Số 27 - Thế giới sau 10 năm chiến tranh lạnh

03:41 28/03/2012

Thế giới sau 10 năm chiến tranh lạnh

Tác giả: Phan Doãn Nam.

Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay đã bước vào năm thứ mười. Có lẽ đã đến lúc cần nhìn lại để thử hiểu xem thế giới ngày nay đang vận động theo những quy luật nào và theo hướng nào.

1. Nói đến quy luật, tất nhiên trước hết phải nói đến sự vận động của các mâu thuẫn cơ bản của thời đại. Kể từ khi xã hội loài người có giai cấp đến nay, mâu thuẫn giai cấp luôn luôn là một trong những mâu thuẫn cơ bản của thời đại. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, mâu thuẫn này nổi lên hàng đầu và phân chia thế giới theo tiêu chí ý thức hệ. Trong 10 năm qua, sự phát triển của quan hệ quốc tế cho thấy các dân tộc xây dựng quan hệ với nhau không còn lấy vấn đề ý thức hệ để phân biệt bạn thù. Cùng với nó, mâu thuẫn giai cấp không còn là hàng rào ngăn cách các dân tộc xích lại gần nhau. Điều này không có nghĩa là sau chiến tranh lạnh, mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp trong quan hệ quốc tế không còn nữa, mà là nó diễn ra dưới những hình thức "mềm" hơn, theo kiểu diễn biến hòa bình. Cái gì đã đưa đến sự thay đổi cơ bản đó nếu không phải là tính chất và nội dung thời đại mà chúng ta đang sống đã thay đổi? Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, mỗi bước ngoặt của lịch sử đều đánh dấu bằng các bước nhảy vọt của lực lượng sản xuất do tác động của các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Cuộc cách mạng tin học bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ này đã mở ra một thời kỳ mới, trong đó tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các dân tộc về kinh tế và an ninh, xu thế toàn cầu hóa và vấn đề môi trường sinh thái là những nhân tố đang thúc đẩy các dân tộc tăng cường sự hợp tác để cùng tồn tại và phát triển. Chính trong bối cảnh này mà cuộc chiến tranh lạnh, cuộc đấu tranh giai cấp rộng lớn, quyết liệt, toàn diện và dài ngày nhất từ trước đến nay (tất nhiên trừ chiến tranh hạt nhân hủy diệt) đã phải chấm dứt và nhường chỗ cho một hình thái đấu tranh mới, tức là vừa đấu tranh, vừa hợp tác, đấu tranh để tăng cường hợp tác và liên kết trong cùng tồn tại hòa bình.

Tất nhiên, trong quan hệ giữa các dân tộc, không phải chỉ có mâu thuẫn giai cấp. Từ xưa tới nay, tất cả các nước đều đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Ngay trong thời kỳ chiến tranh lạnh, tuy người ta nói nhiều đến ý thức hệ, chủ nghĩa quốc tế vô sản v.v... nhưng trên thực tế không có dân tộc nào lại đấu tranh chỉ vì lợi ích của dân tộc khác. Do đó, mâu thuẫn giữa các nước khác nhau vì lợi ích dân tộc cũng không phải là điều gì mới. Cái mới ở đây là trong thời kỳ chiến tranh lạnh, lợi ích của các nước nhỏ thường bị hy sinh nhằm phục vụ sự nóng lạnh trong quan hệ giữa các nước lớn. Ngày nay điều đó không còn diễn ra một cách dễ dàng, nếu không muốn nói là khó lòng xảy ra, vì sau chiến tranh lạnh, các dân tộc lớn nhỏ đều tự đứng lên bảo vệ lợi ích dân tộc của mình, trong lúc quan hệ giữa các nưóc lớn cũng đang thay đổi theo hướng vừa đấu tranh vừa hợp tác. Do quy luật phát triển không đồng đều, hố ngăn cách giàu nghèo giữa các nước ngày càng rộng ra do trình độ phát triển và khả năng nắm bắt công nghệ mới giữa các nước khác nhau, nên giữa các nước luôn luôn tồn tại mâu thuẫn về lợi ích dân tộc. Nhưng bên cạnh những mâu thuẫn đó, các nước cũng vì lợi ích dân tộc của mình mà cần có sự hợp tác với các nước khác trong nền kinh tế thế giới đang được toàn cầu hóa và khu vực hóa mạnh mẽ, cho nên tuy có mâu thuẫn nhưng xu thế chung là đi vào hợp tác để cùng phát triển. Điều đó giải thích tại sao trong 10 năm qua, các cuộc xung đột giữa các quốc gia giảm hẳn và các nước đều tìm cách giải quyết các mâu thuẫn vì xung đột lợi ích dân tộc bằng con đường hòa bình.

