Chân dung cựu sinh viên

16:36 30/12/2020

Cựu sinh viên K27

Chân dung cựu sinh viên điển hình

#DAVhub

Bước ra khỏi cánh cổng Học viện Ngoại giao, mỗi sinh viên đều mang theo hành trang trong suốt bốn năm Đại học để chinh phục những chân trời tri thức mới, tạo nên Mạng lưới cựu sinh viên Ngoại giao hùng mạnh toàn cầu. Thế giới bên ngoài Học viện ra sao? Xuất thân từ “cái nôi” đào tạo cán bộ đối ngoại, những trải nghiệm của cựu sinh viên Ngoại giao trên những chặng hành trình mới có gì thú vị?

Mạng lưới cựu sinh viên Học viện Ngoại giao xin ra mắt chuyên mục #DAVhub như một cuốn hồi kí, ghi lại những dấu ấn đầy thân thương của mỗi cựu sinh viên khi nhìn lại một quãng thanh xuân dưới mái trường Ngoại giao, đồng thời lắng nghe chia sẻ về những trải nghiệm của mỗi người khi từ Ngoại giao bước ra với thế giới. Hướng đến dấu mốc Kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện, hãy cùng nhau thực hiện cuộc hành trình “đi thật xa để trở về”.
__________
#1
Mở đầu cho chuyên mục #DAVhub, chúng ta sẽ được lắng nghe tâm sự của chị Bùi Kim Thùy - cựu sinh viên K27 của Học viện Ngoại giao, Thành viên Hội đồng cố vấn Harvard – Asia Pacific:

“Nhờ có bạn quý Vương Thanh Thủy đặt hàng mình viết bài nhân dịp 60 năm thành lập trường, bao kỷ niệm lại ùa về trong bồi hồi xúc động. Mình được cái nhớ lâu (nhưng không thù dai), chép lại tại đây những ký ức đẹp một thời, mua vui cũng được một vài trống canh cho các bạn.

Năm học của tụi mình hình như lần đầu tiên có lớp G. Bạn Sơn được bầu làm lớp trưởng. Buổi tụ lớp đầu tiên mình có ý kiến là “đề nghị lãnh đạo Sơn nói to rõ ràng, đại ý là lãnh đạo không nói to rõ ràng quần thần ở dưới không nghe được ý kiến lãnh đạo thì làm sao làm theo ý chỉ của lãnh đạo được” (lý thuyết chưa, ngốc chưa, thời tuổi trẻ dại khờ của tôi, giờ này lãnh đạo không nói to không nói rõ cũng chả sao cả) thế là ngay sau đó mình được bầu làm Bí thở lớp G, lý do duy nhất, chắc có lẽ vì mình nói to nói rõ.

