Hợp tác Mekong - Lan Thương: Thực tiễn và kỳ vọng
Những năm gần đây, khu vực Mekong đang chứng kiến những thay đổi to lớn. Cùng với sự phát triển kinh tế ở các quốc gia thành viên, lưu vực sông Mekong đang đứng trước những thách thức lớn về môi trường. Hàng loạt giải pháp về kinh tế, kỹ thuật đã được đề xuất.
Hàng loạt giải pháp về kinh tế, kỹ thuật đã được đề xuất. Cùng với đó, việc tăng cường những nỗ lực quốc tế trong quản lý và bảo vệ nguồn nước, hướng tới phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác tại các cơ chế hợp tác tiểu vùng.
Hợp tác Mekong – Lan Thương: đủ và đầy
Trong hơn 10 cơ chế hợp tác hiện có tại Tiểu vùng Mekong, cơ chế Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) đang nổi lên với nhiều lợi thế và những kỳ vọng lớn. Đây là cơ chế có sự tham gia của đủ 6 quốc gia ven dòng sông Mekong - Lan Thương là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc; có nội dung hợp tác bao trùm trên nhiều lĩnh vực.
MLC được thành lập ngày 23/3/2016với việc thông qua Tuyên bố Tam Á của các nhà lãnh đạo cấp cao 6 nước. Hội nghị đã nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác giữa các nước vì lợi ích chung và tầm quan trọng của sông Mekong với sự phát triển của Tiểu vùng và cuộc sống của người dân. Tuyên bố xác định khuôn khổ hợp tác trên 3 trụ cột về (i) chính trị và an ninh, (ii) kinh tế và phát triển bền vững, (iii) xã hội, văn hóa và giao lưu con người với 5 phương hướng ưu tiên là kết nối, nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên biên giới, hợp tác quản lý tài nguyên nước, phát triển nông nghiệp và nỗ lực xóa đói giảm nghèo.
Những kết quả bước đầu
Với chỉ 4 năm hoạt động, MLC đã chứng tỏ sức phát triển năng động của mình với việc hình thành cơ chế làm việc từ cấp cao đến các nhóm công tác chuyên ngành và triển khai các dự án trên thực địa tại các nước thành viên. Cho đến nay, MLC đã cơ bản duy trì cơ chế họp cấp cao 2 năm/lần, họp thường niên cấp bộ trưởng, họp SOM và các nhóm làm việc. Sáu nước thành viên đã thống nhất thành lập 5 trung tâm hợp táctrong khuôn khổ MLC gồm: Trung tâm hợp tác về tài nguyên nước, Trung tâm hợp tác môi trường, Trung tâm hợp tác nông nghiệp, Trung tâm hợp tác giao lưu thanh niên và Trung tâm đào tạo hướng nghiệp.
Bên cạnh đó, các nước cũng thúc đẩy trao đổi học thuật thông qua thành lập Trung tâm nghiên cứu toàn cầu về Mekong. Tại Hội nghị cấp cao Mekong - Lan Thương lần thứ 2 năm 2018, các nước đã thống nhất thông qua Kế hoạch hành động 2018-2022 với các nội dung hợp tác cụ thể trên từng trụ cột. Cho đến nay, MLC đã triển khai hơn 400 dự án sử dụng Quỹ đặc biệt MLC. Các cơ chế hoạt động của MLC đã dần đi vào hoạt động, bước đầu xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động.
Là cơ chế ra đời sau, MLC đã đi đúng hướng khi thể hiện nỗ lực phối hợp chung với các cơ chế khác. Ngày 18/12/2019, Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Lan Thương - Mekong đã ký Thỏa thuận hợp tác với Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC). Đây là thỏa thuận hợp tác đầu tiên giữa MLC với một cơ chế hợp tác khác. Thỏa thuận sẽ giúp cho một số lĩnh vực hợp tác chính như trao đổi dữ liệu và thông tin, giám sát toàn lưu vực, đánh giá chung về tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan ở sông Mekong được hiệu quả hơn.
Tại Hội nghị Bộ trưởng MLC lần thứ 5 tại Vientiane (Lào) tháng 2/2020, các Bộ trưởng đã đề xuất những ưu tiên thời gian tới của MLC gồm: (i) Đẩy nhanh xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động về kết nối khu vực, năng lực sản xuất, nguồn nước, thương mại, nông nghiệp; tăng cường hợp tác ứng phó thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên biên giới; (ii) Thúc đẩy giao lưu, đối thoại giữa các chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý cửa khẩu biên giới; và (iii) Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ đặc biệt MLC. MLC cũng sẽ tăng cường sự gắn kết, bổ trợ của MLC với với các cơ chế hợp tác khu vực liên quan như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Uỷ hội sông Mekong (MRC), và Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS).