Trong lúc các cuộc xung đột do mâu thuẫn về ý thức hệ và lợi ích dân tộc có xu hướng giảm đi thì trong 10 năm qua, người ta thấy hình như mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo trên thế giới lại bùng lên dữ dội. Tuy nhiên, theo kết luận của một cuộc điều tra do Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Xtốc-khôm tiến hành, thì hầu hết 27 cuộc xung đột loại này đều diễn ra trong phạm vi một nước, chỉ có xung đột giữa Â'n Độ và Pa-ki-xtan là giữa 2 quốc gia. Số lượng cũng giảm so với 32 cuộc tính đến năm 1988. Sở dĩ các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo diễn ra trong 10 năm qua làm người ta lo lắng là vì tính tàn bạo của chúng mang tính chất diệt chủng, đặc biệt là các cuộc xung đột sắc tộc ở Ru-an-đa và Bu-run-đi, giữa bộ tộc Hu-tu và Tút-xi khiến hàng chục vạn người bị thảm sát.

Nhìn lại 10 năm qua, có thể thấy rằng, thế giới sau chiến tranh lạnh, hay nói đúng hơn là thế giới trong thời đại mới, phát triển cân bằng hơn, do đó có tính ôn hòa hơn. Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, giáo sư Samuel Huntington (Mỹ) đã cảnh báo thế giới về khả năng có thể xảy ra "sự xung đột giữa các nền văn minh". Cho đến nay, có thể nói dự đoán đó chỉ là một lời cảnh báo. 10 năm qua đã không và trong tương lai sẽ không xảy ra một liên minh thần thánh giữa các nền văn minh phương Đông, trước hết là văn minh Hồi giáo và văn minh Nho giáo chống lại nền văn minh phương Tây. Chủ nghĩa khủng bố của một số phần tử Hồi giáo cực đoan không đại diện cho toàn bộ phong trào Hồi giáo. Trái lại, người ta thấy đang có sự cải thiện và bình thường hóa quan hệ giữa CH Hồi giáo Iran với Mỹ và Anh. Quan hệ giữa các nước Hồi giáo với các nước phương Tây cũng bình thường như với tất cả các nước khác trên thế giới. Mặt khác cũng cần thấy việc một số lực lượng Hồi giáo hoặc lực lượng dân tộc khác tuyên chiến với chính sách đế quốc của Mỹ ở một số nơi trên thế giới không đồng nghĩa với một cuộc thánh chiến chống lại nền văn minh phương Tây. Trái lại, các nền văn minh trên thế giới đều có nhu cầu giao lưu với nhau và trên cơ sở đó LHQ đã quyết định lấy năm 2001 làm "năm đối thoại giữa các nền văn minh".

2. Sự vận động của mâu thuẫn giai cấp trong nội bộ một nước ngày nay cũng diễn ra ôn hòa hơn song có phần phức tạp hơn. Ôn hòa là vì sau chiến tranh lạnh, hầu như tất cả các nước đều đi theo nền kinh tế thị trường đa thành phần. Các thành phần kinh tế khác nhau này cùng tồn tại và phát triển không nhằm triệt tiêu nhau, trái lại cùng hỗ trợ và hợp tác với nhau nhằm xây dựng một nền kinh tế quốc gia hùng mạnh để có thể vừa cạnh tranh vừa hội nhập với bên ngoài. Vấn đề "ai thắng ai" chưa phải là một vấn đề thời sự cấp bách. Tuy nhiên, tính phức tạp của nó thì không ai chối cãi vì bức tranh không phải chỉ có trắng và đen. Muốn phát triển tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển, cần có đầu tư của nước ngoài để có vốn và công nghệ. Các công ty nước ngoài, nhất là các công ty đa quốc gia không phải là những tổ chức từ thiện. Họ chỉ đầu tư vào những chỗ có lợi nhuận cao thì tất nhiên phải có bóc lột. Những nước bị bóc lột lại cần có đầu tư nước ngoài để có sự chuyển giao vốn và công nghệ, tạo công ăn việc làm cho nhân dân và từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mình. O' các nước công nghiệp phát triển ứng dụng công nghệ cao, quan hệ giữa chủ và thợ cũng không đơn giản là quan hệ giữa tư bản và lao động như trong thời kỳ kinh tế công nghiệp. Hiện nay trong các nước công nghiệp phát triển (OECD), trên 50% tổng giá trị sản phẩm trong nước (GDP) là do các công nghiệp có tri thức cao sản xuất ra. O' đây, khó có thể nói một cách tách bạch rằng trường hợp nào là hợp tác cùng có lợi và trường hợp nào là bóc lột và bị bóc lột.

