• Khoa kinh tế quốc tế
< >

[Recap] Buổi Tọa đàm “Tầm quan trọng của nhà sáng tạo với nền công nghiệp văn hóa Việt”

00:00 15/05/2022

Sáng ngày 14/5/2022, Khoa Kinh tế Quốc tế đã tổ chức thành công buổi tọa đàm với chủ đề “Tầm quan trọng của nhà sáng tạo với nền công nghiệp văn hóa Việt”. Buổi tọa đàm có sự góp mặt của một vị diễn giả vô cùng đặc biệt - Đạo diễn Việt Tú, Giám đốc sáng tạo của Dream Studio, đồng thời là đạo diễn âm nhạc, đạo diễn sự kiện văn hóa, cùng với sự tham gia của PGS.TS Đặng Hoàng Linh – Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban đào tạo, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế Học viện Ngoại Giao, cô Tào Thị Thanh Hương - Nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Singapore, các giảng viên và các bạn sinh viên Khoa Kinh tế quốc tế.

Thầy Đặng Hoàng Linh và cô Tào Thị Thanh Hương tặng hoa diễn giả

Đây là năm thứ ba đạo diễn Việt Tú có mặt tại Học viện Ngoại giao để trao đổi, chia sẻ với sinh viên về giá trị, tầm nhìn của nền công nghiệp văn hóa. Mang trong mình “dòng máu nghệ thuật” được bộc lộ từ nhỏ, cùng với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật đặc biệt có liên quan đến nền văn hóa Việt Nam, đạo diễn Việt Tú đã bày tỏ những quan điểm, đánh giá của mình về lĩnh vực này một cách chân thật và sâu sắc.

Đạo diễn Việt Tú chia sẻ về lý do đồng hành với Khoa Kinh tế quốc tế - Học viện Ngoại giao trong suốt 3 năm vừa qua.

Chia sẻ về sự đóng góp của nhà sáng tạo trong nền công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển của một quốc gia, đạo diễn cho rằng sự sáng tạo trong việc tạo ra các tác phẩm mang đậm nét văn hóa của quốc gia hay khu vực đang dần trở nên bài bản hơn, được định hướng, định lượng rõ ràng hơn, đồng thời đóng góp lớn cho sự phát triển của quốc gia đó. Thông qua những con số “khủng” từ doanh thu của nền công nghiệp văn hóa KPOP hay của nền kinh tế đêm Anh và Mỹ, diễn giả đã phần nào làm rõ hơn tầm quan trọng của nền công nghiệp này đối với kinh tế của các quốc gia trên thế giới hiện nay. 

Khi nói tới Việt Nam, đạo diễn bày tỏ rằng Việt Nam đang có “lằn ranh mờ” giữa đạo diễn, nhà sáng tạo, agency,... bởi đa số còn đang hiểu sai, nhầm lẫn giữa vai trò của “nhà sáng tạo” với đạo diễn. Bên cạnh đó, nền công nghiệp văn hóa Việt Nam chưa có hệ thống bài bản, quy hoạch cụ thể, dẫn đến một số điểm thu hút khách du lịch đang dần mai một đi. Hơn nữa, dù đang nỗ lực trong việc phát triển công nghiệp văn hóa nhưng Việt Nam chưa tận dụng đúng cách để phát huy hết giá trị văn hóa thông qua khâu tổ chức, cách sắp xếp, bài trí,… Với lợi thế là một quốc gia có nhiều điểm đến thu hút ở mỗi tỉnh thành, diễn giả nhận định rằng nước ta đang triển khai những bước đầu tiên trong việc phát triển nền công nghiệp văn hóa với những hoạch định chiến lược cụ thể của chính phủ. Đồng thời, thế hệ gen Z với tầm nhìn, đam mê tiếp thu những điều mới mẻ từ những quốc gia khác cũng đang tạo ra những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc cho Việt Nam. Đây cũng là thời điểm vô cùng thích hợp để đẩy mạnh sự sáng tạo trong công nghiệp văn hóa Việt Nam thông qua việc học hỏi cách quản trị, đặt sự sáng tạo trên nền tảng hệ thống hóa, quản trị hóa từ nước ngoài hay thông qua mô hình “3 nhà”: nhà nước - cơ quan cho chính sách, cơ chế phát triển; nhà doanh nghiệp - nơi có nguồn lực, dự án; nhà sáng tạo: người tích hợp nguồn lực của “2 nhà” trên để tạo ra sản phẩm cho khán giả. 

Buổi tọa đàm được khép lại sau phần Q&A vô cùng thú vị giữa diễn giả và các bạn sinh viên Khoa KTQT. Bằng vốn kinh nghiệm “xương máu” của mình, diễn giả đã mang lại những kiến thức vô cùng mới mẻ và giá trị dành cho sinh viên Khoa KTQT trong lần trở lại năm nay. Khoa KTQT xin gửi lời cảm ơn sâu sắc và chân thành tới đạo diễn Việt Tú vì đã dành quỹ thời gian quý báu của mình tham gia buổi tọa đàm. Khoa cũng xin cảm ơn quý thầy cô và các bạn sinh viên đã tham gia tích cực, góp phần tạo nên thành công của buổi chuyên đề đầy bổ ích này!

BTT Khoa KTQT

Cùng chuyên mục