Viện Biển Đông khởi động Trung tâm Ngoại giao Biển với Khóa học đầu tiên

00:00 12/12/2021

Trong ngày 6-10/12/2021, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao cùng Đại sứ quán Anh và Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã tổ chức Khóa học Nâng cao Nhận thức Biển thuộc khuôn khổ Trung tâm Ngoại giao Biển (MDC).

Trung tâm Ngoại giao Biển được thành lập với mục tiêu: i) nâng cao năng lực biển cho các nhà nghiên cứu, hoạch định và triển khai chính sách biển nước nhà; ii) tăng cường hợp tác quốc tế của Việt Nam về an ninh biển; iii) góp phần thực hiện Chiến lược Phát triển Bền vững Kinh tế Biển đến năm 2030 của Việt Nam.

Trong Lễ Khai mạc, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc, Học viện Ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy năng lực và nhận thức biển cho cán bộ nghiên cứu và chính sách, đặc biệt là với Việt Nam - một quốc gia với hơn 3.000 km đường bờ biển và đang thúc đẩy Chiến lược Phát triển Bền vững Kinh tế Biển đến năm 2030. Đây cũng là thông điệp TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Quyền Viện trưởng Viện Biển Đông khẳng định trong Lễ Bế mạc.

Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc, Học viện Ngoại giao trao đổi cùng ông Noah Zaring, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Mỹ và ông Steve Taylor, Trưởng bộ phận Chính trị, Đại sứ quán Anh trong Lễ Khai mạc
Nguyễn Thị Lan Anh, Quyền Viện trưởng, Viện Biển Đông phát biểu tại Lễ Bế mạc

Đại diện Đại sứ quán Mỹ, Phó Đại sứ Noah Zaring và Viên chức Chính trị - Quân sự Drew Bazil khẳng định Trung tâm MDC và Khóa học là biển tượng của hợp tác song phương ngày càng bền chặt giữa Việt Nam và Mỹ. Đây cũng là cơ hội để giới hoạch định chính sách Mỹ học hỏi thêm về nhu cầu từ các Bộ, Ngành và thực tiễn an ninh biển tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy hợp tác tương lai trong lĩnh vực này.

Đại diện Đại sứ quán Anh, Trưởng bộ phận Chính trị Steve Taylor khẳng định Trung tâm MDC sẽ đóng vai trò quan trọng trong hợp tác về an ninh biển của Việt Nam với Anh và các đối tác quốc tế. Đại sứ quán Anh sẽ tiếp tục ủng hộ các hoạt động của Trung tâm trên tinh thần thỏa thuận Đối tác An ninh Biển Anh – Việt ký kết hồi tháng 7/2021.

Lại Thái Bình, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông và Drew Bazil, Viên chức Chính trị, Đại sứ quán Mỹ

Giới thiệu về khóa học

Khóa học Nâng cao Nhận thức Biển là hoạt động đầu tiên của Trung tâm. Tham gia Khóa học có 10 Giảng viên là các chuyên gia, luật sư và nhà ngoại giao về an ninh biển từ Việt Nam, Anh và Mỹ, 25 học viên từ các Bộ, Ngành và Viện nghiên cứu Việt Nam công tác trong các lĩnh vực quản lý, bảo tồn và khai thác biển…

Với 5 ngày học và 10 học phần, các học viên được trang bị kiến thức chung về các khung pháp lý điều chỉnh hoạt động trên biển, quy hoạch không gian biển và thực tiễn hoạt động quản trị biển của Việt Nam và Anh... Một trong các điểm nhấn của Khóa học là các học viên được đào tạo kỹ năng sử dụng phần mềm vệ tinh giám sát hoạt động trên biển mang tên SeaVision do Bộ Giao thông Vận tải Mỹ phát triển.

Khóa học cũng là nơi các nhà hoạch định chính sách quốc tế chia sẻ nhiều phân tích sâu sắc. Về nghiên cứu biển sâu (deep-sea mining), bà Lowri Griffiths, Trưởng phòng Chính sách biển, Vụ Pháp lý Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung, Anh chia sẻ đây có thể là xu hướng mới về khai thác biển. Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA) vẫn đang hoàn tất các quy định về khai thác biển sâu nhưng quá trình này bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Về chống cướp biển, Chuyên gia Jamie Jones từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng Mỹ đưa ra một số thách thức, bao gồm: i) số liệu cướp biển hiện nay chưa phản ánh đúng thực tế, nhiều vụ việc chưa được thông báo; ii) quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) về an toàn hàng hải chưa được chuyển thành nội luật do các nước có thể có ưu tiên khác hoặc không đủ nguồn lực; iii) các biện pháp chống cướp biển mới chỉ tập trung vào vấn đề kỹ thuật, ví dụ như trang bị vũ khí cho tàu thuyền, lắp đặt kho khí tài nổi, tăng cường tuần tra… nhưng chưa giải quyết các nguyên nhân kinh tế - xã hội sâu sắc của nạn cướp biển.

Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Cố vấn về Pháp lý tại Bộ Ngoại giao Mỹ Bob Harris cho rằng các vùng biển của UNCLOS hoàn toàn có thể thay đổi theo biến đổi của đất liền, các quốc gia không nhất thiết phải cố định đường bờ biển. Việc từ bỏ cách tiếp cận theo vùng là không thực tế (good fences make good neighbors). Chia sẻ về “cuộc chiến” công hàm tại Liên hiệp Quốc về Biển Đông, Bob Harris đánh giá: i) một số nước ra công hàm muộn hơn (như Nhật và New Zealand) vì cần thời gian để chuẩn bị; ii) trong tương lai, “cuộc chiến” có thể sẽ tiếp tục; iii) giá trị của cuộc chiến là Trung Quốc đã làm rõ hơn yêu sách của mình trong quá trình phản bác.

Khóa học Nâng cao Nhận thức Biển là hoạt động đầu tiên của Trung tâm. Tham gia Khóa học có 10 Giảng viên là các chuyên gia, luật sư và nhà ngoại giao về an ninh biển từ Việt Nam, Anh và Mỹ, 25 học viên từ các Bộ, Ngành và Viện nghiên cứu Việt Nam công tác trong các lĩnh vực quản lý, bảo tồn và khai thác biển…

Với 5 ngày học và 10 học phần, các học viên được trang bị kiến thức chung về các khung pháp lý điều chỉnh hoạt động trên biển, quy hoạch không gian biển và thực tiễn hoạt động quản trị biển của Việt Nam và Anh... Một trong các điểm nhấn của Khóa học là các học viên được đào tạo kỹ năng sử dụng phần mềm vệ tinh giám sát hoạt động trên biển mang tên SeaVision do Bộ Giao thông Vận tải Mỹ phát triển.

Các học viên trao đổi trong Khóa học

Trong thời gian tới, Trung tâm Ngoại giao Biển của Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao sẽ phát huy tinh thần và kinh nghiệm từ Khóa học Nâng cao Nhận thức Biển đầu tiên, tổ chức các khóa học và hoạt động tiếp nối theo tương ứng với nhu cầu và thực tiễn./.

Bài: Đỗ Hoàng/ Ảnh: Thanh Huyền

 

Cùng chuyên mục