Tuy nhiên, mâu thuẫn có khả năng dẫn đến những xung đột xã hội hiện nay ở tất cả các nước chính là hố ngăn cách giàu nghèo giữa các tầng lớp nhân dân quá lớn và ngày càng mở rộng. Đây là đặc điểm chung của nền kinh tế thị trường. Điều nghịch lý thời nay là, muốn giàu có thịnh vượng thì phải tăng cường hội nhập quốc tế và làm chủ được công nghệ cao, nhưng càng hội nhập, càng sử dụng công nghệ cao thì hố cách biệt giữa giàu và nghèo lại càng rộng ra. Mỹ là nước giàu có nhất thế giới, nhưng số người ở tuổi lao động (từ 25-54) với mức thu nhập hàng năm chỉ có 10.000 đô la lại không ngừng tăng lên từ 1973 đến nay. Nếu so thu nhập của những người nghèo với lớp người giàu có chiếm khoảng 20% dân số Mỹ thì khoảng cách đó là 10/1; ở Brazil là 25/1; còn ở Tây Âu là 5/1, (xem Foreign Policy số mùa hè 1998). Khoảng cách này ở các nước công nghiệp hóa mới ở Đông A' là thấp nhất, nhưng hiện nay lại tăng lên do tác động của cuộc khủng hoảng KT-TC. Tình hình lại càng tồi tệ thêm do tham nhũng đã trở thành một căn bệnh phổ biến, thậm chí lây lan đến một số người trong một số tổ chức quốc tế vốn có tiếng là "không vụ lợi". Có thể nói, nạn tham nhũng là một kiểu bóc lột siêu giai cấp, siêu quốc gia. Người bóc lột là kẻ có chức có quyền trong bộ máy quốc gia hay cơ quan quốc tế. O' Trung Quốc có lớp người được gọi là "nhất bộ đáo vị", tức là chỉ cần một bước là đến nơi. Đây là để chỉ những người do tham nhũng, buôn gian bán lận mà qua một đêm đã trở thành triệu phú, tỷ phủ. Đấu tranh quyền lực giữa các phe phái hoặc trong nội bộ tập đoàn thống trị trở thành hiện tượng phổ biến ở hầu hết các nước và là nguyên nhân của sự mất ổn định xã hội. Chính trị, chính kiến chẳng qua chỉ là cái áo khoác ngoài để cho bọn tham nhũng đục khoét của cải của xã hội.

Tình hình trên giải thích tại sao người ta cho rằng sau chiến tranh lạnh, mối đe dọa đối với nền an ninh và ổn định đối với một nước phần lớn không phải xuất phát từ bên ngoài mà chủ yếu nẩy sinh từ bên trong. Do đó, các nước có xu hướng xem các vấn đề nội bộ, nhất là chính sách an ninh xã hội là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình.

3. Một điều làm tất cả chúng ta trăn trở suốt 10 năm qua kể từ sau khi các nước XHCN Đông Âu sụp đổ và Liên Xô tan rã là tương lai của CNXH sẽ như thế nào, và phải chăng "lịch sử đã cáo chung" như lời giáo sư F. Fukuyama (Mỹ), phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là đỉnh cao nhất của sự phát triển của xã hội loài người ? Đây là một vấn đề rất lớn không thể bằng lòng với một lời giải thích đơn giản được. Nhưng 10 năm qua khi cả thế giới đi vào nền kinh tế thị trường, khi nền kinh tế tư bản chủ nghĩa không có đối thủ cạnh tranh thì người ta mới thấy hết những mặt mạnh và mặt yếu của nó. Mặt mạnh là nó luôn luôn lợi dụng được những thành tựu mới nhất của cách mạng khoa học - công nghệ để tự điều chỉnh. Nhưng chính mặt mạnh này lại khoét sâu thêm mặt yếu của nó là càng đưa công nghệ mới vào sản xuất thì mâu thuẫn xã hội càng tăng. Đây là nguồn gốc của sự mất an ninh nội bộ. Ai cũng thừa nhận rằng sau chiến tranh lạnh Mỹ là nước giàu, mạnh nhất và những người cầm quyền Mỹ cũng nói rằng trong 15 - 20 năm tới họ chưa phải đối phó với một mối đe dọa nào từ bên ngoài. Mà mối đe dọa hiện nay là từ bên trong, mặc dù kinh tế Mỹ phát triển khá tốt (GDP 1998 tăng 3,8%). Chính vì thế trong thông điệp liên bang đầu năm 1999 của mình, Tổng thống B. Clinton đã đề nghị Quốc hội Mỹ cho triển khai thêm 100.000 sỹ quan cảnh sát trong năm nay, nghĩa là bằng quân số của Mỹ hiện đóng ở Châu Âu hoặc số quân đang có mặt ở Đông Bắc A'. Nếu mọi người đều an cư lạc nghiệp trong xã hội phồn vinh thì nhà nước cần gì phải triển khai một số lượng cảnh sát đông đến như thế. Nếu chỉ để đối phó với các lực lượng Hồi giáo cực đoan do Bill Laden cầm đầu, theo như chính quyền Mỹ nói, thì có lẽ cũng không cần phải dùng đến 10 sư đoàn cảnh sát.

