) ngày 28/8/1996 cùng với các thành viên ly khai của đảng DCTD và DCXH.

Một trong những đặc điểm của sự phân hoá trong các lực lượng chính trị Nhật Bản hiện nay là nhiều chính đảng được thành lập trước đây hoặc mới thành lập đều tự giải tán và gia nhập các đảng khác. Đảng Mới Nhật Bản tuyên bố giải tán ngày 30/10/1994, đảng Tân sinh giải tán ngày 16/11/1994 và 7 đảng khác cũng giải tán vào cuối năm 1994 để thành lập đảng đối lập mới. Mặc dù đã tồn tại được 16 năm, đảng XHDC Thống nhất (Shaminrento - USDP) tuyên bố giải thể ngày 22/5/94 , các lãnh tụ của đảng này gia nhập đảng Mới Nhật Bản hoặc các đảng và các nhóm chính trị khác. Ngay cả đảng Tân tiến, sau khi tồn tại được ba năm và đã trở thành dảng lớn nhất, cũng phải giải thể ngày 27/12/97 và phân hóa thành 4 đảng khác.

Quá trình liên kết chính trị giữa các đảng đối lập bắt đầu bằng việc hình thành khối nghị sĩ Đổi mới (Kaishin - Innovation) trong tháng 4/1994, bao gồm các đảng Mới Nhật Bản, Tân sinh, XHDC, Tự do, nhóm Cải cách. Khối Đổi mới sau đó là nòng cốt của đảng đối lập Tân tiến (Shinshinto - New Frontier Party) được thành lập ngày 10/12/1994, cựu Thủ tướng Kaifu được bầu làm Chủ tịch và Ozawa làm Tổng thư ký đảng sau khi khối này đạt được thỏa thuận với đảng Công minh và một vài đảng nhỏ khác để thành lập đảng đối lập duy nhất. Với việc hợp nhất 9 đảng đối lập, đảng này đã dành được 212 trong tổng số 511 ghế tại Hạ viện và hy vọng có thể đánh bại liên minh giữa đảng DCTD với hai đảng khác, giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tới lần đầu tiên được tiến hành theo luật bầu cử mới. Đây là một sự kiện quan trọng trong tiến trình liên kết chính trị hiện nay ở Nhật Bản.

Sự liên kết chính trị tại Nhật Bản trong thời kỳ này có một đặc trưng độc đáo ở chỗ, mặc dù các đảng hợp nhất để thành lập đảng mới nhưng vẫn duy trì một phần cơ cấu của mình bên ngoài đảng mới. Ví dụ đảng Công minh trước khi gia nhập đảng Tân tiến đã tách làm hai khối: một khối gọi là đảng Công minh mới gia nhập đảng Tân tiến, còn khối kia sẽ gia nhập vào giữa năm sau. Trong trường hợp đảng DCXH, khi đảng này gia nhập đảng Tân tiến, hầu hết các tổ chức đảng cơ sở đều nằm ngoài đảng mới. Sở dĩ có sự duy trì cơ cấu đảng của hai đảng thành viên của đảng Tân tiến là vì mặc dù trước mắt liên kết chính trị là một xu thế thay cho xu thế phân hoá trước đó, nhưng tương lai lâu dài của đảng Tân tiến vẫn không có gì chắc chắn do chính sách của đảng này vẫn rất mơ hồ. Thực tế cơ cấu tổ chức cũng như đường lối chính sách của đảng này không khác gì liên hiệp ba đảng DCTD, DCXH và Tiên phong.

4. Cải cách chính trị: một yêu cầu bức thiết và một phương châm chung đối với tất cả các chính đảng:

Do sự bất cập của “cấu trúc chính trị 55” trong bối cảnh chính trị trong nước và quốc tế, cải cách chính trị đã trở thành một nhu cầu bức thiết của nền chính trị Nhật Bản mà cử tri Nhật đang quyết tâm đòi hỏi. Cũng chính vì vậy, tất cả các chính đảng ở Nhật Bản coi đây là phương châm chung để giành sự ủng hộ của cử tri trong cuộc đấu tranh giành quyền lực. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến đảng DCTD mất quyền lãnh đạo vì chính phủ Miyazawa từ chối thực hiện. Khi chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Hosokawa lên cầm quyền vào tháng 8/1993, chính phủ này đã xác định nhiệm vụ ưu tiên là cải cách chính trị, trong đó ưu tiên hàng đầu là cải cách chế độ bầu cử. Vào tháng 01/1994. Chính phủ liên hiệp và đảng DCTD đối lập đã đạt được thỏa thuận cho phép chính phủ tiến hành những biện pháp cải cách. Do đó, kế hoạch cải cách chính trị của chính phủ Hosokawa đã được Quốc hội thông qua. Đó là một trong những thành tích có ý nghĩa mà chính phủ liên hiệp đạt được trong nhiệm kỳ ngắn ngủi. Cải cách chính trị bao gồm cải cách chế độ bầu cử và cải cách hành chính. Hai cuộc cải cách này gắn bó hữu cơ với nhau như “hai bánh xe của một cỗ xe ngựa”. Cải cách hành chính nhằm phá vỡ hệ thống cấu kết tay ba giữa giới chính trị gia, giới quan chức và giới doanh nghiệp - mối quan hệ “tam giác thép” đã từng chi phối nền chính trị Nhật Bản trong mấy thập niên qua - và tăng cường công khai dân chủ trong chính quyền cũng như “phi tập trung hoá” quyền lực. Cải cách chế độ bầu cử nhằm xoá bỏ khả năng một đảng liên tục nắm quyền lãnh đạo và tiến tới chế độ song đảng thay nhau cầm quyền. Do tính chất phức tạp của cải cách hành chính vì nó đụng chạm đến quyền lợi của ba nhóm lợi ích có thế lực nhất, nên chưa có biện pháp cải cách hành chính đáng kể được thực hiện.

