• Khoa lý luận chính trị
< >

Nền Văn minh Trung Hoa và những di sản kế thừa

08:12 22/10/2024

Đây là chủ đề buổi trò chuyện thú vị của Đại sứ, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường tại Học viện Ngoại giao dành cho sinh viên ngành Quan hệ quốc tế (QHQT) và Châu Á – Thái Bình Dương ( CATBD)

      Chiều 21/10/2024, Đại sứ Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường đã có buổi chia sẻ cùng sinh viên Học viện Ngoại giao về “Nền văn minh Trung Hoa và những di sản kế thừa”. Buổi nói chuyện trong khuôn khổ môn học Lịch sử văn minh thế giới, dành cho sinh viên năm thứ nhất ngành QHQT và CATBD, do Khoa Lý luận Chính trị tổ chức. 

Đại sứ Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường tại buổi tọa đàm
 

Đại sứ - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường là nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về lịch sử ngoại giao Việt Nam được xuất bản trong các năm vừa qua. Mới đây, cuốn sách “Trung Quốc – Lịch sử kế thừa”, NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2024 đã gây được sự chú ý đặc biệt của giới nghiên cứu lịch sử. Chia sẻ với các tân sinh viên K51, ông đã gửi những thông điệp rất truyền cảm hứng tới thế hệ trẻ về sự bền bỉ hoạt động và nghiên cứu lịch sử ngoại giao. Ông nói với sinh viên câu nói rất giản dị: “Tôi cũng từng là sinh viên Học viện Ngoại giao như các em”. Được biết, ông là cựu sinh viên K5.

      Trong hơn 2 giờ đồng hồ, Đại sứ - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường đã điểm lại tiến trình lịch sử văn minh Trung Hoa, những thành tựu trên mọi mặt, từ các phát minh, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật luyện kim, đóng thuyền, phát triển thủy lợi…đến những giá trị về tư tưởng, triết học, văn học nghệ thuật. Điểm thu hút nhất tại buổi nói chuyện lại chính là những đánh giá rất sâu sắc của ông, một học giả, nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm, về việc người Trung Quốc hiện đại đã vận dụng những tư tưởng cổ đại như thế nào trong hoạt động đối ngoại hiện nay. 

      Ông tổng kết 5 yếu tố làm nên một nền văn minh bao gồm: Đất đai đủ rộng, dân số đủ lớn, nền nông nghiệp đủ tự cung tự cấp, năng suất lao động đủ cao, văn hóa có đủ sức cố kết và lan tỏa. Thiếu đi các yếu tố trên, nhiều nền văn minh cổ đại đã lụi tàn điển hình như nền văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà, Hy Lạp.

      Đánh giá về thành tựu của văn minh Trung Hoa, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho rằng, có thể kể đến rất nhiều thành tựu, song 3 thành tựu chủ yếu nhất là chữ viết (xuất hiện sớm, từ thế kỷ 21 TCN), nền nông nghiệp hùng hậu dựa trên những con sông lớn nhỏ ở khắp lục địa và Nho giáo. Ông cũng cho rằng, đây là nền văn minh duy nhất trong lịch sử đã xuất hiện từ thời cổ đại và phát triển liên tục cho đến ngày nay. Một trong những yếu tố đó, chính là nhờ có nguồn nước dồi dào với trên một ngàn con sông lớn nhỏ. 

      Nhắc lại những tư tưởng lớn trong nền văn minh Trung Hoa, liên hệ với lịch sử qua các cuộc chiến tranh, các mốc lớn của lịch sử, cũng như nêu bật lên đặc tính của người Trung Quốc và rút ra một số bài học đúc kết lại, buổi nói chuyện của Đại sứ - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường thực sự cuốn hút sinh viên. Bên cạnh đó, ông cũng dành thời gian để trả lời nhiều câu hỏi của sinh viên. Mỗi ý kiến đều đóng góp vào việc mở rộng kiến thức và khám phá sâu hơn về các vấn đề đa dạng và phức tạp trong nền văn minh Trung Hoa. Nhờ vào sự trao đổi và thảo luận này, sinh viên đã giải quyết những nút thắt trong suy nghĩ và tích lũy được những hiểu biết mới về Trung Hoa từ cổ đại đến nay.

 

Các bạn sinh viên khóa 51 đặt câu hỏi cho Đại sứ 

      Một số hình ảnh tại buổi toạ đàm:

Các giảng viên và sinh viên DAV tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm cùng diễn giả.
Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường ký tặng sách cho các bạn sinh viên hăng hái đặt câu hỏi.

Cùng chuyên mục