Điểm yếu cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, mà ngày nay ngay cả những nhà kinh tế học tư bản nổi tiếng và các trùm tư bản cũng phải thừa nhận là, nó chất đầy trong mình những mầm mống khủng hoảng và chỉ một đêm nó có thể biến một nước đang "hóa rồng" thành một con giun. Cách mạng tin học đã biến 3/4 nền kinh tế thế giới tư bản thành nền kinh tế ảo. Tức là nền kinh tế lúc ẩn lúc hiện, luôn vi vu trên làn sóng của hệ thống máy điện toán toàn cầu. Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới bắt đầu từ các nước Đông A', một khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, thần kỳ nhất cho thấy không có một mô hình nào của chủ nghĩa tư bản từ trước đến nay có thể thoát khỏi khủng hoảng và sụp đổ. Vậy còn chủ nghĩa xã hội thì sao ? Chúng ta không chấp nhận lý thuyết cho rằng chủ nghĩa tư bản là phương thức sản xuất cuối cùng của xã hội loài người vì điều đó trái với quy luật biện chứng của lịch sử. Đồng thời chúng ta cũng biết rằng tính ưu việt của phương thức sản xuất này so với phương thức sản xuất kia là ở năng suất lao động. Về mặt này, có thể nói cho đến nay chưa có phương thức sản xuất nào vượt được phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Các nước tư bản phát triển đang dẫn đầu về năng suất lao động do họ làm chủ được khoa học công nghệ và tiền vốn. Tuy nhiên, mâu thuẫn của các nước tư bản phát triển là họ làm ra nhiều của cải nhưng phân phối không đồng đều, cho nên không có công bằng xã hội. Chính vì thiếu công bằng xã hội cho nên nền sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển nhưng không bền vững. Sự không bền vững này thể hiện qua các cuộc khủng hoảng như chúng ta đã thấy ngay ở các nước tư bản phát triển nhất. Nó còn thể hiện ở chỗ mức chênh lệch giàu nghèo giữa các nước khác nhau trong cùng một hệ thống. Trong số 180 nước trên thế giới chọn con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, chỉ có trên 20 nước được xếp vào loại có công nghiệp phát triển, trong đó chỉ có 7 nước thuộc loại giàu nhất. Như vậy, không phải nước nào phát triển theo con đường tư bản đều giàu. Một hộ gia đình giàu ở Mỹ giàu gấp 60 lần hộ gia đình giàu ở Ê-ti-ô-pia. Và ở các nước XHCN trước đây cũng như hiện nay tình hình diễn ra theo hướng ngược lại. Tức là có công bằng xã hội nhưng năng suất lao động thấp cho nên công bằng xã hội cũng không bền vững. Do đó muốn có chủ nghĩa xã hội thì phải có cả hai, tức phải có năng suất cao hơn hẳn CNTB và công bằng xã hội. Phần lớn các nước phát triển theo định hướng XHCN hiện nay đều ở trình độ phát triển thấp. Vì vậy quá trình tiến lên CNXH là một quá trình dài nếu không muốn nói là rất dài. Nền kinh tế Trung Quốc hiện nay có tốc độ tăng trưởng cao làm nhiều nước quan tâm, kể cả Mỹ, nhưng bản thân người Trung Quốc lại thấy rằng họ chỉ đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ rất dài và đến năm 2050 Trung Quốc cũng mới đạt được một nước phát triển trung bình. Còn người Mỹ thì nói thẳng nếu tính mức thu nhập bình quân đầu người thì phải mất ít ra 100 năm nữa Trung Quốc mới đuổi kịp Mỹ.

