Cuộc họp lần thứ 12 của Nhóm Nghiên cứu CSCAP về “Ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Châu Á - Thái Bình Dương”

16:12 28/12/2010

Tiếp sau cuộc họp lần thứ 11 của Nhóm Nghiên cứu CSCAP về “Ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Châu Á - Thái Bình Dương” tại Singapore vào đầu tháng 07 vừa qua, hơn 50 chuyên gia an ninh từ các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (bao gồm một số thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN về Chống phổ biến hạt nhân và giải trừ quân bị) đã tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16 và 17/12/2010 để tham dự cuộc họp lần thứ 12 và cũng là cuộc họp cuối cùng trong năm nay của nhóm làm việc này. Đại diện CSCAP Việt Nam và USCSCAP đồng chủ tọa cuộc họp.

Ông Ralph A. Cossa và Ông Nguyễn Hùng Sơn, đại diện USCSCAP và CSCAP Việt Nam, đồng chủ tọa cuộc họp (thứ 3,4 từ trái sang)

Tại cuộc họp lần này, các đại biểu đã cùng nhìn lại những phát triển liên quan đến năng lượng, vũ khí và chính sách hạt nhân toàn cầu trong năm nay, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh về An ninh hạt nhân (Washington, tháng 04), Hội thảo Đánh giá Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (New York, tháng 05), cuộc họp của Ủy ban Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế - Đại Hội đồng Liên hiệp quốc (New York, tháng 10), Hội thảo thực hiện Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (Hà Nội, tháng 09-10) cùng các diễn biến mới trong các cuộc thảo luận về các biện pháp kiểm soát vũ khí, Hiệp ước START mới, những hoạt động mới của Tổ chức thực hiện Hiệp định Ngăn chặn Vũ khí hoá học, sinh học và các vũ khí độc hại khác… Cuộc họp cũng đã chú ý thảo luận những diễn biến mới tại bán đảo Triều Tiên, tình hình hạt nhân tại Iran… và những hệ lụy của các diễn biến này đối với tình hình an ninh chung của khu vực.

Đặc biệt, tiếp sau cuộc họp lần thứ 11 vừa qua và trước tình hình diễn biến phức tạp của các chương trình hạt nhân trên thế giới, an ninh hạt nhân tiếp tục tiếp tục là đề tài chú ý của cuộc họp lần này. Các đại biểu đã tập trung phân tích nhu cầu năng lượng hạt nhân ngày càng tăng tại Châu Á đặc biệt là Đông Nam Á, những hệ lụy của việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong khu vực và các biện pháp ngăn ngừa rủi ro phổ biến hạt nhân trong quá trình này. Tăng cường hợp tác khu vực (đặc biệt là trong kiểm soát đầu vào và xử lý đầu ra của vật liệu hạt nhân) và nâng cao năng lực quốc gia trong bảo vệ các cơ sở sản xuất năng lượng hạt nhân là các giải pháp trọng tâm được đưa ra thảo luận. Ngoài ra, vào cuối kỳ họp, các đại biểu cũng đã bàn bạc về ý tưởng xây dựng lại Nhóm Chuyên gia Năng lượng Hạt nhân CSCAP, xem xét lại dự thảo Biên bản CSCAP về Sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn, cập nhật Sổ tay CSCAP về Ngăn ngừa phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thảo luận về phương hướng hoạt động trong thời gian tới.

* Song song với cuộc họp lần thứ 12 của Nhóm Nghiên cứu CSCAP về “Ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân hàng loạt ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, Chương trình Lãnh đạo trẻ do Diễn đàn Thái Bình Dương - Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế đã được tổ chức với sự tham gia của 28 đại biểu là các nghiên cứu sinh và chuyên viên nghiên cứu trẻ đến từ nhiều nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tham gia chương trình, ngoài việc tham dự các phiên họp của Nhóm Nghiên cứu CSCAP về “Ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân hàng loạt ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” và được khuyến khích thể hiện ý kiến, quan điểm trong các phiên họp này, các đại biểu Lãnh đạo trẻ khu vực còn có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia an ninh hàng đầu khu vực về lĩnh vực hạt nhân. Ngoài ra, chương trình năm nay đã tạo điều kiện cho các đại biểu Lãnh đạo trẻ có buổi tham quan Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh và giao lưu với sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Các đại biểu Chương trình Lãnh đạo trẻ cùng tham gia cuộc họp