• Trung tâm thông tin tư liệu
< >

Trung tâm Thông tin Tư liệu – Học viện Ngoại giao

00:00 20/11/2022

Trung tâm Thông tin Tư liệu là đơn vị thuộc Học viện Ngoại giao có chức năng giúp Giám đốc Học viện quản lý, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu, tài liệu thư viện của Học viện phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu của cán bộ, sinh viên của Học viện và cán bộ của các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao; lưu trữ, bảo quản thông tin thuộc phạm vi quản lý và theo phân cấp của Bộ Ngoại giao và Học viện; đầu mối ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các mảng công tác của Học viện, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin tuân thủ các quy định của Nhà nước và Bộ Ngoại giao về bảo vệ bí mật nhà nước; biên tập và xuất bản Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế - cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao, đặt tại Học viện Ngoại giao, và các ấn phẩm khác phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền đối ngoại

Lịch sử hình thành

Tiền thân của Trung tâm Thông tin - Tư liệu ngày nay là Ban Thông tin - Tư liệu thuộc Viện quan hệ quốc tế, được thành lập năm 1977. Năm 1984-1985, Ban Thông tin - Tư liệu và Thư viện được sáp nhập với tên gọi là Ban Thông tin - Thư viện. Dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Trung tâm Thông tin, Tư liệu là quyết định sáp nhập Trường Đại học Ngoại giao và Viện Quan hệ Quốc tế, Bộ Ngoại giao theo nghị định 78 ngày 19 tháng 5 năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng, theo đó Thư viện của Trường và Ban Thông tin-Thư viện của Viện Quan hệ Quốc tế cũng được sáp nhập, trở thành Ban Thông tin-Thư viện với hai bộ phận là thông tin tư liệu và xuất bản và Thư viện phục vụ cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Năm 1992, Viện Quan hệ Quốc tế đổi tên thành Học viện Quan hệ Quốc tế. Năm 1993, sau nhiều năm ngưng tuyển sinh, Học viện Quan hệ Quốc tế tuyển sinh đại học trở lại, bắt đầu với khóa 20, tiếp đó là mở chương trình đào tạo sau đại học và tuyển sinh tất cả các hệ đều đặn liên tục cho đến nay. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu phải cải tiến, hiện đại hóa công tác thông tin-thư viện nhằm đáp ứng nhu cầu ngày tăng về thông tin và tài liệu học tập, nghiên cứu của bạn đọc, đặc biệt là sinh viên,học viên, giảng viên và cán bộ nghiên cứu của Học viện.

Cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, Internet bắt đầu phổ biến tại Việt Nam. Chiếc máy tính nối mạng Internet đầu tiên của Học viện được đặt tại Ban Thông tin-Thư viện. Qua năm tháng, công tác hiện đại hóa và tin học hóa hoạt động thông tin, thư viện ngày càng được đẩy mạnh. Mạng LAN được xây dựng và mở rộng kết nối Internet nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, sinh viên, học viên có thể tiếp cận, khai thác thông tin nhanh chóng.

Năm 2008 Trung tâm Thông tin-Thư viện được đổi tên thành Trung tâm Thông tin, Tư liệu, theo quyết định số 1785 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Trung tâm gồm ba đơn vị là Phòng Lưu trữ, Thư viện; Phòng Biên tập-Trị sự Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế; và Phòng Thông tin, Tin học.

Với cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ được giao, nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Học viện, trong những năm qua Trung tâm Thông tin, Tư liệu đã có những đóng góp quan trọng, thiết thực vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ Học viện, cụ thể là phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo-bồi dưỡng của Học viện.

Hoạt động nổi bật

Tính từ năm 1993 khi Học viện tuyển sinh đại học trở lại, đến nay Trung tâm đã phục vụ về thông tin, tư liệu, kỹ thuật và công nghệ thông tin cho các hoạt động tuyển sinh, giảng dạy và học tập của 30 khóa đại học chính quy, 23 khóa trung cấp với gần 2.500 sinh viên, 23 khóa cao học với tổng số 2.000 học viên, 13 khóa nghiên cứu sinh tiến sỹ với tổng số 150 nghiên cứu sinh; và hàng trăm lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại, lãnh sự, kinh tế, văn hóa, tiền công vụ, hội nhập quốc tế mỗi năm.