Lịch sử phát triển của xã hội loài người cho thấy việc chuyển từ phương thức sản xuất này sang phương thức sản xuất tiến bộ hơn trong xã hội người bóc lột người phải mất hàng trăm năm, có khi đến hàng ngàn năm. Cách mạng tư sản không phải chỉ nổ ra một lần mà thành công ngay. Cho nên việc thay thế một phương thức sản xuất dựa trên chế độ bóc lột sang một phương thức sản xuất không có bóc lột là một quá trình hoàn toàn mới, vừa đi vừa khám phá, không thể vội được. Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ vạch hướng (kim chỉ nam), còn đi đường nào là tuỳ thuộc vào điều kiện lịch sử và thực tiễn của từng dân tộc. Nhưng cái hướng mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã vạch ra là phù hợp với quy luật mà xã hội loài người tất sẽ đến.

Vấn đề trước mắt thu hút sự quan tâm của tất cả cộng đồng quốc tế là liệu thế giới sau chiến tranh lạnh có an bình hơn không và nền chính trị thế giới sẽ phát triển theo trật tự nào ? Dù sao, 50 năm chiến tranh lạnh cũng là thời kỳ hoà bình dài nhất trong lịch sử quan hệ giữa các nước lớn. Một số học giả Mỹ và phương Tây giải thích điều đó bằng 3 lý do. Một là, do hai siêu cường đã tập họp được quanh mình các nước đồng minh trong một liên minh quân sự vững chắc sẵn sàng đối chọi nhau một mất một còn. Hai là, do tất cả các nước, nhất là 2 siêu cường bằng cuộc chạy đua vũ trang không hạn chế luôn ở tư thế chuẩn bị tốt cho chiến tranh để có hòa bình. Ba là, do sự hủy diệt của vũ khí hạt nhân (xem A. Multipolar Peace của Kegley và Raymond.- NXB St. Martin's Press - New York). Đây rõ ràng là lập luận của các chiến lược gia theo chủ nghĩa thực lực bênh vực cho chính sách chạy đua vũ trang và liên minh quân sự. Thật ra, nền hòa bình trong chiến tranh lạnh là một nền hòa bình trong sự sợ hãi và bên miệng hố chiến tranh. Đây không phải là nền hòa bình thực sự mà các dân tộc mong muốn và phấn đấu để thực hiện. Việc hai siêu cường tránh đụng độ trực tiếp với nhau mà chỉ gây chiến tranh lạnh chống nhau là xuất phát từ lợi ích chiến lược của họ. Mỹ cần thổi phồng "mối đe dọa của Liên Xô" để tập họp đồng minh và đặt họ dưới ô bảo hộ hạt nhân của Mỹ. Nếu Mỹ gây chiến tranh trực tiếp chống Liên Xô bằng vũ khí hạt nhân thì các nước Tây Âu, đặc biệt là Pháp và Đức hoặc không tham gia hoặc trở thành nạn nhân đầu tiên. Liên Xô có thể bị tàn phá nặng nề nhưng tất nhiên nước Mỹ cũng không còn nguyên vẹn. Điều đó rõ ràng không phù hợp với mục tiêu chiến lược của Mỹ là khống chế đồng minh để đi đến khống chế toàn thế giới. Liên Xô luôn luôn tuyên bố không bao giờ là người gây chiến trước và là nước sử dụng vũ khí hạt nhân trước. Do đó ít có khả năng Liên Xô muốn trực tiếp đụng đầu với Mỹ, nhất là sau khi bị chiến tranh thế giới lần thứ 2 tàn phá nặng nề.

