• Khoa tiếng anh
< >

Tọa đàm: Nghịch lý của stress

23:36 13/09/2022

Diễn giả và SV chụp ảnh lưu niệm
Diễn giả và SV chụp ảnh lưu niệm

Sáng ngày 13/09/2022, tại Trung tâm Hợp tác Việt Mỹ, tầng 1 - Tòa nhà Thư viện, Học viện Ngoại giao (HVNG), Khoa tiếng Anh đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Nghịch lý của stress” nhằm giới thiệu những thông tin chính thống, khoa học và hữu ích về sức khỏe tâm thần của con người trong thế giới hiện đại cho cộng đồng, nhất là cộng đồng sinh viên, đặc biệt đối với những tân sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Khóa 49 (K49) của HVNG.

Tham dự buổi tọa đàm có thầy Lê Văn Khánh, Giảng viên Khoa Tiếng Anh - phụ trách các học phần tiếng Anh của K49 kiêm điều phối tọa đàm; bà Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc tổ chức BasicNeeds Việt Nam, Cố vấn CLB Ale&Amigos; Bà Lê Lan Anh, Giám đốc văn phòng IDP Education – số 30, Triệu Việt Vương, Hà Nội, Cố vấn CLB Ale&Amigos.

Mở đầu buổi tọa đàm, thầy Lê Văn Khánh đã giới thiệu về mục đích, ý nghĩa của buổi tọa đàm và hướng khán giả đến với các khái niệm về “stress”. Hiện nay không ai còn xa lạ với cụm từ “stress” nữa. Chúng ta có thể đánh từ khóa “stress” trên Google và sẽ được 4,700,000,000 kết quả trong 0,05 giây (dữ liệu ngày 13/9/22). Chính vì vậy “stress” là một trong các chủ đề hàng đầu được các học giả tâm thần trên thế giới đầu tư nghiên cứu từ cuối thế kỷ 20, đặc biệt khi tốc độ toàn cầu hóa đã thay đổi lối sống của con người ở thế kỷ 21.

Tiếp theo chương trình là phần giới thiệu của bà Nguyễn Thanh Tâm về bản thân. Bà Nguyễn Thanh Tâm đã có nhiều năm học tập ngành Tâm lý học tại Mỹ và dày dặn kinh nghiệm chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho cộng đồng cũng như làm việc với các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Hiện bà đang điều hành tổ chức chăm sóc sức khoẻ tinh thần BasicNeeds Việt Nam.

Trong buổi tọa đàm, bà Thanh Tâm chia sẻ rằng chúng ta thường sẽ liên hệ “stress” với các khái niệm tiêu cực về tâm trí và thể xác. “Stress” gây ra phản ứng hoá sinh trong cơ thể, gây ra cảm giác lo lắng, bất an, mệt mỏi. Bà cũng nhấn mạnh rằng:  “Stress” là một điều tất yếu trong cuộc sống và mọi người không thể hoàn toàn tránh được những cảm xúc bắt nguồn từ nó. “Stress” không phải là một bệnh lý nhưng nếu xảy ra thường xuyên, nó sẽ gây ra những vấn đề về sức khoẻ tinh thần như trầm cảm, căng thẳng quá mức, rối loạn tâm thần hay lạm dụng chất kích thích. Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2020, có đến 800.000 người tự sát do trầm cảm. Tuy nhiên, “stress” cũng có mặt tích cực khi có thể tạo động lực thúc đẩy chúng ta thích nghi với hoàn cảnh mới với điều kiện chúng ta phải luôn giữ được sự bình tĩnh và tỉnh táo trước những thử thách. Ví dụ, việc thi cử thường xuyên tạo nên áp lực giúp học sinh, sinh viên tập trung học tập cao độ để đạt kết quả tốt nhất hoặc việc áp lực chúng ta đi nhanh chân để kịp xe buýt, tàu cũng là điều tích cực.

Để tăng tương tác giữa các bạn sinh viên và diễn giả, chương trình đã có những câu hỏi về “stress” ngay tại buổi tọa đàm. Kết quả khảo sát tại chỗ đã cho thấy khán giả đã phần nào hiểu được bản thân mình và cân bằng được cảm xúc tiêu cực. Trong khoảng thời gian tổng hợp kết quả khảo sát, với sự điều phối của thầy Lê Văn Khánh, hai diễn giả đã nhận được những câu hỏi rất thú vị từ thầy và khán giả. Hai diễn giả tiếp tục giải thích và cung cấp kiến thức cho khản giả cả về mặt khoa học cũng như kinh nghiệm cá nhân sao cho các bạn sinh viên dễ hình dung ra được bản chất của vấn đề.

Tiếp nối chương trình, các bạn sinh viên đã có cơ hội tương tác với nhau qua làm việc nhóm do bà Lê Lan Anh hướng dẫn để trả lời những câu hỏi đã được chuẩn bị sẵn. Mọi người có 15 phút để chuẩn bị và mỗi nhóm được phép trình bày trước tọa đàm trong vòng 05 phút. Các bạn sinh viên tham dự đều có tinh thần làm việc nhóm tốt và sự tập trung cao độ trước vấn đề được giao. Qua phần trình bày rất chuyên nghiệp của sinh viên Ngoại giao, những vấn đề luôn khiến các sinh viên phải quan tâm, lo lắng được nêu ra như việc quản lý tài chính, trách nhiệm với cuộc sống, các mối quan hệ, áp lực đồng trang lứa hay lịch làm việc dày đặc và các cách giải quyết đều rất rõ ràng, mạch lạc như yêu thương bản thân, lắng nghe nhu cầu cá nhân và sau đó là yêu thương gia đình, cho đi và nhận lại những điều quý giá từ những người thân của mình. Bà Thanh Tâm cũng lắng nghe những chia sẻ từ các bạn sinh viên khi đưa ra cách chia vấn đề về “stress”, đó là những vấn đề giải quyết và không thể giải quyết được.

Buổi tọa đàm kết thúc trong không khí vui vẻ, thân thiện và thực sự mang lại hiệu quả, ý nghĩa thiết thực. Thầy Lê Văn Khánh đã thay mặt cho Khoa tiếng Anh trân trọng gửi lời cảm ơn tới các diễn giả và các sinh viên tham dự. Thầy cũng bật mí về 01 buổi toạ đàm khác với chủ để mở “Thanh xuân như một chén trà” và hứa hẹn sẽ mang đến nhiều trải nhiệm thú vị cho các bạn sinh viên, đặc biệt là các tân sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh K49, HVNG./.                    

Lê Khánh & Trường Sơn

Cùng chuyên mục