Học với nhau một thời gian, mình choáng váng hết sức. Các bạn quá giỏi, gia đình quá có điều kiện. Nhiều bạn theo cha mẹ đi nhiệm kỳ nhiều nơi trên thế giới (thời điểm đó mình chưa từng ra nước ngoài một lần nào). Bạn Hoàng Yến hát hay nhảy đẹp hơn Britney Spears. Bạn Quỳnh Trang nói tiếng Anh như người Anh, bạn Ngọc Hà sở hữu nụ cười đẹp nhất mình từng ngắm, bạn Tanh (Lã Cẩm Vân) có ngôi nhà vườn trong Hà Đông thích mê ly, lớp mình hay tụ tập mỗi cuối tuần. Mình nói tiếng Anh giọng nhà quê, vô cùng tự ti. Nghĩ mãi không ra trò gì, mình mày mò học cắm hoa gói hoa bọc quà (Bí thở mà, tháng nào cũng có vài sinh nhật của các bạn trong lớp) được một thời gian thấy các bạn cũng khen (chắc khen động viên), khiến mình mạnh dạn thêm một tí, hăng say tham gia các hoạt động tình nguyện ở trường, hết Mùa hè Xanh bên Sóc Sơn tới hiến máu có lần nửa lít. Bạn Hoành (mình nhớ sau đó Hoành mới làm lớp trưởng G cơ) luôn tình nguyện chở mình đi hiến máu, mặc dù không bao giờ bạn ấy thích mình đi hiến máu và bản thân bạn ấy cũng không hiến máu. Mình nhớ hồi đó mình làm liên lạc viên (từ ngoại giao là LO ạ, hị hị) giữ và chuyển không biết bao thư tình Hoành gửi cho cô gái cùng khóa cùng trường (cô ấy là bạn thân mình). Thư tình của Hoành chất đầy 1 ngăn tủ nhà mình, vì cô gái từ chối không nhận (quá dã man, đương nhiên sau đó mình cũng nộp lại cho khổ chủ là Hoành, tiếc quá hem giữ lại cái nào có phải bây giờ có bằng chứng khoe các bạn không). Mình nhớ có đêm mình cảm động hết sức, đi dạy thêm về tới nhà thấy Hoành, Hiển, Việt Anh, Chung đứng đầu ngõ chờ mình, tưởng chuyện gì, hóa ra chuyện các bạn móc đâu ra tờ Hoa Học Trò số 291 trong đó có truyện ngắn “Chị tôi” em gái mình Bùi Kim Thúy Tồ (Hoa khôi Học viện Quan hệ Quốc tế mẻ đầu tiên 2004, top 10 Hoa hậu Việt Nam 2006) viết về chị gái mà thực ra là viết về một thời bao cấp khó khăn của gia đình mình, cũng như rất nhiều gia đình miền Bắc Việt Nam hồi ấy. Mình nổi tiếng trong trường, không phải thành tích học tập cao siêu gì, chẳng phải vì tài lẻ tài chẵn gì, mà chỉ vì mình là bầu sô của cô em Hoa khôi đầu tiên đó. Quy trình đào tạo (lẫn nhau) rất chi là công phu (vào thời internet và các chiêu trò chưa phổ biến như bây giờ). Mình mua rất nhiều sách (thời này gọi là sách dạy soft skills) về luyện chưởng cùng Thúy tồ, hướng dẫn Q&A ngắn gọn logic súc tích thế nào sao cho hiệu quả nhất đối với phần phỏng vấn/ vấn đáp nếu được vào vòng cuối cùng. Mình cũng thuê thầy tận Hải Phòng về nhà luyện cho Tồ đi catwalk, rồi chị em mày mò tìm chỗ thuê quần áo váy dạ hội... riêng áo dài thì muôn đời của mẹ. Mẹ may cho Tồ một áo in hình đất nước Việt Nam, ngay phần viết lời dẫn trên nền nhạc catwalk lúc Tồ được một bạn nam cao to đẹp trai dẫn ra đi dạo một vòng trên sân khấu – hai chị em mình cũng viết với tất cả tình yêu nước sến sẩm “đất nước Việt Nam hướng mặt ra đại dương lớn nhất thế giới, tựa lưng vào khối lục địa lớn nhất thế giới, Việt Nam là trung tâm ASEAN,…”, thế là phần thi trang phục áo dài khỏi phải nói, nhất luôn và nhất tuyệt đối luôn. Rồi tới phần thi vấn đáp khi Tồ vào đến top 5, câu trả lời của cô gái chắc hội trường đêm đó nhớ mãi. Câu 1 “theo em tiêu chí nào để trở thành một phụ nữ làm ngoại giao?” – như đã được luyện chưởng trước từ nhà (tuyệt đối không lê la dài dòng kiểu “em kính chào Ban bánh khảo và các quý vị các anh chị các bạn iu dấu” mà phải trả lời luôn vào câu hỏi cho đỡ mất thời gian, y như rằng, Tồ lượn một vòng trên sân khấu xong trả lời luôn “Thưa Ban giám khảo, tiêu chí đầu tiên của phụ nữ làm công tác ngoại giao, đó là phải CAO” phía dưới Ban giám khảo và cả hội trường xôn xao, không hiểu sao cô này lại nói thế (giờ mình khôn rồi, mình nói người “tầm thước”), chiều cao cân nặng tuổi tác là những con số hết sức nhạy cảm cần thận trọng trong phát ngôn, nên mình tránh luôn (và cũng mong các bạn không hỏi mình mấy con số đó nha), các bạn thông cảm, bố mình mét tám lấy mẹ mình mét tư, mình được như này là may lắm rồi, may hơn là Tồ và em trai mình còn cao giống bố. Mẹ mình lãi 2/3 số lượng đứa con giống chồng). Chờ một lúc cho khán phòng hạ nhiệt bớt xôn xao, Tồ mới tiếp lời “về nghĩa đen em xin dùng chữ NÊN, về nghĩa bóng em xin dùng chữ PHẢI” câu này nhận được tràng vỗ tay dài không ngớt, sau khi Tồ phân tích thêm 1 phút vì sao PHẢI CAO (về mặt trí tuệ) thì mới làm được NGOẠI GIAO, Ban bánh khảo bồi thêm câu nữa “Tại sao làm ngoại giao phải cần ngoại ngữ?” Tồ trả lời ngay “Ngoại ngữ không chỉ quan trọng với ngành ngoại giao, mà là công dân một đất nước đang mở cửa hội nhập quốc tế đầy khí thế như này thì việc trang bị ngoại ngữ trở thành công cụ giao tiếp, làm việc luôn nên là ưu tiên hàng đầu. Riêng đối với ngành ngoại giao, có ngoại ngữ, chúng ta sẽ hiểu đối phương một cách sâu sắc hơn, một cách toàn diện hơn, mà không cần thông qua một người phát ngôn trung gian”; hị hị thế là nhất luôn đêm đấy. Thế là mình nổi tiếng từ đấy, vì chị em mình cũng đồng thời như bạn thân, đi đâu cũng cặp kè mọi lúc mọi nơi và mình kiêm luôn bầu sô cho em gái trong cả các hoạt động đóng phim, quay quảng cáo sau này. Mình chỉ chính thức thất nghiệp bầu sô khi Tồ trúng học bổng Chevening toàn phần đi học Thạc sỹ ở Anh, lúc ấy mình cũng bắt đầu quay cuồng với các vòng đàm phán FTA chứ không cũng nhớ nghiệp bầu sô chết đi được.