Về cải cách chế độ bầu cử, chính phủ liên hiệp Hosokawa sau khi thành lập đã đệ trình lên Quốc hội 4 dự luật: luật bầu cử các quan chức nhà nước, luật kiểm soát quỹ chính trị, luật thành lập Hội đồng giám sát phân chia đại diện cho các khu vực bầu cử và luật tài trợ cho các chính đảng. Bốn dự luật này đã được Quốc hội thông qua ngày 29/01/1994 và những điều khoản sửa đổi của bốn đạo luật này vào ngày 4/3/1994.

Hai trong bốn đạo luật mới liên quan đến vấn đề sử dụng quỹ chính trị. Hai đạo luật này quy định rõ rằng chỉ có các chính đảng mới là các chủ thể hợp pháp và là điều kiện tiên quyết để được nhận tài trợ của chính phủ và quy trách nhiệm cho các ứng cử viên về vi phạm quy chế vận động bầu cử. Tất cả những đạo luật này cấu thành hệ thống bầu cử mới của Nhật Bản. Theo chế độ bầu cử mới, ngân sách hàng năm trị giá 30,9 tỷ Yên (315 triệu USD) sẽ được phân phối cho các chính đảng theo tỷ lệ số nghị sĩ tại Quốc hội và số phiếu bầu của từng đảng. Mỗi đảng sẽ chỉ nhận được số tiền trợ cấp sau khi đăng ký với chính phủ để có địa vị hợp pháp thích hợp. Luật bầu cử mới cũng đề ra những hình phạt đối với các chính trị gia vi phạm giới hạn quyên góp quỹ chính trị theo luật định. Trong trường hợp ứng cử viên dùng tiền mua phiếu, nếu thắng cử thì kết quả sẽ bị huỷ bỏ và bản thân ứng cử viên đó sẽ bị cấm không được ra tranh cử trong 5 năm.

Dưới thời chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Murayama, ngày 21 và 25/11/1994, tại hai viện Quốc hội đã thông qua một dự luật về chế độ bầu cử mới. Theo đạo luật này, chế độ bầu cử mới kết hợp hai hình thức bầu cử gồm mỗi đơn vị bầu cử cấp huyện, quận được bầu một ghế và mỗi khu vực bầu cử được tính theo tỷ lệ đại diện thay cho chế độ bầu cử mỗi đơn vị bầu cử có nhiều ghế trước đây. Tổng số ghế tại Hạ viện giảm từ 511 xuống còn 500, trong đó 300 ghế từ 300 đơn vị cấp quận, huyện và 200 ghế từ 11 khu vực bầu cử lớn được tính theo tỷ lệ phiếu bầu mà các đảng giành được. Mỗi cử tri có hai lá phiếu, một bầu cho ứng cử viên trong đơn vị bầu cử , còn lá phiếu kia bầu cho ứng cử viên đại diện các đảng theo tỷ lệ phiếu bầu. Như vậy, từ cuộc bầu cử lần sau trở đi sẽ áp dụng luật bầu cử mới. Chính phủ Murayama cũng đã đưa ra cam kết thực hiện cải cách hành chính với những biện pháp như sắp xếp, tổ chức lại và hợp lý hoá các cơ quan nhà nước, nhưng do bất đồng quan điểm nên cải cách hành chính cũng chưa thực hiện đến nơi đến chốn.

Chính phủ Hashimoto đã thành lập Hội đồng cải cách hành chính do chính Thủ tướng Hashimoto đứng đầu. Ngày 21/8/1997, Hội đồng này đã đưa ra một kế hoạch chi tiết cải cách chính phủ Nhật Bản, theo đó số bộ và các c quan của chính phủ giảm từ 22 xuống 12 bộ và cơ quan ngang bộ; nhiều bộ sẽ được sát nhập. Đây là một biện pháp mạnh mẽ nhằm làm cho chính phủ hoạt động hiệu quả và biên chế gọn nhẹ hơn.