Từ cuối những năm 60, cả Mỹ và Liên Xô đều nhận thấy chính sách chạy đua vũ trang đã phản tác dụng đối với họ ở chỗ đồng minh của Mỹ ngày càng mạnh lên về kinh tế và thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ trong thế giới tư bản, và đồng minh của Liên Xô ở Đông Âu ngày càng hướng về Tây Âu để cải thiện nền kinh tế của mình. Chính đây là lý do khiến các nước lớn trước hết là 2 siêu cường đi vào hòa hoãn từ đầu những năm 70. Ngày nay, sau chiến tranh lạnh, Liên Xô tan rã, Mỹ còn lại là siêu cường duy nhất. Tuy nhiên, sau chiến tranh lạnh, Mỹ không còn mạnh như sau chiến tranh thế giới thứ II về tất cả các mặt. Mặt khác chính Mỹ cũng cho rằng trong vòng 15 - 20 năm tới Mỹ không phải đối phó với một mối đe dọa nào từ bên ngoài. Mối đe dọa đối với nền an ninh của Mỹ hiện nay nằm ngay trong lòng nước Mỹ. Đó là chủ nghĩa khủng bố, tội ác, sự chênh lệch giàu nghèo, ma túy và các căn bệnh thế kỷ, vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái v.v... Các nước lớn khác tuy có mâu thuẫn với nhau nhưng họ lại phụ thuộc lẫn nhau trong một nền kinh tế đang được toàn cầu hóa, cho nên khả năng xảy ra chiến tranh giữa các nước lớn nói chung và giữa một nước lớn nào đó với Mỹ là không thể. Chính sự phụ thuộc lẫn nhau trong nền kinh tế toàn cầu hóa trong thời đại cách mạng tin học là nhân tố khiến cho nền hòa bình giữa các nước lớn sau chiến tranh lạnh là một nền hòa bình lâu dài và vững chắc hơn. Do đó, người ta đã có lý khi nói rằng sau chiến tranh lạnh, nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới đã bị đẩy lùi.

Vấn đề còn lại là nền hòa bình sau chiến tranh lạnh sẽ theo trật tự nào, đơn cực hay đa cực ? Như mọi người đã biết, sau mỗi cuộc chiến tranh thế giới kết thúc, các cường quốc thắng trận là những nước chủ chốt đứng ra thành lập một trật tự quốc tế mới căn cứ vào so sánh lực lượng sau chiến tranh. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước đồng minh thắng trận đã quyết định thành lập một trật tự thế giới mới. Trật tự này khác với các trật tự trước đó ở chỗ, ngoài việc 5 nước lớn thắng trận là Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc, Anh và Pháp trở thành thành viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên, Hiến chương LHQ còn quy định mỗi thành viên của LHQ đều có quyền bình đẳng như nhau. Trên thực tế trật tự mới là do Liên Xô và Mỹ khống chế theo thỏa thuận I-an-ta. Chẳng bao lâu sau đó, chiến tranh lạnh đã nổ ra, bộ máy của LHQ đã bị vô hiệu hóa tuy vẫn tồn tại. Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, mặc dù Mỹ và phương Tây cho rằng họ là kẻ thắng trận, Liên bang Nga kế thừa vai trò của Liên Xô (cũ) và Trung Quốc vẫn là thành viên thường trực của HĐBA LHQ. Với tư cách là siêu cường duy nhất còn lại sau chiến tranh lạnh, Mỹ có âm mưu dùng LHQ để phục vụ mục đích bá quyền của mình. Chính với ý đồ đó, sau chiến tranh vùng Vịnh 1991, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là G. Bu-sơ đã vội vàng tuyên bố về "một trật tự thế giới mới" hàm ý nói trật tự đó là do Mỹ lãnh đạo và LHQ là công cụ. Tuy nhiên, 10 năm sau chiến tranh lạnh người ta có thể thấy ý đồ của Mỹ trong việc thiết lập một trật tự theo kiểu Pax Americana đã không thành công và cuối cùng, tuy vẫn không từ bỏ ý đồ lãnh đạo thế giới, Mỹ đã phải công nhận các cường quốc khác, đặc biệt là Nga và Trung Quốc là đối tác hoặc bạn bè chiến lược. Mặt khác Mỹ cũng không phản đối việc cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ để Đức, Nhật và một số đại diện của các nước đang phát triển trở thành ủy viên thường trực của HĐBA. Như vậy, trên thực tế Mỹ đã phải thừa nhận thế giới sau chiến tranh lạnh là đa cực. Trong tuyên bố của mình, các cường quốc khác đều nói rõ là họ đang phấn đấu để xây dựng một thế giới đa cực hóa. Như vậy, có thể thấy 10 năm sau chiến tranh lạnh, một trật tự quốc tế mới theo hướng đa cực hóa bước đầu đã hình thành, số cường quốc có vai trò quyết định trong trật tự đó sẽ đông hơn, trong lúc vai trò siêu cường độc nhất của Mỹ ngày càng bị thu hẹp.