Ngay từ khi cơ chế MLC được thành lập, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy việc MLC tăng cường hợp tác bảo vệ, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và coi đây là một trọng tâm hợp tác giữa sáu nước. Trong quá trình tham gia MLC, Việt Nam đã đề xuất một số dự án hợp tác liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước, đưa ra các sáng kiến cụ thể như thiết lập kênh liên lạc (đường dây nóng) trong hợp tác xử lý các tình huống khẩn cấp trên sông Mekong, được các nước ủng hộ và đã đi vào triển khai thực tế. Việt Nam cũng ủng hộ việc xây dựng cơ chế tài chính bảo hiểm rủi ro thiên tai và hỗ trợ tái thiết, khắc phục hậu quả, hợp tác nghiên cứu khoa học chung thông qua Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương. Nhiều hội thảo trong nước và quốc tế về hợp tác tiểu vùng, hoạt động hợp tác nghiên cứu trong khuôn khổ Trung tâm nghiên cứu Mekong được thực hiện. Năm 2020, Việt Nam đã đăng ký và sẽ thực hiện 4 dự án với tổng kinh phí gần 1,5 triệu USD về các lĩnh vực như tăng cường khả năng quản lý lũ lụt và hạn hán, thuận lợi và nâng cao hiệu quả thương mại qua biên giới, hài hòa hóa luật lệ và tiêu chuẩn giữa các nước thành viên Mekong - Lan Thương và nâng cao năng lực về kỹ năng xuất nhập khẩu.
Trước những thách thức lớn về phát triển, môi trường, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang tác động không nhỏ đến hoạt động kinh tế - xã hội của tất cả các nước thành viên, tại cuộc họp Bộ trưởng MLC lần thứ 5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã kêu gọi các nước hợp tác tăng khả năng chống chịu của các nền kinh tế trước những biến động và bấn ổn khó lường, tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực dễ bị tổn thương, có ý nghĩa quan trong đối với sự phát triển nền kinh tế của các nước thành viên.
MLC với kỳ vọng về một tiểu vùng Mekong phát triển bền vững
MLC ra đời đúng vào thời điểm mà vấn đề an ninh nguồn nước trở nên nóng bỏng, cấp thiết hơn bao giờ hết. Năm 2016 đánh dấu một kỷ lục đáng buồn về hạn hán ở sông Mekong khi mực nước tại nhiều khu vực xuống thấp kỷ lục chưa từng thấy trong hàng chục, thậm chí cả trăm năm. Từ đầu năm đến nay, nông dân các nước Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đang phải chứng kiến cánh đồng khô cạn, nứt nẻ chưa từng thấy. Vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước, tăng cường hợp tác trong quản lý dòng sông xuyên biên giới Mekong - Lan Thương là ưu tiên cao nhất không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước thành viên khác.
Với sự tham gia của Trung Quốc, MLC được kỳ vọng sẽ tạo thêm diễn đàn đối thoại giữa các nước cùng chia sẻ nguồn nước sông Mekong, bổ trợ cho hoạt động của MRC, để cùng bảo vệ dòng sông. Việc tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác nguồn nước lần thứ nhất và ký Thỏa thuận hợp tác giữa Với Trung tâm hợp tác tài nguyên nước nước MLC và Ban Thư ký MRC mở ra triển vọng tăng cường chia sẻ thông tin số liệu thuỷ văn, hợp tác trong xử lý các tình huống khẩn cấp như lũ lụt, hạn hán và các thảm hoả khác, nâng cao năng lực quản lý nguồn nước nhằm bảo đảm việc sử dụng bền vững và hợp lý các nguồn nước.
Phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững luôn là những ưu tiên phát triển của các nước thành viên. Cơ chế hợp tác MLC, với những lợi thế của mình, đã đem đến xung lực mới cho hợp tác hướng tới phát triển bền vững ở tiểu vùng Mekong. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn cho các dự án cơ sở hạ tầng, là thị trường quan trọng và chất xúc tác cho phát triển kinh tế. Chính vì vậy, hợp tác trên những lĩnh vực phát triển giữa các nước tiểu vùng và một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được chờ đợi sẽ mở ra hội phát triển kinh tế lâu dài và bền vững cho các nước thành viên.
Dù đến sau, nhưng MLC được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác khu vực trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của hợp tác là đồng thuận, bình đẳng, phối hợp và tham vấn lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Với những thành công trong thời gian qua, MLC cần tiếp tục mở rộng phối hợp với các cơ chế hợp tác đã có ở khu vực như Ủy hội sông Mekong, Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng, ACMECS, Hợp tác Mekong - Nhật Bản hay Sáng kiến Hạ nguồn Mekong hướng tới mục tiêu phát triển bền vững toàn khu vực. Thông qua đó, MLC có thể đóng một vai trò tích cực hơn không chỉ trong trong quản lý nguồn nước mà còn trong các lĩnh vực hợp tác khác.
Duy trì đà hợp tác luôn là thách thức đối với các cơ chế đa phương, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của tất cả các thành viên. Trên hết, MLC cần chú trọng hợp tác thực chất, có thể tạo ra những chuyển biến tích cực trong những vấn đề cốt lõi của tiểu vùng, nhất là vấn đề an ninh nguồn nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững, cân bằng tại mỗi nước thành viên.