Một vài nhận xét:

1. Nền chính trị Nhật Bản kể từ sự kiện tháng 7/1993 đến nay diễn biến rất phức tạp. Các chuỗi sự kiện diễn ra dưới nhiều hình thức, theo nhiều hướng khác nhau và đan xen với nhau. Từ chỗ chính phủ liên hiệp gồm nhiều chính đảng nhưng không một đảng nào nắm quyền chủ đạo trong chính phủ sang chính phủ đa đảng thiểu số rồi đến chính phủ liên hiệp ba đảng trong đó một đảng nắm vai trò chi phối, rồi cuối cùng lại trở về chính phủ độc đảng với vai trò độc tôn. Các chính phủ liên hiệp hầu hết chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, các thủ tướng luôn phải từ chức do những xáo trộn chính trị. Sự phân hoá và liên kết chính trị diễn ra liên tục với nội bộ các chính đảng bị phân liệt sâu sắc, nhiều chính đảng ra đời và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn rồi lại biến mất. Quá trình liên kết giữa các chính đảng thành một lực lượng đối lập lớn chỉ mang tính chất tạm thời, sau một thời gian lại phải giải thể do còn nhiều bất đồng cơ bản về các vấn đề đường lối chính sách.

2. Nền chính trị Nhật Bản cho đến nay vẫn chưa ổn định và trong quá trình chuyển tiếp. Có nhiều dấu hiệu cho thấy nền chính trị Nhật Bản sẽ phát triển theo xu hướng các chính đảng lớn sẽ thay nhau cầm quyền và có nhiều khả năng hình thành chế độ song đảng thay nhau cầm quyền như ở nhiều nước phương Tây. Mặc dù hiện nay đảng DCTD đã giành lại vai trò đảng cầm quyền, nhưng vai trò độc tôn của đảng này rất mong manh do những biến đổi lớn trên sân khấu chính trị Nhật Bản với sự xuất hiện của một lực lượng chính trị đối lập mạnh có khả năng thách thức vai trò này của đảng DCTD. Hơn nữa, "cơ cấu chính trị 55" của thời kỳ chiến tranh lạnh ở Nhật Bản không còn thích hợp đối với một nước Nhật của thời kỳ sau chiến tranh lạnh nữa. Hình thức chế độ chính trị song đảng đã hình thành trên thực tế khi đảng Tân tiến ra đời do hợp nhất của 9 chính đảng khác nhau và được thể hiện trong cuộc bầu cử tháng 10-1996, trong đó hai chính đảng lớn nhất tranh giành quyền lãnh đạo. Xu hướng này vẫn tiếp tục khi đảng Dân chủ Mới được thành lập và trở thành chính đảng lớn thứ hai sau đảng DCTD. Nếu đảng mới này củng cố được vị trí, tăng cường được ảnh hưởng, có chính sách hợp lòng dân và thu hút thêm các nhân vật ly khai của các đảng khác thì có thể trở thành lực lượng đối lập chủ yếu tranh giành quyền lãnh đạo với đảng DCTD đang cầm quyền trong cuộc bầu cử tới, vì chính phủ hiện nay của đảng DCTD đang phải đối phó với hiện trạng kinh tế của đất nước hết sức nan giải.

3. Hệ thống chính trị dựa trên cơ sở của “cấu trúc chính trị 55” do Đảng DCTD liên tục nắm giữ không còn thích hợp đối với Nhật Bản trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh nữa. Mặc dù Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của đảng DCTD trong gần 4 thập kỷ đã đạt được những tiến bộ ?thần kỳ?, nhưng hệ thống chính trị đó đã bộc lộ những khuyết tật lớn dẫn đến tham nhũng chính trị tràn lan, bê bối tài chính liên tục liên quan đến nhiều chính khách chóp bu. Những hiện tượng này gây bất bình lớn trong công chúng đòi hỏi phải có những thay đổi trong cách thức điều hành đất nước, đó là cải cách chính trị. Từ sau cuộc bầu cử Hạ viện năm 1993 đến nay, các chính phủ kế tiếp nhau và các chính đảng, dù bảo thủ hay cấp tiến, đều có một mục tiêu chung là cải cách chính trị. Tuy nhiên, các biện pháp cũng như phương hướng thực hiện cải cách chính trị cũng khác nhau với mức độ và tốc độ cải cách cũng khác nhau. Tựu chung lại, các chính phủ và các chính đảng đều phải cam kết cải cách chính trị vì đó là đỏi hỏi chân chính của nhân dân Nhật và cũng là sự cần thiết đối với vai trò chính trị mới của Nhật Bản trên trường quốc tế. Nếu cải cách chính trị được thực hiện đầy đủ, nó có thể mang lại những kết quả rất khả quan như giảm bớt sự ganh đua giữa các phe phái trong một đảng, hạn chế tác dụng của “nền chính trị đồng tiền” dẫn đến tham nhũng chính trị, bê bối tài chính và thiếu dân chủ, thiếu minh bạch trong quản lý nhà nước và cuối cùng là đảm bảo ổn định chính trị và thúc đẩy nền chính trị Nhật Bản tiến tới một hệ thống hai hay ba đảng thay nhau cầm quyền./.

Cùng chuyên mục