5. Bây giờ chúng ta trở lại với khu vực Châu A' - Thái Bình Dương (CA'-TBD). Cách đây gần 100 năm, cựu Tổng thống Mỹ Th. Ru-dơ-ven nói rằng "Nếu thế kỷ thứ 19 là thế kỷ của Địa Trung Hải và thế kỷ 20 là thế kỷ Đại Tây Dương, thì thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ Thái Bình Dương". Trong ba thập kỷ gần đây, do sự phát triển "thần kỳ" của nền kinh tế CA' - TBD, đặc biệt là nền kinh tế Đông A', người ta không ngớt lời nói về "thế kỷ Thái Bình Dương". Người ta không biết rằng lúc bấy giờ do những hạn chế về mặt lịch sử, Ru-dơ-ven không thể thấy trước được cuộc cách mạng tin học sẽ diễn ra ở cuối thế kỷ 20 và sẽ lên đến đỉnh điểm trong 50 năm đầu của thế kỷ 21, dẫn đến một nền kinh tế toàn cầu với nhiều trung tâm vừa cạnh tranh vừa phụ thuộc lẫn nhau để tồn tại và phát triển. Trong nền kinh tế toàn cầu với nhiều trung tâm đó, CA' - TBD đang và sẽ nổi lên như một trung tâm song song tồn tại với các trung tâm khác như Bắc Mỹ và Châu Âu. Sự xuất hiện của đồng Euro đang giúp các nước bớt phụ thuộc vào đồng đôla Mỹ, nhưng mặt khác nó làm cho các đồng tiền Châu A', đặc biệt là đồng Yên của Nhật có thêm đối thủ cạnh tranh mới và tạo thêm trở ngại cho quá trình quốc tế hóa đồng Yên. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc chưa phải là đồng tiền có thể chuyển đổi tự do, và rồi đây nếu nó được chuyển đổi tự do thì nó sẽ thành một đối thủ mới của đồng Yên. Trung Quốc và Nhật là 2 nền kinh tế quá lớn ở CA - TBD để họ có thể chịu lệ thuộc vào nhau ít nhất là về mặt tiền tệ. Do đó, từ lâu người ta đã ít lạc quan về khả năng biến thế kỷ 21 thành thế kỷ TBD. Thậm chí nhiều người lại tỏ ra bi quan quá mức sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng KT-TC ở các nước Đông A', nhất là cuộc khủng hoảng ở Nhật, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chiếm 2/3 GDP Châu A' . Sự sụp đổ của mô hình kinh tế Đông A' cho thấy dù phát triển dưới mô hình nào đi nữa, thì phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn mà từ lâu các nhà kinh tế học Mác xít đã phát hiện. Tính tàn bạo và vô đạo đức của nó là quá rõ ràng đến nỗi chính những nhà tư bản kếch xù như George Soros cũng phải thừa nhận. Trong diễn văn chào mừng năm mới (1999), Thủ tướng K. Obuchi của Nhật cũng gián tiếp thừa nhận tính vô đạo đức đó khi ông tuyên bố là phải xây dựng Nhật thành "một nước giàu có đức", vì "một nước không có đức thì không thể tiếp tục là một nước giàu, bởi không được thế giới tin cậy". Tính đạo đức ở đây nói đơn giản là sự kết hợp hài hòa giữa công cuộc phát triển kinh tế với việc giải quyết các vấn đề xã hội. Các vấn đề xã hội không đơn giản chỉ là sự chênh lệch giàu nghèo. Nó còn đòi hỏi giải quyết các vấn đề môi trường sinh thái, vấn đề tội ác và các tệ nạn xã hội khác, bảo tồn bản sắc dân tộc, trong đó gồm cả việc xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, hay nói như lời ông K. Obuchi là "sự giàu có về tinh thần" mà cơ chế thị trường tư bản thường bỏ quên.

Nét đặc biệt hiện nay nổi lên trong nền kinh tế CA'-TBD là việc xuất hiện các nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Hãy còn quá sớm để có thể kết luận đây có phải là mô hình cho các nước noi theo hay không. Nhưng kinh nghiệm 10 năm qua cho thấy nó đã đạt được những thành công bước đầu. Những thắng lợi đó xuất phát từ việc nó biết tận dụng những mặt mạnh của nền kinh tế thị trường, nhưng không quên gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển về mặt xã hội. Những yếu kém của nó suy cho cùng là do có nơi có lúc người ta đã vô ý hoặc cố tình đi chệch ra ngoài định hướng đó.