Không thể phủ nhận sức mạnh của trường mình trong việc cho học sinh một nền tảng chắc nình nịch để nhảy vào cuộc đời. Nền tảng đó là ngoại ngữ và sự hoạt ngôn. Các bạn trường mình có khả năng nổi trội về ngôn ngữ (như Phượng như Trang như rất nhiều bạn nữa chật quá mình không kể hết). Hồi ở trường mình nghỉ học tương đối nhiều vì đi làm thêm, may sao cứ lúc điểm danh lại có mặt. Mình nhớ nhất là cô Hà mẹ Trang, cô hiền hậu như mẹ mình vậy, cứ thấy cô là mình nghĩ đến mẹ. Mình nhớ không kém là thầy Ngọ, mình bị tai nạn băng kín cả đầu và nửa mặt mà vẫn đi thi (về quê ăn cưới chị bạn Huệ, đi cùng bạn Nguyệt nghệ hị hị). Tới nơi Thầy đuổi về bảo khỏe hẳn rồi tôi cho thi lại tính điểm như lần một. Mình đi học Thạc sĩ một trong ba thư giới thiệu cũng là từ Thầy, khi đó đang là Đại sứ Việt Nam tại Hungaria. Mình viết sẵn nhưng Thầy sửa 2/3 theo văn phong của Thầy, rất thực chất và làm nổi bật được những ưu điểm của ứng viên. Mình được học bổng năm đó cũng nhờ thư Thầy viết. Luôn biết ơn Thầy vì điều này. Mình nhớ rất nhớ những hôm thi vấn đáp của thầy Lịch thầy Hải. Cứ thầy Lịch hỏi là mình được 10, thầy Hải thì thấp nhất là 9 - vầng, không chăm nhưng hoạt ngôn cũng có lợi các bạn ạ. Thầy sau bao năm vẫn nhớ mỗi khi gặp “cô này hay viết mực tím chữ rất đẹp”. Nói chữ đẹp thì lại không thể không nhắc đến thầy Phạm Sanh Châu. Thầy Châu là bậc thầy Ngoại giao, mình chẳng giỏi đâu, nhưng mỗi khi lên bảng trả bài, thầy nhìn mình bằng ánh mắt kiểu như “so amazing” và cảm thán “sao em viết chữ đẹp dường này” một cách rất động viên, rất truyền lực tích cực cho người học người nghe. Thầy cũng chính là người trao và đội lên đầu em gái Tồ của mình vương miện Hoa khôi đầu tiên của Học viện ngoại giao.