Thư viện hiện có khoảng 55.000 tài liệu, trong đó có hơn 30.000 đầu sách, gần 5.000 khóa luận cử nhân, luận văn cao học và luận án tiến sĩ, hơn 500 báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, 25 loại tạp chí, báo tiếng Việt và 15 loại tạp chí, báo tiếng nước ngoài. Bên cạnh đó Thư viện Học viện Ngoại giao còn có rất nhiều các tài liệu nội dung chuyên sâu về các vấn đề quan hệ quốc tế; kinh tế quốc tế; luật pháp quốc tế; những vấn đề khu vực và toàn cầu; chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam; tình hình chính trị, lịch sử, văn hoá, tôn giáo, quốc phòng, an ninh… của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Số đầu sách giáo trình, chuyên khảo, tham khảo, tài liệu học của các ngành đào tạo được chú trọng cập nhật, bổ sung hằng năm. Tủ sách Nguyễn Cơ Thạch hiện đang được lưu trữ tại Thư viện Học viện Ngoại giao với 2.238 cuốn, phần lớn là bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, trong đó có nhiều sách quý về các lĩnh vực như lịch sử, lý luận, kinh tế quốc tế, quan hệ quốc tế, luật quốc tế. Các thế hệ lãnh đạo Bộ Ngoại giao sau này cũng luôn coi trọng công tác nghiên cứu và thường xuyên tặng Thư viện Học viện Ngoại giao nhiều sách và tài liệu có giá trị để lưu trữ và phục vụ bạn đọc.

Công tác hiện đại hóa Thư viện được đẩy mạnh theo hướng phát triển thư viện điện tử, thư viện số. Đến nay, kho tài liệu của Thư viện đã có 4.999 bản tài liệu được số hóa. Trung tâm đang tiến hành những công việc chuẩn bị cần thiết để tiếp nhận và thực hiện dự án xây dựng thư viện thông minh trong khuôn khổ gói dự án nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng phục vụ việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu của Học viện và Bộ, gần đây Thư viện đã chú trọng tìm tòi, nghiên cứu cách thức để bổ sung các cơ sở dữ liệu khoa học lớn hàng đầu của trong nước và quốc tế, đưa vào Thư viện số. Hiện nay sinh viên, học viên, cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của Học viện và Bộ đã có thể tiếp cận và khai thác cơ sở dữ liệu của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia Việt Nam và cơ sở dữ liệu Proquest Central với hàng triệu kết quả tìm kiếm qua từ khóa chỉ bằng một cú click chuột. Đây có thể được xem là một thành tựu quan trọng mang tính bước ngoặt trong công tác thông tin - thư viện của Học viện.

Trong những năm qua, Học viện cũng đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết quốc tế. Nhiều đối tác quốc tế như Quỹ Ford, Jica, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam như đại sứ quán Singapore, Ô-xtrây-li-a, Pháp, và Trung Quốc cũng đã tài trợ và hỗ trợ thư viện nhiều sách và trang thiết bị, góp phần xây dựng thư viện hiện đại nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người dùng. 

Trung tâm Thông tin Tư liệu là cơ quan đầu mối của Học viện về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Công tác quản trị hệ thống, quản trị mạng ngày càng được củng cố và hoàn thiện, gần đây nhất là việc triển khai dự án lắp đặt và nâng cấp mạng internet không dây cho toàn Học viện, bao phủ sóng internet cho toàn bộ khuôn viên kể cả khu vực ngoài trời. Trung tâm cũng chú trọng tăng cường hỗ trợ triển khai ứng dụng các phần mềm hiện đại một cách rộng rãi trong công tác quản lý điều hành, giảng dạy, và nghiên cứu tại các đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Học viện, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19..

Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế

Cùng với quá trình phát triển của Trung tâm Thông tin, Tư liệu, năm 1993, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế xuất bản số đầu tiên theo Giấy phép số 727 của Bộ Văn hóa - Thông tin. Tiếp đó, để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động trao đổi nghiên cứu học thuật, đặc biệt khi Học viện Quan hệ Quốc tế tham gia Mạng lưới các Viện nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế của các nước ASEAN, Bộ Văn hóa - Thông tin đã cấp phép cho Tạp chí được xuất bản 02 số Tạp chí bằng tiếng Anh mỗi năm.

Dưới sự lãnh đạo tận tâm của các thế hệ Tổng biên tập và Phó tổng biên tập, đồng thời là những nhà ngoại giao xuất sắc, nhà nghiên cứu kỳ cựu như các đồng chí Đào Huy Ngọc, Bùi Thanh Sơn, Phan Doãn Nam, Vũ Dương Huân, Nguyễn Quang Chiến, Dương Văn Quảng, Nguyễn Đình Luân, Đặng Đình Quý, Nguyễn Thái Yên Hương, Nguyễn Vũ Tùng, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hùng Sơn… Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế đã từng bước phát triển, trở thành Tạp chí khoa học có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Trong những năm qua, Tạp chí đã làm tốt các chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại; thông tin, giới thiệu những thành tựu trong lĩnh vực đối ngoại và quan hệ quốc tế của Việt Nam ra thế giới; và trở thành diễn đàn trao đổi khoa học về các vấn đề quốc tế có liên quan trực tiếp đến an ninh, đối ngoại và phát triển của Việt Nam.

Năm 2015, Tạp chí đã được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đưa vào danh mục tạp chí được tính điểm khoa học quy đổi thuộc liên ngành Triết học-Xã hội học - Chính trị học, với mức 0,75 điểm.

Đến nay Tạp chí đã xuất bản được 134 số tiếng Việt và 47 số tiếng Anh. Số lượng và chất lượng nguồn bài ngày càng được nâng cao; mạng lưới cộng tác viên của Tạp chí ngày càng được mở rộng hơn, số lượng độc giả quan tâm ngày càng nhiều.

Một số thành tích đạt được và định hướng phát triển

Với những đóng góp quan trọng và thiết thực vào sự phát triển của Học viện và Bộ Ngoại giao, Trung tâm Thông tin, Tư liệu đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào các năm 2018 và 2023. Nhiều cán bộ của Trung tâm được nhận bằng khen và đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua, lao động tiên tiến hàng năm.

Trong những năm tới, Trung tâm Thông tin, Tư liệu định hướng phát triển trở thành Trung tâm dữ liệu khoa học số của Bộ Ngoại giao và thư viện chuyên ngành quan hệ quốc tế và ngoại giao của quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác tin học và ứng dụng công nghệ thông tin trong các mảng công tác của Học viện Ngoại giao, tham gia thực hiện tốt chiến lược chuyển đổi số của Bộ Ngoại giao; phát triển và nâng tầm Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế tiếp tục giữ vững vị trí là Tạp chí đầu ngành về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại Việt Nam; đưa vào vận hành song song Tạp chí in và Tạp chí điện tử Nghiên cứu Quốc tế, tích cực đóng góp vào công tác thông tin đối ngoại của Bộ và đất nước, hướng tới trở thành tạp chí khoa học có uy tín.

Đội ngũ lãnh đạo Trung tâm Thông tin Tư liệu:

Giám đốc: PGS.TS. Đặng Cẩm Tú (Link Bio)

Phó Giám đốc: ThS. Nguyễn Việt Kiên (Link Bio)

Phó Giám đốc: TS. Lê Viết Duyên (Link Bio)

Tập sự Phó Giám đốc: TS. Nguyễn Đồng Anh (Link Bio)