Do trong chiến tranh lạnh, CA' - TBD là nơi nóng bỏng nhất, cho nên điều làm mọi người quan tâm lo lắng là vấn đề hòa bình và an ninh của khu vực này từ nay trở đi sẽ ra sao. Phải thừa nhận rằng, trong 10 năm qua, CA' - TBD là nơi an bình nhất không những so với trước đây mà còn so với một số khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề an ninh và ổn định ở khu vực này cũng còn tiềm ẩn nhiều điều chưa chắc chắn. Ngoài việc phải đối phó với những vấn đề an ninh phi truyền thống (vấn đề nạn khủng bố, môi trường sinh thái, tệ nạn xã hội, các căn bệnh thế kỷ v.v...) như các khu vực khác, thì CA' - TBD cũng còn đầy rẫy các vấn đề an ninh truyền thống đang chờ đợi giải quyết. Có thể liệt kê ra đây 5 loại vấn đề tiềm ẩn đang đe dọa an ninh và ổn định ở CA' - TBD, mà nếu giải quyết không tốt sẽ ảnh hưởng đến nền hòa bình hợp tác và phát triển ở khu vực này :

Một là, chính sách can thiệp và bá quyền của bên ngoài. Trong chiến tranh lạnh đây là nguyên nhân chính dẫn đến chiến tranh và mất an ninh ở CA' - TBD. Giờ đây, nguy cơ này đã giảm nhưng không thức mềm hơn nhưng rộng hơn. Nó không những đe dọa lật đổ một cách hòa bình các chế độ có ý thức hệ khác với phương Tây, mà còn đe dọa lật đổ cả những chế độ có tinh thần độc lập dân tộc không theo chế độ dân chủ phương Tây.

Hai là, sự tranh giành bá quyền giữa các nước lớn. Tạm thời vấn đề này không gay gắt như trong chiến tranh lạnh, nhưng việc tranh giành khu vực ảnh hưởng giữa các nước lớn vẫn diễn ra một cách âm thầm. Trong khu vực vẫn đang diễn ra một quá trình tập hợp lực lượng dưới một hình thức kín đáo hơn. Đến một lúc nào đó, so sánh lực lượng thay đổi thì mâu thuẫn này sẽ bùng nổ.

Ba là, các vấn đề do chiến tranh lạnh để lại, trong đó lớn nhất, dễ bùng nổ nhất, là vấn đề chia cắt của bán đảo Triều Tiên và vấn đề Đài Loan.

Bốn là, các vấn đề do lịch sử để lại, trong đó nổi cộm nhất và dễ bùng nổ nhất là sự tranh chấp về biên giới lãnh thổ, đặc biệt là ở Biển Đông.

Năm là, tình hình nội bộ của từng nước trong khu vực. Đây là vấn đề đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở tất cả các nước, đe dọa nền hòa bình ổn định không những đối với từng nước riêng lẻ mà nếu bùng nổ sẽ đe dọa đến toàn bộ nền an ninh và hợp tác trong khu vực.

Tuy đây là những nguy cơ tiềm tàng nhưng sẽ trở thành mối đe dọa thực sự đối với nền hòa bình và an ninh hợp tác trong khu vực nếu các nước có liên quan không có chính sách đối nội, đối ngoại phù hợp với những biến đổi mới của thời đại, mà cứ bám giữ lấy những tư duy lỗi thời của thời kỳ chiến tranh lạnh, xem việc đảm bảo lợi ích dân tộc của mình là trên cơ sở hy sinh lợi ích dân tộc của các nước khác.

* *

*

Chúng ta đang tiến gần đến năm 2000. Cách đây 10 thế kỷ loài người đã chờ đợi năm 1000 với một sự hoảng loạn của ngày tận thế. Ngày nay tuy con đường phía trước còn nhiều gay go thử thách, nhưng tất cả mọi dân tộc trên thế giới đều chờ đợi năm 2000 và thiên niên kỷ thứ 3 với niềm tin tưởng lạc quan và một khí thế mới. Quả đất không phải sẽ tồn tại mãi mãi, nhưng ngày "tận thế" còn rất, rất xa, phải 6 ngàn tỉ năm nữa (các nhà khoa học nói như thế). Có thể lúc đó con cháu chúng ta khi nhìn lại lịch sử sẽ cho chúng ta là loài vượn người của thời đại tin học. Nhưng loài vượn người đó ngay từ cuối thế kỷ 20 đã biết lo cho tương lai của con cháu bằng việc bắt đầu phóng lên vũ trụ những bộ phận đầu tiên của con tàu vũ trụ quốc tế nhằm đặt những cơ sở đầu tiên cho những con tàu sau này có thể giúp loài người di tản khỏi trái đất sang sinh sống ở các hành tinh khác nếu ngày tận thế là có thật./.

Cùng chuyên mục