Ra trường đi làm, một trong những hạnh phúc của những cựu sinh viên như chúng mình, là có may mắn được gặp bạn bè đồng nghiệp công tác tại muôn nơi: khắp các Bộ ngành, các Sứ quán và các tổ chức quốc tế. Sức mạnh của chúng ta, của chúng mình, chính là “a verry verry powerful network ở cấp độ toàn cầu”, chứ không chỉ khu vực hay quốc gia. Thật hạnh phúc khi bay ba mươi mấy tiếng, tới nơi có đồng nghiệp thầy cô đón ở sân bay, làm việc phần nhiều suôn sẻ cũng nhờ các thầy cô, các đồng nghiệp, đồng môn này giúp đỡ. Luôn biết ơn những năm tháng đẹp nhất cuộc đời, dưới mái trường IIR mà một phần nhờ đó, mình nên người (dĩ nhiên trường đời sau này mới dạy mình nhiều hơn). Mười mấy năm tham gia đàm phán các FTA mà VN/ ASEAN là thành viên, hạnh phúc hơn nữa, là ko chỉ các bạn đồng nghiệp, đồng môn từ các Bộ ngành khác nhau của Việt Nam cùng tham gia đàm phán, mà còn là các đồng môn IIR từ đoàn Lào, Campuchia cùng chung tiếng nói trong nhiều vấn đề khi tham gia đàm phán quốc tế. Lợi thế về ngôn ngữ giúp mình và rất nhiều bạn (trong đó có Tùng, đã từng làm cho 2 công ty kiểm toán Big 4 và rồi vẫn quay về với lợi thế này – AROMA tiếng Anh của Tùng (Tùng giỏi lắm chả cần nhờ vả gì mình đâu) nhưng mình cũng giới thiệu không biết bao người tới đó học tiếng Anh thực chất, tiếng Anh cho người đi làm) dành được thiện cảm của các bạn quốc tế, các đối tác khi làm việc chung. Họ cứ nghĩ tụi mình được đào tạo ở nước ngoài, và mình tự hào nói “Hem! Mày bị nhầm, tao được đào tạo hoàn toàn tại trường Ngoại giao Việt Nam”.
Hồi tháng 4 mình có tới Harvard chém một bài nhỏ về việc giáo dục đã thay đổi mình như thế nào. Mình không nói được những gì to tát rằng giáo dục đã thay đổi thế giới ra sao, mình chỉ nói về mình thôi, và trường mình IIR được nhắc tới không dưới 10 lần khi mình nhấn mạnh tầm quan trọng giáo dục bậc Đại học (thực chất là giáo dục bậc đại học ở trường mình).

Cảm ơn Trường, cảm ơn các Thầy Cô và các bạn, các đồng nghiệp của mình đã góp phần tạo nên mình phiên bản hôm nay. Mình đã bay qua 53 nước, gặp gỡ biết bao người gần đủ mọi tầng lớp thành phần trong xã hội, nhưng kỷ niệm đẹp nhất, vẫn là những kỷ niệm thời đi học. Gần đây các thầy cô và các bạn có hỏi mình “vì sao Thùy chuyển công tác” – mình nghĩ cái gì cũng có thể thay đổi trừ 2 thứ: bố mẹ sinh ra mình và Tổ quốc/đất nước nơi mình sinh ra, đi qua 53 nước, mai này dù có quốc tịch gì (99% mình vẫn giữ quốc tịch Việt Nam) thì mình vẫn là người X gốc Việt, cái này muôn đời không đổi. Là người Việt, mình mong muốn làm những điều tốt đẹp (dù là nhỏ bé) cho nước Việt. Mình chỉ có 1 mục đích đi theo suốt đời: for a better a brighter Vietnam. Vậy mình làm ở đâu, làm cho ai, làm khu vực công hay khu vực tư, set up 1 business của mình hay làm cho tổ chức nước ngoài, dù làm gì thì mình cũng coi nơi đó việc đó là phương tiện công cụ để mình thực hiện mục tiêu nói trên “for a better Vietnam”. Mục tiêu không thay đổi, còn phương tiện công cụ được quyền thay đổi mà. Những điều này không tự mình nghĩ ra, mà căn nguyên sâu xa chính từ những năm tháng dưới mái trường Ngoại giao. Mong sao chúng ta “Together, we are better” cùng nhau sẽ ghi dấu 1 sự kiện 60 năm thật ý nghĩa".
__________
Bùi Kim Thùy (Ms.)
Cựu sinh viên Học viện Ngoại giao
Thành viên Hội đồng cố vấn Harvard – Asia Pacific
Thành viên Ban Điều hành- Mạng lưới cựu sinh viên Học viện Ngoại giao
__________

Cùng chuyên mục